GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 22)
Chương 22
Ngoại trú
Sống nội trú trong doanh trại được hơn hai năm, theo thông lệ của trường, sinh viên được phép có thể chọn sống ngoài trại. Thời gian hai năm có thể coi như đủ để sinh viên biết tuân thủ kỷ luật nhà binh. Sống theo kỷ luật giờ giấc ăn uống, học tập, nghỉ ngơi, điểm danh mỗi sáng… trước khi xuất trại đi học, đã thật sự biến Triệu thành một cái máy hoạt động đồng loạt với các máy khác!
Tiền trọ hằng tháng được trường đài thọ. Thành phố Bordeaux cũng rất tán thành việc đón nhận sinh viên sống ngoài phố vì sẽ giúp một phần nào cho kinh tế của các thương gia. Các gia đình thượng lưu và trung lưu cũng hi vọng đón nhận các y sĩ tương lai để chọn được các chàng rể cho con cái của họ.
Triệu và anh bạn Nghĩa, người Huế may mắn tìm được hai phòng trống trên từng lầu một của một gia đình, chồng làm thầu khoán xây cất. Chủ nhân vì phải lo cho các công trường nên chỉ thỉnh thoảng mới về lại nhà. Bà chủ là một người đàn bà đứng tuổi, tên Ranchou, sống với hai con, một trai, một gái còn đang học trung học. Bà vốn quê ở miền Auvergne, một vùng đất đai cằn cỗi ở miền núi Massif Central. Dân ở đây do đất đai, khí hậu không thuận tiện như các vùng khác nên được tiếng là những người cần cù, làm việc giỏi. Miền này ở Pháp cũng tương đương với vùng Nghệ, Tĩnh ở Việt Nam.
Bà chăm lo, gìn giữ nhà lúc nào cũng tươm tất. Từ trong ra ngoài, ít khi thấy được một cọng rác! Nghĩa và Triệu vì còn là sinh viên nên bà lo cho cả việc làm phòng mỗi ngày và lo việc sưởi ấm phòng. Xứ Pháp trong thời khoản 1950, là thời gian vừa mới chấm dứt Ðệ nhị Thế chiến, nên các tiện nghi phòng ốc còn rất thô sơ. Mùa Ðông, các nhà vẫn còn phải sưởi bằng các lò sưởi đốt than. Khởi sự nhúm lò đã là việc khó, giữ cho lửa khỏi tắt cũng là một việc không dễ. Than đá thường được trữ dưới hầm đào dưới nền nhà, phải nhiều khó khăn mới đưa từng thùng nhỏ lên gác. Cùng chung trọ trong nhà có thêm một gia đình người Y Pha Nho gồm có hai vợ chồng và một con trai. Ðây là dân tị nạn chánh trị, những người không muốn sống dưới chế độ tướng Franco. Chủ gia đình có nghề thợ mộc, chuyên về đóng nóc nhà nên chỉ trừ mùa Ðông không có việc còn các mùa khác thì luôn luôn bận rộn, vất vả. Bà vợ thì quán xuyến tất cả công việc ở nhà và lo cho cậu con trai độc nhất. Ngoài công việc bếp núc, chồng con, bà còn thêm nghề lãnh việc may vá cho các gia đình khác trong vùng.
Triệu và anh bạn Nghĩa ngày ngày phải đến trường hoặc đi thực tập, canh gác ở các bịnh viện nên chỉ trở về phòng lúc chiều tối. Bà Ranchou nhà lúc nào cũng canh chừng để đốt lò sưởi ấm vào lúc mùa Ðông. Trong bốn năm Triệu sống ở nhà số 28, đường Cruchinet, vào mùa Ðông, chưa bao giờ trở về phòng mà gặp phòng trong tình trạng lạnh lẽo.
Sau nhà có một mảnh vườn nhỏ. Bà Ranchou ngoài công việc trông nom nhà cửa không ngừng tay lại còn có công chăm bón các luống rau cải, cây cối trong vườn. Bà rất hãnh diện mỗi lần trong vườn có bông hoa chớm nở, nhất là vào đầu xuân. Những lần có hoa nở, mọi người trong nhà đều được bà kéo ra vườn để chia xẻ với bà cơ hội vui tươi đó. Triệu cũng rất thích bắc ghế ra vườn đọc sách hay học bài khi thời tiết ấm áp. Sống trong thành phố rộn rịp, được ngồi trong mảnh vườn nhỏ đã giúp cho Triệu được cơ hội thư giãn quý báu.
Có được ra sống ngoài phố mới có được cơ hội hòa mình sinh hoạt với dân chúng. Con đường nhỏ Cruchinet của Triệu chỉ dài độ ba trăm thước. Ðây là một con đường song song với một đại lộ tấp nập tên Ðại lộ La Somme. Cách đại lộ lớn chỉ độ bốn trăm thước nhưng xóm Triệu ở là một xóm rất yên tĩnh. Ngoài độ năm nhà mà gia chủ là những cặp lớn tuổi, hồi hưu, các gia đình khác là những gia đình hoặc công chức, hoặc công nhân. Ðặc biệt có bốn nhà khít vách nhau do các công nhân người Y pha nho tị nạn chánh trị. Trong vùng Triệu trú ngụ cũng còn nhiều gia đình người Y pha nho. Trong vùng có một rạp chiếu bóng nhỏ ở một góc đường, chuyên môn trình chiếu các phim Y pha nho. Những khi rảnh rỗi, Triệu và anh bạn Nghĩa hay đến xem phim ở rạp này vì giá bình dân rất rẻ. Bên Pháp, ở các thành phố, ngoài các rạp chiếu phim lớn, thường chiếu các phim mới phát hành, còn có các rạp nhỏ, chiếu các phim cũ nên giá rẻ, được gọi là rạp xóm nhỏ (cinéma de quartier). Rạp xóm nhỏ của Triệu chuyên chiếu loại có thêm phụ đề tiếng Pháp nhưng phần nhiều phim chỉ toàn nói tiếng Y pha nho. Tuy vậy Triệu cũng thích tham dự vì không khí vui nhộn của khán giả, nhất là khi trong phim có các cảnh đấu bò. Ðến mùa hè, bắt đầu từ chiều thứ Sáu đến cuối tuần, nhiều nơi trong khu phố nghe vang dậy tiếng đàn guitare đánh các bản flamenco hoặc tiếng phách răn rắc của castagnette. Ði qua khu này, tưởng chừng như đi vào một thành phố nào ở Tây Ban Nha.
Bordeaux là một thành phố cổ nên hệ thống thoát nước vào thời Triệu sống ở đó chưa được canh tân. Những vật phế thải từ nhà trong khi làm bếp đều chảy theo cống nhỏ ra bên lề đường trước khi chảy vào đường cống lớn. Có thể nói là chỉ cần quan sát những gì bị tống khứ ra đường cũng có thể đoán biết các món ăn đang được chuẩn bị của căn nhà đó. Các gia chủ vì thế nên lúc nào cũng ra công quét xuống cống các vật dụng từ trong nhà chảy ra và giữ lề đường rất sạch.
Phần đông các gia đình người Pháp thật ra đều có ý thức cao về giáo dục công dân. Lề đường trước nhà luôn luôn được mỗi gia đình quét dọn sạch sẽ. Có việc buồn cười là bà chủ nhà Ranchou một hôm tươi cười hỏi Triệu: “Anh có nhận thấy có việc gì đặc biệt trong cách ăn mặc của mấy đứa trẻ trong xóm không?” Triệu thú thật với bà là mình không có thấy gì khác biệt với trẻ con các xóm khác. Bà Ranchou bảo Triệu nếu để ý nhìn sẽ thấy trẻ con xóm nầy phần đông đều mặc quần có vá ở mông. Nguyên do là ở đường này, cổng của nhà một ông hồi hưu có xây nhiều bậc rất lớn và rộng. Các trẻ con vì thế rất thích cùng ngồi ở bệ cửa nhà ông khi chúng có dịp gặp nhau. Trẻ con thì lúc nào cũng hay xả rác và rất ồn ào trong các trò chơi. Có lẽ vì tuổi già không thích trẻ nhỏ quấy rầy và bắt ông phải nhiều phen quét dọn thềm nhà trước cửa nên không biết vô tình hay cố ý, ông dùng dung dịch có pha đậm nước Javel để rửa thềm. Các trẻ khi ngồi trên thềm nhà ông thì quần bị thấm Eau de Javel nên mông quần bị mục và lủng, khiến các bà mẹ phải ra công vá lại. Sau này mấy đứa trẻ biết việc ấy nên tránh không dám bén mảng đến ngồi trên bậc thềm nhà ông nữa. Từ đó ông được mấy đứa trẻ trong xóm gọi ông là “Ông già ác”(Méchant vieillard)!
Sau hơn hai năm ăn ở trong doanh trại, mỗi ngày đều phải ăn theo thực đơn các món ăn Pháp, nay được sống ngoài phố, Triệu đã thỉnh thoảng ra tài nấu các món ăn Việt cho các bạn đến thưởng thức. Lúc nhỏ ở Biên Hòa, Triệu đã bắt đầu phải vào bếp tập nấu ăn cho cả nhà. Sau này được Duy Thảo truyền thêm nghề nên Triệu kể như là một tay thuần thục bếp núc. Các anh bạn đồng môn nay cũng ra mướn phòng ở như Triệu nhưng phần đông đều ở các phòng nhỏ. Nhà Triệu ở có vườn sau nhà nên rất thoáng. Khi khởi đầu nấu ăn ở phòng, phải ráng cố gắng không gây mùi nấu bếp nhưng một hôm, Triệu làm món sườn ram, mùi thơm đã tỏa ra ngào ngạt. Hôm sau bà chủ Ranchou đã hỏi xem Triệu đã làm món gì mà có mùi đặc biệt như vậy. Sau khi cho bà nếm thử món sườn ram còn dư lại, bà tỏ ra rất thích. Bà đã bắt Triệu phải truyền nghề, nấu cho gia đình cùng thưởng thức. Một anh bạn khác là Phạm Vận còn biết thêm món gà rút xương. Một hôm Triệu xin được món đặc biệt của anh Phạm Vận đem về tặng Ranchou, bà đã rất kinh ngạc, giữ để khoe với các bà trong xóm và chờ cho ông chồng về để biết tài nấu của các đầu bếp tài tử! Thế là từ đó, mỗi lần nấu nướng, bà đã cho Triệu được sử dụng nhà bếp có lò gaz của bà thay vì dùng bếp rượu cồn nhỏ của Triệu.
Thú vui của Triệu và Nghĩa là sau những giờ ngồi học căng thẳng, hai đứa cũng ra ngoài phố khi có các chợ phiên (foire). Ðây là loại chợ di động, được tổ chức định kỳ ở nhiều nơi. Ðoàn người với các vật dụng tổ chức các trò chơi chuyên lưu diễn theo chương trình được định trước hằng năm để tổ chức thú vui cho nhiều địa phương. Nghĩa thích đến các gian hàng có súng cho khách hàng bắn. Nếu trúng đích nhiều lần sẽ được lãnh các giải thưởng. Nghĩa có tài bắn súng nên thường gom được rất nhiều giải. Các chủ gian hàng đều không ngờ trước là tuy gom nhiều giải thưởng, sau phiên bắn, Nghĩa vẫn trao trả tặng lại cho chủ. Nghĩa có tài bắn một phần cũng nhờ Triệu phát hiện. Ở quân trường, ngoài các việc theo học y khoa ở Ðại học, trường có những giờ huấn luyện quân sự cho khóa sinh. Lần đầu tiên đi thực tập bắn, Nghĩa, người có bịnh cận thị nặng, đã bắn trật cả hai gắp đạn, mỗi gắp ba viên. Các viên đạn đã bay đi mất, không viên nào lọt được vào bia. Anh Thượng sĩ huấn luyện viên lắc đầu chán nản. Nghĩa than với Triệu: “Tôi có tật không thể nhắm một mắt được”. Triệu bàn với Nghĩa nên thử dùng khăn nhỏ bịt một bên mắt xem sao. Sau khi thử nghiệm bịt thử mắt trái và ngắm bắn bằng mắt bên phải, Nghĩa đã cho cả ba viên đạn vào trong hồng tâm bia. Huấn luyện viên ngạc nhiên đưa cho Nghĩa thêm một gắp đạn. Anh cũng cho cả ba viên ngay vào hồng tâm, giỏi hơn cả mọi người trong toán khóa sinh đang tập bắn. Giỏi hơn cả anh Thượng sĩ huấn luyện viên. Qua đến khi tập bắn súng lục Colt, Nghĩa cũng cho cả sáu viên trúng vào bia. Anh Huấn luyện viên nói với toán: “Tay này chắc đã có đi lính Việt Minh!”.
Trên đường về trường, Triệu hỏi Nghĩa: “Anh có tập bắn súng trước không? Tôi đã từng đi kháng chiến và có tiếng là tay súng giỏi nhưng chưa bao giờ bắn trúng nhiều viên như anh”. Nghĩa cho biết: đây là lần đầu anh tập súng nhưng có lẽ vì anh biết giữ chánh niệm theo lời dạy nhà Phật nên tay không run khi bóp cò? Kể từ ngày đó, Nghĩa đã thử lại nhiều lần ở các chợ phiên để trổ tài bắn súng của mình.
Những năm trú ngụ tại căn nhà số 28 đường Cruchinet là những năm nhiều kỷ niệm của Triệu. Triệu chỉ tiếc là năm cuối cùng, trong thời gian Triệu phải đi nội trú xa, ở quân cảng Toulon miền Ðông Nam nước Pháp theo chương trình Y khoa thì bà Ranchou đã qua đời sau một cơn bạo bịnh. Triệu không bao giờ quên được hình ảnh người thiếu phụ đã một thời săn sóc và coi Triệu như con trong gia đình. Trong những tháng cuối cùng ở đất Pháp, trở lại phòng trọ cũ, mỗi sáng khi ra cửa, đi ngang qua bếp, Triệu vẫn nhớ hình ảnh bà chủ nhà, ngày này qua ngày khác, vẫn thấy ngồi ở bàn ăn, cẩn thận trét bơ lên các khoanh bánh mì vừa mua ở tiệm về, chuẩn bị cho buổi ăn sáng của các con trước khi chúng rời nhà đi đến trường.