GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 23)
Chương 23
Quân cảng Toulon
Ðến năm thứ Sáu là năm chót của chương trình học Y khoa, Triệu có nhiều tự do hơn trong sinh hoạt hằng ngày vì phải tự động đến các thư viện tìm tài liệu để viết luận án tốt nghiệp. Thời gian viết luận án trên lý thuyết không có ấn định là bao lâu phải hoàn tất nhưng phần đông sinh viên đều cố gắng kết thúc trong một năm. Riêng đối với Triệu là sinh viên nhận học bổng nên bị bắt buộc phải hoàn tất luận án trong năm để có thể sớm phục vụ tại các đơn vị.
Tuy từ nay việc xếp đặt công việc hằng ngày do mình tự định đoạt lấy nhưng mỗi ngày Triệu cũng rất bận rộn. So với những năm học trước kia thì quả thực Triệu thấy có nhiều thoải mái hơn. Giống như những sinh viên khác, Triệu không làm sao quên được những lúc học năm thứ Tư Y khoa. Theo chương trình học, năm đó là năm phải thi về ba môn học chánh yếu: Nội khoa, Ngoại khoa và Sản khoa. Có thể nói đó là toàn bộ sự học hỏi về Y khoa. Chương trình thật rộng lớn bao gồm mọi lãnh vực. Triệu và anh bạn Nghĩa tuy sống khít vách nhau mà cũng ít thời giờ gặp nhau. Nghĩa còn dùng giấy dán các cánh cửa sổ để ánh sáng không lọt vô phòng. Phòng anh chỉ có ánh đèn điện. Mệt thì mới tắt đèn đi nghỉ. Thật là một năm vất vả, học không kể ngày đêm, để có thể ôn lại tất cả chương trình đã học!
Năm chót thứ Sáu như vậy là một năm tuy bận rộn nhưng tinh thần được thư giãn. Trong khi sinh viên dân sự phải theo một năm nội trú, Triệu là quân nhân nên phải chọn làm nội trú trong một quân y viện. Triệu đã chọn Quân y viện Sainte Anne ở căn cứ Hải quân Toulon. Ðây là căn cứ Hải quân lớn nhất của Pháp ở vùng Ðịa Trung Hải. Căn cứ cỡ lớn thứ hai của Pháp là căn cứ Hải quân ở Brest, vùng Ðại Tây Dương.
Luận án của Triệu định viết được một giáo sư của Ðại học Y khoa Bordeaux về Tiết Niệu giao phó. Ông là một trong những giáo sư có tiếng về chuyên khoa Tiết Niệu, nhất là về bệnh ung thư thận, một trong những bệnh làm chết người nếu không được phát giác sớm để được giải phẫu. Trong gần hơn hai mươi năm ông đã chữa trị nhiều bịnh nhân bị ung thư thận và ông muốn truy tìm xem số phận của họ ra sao sau khi đã được giải phẫu. Triệu phải tìm lại các hồ sơ chữa trị và truy tìm tông tích của bịnh nhân xem ai còn, ai mất và tình trạng những người còn sống sót ra sao. Nhân cơ hội phải tìm lại dấu vết của các bịnh nhân cũ đã được chữa trị nên trong thời gian làm luận án, Triệu đã có cơ hội đi thăm bao nhiêu nơi chung quanh vùng Gironde trù phú của miền Tây Nam đất Pháp. Triệu có một năm để làm công việc sưu tầm và cũng để so sánh với kết quả chữa trị của thầy mình với việc làm của các giáo sư khác trên thế giới. Vị giáo sư giao trách nhiệm cho Triệu thường phải đi diễn giảng ở nhiều Ðại học nên thỉnh thoảng ông mới trở về Bordeaux. Triệu đã chọn năm chót nội trú ở tận căn cứ Hải quân Toulon ở Ðông Nam nước Pháp nên chỉ trở về gặp thầy để thỉnh ý và trình bày công việc vào những khi ông trở lại Bordeaux.
Ðể viết luận án, Triệu may mắn được một linh mục Việt đang du học nhường cho một máy đánh chữ hiệu Hermès của Thụy Sĩ, loại cầm tay của các phóng viên nhà nghề. Máy được trang bị để có thể đánh được tiếng Việt. Triệu đã trìu mến chăm sóc chiếc máy thân yêu đã giúp Triệu hằng ngày trong công việc sáng tác. Bao nhiêu đàn em trong gia đình sau này cũng đã sử dụng máy để trình bày các luận án trước khi có việc xuất hiện máy vi tính.
Mặc dầu chưa trình luận án Y khoa nhưng trong năm thực tập nội trú, Triệu được xem như một quân y sĩ thực thụ với quy chế và lương bổng của các quân y sĩ đồng nghiệp khác.
Lần đầu tiên dự buổi ăn trưa ở câu lạc bộ sĩ quan của quân y viện, Triệu mới cảm thấy được cái không khí đặc biệt dành cho giới tham mưu trong quân đội. Từ việc trang trí phòng ăn, bàn ăn, chén dĩa đặc biệt có huy hiệu của đơn vị đến cử chỉ trịnh trọng người dọn thức ăn, tất cả đều khác với phong cảnh của các năm khóa sinh sĩ quan của Triệu. Triệu tự cảm thấy kể từ nay phải có bổn phận tự gìn giữ từ quân phục đến tác phong, lời ăn tiếng nói để xứng đáng với địa vị mới.
Toulon là một vịnh đẹp và rộng lớn nên từ xưa đã được chọn làm căn cứ Hải quân. Cả một hạm đội có thể thả neo ở trong vịnh. Ðây là vùng biển đẹp của miền Ðông Nam nước Pháp thường được gọi là Vùng Biển Xanh (Côte d’Azur). Suốt từ hải cảng Marseille đến Menton giáp biên giới với nước Ý, nối tiếp nhau là các bãi biển danh tiếng như Cannes, Nice, Antibes, Saint Tropez, Monaco… Qua đến mùa hè, những người thích bờ biển đều đổ xô về đây. Sau Ðệ nhị Thế chiến, chế độ xã hội ở Pháp có những thay đổi lớn. Một trong những quyền lợi của người có việc làm là được nghỉ hè mỗi năm ít nhất cũng được một tháng có hưởng lương. Ngoài du khách tấp nập đến đây vào mùa hè, khí hậu ấm áp miền Nam này đã thu hút nhiều doanh gia, tài tử trên thế giới đến đây mua các lâu đài làm nơi trú ngụ. Vua Bảo Ðại cũng có một biệt thự ở Cannes và đã thích sống ở đây hơn là về nước chấp chính!
Triệu đã có một thời gian dài sống ở Bordeaux nên đã quen với phong cảnh các bến tàu. Tuy nhiên Bordeaux tuy là một hải cảng lớn nhưng đấy là một thương cảng. Bến luôn luôn rộn rịp với các cần trục bốc dỡ hàng hóa, các công nhân khuân vác, các xe chuyên chở… Trên bến lúc nào cũng đầy ấp các thương thuyền mang cờ hiệu bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới, từ Nam Mỹ, Phi châu, Mỹ quốc, Gia Nã Ðại… Khác với Bordeaux, Toulon là quân cảng nên trên biển toàn là các chiến hạm của Hải quân Pháp, hoặc đang thả neo hoặc đang di chuyển. Trên bờ là bao nhiêu xưởng máy rộn rịp, các ụ tàu lớn của Hải quân Công xưởng để sửa chữa chiến đỉnh. Ngoài phố trong giờ làm việc thường rất vắng lặng vì hầu như mọi người đều có phận sự nghề nghiệp. Sau năm giờ chiều, khi các công sở đóng cửa, công nhân Hải quân Công xưởng ra về, các thủy thủ được phép rời chiến hạm đi bờ… thì không khí thành phố bỗng bùng lên náo nhiệt cho đến hơn mười giờ đêm mới êm vắng trở lại. Ðặc biệt vào những ngày cuối tháng, khi các anh chàng thủy thủ đã có được đồng lương trong túi thì các nhà hàng, quán rượu, các cửa tiệm… đều tưng bừng đón tiếp các thanh niên giang hồ lãng tử, chi tiêu rộng rãi không cần suy tính. Quân cảng nào trên thế giới hình như cũng có kiểu sinh hoạt như vậy. Các chàng trai trẻ đều thích có lối sống như thế. Mỗi tháng lương có khi được đốt trọn trong vài ngày với bạn bè, bồ bịch hay các cô chiêu đãi trong các hộp đêm, các quán rượu. Sau đó các anh trở về sống lại đời sống ngày ngày ăn cơm của đơn vị.
Nếu vô phúc phải đảm nhận phiên trực vào những ngày cuối tháng, Triệu và nhân viên phòng trực thường phải bận rộn suốt đêm để chăm sóc các quân nhân sứt đầu tét trán đã quá chén đụng độ trong các quán rượu được các toán quân cảnh tuần tiễu gom về. Thật sự thì Triệu rất thích thú với công việc ở bịnh viện. Cho tới nay, chưa bao giờ Triệu lại có cơ hội hành nghề y sĩ trọn vẹn và náo nức như các tháng nội trú ở Toulon. Phần đông các bạn cùng khóa nội trú đã bắt đầu lập gia đình. Ðược cơ hội đến Toulon và các vùng lân cận là những bờ biển danh tiếng miền Nam nước Pháp các anh đều đem gia đình theo và muốn nhân cơ hội, cùng tận hưởng những ngày nắng ấm. Vì Triệu còn đang trong tình trạng độc thân nên Triệu đã ưng thuận lãnh gác thuê bịnh viện thay thế cho các bạn. Với đồng lương y sĩ mới ra trường cùng phụ trội của những ngày gác thế bạn bè, lần đầu tiên Triệu mới dám ra phố ngắm nghía, mua sắm nữ trang và các thiết bị cần thiết để mang về tặng Duy Thảo. So với các bạn đồng khóa, Triệu thích cuộc sống giản dị nên ít tốn kém. Ngày ngày, khi rảnh rỗi Triệu ra biển bơi lội hằng giờ, xong lại chỉ thích món ăn pizza rẻ tiền của người Ý. Triệu chỉ thích loại pizza nhỏ với phó mát, cà tô mát và điểm thêm cá anchois và ô liu. Ngày này qua ngày khác, khi vào tiệm, Triệu chỉ gọi có một loại pizza đó, khiến chủ quán nhiều lần đã đề nghị Triệu nếm thử các loại khác. Nhưng không hiểu sao Triệu chỉ thích khẩu vị của pizza có cá anchois. Sau những giờ phút bơi lội vẫy vùng, bụng đói mà được món ăn thích thú, Triệu thấy không có gì sung sướng hơn nữa!
Trong vùng Toulon có một số người Việt đang làm việc ở các xưởng máy của Hải quân Công xưởng. Phần đông họ nguyên là các lính thợ được động viên qua Pháp trong thời Thế chiến thứ Hai. Vì có tay nghề giỏi nên họ đã được nhận tiếp tục làm việc theo ý muốn thay vì bị đưa về lại quê sau khi chiến tranh chấm dứt. Phần đông đã có lập gia đình với người Pháp nhưng vẫn giữ được thói quen, tập tục Việt Nam. Cùng góp sức với các anh em công nhân ở thương cảng Marseilles, họ đã thành lập được một cảnh chùa ở Marseilles để thỉnh thoảng về gặp lại nhau trong những ngày Ðại lễ Phật Giáo. Anh em đã vui mừng và hãnh diện có một đồng hương nay là y sĩ ở quân y viện nên Triệu đã có những giây phút sinh sống thân mật với các gia đình người Việt.
Trải qua bao nhiêu năm sống ở thương cảng Bordeaux, nay lại có thêm thời gian làm việc ở một căn cứ Hải quân, ngày ngày đều có dịp chung đụng với những người đã gắn bó đời họ với biển cả trên nhiều đại dương, tâm tư của Triệu đã lần lần tiêm nhiễm theo lối sống, lối suy nghĩ của những người từng mang mộng hải hồ. Tiếng sóng biển rào rạt bây giờ lại là tiếng động luôn luôn vang trong tai Triệu. Muốn tìm được thanh bình trong tâm tưởng, muốn được những phút giây thanh thản, Triệu nay chỉ cần tìm được một chỗ bên bờ biển, ngồi nhìn và nghe sóng vỗ từ xa xăm đại dương đưa về. Ðời Triệu đã vô tình lần lần gắn chặt với biển cả lúc nào không hay biết !