GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 25-2)
Chương 25
Hoàn Cố hương (2)
Trong dịp Tết năm đầu tiên trở về xứ, Triệu nô nức đón nghe lời chúc đầu năm của Tổng Thống Diệm. Ông Ngô Ðình Diệm đã kết thúc bài chúc Tết với câu: “Xin Ơn Trên phù hộ chúng ta”.
Lời chúc có tánh cách tôn giáo riêng tư của một Tổng Thống phụ trách một quốc gia với đa phần là những người theo tín ngưỡng thờ phụng Ông Bà, Tổ tiên hoặc Phật giáo hay các đạo khác đã làm Triệu bàng hoàng, thất vọng. Triệu băn khoăn tự hỏi: “Mình đã chọn trở về xứ nhưng có phải đã chọn nhầm chế độ chăng?”
Triệu bắt đầu để thì giờ tìm hiểu thêm về sự việc kể từ ngày ông Ngô Ðình Diệm trở về xứ chấp chánh. Triệu đã lần lần tiếp xúc được với các anh em trong tổ chức Nam Thanh. Một số lớn đã có nghề nghiệp vững chắc trong các xí nghiệp hoặc công ty thương mại ở các đô thị. Một số không ít các anh em thân thích khác, sau khi gặp các khó khăn, không còn thấy hứng khởi làm việc với phía Cộng sản Ðệ Tam nhưng vì không thích gia nhập quân đội vào thời đó còn do người Pháp chỉ huy nên đã chọn gia nhập quân đội các giáo phái. Triệu đã gặp lại và học hỏi được nhiều tin tức do các anh em nay đã gia nhập các đơn vị Cao Ðài. Ðặc biệt, Triệu đã vui mừng gặp một bạn tên Văn Lang, nay mang cấp bậc Thiếu tá. Anh vẫn là người lúc nào cũng trung thành với lý tưởng phục vụ đất nước của mình!
Tổng Thống Diệm đã có một lần thăm viếng Phi Luật Tân với tư cách quốc khách nguyên thủ quốc gia. Hải Quân đã đem chiến hạm thả neo ở vịnh Manila và Tổng Thống Diệm đã trú ngụ trên soái hạm Việt Nam thay vì chọn dinh quốc khách của Phi. Nhân viên Hải Quân thường hay bàn luận về những gì họ biết trong những ngày Tổng Thống Diệm sống với các anh em. Phần đông đều tỏ vẻ khâm phục nếp sống giản dị của ông. Bữa ăn sáng của ông ngày ngày chỉ là cháo trắng với một dĩa dưa món Huế.
Nhờ tiếp xúc được với các bạn cũ từ thời kháng chiến đã có được dịp chứng kiến những đổi thay trong thời gian Triệu xa đất nước cũng như các tìm tòi riêng, Triệu đã biết được những gì đã khiến một số đông các nhân sĩ miền Nam đã phải thất vọng về chánh phủ Ngô Ðình Diệm.
Trở lại thời kỳ tiên khởi, khi ông Ngô Ðình Diệm được vua Bảo Ðại cử về nước nắm vai trò Thủ tướng, ông đã gặp các bất ổn do Pháp xúi bẩy cho tướng Nguyễn Văn Hinh và nhóm Bình Xuyên gây nên. Bảo Ðại đã có văn thư triệu hồi ông Diệm qua Pháp để nhận chỉ thị mới hoặc có thể để thay thế ông Diệm. Trước tình thế ấy, ngày 29 tháng 4, 1955 các ông Nguyễn Bảo Toàn (Việt Nam Dân xã Ðảng), Hồ Hán Sơn (Việt Nam Phục quốc Hội), Nhị Lang (Mặt trận Quốc gia Kháng chiến) đã mời hơn hai trăm đại biểu các nhân sĩ chánh khách và đại diện 18 đoàn thể đến họp và thành lập Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia. Hội đồng đã ra tuyên ngôn đòi truất phế Bảo Ðại và yêu cầu Ngô Ðình Diệm thành lập chánh phủ mới để dẹp loạn Bình Xuyên, đòi Pháp rút hết quân về nước và tổ chức bầu cử Quốc Hội. Ngô Ðình Diệm nhờ thế đã có cơ hội không tuân thủ lịnh triệu hồi của Bảo Ðại và đã giữ được chân Thủ Tướng. Sau đó ông Diệm đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Ðại. Ngô Ðình Nhu, nhận thấy vai trò quan trọng của tổ chức nhân sĩ miền Nam, đã lo ngại là nếu họ giúp giữ lại được ông Diệm thì họ cũng có thể có khả năng kéo ông xuống. Ngô Ðình Nhu vì thế đã tìm cách cho người xâm nhập để chia rẽ, lũng đoạn tổ chức Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia. Cuối cùng, ngày 15-1-1956 Hội đồng này đã bị giải tán. Tệ hại hơn nữa, sau khi nắm được quyền lực, Ngô Ðình Nhu đã âm mưu ám hại lần lần những người đã có công thuở ban đầu, giúp ông Diệm nắm được chánh quyền. Nhiều nhân vật mà Triệu đã có thời quen biết và mến phục thời kháng chiến đã là nạn nhân của các tính toán của Ngô Ðình Nhu. Ðiển hình nhất là trường hợp Nguyễn Bảo Toàn, người đã có thành tích bôn ba hoạt động cách mạng ở biên giới Trung Hoa. Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã cử ông làm Tổng Thư ký đầu tiên của đảng Dân Xã mặc dầu ông không phải là tín đồ Hòa Hảo. Ngô Ðình Nhu đã cho thủ hạ lén lút bắt và cột vào trụ xi măng, quẳng xuống sông Nhà Bè để mất tung tích! Vũ Tam Anh, Chỉ huy trưởng Ðệ nhị Sư đoàn Dân quân Cách mạng, một nhân vật mà Triệu được biết, người rất hăng hái trong thời khởi đầu kháng chiến, đã tham gia tổ chức đại hội Mặt trận Quốc gia Liên hiệp Việt Nam (1) ngày 20-4-1946 ở Bà Quẹo trong đó có giáo sư Phạm Thiều trưởng phòng chánh trị khu 7 , Phan Ðịnh Công đại diện tướng Nguyễn Bình, Mai Thọ Trân đại diện cho Hà Huy Giáp, Kỳ bộ Việt Minh… cũng đã bị mật vụ của Ngô Ðình Nhu thủ tiêu mặc dù khi Ngô Ðình Diệm bị các khó khăn lúc mới về nước chính Vũ Tam Anh và Nguyễn Bảo Toàn đã giúp ông Diệm giữ vững vị trí. Những nhân vật đặc biệt khác ngoài Vũ Tam Anh như Hồ Hán Sơn hoặc Phạm Xuân Giá, Hoàng Văn Thụ… của Phật giáo Hòa Hảo cũng đã bị ám hại do các chỉ thị của Ngô Ðình Nhu. Những nhân vật danh tiếng miền Trung như Tạ Chương Phùng, thường được gọi Cụ Cử Tạ là người đã có công vận động để ông Ngô Ðình Diệm về chấp chánh và đã có mặt cạnh ông Diệm khi ông trở về Việt Nam cũng đã bị Ngô Ðình Nhu bỏ tù sau này. Cháu cụ cử Tạ là giáo sư Tạ Chí Diệp, một người hăng hái hoạt động trong Phong trào Ðại Ðoàn kết và Hòa Bình của Ngô Ðình Nhu cũng đã bị Nhu cho đi tù năm năm ở trại Tam Hiệp và đã bị mờ ám sát hại. Khi Cao Xuân Vỹ vặn hỏi vì sao lại giết Tạ Chí Diệp, Nhu đã cho là việc này là một “accident” (lỡ tay)!
Trường hợp Tướng Ba Cụt, Hòa Hảo bị bắt và xử tử là giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly nước mất tín nhiệm của Triệu đối với Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu. Ba Cụt hay Lê Quang Vinh là người Triệu khâm phục từ thuở đầu kháng chiến. Tuy xuất thân là một nông dân nhưng với tấm lòng yêu nước, can đảm và mưu lược, Ba Cụt đã được Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ tín nhiệm đưa lên cấp bậc chỉ huy. Ba Cụt là một viên chỉ huy quân sự đã có quá trình duy nhất là đã đánh Pháp, đánh Việt Minh và đánh cả với quân đội Quốc gia! Ngô Ðình Diệm đã phải triệu hồi Ðại sứ Nguyễn Ngọc Thơ về để chiêu dụ Ba Cụt ra hàng, qua trung gian ông Cậu của Ba Cụt là người đã từng dạy dỗ Cụt trước kia. Biết được vùng đang hoạt động của Ba Cụt, Ngô Ðình Nhu đã giăng bắt Ba Cụt. Thủ tục xử án Ba Cụt với hai bản án tử hình cũng có những điều quái lạ. Từ ngày khởi tố đến ngày hành quyết việc xử án được tiến hành chỉ vỏn vẹn trong vòng 26 ngày! Ðây là một kỷ lục trong lịch sử xử án của Tòa án Việt Nam. Lê Quang Vinh là một Trung Tá chánh thức trong quân đội Quốc gia, ngày phong chức đã được ghi trên Công Báo. Lê Quang Vinh đã yêu cầu được xử bắn vì là một sĩ quan nhưng ông Diệm đã đưa lên máy chém để hù dọa tín đồ Hòa Hảo. Thân xác Ba Cụt đã được phân tán nơi nào không ai biết, giống như việc Cộng sản Việt Minh đã ám hại và phân tán thi thể Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ năm 1946. Dân miền Nam đã coi việc này là một việc làm thất tín của Ngô Ðình Diệm: chiêu dụ người ra hàng để bắt xử tử!
Bàn luận và kiểm điểm các sự việc trên với các bạn khiến hai anh y sĩ N.V.Ð. và H.V.N. đã chán nản quyết định bỏ xứ, về lại Pháp qua ngả Ðồn Ðiền Michelin. Triệu thì tự nhủ: Dầu gì đi nữa, trong một chế độ dân cử, có ngày Ngô Ðình Diệm cũng sẽ bị thay thế. Ý nghĩ đó cũng được một bạn khác, N.P.Q. tán thành. Triệu cũng không ngờ là về sau chính anh N.P.Q. đã âm thầm tham gia việc lật đổ nhà Ngô với các anh em Thủy Quân Lục Chiến năm 1963. Ngay trong giờ đầu, N.P.Q. là người đã đột nhập đài phát thanh Sài Gòn và đọc lời hiệu triệu đầu tiên của tổ chức quân nhân đã đảo chánh thành công chế độ Ngô Ðình Diệm.
Việc Ngô Ðình Nhu bị chán ghét vì các thủ đoạn, âm mưu thâm độc đã khiến ông Ngô Ðình Diệm đã phải gánh chịu cái chết thê thảm của cả hai.
Riêng Triệu đã có được hai lần giáp mặt Ngô Ðình Nhu. Mặc dầu không có cảm tình với ông Nhu vì các việc làm của ông để củng cố quyền lực nhưng cái chết của ông là việc Triệu không ngờ vì Triệu chủ trương các thay đổi chánh trị phải theo thể thức bầu cử dân chủ.
Lần đầu tiên gặp ông Nhu là nhân lễ bế mạc khóa huấn luyện sĩ quan Tâm Lý Chiến. Triệu được Hải Quân gởi đi học và đã đỗ thủ khoa của khóa. Trường này thành lập do sáng kiến của ông Nhu và được ông theo dõi rất kỹ. Triệu biết được việc ấy vì khi bắt tay tặng bằng tốt nghiệp, ông Nhu đã nói với Triệu: “Tôi có theo dõi các thảo luận của các anh, thấy anh là người biết nhiều sách vở về Marx”. Các anh em sĩ quan tham dự trong hội trường tưởng là Triệu rất vinh hạnh được ông Nhu bắt tay. Không ai ngờ là khi bắt tay ông Nhu, Triệu đang tự nghĩ là phải bắt một bàn tay đã vấy máu nhiều nhân vật cách mạng. Thường ngày, Triệu vẫn ghét một người đã nhẫn tâm giết hại cả một thế hệ những người ái quốc ở miền Nam theo chỉ thị của đảng Cộng sản Ðệ Tam. Ðó là Trần Văn Giàu khi khởi đầu kháng chiến chống Pháp. Ðối với Triệu, bàn tay Trần Văn Giàu đã vấy máu anh em cách mạng, nhưng đây là việc làm ồ ạt trong một thời gian của Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Trấn. Ông Nhu cũng thanh toán đối lập như Giàu nhưng theo những tính toán, những âm mưu âm thầm trong một thời gian thật lâu dài.
Lần thứ hai Triệu được giáp mặt ông Nhu nhân một buổi đi săn ở Tánh Linh, Bình Tuy. Triệu được một anh bạn tên Võ Văn T. rủ đi săn nai vì anh là người thường cung cấp thịt rừng cho anh em trong cư xá Hải Quân. T. là sĩ quan cơ khí làm việc ở Hải Quân Công Xưởng nên đã chuẩn bị cưa chẻ chữ X lên các đầu đạn Garant M1 để khi trúng đạn, thú sẽ quỵ tại chỗ, không lê lết đi xa.
T. vốn quen thân với Quận trưởng Tánh Linh. Lính tráng ở đây đều biết mặt T. nên T. đi vào vùng này rất dễ dàng. Trưa hôm đó T. và Triệu đã gặp ông Nhu và một người bạn cùng đi săn với toán hộ vệ. Ông đã ra lịnh tịch thu hai khẩu Garant M1 của T. và Triệu, hai khẩu súng cũ kỹ, nghèo nàn so với các súng quý, đắt tiền của ông. Khi người hộ vệ đưa giấy ghi tên tuổi của T. và Triệu cho ông Nhu, ông đã sực nhớ ra Triệu là thủ khoa khóa trường Tâm Lý Chiến và đã bắt đầu thân mật hỏi han. Trong giây phút đó người bạn của ông đã nói với ông: “Thôi, mình đi săn, các ảnh cũng đi săn. Xin ông Cố vấn trả lại súng cho họ”. Ông Nhu đã đồng ý và Triệu đã thoát nạn. Sau này hồi tưởng lại, Triệu tự hỏi: không biết có phải tình cờ, Triệu đã gặp ông Nhu ở Tánh Linh khi ông định tiếp xúc với người của Mặt trận Giải phóng miền Nam không? Nếu gặp trường hợp đó, chắc Triệu có thể cũng đã bị thủ tiêu rồi chăng, thay vì được thả về?
Trong năm đầu về lại xứ, Duy Thảo chưa học xong còn ở lại Pháp, Triệu sống một mình với cương vị một y sĩ nên đã có được dịp tham dự một phần nào vào lối sống dân trung lưu thời bấy giờ. Tình hình nam Việt Nam sau Hiệp định Genève khá thanh bình. Dân chúng có thể di chuyển xa một cách an toàn. Các quán ăn, phòng trà hoạt động náo nức. Ðó là thời những ca sĩ như Thanh Thúy mới bắt đầu vào nghề, từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn hát ở quán Ðức Quỳnh, thời của bản hát Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn được trình diễn ở các vũ trường theo những nhịp điệu mới như Cha Cha Cha… Triệu đã tháp tùng các bạn mới, thường đến vũ trường Ma cabane để nghe tiếng hát nam ca sĩ Elvis Phương.
Duy Thảo về nước một năm sau và bắt đầu dạy ở Ðại học Khoa học. Nay có thêm được phần lương của Duy Thảo nên đời sống của cả hai mới được thoải mái một phần nào. Nhưng vì phải khởi đầu từ con số không nên phải hơn hai năm sau, gia đình Triệu mới sắm được một tủ lạnh cũng như một bàn máy may!
Tình cờ một bạn quen từ Pháp về, có chân giáo sư ở Ðại học Khoa học, cho Triệu biết trường có nhận được văn thư “Mật”, chỉ thị phải theo dõi hành vi chánh trị của Duy Thảo vì các hoạt động của Duy Thảo khi ở Pháp. Với tư cách là một y sĩ đàn anh trong nghành Quân Y, so với T.K.T., trưởng ngành tình báo của Tổng thống Diệm, Triệu xin được gặp T.K.T. Triệu được T. tiếp xúc rất thân thiện. Triệu bảo T.: “Hai vợ chồng chúng tôi đã từng hoạt động trong thời kháng chiến, sang Pháp vẫn tiếp tục chống chủ trương thực dân nhưng chúng tôi không phải người cộng sản Ðệ tam. Chúng tôi đã từng đọc các sách như “Retour de l’URSS” của André Gide…, đã tiếp cận với nhiều bạn sinh viên da màu và đã được họ tường thuật những gì họ đã chứng kiến về đời sống thực sự của dân chúng ở Nga. Họ đã vỡ mộng sau những ngày được các đảng Cộng sản cho họ du học ở Nga… Chúng tôi đã ý thức rõ về chủ trương hoạt động thực sự của Cộng sản. Chúng tôi về nước mong góp sức được phần nào vào việc xây dựng xứ sở. Nếu chánh quyền còn nghi kỵ, chúng tôi có thể sẽ trở lại Pháp”. T. đã rất thành thật cho biết các tin tức của cơ quan anh đã thâu thập và bảo: “Xin anh chị đừng lo ngại, chúng tôi đã có đặt trước một thời gian ngắn để tìm biết hoạt động của anh chị mà thôi”.