GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 29)
Chương 29
Người Khách lạ
Trong những lần có dịp xuất ngoại đi Mỹ, khi ghé qua Nhật, Triệu thích đi xem các cửa hàng trình bày các phát minh điện tử, những máy chưa có ở Việt Nam. Vào thời Tổng Thống Diệm, có lần Triệu định đặt mua một máy tự động mở cửa ga ra xe, bấm nút điều khiển từ trong xe khi về đến nhà. Bưu điện cho Triệu biết đó là loại hàng “quốc cấm”, phải gởi trả lại nếu không sẽ bị tịch thâu. Nhật là xứ tự do nên Triệu đã dễ dàng mua được một máy thu và phát thanh, chỉ nhỏ như một hộp diêm. Máy có thể thâu và phát tuyến xa độ mười thước. Lời nói có thể được nghe trực tiếp hoặc được thâu vào máy ghi âm. Triệu thường đặt máy ở phòng khách để biết rõ những ai đã đến nhà vì Triệu và Duy Thảo phải đi làm mỗi ngày. Triệu vốn có cái sở thích dùng các loại máy điện tử như thế. Ngay ở cổng nhà ở làng Ðại học Thủ Ðức, Triệu đã xin được của anh em Quân nhu, các máy thu thanh điện đàm nhỏ đặt trên các chiến xa đã phế thải. Khi có khách đến nhà hay có ai lai vãng ngoài cổng, Triệu thường nghe được những lời bàn tán của họ trước cửa.
Một hôm sau khi đi làm về, ngồi nghe băng ghi lại các chuyện xảy ra khi vắng nhà, Triệu tình cờ biết được anh của Duy Thảo có đến nhà và tiếp một khách lạ. Theo dõi câu chuyện, Triệu đoán là anh T. đã tiếp một bạn cũ và xuyên qua các trao đổi, Triệu đã biết phần nào lý lịch người khách lạ mà thật ra Triệu cũng đã có nhiều lần được biết trong thời 1945, khi người này phụ trách báo Thanh Niên. Sau Hiệp định Genève năm 1954, anh không tập kết ra Bắc và vào thời Tổng Thống Diệm đã lui vào bóng tối vì bị chánh quyền phát hiện và truy nã.
Triệu cũng muốn có được dịp gặp người khách lạ để xem mình đã đoán trúng không và nếu đúng là P. thì đây là cơ hội hiếm có để Triệu biết được phần nào các hoạt động của P. Triệu biết rõ là sau Hiệp định Genève, P. không tập kết ra Bắc và đã gián tiếp trở lại nghề nghiệp cũ. Chánh quyền đã phát giác ra việc này và P. đã lui vào bóng tối sau một lần bị tìm bắt. Nhân danh là một lãnh tụ đảng Dân chủ, P. đang tổ chức tập hợp những người không tán thành đường lối cai trị của Ngô Ðình Diệm nhưng cũng không thích chủ trương Cộng sản. Tuy nhiên, Triệu cũng được biết là năm 1946, Trần Văn Giàu đã kết nạp P. vào đảng. Chủ trương đứng ra tập hợp những người chống chánh phủ Ngô Ðình Diệm lại cũng không tán thành chủ nghĩa Cộng sản trong khi P. chính thức lại là đảng viên Cộng sản là một việc làm có nhiều mâu thuẫn. Triệu định gặp được P. để mong có thể làm sáng tỏ việc này.
Nhà Triệu ở đường Chu Mạnh Trinh vùng Ðồn Ðất nằm ở một vị trí cao, nhìn xuống đường. Cổng nhà lúc nào cũng khóa vì nhà chỉ có Triệu và Duy Thảo cùng một người giúp việc. Thông thường người giúp việc chỉ mở cửa cho các người thân thích của Triệu và Duy Thảo. Mỗi khi có người đến thăm như thế, Triệu thường được báo tin bằng điện thoại. Khoảng hơn một tháng sau, trong khi đang làm việc, Triệu được người giúp việc cho hay là T., anh của Duy Thảo vừa đến nhà. Canh chừng độ tiếng sau, Triệu về nhà. May mắn sao lại đúng lúc anh T. đang tiếp khách hẹn và Triệu đã nhận biết ngay chính là P. Vừa gặp Triệu, P. hơi có vẻ ngỡ ngàng và thú thật đã không ngờ gặp lại Triệu sau hơn mười năm. Triệu cũng cho P. biết là Triệu đã nhận ngay ra P. vì anh đặc biệt lúc nào cũng có miệng cười rạng rỡ. Nhắc lại thời kháng chiến, Triệu cho biết lúc xưa khi hằng ngày bắt sóng đài Nam bộ, Triệu nhận thức bỗng nhiên có sự thay đổi về nội dung các bài bình luận hoặc các chương trình. Sau khi dò hỏi mới được biết là P. đã về thay giáo sư Phạm Thiều khi giáo sư được chỉ định đảm nhận chức vụ khác ở Khu 9.
Sau một lúc hàn huyên chuyện cũ, Triệu đi thẳng vào vấn đề đã định phải hỏi P.: có phải P. đang ra công tập họp những người đang chống đối chánh quyền Ngô Ðình Diệm? P. nhận là anh đang làm việc ấy vì trong Nam, không thiếu gì những người không tán thành chủ nghĩa Cộng sản nhưng cũng không ưa chánh sách cai trị của ông Diệm.
Triệu cười nói với P.: Thời khởi đầu Kháng chiến, anh Ðỗ Cao Minh và Triệu đã lo thành lập Liên đoàn Học sinh vì vào thời đó có một số đông thanh niên không thích gia nhập Thanh niên Cứu quốc vì tánh cách “đỏ” Cứu quốc. Cần phải tổ chức họ vào đoàn thể để góp sức vào công cuộc chống Pháp. Nay P. phát động việc tập hợp sau khi Ðại hội III vào tháng 6 năm 1960 của đảng Lao Ðộng ở Hà Nội đề ra quyết định “giải phóng miền Nam”; e rằng dân miền Nam sẽ nghi kỵ là P. đã làm theo chỉ thị của Hà Nội? Thêm nữa, chẳng những Triệu biết, mà còn nhiều người ở miền Nam cũng biết là P. đã được Trần Văn Giàu kết nạp vào Ðảng nhưng vẫn chủ trương để P. tiếp tục lãnh đạo đảng Dân chủ ở miền Nam vì chỉ P. mới có nhiều khả năng làm việc đó. Riêng Triệu có một điều riêng muốn bàn với P.: Trần Văn Giàu đã kết nạp P. vào đảng Cộng sản năm 1945, trước thời xảy ra cuộc Pháp trở lại xâm chiếm Nam bộ. Nhưng sau đó, thân quyến của P. đã bị phe Trần Văn Giàu sát hại vì có liên hệ với Ðệ Tứ. Như thế P. có bao giờ nghĩ rằng Cộng sản Ðệ Tam sẽ không bao giờ tin tưởng ở P. chăng? P. có bao giờ nghĩ rằng Cộng sản chỉ lợi dụng uy thế của P. để giúp họ trong việc phát huy đảng Dân chủ, một đảng ngoại vi của họ?
Sau vài phút im lặng, đắn đo, P. đáp: “Tôi không thể suy đoán các ý nghĩ thầm kín của họ nhưng chủ trương của tôi, trước sau như một, là nếu làm được việc gì có lợi cho đất nước thì tôi quyết tâm cố thực hiện”.
P. lại nói thêm, như để thuyết phục Triệu: “Với quá khứ của anh, tôi nghĩ là anh nên đứng về phía chúng tôi để tiếp tục làm việc ích lợi cho nước”!
Triệu đáp: “Theo tôi được biết, Giáo sư Phạm Thiều hiện còn tập kết ở Bắc nhưng cách đây không lâu, một buổi sáng vào sở làm, tôi thấy có một bức thư để trên bàn viết của tôi. Một bàn tay bí mật đã đem thư của Thầy Phạm Thiều gởi cho tôi. Tôi đã nhận ra được nét chữ viết nhỏ rất đều đặn bằng mực tím của Thầy. Thầy khuyên tôi nên đứng vào hàng ngũ những người đang chống chánh quyền hiện tại ở miền Nam. Nhưng thú thật với anh là tôi muốn đứng ở vị trí hiện tại của tôi vì tôi có nhiều tự do trong ý nghĩ của tôi. Tôi không muốn đứng vào một thế bị gò bó trong ý nghĩ và hành động”.
Triệu hỏi thêm: “Anh có bao giờ nghĩ rằng việc anh đang tổ chức thế nào cũng sẽ bị Hà Nội xâm nhập điều khiển và lợi dụng? Muốn giữ một chỗ đứng ở miền Nam tương đối độc lập với Hà Nội, anh có nghĩ rằng nếu thể chế ở miền Nam hiện nay có thay đổi theo một chiều hướng mới, các anh có thể nghĩ đến một thỏa hiệp mới để có cơ hội giữ một thế thăng bằng Nam-Bắc với Hà Nội? Khi các anh tổ chức và củng cố thành một thực lực, tôi không nghĩ rằng các anh có thể có được thế đứng độc lập với Hà Nội nếu các anh không chấp nhận thỏa hiệp với thể chế ở miền Nam. Thể chế miền Nam dẫu sao cũng là một thực thể. Các anh sẽ là một thực lực có thể xem là không phụ thuộc vào Hà Nội nếu các anh cùng thể chế miền Nam tìm kiếm được một thoả hiệp trong tương lai.
P. không trả lời ngay cho Triệu. Anh chỉ nói rằng đây là một vấn đề cần có nhiều thời giờ suy gẫm.
Sau cùng, Triệu đã chia tay với P. để P. tiếp tục bàn việc với T., anh của Duy Thảo. P. thỏa thuận với Triệu là trong tương lai, nếu có việc cần trao đổi tin tức, hai đứa chỉ cần viết thư không ký tên, chỉ cần trong thư có đoạn để ba dấu chấm để làm ám hiệu nhận diện.
Ðó là lần cuối cùng Triệu gặp lại P.