GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 30)

Chương 30

Ðệ Nhất Cộng Hòa, những ngày cuối cùng

Tình hình chánh trị miền Nam sôi động mãnh liệt sau vụ chánh quyền ở Huế cấm treo cờ Phật giáo vào ngày lễ Phật Ðản, tháng 5 năm 1963. Dân chúng bất bình vì coi đây là việc cấm đoán có tánh cách kỳ thị tôn giáo, nhất là việc cấm đoán này đã xảy ra không lâu sau những ngày cờ xí Thiên Chúa giáo đã được treo đầy đường nhân dịp chúc thọ Ðức Cha Ngô Ðình Thục.

Việc giải tán đám đông tụ tập trước đài Phát thanh Huế bằng vũ lực đã gây thương vong và chết chóc khiến sự phẫn nộ của quần chúng Phật giáo đã càng ngày càng gia tăng cường độ. Ngày 11 tháng Sáu năm 1963, tức vào 20 tháng Tư năm Quý Mão, Hòa thượng Quảng Ðức đã tự thiêu cúng dường ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Bức hình chụp cảnh Hòa thượng tự thiêu trong thế ngồi kiết già đã được truyền thông và báo chí phổ biến trên toàn cầu và đã đánh động lương tâm quốc tế. Cuối cùng việc bố ráp lục xét chùa chiền, vây bắt tăng ni đêm 28 tháng Sáu năm 1963 đã làm cho dân chúng mất hẳn lòng tin ở chế độ Ngô Ðình Diệm vì trước đó, Tổng thống Diệm đã long trọng cam kết hứa sẽ điều đình về các chánh sách bất công đối với Phật giáo. 

Kể từ đó, những tin đồn sắp có chuyện đảo chính chế độ Ngô Ðình Diệm đã được dân chúng loan truyền hầu như hằng ngày.

Một hôm, anh bác sĩ N.P.Q. ghé thăm vợ chồng Triệu và đề nghị Triệu nên tạm thời về nhà ở làng Ðại học Thủ Ðức vì nếu có đảo chính, nhà của Triệu sẽ nằm trên lằn đạn giao tranh giữa Hải quân và thành Cộng Hòa, nơi đồn trú của lực lượng bảo vệ dinh Ðộc Lập.

Triệu tin chắc là bác sĩ Q. đã biết được tin chính xác về việc mưu toan đảo chính, nhưng Tư lịnh Hải Quân lúc ấy là Ðại tá Hồ Tấn Quyền, một người tận tình ủng hộ Tổng thống Ngô Ðình Diệm, nên việc giao tranh giữa các chiến hạm Hải Quân và đơn vị đồn trú thành Cộng Hòa là việc khó xảy ra.

Các đơn vị quân đội âm mưu đảo chính chính quyền Ngô Ðình Diệm cuối cùng đã lấy quyết định khởi diễn ngày 1-11-1963. Trước ngày đó, Tư lịnh Hải Quân Hồ Tấn Quyền đã bị giết ở Thủ Ðức. Trong cuộc giao tranh giữa các đơn vị đảo chánh và quân sĩ thành Cộng Hòa, hỏa lực các chiến hạm Hải Quân không yểm trợ cho binh sĩ phòng vệ dinh Tổng Thống vì vị chỉ huy tối cao của đơn vị đã đột ngột vắng tiếng. 

Ðúng như Triệu đã tiên đoán, bác sĩ N.P.Q. là quân nhân Thủy quân Lục chiến đã nhân danh các đơn vị đảo chánh, đầu tiên tuyên đọc lời hiệu triệu khi toán của anh đột nhập chiếm được đài phát thanh Sài Gòn ngay trong giờ đầu của cuộc nổi dậy. 

Có thể vì đã rút được kinh nghiệm về cách hành sử “cạn tàu ráo mán” trước kia của Ngô Ðình Nhu đối với những người mà ông Nhu cho là đã chống lại chánh quyền Tổng thống Diệm nên để tránh hậu hoạn nếu ông Nhu có thể trở lại chánh quyền, các quân nhân tổ chức đảo chánh đã lấy quyết định đưa đến cái chết của hai anh em Nhu-Diệm. Dân chúng Sài Gòn đã hồ hởi thấy cuộc đảo chánh thành công và đã náo nức đến ủy lạo các đơn vị có công trong việc lật đổ ông Diệm. Việc này chứng tỏ chánh phủ Tổng thống Ngô Ðình Diệm thật sự đã làm mất lòng tin tưởng của dân.

Tiếc rằng sau cuộc đảo chánh thành công này, miền Nam lại phải trải qua một thời kỳ xáo trộn. Các phe nhóm quân nhân đã thay phiên nhau giành chánh quyền khiến tình hình chánh trị bất ổn thường xuyên. Không bao lâu sau ngày đảo chánh thành công, các tướng lãnh có công trạng lại bị tướng Nguyễn Khánh “chỉnh lý”! Bác sĩ N.P.Q. trong những ngày này đã phải tìm cách lánh mặt trong bịnh viện Grall, nhờ được sự che chở của các bạn y sĩ Pháp của bịnh viện.

Không bao lâu sau cuộc đảo chánh, ông M. người có công tổ chức âm mưu này đã lên làng Ðại học Thủ Ðức để viếng thăm thân phụ của Duy Thảo. Ðây là việc thường làm của ông M. mỗi khi ông muốn có cơ hội ra ngoài thành phố để tìm những phút thư giãn. Triệu muốn nhân cơ hội này tìm hiểu các toan tính chính trị của ông M. Thường ngày theo dõi tin tức trên các đài phát thanh ngoại quốc cũng như trong nước như đài Hà Nội và đài của Mặt trận Giải phóng miền Nam, Triệu đã nhận thấy đài Mặt trận đã có những lúng túng trong các bài bình luận trong những ngày sau cuộc đảo chính. Trước kia, ngày ngày lúc nào cũng nghe đài ra rả các khẩu hiệu công kích “Mỹ Diệm”. Nay đối tượng “Diệm” mất, chắc họ còn đang nghiên cứu các khẩu hiệu khác? 

Ðem việc này trình lại ông M., Triệu góp ý: Nhiều thành phần đối phương đã chống đối đường lối cai trị của ông Diệm không phải là những người tán đồng chủ nghĩa Cộng sản. Nay chánh phủ ông Diệm không còn nữa, toán ông M. có nghĩ đến việc nên kêu gọi những thành phần này trở lại hiệp tác với chánh phủ mới hay không? 

Ông M. không trả lời Triệu trong một thời gian rất lâu. Cuối cùng, ông lơ đãng nhìn ra hàng dương của Triệu trồng trước nhà và bảo: “Sao lại trồng hàng dương trước sân? Không nên làm như thế, ít người chịu làm như vậy”. Riêng Triệu thì ngày trước sống với thân phụ ở Ðà Lạt nên vẫn thích nhìn cảnh thông reo trong gió. Vì thế khi nhà ở Thủ Ðức vừa được cất xong, Triệu đã trồng ngay một hàng dương trước sân nhà vì dương tuy đem lại bóng mát nhưng là loại bóng mát thoáng, không đen tối. Mỗi khi gió thổi tiếng gió lùa qua lá cũng giống như tiếng thông reo. 

Ông M. còn bồi thêm: “Ngay trước nhà lại trồng thêm cây chuối rẽ quạt. Tên loại chuối này chỉ đem đến chuyện xúi quẩy”. Lúc Triệu mới vừa lớn lên, mồ côi mẹ nên được ông ngoại đem về nuôi ở Vĩnh Long. Trước sân nhà ông ngoại thời bấy giờ có một vườn hoa nhỏ. Ngay chính giữa bồn bông, có trồng một cây chuối rẽ quạt rất đẹp. Có lẽ chủ nhà trước kia là một người Pháp từng sống ở Madagascar, nơi đã xem loại chuối này là biểu hiệu của đảo, nên đã đem trồng làm cảnh. Triệu rất thích hình ảnh cây chuối loại này và đã tìm được đem trồng ở Thủ Ðức, một phần cũng để tưởng nhớ đến ngoại là người đã cưu mang Triệu đến trưởng thành.

Triệu muốn đem chuyện tương lai đất nước bàn với ông M., ông lại đem các chuyện dị đoan để đáp lại khiến Triệu vô cùng thất vọng. Từ đó, tuy rất kính nể ông M. nhưng Triệu chỉ xem ông là người tuy thật tình có lòng yêu nước nhưng ông không phải là người có bản lĩnh để toan tính các chuyện chính trị lâu dài.

Miền Nam đã phải trải qua một thời kỳ bất ổn sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm. Dân chúng đã phải khốn khổ chứng kiến những cuộc đảo chính liên tiếp tranh giành quyền lực của các phe nhóm quân nhân. Thêm vào đó, nếu ngày trước có một số tu sĩ Thiên Chúa giáo lợi dụng uy thế của Tổng thống Diệm để xen vào việc chính trị hoặc hành chánh thì nay vì cậy có một phần công đóng góp trong cuộc lật đổ chánh quyền Diệm, một số “kiêu tăng” Phật giáo lại cũng đi vào con đường lẫn lộn đạo và đời của các tu sĩ Thiên Chúa giáo trước kia. Tình hình an ninh vì thế càng ngày càng tồi tệ. Việc ấy cuối cùng đã đưa đến giải pháp: Mỹ bắt đầu đổ quân ở Chu Lai, Ðà Nẵng. Việc quân đội Mỹ tham chiến đã làm cho miền Nam mất phần nào chính nghĩa trong cuộc tự tranh đấu bảo vệ một thể chế tự do. 

Kinh nghiệm đã cho thấy nơi nào trên thế giới có sự hiện diện của quân đội Mỹ thì các xáo trộn, thay đổi đời sống xã hội cũng đều xảy ra vì mãi lực của đồng đô la Mỹ. Triệu đã từng thấy việc này xảy ra ngay cả ở Pháp là một nước tân tiến có nền văn hóa cao. Lúc đó là vào thời Liên Sô phong tỏa Berlin. Mỹ đã phải lập cầu không vận tiếp tế. Thế chiến tưởng hầu như đã có thể xảy ra. Ở Bordeaux vào lúc đó, quân đội Mỹ đã hiện diện càng lúc càng đông. Quân cảnh Mỹ trên các xe Mỹ sang trọng sơn trắng với bản “Military Police”đã ngày đêm tuần hành trên phố để giữ trật tự trong khi các toán quân cảnh Pháp lại phải lội bộ trong trời giá lạnh mùa đông. Quân nhu, quân dụng chuẩn bị cho chiến tranh được các tàu chuyên chở Mỹ đổ hàng ào ạt chất đống khơi khơi ngoài trời ở các bờ biển hoang vắng vùng Landes của miền Gironde, không lo gì đến việc có thể mất mát. Các quán ăn, rạp hát, vũ trường …đều phát đạt hẳn lên vì sự hiện diện của lính Mỹ. Các cô gái Pháp một số đã bỏ bạn Pháp, theo các bạn mới qua từ bên kia bờ Ðại Tây Dương. Các bạn Pháp của Triệu đã than: lương tháng lính Pháp mấy trăm quan, làm sao so sánh với lương cả ngàn quan của lính Mỹ! 

Sự hiện diện gần nửa triệu quân nhân Mỹ ở Việt Nam đã làm cho xã hội miền Nam có những thay đổi chưa từng thấy. Mặc dầu về mặt kinh tế, thương mại, miền Nam đã có được những tiến bộ tích cực nhưng các biến đổi trong lãnh vực văn hóa xã hội đã làm đảo lộn các nấc thang giá trị vẫn từng có trong quá khứ.
Về mặt quân sự, tuy hình thức chiến tranh loại du kích vẫn còn duy trì nhưng các chiến trận lớn đã thấy bắt đầu với những đụng độ trên cấp trung đoàn. Ở mặt trận An Lộc, địch quân đông trên nhiều sư đoàn với chiến xa, đại bác tầm xa đã xuất hiện. Mặt trận Huế với trên 9 sư đoàn địch đã gây nên những đổ vỡ và tử vong chưa từng thấy trước kia. 

Một buổi chiều hai tuần trước Tết Mậu Thân 1968, Triệu đang đứng trước nhà nhìn xuống đường bỗng thấy một xe taxi ngừng trước cổng. Một cháu gái của Triệu, nhà ở chợ Thái Bình xuống xe đến bấm chuông. Triệu vừa mở cửa thì cháu đã ra hiệu cho một người còn ngồi trong xe mở cửa và xông hẳn vào trong nhà. Ðứa cháu nói vội với Triệu: “Cậu T. về đó”.

Triệu vào nhà, ôm lấy người cậu mà Triệu đã xa cách trên hơn hai chục năm. Năm 1947, cậu đã nhiều năm bị Pháp giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Sau khi mãn tù, cậu đã ra khu tiếp tục kháng chiến. Sau hiệp định Genève 1954, cậu đã tập kết ra Bắc và gia đình bên ngoại của Triệu đã bặt tin của cậu từ đó.

Cậu cho biết là cậu đã trở về Nam hơn một năm và đã được chỉ thị về Sài Gòn điều nghiên tình hình. Cậu đã bị bắt ở Khánh Hội trong một cuộc lục xét nhà và vì không có chứng cớ buộc tội nên đã được thả trước các ngày lễ Tết.

Việc cậu T. bị Pháp cầm tù và sau đó đã đi vào khu là một việc đã làm Triệu hối tiếc vì đã đem đau buồn cho gia đình bên ngoại. Lúc ông ngoại Triệu hồi hưu về Biên Hòa, cậu T. vì lận đận thi bằng Thành chung nhiều lần không đỗ nên phải đi làm công nhật ở sân bay Biên Hòa. Cả gia đình sinh sống nhờ đồng lương hằng tháng của cậu. Cuối cùng cậu cũng đậu được bằng Thành chung nên thi vào được làm Thơ ký Chánh phủ, một nghề công chức khá đảm bảo vào thời bấy giờ. Ðược thâu nhận làm Thơ ký Chánh phủ, cậu T. phải qua Sài Gòn nhận việc ở Tòa Thanh tra Lao động. Sau cuộc Cách mạng Mùa thu năm 1945, người Pháp đã chiếm trở lại miền Nam và cậu T. tiếp tục làm việc ở Tòa Thanh tra Lao động đường Trần Hưng Ðạo.

Lúc đó cậu T. chọn nơi cư ngụ ở xóm Lò heo Mới, Gia Ðịnh. Vào thời đó Triệu đang tham gia kháng chiến ở vùng này và đã giới thiệu cậu T. gia nhập tổ chức. Cơ sở không may đã bị nội tuyến và cậu T. đã bị bắt, giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Em gái của Triệu hằng tuần đã lo việc thăm nuôi cậu trong suốt thời gian thọ án. Gia đình bên ngoại ở Biên Hòa từ lâu sống được phần nào khá đầy đủ nhờ đồng lương của cậu T. nay đã phải trải qua một thời kỳ điêu đứng về tài chánh. Triệu đã bao phen tự trách mình đã có trách nhiệm trong việc làm cho gia đình bên ngoại đã phải trải qua một thời gian dài thiếu thốn.

Ngày nay gặp cậu T. trở lại, hai cậu cháu đã trao đổi với nhau bao nhiêu chuyện đã xảy ra trong gần hơn hai chục năm xa cách. Chuyện kỷ niệm về hai ông bà ngoại đã mất, chuyện các biến chuyển ở miền Nam. Cậu T. thuật cho Triệu biết chuyện những ngày gian truân tập kết ở Bắc, chuyện gian khổ vượt Trường Sơn trở về Nam. Mặc dầu hai cậu cháu trên lý thuyết đều đứng trên hai chuyến tuyến đối nghịch nhưng tình cảm gia đình đã thành thực giúp được sự thông cảm của hai phía.

Trở Về

Tìm Kiếm