GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 31)

Chương 31

Tết Mậu Thân

Những tiếng súng vang dội của bộ đội Cộng sản mở đầu cuộc tấn công vào ngày Tết Mậu Thân ở Sài Gòn – Chợ Lớn là một sự bất ngờ vì theo thông lệ từ trước, bao giờ cũng có hưu chiến trong những ngày lễ Tết thiêng liêng của dân tộc.

Như nhiều người khác, lúc đầu Triệu tưởng là tiếng pháo đốt mừng ngày Tết nhưng âm thanh dồn dập của các loạt tiếng súng đặc biệt AK 47, khác với các loại súng của quân đội Việt Nam đã giúp Triệu biết ngay là Sài Gòn đã bị đột nhập. Lúc này tuy Triệu vẫn cư ngụ trong cư xá Hải Quân nhưng lại đang phục vụ ở Cục Quân Y nằm trước Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Gò Vấp. Hải Quân vào thời trước năm 1968 còn là một quân chủng nhỏ. Triệu đã leo lên đến cấp bậc cuối cùng của bản cấp số của quân chủng được chấp thuận nên đã được chuyển về Cục Quân Y để tiếp tục phục vụ.

Những cú điện thoại liên hồi từ Cục Quân Y và bộ Tổng Tham Mưu đã hối thúc Triệu đến ngay đơn vị. Nơi đây Triệu tiếp tục nhận được các báo cáo từ nhiều quân y viện trên toàn quốc gởi về trung ương nên đã ý thức được quy mô của cuộc tổng tấn công của Cộng sản đã cố tình vi phạm thỏa thuận đình chiến để gây yếu tố bất ngờ.

Ngoài việc đột nhập vào tòa Ðại sứ Mỹ ở đường Thống Nhất, một cuộc đột nhập được mau chóng giải tỏa nhưng đã gây không ít chấn động trên truyền thông quốc tế, Sài Gòn-Chợ Lớn còn bị tấn công từ nhiều phía. Nhiều nơi đã được giải tỏa mau chóng trong vài ngày sau đó nhưng các mặt trận vùng Gò Vấp và Chợ Lớn đã phải mất trên vài tuần mới xua được địch quân ra khỏi các vị trí họ đã chiếm đóng. Những cuộc giao tranh trong thành phố đã khiến nhiều gia cư của dân chúng bị thiêu hủy. Hằng ngàn gia đình phải chịu cảnh nhà tan, của mất. Thanh niên và dân chúng tình nguyện xây cất những trung tâm tạm cư như trung tâm Petrus Ký để nạn nhân tạm thời có nơi trú ẩn. Tình cảnh này cũng đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành toàn quốc.

Ngoài việc quân đội được huy động để đẩy lui và tiêu diệt địch quân, việc phải cứu trợ nạn nhân chiến cuộc là một công việc quy mô và khẩn cấp. Chánh phủ của Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc đã phải làm việc ngày đêm để giải quyết các nhu cầu cấp bách của các trại tạm cư. Bộ Xã Hội của chánh phủ với một ngân khoản quốc gia hạn hẹp đã thấy không đủ khả năng đáp ứng. Anh bác sĩ N.P.Q. đang đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ và cũng đang phụ trách Phủ Tỵ nạn Cộng sản đã du di phương tiện của Phủ sang bổ sung tạm thời cho Bộ Xã Hội. Phủ Tỵ nạn Cộng sản có được ngân sách viện trợ trực tiếp của Mỹ để lo cho các trại Tỵ nạn Cộng sản nên được nhiều phương tiện dồi dào hơn. Trước tình thế khẩn trương mới, Bộ cần được bổ sung thêm nhân sự. Việc này đã được bác sĩ Q. đem ra bàn ở Hội đồng Nội các và đã được Thủ tướng Lộc đồng ý. 

Triệu đang làm việc ở Cục Quân Y đã bất ngờ được tùy viên của Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc gọi điện thoại đến trình diện Thủ tướng. Ông Lộc là một luật sư và cũng là một nhà văn. Ông cũng là một nhân sĩ giáo phái Cao Ðài. Trong câu chuyện, Thủ tướng Lộc cho biết là ông đã biết Triệu qua sự giới thiệu của các quân nhân trong quân đội Cao Ðài. Các anh em này như Tham mưu trưởng Ð. Q. D hoặc Thiếu tá Văn Lang là những anh em trước kia đã từ bỏ vùng kháng chiến trở về gia nhập quân đội của giáo phái Cao Ðài để tiếp tục chiến đấu. Ông có ý định mời Triệu tham gia Nội các để góp tay giúp bộ Xã Hội. Ông cũng đã biết Triệu đã gia nhập quân đội từ năm 1950 và ông có thể cho Triệu được giải ngũ để tiện hoạt động trên cương vị mới.

Thế là Triệu đã giã từ quân ngũ để nhận chức vụ Thứ trưởng bộ Xã Hội. Ðây là một môi trường mới nhưng Triệu chấp nhận phải thử thách vì sẽ có được nhiều cơ hội đóng góp ý kiến về tương lai đất nước.

Triệu về nhà, cho cậu T. biết về những diễn biến chiến sự trên toàn quốc. Cuộc tấn công của Cộng sản vào các đô thị và vào Sài Gòn-Chợ Lớn đối với cậu cũng là một bất ngờ lớn. Cậu cho biết cậu phụ trách Y 4 tức bộ phận tiếp vận của tổ chức. Phận sự cậu được giao phó là điều nghiên khả năng tiếp vận nếu sau này có việc xâm nhập Sài Gòn. Theo cậu thì nếu tấn công vào Sài Gòn vào Tết Mậu Thân như hiện tại đang xảy ra thì làm sao có đủ thì giờ để tổ chức chu đáo việc tiếp vận cho một số quân lớn tấn công? Có thể đây chỉ là cuộc chiến trù liệu cho các toán đặc công hi sinh đảm trách, cốt để gây tiếng vang có tánh cách chánh trị. Sau khi biết được quy mô của cuộc tấn công trên gần như trên toàn quốc và đã kéo dài trên nhiều tuần ở Sài Gòn, cậu tiên đoán là việc này sẽ thất bại vì thiếu chuẩn bị chu đáo. Ngoại trừ các mặt trận ở vùng I đặc biệt như Huế chẳng hạn, có thể nhận tiếp vận trực tiếp từ Bắc qua ngã vùng phi quân sự, các nơi khác sẽ không thể có khả năng duy trì nếu cuộc chiến kéo dài. Những ai đó bên trên tổ chức đã lấy quyết định mà vì muốn giữ bí mật để gây yếu tố bất ngờ nên đã không cho cấp thừa hành có đủ thì giờ chuẩn bị. Việc này thế nào cũng sẽ đưa đến thất bại, một cuộc thí quân làm tiêu hao nhân lực.

Việc cấp thời là Triệu nên đưa cậu trở về khu vì với chức vụ mới của Triệu, cậu không thể tá túc ở với Triệu. Thêm nữa, trong khi ngày ngày Triệu bận việc ở sở thì Duy Thảo cũng có trách nhiệm mới phải phụ trách chăm lo cho các trại tạm cư nên luôn luôn phải vắng nhà. Triệu lái xe đưa cậu T. đến miệt cầu Bến Lức để cậu tìm ghe sang sông đi vào thôn xóm để vào mật khu trong lúc tiếng pháo còn dồn dập yểm trợ các cuộc hành quân. Cậu cho biết là việc cậu trở lại khu thật ra chắc sẽ còn nhiều gay go vì cậu biết trước là sẽ phải trải qua những cuộc điều tra, kiểm thảo về những ngày bị giam ở thành.

Bắt tay vào nhiệm sở mới, ngoài việc phải giải quyết các công việc khẩn cấp do tình thế số nạn nhân chiến cuộc càng ngày càng gia tăng, Triệu đã cố gắng tìm tòi thông hiểu các đòi hỏi về điều hành cơ quan bộ Xã Hội. Nhu cầu về cứu trợ thật ra không mấy khó khăn nếu tìm thêm được các nguồn tài trợ. Việc chánh yếu là phải chú ý đến cách thức phân phát sao cho nạn nhân có thể thật sự nhận được phẩm vật trợ cấp, tránh việc mất mát, nhũng lạm. Khó khăn nhất là việc tái thiết quy mô để những gia đình đã mất hết nhà cửa có thể có trở lại nơi trú ngụ. 

Người Việt vốn có truyền thống sống riêng biệt, mỗi gia đình một căn nhà. Diện tích xây cất thường chiếm khá rộng đất. Nay việc định cư bao nhiêu gia đình ở thành phố chỉ có thể giải quyết bằng cách xây chung cư như ở các thành phố khác trên thế giới. Chung cư lầu sẽ giúp một số lớn gia đình có được một mái nhà trên một diện tích xây cất không choán quá nhiều mặt bằng. Tuy nhiên đối với Việt Nam thì đây là một việc mới lạ. Từng bao nhiêu gia đình phải sống chung đụng trong những chung cư lầu sẽ gây ra bao nhiêu vấn đề mới về xã hội, về kỷ luật sinh sống . 

Việc xây cất sẽ liên hệ đến nhiều bộ phận thực hiện như bộ Kiến Thiết, Công Chánh, chánh quyền Thành phố… Vấn đề chánh cần được chú trọng, theo kinh nghiệm của Triệu là phải theo dõi việc thực hiện xây cất sao cho đúng kỹ thuật chuyên môn để chung cư được bền vững và an toàn cho các gia đình cư ngụ. Trong các cộng sự viên làm ở Bộ, Triệu có may mắn gặp được một bạn học cũ ở Petrus Ký ngày trước. Anh là một trong những học sinh xuất sắc đã thi vào làm thơ ký chánh phủ sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung. Nay anh lên chức giám đốc ở Bộ Xã hội và phụ trách các toán lưu động công tác ở các trại tị nạn Cộng sản trong toàn quốc. Anh tên Nguyễn văn Hiến, người quê Tân An.

Triệu giao cho Hiến và các toán của anh, ngày ngày đến các công trường xây cất, theo dõi việc thực thi sao cho đúng với các quy định về kích thước, vật liệu, nhất là sắt để làm bê tông và cách pha trộn hồ theo phân lượng vôi, cát, xi măng để đúc nền hoặc xây tường. Ðể tránh đụng chạm với các bộ phận khác, hằng ngày Hiến báo cáo miệng thẳng cho Triệu các vi phạm khi thấy xảy ra để Triệu can thiệp sửa chữa. Vì Triệu là người nắm nguồn viện trợ về chi tiêu nên nếu các nơi không thi hành đúng và nếu Triệu không đồng ý xuất quỹ thì công tác không thể tiến hành. Nhờ vậy nên các chung cư sau khi hoàn tất đã đứng vững được nhiều thập niên mà không có tai nạn do xây cất không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Một thành công khác của Triệu là khi nhìn qua báo cáo hằng tháng, Triệu nhận thấy các cơ sở từ thiện xã hội do Phật Giáo phụ trách không nhận được ngân khoản và phẩm vật dồi dào nếu so sánh với các cơ sở khác. Các nhân viên lo về việc này cho biết việc trợ cấp phải tùy thuộc các báo cáo chứng minh sử dụng của nơi nhận lãnh.

Sau một vòng thăm viếng để tìm hiểu sự việc, Triệu nhận thấy quả thật các cơ sở từ thiện Phật Giáo phần lớn do các ni sư tuy có lòng từ bi và nhiều công sức đảm trách nhưng lại thiếu hướng dẫn chuyên môn và thiếu nhân sự để biết rõ cách thức giữ sổ sách hành chánh. Triệu cố gắng giải thích việc thiếu kém ấy đã gây ra các khó khăn để yểm trợ chớ không phải vì có sự kỳ thị tôn giáo. Ðể giải quyết, Triệu đã chỉ thị Bộ phải tuần tự biệt phái mỗi nơi hai nữ phụ tá xã hội đến chung sống với cơ sở trong một tháng để hướng dẫn về kỹ thuật điều hành và nhất là cách thức báo cáo chứng minh ngân khoản cùng phẩm vật đã chi tiêu để xin thêm viện trợ nếu thấy cần. Ðược cơ quan Nhi Ðồng Liên Hiệp Quốc UNICEF hỗ trợ ngân khoản và chuyên viên, Triệu đã hoàn thành được một trường Công tác xã hội đầu tiên, khá quy mô ở Việt Nam. Việc đáng buồn là trong khóa học đầu tiên, trên hơn hai mươi sinh viên được tuyển theo học nhưng chỉ có hai nữ tu Phật Giáo được gởi thụ huấn. 

Ðối phó với các nhu cầu xã hội trong hoàn cảnh chiến tranh là một vấn đề to lớn và phức tạp. Thêm vào các đổ vỡ do cuộc chiến còn có việc hầu như hằng năm phải cứu trợ cho dân chúng miền Trung vì các thiên tai bão lụt vẫn xảy ra cho miền đất bất hạnh này. Chuyên chở sao cho kịp thời các nhu yếu phẩm cho một số lớn nạn nhân cũng như vật liệu xây cất lại phần nào cho họ có nơi trú ngụ là một việc khó khăn trong thời chiến. Sự phối hợp nhiều bộ phận, cơ quan trong chánh phủ không phải là chuyện dễ giải quyết. Khi việc tìm xin viện trợ ngân khoản từ các nước ngoài được giải quyết thì khả năng cung cấp vật liệu trong xứ thường không thể đáp ứng. Một lần Triệu phải dẫn dắt một phái đoàn sang Nhật để cấp bách đặt mua một số lớn tôn để lợp mái nhà cho dân chúng. Nhân chuyến đi này, Triệu đã chúng kiến và đã học được cách thức làm việc của người Nhật.

Trong ngày đầu, sau khi nghe thuyết trình về nhu cầu của phái đoàn Việt Nam, nhiều nhà sản xuất Nhật đã cho biết khả năng cung ứng cũng như đề nghị giá cả, tổn phí. Trước những con số giá cả khác nhau cũng như các khác biệt về phẩm chất, phái đoàn Việt Nam đã thấy choáng ngợp chưa biết phải lấy quyết định ra sao. Các doanh nhân Nhật xin ngưng họp một ngày để họ cùng tìm ra giải pháp. Chỉ sau một đêm, họ đã đưa ra những đề nghị đồng nhất, ngắn gọn, dễ cho phái đoàn Việt Nam chọn lựa. Người Nhật có tiếng là mỗi khi có việc khó khăn, họ thường cùng nhau thảo luận và cuối cùng mau chóng tìm được các quyết định chung. Ở Việt Nam, có một bận Triệu có sáng kiến dùng bột mì viện trợ của Mỹ để biến chế thành mì gói để tiếp tế nhanh chóng cho các nạn nhân chiến cuộc hoặc các nạn nhân thiên tai. Chánh phủ Mỹ có chương trình viện trợ thực phẩm nông nghiệp, gọi là chương trình Luật 48 (Public Law 48). Bột mì, sữa bột, bơ, phó mát… viện trợ cho các cơ sở từ thiện đã thấy nhan nhản bày bán ở thị trường vì người Việt ít biết dùng! Triệu thấy việc xin viện trợ bột mì rất dễ nên nếu biến chế thành mì gói sẽ được dân chúng vui mừng tiếp nhận và sử dụng. Ðến khi hội các doanh nghiệp có khả năng sản xuất qui mô ở Việt Nam thì họ đã cãi vã cả tháng trời trước khi đồng ý nhận các điều kiện để đấu thầu cung cấp! 

Khi còn đảm nhiệm trách vụ trong quân đội, Triệu đã từng phải tham quan các chiến trường sau cuộc chiến để nhận xét về các thiệt hại và trù định nhu cầu nếu có, cho các trận chiến tương tự trong tương lai. Triệu đã bùi ngùi chứng kiến cảnh chiến binh tử thương mang quân phục quân đội Bắc Việt nằm la liệt trên chiến địa, ruột gan người chết treo lơ lửng trên những cành cây hoặc vương vãi trên các bãi cỏ, bụi rậm. Nhưng đó là thảm cảnh của các chiến trận. Nay, trong trách vụ mới, Triệu đã đau lòng, bất nhẫn khi thấy cảnh cả trăm dân chúng bị chôn vùi ở khe Ðá Mài sau khi quân đội Cộng sản rút lui khỏi Huế sau gần hai mươi ngày chiếm thành phố trong cuộc chiến Tết Mậu Thân. 

Hình ảnh chiến binh của cả hai phía phơi thây trên chiến địa là việc thường thấy ở Việt Nam trong thời chiến. Trước cảnh tượng ấy ai ai cũng phải bùi ngùi trước việc bao nhiêu mạng sống đã phải mai một. Nhưng dẫu sao, họ là những người đã hi sinh cho một sứ mạng họ đã chọn lựa. Triệu cũng đã từng chứng kiến cảnh các gia đình binh sĩ bị tàn sát sau khi trại bị đối phương tấn công tràn ngập. Hình ảnh phụ nữ, trẻ con bị nát thây hay cháy thiêu như ở trại Bên Hết tuy làm Triệu xót xa nhưng vì họ là vợ con của các binh sĩ nên trong cơn cuồng nộ chiến tranh, say mê thuốc súng, đối phương đã xử sự như vậy còn có thể chấp nhận. Nhưng ở Huế, việc từng nhóm thường dân bị cột chung bằng dây điện thoại dã chiến và cùng bị bắn chết trong khi chiến trận đã tàn, chiến binh phải rút lui trở về hậu cứ thì việc lấy quyết định thủ tiêu tập thể những người dân vô tội quả thật là một tội ác chiến tranh không thể biện minh!. 

Trước kia, trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, Triệu đã có cơ hội đi đến hầu hết các nơi trong đất nước. Nay trong chức vụ mới phải thăm viếng các vùng bị chiến cuộc tàn phá để tìm giúp xây dựng lại hoặc tìm nơi trú ngụ cho các nạn nhân, Triệu có thêm dịp đi đến những nơi trước kia chưa từng được đặt chân đến. Triệu nhớ đến những ngày thăm viếng các vùng ở Quảng Trị như Gio Linh, Cam Lộ, Cùa… Có một hôm viếng Cam Lộ trong ngày nhưng đến chiều, vì thời tiết xấu nên phi cơ không thể đến đón trở về. Triệu phải kẹt đêm ở Ðông Hà. Ðến chiều tối mới thấy các anh em quân nhân vùng giới tuyến chuẩn bị phòng thủ qua đêm. Các chiến xa được đưa vào các hố và ụ đào sâu trong lòng đất để tránh thiệt hại khi bị pháo kích. Một anh binh nhì đã tìm cho Triệu hai lon Coca Cola. Anh đã dùng đầu dao khoét hai lỗ thật nhỏ và căn dặn Triệu chỉ nên uống từng ngụm nhỏ để cầm cự chịu đựng các cơn gió Lào cho qua đêm. Triệu đã trải qua một đêm vùng giới tuyến với tiếng pháo vang dội hầu như suốt đêm. Ðến sáng, trong khi chờ phi cơ chuyên chở đến đón, Triệu cùng anh em trong phái đoàn đến ăn sáng ở một tiệm người Trung Hoa. Từ trong tiệm nhìn ra sân, Triệu trông thấy một cụ già, râu tóc bạc phơ đang ngồi yên lặng đọc báo. Thỉnh thoảng ông ngừng đọc, bưng tách trà lên nhâm nhi, không để ý một tí gì đến tiếng đạn đại bác phần phật trao đổi trên không trung qua vùng giới tuyến! 

Có một hôm Triệu cùng phái đoàn chánh phủ đến viếng căn cứ Ashau trong dãy Trường Sơn. Ðây là một ngọn đồi đã được san bằng bằng bom công phá để có chỗ xây căn cứ. Ðối phương Cộng sản coi đây như một nơi chặn yết hầu của đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập vào Nam nên họ đã gia công đánh phá để triệt hạ. Trực thăng đỗ người hoặc quân nhu, quân dụng cho căn cứ thường thực thi công tác thật nhanh chóng rồi bay đi để tránh bị pháo kích. Trong khi phái đoàn tham dự thuyết trình của chỉ huy trưởng căn cứ, Triệu xuống các hầm chôn sâu để tìm hiểu lối sanh hoạt của anh em quân nhân. Khi trực thăng trở lại rước phái đoàn, Triệu không trở lên kịp nên tưởng rằng phen này phải ở qua đêm ở Ashau. Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn I là Ðại tá Diêu, người phụ trách phương tiện quân sự cho phái đoàn đã thông báo cho chuyến trực thăng cuối cùng trong ngày đi thâu lượm tin tức phải đáp xuống Ashau để đưa Triệu trở lại Huế.

Mặc dầu cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân bị thất bại ngay từ đợt đầu nhưng quân đội Cộng sản đã được chỉ thị phải tiếp tục các đợt kế tiếp. Vì thế hầu như ngày nào Triệu cũng phải đi thăm các nơi bị thiệt hại nặng để trù định các nhu cầu cứu trợ. 

Một buổi sáng, Triệu đến Pleiku sớm nên phải chờ phái đoàn chánh phủ từ Sài Gòn bay lên. Triệu ra trước sân phòng hội để ngắm nhìn sương mai từ từ tan trên các ngọn đồi. Một yếu nhân Mỹ tên W.C. ra đứng bên Triệu và nói nhỏ với Triệu: “Tôi rất tiếc cho anh hay là tối hôm qua H., người em họ của anh đã bị bắn chết trong một cuộc hành quân Phụng Hoàng. Chúng tôi được tin trong khu có cuộc họp lớn nên dự định bắt sống anh H. nhưng khi có báo động, những người họp đã bung ra khỏi nhà và H. đã bị trực thăng bắn”.

W.C. là một nhân vật đang giúp chánh phủ Việt Nam trong chương trình Bình định, Phát triển Nông thôn. Anh là người có công lớn trong thời Ðệ nhị Thế chiến trong các chiến dịch ở Bắc Phi châu, Ý và Pháp. C. nói tiếng Pháp và Ý rất thông thạo nên sau khi Thế chiến chấm dứt, C. đã được chỉ định giúp Ý chống lại ảnh hưởng Cộng sản và Tả phái đang có cơ bành trướng trong dân chúng. Nhờ đạt được nhiều thành tích ở Ý nên C. đã được gởi sang Pháp với một sứ mạng tương tự.

Ở Việt Nam lúc ấy W.C. đã lên cấp bực Ðại sứ nhưng anh lãnh trách nhiệm về bộ phận Bình Ðịnh. Là chuyên viên tình báo, anh nắm biết nhiều việc về Việt Nam. Mỗi lần Triệu tổ chức những buổi tiệc khoản đãi các Ðại sứ và nhân viên ngoại quốc – một việc xã giao bắt buộc, có đi có lại của chức vụ – W.C. lúc nào cũng xin được sắp xếp ngồi bên vợ chủ nhà là Duy Thảo với lý do là vì Duy Thảo chỉ nói tiếng Pháp, không biết rành tiếng Mỹ. Triệu và Duy Thảo dư biết là C. chỉ kiếm cớ để biết thêm về Duy Thảo và Triệu. Vì đã đoán biết thế nào C. cũng có tài liệu về quá trình hoạt động của Triệu và DuyThảo thời kháng chiến và khi ở Pháp nên vợ chồng Triệu không giấu giếm ý đồ khi chấp nhận tham gia chánh phủ. Triệu cho C. biết là Triệu đã hiểu biết phần nào về các chánh sách của người Mỹ trên thế giới. Ðến ngày nào mà Mỹ có ý định thương thuyết để chấm dứt sự can thiệp của Mỹ ở Ðông Dương, trong những toan tính mới, nếu cần có những tiếp xúc với các thành phần ở miền Nam đang chống đối chánh phủ quốc gia, thì Triệu có thể giúp một phần nào cho đường lối mới đó.

Một vài tháng sau Tết Mậu Thân, W.C. thường cho Triệu biết: “Chúng tôi có những tin rất chính xác về các thiệt hại rất trầm trọng về bộ đội và cán bộ trong Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Nhưng các chỉ thị từ Bắc lại cứ thúc giục họ phải tiếp tục các cuộc tấn công. Dường như đây là một mưu toan làm tiêu hao lực lượng miền Nam để họ sẽ đưa cán bộ và quân đội từ Bắc vào. Họ đang nhận được viện trợ rất dồi dào từ Nga và Trung Cộng nên họ tin tưởng sẽ chiến thắng. Ðây là vở tuồng giống như lúc gần kết thúc Ðệ Nhị Thế chiến: Hồng Quân Nga thay vì tiến chiếm Varsovia, họ đã giẫm chân tại chỗ, chờ cho quân Ðức tiêu diệt kháng chiến quân ở thủ đô Vatsovia (Ba Lan) để họ có thể đưa các thành phần Cộng sản Ba Lan được họ nuôi dưỡng ở Nga về nắm vận mệnh Ba Lan.”

Về lại Sài Gòn, Triệu cho Duy Thảo biết tin H. đã chết. H là con trai duy nhất của cô ruột của Triệu. H. đã tham gia kháng chiến trong nghành Công an, Tình báo. Sau hiệp định Genève năm 1954 H. đã tập kết ra Bắc và sau này đã trở về Nam giữ một địa vị khá quan trọng của tổ chức Giải phóng Miền Nam. Tin tức về cuộc hội của H. do ai đã để lọt ra cho đối phương? Vợ chồng Triệu đã giấu kín tin này, không bao giờ thông báo cho người cô biết!

Một hôm Triệu nhận được một thơ gởi từ Tây Ninh. Trong thơ chỉ vỏn vẹn có một hàng nhắn tin, viết theo lối chữ in: “VỐN LIẾNG LÀM ĂN NAY ÐÃ TIÊU HAO HƠN HAI PHẦN BA… KHÔNG THỂ TOAN TÍNH GÌ ÐƯỢC NỮA”. Trong thơ có ba dấu chấm nên Triệu biết là của P. Ðó là lời nhắn tin duy nhất của P. gởi cho Triệu.

Trở Về

Tìm Kiếm