GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 7)
Chương 7
Cách Mạng Mùa Thu (1)
Phong trào Thanh Niên Tiền Phong đã phát triển rất nhanh chóng ở hầu như khắp các tỉnh. Ở Sài Gòn, Chợ Lớn các công sở cũng như các hãng tư lớn nhỏ đều có bộ phận TNTP và các thủ lãnh để trông coi, nhất là ở các xí nghiệp. Ở các tỉnh và quận, làng, TNTP cũng được tổ chức nhưng các thủ lãnh thường được gọi là Trưởng Thanh niên, Tráng trưởng, Thiếu trưởng…
TNTP được thành hình với đồng phục, cách chào kính na ná giống như tổ chức Hướng đạo nhưng TNTP không có các hoạt động như thể thao, cắm trại, du ngoạn… Ðây là một đoàn thể được thành lập để đáp ứng lòng hăng hái của tuổi trẻ muốn tham gia vào sinh hoạt quốc gia đang chuyển mình qua giai đoạn độc lập. Việc thu hút giới thanh niên đã diễn ra rất phấn khởi, không có vấn đề đảng phái, tôn giáo, thành phần giai cấp… Lời Hiệu triệu đã được thanh niên miền Nam hưởng ứng nồng nhiệt với ba câu :
“Các bạn chỉ có một đẳng cấp: Ðẳng cấp của Thanh niên.
Các bạn chỉ có một nhiệm vụ: Nhiệm vụ của Thanh niên.
Các bạn chỉ có một mục đích: Giải phóng Dân tộc”
Những lời kêu gọi kích thích như vậy trước kia đã chưa từng được công khai phổ biến vì Việt Nam đang còn bị Pháp chiếm ngự. Khẩu hiệu: “Cải tổ xã hội, nâng cao đời sống đồng bào” nay là câu được nhắc thường trực trong các buổi hội.
Công việc cấp thời lúc bấy giờ là giúp thu dọn, xây cất lại các khu bị dội bom, nhất là các xóm nhà lá. Dân chúng thành phố Sài Gòn đã hoan hô nhiệt liệt việc đào xới các nơi bị sụp đổ, cấp cứu các nạn nhân bị vùi lấp, an táng các tử thi… Ở Bắc lại khởi đầu có nạn đói hoành hành. Việc chuyên chở gạo tiếp tế cho Trung, Bắc đã bị ngưng trệ vì đường xe lửa Sài Gòn-Hà Nội bị máy bay Ðồng minh oanh tạc hằng ngày. TNTP đã tình nguyện chất gạo lên xe lửa di chuyển ban đêm. Ban ngày lại phải chất giấu cho đến tối. Việc chuyên chở gạo ra Bắc bằng ghe theo đường biển tuy chậm chạp nhưng cũng đã được thực hiện trong muôn vàn khó khăn.
Ngày 15 tháng 4, 1945 một Ðại hội Thanh niên đã được tổ chức ở sân Vận động Chợ Lớn. Lần đầu tiên dân chúng đã thấy được các thanh thiếu niên diễn hành, hàng ngũ ngay ngắn, đi đứng nhịp nhàng. Các đội thiếu nhi 7, 8 tuổi đã được nhiệt liệt hoan hô. Các cuộc tập họp thanh niên càng ngày càng lôi cuốn giới trẻ tham gia hoạt động cộng đồng.
Ngày 11 tháng 6 một Lễ Hưng quốc Khánh niệm đã được cử hành với một bàn thờ Tổ Quốc thiết lập trang nghiêm ngoài trời. Ba thiếu nữ trang sức theo lối ăn mặc ba miền Bắc, Trung, Nam được kết chung bằng một giải lụa trắng tượng trưng đất nước thống nhất, ôm hoa đứng trước bàn thờ là một hình ảnh gây nhiều xúc cảm trong những người tham dự lễ.
Trong tình huống cần nung đúc ý chí thanh niên, một cuộc tuyên thệ của TNTP đã được chuẩn bị ra mắt ngày 1 tháng 7 ở sân vận động Vườn Ông Thượng. Ðây là một cuộc biểu dương lực lượng chưa từng thấy ở miền Nam của giới trẻ quyết tâm chứng tỏ ý chí cương quyết sẵn sàng phụng sự Tổ Quốc.
Hơn ba ngàn dân chúng và các nhân vật tai mắt thời bấy giờ như Thống đốc Minoda, Tổng Ủy viên Thanh niên Iida, thân hào nhân sĩ Việt, Nhật đã đến chứng kiến lễ tuyên thệ. Lễ chào Quốc kỳ mới, có hình quẻ Ly và bài Thanh niên Hành khúc đã làm xúc động nhiều dân chúng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đọc một diễn văn khêu gợi ý chí thanh niên. Lễ tuyên thệ với sự hiện diện của các Huynh trưởng Nguyễn Văn Thủ, Kha Vạng Cân, Huỳnh Văn Tiểng, Kiều Công Cung đã được tiến hành rất cảm động với các lời hô to: “Chúng tôi thề” của TNTP, sau khi các Thủ lãnh dõng dạc đọc xong từng lời thệ nguyện. Cuộc diễn hành kết thúc buổi lễ đã ghi sâu vào tâm não những người đã có được dịp chứng kiến sự hàng ngũ hóa thanh niên vừa thoát vòng nô lệ thực dân.
Một lễ tuyên thệ tiếp sau đó cũng đã được long trọng tổ chức vào ngày 19 tháng 8 do bà Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sương, Thủ lãnh Phụ Nữ Tiền Phong. Hằng ngàn phụ nữ với đồng phục nón rơm, áo sơ mi trắng ngắn tay, quần dài đen, đã dõng dạc đưa tay hô: “Chúng tôi thề” sau khi bà bác sĩ Sương tuyên đọc các lời nguyền. Buổi lễ đã được long trọng diễn tiến trong cơn mưa. Thật không ai có thể ngờ đó là buổi tập hợp cuối cùng của Phụ Nữ Tiền Phong tại sân vận động Vườn Ông Thượng. Bà Nguyễn Ngọc Sương, y khoa bác sĩ tốt nghiệp từ Pháp, và chồng là luật sư Hồ Vĩnh Ký, khoảng một tháng sau ngày mở màn Nam bộ Kháng chiến, đã bị bộ hạ của Trần Văn Giàu xử bắn ở Bến Súc cùng nhiều đồng chí khác, ngày 23 tháng 10-1945, khi quân đội Anh-Ấn tiến chiếm Thủ Dầu Một. Những người bị Trần Văn Giàu bắt ở Thủ Ðức trong đó có Trần Văn Thạch (người đã hỏi Trần Văn Giàu trong buổi họp có báo chí tham dự ngày 30 tháng 8-1945, năm ngày sau khi Lâm ủy Hành chánh ra mắt: “Ai đã cử anh làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp?”), tất cả đã bị bọn cai ngục được lịnh phải thủ tiêu. Bà bác sĩ Nguyễn Ngọc Sương đã bảo người cầm súng: “Hãy nhắm đúng tim tôi mà bắn”.
Những cuộc tuyên thệ trọng thể cũng đã được tổ chức ở Cần Thơ, Mỹ Tho và nhiều tỉnh khác.
Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên của Nội các Trần Trọng Kim đã trình vua Bảo Ðại biết về lực lượng thanh niên ở Nam Kỳ. Ngày 3 tháng 7-1945, hơn 30 thanh niên trường Huấn luyện TNTP đã được đưa đến trình diện vua Bảo Ðại. Phạm Ngọc Thạch đã được Bảo Ðại chuẩn cho chức Xứ trưởng Thanh niên, đại diện cho Phan Anh ở Nam Kỳ.
Một số TNTP ở Sài Gòn cũng như các tỉnh bắt đầu tự trang bị thêm dao găm dắt bên hông. Số TNTP càng ngày càng tăng, dao găm trở nên rất khó kiếm. Chú Sáu của Triệu tình nguyện về tỉnh nhờ các lò rèn địa phương sản xuất giúp. Thế là Triệu lại có dịp trở về Sa Ðéc và được đi thăm nhiều làng xa trong tỉnh. Một hôm Triệu đến viếng cụ Cử Võ Hoành. Cụ cho hay phải ở lại tham dự buổi lễ ra mắt của hội Truyền Bá Quốc Ngữ địa phương. Ðồng thời cụ cũng bảo phải đi nghe ông Huỳnh Phú Sổ thuyết giảng và khuyến nông vì ở Bắc và Trung hiện có nạn đói trầm trọng. Ðây là dịp đầu tiên Triệu có cơ hội gặp vị Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo.
Khi Triệu đến chợ Sa Ðéc thì đã thấy rất đông dân chúng vây quanh ông Huỳnh Phú Sổ, một người dáng trông thanh lịch, rất trẻ, tóc để dài ngang vai, có cặp mắt rất sáng. Ông nói năng giọng sang sảng nhưng chậm rãi, cử chỉ từ tốn. Ðồng bào càng lúc càng đến đông nhưng rất im lặng, trật tự. Vài người nói nhỏ với nhau:
“ Thiên hạ nay đến nghe Ðức Thầy rất đông. Lúc trước còn Tây ở đây, lính kín đến nghe Thầy còn đông hơn dân chúng”.
Bài Khuyến Nông của Ông đã thật tình giúp người nông dân mộc mạc, khiêm tốn, nay hãnh diện ý thức được vai trò của mình và lo lắng cho đồng bào ruột thịt tận miền Trung, Bắc:
“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc…
……………………………….
Kẻ phu tá cũng là trọng trách,
Cứu giống nòi quét sạch non sông
Một mai vác cuốc ra đồng
Thề rằng ruộng phải được trồng lúa khoai
……………………………….
Nam Kỳ đâu phải sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc Trung
……………………………….
Miễn sao cho cánh đồng Nam
Dồi dào lúa chín gặt đem về nhà
Chừng ấy mới hát ca vui vẻ
Ai còn khinh là kẻ dân ngu”
Buổi thuyết giảng mở đầu bằng “Khuyến Nông” sau đó đã được ông Huỳnh Phú Sổ chuyển qua dạy về Tứ Ân của Phật giáo Hòa Hảo: Ân Tổ tiên Cha mẹ, Ân Ðất nước, Ân Tam Bảo, Ân Ðồng bào Nhân loại. Ông nhắc cho tín đồ cách tu giản dị: chỉ cần một bàn Thông Thiên ngoài trời, bàn thờ Phật và bàn thờ Ông Bà trong nhà nhưng không tượng Phật, chỉ cúng nước lã, bông hoa và đèn hương. Có nhang thì đốt, không có thì nguyện không. Phật giáo Hòa Hảo không chủ trương cất chùa, đúc tượng Phật, không dùng chuông mõ. “Nên dùng tiền cứu người nghèo khổ, thay vì cất chùa to, đúc tượng lớn”.
Ông Huỳnh Phú Sổ đã phổ biến giáo lý Phật giáo với những lời thơ bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ. Suốt buổi giảng Ông không dùng ngôn ngữ cầu kỳ, những ý nghĩ trừu tượng. Sấm giảng, thi văn của Ông phù hợp với trình độ đại chúng nông thôn và đáp ứng được tâm lý quần chúng vốn không thể lãnh hội được thiên kinh, vạn quyển của giáo lý Phật giáo.
Buổi đầu tiên được nghe Huỳợnh Giáo chủ thuyết giảng, ấn tượng một người trẻ nhưng phi thường đã ám ảnh Triệu suốt nhiều năm tháng và Triệu đã có ý định cần phải tìm hiểu về chủ trương Phật giáo Dân tộc này. Sau khi phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa thất bại, thành phần nông dân là bộ phận bị chánh quyền thực dân đàn áp hung bạo nhất. Ý chí tập hợp đấu tranh người dân quê tưởng chừng như đã bị tan rã. Thế mà dân chúng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu lại đã đáp ứng nồng nhiệt và gia nhập Phật giáo Hòa Hảo của ông Huỳnh Phú Sổ. Việc ấy chắc hẳn phải có lý do cần được tìm hiểu sâu rộng hơn. Vào buổi chiều hôm đó, Triệu còn được chứng kiến đêm văn nghệ ra mắt của hội Truyền Bá Quốc Ngữ. Những bài tân nhạc Việt đã được trình diễn lần đầu tiên cho dân chúng tỉnh nhỏ. Họ chưa từng có dịp nghe các khúc nhạc của Lưu Hữu Phước, Ðặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước… Việc nô nức của giới trẻ quyết tâm tham gia vào việc tình nguyện phổ biến chữ quốc ngữ cho dân chúng khiến Triệu nhớ lại những buổi đầu đi dạy ở xóm nhà lá Khánh Hội. Nhớ gương mặt sáng rỡ trong ánh đèn dầu của anh chị em lao động, những người buôn gánh bán bưng khi học bài đầu tiên: “I, Tờ giống móc cả hai, I ngắn có chấm, Tờ dài có ngang” và được nghe họ vui mừng thốt lên: “Trời ơi! chữ mình dễ ợt như vậy hà? Hồi trước tới giờ có ai dạy đâu mà học!”. Triệu đã thật sự cảm động đến rớt nước mắắt, thấy mình đã làm được chút việc giúp ích cho dân chúng!
Trong những chuyến đi cùng chú Sáu, thăm các lò rèn địa phương và phổ biến tin Pháp đã bị lật đổ cho dân chúng thôn quê, Triệu đã có dịp đi về các nơi hẻo lánh ven Ðồng Tháp Mười. Nơi đây Triệu đã được thấy tình người nông dân đối với những cặp trâu cùng chung lo việc đồng áng với họ. Những chiếc mùng thật to đã được may bằng vải ta để trâu không bị muỗi cắn về đêm. Mỗi nhà thường có treo một cái trống to để liên lạc với những nhà khác, thường ở cách nhau rất xa. Việc này thật giống như Triệu đã được xem trong phim nói về các bộ lạc ở Phi châu, dùng tiếng trống để báo tin với nhau. Người dân quê tuy sống một đời đạm bạc nhưng đồng ruộng miền Nam đã giúp họ có một cuộc sống không đến nỗi thiếu thốn như các vùng khác của đất nước, như Triệu sẽ được nhận thức về sau này. Cá tôm không thiếu trong sông rạch, chỉ cần đào ụ và chận ụ để bắt cá khi cần. Các chim chóc như ốc cao, chằng nghịt, võ vẽ, gà nước… người dân tuy không có ná, cung, súng ống nhưng chỉ cần tổ chức đông người, gây tiếng động lớn để “đuổi chim”, lùa vào lưới và rọ như bắt cá dưới sông. Có nơi lại thường dùng một cách bắt chim đặc biệt khác là đốt đuốc nom chim về đêm. Thi sĩ Mặc Khải ở Thiềng Ðức, Vĩnh Long đã có bài “Chim mùa lúa chín”:
Ra đồng đốt đuốc nom chim,
Rạ khô sột soạt, sao chìm bưng, ao,
Võ vẽ, chằng nghịt, ốc cao,
Lúa thơm, chim mập, thịt xào bầu non.
Chuột đồng béo bở, ướp xả ớt, chiên hoặc nướng lửa than, là một món ăn thích thú khác của thôn quê miền Nam. Triệu có nhiều chú, bác được ông Nội của Triệu khi về thăm quê ở Hà Tĩnh đã rủ đưa vào sống ở Cao Lãnh. Lúc chưa vào Nam, các chú, bác của Triệu đã phê bình các món ăn như rắn, chuột đồng và bảo: “Ở trong đó ăn những gì mà gớm ghiếc thế”. Nhưng sau khi được vào sinh sống trong Nam rồi, các chú lại là những người mê các món ăn đó nhất!
Ði vào các kinh, rạch vào trưa nắng hay các buổi chiều, trong cảnh vắng lặng, Triệu đã có dịp được thấy những sinh động của từng đoàn cá di chuyển giữa dòng nước trong vắt của kinh lạch, những con rắn nước chờ mồi, rùa, cua đinh thong thả bơi như vô tư lự… Hai bên bờ kinh những con chim nhỏ tỉ mỉ tước lá làm ổ kêu nhau chíu chít, những đàn cò im lặng đứng rình cá… Những người sống ở phố phường nhộn nhịp, những người từng hay đọc sách các văn sĩ miền Bắc mô tả những núi đồi, nông trại, thường chê miền Nam phong cảnh không có gì hấp dẫn, toàn một vùng thẳng tắp, nhiều lắm chỉ có chút tô điểm với những đàn cò trắng bay lượn xa xa… Những người đó chưa có dịp lắng nghe được trong không gian tưởng chừng như vắng lặng lại có tiếng động của lòng đất và khúc ca của cảnh vật đồng nội miền Nam. Phải có được dịp sống trên đồng ruộng miền Nam mới hiểu được vì sao người nông dân Nam bộ lại gắn bó với ruộng đồng sông Cửu như thế.
Một đêm ở vùng kinh xáng Bờ Bao, Triệu đã thức suốt đêm vì hôm đó trên một cành gòn, một con chim vịt lạc đàn đã thỉnh thoảng cất tiếng kêu não nuột suốt đêm. Có sống được trong tình huống đó mới thấm thía được câu hát ru em của miền Nam:
“Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ bạn, chín chiều ruột đau”
Nhưng rồi sau đó, Triệu lại cùng người chú trở lên Sài Gòn. Ngày 6 tháng Tám 1945 Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống Hiroshima. Ngày 9 tháng 8, một trái bom nguyên tử khác lại được thả xuống Nagasaki. Ngày 10-8-1945, Nhật hoàng Hirohito nhờ Thụy Ðiển đứng ra làm trung gian xin ngưng bắn và sau đó, ngày 15-8-1945 tuyên bố đầu hàng Ðồng Minh, vô điều kiện.
Ðến lúc đó, ngày 14-8 Nhật mới tuyên bố trả Nam bộ cho triều đình Huế và Bảo Ðại đã bổ nhiệm Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam kỳ. Chánh phủ Trần Trọng Kim được thành lập ngày 17-4-1945 trong bối cảnh Ðồng Minh đang chiến thắng ở Âu Châu, đã phải đệ đơn từ chức ngày 5-8-1945, không đầy sáu tháng sau ngày ra mắt! Vua Bảo Ðại đã chấp thuận cho Nội Các từ chức nhưng đã ủy nhiệm cho Trần Trọng Kim lập Nội các mới. Trong thời gian ngắn ngủi cầm quyền, chánh phủ Trần Trọng Kim đã phải đương đầu lo giải quyết nạn đói đang hoành hành trên đất Bắc trong khi phải đặt cơ sở cho một nền hành chánh mới. Một thành công đáng ghi nhớ là Ban Cải cách Giáo dục, dưới sự hướng dẫn của Hoàng Xuân Hãn đã cho ra đời chương trình “Ban Trung đẳng 7 năm” được áp dụng sau này ở miền Nam.
Tin Nhật đầu hàng vô điều kiện Ðồng Minh ngày 15-8-1945 đã là khởi điểm cho những biến cố dồn dập ở Nam Bộ.
Các tổ chức chính trị miền Nam đã thỏa thuận thành lập “Mặt trận Quốc gia Thống nhất”, theo đề nghị của Hồ Văn Ngà. Mặt trận gồm có: Việt Nam Quốc gia Ðộc lập Ðảng, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Ðài, Tịnh độ Cư sĩ, Liên đoàn Công chức, Thanh niên Tiền Phong, Nhóm Trí thức.Trụ sở đặt ở đường Léon Combes.
Trong khi đó, ở Pháp, ngày 16-8-1945, sau khi được thông báo về sự đột ngột đầu hàng của Nhật, tướng De Gaulle đã chỉ định Ðô đốc Thierry d’Argenlieu, một linh mục, làm Toàn quyền Ðông Dương và tướng Leclerc làm Tổng Tư lịnh Lục quân Ðông Dương.
Ngày 21 tháng 8, 1945, để chứng tỏ cho thế giới biết quyết tâm của dân chúng Việt Nam không chấp nhận các mưu toan của Pháp định trở lại Ðông Dương, Mặt trận Quốc gia Thống nhất đã tổ chức một cuộc biểu tình khổng lồ có hơn 200 ngàn người, diễn hành trên khắp đường phố Sài Gòn.
Triệu vào lúc này đang cư ngụ ở Bà Chiểu, gần xóm Nhà Thờ, nên thường sinh hoạt với Nguyễn Thanh Liêm, một bạn học cùng lớp ở Petrus Ký nhưng là học sinh ngoại trú. Liêm người cao lớn, chạy bộ rất giỏi nhưng lại mê thích đua xe đạp. Anh có một chiếc xe course để thi đua mà anh quý còn hơn bạn gái. Mượn gì anh cũng có thể cho nhưng đừng hòng mượn xe của anh. Liêm rủ Triệu tham dự các buổi nói chuyện tối của nhóm Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Nguyễn Hòa Hiệp, ở một căn phố đường Hàng Dừa. Triệu không thích mấy, khi nghe những trình bày về các thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa, các quá trình tranh đấu của Ðảng… vì cũng đã có đọc và biết thuyết này trong quá khứ. Liêm và Triệu đến tham dự vì chỉ muốn có cơ hội được huấn luyện quân sự. Vào thời buổi đó, súng ống là vấn đề cấm kỵ. Chỉ có những người có quốc tịch Pháp hoặc có địa vị đặc biệt mới được sắm súng, mặc dầu chỉ là súng săn. Nay nước nhà kể như đã thâu hồi được độc lập, lại có cơ hội được huấn luyện tháo gỡ, lau chùi, sử dụng súng dài, súng ngắn, hỏi sao không mê thích được, nhất là đối với thanh niên. Thường thì các lớp huấn luyện này chỉ học nhiều về lý thuyết. Thực hành chỉ có lau chùi, tháo ráp vì có súng nhưng không có đạn! Triệu chỉ được biết là súng được tịch thu khi các anh lớn được giao cho điều hành bót Hàng Keo, Gia Ðịnh. Súng thì có nhưng Pháp đã dấu đi các đạn dược nên chỉ lấy được rất ít, các anh cất giấu để sử dụng khi cần. Lựu đạn cũng có nhưng lẽ tất nhiên đã được tháo kíp nổ và thuốc súng cũng đã được trút hết ra khi đưa cho cầm thử để biết nặng nhẹ ra sao. Sau thời kỳ huấn luyện, Triệu và Liêm được coi như đã gia nhập Dân Quốc Quân của Nguyễn Hòa Hiệp, người chỉ huy đã được huấn luyện ở trường quân sự Hoàng Phố bên Tàu. Triệu tham dự cuộc biểu tình trong đoàn Dân Quốc Quân và rất hãnh diện được cấp cho một ca lô màu xanh dương đậm, có gắn một ngôi sao đồng bóng chói. Ðồng phục là áo sơ mi trắng ngắn tay, quần sọt xanh, trang bị tầm vong vạt nhọn như Thanh Niên Tiền Phong.
Trong buổi đi biểu tình hôm đó, chỉ có các toán quân Heiho của Cao Ðài là các đơn vị diễn hành đẹp, có kỷ luật vì đã có dịp được huấn luyện thành thục từ trước. Kế theo đó là các toán Thanh Niên Tiền Phong và Phụ Nữ Tiền Phong. Các đơn vị TNTP tham dự diễn hành được tổ chức theo các xóm, các vùng ngoại ô hay có khi tùy theo các công sở, tư sở, các xí nghiệp như hỏa xa hay xe điện… Vì đều có mặc đồng phục và trang bị tầm vong vạt nhọn, khẩu hiệu được tập hô to đồng đều, TNTP được đồng bào chú ý và tán thưởng nhất. Dân Quốc Quân của Triệu tương đối cũng khá vì phần đông là thanh niên các trường Trung học đã từng được huấn luyện thể thao. Các toán dân quân Hòa Hảo, đặc biệt là các đơn vị Bảo An được Ông Huỳnh Phú Sổ chỉ định thành lập, hai năm trước khi có Thanh Niên Tiền Phong, vận đồng phục áo quần bà ba đen, đầu chít khăn màu dà, chơn đi không, quần quấn xà cạp đen, trang bị giáo mác, mã tấu …Các toán diễn hành đi đứng tuy không nhịp nhàng nhưng được đồng bào hai bên đường rất hoan nghinh vì khí phách hiên ngang trên gương mặt nông dân sạm nắng của họ.
Trong thành phần tham dự cuộc biểu tình ngày 21 tháng 8, 1945 Triệu đã thấy nhóm Ðệ Tứ cũng có diễn hành mặc dầu không phải là thành viên của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất của Hồ Văn Ngà. Lá cờ Tranh Ðấu của nhóm với hình quả địa cầu có tia chớp như số 4 xẹt ngang thấy phấp phới trước nhóm công nhân tập họp ở góc Massiges-Norodom. Bóng dáng các anh lớn của nhóm rất ít thấy trong nhóm nhân ngày diễn hành này. Phần đông hình như đang họp hành khẩn cấp ở trụ sở Lagrandière. Tạ Thu Thâu thì không còn thấy đến tòa soạn nữa. Nghe bảo là Tạ Thu Thâu đã đi ra Bắc lo việc cứu nạn đói nhưng cũng đi để biết thêm về tổ chức Việt Minh và đồng thời lo tổ chức đảng Thợ thuyền.
Phan Văn Hùm đã nhận lời giao phó đi tiếp xúc với Việt Minh vì phần đông các đại biểu đảng phái không biết Việt Minh là ai. Triệu nghe nói lúc ấy chỉ có ông Huỳnh Phú Sổ, Phật giáo Hòa Hảo là có phát biểu như đùa: “…thì Việt Minh có đâu đây, cần gì phải đi xa mà kiếm…”. Sau này khi các sự việc khác xảy ra, nhiều người tự hỏi không biết lúc đó ông Huỳnh Phú Sổ muốn nói Việt Minh đã có tiếp xúc với ông rồi, hoặc ông muốn ám chỉ đến Trần Văn Giàu lúc đó đã tìm cách len lỏi xin vào Ðảng Quốc Gia Ðộc Lập của HồVăn Ngà!
Ở Sài Gòn, ngoài đường phố đã bắt đầu thấy có nhiều tin tức về Việt Minh. Trước cuộc biểu tình ngày 21 tháng 8-1945, trên các đường phố Sài Gòn, Chợ Lớn đều được chăng la liệt những tấm biểu ngữ bằng vải trắng, vải màu, hoặc các tấm dệt bằng lá buông vì là loại rẻ tiền, dễ kiếm. Lần đầu tiên, Triệu được thấy các biểu ngữ chữ Nga vì có những chữ viết lộn ngược, khác với cách viết thông thường, nhưng Triệu cũng thấy nhiều biểu ngữ viết na ná giống tiếng Y Pha Nho nhưng không giống hẳn vì Triệu có học qua ngôn ngữ này. Khi hỏi các anh lớn mới biết rằng đó là ngôn ngữ Quốc tế Espéranto. Triệu cũng đã đọc được Anh ngữ nhưng là Anh ngữ trong văn chương học ở trường. Lần này mới có dịp biết “đả đảo” phải nói là “Down with…” vì đi đâu cũng thấy “Ðả đảo chế độ Thực dân”, “Down with Colonialism”. Khẩu hiệu được treo nhiều nhất là “Independence or Death”… Triệu có dịp về Biên Hòa cũng đã thấy nhiều banderole treo ngang các đường phố, nhưng các biểu ngữ tiếng ngoại quốc chỉ có lẻ loi vài tấm mà thôi. Sài Gòn lúc nào cũng là nơi quan trọng để thế giới chú ý.
Ngoài các banderole treo ngang đường phố, rất nhiều bích chương, phần đông được viết tay thay vì in, đã được dán trên các tường, nhiều nhất là chung quanh chợ Bến Thành và các chợ khác như Tân Ðịnh, Bà Chiểu, Gò Vấp… Ngay cả về các banderole, Triệu đã thấy có một thay đổi mới, vì các banderole bằng vải đỏ viết chữ trắng hay chữ vàng đã thấy xuất hiện nhiều hơn trước. Cách viết tiếng Nga cũng thấy đều đặn và không có vẻ xô bồ, xô bộn như lúc đầu. Các bích chương đã bắt đầu thay đổi để đưa tin tức hằng ngày cho dân chúng. Tin chiến hạm Richelieu của Pháp chở quân trở lại Ðông Dương được phổ biến làm hoang mang dư luận. Rồi liền sau đó vài hôm lại có tin: “Ba vạn Hồng quân Trung Quốc tại Hoa Nam sẵn sàng bảo vệ, ngăn thực dân Pháp không cho tái chiếm Việt Nam”. Hôm khác lại thấy có bích chương vẽ hình chiến hạm Richelieu với tin tức mới:“Chiến hạm Richelieu đã được lịnh ngừng lại ở đảo Ceylan và sẽ quay trở về Pháp vì ở Ðông Dương hiện có đảng từng chiến đấu cạnh Ðồng Minh nắm chánh quyền”. Sau đó lại có tin đăng trên các báo: “Tướng De Gaulle đã gởi điện tín cho người Pháp ở Ðông Dương, cho biết là không thể gởi một vị Toàn Quyền qua Ðông Dương vì hiện có một chánh đảng Việt Nam đi đôi với Ðồng Minh sẽ thay thế Pháp!”. Những tờ truyền đơn nhỏ đã được dán hay phân phát từ các chợ để giới thiệu Mặt Trận Việt Minh là những đoàn thể đã đứng trong hàng ngũ Ðồng Minh. Việt Minh sẽ dễ dàng “ăn nói” với Ðồng Minh hơn những người đã giúp Nhật đánh Pháp vì Nhật nay là kẻ thù đã đầu hàng. Ðừng để Ðồng Minh coi Việt Nam là bạn của Nhật. Khẩu hiệu: “Chánh quyền về Việt Minh” đã được in và phát càng ngày càng nhiều.
Mỗi chiều, Triệu và các bạn cố bắt nghe tin tức thế giới, nhất là đài Hoa Kỳ phát thanh từ Cựu Kim Sơn. Ðài này càng ngày càng được bắt dễ dàng hơn sau khi Tướng Mac Arthur của Mỹ đã đổ bộ tái chiếm Phi Luật Tuân. Chiếc Radio hiệu Phillips này được một nha sĩ tản cư về Sa Ðéc gởi cho chú Triệu và là mối dây liên lạc của Triệu với thế giới bên ngoài vì tin tức do hãng thông tin Domei của Nhật chỉ phổ biến các tin chiến sự có lợi cho Nhật mà thôi. Mỗi lần nghe lời giới thiệu: “Ðây là đài Phát thanh Cựu Kim Sơn…” tiếng nói đưa vọng về từ bên kia bờ Thái Bình Dương, lòng Triệu thấy se thắt lại, nghĩ đến ngày nào đó, nước nhà thật sự độc lập, xuất ngoại tự do, hy vọng mình sẽ có ngày đặt chân lên nhiều viễn xứ… Triệu bắt được tin Việt Minh đã cướp chánh quyền ở Bắc. Chánh phủ Nhân dân Lâm thời được thành lập với chủ tịch Hồ Chí Minh. Các anh lớn xôn xao bàn tính, không biết Hồ Chí Minh là ai. Chú Sáu của Triệu là người đã kiểm điểm lại các gương mặt đang hoạt động ở biên giới Việt, Trung Hoa và cuối cùng đã đưa đến kết luận: Hồ Chí Minh, chính là Nguyễn Ái Quốc, người mà chú đã giúp đưa đường dẫn lối lúc còn ở Xiêm.
Chỉ một ngày sau cuộc biểu tình 200.000 người do Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, Triệu được tin có một Ðại tá Pháp (Jean Cédille) nhảy dù xuống Tây Ninh. Một người bạn của Triệu đã tham dự cuộc bắt sống viên Ðại tá này sau một đêm mệt nhọc không ngủ nhưng đã phải giao người Pháp này cho quân đội Nhật vì người Nhật đã ép buộc phải giao Jean Cédille cho họ! Cũng trong ngày đó tức ngày 22 tháng 8, 1945 Triệu lại nghe được đài Cựu Kim Sơn thông báo Hoàng Ðế Bảo Ðại tuyên bố thoái vị. Lễ Thoái vị đã được cử hành hai ngày sau, ngày 24 tháng 8 tại Ngọ Môn. Kiếm và Ấn tỷ, biểu hiệu triều đình Nguyễn, đã được giao lại cho Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận.