HÀNH TRÌNH TÂM THỨC RỒNG TIÊN

 Hay ý nghiã Quẻ KIỀN trong Kinh Dịch 

Đông Lan

 

IMG.005Đại thể Kinh Dịch trong những ý nghĩa dưới đây:

1- Dịch nghĩa là biến hóa, thay đổi

     “Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa hiện hỹ”.( Kinh Dịch- Hệ từ thượng ).Trên bản thể thì là tượng( sơ nguyên tượng), nơi thế giới cụ thể là hình, danh, sắc, tướng, sự biến hóa thấy rõ. Đây là nói đến cái Lý lớn nhất của sự biến động, cái biến động uyên nguyên, từ Vô cực chuyển biến sang Thái cực để con người có thể thấy được cái Lý biến động khác. Biến dịch đầu tiên là sự mở tung hai cánh cửa Càn Khôn của hỗn mang mù mịt, cái thiên ý đầu tiên mà ý thức của ta có thể nắm bắt được ( Ai mở? Đừng hỏi, Triết Lý Việt Nho làm toàn bằng động từ, do đó mới là An Vi ! )

     “Dịch chi vi thư dã bất khả viễn; vi đạo dã lũ thiên; biến động bất cư, chu lưu lục hư; thượng hạ vô thường, cương nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thích “ ( Kinh Dịch- Hệ từ hạ).(123)

     (Dịch là sách không thể xa lìa, là Đạo vận chuyển thường hằng, biến động không ngừng nghỉ, lưu thông khắp mọi nơi, lên xuống không chừng, tùy thời mà cương nhu, không thể căn cứ vào đâu được, chỉ thích nghi để biến hóa).

     Sự biến hóa ở đây trở thành một lộ trình, cứ như thế mà vạn vật nắm tay nhau theo định luật biến đổi mà chạy ngày đêm ầm ầm lũ lượt như sóng, như sông chẳng hề ngừng nghỉ, đến nổi Khổng Tử phải cảm khái than rằng: “ Cứ trôi chảy như thế này mãi ư? Sao chẳng hề ngừng nghỉ dù chỉ một phút giây của sự lưu ly” ( Thệ giả như tư phù: bất xả trú dạ – Tử Hãn, Luận Ngữ q. 5).

2-Dịch có nghĩa là giao dịch

     “Cương nhu tương thôi, nhi sinh biến hóa” (124)( Kinh Dịch- Hệ từ thượng)

     Cương là đức của dương, nhu là đức của âm. Ý nói sự biến hóa không phải chỉ là sự động một chiều. Âm Dương đun đẩy, tương giao với nhau để chuyển biến. Hai hoạt lực trong vạn vật nương tựa nhau làm nên biến đổi. Đây là sự biến đổi của khuynh hướng tương quan nền tảng và nội tại của tất cả vạn vật. Có Giao mới có được Dịch.

3- Dịch là Bất Dịch

     Tuy vạn vật đều phải biến đổi không hề ngừng nghỉ sự đổi thay, và sự biến dịch này là biến dịch trong sự đối đãi giữa những mâu thuẫn âm dương, nhưng chính mối âm dương đối đãi này lại là một nền tảng liên kết vạn vật về một mối duy nhất: Đó là Đạo, là Thiên Lý, là Tính, Mệnh. Có nghĩa là những chân lý trường cửu, nên dịch cũng còn là bất dịch. Ta có thể liên tưởng đến thuyết luân hồi của Phật Giáo. Theo thuyết này, vạn vật cũng nằm trong cảnh giới của sự vận chuyển nhân quả, luân hồi. Có nghĩa rằng vạn vật nằm trong những biến đổi nhân quả. Nhưng luật nhân quả thì bất dịch. Sự bất dịch của luật nhân quả và cái bất dịch của Đạo Âm Dương tương giao biến dịch có thể hiểu được một cách tương tự như nhau: Đó là sự bất dịch của thế giới bản thể, trước khi có Âm Dương, mà phần trên, Kinh Dịch (Hệ từ thượng) gọi là “Tượng” (Tại thiên thành tượng). Tương tự, Hệ từ thượng nói: “Sinh Sinh chi vị dịch” (125).

(Dịch là sinh rồi lại sinh)  là tái sinh nơi bản thể uyên nguyên, chốn vĩnh hằng, chân thật như như mà các thánh nhân không biết gọi là gì, đành mượn tạm những hình dung từ để chúng ta tưởng tượng một mình mình biết một mình mình hay. Đó là ý nghĩa câu “thoái tàng ư mật” trong Trung Dung “ Phóng chi, tắc di lục hạp, quyện chi, tắc thoái tàng ư mật”(Lan tỏa ra thế giới hiện tượng thì đi khắp được sáu cõi, quay về thì dường như nó sâu kín ở chỗ tế vi huyền diệu của lòng) hay ý nghĩa “Sát hồ thiên địa” trong câu “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chí dã, sát hồ thiên địa”(Trung Dung12). Đạo người quân tử khởi tự vợ chồng, nhưng đi đến cùng cực, chiêm ngắm, rung cảm được với Đạo Trời. Đạo Trời đây là cái đạo bất dịch trong biến dịch, trước khi cánh cửa càn khôn mở ra. Và vì đạo trời đã bất dịch rồi thì đâu có đa đoan đa sự như chốn âm dương biến động trần gian, đạo trời thu về một mối, đơn sơ không phân biệt gì, cho nên

4-Dịch còn là đơn sơ, giản dị

     “Càn dĩ Dị Tri” (Kinh Dịch-Hệ từ thượng) . Đạo Trời là liễu ngộ cái đơn sơ tinh tuyền của linh thể.

     Do đó, theo Triết Gia Kim Định, Dịch Kinh Linh Thể là những bước tiến của Tâm thức con người theo quẻ Kiền (Càn). Ta hãy xem quá trình chuyển biến ấy ra sao:

 Kiền, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh

     Sơ cửu: Tiềm long: vật dụng

     Cửu nhị: hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân

     Cửu tam: quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược lệ: vô cữu

     Cửu tứ:hoặc dược tại uyên: vô cữu

     Cửu ngũ: phi long tại thiên: lợi kiến đại nhân

     Thượng cửu: kháng long hữu hối

     Dụng cửu: kiến quân long vô thủ; cát. (127)

 

     Nguyên là lúc khởi đầu ban sơ

     Hanh là bước lưu hành

     Lợi là tựu Thành (Tính Mệnh)

     Trinh là bền vững, sinh sinh.

     Đây là lời Kinh Vô Thể miêu tả, tạm dùng ngôn ngữ mà khai mở Tâm Thức con người: Bước ra khỏi cánh cửa càn khôn, là lúc phát nguyên của Tính Mệnh. Kể như là lúc bắt đầu vào cõi tử sinh. Hanh là tác hành biến động của của sự sống ở cõi ngoại giới. Tùy theo tính cách, tính chất, phẩm và lượng của bước du hành trong đời sống trần gian, cái tâm thức của ta thu nhỏ hay mở rộng, đi xa xa chạy vòng ngoài, bơ vơ lạc lõng bụi  đời hay biết đường về Nhà để có nơi an trú yên ấm của linh hồn. Tiểu ngã sẽ không còn bơ vơ nữa nếu tìm được lộ trình của Tính, của Mệnh để về Thái Thất muôn đời, thì đó là chặng tựu thành tối hảo nhất của một chu kỳ nhỏ bé. Về được Thái Thất là sự tái sinh vào cõi linh thiêng của tạo vật, là cõi vĩnh hằng, bất diệt, là uống nước hằng sống, là thưởng thức trái cây sống đời không thuộc trần gian này.

     Thật ra diễn tả như trên, cũng quá đủ cho một niệm thức khai sinh. Thế nhưng Thánh Hiền quá thương yêu mọi người, nên lại lập lại những ý nghĩa trên đời nơi các hào của quẻ kiền.

    Sơ cửu- Tiềm long vật dụng: Long được dùng làm biểu tượng cho Tâm thức con người. Con rồng còn ẩn náu, có lẽ còn ở trạng thái tâm lý sợ sệt trước những cảnh hùng vĩ chế ngự không nổi thiên nhiên, ngoại cảnh. Đó là thời kỳ tâm thức còn ở trong hang động, thời hang động ăn lông ở lỗ, hoặc thời cái tâm còn trong các hang động của vật thể: sự sùng thượng lý trí, ý niệm, lý thuyết, vật chất, các thể thô cạn. Khi nào tâm thức còn như con rồng vẫn lê chân dưới bùn đen của vật thể thì không nên xử dụng nó.

     Cửu nhị- Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân: Rồng linh thiêng đã bắt đầu bò lên mặt ruộng vươn mình ra oai cùng tạo vật rồi, tức là khi tâm thức con người đã hé thấy Thiên Lý, thoát ra khỏi thời kỳ tăm tối   của các thứ tiểu kiến, một chiều vật thể rồi, thì là lúc đang có cơ may, có cơ duyên để đi đúng lộ trình Tính Mạng của kiếp người nhỏ bé này. Rồng hiện lên mặt ruộng, nghĩa là Người nhận ra địa vị Người của mình, không còn phải lê thân dưới bùn đen duy lý, duy vật nữa. Đã vượt được bước vật bản, ý hệ để sửa soạn cho những bước tiến của con người Nhân Chủ.   

     Cửu tam-Quân tử chung nhật kiền kiền, tịch dịch nhược lệ: vô cữu. Đây là bước mẫn hành của người hiểu đạo. Tri còn phải hành để biết đá biết vàng, không vào đời làm sao thành đạo. Chính vì thế, đời sẽ là trường học đạo lý cho người hiểu đạo. Cho nên, có khi say mê với hiểu biết, với lý tưởng, với tha nhân, người hiểu đạo không đủ thì giờ trong ngày để sống cho riêng mình. Làm việc gì cũng kỹ lưỡng, thận trọng, kính cẩn, nên suốt ngày miệt mài phụng sự, đến chiều tối vẫn còn bận rộn lo toan nghĩa vụ của mình. Đây là giai đoạn “Tiến đức, tu nghiệp”, nên tâm trí còn vướng mắc trong các đa đoan, hữu vi trên đường tìm học cái đức của người quân tử, xây dựng sự nghiệp trên hành trình nhân bản.  

     Cửu tứ: Hoặc dược tại uyên: vô cữu. Hoặc nhảy vào uyên mặc, không lỗi. Rồi đường đời làm mỏi gối chồn chân người tranh đấu, có lúc dừng lại, quay về với thế giới Nội Tâm, tham dự vào tiết điệu hòa nhịp với cảnh giới bao la, đôi khi con người dường như nhẹ nhàng hơn khi trút bỏ dần đời cá nhân nhỏ bé: quên thân mình, quên công mình, quên danh của mình.Thánh hiền gọi là: vô kỷ, vô công, vô danh. Hào này vẫn không có gì sai lệch. Tâm thức những bậc chân nhân ấy đã nhảy vào uyên mặc, trầm lắng các vọng động, dọn đường về thanh tịnh, chuẩn bị cho những cảm ứng với nguồn diệu âm nội tại. Những hoạt động vòng ngoài chỉ là cái hành động tự nhiên của trình độ Tâm thức đang trên đường phá chấp, mài dũa những sắc cạnh trong lò rèn Hư Vô của thiên đạo. 

     Cửu ngũ – Phi long tại thiên: lợi kiến đại nhân

Rồng đã vươn lên tới độ viên mãn, nắm bắt được cái Vô thể của bước vận hành, là lúc nhân tính tròn đầy. Đong đưa giữa hai nhịp Hữu Vô, tung tăng đi về Nhất Thể huyền đồng, biến động mà không còn biết mình biến động, luân lưu mà cứ ngỡ như ở chốn Thường Hằng, tạo vật mà đã có phong thái (An Vi) của chủ nhân. Là đợt tâm thức đẹp nhất, thuận tiện nhất. Đó là Tâm  Thức Thông Giao cùng vũ trụ, tâm thức Tham dự vào vòng Sinh Sinh của trời đất, đó là tiến hóa xoáy ốc của Nhân Chủ Tâm Linh. Đó là phút diễm tuyệt của Đóa An Hoa Khai Mở.

     Thượng cửu: Kháng long hữu hối: Rồng vươn lên cao nữa, sẽ hối hận: Đây là tâm trạng con  người hay vướng phải khi tiếp cận tính thể đại đồng: dễ đi vào duy linh, bay bổng quên chữ Trung Chính của Đạo: Thế giới vô cực đó không phải của mình! Doãn chấp kỳ Trung!

     Dụng cửu – Kiến quần long vô thủ: Cát.

     Đây là một chặng bí nhiệm của Tâm thức thứ 7 của con người đã giải thoát hoàn toàn, Tâm Kiến Vô Tâm, rồng cũng không còn đầu, có nghĩa là rồng cũng không còn là rồng nữa, mà không còn cách tốt lành, có lẽ sẽ vươn tới đợt biến khác của TIÊN chăng?

( Trích Yêu Mến An Vi, cùng tác giả)

Đông Lan

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tìm Kiếm