…..

Hè về… thi ca một trời nhung nhớ!

Bs Lê Văn Lân

phuongviHÈ NHỚ! HÈ THƯƠNG
Vùng Bắc Mỹ đang vào hè… Lòng dân tha hương bỗng nhớ về quê Việt!
Những cựu học sinh thương nhớ cái oi nồng lẫn tiến ve kêu trên cành cây phượng vĩ vào mùa thi.
Dân Saì gòn nhớ về những trận mưa giông làm trôi những lá me trên hè phố.
Những cựu công chức, cựu chiến binh thời VNCH còn giữ trong ký ức về “ Mùa hè đỏ lửa”ở miền Trung, về“ Phố núi cao, phố núi đầy sương”của đất Pleiku. Họ còn nhớ đậm nét về vùng đất “Buồn Muôn Thuở” bụi mù vào mùa ráo khô. Trong cảnh lao tù CS, họ từng chịu cái nóng của mùa hè dưới những mái tôn của những láng cải tạo ở vùng Suối Máu (Biên Hoà), Long Thành, Năm Căn …
Ta hãy dở chồng sách cũ và ôn lại những thi ca về mùa hè để làm vơi nỗi nhớ.

THI CA HÈ CỔ ĐIỂN
Trước hết, bài thơ khuyết danh trong cuốn tập đọc Quốc văn giáo khoa thư đã làm ta tha thiết nhớ về cái hè cổ điển của vùng quê Việt gió mùa:
Ai xui con quốc gọi vào hè,
Cái nóng nung người…nóng nóng ghê!
Ngõ trước vườn sau, um những cỏ,
Vàng phai thắm nhạt, ngán cho huê.
Đầu cành kiếm bạn oanh xao xác,
Trong tối đua bay đóm lập loè.
May được nồm nam cơn gió thổi,
Đàn ta…ta gảy khúc Nam nghe.

Khung cảnh thiên nhiên dưới ảnh hưởng thời tiết khí hậu trong nhãn quan của cổ nhân Việt vốn mang tính cách ước lệ, tượng trưng như vào xuân thì có oanh hót liễu rủ, mai vàng, đào thắm…; vào hè thì có đỗ quyên khắc khoải kêu, hoa lựu đỏ, sen hồ thơm…; vào thu thì có ý nhi líu lo, cúc vàng…; vào đông thì có tùng bách xanh rì…. Cho nên khi tiết hè sang, Nguyễn Công Trứ đã tả cảnh vật rực rỡ dưới ánh dương quang chan hoà khắp chốn như sau:
Quanh ngọn tường, lửa lựu phun hồng,
Ran mặt nước, tàn sen nẩy lục.

Và với Nguyễn Du thì:
Dưới trăng, quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.

NAM TRÂN VỚI PHONG TRÀO THƠ MỚI
Nhưng về sau, văn thi sĩ VN cũng dần dần bỏ khuôn sáo cũ mà đem những điều thực tế mà miêu tả như thi sĩ Nam Trân, tác giả tập thơ Huế: Đẹp và Thơ (1939):
Trời nóng băm bốn độ,
Đèn sao khắp đế đô.
Mặt trăng vàng trỏn trẻn,
Núp sau nhánh phượng khô.
Ba nhịp cầu Trường tiền
Đứng đầy người hóng mát
Ngọn gió Thuận An lên
Áo quần kêu sột soạt.
Đủng đỉnh chiếc thuyền nan
Qua lại bến sông Hương.
Tiếng đàn chen tiếng hát
Thánh thót điệu Nam Bường.
Hai tay xách hai vịm,
Một vài mụ le te,
Tiếng non rao lảnh lót
Chốc chốc:”Ai ăn chè?”

Với giọng thơ tả chân sắc bén, Nam Trân đáng đưọc tôn xưng là “ Thi sĩ của mùa hè “ như Lecomte de Lisle của văn chương Pháp qua cả tả “ Huế, ngày hè”:
Lửa hạ bừng bừng cháy
Làn ma trốt trốt bay.
Tiếng ve rè rè mãi
Đánh đổ giấc ngủ ngày.

Đường sá ít người đi,
Bụi cây lắm kẻ núp.
Xơ xác quán nước chè
Ra vào người tấp nập

Phe phẩy chiếc quạt tre,
Chú nài ngồi đầu voi
Thỉnh thoảng giơ tay bẻ
Năm ba chùm nhỡn còi.

Huê phượng như giọt huyết
Dỏ xuống phủ lề đường.
Mặt trời gay gay đỏ,
Nhuộm đỏ góc sông Hương.

NHỮNG BỨC TRANH HÈ BẤT HỦ TRONG THI CA VIỆT NAM MỚI
So với những mùa khác như Xuân, Thu và Đông, mùa Hè khó đem vào Thơ và Nhạc ngoài duy nhất bài hát Hè về của nhạc sĩ Hùng Lân và vài bài thơ của những thi sĩ sau: Bàng Bá Lân (sanh 1913) và Anh Thơ (sanh 1919).
Bàng Bá Lân không những là một tâm hồn bén nhậy về màu sắc, hình nét mà còn là một nhiếp ảnh gia danh tiếng:
Lửa hè đốt bụi tre vàng,
Trưa hè ru ngủ xóm làng say sưa.
Khóm chuối lá bơ phờ nghĩ ngợi,
Rặng cau gầy nghển với trời cao.
Trong nhà ngoài ngõ quạnh hiu
Đầu thềm con Vện thiu thiu giấc nằm.
Trong nhà lá tối tăm lặng lẽ
Tiếng ngáy đều nhè nhẹ bay ra.
Võng đay chậm chạp khẽ đưa
Ru hai bà cháu say sưa mộng dài…
Cháu bỗng cựa rẫy hoài khóc đói
“A ời…” mấy tiếng. Rồi im…
Nhện tường ôm trứng nằm yên mơ màng.
Ruồi bay thong thả nhẹ nhàng,
Muỗi vo ve khóc bên màn thiết tha.
Hơi thở nóng luồn qua khe liếp
Làm rung rinh mấy chiếc diềm sô.
Bụi nằm lâu chán xà nhà
Nhe nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu…

( Tĩnh mịch – Tiếng thông reo – 1934)
Đọc bài Tĩnh mịch tuyệt vời trên chắc lòng người Việt tha hương thổn thức buồn hiu xao xuyến như nghe lại tiếng ru con miền quê của một xã hội nông nghiệp tiền chiến :
Cái ngủ … mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy còn lâu mới về !

Trưa hè Việt Nam nóng bức làm cho con người rã rượi ngái ngủ, khó mà thi vị hoá. Ấy thế mà Bàng Bá Lân đã làm cho những Trưa Hè miền quê ấy thành những kỷ niệm đầy màu sắc âm thanh khó quên:
Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.
Vo ve rung cánh, ruồi say nắng,
Gà gáy trong thôn những tiếng dài.

Trời lơ cao vút không buông gió,
Đồng cỏ cào khô cánh lượt hồng.
Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa,
Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng.

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng,
Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu.
Nghe mồ hôi chẩy đầm như tắm…
Đứng lặng trong mây những cánh diều.

Cành thưa, nắng tưới chim không,
Quả chính bâng khuâng rụng truớc hè.
Vài cô vê chợ buông quang thúng
Sửa lại vành khăn dưới bóng tre.

Thời gian dừng bước trên đồng vắng.
Lá ngập ngừng sa nhẹ luớt ao.
Như mơ đường khói lên trời nắng,
Trường học làng kia tiếng trống vào.
(Trưa hè – Tiếng sáo thu)
Còn nữ thi sĩ Anh Thơ – tác giả “Bức Tranh Quê – 1941- được độc giả hoan nghênh mến chuộng về những nét thơ tả miền quê Bắc Việt thời tiền chiến qua những đợt thời tiết bốn mùa. Riêng về mùa hè, bà đã mô tả như sau:
Trời trong biếc không qua mây gợn trắng,
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa.
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng.
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua.

Trong thôn vắng tiếng gà xao xác gáy,
Các bà già đưa võng hát thiu thiu.
Những đĩ con ngồi buồn lên bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu.

Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ,
Lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay,
Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ
Của vài người cuỡi ngựa đến xua ngay…

PHƯỢNG VỸ: HOA CỦA HOC TRÒ!
Đối với lứa trẻ học sinh mới, hoa tượng trưng cho mùa hè không còn là hoa lựu cổ điển mà là “hoa phượng “mà họ xưng tụng là “ hoa học trò”vì dính liền với mùa hè, khung cảnh học đường và mùa thi cử.
Phượng đỏ đầy sân ngập cổng trường,
Mùa thi em ngại với yêu đương
Ve sầu rộn rã mừng vào hạ,
Giây phút chia tay chốn học đường.

Hoa phượng là hoa của học trò,
Ép vào trang giấy những bâng quơ,
Nỗi niềm rạo rực không tên tuổi
Những ý vu vơ chẳng bến bờ.
( Hoa học trò – Nguyễn văn Y)
Cây hoa phượng – dân Bắc quen gọi là Soan tây, dân Nam là Điệp- có tên khoa học là Delonx regia được người Pháp di thực từ đảo Madagascar Phi châu sang trồng ở Việt Nam để thiết kế các đô thị có lẽ vào đầu thế kỷ 20 nếu ta dựa vàosự kiện tên Thống chế thực dân Galliéni sau khi đánh dẹp Nam kỳ được điều qua chiếm cứ và cai trị xứ Madagascar ( 1896- 1905). Với màu đỏ chói nên tên Pháp cây phượng là Flamboyant, tên Anh là Flame of the Forest mà tự điển Tàu dịch là Phượng hoàng chi mộc chứ không phải là cái tên “ Phượng vỹ” mà ta đoán có lẽ là do đám học sinh Việt nam đặt ra. Ở Mỹ, hoa phượng trồng nhiều ở Florida mà dân địa phương hằng năm mở đại hội hoa phượng như hội hoa anh đào nở ở thủ đô Washington. Riêng đối với những cựu học sinh trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế, tên Phượng Vỹ được chọn làm cái tên chính thức cho đoàn thể của họ. Nói chung đối với học sinh Việt Nam, phượng vỹ có một giá trị kỷ niệm tình cảm lớn lao mà không hoa nào có được. Nhớ thủa nào, ngồi trong lớp, thoáng nghe một vài tiếng ve và nhìn thấy vài cánh phượng trổ bông, họ lại rạo rực với niềm vui của một mùa hè mới . Trong cảnh tha hương hiện nay, những cô cậu học sinh xưa nay nghĩ gì?
Xưa còn cậu cậu cô cô đó,
Nay đã ôn ôn mệ mệ rồi!

Phải chăng họ lại giống chị Thanh Cầm trong bài thơ “Huế của Ai?” ( Tiếng Sông Hương – Dallas 1990):
Huế của mình, nay Huế của ai?
Thầy xưa, bạn cũ mất đi rồi!
Đôi hàng phượng vĩ hoa còn thắm
Như chút u hoài năm tháng trôi!

TÂM TÌNH MỘT THUỞ HOA NIÊN
Riêng bản thân tôi, vốn là cựu học sinh trường Quốc học Khải Định từng nằm chung khuôn viên trồng toàn cây phượng với trường nữ Đồng Khánh nên học sinh hai trường đi học cùng trên đại lộ Lê Lợi ở hữu ngạn sông Hương. Những gốc phượng già bỗng trở thành những chứng nhân câm nín của những mối tình học sinh mang những vết dao si tình vạch những tên tắt như ý thơ thầm lặng của Arvers. Tuổi thơ thường si tình như nghịch ngợm. Trường nữ Đồng Khánh viết tắt là Đ. K đánh trống cho học sinh vô lớp và bãi học, còn trường nam Khải Định( viết tắt là K.Đ.) lại đánh chuông. Nên với đầu óc lếu láo chế biến của lũ học sinh, tiếng chuông đánh nghe như câu hỏi: “Muốn chi? Muốn chi?” của phía nam, còn tiếng trống nghe như câu đáp của phiá nữ: “ Muốn chồng! Muốn chồng!”.
Do đó, tôi có vài giòng thơ vớ vẩn “ Kỷ niệm tình học trò “sau để kết thúc bài thi ca về mùa hè này:
Còn nhớ năm mô chuyện bé con
Thương o gái Huế gót như son.
Những chiều tan học mưa tầm tã,
Thừa Phủ đò ngang đợi héo don.

Giòng Hương soi bóng hai trường lớn,
Đường rộng đi về một lối chung.
Chuông đổ trường anh lừng sương sớm
Trống bãi trường em cánh phượng rung!

“Muốn chi?” thường ghẹo hồi chuông hỏi!
Vọng đến tai nàng, em gái xinh.
“Muốn chồng!” trống đánh vang từng chập.
Hổn hể thay lời em nhắn anh!

Chuông trống âm vang tuổi học trò
Tuổi hồng vui nghịch chẳng thèm lo.
Hè vè, sách ép toàn hoa phượng,
Lưu bút tâm tình nét đậm tô!

Thư xanh nắn nót gài trong tập,
Ốt dột em nào dám đáp anh!
Gặp nhau liếc trộm nghiêng triền nón
Cúi mặt…cười duyên miệng nửa vành.

Quốc Học anh ni dị một cây,
Lẽo đẽo theo em quá đỉa dai.
Ngó lơ giả bộ , em còn trẽn
Trong bụng phút đầu …cũng đã say.

…..
Tha hương … bỗng nhớ người yêu cũ
Dìu dặt tơ lòng như tiếng ru
Thời gian mặt nước Hương giang lặng
Cánh phượng năm mô bến mịt mùng.
( Lê văn Lân)

Ngoái nhìn quá khứ, tôi thấy những mùa hè đáng ghi nhớ trong đời là những mùa hè của tuổi học sinh.
Cũng như thi sĩ tiền chiến Xuân Tâm (sanh 1916), mỗi lần “Nghỉ hè” là mỗi lần tôi thấy mang trong người một “trái tim non “ đang sống trong thiên đường hạ giới! Trong mắt tôi chỉ thấy “ tất cả mùa xuân trong mùa hạ!’ vì:

Trong khoảnh khắc, sách, bài là giấy cũ,
Nhớ làm chi. Thầy mẹ đợi em trông.
Trên đường làng, huyết phượng nở thành bông,
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt

( Nghỉ hè – Lời tim non của Xuân Tâm)

Thôi nhớ lại để nhớ! Chứ ai trong đời luôn tắm một giòng sông, phải không?

LÊ VĂN LÂN

(Nam Sơn chuyển bài)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm