Elizabeth Badinter

 HIỆN TƯỢNG ĐÀN ÔNG NẠN NHÂN BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH

Toàn Bộ Cuộc Thảo Luận với Triết Gia Elizabeth Badinter vào Thứ Sáu 16/11/2007

Mouche: Có bao nhiêu người đàn ông bị vợ đánh chết ở Pháp ? Và có bao nhiêu phụ nữ bị chồng đánh chết ?

Elizabeth Badinter: Số nạn nhân trong cuộc nghiên cứu năm 2006 gia tăng khi so sánh với năm 2004, và có tổng cộng 168 trường hợp tử vong từ hai phía gồm 137 phụ nữ và 31 đàn ông. Tức là cứ 2.5 ngày thì có một phụ nữ bị chồng đánh chết, và cứ 11.5 ngày thì có một nam nhân bị vợ đánh chết. Vậy nên, điều không thể chối cãi được là đa số các nạn nhân của các trường hợp bạo hành trong gia đình là phụ nữ.

Dẫu vậy, tôi cho rằng vấn đề bạo hành trong gia đình mà nạn nhân là đàn ông phải được nêu lên. Bởi vì không phải là con số không. 31 người đàn ông bị chết dưới tay của vợ mình không phải là con số không đáng kể. Thế mà không có một cuộc nghiên cứu đặc thù nào được thực hiện về các trường hợp mà nạn nhân là nam giới, và giới báo chí trong toàn bộ và các nhà nghiên cứu chỉ săm soi về các trường hợp bạo hành đối với phụ nữ. Họ làm như không có trường hợp ngược lại. Chính sự mù quáng vô tình hay cố ý này khiến tôi phải quan tâm. Bởi vì tôi thấy ở đây một định kiến nghiêm trọng có tính cách ý thức hệ, nằm ở chỗ xem phụ nữ như nạn nhân duy nhất của tình trạng bạo hành trong gia đình

Ireneka : Vâng, phải đề cập đến các nạn nhân phái nam… nhưng đàn ông phải lo chuyện này chứ, giống như các phụ nữ tranh đấu cho Nữ Quyền lo cho các nạn nhân phái nữ vậy.

Elizabeth Badinter: Đúng thế, hình như tình cảnh đàn ông bị bạo hành còn khó nói hơn trường hợp của phụ nữ. bởi vì quá trái ngược hẳn với hình ảnh rắn rỏi mạnh mẽ của nam tính, do đó đương sự còn cảm thấy xấu hổ khi thú nhận mình là nạn nhân bạo hành đến từ phụ nữ hơn là trường hợp ngược lại.

Nên nhớ rằng nhờ sự vận động của hầu như toàn thể xã hội nhằm khuyến khích người phụ nữ vượt lên sự xấu hổ của mình để đưa đơn kiện chồng vì tội bạo hành mà dần dần người phụ nữ mới dám quyết định tới ty hiến binh hay cảnh sát trong mục đích vừa nêu. Với rất nhiều khó khăn vì thật là đau lòng.

Đối với đàn ông, làm một điều tương tự hầu như vượt quá khả năng chịu đựng của họ, do đó xã hội cũng phải gánh vác giùm họ. Tôi muốn nhấn mạnh là chúng tôi có một vài nghiên cứu rất ‘phần mớ’ về các trường hợp mà người đàn ông là nạn nhân của bạo hành trong gia đình, và tất cả đều giải thích rằng đưa đơn kiện vợ vì lý do bị bạo hành là một điều kinh khủng đối với họ, vì họ sẽ trở thành đối tượng của sự ‘chế giễu’ hoặc thái độ ‘không chấp nhận’ rằng có hiện tượng này. Đối với tất cả chúng ta, một cách tự nhiên, chúng ta không thể hình dung được là một người đàn ông lại để cho một phụ nữ đánh mình. Thế mà có vẻ như vậy, dẫu đàn ông mạnh hơn phụ nữ (điều này không phải khi nào cũng đúng đối với các cặp vợ chồng), các người đàn ông bị bạo hành không dám phản ứng lại và không dám dùng sức mạnh tương đương để bắt vợ mình phải ngưng . Đó là lý do tại sao, theo ý tôi, các hiệp hội, các tâm lý gia và có thể cả một bộ sở nào đó phụ trách về lãnh vực công bằng giữa hai phái tính, phải gánh vác việc này.

Picolo: Bạo hành đến từ phái Nữ phải chăng trong đa số các trường hợp, là hành động Tự Vệ hợp pháp.

Elizabeth Badinter: Đó luôn luôn là luận cứ được đưa ra khi đề cập đến các trường hợp bạo hành của phụ nữ đối với nam giới: sở dĩ phụ nữ tỏ ra hung hãn là để chống lại các hành vi bạo hành mà đàn ông thực hiện trước đó. Về phần tôi, tôi tin chắc rằng lập luận nêu trên thường đúng, nhưng tôi cũng tin chắc rằng dựa trên bằng chứng mà chúng tôi có, rằng không phải luôn luôn như vậy.

Suzy: Hình dáng của những người đàn bà đánh chồng như thế nào ? Họ thuộc giai tầng xã hội nào ?

Elizabeth Badinter: Vì không có một cuộc nghiên cứu nào được thực hiện về những ngưởi đàn bà hung hãn này, chúng ta không thể trả lời câu hỏi vừa nêu, mặc dầu đó là câu hỏi nền tảng. Gần như phải phá vỡ một điều cấm kỵ để có thể đề cập đến vấn đề này một cách thanh thản và với sự vô tư cần thiết. Và chúng ta đã không làm điều đó.

Jean Grisel: Nếu chỉ đề cập đến các trường hợp bạo hành có tính cách thể chất, thể lực, mà theo thống kê đàn ông lại mạnh hơn đàn bà, chúng ta sẽ luôn tìm thấy nhiều thiệt hại về phía phụ nữ hơn nam nhân. Nhưng tại sao người ta lại quên những trường hợp bạo hành đặc thù mà phụ nữ thực hiện như tự động quyết định có con mà không cho người cha tương lai biết về chuyện này hay đi ngược lại ý muốn của người này, hoặc gán cho một người đàn ông ‘tác giả’ ‘cái bầu’ của mình hay ‘ cha’ của một đứa con đã ra đời, nhưng điều này lại trái với sự thật…vvv…

Elizabeth Badinter: Tôi không nghĩ là chúng ta có thể đặt các hành vi bạo hành có tính cách thể chất, thể lực ngang hàng với các hành vi bạo hành có tính cách tâm lý. Dẫu vậy, một vài nghiên cứu hiếm hoi mà chúng tôi có về các trường hợp bạo hành, đặc biệt ở Québec rõ ràng tiên tiến hơn nước Pháp trong vấn đề này, cho thấy rằng bạo hành tâm lý thường do phụ nữ, còn bạo hành có tính cách thể lực thường do đàn ông.

Ny2008: Trong nhiều trường hợp ly dị tại Hoa Kỳ, nhiều phụ nữ khai gian rằng họ là nạn nhân của bạo hành để đạt được phán quyết của Tòa thuận lợi cho họ. Còn bên Pháp thì sao ?

Elizabeth Badinter: Bên Pháp cũng như tại Québec, chúng tôi biết như thí dụ chẳng hạn, trường hợp những phụ nữ sắp ly dị cáo buộc sai sự thật, rằng chồng họ có những hành vi ‘ấu dâm’ đối với con cái để được Tòa giao cho họ việc trông nom con cái. Chúng tôi có con số thống kê tuy ‘phần mớ’ nhưng cũng đáng lo ngại là 17% đơn kiện loại này bị Tòa phát giác là ‘gian dối’. Đây là một loại bạo hành không có tính cách thể lực mà là tâm lý, và là một điều sỉ nhục mà theo ý tôi, chưa bị tố giác một cách đầy đủ.

Christophe Lambert: Bà có gặp những phản ứng hung hãn từ những phụ nữ phật ý về việc bà phát động cuộc tranh luận loại này.

Elizabeth Badinter: Thưa có và đặc biệt đến từ các hiệp hội tranh đấu cho nữ quyền đang chăm lo các nữ nạn nhân của các vụ bạo hành do đàn ông gây ra. Họ cáo buộc tôi là có ý định ‘tung hỏa mù’ và giải tội cho đàn ông bằng cách khơi gợi tình trạng bạo hành do phụ nữ gây ra và xem hai hiện tượng ngang nhau. Kết luận: họ xem tôi là kẻ phản bội phong trào Nữ Quyền.

Westindies: Tại sao người ta không còn đề cập đến các phong trào nữ quyền khuyến khích sự căm thù đàn ông ? Càng ngày càng có nhiều hiệp hội nữ quyền tổ chức những buổi tranh luận cấm đàn ông tham dự.

Elizabeth Badinter: Riêng tôi có đề cập đến các phong trào căm thù đàn ông. Tôi viết một quyển sách có tựa đề ‘Fausse Route’ nhằm cố gắng điểm lại tình hình của loại diễn từ chống đàn ông. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ rằng đa số đồng hương chúng ta biết phân biệt phải trái. Dẫu vậy, tôi cảm thấy khó chịu khi vào ngày 8/3 mỗi năm là ngày dành cho phụ nữ, tất cả giới truyền thông tung ra các bảng thống kê về các trường hợp bạo hành mà nạn nhân là phụ nữ, nhằm gợi ý cho các thế hệ phụ nữ trẻ, rằng tình cảnh của họ là tình cảnh của những nạn nhân, do đó nuôi dưỡng sự ngờ vực, e ngại, kể cả sự căm thù đối với đàn ông.

Christophe Lambert: Từ khi xuất bản tác phẩm ‘Fausse Route’ cùng với chương mà bà dành cho vấn đề này, đối với bà sự việc có thay đổi gì không ?

Elizabeth Badinter: Câu trả lời là không, không có thay đổi gì nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn trông chờ rằng cuối cùng, người ta tỏ ra khách quan hơn một chút và lưu tâm đến các trường hợp bạo hành do phụ nữ gây nên.

Christophe Lambert: Bà có liên hệ được tình trạng bạo hành do phụ nữ gây ra trong vòng lứa đôi với sự gia tăng các trường hợp bạo hành của các thiếu nữ vị thành niên: sự thừa hưởng một loại quyền được bạo động dành cho phụ nữ, có thể gọi như vậy được chăng ?

Elizabeth Badinter: Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể xem sự việc như thế được. Ngược lại, sự gia tăng lớn lao của các vụ bạo hành có tính cách thể lực, đặc biệt từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21, là một hiện tượng toàn cầu. Chúng ta chứng kiến sự gia tăng bạo hành đối với trẻ em, người cao niên, giữa trẻ em với nhau, và giữa những thanh niên, thiếu nữ vị thành niên. Và lẽ dĩ nhiên trong giới phụ nữ. Nếu sự kiện phải sống trong những tình cảnh thật sự khó khăn đối với các thiếu nữ vị thành niên, hoặc tại những xóm phường với cuộc sống đầy nghiệt ngã, khiến cho các thiếu nữ càng ngày càng trở nên hung hãn hơn, thì theo tôi, đó là kết quả tự nhiên của tình trạng áp bức mà họ là đối tượng. Nhưng điều trên không có nghĩa là các phụ nữ trên toàn cầu, khi họ không bị đặt vào các tình thế khắc khe như trên, càng ngày càng trở nên hung hãn.

Longsword: Sống ở Québec, tôi nhận thấy các tác hại của trào lưu nữ quyền thuộc loại cay độc đối với giới đàn ông thuộc thế hệ của tôi (35-40 tuổi). Đàn ông luôn luôn là thủ phạm !!! Tại sao có những phụ nữ xử dụng vũ khí ‘đổ hết tội lỗi và hạ phẩm giá người đàn ông’ để giành những gì họ muốn lấy từ người nầy ?

Elizabeth Badinter: Bởi vì họ tưởng không có phương tiện nào khác để lấy được cái gì. Tôi nói thêm ở đây là họ oán giận và thù ghét đàn ông

Los: Có sự khác biệt nào chăng về tình trạng bạo hành trong môi trường của các cặp ‘khác phái tính’ và các cặp ‘đồng tính ?

Elizabeth Badinter: Theo sự hiểu biết của tôi, không có sự khác biệt nào. Một vài nghiên cứu rất hiếm hoi mà chúng tôi có cho thấy tỷ lệ bạo hành có vẻ bằng nhau giữa hai loại: ‘khác tính’ và ‘đồng tính’.

Los: Bà vừa cho biết về các thống kê liên quan đến số tử vong. Có phương tiện nào khác nhằm định lượng tầm mức của các hành vi hung bạo giữa hai phái tính nam-nữ?

Elizabeth Badinter: Vâng. Thực ra, có nhiều con số. Ngoài tỷ lệ về các trường hợp ngộ hay cố sát, còn có những tỷ lệ về các trường hợp nạn nhân bị thương tích. Thí dụ năm 2005, có 8869 đơn thưa của phụ nữ về các hành vi bạo hành của chồng. Và 1457 đơn thưa của đàn ông về những hành vi bạo hành của vợ. Năm 2006, có sự gia tăng quan trọng của hai loại bạo hành: 10680 đơn thưa của phụ nữ, tức mức gia tăng 20% ; 1724 đơn thưa về phía đàn ông, tức mức gia tăng 18%. Nhưng cần phải thêm rằng chúng ta chỉ có thống kê về số đơn thưa, và hình như chỉ có 10% các nạn nhân nam và nữ bị bạo hành đâm đơn thưa mà thôi.

Suzy: Có cần ‘thông dòng’ tính hung bạo của người chồng hay người vợ ra khỏi môi trường gia đình ? Khuyến khích phụ nữ chơi thể thao, trở thành tự lập về mặt tình cảm cũng như tài chánh.

Elizabeth Badinter: Tôi xem những đàn ông hay phụ nữ có tính hung bạo như những bệnh nhân cần được chữa trị. Nhưng cũng cần phải khuyến khích bằng mọi cách để người phụ nữ đạt được sự độc lập về tài chánh, để có phương tiện ra đi, từ giã cuộc sống lứa đôi với con cái nếu cần. Theo tôi, cũng có vẻ đúng đắn việc người phụ nữ học cách tự vệ về phương diện thể lực, bởi vì các hành vi bạo hành không chỉ do người chồng gây ra, mà còn có một số lượng thống kê rất lớn về các trường hợp bạo hành có tính cách thể lực ngoài môi trường gia đình, mà nạn nhân đa số là phụ nữ, chiếm 90%.

Cccc3: Bà trình bày hiện tượng các hành vi bạo hành gia tăng đối với đàn ông. Vì những lý do gì hiện tượng này đạt đến tầm mức như thế ?

Malys: Có phải các trường hợp người đàn ông bị bạo hành gia tăng hay chỉ vì người ta nói nhiều hơn về vấn đề này ?

Elizabeth Badinter: Có vẻ không ai đề cập đến hiện tượng này. Chính tôi muốn đề cập đến vấn đề này. Theo tôi, nếu chúng ta khuyến khích đàn ông đâm đơn thưa và nếu chúng ta chú ý đến tình cảnh của họ, có thể sẽ có những điều khiến chúng ta ngạc nhiên. Tôi không muốn nói số đàn ông nạn nhân của bạo hành sẽ chiếm đa số, nhưng tôi tin chắc rằng con số về các trường hợp bạo hành mà đàn ông là nạn nhân rất lớn.(1)

Mathilde Gérard

 Năm 2010 có 280.000 Đàn Ông Nạn Nhân của Tình Trạng Bạo Hành trong Gia Đình theo Cơ quan Quan Sát Quốc Gia về vấn đề Tội Phạm và các Giải Đáp Hình Sự. Hai trong số Nạn Nhân Tiết Lộ:

 “Trong thời gian bốn năm, mọi sự xảy ra với các điều kiện tốt đẹp nhất trong đời sống lứa đôi của chúng tôi. Nhưng khi Achille, con chúng tôi ra đời, cô ta bắt đầu chửi rủa tôi, Olivier nhớ lại.Những cuộc tấn công bằng ‘võ mồm’ cứ tái diễn. ‘Chứng tháo lời nói’ này bắt đầu từ 8 giờ sáng và kéo dài cho đến khi chúng tôi đi ngủ. Tôi hiểu là có vấn đề khi chúng tôi ở tại Ý. Cô ta trở về Pháp, để lại tôi một mình với đứa con mới 1 tuối.” Người đàn ông nay đã ly dị than thở.

Những hành vi bạo hành có tính cách tâm lý đó, Georges cũng đã chịu đựng hằng ngày. Cô vợ trách móc đối với những cử chỉ nhỏ nhặt nhất của Georges. “Mọi cớ đều tốt để cô ta hạ phẩm giá tôi: nếu tôi không mắc tội đi làm về trễ, thì cũng làm điều sai trái khác như không biết nuôi dưỡng con cái hay mặc áo quần chỉnh tề cho chúng để đến trường. Lúc đầu, tôi thử biện giải rằng cô ta bị mắc chứng buồn phiền, suy nhược. Sau đó, khi cô ta trở nên hung dữ, tôi hiểu rằng tình trạng còn trầm trọng hơn nhiều”.

SOS Papa là một hiệp hội nhằm giúp đỡ những người cha gia đình gặp khó khăn trước các hành vi bạo hành và các vấn đề mà tình trạng ly dị đặt ra (trông coi con cái, chia của cải…vvv…). Cơ quan khuyên họ khi xảy ra bạo hành trong gia đình, đương sự hãy để bác sĩ ghi nhận và chứng thực các thương tích và đâm đơn thưa sau đó. “Các ông chồng phải thải bỏ mặc cảm tội lỗi về việc phải đưa vợ ra tòa khi các hành vi bạo hành được xác nhận”, Dominique Ruffié, tổng thư ký hiệp hội giải thích.

Geoges có cảm tưởng rằng mục tiêu của cô vợ, mà Georges sắp ly dị, là đẩy Georges đến cùng để đến lượt Georges ra tay đánh cô ta. Nhưng hoài công!Trước các loạt hành vi bạo hành của cô vợ, Georges vẫn giữ bình tĩnh.

Ông ta đặc biệt nhớ lại một buổi sáng nọ “Tôi đang chơi đùa với mấy đứa con trong phòng khách khi cô ta phá sạch phòng sách và liệng sách xuyên qua căn phòng. Tôi nói với cô ta rằng tôi sẽ không ra tay đánh cô và không để mình bị lừa phỉnh bởi thái độ của cô ta. Hôm đó, sự can thiệp của Georges làm cô vợ dịu lại. Nhưng một hôm khác, có sự hiện diện của bà mẹ vợ, cô vợ tát tai Georges một cái. Georges khai báo sự kiện này. Ông ta đã lấy một quyết định khó khăn

Olivier cũng đã tiến hành việc đến ty cảnh sát gần nhất. Lần đó cô vợ định bóp cổ Olivier. “Hai bàn tay cô ta chẹn họng tôi trong vòng một phút. Tôi không chống trả vì biết rằng chỉ một cử chỉ nhỏ nhặt của tôi cũng có thể dẫn đến việc tôi bị khước từ quyền trông nom con cái. Tuy nhiên tôi cũng bị cho nghỉ việc 3 ngày vì lý do hoàn toàn thiếu khả năng làm việc”.

Sau khi Olivier khai báo sự kiện, cô vợ bị gọi đến ty cảnh sát. Sợ quá, Olivier từ bỏ thủ tục truy tố. “ Cô ta cho con gái tôi bú. Tôi không nỡ lòng nào tiếp tục việc truy tố. Tôi muốn rút lại đơn kiện” Olivier giải thích. Bị kiệt quệ, cuối cùng Olivier cũng phải rời bỏ căn nhà lứa đôi và đang tranh đấu để lấy lại quyền chăm nom con cái.

Việc Đăng Tải Lời Chứng của hai Nam Nạn Nhân bị Bạo Hành trong Gia Đình đã Gây Ra nhiều Lời Bình Luận trên tuần báo ‘L’ Express’

“Một cuộc gặp gỡ hạnh phúc. Một cuộc tình đẹp, tuyệt vời nữa. Đám cưới với hôn ước về việc chia của cải. Bốn năm trôi qua. Con gái chúng tôi ra đời. Rồi bắt đầu những tiếng la lối, những cơn khủng hoảng, những tiếng gầm thét, những lời chửi rủa, các vật dụng bị liệng ra, những lời hăm dọa kèm theo với dao kéo…´Bằng những lời trên, Pierre vạch trần ra kịch bản gần như cổ điển của những người đàn ông bị vợ bạo hành. Trong nhiều lời chứng mà ‘l’Express’ thu thập được, đám cưới và sự ra đời của đứa con thường là yếu tố phát động hiện tượng bạo hành trong gia đình. Đó cũng là sơ lược của những gì đã xảy ra với Fred. ‘Ngày sau đám cưới, tôi khám phá ra rằng tôi đã cưới một con chằn tinh’. Trước khi xuất hiện những cú đấm thể lực, là một tràng đấm đá tâm lý. TelD nhớ lại cô vợ bắt đầu màn thao tác bằng cách cắt đứt các mối liên hệ của TelD với gia đình và bạn bè. Một năm sau ngày đám cưới, TelD trở thành một ‘cái xác biết đi’ lòng đầy sợ sệt. “Rồi cô vợ liệng tới tôi đủ thứ đồ, TelD kể lại, nào là chén đĩa ngay cả với đầy đồ ăn và nóng….. Cô ta tát tai tôi đến nỗi có khi tôi phải chạy trốn qua cửa sổ nhà bếp! Tại sao ? Nếu tôi trả đủa, các ‘tiền đề’ về mặt pháp lý đều chống lại tôi. Cô vợ cũ tôi cao 1m58 và cân nặng 52 ký. Tôi cao 1m91 và cân nặng 110 ký.

TÍNH HOÀI NGHI CỦA CÁC QUAN TÒA

Nếu trả đủa, nạn nhân bạo hành sẽ trở thành ‘đao phủ thủ’. Nếu tố cáo, sẽ trở thành đối tượng của các lời nhạo báng của cảnh sát và người thân. Vậy thì thông thường, anh ta thích giữ im lặng và chờ đợi. “mỗi lần tôi khơi gợi lại các loại bạo hành này, thì chỉ gặp sự khinh bỉ và nếu đỡ hơn một chút là thái độ im lặng” Didier kể. Và thông thường giải pháp duy nhất còn lại là chạy trốn. “Cuối cùng tôi phải ra đi và xin ly dị. May mắn là chúng tôi không có con.” TelD tương đối hóa vấn đề.

Đối với người ‘Đàn Ông Bị Bạo Hành 01’, giải pháp trốn chạy không thể nào xét tới được “Tại sao tôi không ra đi ? Tôi chờ cho các con tôi khôn lớn đã”. “Khi con cái bị đặt thành vấn đề, các người đàn ông bị bạo hành có phản ứng tương tự các phụ nữ cùng tình cảnh . Che chở và có được quyền trông nom chúng có tính cách ưu tiên trước các mối bận tâm khác” Leo phân tích.

PHỤ NỮ Ở PHÁP ĐƯỢC HỆ THỐNG TƯ PHÁP BẢO VỆ MỘT CÁCH QUÁ ĐÁNG

Lyly-75 kể lại với niềm hãnh diện về cuộc tranh đấu của cha cô là một người đàn ông bị bạo hành. “Mẹ tôi, một kẻ ‘khùng điên’, tìm mọi cách lung lạc cha tôi nhằm khiến cha tôi đánh trả lại. Những cú đấm, đồ vật đủ loại bị mẹ tôi liệng tới, một ngày nọ mẹ tôi còn rút ra một con dao. Nhưng không bao giờ cha tôi đáp trả. Người phụ nữ trẻ này nhớ lại bầu khí bạo hành của cuộc sống lứa đôi của cha mẹ cô, về ‘sự nhồi sọ’ hằng ngày mà cô và các chị em cô là nạn nhân.

“Trong khi tiến hành thủ tục ly dị, tôi còn nhớ mẹ tôi nhổ vào mặt cha tôi và nói : “ Nếu mày toan tính bất cứ điều gì, tao sẽ nói các con gái mày tố cáo mày là kẻ đã hiếp dâm chúng”.

Đàn ông sợ rằng trước ‘thái độ nghi ngờ của quan tòa’, họ không được phép trông nom con cái và để chúng trong tay của một người vợ hung dữ. Đúng là ‘chỉ có lời đối lại với lời’ và không có bằng chứng gì cả!“Phụ nữ ở Pháp được hệ thống Tư Pháp bảo vệ một cách quá đáng. Đó có thể là một điều tốt trong một vài trường hợp, nhưng trong một số trường hợp, điều trên gây ra những hậu quả thảm hại cho phía đàn ông vì họ không cảm thấy được hỗ trợ bởi hệ thống Công Lý”. ‘Esprit est tu là’ đã bình phẩm.

Một khi thủ tục ly thân và ly dị đã xong xuôi, tới lúc phải xây dựng lại cuộc đời. Những người đàn ông đã từng bị bạo hành thổ lộ rằng họ rất khó yêu ai trở lại. “Tôi đã sống chung trở lại với một phụ nữ, nhưng trong sự bấp bênh về ngày mai: không cưới hỏi, không sống chung hợp pháp, không con cái. Chúng tôi sống như vậy đó: ít nhất cũng sung sướng tấm thân” Pierre ghi nhận. “Cuộc đời được tạo ra một cách tốt đẹp”, Fred diễn tả một cách tinh tế. Tôi đã gặp được một người đã trải qua hoàn cảnh tương tự như tôi (trong hướng ngược lại) và hiểu được những nỗi sợ hãi và kinh hoàng của tôi giống như tôi hiểu những nỗi sợ hãi và kinh hoàng của người ấy”.

663.000 Phụ Nữ và 280.000 Đàn Ông đã là Nạn Nhân của tình trạng Bạo Hành Thể Lực hoặc Tình Dục trong Gia Đình trên thời gian Hai Năm, theo một Nghiên Cứu của Cơ Quan Quan Sát Quốc Gia về vấn đề Tội Phạm và các Giải Đáp Hình Sự.

Gia Đình đồng nghĩa với sự che chở, đôi khi là nơi xảy ra các trường hợp bạo hành thể lực hoặc tình dục: 663000 phụ nữ và 280000 đàn ông đã là nạn nhân của tình trạng bạo hành thể lực hoặc tình dục trong gia đình trên thời gian hai năm, theo một nghiên cứu liên quan đến 40.000 người tuổi từ 18 đến 75 của Cơ Quan Quan Sát Quốc Gia về vấn đề Tội Phạm và các Giải Đáp Hình Sự.

Trong giới phụ nữ, 90% đã chịu đựng những hành vi bạo hành thể lực, và gần 19% những hành vi bạo hành tình dục. Nghiên cứu ước tính rằng 80.000 phụ nữ ‘đã là nạn nhân của ít nhất một vụ hiếp dâm hoặc một mưu toan cưỡng dâm trong gia đình” trên thời gian hai năm. Hầu như một nửa (tức 300.000) chi rõ chồng mình như là tác giả của các hành vi bạo lực loại này.

LUẬT IM LẶNG

Kể cả nạn nhân của cả hai phái tính, chỉ 18.7% đi khám bác sĩ sau khi xảy ra các hành vi bạo hành. Và con số này tuột xuống chỉ còn ít hơn 11% đối với phụ nữ nạn nhân của những hành vi bạo hành tình dục. “Các chuyên viên về Y Tế cũng là bác sĩ của gia đình và người chồng, và người vợ thường sợ rằng họ sẽ nói lại với người chồng về sự vụ.” Françoise Brié , phó chủ tịch hiệp hội quốc gia ‘Solidarité Femmes’ giải thích.

Cũng là điều đáng lo ngại sự kiện đại đa số nạn nhân (80%) không đi đến trình với ty cảnh sát hay hiến binh và ‘chỉ gần một nửa’ những người đi đến các nơi trên đâm đơn kiện. Tỷ lệ nhận dạng và đâm đơn kiện còn ít hơn đối với những phụ nữ mà người chồng là tác giả của những hành vi bạo hành và họ là nạn nhân của những vụ hiếp dâm hoặc mưu toan cưỡng dâm (2% các đơn thưa) trong gia đình.

“Trong lãnh vực bạo hành tình dục, thật là điều rất khó khăn cho người phụ nữ nạn nhân đề cập đến vấn đề này. Ngay trong các trung tâm tạm trú của chúng tôi, việc mở lời để đề cập đến sự vụ đến thật trễ” Bà Françoise Brié giải thích, nói rõ thêm rằng “đối với nhiều phụ nữ, hiện tượng cưỡng dâm trong gia đình còn được liên hệ trong đầu óc của nhiều người đến bổn phận lứa đôi”.

PHỦ NHẬN và NỔI SỢ BỊ TRẢ THÙ

Để giải thích sự im lặng của họ, một cách thông thường nhất, các nạn nhân nói “Không có điều gì nghiêm trọng cả” hoặc “họ muốn tìm một giải đáp khác” hoặc “cũng chả đi đến đâu”. Nhưng khoảng một phần tư những phụ nữ nạn nhân không đi đến trình với ty cảnh sát là tại họ sợ “bị trả thù”, và các nạn nhân của các vụ cưỡng dâm “sợ người ngoài sẽ biết đến chuyện này”.

Bác sĩ Geneviève Reichert-Pagnard, chuyên viên về tâm thần và tâm lý của các nạn nhân bị bạo hành, tóm tắt các tình cảm của họ như sau: “Xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, sợ rằng người ta không tin” , và “đe dọa có thể đến từ phía người chồng”. Hơn nữa, “thông thường họ không muốn cha của các đứa con của họ phải bị đi tù”, bà bác sĩ tâm thần nói rõ và bà cáo buộc ‘hệ thống Tư Pháp’. “Nạn nhân phải đưa ra chứng cớ là đã bị hành hung” trong khi “tình trạng ‘chấn thương’ của nạn nhân khiến đương sự có thể có những rối loạn về trí nhớ và lầm lẫn”.

“Số lượng các đơn thưa mà hồ sơ bị xếp lại thật là kinh khủng và nhiều nạn nhân biết tình trạng này” , bác sĩ Reichert-Pagnard nói thêm. “ Nỗ lực được thực hiện để giới chức trách chấp nhận rằng có những hành vi bạo hành trong gia đình sau khi sự vụ xảy ra mà không để lại dấu vết đã là một việc làm phức tạp. Vậy mà đề cập đến các vụ bạo hành tình dục lại còn khó khăn hơn nữa. ”

“ Các nhân viên cảnh sát phải được huấn luyện để hiểu được các lời lẽ nêu trên. Điều đó đôi khi xảy ra, nhưng không phải luôn luôn được như vậy” bà Brié nhấn mạnh, và lấy làm tiếc là thường có sự lẫn lộn giữa ‘xung đột lứa đôi’ và ‘bạo hành trong gia đình’, do đó xảy ra hiện tượng chẳng hạn một nạn nhân của ‘bạo hành trong gia đình’ lại được gởi đến cho một chuyên viên ‘trung gian hòa giải ’ ?!(2)

 CHÚ THÍCH

1)http://www.lemonde.fr/savoirs-et connaissances/chat/2007/11/14/femmes-hommes-pourquoi-ne-parle-t-on-jamais-des-hommes-battus_977998_3328.html

(2)http://www.lexpress.fr/actualite/societe/hommes-battus-tous-les-pretextes-etaient-bons-pour-me-rabaisser_1012145.html

(Nguồn: http://tinparis.net)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm