Bình Nguyên Lộc

HO LAO MUÔN NĂM


Vừa ra khỏi hiệu thuốc tây, Thảo đã bắt đầu băn khoăn: “Có nhiều thằng bạn nó sợ vi-trùng lao như sợ cọp, chàng nghĩ, và sẽ không dám đi ăn uống với mình nữa ! Được, rồi chúng nó sẽ biết tay mình, mình sẽ bắt chúng nó khiếp đảm một bữa chơi cho bỏ ghét.”

Chàng rất sung-sướng mà sắp đặt một trò chơi ác hiểm: chàng mời chúng nó đến ăn nhậu, và gần cuối bữa ăn, sẽ giả đò than thân trách phận, mang thuốc ra để làm bằng chứng rồi nói tạch hoạnh cho chúng nó biết rằng chàng ho lao nặng lắm. Thật ra, chàng chỉ mới bị nám phổi thôi, nhưng nói là đã ho ra huyết cả lít, chúng mới hoảng.

Trả xong mối thù tưởng-tượng đó, chàng lại băn khoăn về phản ứng của vợ chàng: Nó sẽ dửng dưng chăng ? Như thế chắc mình tủi thân lắm ! Nó sẽ la hoảng lên vì sợ tốn tiền ? Thì mình sẽ tức lắm ! Nó sẽ lo mình chết chăng ? Thì mình càng tức hơn vì như vậy là nó làm cho mình mất bình tỉnh, sự bình tỉnh rất cần cho lành bịnh.”

Bỗng chàng bật cười. Thì ra vợ chàng nghĩ làm sao, chàng cũng chẳng vừa lòng cả. Có bất công hay không chớ ?

Thảo nghe thích thú trong lòng lắm. Chàng có đọc nhiều sách nói về tâm trạng kẻ ho lao: thay tâm đổi tánh kỳ dị, hay hờn mát, hay nghi kỵ, hay ghen ghét và khó tánh là bực nhứt trên đời. Chàng cảm thấy chàng có đủ những tật xấu ấy và nghe thích thú vì ý thức được về chính chàng.


*

Về tới nhà, Thảo rón rén như đứa trẻ vừa phạm lỗi, sợ mẹ la rầy.

Vợ chàng đang lui cui làm cơm dưới nhà bếp, nghe chàng về hỏi với lên.

– Bữa nay anh không đi lại sở à ?
– Thi hồi sớm, anh nói anh đi bác-sĩ, em quên rồi hay sao ?
– Em nhớ, nhưng em cứ tưởng là đi bác-sĩ xong anh vẫn lại sở chớ.

Thảo nổi giận, nhưng dịu lại ngay. Phải, chàng chỉ nói là mệt xoàng, thi nàng biết đâu mà lo với lắng.

Chàng đặt gói thuốc lên bàn, toan đi cởi giày thì Liên đã rửa tay và lên đến nơi.

– Dữ ác hôn ! Bịnh gì mà nhiều thuốc dữ vậy ?

Liên vừa cười vừa mở gói thuốc để xem. Thảo sung sướng nhìn vợ, thấy người bạn đời của chàng đẹp quá và nhất là dễ thương quá. Ăn ở với nhau đã bốn năm rồi mà Liên không có con, lên còn trẻ được như cô gái ngây thơ mấy năm trước.

Chàng khổ sở quá mà đoán thấy sự sầu muộn nơi Liên, khi nàng biết căn bịnh của chồng, sự sầu muộn có thể làm cho nàng già đi, hoặc mất đi những nét vui tươi đã giúp đời chàng say sưa từ nấy năm nay.

Chàng hồi hộp rình vợ mở gói, và khi những lọ Streptomycine lăn ra bàn, chàng nín thở để đo phản ứng trên gương mặt của Liên.

Liên ngạc nhiên giây lát, rồi tần ngần trước những chiếc lọ to quá đối vơi dúm bột trắng trong ấy. Biết rằng vợ đã hiểu, nhưng cũng chưa rõ lắm về ý nghĩ của nàng ra sao, chàng hỏi:

 – Em buồn lắm không ?

Lên ngước lên nhìn chồng, đoạn bước lại ngả đầu vào ngực bạn mà thỏ thẻ:

– Em buồn hay vui về bịnh của anh, nào có ích gì. Nhưng em buồn, em buồn vì anh đã không nghe em, làm đủ cách để mang bịnh nầy.
Sôi gan lên, Thảo sừng sộ hỏi gằn:

– Anh làm gì mà em gọi là đủ cách ?
– Thì anh đã thức đêm, đi lạnh ngoài trời, chúa nhựt lại không nghỉ.

Thảo nhớ lại mọi việc trước đó thì là Liên nói đúng. Chàng hối hận lắm, không vì đã làm bậy mà vì đã gay gắt với vợ một cách bất công. Chàng nói, giọng hàm ý van xin tha thứ:

– Thì đã lỡ rồi …

– Chớ em có nói sao đâu. Đã lỡ rồi thì …

– Em chỉ buồn có bấy nhiêu đó thôi à ? Thật như vậy à ?

Liên lại thở dài:

– Kể ra thì ho lao còn đỡ khổ hơn bịnh khác nhiều lắm. Nếu anh bại xụi trẻ con chẳng hạn thì em thật không biết nghĩ sao.

 – Vầy à ? Bịnh nầy hay lây thì ghê gớm hơn chớ.

– Không phải em buồn hay sợ vì tánh cách truyền nhiễm của bịnh. Chuyện khác kia.

– Bịnh khác có gì làm cho em buồn ?

– Anh có nhớ phim “Không phải lỗi chàng” mà mình đã xem cách đây năm năm hay không? Lúc ta mới gặp nhau và anh đang ráo riết chinh phục em ấy. Ấy, chính phim đó đã khiến em do dự đến sáu tháng trời mới chịu trao thân cho anh.

 Thảo cười ngất:

– Bà ơi, phim chiếu bóng, người ta xem bữa trước rồi bữa sau quên đi chớ. Tội gì phải nhớ mãi đến năm mười năm như bà. Nhưng đâu, câu chuyện làm sao, bà nhắc lại thử xem.

– Khoan, cá cháy hết !

Liên nói rồi vội vã chạy xuống nhà bếp. Thảo lắng tai và nghe một thứ tiếng xèo xèo đặc biệt, gắt chớ không dòn, của mỡ chiên đang cạn trên một ngọn lửa quá già. Đồng thời mùi cá cháy hăn hăn bay lên.

Chàng mỉm cười lẩm bẩm: “Chuyện phim năm năm thì nhớ, còn việc chiên cá còn nóng hổi lại quên.

Khi Thảo cởi giày xong thì Liên cũng vừa trở lên. Nàng trách:

– Anh hời hợt lắm. Chuyện như thế mà quên được.
– Nếu cần phải nhớ tất cả tích tuồng chuyện phim đã xem thì anh phải sắm một cái đầu to bằng cái lu mới đủ chứa.
– Em chắc lớn đầu lắm hả ?

Hai vợ chồng cùng cười xòa, rồi Liên kể: “Chuyện bà ấy bị bại xụi suốt mười năm. Ông chồng, ban đầu còn sốt sắng săn sóc vợ nhưng mãi rồi cực thân quá và tuyệt vọng, ông ta muốn bỏ rơi một người bạn đời không lành kia.

 Nhưng khổ ơi, bỏ rơi vợ lại sợ miệng đời cho là bất nghĩa, là không chung tình. Mà để cái cục nợ ấy mãi trong nhà, chỉ cực với nó. Ông ta băn khoăn trong ít lâu rồi quyết định ám sát người đàn bà không may đó. Ông lập mưu giết vợ, khéo léo đến đỗi vị lương y của gia đình cũng phải ngỡ rằng bà ta chết thường vì hao mòn sức khỏe và cho giấy chứng chỉ theo hướng đó.”

– Ghê quá ! Nhưng anh thì chắc bụng không bao giờ giết vợ cả, nên anh không thèm nhớ câu chuyện dị kỳ ấy là phải.
– Anh thì cứ tin chắc liền những gì mà chính anh cũng không rõ rồi sau nó sẽ ra sao. Thử em tê bại ba năm thì biết. Em tủi cho số phận đờn bà chúng em, nên em nhớ mãi phim rùng rợn đó.
– Nhớ thì mặc sức mà nhớ, nhưng chuyện đó dính líu ở chỗ nào với bịnh ho lao của anh ? Bịnh anh đỡ khổ hơn ? Nghĩa là nếu anh bại xụi thì em lại giết anh ?
– Quỉ ! Em yêu anh mãi mãi. Vả lại cắt cổ gà mà em còn không dám, ngày chúa nhựt nhờ anh cắt giùm, ngày thường chay mượn người khắp xóm thì em có phải là tay có gan giết chồng đâu.

Câu chuyện ấy muốn chứng tỏ rằng thành kiến rất tai hại, và ông ấy vì sợ miệng đời xét đoán ông ta theo thành kiến, nên đến phải phạm tội sát nhơn. Nếu bỏ rơi vợ mà không bị ai nói ra nói vào, thì đâu có đến đỗi xảy ra những chuyện tàn ác như vậy.

Nhưng riêng em, xem phim xong, một sự thật đau đớn bỗng bừng sáng lên nơi trí em, là trong một xã hội quá tiến bộ về vật chất, con người bận sống quay cuồng, không ai đủ thì giờ mà đợi ai lâu được cả. Xã hội tổ chức chặc chẽ quá rồi, như một đàn kiến vậy. Có nhiều con kiến què phải nằm dọc đường, những con khác cứ tiếp tục đi tới, dầu có thương bạn cũng phải nhắm mắt làm ngơ. Không, kiến không có thì giờ để chần chờ ở lại với bạn. Vả lại làn sóng kiến ngoài sau cứ đẩy tới hoài, muốn cưỡng lại cũng không được. Vậy thì tốt hơn là người vợ hay người chồng đừng có mắc những chứng bịnh dây dưa lâu ngày quá, khó lòng cho bạn mình hy sinh cả đời y cho mình, là vì sự kiên nhẫn và lòng thương của con người, dầu lớn lao đến đâu cũng có hạn.

Xã hội nhơn đạo biết bao nhiêu, mà cũng chẳng chờ y. Người ta cất dưỡng trí đường, cẩt nhà thương hủi, rồi người ta để y ở riêng đó, đoạn thờ ơ đi qua, bỏ quên y ngoài lề cuộc sống.

Thảo trố mắt nhìn vợ, kinh ngạc hết sức. Đó là những sự thật không mới lạ gì, thỉnh thoảng chàng cũng có nghĩ qua, nhưng giờ đây, Liên nhắc lại trong một trường hợp mà chàng là kẻ có thể bị đoàn thể bỏ rơi, thi bỗng chàng nghe chua xót quá và chát tai như một khám phá bất ngờ vừa đánh mạnh vào thần trí chàng.

Chàng tủi thân đau ốm quá, suýt rưng rưng nước mắt. Phải mạnh khỏe, hay chết đi, hoặc bịnh gì cho dữ dội rồi lành, chớ đừng có rề rề từ năm nầy đến năm khác, xã hội không thương lâu đã đành, mà cho đến người thân yêu cũng chẳng đủ kiên tâm chờ đợi.

Có lẽ trong cái đoàn thể hữu lý ấy, chỉ có một kẻ vô lý thôi là bà mẹ, bà mẹ tiếp tục đút cơm cho một đứa con sanh ra thiếu mất xương sống, nằm suốt đời và suốt đời được cái bà vô lý ấy mớm cơm mãi cho đến lúc bà bạc đầu, mãi cho đến lúc bà hấp hối, liếc nhìn đứa con tội nghiệp không biết rồi đây ai sẽ cho nó ăn uống thay bà; bà chết không nhắm mắt vì cứ nuối con kiến què bị đoàn thể bỏ quên.

Thảo nhìn lại vợ. Người thiếu phụ ngây thơ nầy cứ còn đẹp và ngây thơ nơi gương mặt như ngày nào. Nhưng không hiểu sao chàng có cảm giác như thoảng thấy lờ mờ những sợi mây đen vắt ngang qua vầng trán trắng trong của vợ. Chàng quặn đau mà nghe lòng tin của chàng nơi tấm tình không bợn của Liên bỗng bị lung lay. Té ra Liên đã ý thức rõ rệt về cuộc đời, đã cảm nghĩ những ý nghĩ kỳ dị mà nàng vừa nói ra. Ý nghĩ ấy, cảm nghĩ ấy làm cho tình yêu chồng của nàng bớt hồn nhiên đi.

Thình lình, Thảo nhớ đến người lãnh tụ Cộng sản và nuột đảng viên trí thức trong vở kịch “Những bàn tay bẩn” của J. P. Sartre. Người lãnh tụ ấy cho rằng một đảng viên Cộng sản mà suy tưởng nhiều quá là nguy hiểm.

Người vợ cũng thế. Nàng không nên suy tưởng nhiều. Nàng phải nhắm mắt mà yêu không đắn đo, không suy nghĩ đến những chuyện không may và không hay có thể xảy đến cho chồng. Nàng phải nhìn chàng và tự bảo thầm: “Em sẽ đi với anh trọn đường trần.”

Tay mân mê những lọ Streptomycine to lớn quá đối với đám hạt bụi trắng bên trong, Liên lại tiếp:

– Em thì không khi nào bỏ rơi anh. Nhưng nếu anh mắc phải một chứng bịnh kinh niên, rề rề từ năm nầy qua năm khác, thì xin thú thật rằng khó lòng mà em tránh khỏi nghĩ quấy ! Đành rằng nghĩ mà không làm, thì không hại gì, nhưng dù sao tình của em như thế cũng bớt đẹp đi. Thì có buồn không hở anh ? Vậy anh đau phổi, em thấy tương đối may mắn lắm đó.

Thảo không còn biết nên cười hay nên khóc. Chàng nói đùa một cách vô duyên để quên cái khó chịu nếu khí hậu suy tưởng cứ kéo dài:

– Vậy ta nên hoan nghinh bịnh ho lao phổi không em ?

Rồi chàng hô to lên.: “Ho lao muôn năm !” Không hiểu sao, sau lời hoan hô ấy, chàng cười lên được, cười ngất đến chảy nước mắt.

 Phải chăng đó là những giọt lệ thương cho sự mỏng manh của tình cảm loài ngươi ? Yêu nhau suốt đời ư ? Hy sinh vì nghĩa cả ư ? Lòng tin kiên cố nơi một lý tưởng ư ? A ha, cái gì cũng có giới hạn cả. Núi mà còn mòn, sông mà còn cạn kia mà ! Và hòn đá vọng phu chỉ là ảo mộng của những anh chồng ích kỷ thôi.

Liên hơi sợ mà nghe chuỗi cười ghê rợn của chồng. Nàng càng sợ hãi thêm khi ngẩng lên, nhìn thấy đôi con mắt Thảo cứ càng phút càng đỏ au và vẻ mặt hiền hậu của chàng bỗng mang những nét hung ác lạ kỳ. Bấy giờ trông chàng như nuột con thú dữ sắp sửa vồ một con mồi.

 Thảo thoáng thấy hình ảnh láo khoét của hòn đá vọng phu rồi tưởng tượng đến sự không trung kiên của người đàn bà, của Liên, và bỗng nổi cơn ghen, làm như là chàng đã chết và nấm mồ chưa xanh cỏ thì Liên đã bắt đầu yêu người khác rồi.

Chàng giận dữ, nhìn bạn bằng đôi mắt căm hờn, rồi không giữ được, chàng bước đến chụp lấy nàng, xòe tay ra toan bóp cổ vợ để trả thù sự phản bội vong hồn chàng.

– Anh, anh làm gì chớ ?

Tiếng kêu khủng khiếp của Liên đưa Thảo về thực tại. Trong một tình cảm hỗn độn, chàng bỗng như hóa điên, hôn vợ một cách cuồng bạo như một kẻ toan hiếp dâm.

 Liên nức nở lên khóc và nói trong .nước mắt:

– Anh thay tâm đổi tánh kỳ lạ lắm. Thấy rõ là vi trùng đã tác hại nhiều trong cơ thể anh đến đỗi ảnh hưởng đến tâm trí anh. Anh nên sớm mà lo thang thuốc, không thì nguy mất.

Bình Nguyên Lộc

(Trích từ  Tập Truyện ‘Cuống Rún Chưa Lìa’)

(Nguồn: “Binhnguyenloc.com“)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm