HỒ SƠ CỦA MỘT TÊN SÁT NHÂN THẦM LẶNG: ÁP HUYẾT CAO

…..

CÁC THỰC PHẨM VÀ DƯỢC PHẨM

LÀM CAO ÁP SUẤT MÁU

…..

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN QUANG

…..

IMG.056Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cao máu và biến chứng đứt gân máu não (tai biến mạch não). Khi viết bài này, trời đang mưa bão,  các cơ quan truyền thông loan báo cho biết một cuộc khảo cứu mới cho biết thời tiết mưa bão sấm chớp làm tăng áp huyết máu ở nam giới và gia tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não gây ra hôn mê hay bán thân bất toại. Nhìn từ khía cạnh này, những người bị cao máu này bị gió mưa sấm chớp làm đứt gân máu quả đúng là bị trúng gió.

Nghĩ cho cùng thì cũng chẳng có gì mới lạ cả. Theo phân tâm học thì con người khi còn ăn lông ở lỗ đã sợ, căng thẳng, kinh hãi mưa bão sấm chớp như những vị thần linh, những quỷ dữ. Cái khiếp sợ đó đã ăn hằn vào di thể, lưu truyền lại đời đời và ngày nay mưa bão sấm chớp làm cao máu thì cũng là chuyện dễ hiểu.

Tương tự con người thường buồn về chiều, lúc hoàng hôn, buồn man mác, buồn vu vơ… bởi vì từ thuở nguyên sơ, thủy tổ con người mỗi khi màn đêm phủ xuống là lúc phải chui vào hang ẩn trú, là lúc hãi hùng, kinh sợ thú dữ, ma quỷ, thần linh xuất hiện… là lúc lo buồn. Hơn ba mươi năm về trước, tác giả đã làm hai câu thơ cho người bạn đời:

“Anh cho em chiều vàng tiền sử,

con người buồn khi tắt nắng vào hang…”

(Anh cho em thần tượng)

Tuy nhiên kỳ này không nói đến mưa bão, thời tiết mà trong những thứ ảnh hưởng đến cao máu, chúng tôi xin nói đến thực phẩm và dược phẩm là những thứ ảnh hưởng rất thiết thực. Những người bị cao máu, nhất là khi bị cao máu ác tính (Malignant hypertension) cần phải chú ý đến thực phẩm và các loại thuốc mình dùng.

I- NHỮNG CHẤT AMINES LÀM CAO MÁU

Sau đây là những thực phẩm và thức uống có chứa những chất làm tăng cao áp suất máu: những chất thuộc nhóm Amines như :

– Tyramine,

– Dopamine,

– Phenylethymine.

A- NHỮNG THỰC PHẨM PHẢI TRÁNH:

– Rượu vang đỏ (red wine) nhất là rượu Chianti.

– Chi (Cheese, phô mai) : tất cả các loại chỉ ngoại trừ cottage, Ricotta, kem (cream).

– Cá mòi (herring) xông khói hay làm mắm.

– Thịt bò.

– Gan gà.

– Xúc xích phơi khô (dry summer sausage).

– Đậu Fava.

– Đậu ve Ý (Italian green beans có chứa Dopamine).

– Các loại thực phẩm làm bằng men và meo (yeast).

B- NHỮNG THỰC PHẨM NGHI CÓ THỂ LÀM CAO MÁU :

Những thực phẩm này dùng nhiều có thể làm cao áp huyết:

– Các loại rượu.

– Trái bơ (avocado) chín.

– Chuối chín.

– Kem chua (sour cream)

– Sữa chua đặc (da-ua, dô-gớt, yogurt)

– Xì dầu.

C- THỰC PHẨM CHƯA CÓ BẰNG CHỨNG VỮNG CHẮC:

– Chocolate (có chứa phenylethylamine, caffeine).

– Trái vả (figs)

– Hóa chất làm mềm thịt (meat tenderizers).

– Nho khô (raisins).

– Meo bánh mì (yeast bread).

Chất tyramine trong thực phẩm thay đổi tùy theo món và ngay cả trong cùng một món ăn, lượng tyramine cũng thay đổi tùy chỗ. Ví dụ trong phô mai, tyramine có nhiều ở phía viền ngoài so với phía trong trung tâm của miếng phô mai. Các loại phó sản khác của sữa như kem chua, da-ua tùy theo cách làm và nếu bị nhiễm trùng khi lên men sẽ có chứa các loại amine làm cao máu hay không. Chỉ có cottage, ricotta, kem là không có tyramine.

Lượng tyramine thường gia tăng theo các cách làm thực phẩm để lâu với thời gian.

Tất cả những thực phẩm có nhiều protein để lâu đều xảy ra sự thoái biến protein (protein degradation) làm cho bị tiên nhiễm vi sinh (contamination) tạo ra tyramine. Thịt bò xay để ba ngày sau khi đã nấu, cá thu sau hai ngày đã mở hộp, gan bò để một tuần sau khi đã nấu đều sẽ tạo ra tyramine. Những thức ăn này đem hâm, nấu lại cũng không tiêu hủy được tyramine.

Các loại mắm: như mắm tôm, mắm tép, mắm nêm, mắm tôm chua, mắm bò hóc, mắm thu, mắm cấy, mắm rươi, mắm thái, mắm ngóe… kể cả nước mắm của Việt Nam cũng làm theo cách thoái biến protein.

Phải cẩn thận khi ăn các loại mắm nấu đã để lâu ngày. Những người cao máu tránh dùng những loại nước mắm, nhất là loại đã nặng mùi (vì bị tiêm  nhiễm những vi sinh vật lên men ôi thối). Không bao giờ dùng nước mắm “dấu” (chén nước mắm đã ăn còn dư để lưu lại), xì dầu ăn thừa để lâu. Các loại nước mắm, xì dầu, mắm đã pha chế (như cho thêm đường, dấm….) dễ bị lên men, loại này độc hại hơn là loại còn nguyên chất. Những thứ nguyên chất khó bị hư thối vì có nhiều muối.

Phải đậy kỹ mắm sau khi mỗi lần lấy ra ăn… để tránh sự lên men độc hại do tiêm nhiễm những vi sinh tạo ra không những tyramine mà còn có thể bị ngộ độc thực phẩm nữa.

Ngoài ra nước mắm và các loại mắm có rất nhiều muối có thể làm cao máu ở những người nhạy cảm với muối.

– Sự lên men bia bình thường không tạo ra tyramine.

Nhưng một vài loại bia chế tạo ngoài Hoa Kỳ có thể gây ra những phản ứng đối với những người

Sự lên men rượu thông thường không tạo ra tyramine. Tuy nhiên, khi bị tiêm nhiễm bởi những vi sinh làm lên men bất thường như trong trường hợp làm rượu Chianti và rượu vang đỏ sẽ tạo ra một lượng tyramine, bởi vì làm bằng cách lên men từ những trái nho bỏ vỏ và hột. Có lẽ vỏ và hột nho là thủ phạm tạo ra tyramine trong rượu vang đỏ.

II- CHẤT CÀ PHÊ (CAFFEINE)

Caffeine là một chất làm tăng huyết áp yếu, nhưng dùng nhiều (500 mg) có thể làm cao máu. Nó không phụ thuộc vào tyramine.

Sau đây là các loại thức ăn và uống có chứa chất cà phê (caffeine):

– 30 phân khối Coca Cola hay Doctor Pepper có chứa từ 2.5 đến 3.8 mg Caffeine. (Trung bình 1 lon có 45 mg).

– Chocolate ngọt 30 cc có chứa từ 3 đến 35 mg.

– Chocolate nướng (baking) 1 OZ (30 mg) có chứa từ 18 đến 118 mg.

– Cà phê (rang rồi xay) lọc túi (cà phê bí tất 30 cc): có chứa từ 8 đến 34 mg.

– Cà phê lọc nhỏ giọt (phin kiểu Mỹ, 30cc): có chứa từ 11 đến 35mg.

– Cà phê uống ngay (instant): có chứa từ 6 đến 35mg.

– Trà (gói) chứa từ 6 đến 9 mg.

– Trà lá (30cc): chứa từ 6 đến 10mg.

– Cacao (cocoa) 30cc: chứa từ 2 đến 7mg.

CAFFEINE TRONG NƯỚC NGỌT (SOFT DRINK) :

mg/fluid oz

– Cola hay pepper : 2.3 – 38

– Diet: Cola hay Pepper: 0.1 – 4.9

CAFFEINE TRONG THỰC PHẨM:

– Chocolate trẻ (bar): 30mg có 48 mg.

– Sữa chocolate có : 1 – 15

– Kẹo chocolate có: 5 – 35

– Chocolate nướng (baking chocolate, 1 oz) có: 18 – 118

CAFFEINE TRONG DƯỢC PHẨM:

– Cafergot: có 100mg caffeine/1v.

– Wigraine có: 100mg/1v.

– Excedrin extra strength có : 65mg/1v.

– Florial có: 40mg/1v…

Như vậy một viên thuốc Cafergot hay Wigraine trị chứng nhức nửa đầu (bán đầu thống, migraine) có 100mg caffeine (bằng 3 tách cà phê pha phin kiểu Mỹ 30cc).

III- MUỐI SODIUM (Na)

Bình thường một người không bệnh tật gì, muối không có tác dụng nguy  hại gì nhiều. Ngoại trừ những người bị cao máu, những người có nguy cơ dễ bị cao máu, những người mập, những người già và sắc dân da đen, bác sĩ khuyên tiết giảm muối Na.

Tiết giảm muối Na như thế nào ?

Các bác sĩ thường khuyên không nên ăn mặn, phải ăn nhạt. Phải ăn nhạt như thế nào ? Ăn bao nhiêu muối nấu ăn thì gọi là ăn nhạt? Điều nên nhớ là muối Sodium Na khác với muối ăn, nó chỉ là một phần của muối ăn. Muối ăn có chứa Sodium Na và chất Chlor Cl có công thức hóa học là NaCl.

Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (National Research Council) Hoa Kỳ khuyên một người bình thường nên giảm dùng muối Na xuống dưới  2.400mg một ngày. Với 2.400mg chất Sodium, tính ra khoảng 6gm muối ăn NaCl. Như thế một ngày chỉ nên ăn dưới 6gm muối ăn. Nói cho dễ hiểu và tiện dụng là 6mg muối ăn bằng khoảng một muỗng rưỡi cà phê muối ăn. Một nửa số chuyên gia về muối, khuyên dân Mỹ giảm ăn muối xuống tới mức lý tưởng là 4,5gm, tức là khoảng một muỗng cà phê muối ăn mỗi ngày.

Trường hợp người bị cao máu hiện nay, bác sĩ thường khuyên ăn dưới 2.000mg tức 2gm chất Na một ngày, tính ra là 5gm muối ăn. Với 5 gram muối ăn này tương đương với một và một phần tư (1 1/4) muỗng cà phê muối ăn. Để dễ tính, có thể tính gọn lại là người cao máu có nhạy cảm với muối Na chỉ nên ăn mỗi ngày một muỗng cà phê đầy muối ăn.

Điều cần dặn thêm là trong các thức ăn hàng ngày món nào cũng có chứa muối. Những món ăn Việt Nam như nước mắm, các loại cá mắm, xì dầu, nước tương, cá khô, cá kho tiêu, cá kho tộ, chanh muối, xí muội… những món này có không biết bao nhiêu là muối. Phải nhớ là mỗi ngày chỉ ăn một muỗng cà phê vun đầy và phải tính luôn cả số lượng muối đã có sẵn trong tất cả các thức ăn. Việc trước tiên là bỏ thói quen rắc thêm muối, chấm thêm muối, chan thêm nước mắm hay xì dầu vào thức ăn. Tránh ăn các loại trái xoài xanh, ổi, cóc chấm muối ớt… Ăn mặn thì khát nước, quả báo nhãn tiền, cao máu thấy ngay trước mắt, không cần gì phải đợi đến đời con mới khát nước !

Sau đây là lượng chất Sodium có trong các dược phẩm:

a) Thuốc uống:

– Alka-Seltzer, thuốc chống acid bao tử 296mg/1 viên.

– Alka-Seltzer trị đau nhức 551 mg/1v.

– Alka-Seltzer plus 482 mg/1v.

– Alevaire 80mg/5ml Di-Gel 10.6mg/1v.

– Di-Gel, nước 8.5mg/5ml.

– Dristan, thuốc ho 58mg/5ml.

– Fleets Phospho-Soda 550mg/5ml.

– Phosphajel 12.5mg/5ml.

– Rolaids 53mg/1v

– Sodium Salicylate, viên 9mg/5gr.

– Vicks, thuốc ho 41mg/5ml

– Vicks Formula 44 51mg/5ml.

b) Thuốc chích :

– Azlocillin 49mg/gm

– Cefoxilin 52.9mg/gm

– Mezlocillin 42.6 mg/gm

– Piperacillin 42.6mg/gm

– Ticarcillin 119.6-49.5mg/gm

c) Tiêm truyền:

– 0.9% NaCl (nước biển) 3542mg/l

– D5 0.2% NaCl 782mg/l

– D5 0.45% NaCl 1771mg/l

– D5 0.9% NaCl 3542mg/l

– Ringers 3392.5mg/l

– Ringer Lactate 2990mg/l.

Như thế một người cao máu nhạy cảm với muối Na nếu một ngày uống 4 viên Alka-Seltzer trị đau nhức 551 x 4 = 2,204 mg, đã vượt quá lượng của bác sĩ khuyên về Na. Người cao máu nhạy cảm với na truyền một chai nước biển có chứa 3542 mg Na thì vượt quá xa lượng Na bác sĩ khuyên dùng mỗi ngày. Người bị cao máu nặng và nhạy cảm với muối mà nhờ “Y tá hay Bác sĩ vườn !” truyền nước biển cho “khỏe!”, bị đứt gân máu là do muối đã vào cơ thể chứ không phải vì trúng gió.

IV- DƯỢC PHẨM:

Rất nhiều dược phẩm làm cao máu ở người bình thường và là thêm cao máu ở những người đã bị cao huyết áp. Chẳng hạn như những loại thuốc thuộc nhóm Steroids như Prednisone…, nhóm thuốc trị đau nhức, trị sưng không phải là Steroids NSAIDS (Non Steroidal Antiinflammatory Drugs) như Indomethacin (Indocin), Naproxen (Naprosyn), Ibufrofen (Motrin)…, thuốc ngừa thai, thuốc ma túy Cocaine, thuốc kềm chế miễn nhiễm Cyclosporin, thuốc trị thiếu máu ở người suy nhược, bại thận Erythropoietin… Những loại thuốc này các Bác sĩ và Dược sĩ có bổn phận phải chỉ dẫn cho bệnh nhân hiểu rõ khi sử dụng. Bác sĩ khi cho bệnh nhân dùng thường theo dõi áp huyết của bệnh nhân. Vì thế, để thiết thực và hữu ích hơn, chúng tôi chỉ đề cập nhiều đến các loại thuốc bán tự do trên quầy hàng không cần toa Bác sĩ, ai cũng mua được. Thuốc trên quầy bán tự do có nhiều loại làm cao máu ở cả người bình thường lẫn người đã có bị áp huyết cao mà người mua dùng nhiều khi không để ý.

Hiện tại ở Mỹ có khoảng 300.000 thứ thuốc bán tự do không cần toa Bác sĩ đều có chứa khoảng 700 hoạt chất. Mốt ố trên nhãn có ghi báo động cho biết là dùng thuốc đó có thể bị cao máu, nhưng một số khác lại không có dán nhãn cảnh giác người dùng.

Có 4 nhóm thuốc bán tự do trên quầy hàng có thể làm tăng áp suất máu :

– Nhóm Adrenegic

– Nhóm trị sưng và đau nhức không phải là Steroids NSAIDS.

– Rượu Ethanol.

– Muối Sodium.

1) Nhóm Adrenergic :

Nhóm thuốc này có thể làm tăng áp suất máu ở người bình thường và người bị cao máu.

a/ Phenylpropanolamine.

Thuốc này bán trên quầy với dạng Phenylpropanolamine Hydrochloride dùng làm thuốc để cho người muốn giảm cân dùng sẽ trở nên biếng ăn, mất ngon miệng để làm xuống cân, chữa mập. Ví dụ như các loại Acutrim, Dexatrim và dùng làm thuốc tiêu đàm (Decongestants) ví dụ như Allerest, contact, Coricidin, Dimetapp, Naldecon, Robitussin CF, Triaminic, Tylenol Cold Medication, Effervescent tablets…

Mỗi năm, có tới năm tỷ liều thuốc này đã tiêu thụ tại Mỹ. Nhiều cuộc khảo cứu cho thấy khi thì loại thuốc này làm tăng huyết áp, đôi khi không. Cao máu thấy ở người bình thường khi dùng thuốc này phụ thuộc vào liều lượng và ở vị thế nằm khi do máu. Sự nghiên cứu trên người cao máu không thấy thực hiện nhiều. Vì thế cho nên loại thuốc này đã được đa số các nhà chuyên môn về cao máu khuyên nên dùng ở những người đã bị máu cao.

b/ Ephredrine: Ma hoàng chất

– Dưới dạng dùng làm thuốc nở cuống phổi trị suyễn như Bronkaid tablets, Bronkolizir, Bronkotabs.

– Dưới dạng nhỏ mũi trị nghẹt mũi như Vicks Vatronol nose drops.

– Dưới dạng bôi trị trĩ như Pazo Hemorrhoid Ointment.

Các khảo cứu cho thấy những dược phẩm có chất ma hoàng bán tự do, nếu dùng dưới liều lượng được khuyên thì khá an toàn ở người bình thường. Tuy nhiên hiện nay chưa có đủ dữ kiện bảo đảm là việc dùng thuốc ma hoàng là an toàn ở những người bị cao máu.

c/ Epinephrine:

Bán tự do dưới dạng thuốc hít làm nở cuống phổi trị suyễn như Bronkoaid mist, Primatene mist… Epinephine là loại thuốc làm co mạch máu rất mạnh nên thường được khuyên là không nên dùng ở những người cao máu.

d/ Pseudoephredrine :

Thuốc uống trị khò khè, tiêu đàm như Afin, Chlor-Trimeton, Drixoral, Sinutab Allergy Formula Sustained…

Cao máu thấy rõ rệt khi dùng liều lượng gấp đôi liều lượng khuyên dùng là 60mg. Thuốc này tỏ ra có vẻ an toàn ở người bình thường, nhưng ở người cao máu sự an toàn chưa được thiết lập.

e/ Phenylephrine:

Phenylephrine Hydrochloride dưới dạng:

– Uống tiêu đàm trị khò khè như Dimetane decongestant, Dristan decongestant, Novahistine elixir, Robitussin nigh relief.

– Xịt mũi để trị nghẹt mũi như Dristan nasal spray, Neo-Synephrine nasal spray, Nostril nasal decongestant, Vicks Sinex decongestant nasal spray…

f/ Những loại Adrenergic khác :

Naphazoline Hydrochloride (Allergy drop, Clear Eye Lubricating Eye Redness Reliever, Privine Nasal Solution…) Tetrahydrozoline Hydrochloride thuốc nhỏ mắt, co mạch máu (Collyrium fresh, Murine Plus Lubricating Eye Redness reliever, Visine A.C. Eye Drops, Visine EXTRA Eye drops, Visine Eye drops); Oxymetazoline Hydrochloride nhỏ, xịt mũi trị nghẹt mũi (Afrin Nasal Spray, nose drops, Dristan Long Lasting Nasal spray, Duration 12 hour nasal spray…).

Các hàng thuốc không dán nhãn cảnh giác có thể bị cao máu thì nên “coi như” cứ việc dùng, mặc dầu các loại thuốc này được biết là nhóm Alpha Adrenergic. Do đó kết luận tối hậu là dùng thuốc này có an toàn ở người cao máu hay không, không thể có được.

2- Nhóm thuốc trị đau nhức, trị sưng không phải là Steroids (NSAIDS).

Nhóm thuốc này đã được coi như là làm nguy hại tới việc kiểm soát cao máu.

Indimethacin (Indocin) đã được chứng minh là làm tăng áp huyết ở người bị cao máu. Thống kê cũng cho thấy Naproxen làm tăng áp huyết máu.

Ibuprofen là loại thuốc duy nhất được bán tự do trên quầy hàng dưới các tên như : Advil, Medipren Ibuprofen, Midol 200 Cramp Relief Formula, Motrin IB, Nuprin Ibuprofen…

Dùng thuốc này ngắn hạn có thể an toàn, nhưng lâu dài (uống hơn vài ba ngày với liều lượng tối đa theo như lời khuyên dùng ở trên quầy, có thể làm cao máu ở những người bị cao máu).

3- Rượu

Như trên đã nói qua, rượu dùng trong thuốc uống thường chỉ là dẫn dược chứ không phải hoạt dược. Rượu được tin là làm cao máu nếu uống một ngày quá hai  cữ uống (drink). Thuốc trên quầy không phải là không thường thấy. Nhiều loại có chứa 25% rượu Ethanol. Lượng rượu cao nhất là 42%. Tuy nhiên tính theo liều thuốc cho phép dùng hàng ngày lượng rượu chưa đến độ vượt quá hai cữ rượu uống một ngày, ngoại trừ những người quá nhạy cảm với rượu, uống thuốc mà “thuốc vào lời ra” thì phải thận trọng.

4- Muối

Như đã nói ở trên, cũng như rượu, muối Sodium không phải là một hoạt dược. Trong các loại thuốc tự do bán ở trên quầy hàng, các thuốc kháng acid bao tử trên nhãn bắt buộc phải kê rõ lượng muối Sodium. Tất cả những người cao máu đều phải thận trọng với lượng Sodium trong thuốc dùng.

V- ĐÔNG Y DƯỢC

Ngoài ra, khi nói đến thuốc không thể không nói đến Đông Y Dược trong cộng đồng người Việt. Dược liệu cổ truyền Đông Phương có nhiều vị làm tăng áp huyết.

Sau đây là một vài vị :

– Nhân sâm.

– Cam thảo.

– Ba đậu.

– Bát giác phong.

– Sừng tê giác.

– Trần bì (vỏ quít khô)

– Thanh bì (vỏ quít còn xanh).

– Tế tân (asarum heterotropoides).

– Thiềm tô (nọc cóc, nhựa cóc tía loại bufo gargarizans).

– Chỉ xác và chỉ thật (vỏ và quả giấp, citrus aurantium L., Var. Amara or Var.wilsonii Tanaka)

– Mã tang…

Trong các thứ thuốc Đông y kể trên, hai chất thông dụng nhất là cam thảo và sâm. Cả hai thứ này đều làm cao máu. Cả cam thảo lẫn sâm đều có chứa những hoạt chất thuộc nhóm các chất nang thượng thận Corticosteroids (nang thượng thận là tuyến nội tiết, giống như cái túi nằm trên đầu quả thận hình giống như cái mũi quả ấu). Phần lớn các thang thuốc Bắc đều có một trong hai vị là cam thảo và sâm.

Rễ cam thảo thiên nhiên đều có chứa hoạt chất chính Glycyrrhetinic Acid (carbenoxolone). Đây là một chất loại (Corticosteroid type pressor). Vì thế cam thảo có thể làm cao máu. S.Brando, Đại học Y khoa Leicester, Anh Quốc, qua lá thư gởi cho tờ báo Y học Lancet (Vol. 337, March 2, 1991, P.557) cho biết ông chỉ nhai ba bốn thỏi cam thảo làm tại Phần Lan mà bị nhức đầu như búa bổ. Đo máu thấy áp suất máu 240/160. Áp huyết bình thường của ông là 120/70.

Chất cam thảo giữ Na lại và làm mất chất Potassium đi, đã gây ra chứng thừa Sodium (Hypernatremia) và thiếu Potassium K (Hypopotassium). Vì giữ Na nên giữ nước lại trong cơ thể. Cam thảo gây ra cao máu hay làm nặng thêm bệnh trạng cao máu. Hơn nữa là vì giữ Na và mất Potassium nên cam thảo có ảnh hưởng tới các loại thuốc cao máu mà bệnh nhân có bệnh cao máu đang uống, nhất là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).

Những người bị cao máu đang uống những loại thuốc cao máu có phản ứng phụ làm giữ lại na và nước như Minoxidil chẳng hạn, đã vậy mà lại còn dùng nhiều cam thảo thì sẽ rất nguy hiểm, vì làm cơ thể giữ nước thêm có khi sinh ra khó thở, phù phổi, làm cho tình trạng cao máu khó trị thêm, dẫn tới nguy cơ cao là đứt gân máu não…

Những người bị cao máu hay suy tim đang uống các loại thuốc lợi tiểu như Laxix, Thiazide… mà lại còn uống thêm cam thảo thì nhiều khi rất nguy hiểm. Thuốc lợi tiểu thuộc nhóm Lasix làm mất chất Potassium K và cam thảo cũng làm mất K nữa, Cả hai thứ cộng lại đưa đến chứng thiếu Potassium trong máu (Hypopotassium) gây ra chứng loạn nhịp tim. Khi tim đập sai nhịp, tim đập thất thểu không đúng nhịp, có thể đưa đến chết bất đắc kỳ tử vì tim ngừng đập bất thình lình. Thiếu K cũng làm cho các bắp thịt co bóp yếu có thể dưa tới bại xụi.

Cam thảo không những chỉ có trong thuốc Bắc mà còn có nhiều trong các kẹo, bánh và thuốc Âu Mỹ. Chẳng hạn như ô mai cam thảo, các loại kẹo cam thảo có tên là Licorice. Một vào loại thuốc lá nhai (Chewing tabacco) cũng có cho cam thảo thêm vào cho có mùi vị. Ở Âu châu, có nhiều loại thuốc dùng cam thảo để chữa trị chứng loét lở bao tử như Regast-pan, Biogastrone, Duogastrone… chất cam thảo Carbenoxolone, đồng loại với Glycyrrhetinic acid giúp các chỗ loét bao tử mau lành vì ngăn chặn sự biến dưỡng các chất Prostaglandin. Dùng các thứ thuốc thuộc loại có cam thảo này phải để ý đến phản ứng phụ cao máu, nhất là những người đã bị cao máu.

Còn riêng về sâm, Y tế phổ thông sẽ có những bài viết tường tận về sâm và cam thảo trong một tương lai gần đây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ ĐỀ NGHỊ ĐỌC THÊM :

1-    Bradley, JG, Nonprescription Drugs and Hypertension, Post Grad. Medicine, 1991 May 1 89 (6) 195-2.

2-    Crowley AW Jr. Salt and Hypertension, Hypertension 1991 Jan 17 (1 suppl) I 205-10.

3-    PDR for Nonprescription Drugs 1991

4-    Lai KN, Richard AM, Nicholls MG, Drugs Induced Hypertension, Adverse Drug React. Toxicol. Rev 1991 Spring; 10 (1): 31-46.

5-    Chinese Herbal Medicine Materia Medica, Dan Bensky and Andrew Gamble. EastLand Press, Seattle, 1986.

6-    Oriental Materia Medica ; A Concise Guide, Hong Yen Hsu, Oriental Healing Arts Institute 1986.

Bác sĩ NGUYỄN XUÂN QUANG

(Nguồn: Thương Nghiệp Niên Giám Melbourne 1995)

 

Tìm Kiếm