HỒI KÍ (LNXB)

Nguyễn Hiến Lê

LỜI NHÀ XUẤT BẢN 

Truyện dài “Cộng sản bịp bợm” tiếp diễn đã bảy mươi năm, và sẽ còn tiếp diễn mãi không biết đến bao giờ mới dứt. Vô số người từng bị lừa, trong đó có khối kẻ thuộc hạng đại trí thức: khoa học gia, nghệ sĩ, triết gia, học giả v.v… tên tuổi vang lừng khắp hoàn cầu. Ðến khi thức tỉnh, những phần tử lương thiện nhất đấm ngực chịu tội trước dư luận; số lớn còn lại thì im lặng, nín khe nghe trong sự bẽ bàng. Còn quần chúng, còn các dân tộc không thức tỉnh kịp thời trước khi đại họa xảy đến, thôi thì chỉ có kêu trời, và vùng vẫy, và quằn quại.

Truyện dài “Cộng sản bịp bợm” đại khái cũng như chuyện “xem thơ Trạng Quỳnh”, có khác là khác nhau ở chỗ chuyện Trạng Quỳnh đưa tới một tiếng chửi đổng rồi một trận cười, còn chuyện cộng sản thì đưa tới chỗ tàn đời.

Trước tháng 8-1945 cũng như trước tháng 4-1975, số đồng bào ta khắp Nam Bắc bị cộng sản lừa bịp chắc chắn phải đến nhiều triệu người. Học giả Nguyễn Hiến Lê là một.

Ông Nguyễn đã đọc sách viết về cộng sản, đã nghe những lời khen chê về cộng sản, đã tìm hiểu về cộng sản, nhưng sau khi cộng sản chiếm xong miền Nam, ông sống với chúng ít lâu, rồi ông sững sờ. Chưa từng có thời nào tệ đến thế.

Sự thức tỉnh nào dưới chế độ cộng sản cũng đau đớn: Ông Nguyễn đã có lần rưng rưng nước mắt. (trang 486 bản thảo) Ông xác nhận: “Muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Ðó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay. Muốn nghe ai phê bình, khen chê gì thì nghe, muốn đọc sách gì thì đọc, dù là người thông minh, chịu suy nghĩ, cũng chỉ biết lờ mờ một chế độ thôi.” (trang 473 bản thảo).

Và ông viết hồi ký, ghi lại những điều mình đã thấy về cộng sản.

Ông Nguyễn viết xong hồi ký sau năm năm sống dưới chế độ cộng sản, nhưng sự thức tỉnh chắc chắn không ngừng lại sau năm năm. Hồi ký viết năm 1980, ngay một năm sau ông đã phải “sửa lại nhiều chỗ”, phải viết lại mấy đoạn, phải thêm vào một số ghi chú, và lại nhận là mình vừa lầm nữa! (trang 510 bản thảo). Nếu ông không sớm qua đời, quá trình thức tỉnh của ông sẽ còn tiếp tục, và biết đâu ông không rút thêm một bài học thứ hai, là: dăm năm chưa đủ biết hết các trò bịp của cộng sản.

Nhưng mặc dầu hồi ký chấm dứt sớm, mặc dù sự nhận định của ông lúc bấy giờ có thể chưa phù hợp với nhận định của nhiều người trong chúng ta hiện nay, ông Nguyễn cũng đã để lại cho chúng ta một tài liệu có giá trị. Trong vòng trên mười năm qua hiếm có tài liệu nào kể tội cộng sản Việt Nam được khúc chiết và toàn diện như vậy.


*


Vả lại ngoài giá trị của tác phẩm, còn có tấm lòng của tác giả.

Nguyễn Hiến Lê là một trong số những nhà văn đóng góp nhiều nhất vào nền văn học miền Nam. Trong suốt ba mươi lăm năm ông cúc cung tận tụy vừa viết vừa dịch trên trăm tác phẩm; sự nghiệp ấy – về phẩm cũng như về lượng – là một hãnh diện của văn học miền Nam chúng ta. Sau ngày cộng sản đến, ông vẫn tiếp tục trước tác, nhưng tuyệt nhiên không cho in một trang sách nào dưới chế độ mới. Mọi bản thảo, mọi di cảo của ông, một khi viết xong liền được chuyển ra hải ngoại. Sách ông viết đã giúp ích nhiều thế hệ thanh niên trong nước, sách ông viết lại đuổi theo chúng ta trên bước đường lưu vong, thân xác ông đã vùi xuống quê hương miền Nam, nhưng tác phẩm của ông, tâm hồn ông vẫn hướng về chúng ta; sự lầm lẫn trong đời, ông cũng hướng về chúng ta mà bộc bạch.

Trong ý nghĩa ấy chúng tôi trước tiên chọn xuất bản tập cuối cùng trong bộ hồi ký đồ sộ của ông để trình độc giả. Sau này, khi điều kiện cho phép, sẽ cố gắng tiếp tục cho in các tập I và tập II.

California ngày 10 tháng 5 năm 1988
Nhà xuất bản Văn Nghệ

Hết: Lời nhà xuất bản, Xem Tiếp:  Cảm tình của tôi với kháng chiến

Tìm Kiếm