…..

Nguyễn Hiến Lê

Hồi kí Nguyễn Hiến Lê

Chương XVII

CÁC CUỘC THƯƠNG THUYẾT VIỆT – PHÁP

…..

MỘT NĂM CHỜ ĐỢI: 1946

 
Như trong chương IX tôi đã nói, năm Tuất trước (Giáp Tuất 1934) là năm buồn nhất trong tuổi trẻ của tôi: không có việc làm trong 5 tháng, để cho qua ngày, tôi cặm cụi học chữ Hán. Năm Tuất này (Bính Tuất 1946) còn buồn gấp mấy năm đó nữa. Cũng thất nghiệp vì tôi đã quyết tâm còn chiến tranh với Pháp thì không trở về nghề Công chánh, về sở Thủy lợi; và để cho qua ngày tôi lại cặm cụi học chữ Hán. Nhưng lần trước còn tin chắc sớm muộn gì cũng được bổ dụng; lần này thì không biết được sẽ làm gì để mưu sinh; vốn liếng chỉ còn 500 đồng (lỗ mất 200 đồng vào việc trồng dâu rồi), nghề Đông y thì mới biết sơ sài, chưa đủ để làm thầy; tương lai thật mù mịt. Lần trước nằm dài ăn báo mẹ thì còn được; lần này năm dài ăn báo hai bác tôi thì thật khó coi; vì chiến tranh hai bác tôi cũng túng thiếu, chỉ làm được mấy chục công đất ở sau nhà, số thu hoạch chỉ vừa đủ gạo để ăn.
 
Lại thêm cảnh gia đình tôi nữa: nhà tôi và cháu ở nhờ người em gái ở Long Điền, cũng phải tản cư với gia đình cô em. Miền đó nhiều người Thổ (Miên), chúng nổi dậy, uống rượu say, đi cướp phá, tìm những chỗ chứa của, gập người Việt nào cũng “cáp duồng” (chặt đầu). Cái nạn Thổ ở Nam Việt thật tai hại: thời bình chúng ngoan ngoãn, lễ phép, mà thời loạn chúng thành giặc. Ngay ở Tân Thạnh cũng trong năm 1946, mấy lần có tin đồn Thổ ở Svay Rieng (Cao Miên) băng qua Đồng Tháp, tính đánh phá, đốt nhà, cướp lúa, cướp trâu bò ở mấy làng chung quanh chỗ tôi ở, dân chúng phải đề phòng, tổ chức chống cự.
 
Những đồ tư trang nhà tôi gởi gia đình cô em giữ, bị Thổ phát giác chỗ chôn giấu (chúng tưới nước, chỗ nào nước hút mau là đất mới lấp, đào lên là thấy liền), do đó mất hết.
 
Mùa xuân năm 1946, nhà tôi phải từ biệt cô em, dắt cháu lên Sài Gòn, thì nhà ở đường Monceau bị lính thủy Pháp chiếm, đồ đạc không còn gì. Vậy là hai bàn tay trắng, không có chỗ ở. May gặp được một cô bạn mở một tiệm may quần áo cho trẻ con Tây ở đường Sabourain (nay là đường Lưu Văn Lang) gần chợ Bến Thành, lại giúp cô ấy trong việc may cắt, tiếp khách, như vậy tạm yên chỗ ăn chỗ ở.
 
Yên chỗ rồi, nhà tôi về thăm tôi ở Tân Thạnh, cho hay tình hình như vậy, và bảo ở Sài Gòn có phong trào đả đảo người Bắc của chính phủ Nam Kì quốc do tên thầy tu D’Argenlieu, Cao ủy Pháp dựng lên, thủ tướng là bác sĩ Nguyễn văn Thinh. Thinh sau tự treo cổ để đền tội với quốc dân. Như vậy tôi không thể lên Sài Gòn được. Đành chờ một thời gian nữa, và vợ con một nơi, tôi một nơi.
 
Thêm một nỗi buồn nữa là em trai tôi một lần qua chợ Thủ, đắm xuồng, không vớt được thây. Năm đó chú ấy mới 33 tuổi ta, đúng như số tử vi đã cho biết. Còn yểu hơn cha tôi nữa. Để lại một đứa con gái mới được mấy tháng.
 
Anh Tân Phương đã qua chợ Thủ ở với vợ con và giữa năm cũng lên Sài Gòn. Các người tản cư đã hồi cư hết rồi. Gia đình cô Liệp cũng đã trở về Long Xuyên. Chỉ còn một mình tôi ở lại Tân Thạnh.
 
Lâu lâu có ai đi Long Xuyên mới đem về cho một vài tờ báo mà biết được qua loa tin tức. Tháng nào, tuần nào cũng mong tình hình sáng sủa. Đầu năm có tin phái đoàn Việt Nam (ở Bắc) qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau, tôi le lói có chút hi vọng; ít tháng sau thất vọng, cuối năm thì hoàn toàn thất vọng: chiến tranh đã nổ lớn ở Bắc Việt, chính phủ mình đã rút ra khỏi Hà Nội để trường kì kháng chiến (20-12-1946).
 
Trước Tết, mới về Tân Thạnh, tôi còn vui vui, làm đôi câu đối này:
 
—— “Trị ái thư, loạn ái thư, thư trung hữu hữu;
——Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại không không.
 
mà một ông bạn dịch ra như sau:
 
——Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có,
——Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không.
 
Và bác tôi cũng cho tôi câu đối:
 
——Phú quí mạc cầu, nhất phiến băng tâm cư loạn;
——Thư hoa chân ái, sổ thiên văn tự lưu phương.
 
Cũng ông bạn trên dịch là:
 
——Phú quí chẳng màng, giữ tấm băng trinh thời loạn;
——Sách hoa riêng thích, thơm trang giấy mực đời sau.
 
Tết này buồn não lòng, chỉ ngâm câu thơ cổ:
 
—— “Nhất niên tương tận dạ,
——Thiên lí vị qui nhân”.[1]
——
—— (Một đêm năm gần hết,
——Ngàn dặm người chưa về)
 
Và luôn cho tới ngày nay, ba mươi lăm cái Tết nữa rồi, không có cái Tết nào tôi hoàn toàn vui cả: khi đoàn tụ gia đình thì chiến tranh chưa chấm dứt, khi chiến tranh chấm dứt thì gia đình lại không đoàn tụ được. Cho nên ngày Tết tôi cũng coi như ngày thường, cũng đóng cửa gần như không tiếp khách, để viết lách cho tiêu sầu. Nhớ lại, chỉ những Tết hồi còn đi học là lưu lại nhiều kỉ niệm đẹp nhất. Hai câu thơ cổ dẫn trên, bác Hai tôi đọc cho tôi nghe một đêm 30 Tết, hồi 8 giờ tối, anh em tôi ở Hà Nội mới về tới nhà, khiến người lo lắng, tưởng có tai nạn gì.
 
CHIẾN SỰ 1945-1946
 
Dưới đây tôi ghi vắn tắt ít tin chiến sự và biến cố xảy ra ở Việt Nam từ ngày tôi rời Sài Gòn cho tới cuối năm 1946.
 
Ở Nam (dưới vĩ tuyến 16)
 
Ngày 5-10-1945, Leclerc một viên tướng giỏi của Pháp, biết nhận định tình hình, tới Sài Gòn thì Pháp có tất cả 35.000 quân, được Anh giúp đỡ để cho tái chiếm lại miền Nam.
 
Trong tháng 10, quân Anh “chiếm” Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.
 
Pháp một mặt tiến lên Tây Ninh, tính diệt lực lượng Cao Đài; một mặt xuống Long An (Tân An), Mĩ Tho (25-10), Vĩnh Long, Cần Thơ, rồi Sa Đéc, Long Xuyên (1-1946), Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau; một mặt nữa cho quân đổ bộ lên Nha Trang rồi tiến vô Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết, cuối năm 1945 lên tới Ban Mê Thuột, Djiring, Đà Lạt.
 
Như vậy đầu tháng 2-1946, Leclerc tự cho là công việc “bình định” ở miền Nam của ông ở miền Nam đã xong, vì chỉ trừ từ đèo Cả đến Tourane, còn bao nhiêu tỉnh lị, một số lớn quận lị nữa từ đèo Cả tới Cà Mau và ở miền Tây Nguyên đã bị quân Pháp chiếm đóng và lập lại lần lần các cơ quan hành chánh.
 
Nhưng Leclerc sáng suốt hiểu rằng như vậy chỉ để cứu vãn uy tín của Pháp thôi, và phải thương thuyết ngay với Việt Minh ở Bắc, chứ 35.000 quân Pháp của ông không thể dẹp nổi kháng chiến Việt Nam.
 
Sở dĩ ông tiến mau được như vậy vì quân đội mình dùng chính sách tiêu thổ kháng chiến, rút lui để bảo toàn lực lượng rồi đánh du kích.
 
Trần Văn Giàu mới đầu chỉ huy cuộc kháng chiến, sau bị triệu về Bắc. Tướng Nguyễn Bình từ Bắc vô thay, tổ chức lại quân đội và vừa phục kích quân Pháp, vừa trừ Việt gian, nhất là bọn hương chức Pháp đặt lên. Như vậy Pháp chỉ thực sự làm chủ các tỉnh lị và quận lị thôi, không dám ra khỏi vài cây số, cũng không dám tiến xa quá một hai trăm thước hai bên đường lộ.
 
Lần lần, ủy ban kháng chiến cũng lập ủy ban hành chánh xã, huyện, tỉnh ở thôn quê; và Nam bộ trở lại tình trạng non một thế kỉ trước, dưới triều Nguyễn, khi quân Pháp mới chiếm xong lục tỉnh: Các làng xóm ban ngày thuộc về “đàng tân”, ban đêm thuộc về “đàng cựu”; đàng tân bây giờ là các công chức theo Pháp, đàng cựu là quân kháng chiến; và cũng như thời xưa, một số đàng tân bây giờ ủng hộ ngầm đàng cựu.
 
Ở Bắc (trên vĩ tuyến 16)
 
Ngày 2-9-1945, chính phủ Việt Minh làm lễ tuyên bố độc lập thì đúng một tuần sau, quân của Lư Hán lục tục tới Hà Nội. Tất cả là 180.000 người thốc thếch, rách rưới, ở Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông đi bộ qua, một số dắt theo cả vợ con, không ra thể thống quân đội của nước hùng cường thứ năm trên thế giới. Mới tới, Lư Hán đã định hối suất một đồng bạc Trung Hoa ăn hai đồng Việt Nam, như vậy họ tha hồ mua bất kì món gì họ thích với một giá rất rẻ.
 
Họ tới với mục đích là để giải giới quân Nhật, mà thực sự là để vơ vét. Tội nghiệp cho dân Bắc, vừa mới qua nạn đói chết cả triệu người thì lại bị cái nạn cướp bóc của mấy trăm ngàn tên lính Trung Hoa Quốc Dân Đảng này.
 
Một người Việt Nam như Nguyễn Hải Thần trong Đồng Minh hội, Vũ Hồng Khanh trong Việt Nam Quốc Dân đảng, theo Lư Hán qua; nhưng Tưởng Giới Thạch không có ý thực tâm ủng hộ họ, và Lư Hán chỉ muốn dùng họ để gây khó cho Việt Minh mà thủ lợi riêng. Việt Minh lúc đó thật bối rối, phải đương đầu với cả Trung Hoa lẫn Pháp, mềm dẻo với cả hai. Họ vội vàng tổ chức bầu cử Quốc hội ngày 6-1-1946, giải tán đảng Cộng sản, mỏ rộng nội các.
 
Mĩ có chút cảm tình với chính phủ. Nga không ủng hộ gì cả. Còn Trung Hoa thì theo Bernard Fall trong cuốn Les deux Việt Nam (Payot-1967), ngay từ 1944, khi tổng thống Mĩ Rosevelt muốn tặng cả Đông Dương cho Tưởng, Tưởng biết là khó nuốt nên từ chối. Pháp hiểu vậy nên điều đình với Tưởng, nhường chút quyền lợi cho Tưởng (khúc đường xe lửa từ Lào Cai đi Vân Nam, trả lại Quảng Châu Loan, cho được tự do ra vô cảng Hải Phòng) và đáp lại, Tưởng thừa nhận Pháp có chủ quyền ở Đông Dương.
 
Chính ông Hồ Chí Minh cũng thích Pháp hơn, tuyên bố với kí giả Pháp P.M. Dessinges của tờ Résistance“Chúng tôi phục nước Pháp và dân tộc Pháp lắm và không muốn cắt đứt những dây cột chặt hai dân tộc chúng ta… Chúng ta phải khéo thu xếp với nhau. Nhưng xin ông nhớ cho rằng chúng tôi quyết tâm chiến đấu tới cùng, nếu người ta bắt chúng tôi phải chiến đấu…” (Histoire du Việt Nam de 1940 à 1952 – Philippe Devillers – Editions du Seuil – 1952).
 
Ủy viên chính trị của Pháp ở Bắc là Sainteny và tướng Leclerc lúc đó đã ra Bắc, cũng muốn thương thuyết với ông Hồ Chí Minh hơn là với Nguyễn Hải Thần hay Bảo Đại. Nhờ vậy mà có Hiệp ước 6-3-46 kí giữa Sainteny và Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh. Hiệp ước đó nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (libre) ở trong Liên hiệp Đông Dương và Liên hiệp Pháp, có chính quyền, quân đội, tài chính riêng. Sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý để xem Nam bộ sẽ sát nhập vào quốc gia mới đó không.
 
Hai bên (tướng Salan và tướng Võ Nguyên Giáp) kí thêm mấy ước khoản nữa: Quân đội Việt được Pháp huấn luyện và giúp khí giới; sau 5 năm, quân đội Pháp sẽ rút hết.
 
Ông Hồ Chí Minh nói với Sainteny: “Tôi muốn nhiều hơn vậy… nhưng tôi cũng hiểu rằng không thể trong một ngày mà có được tất cả”.
 
Ngày 18 tháng 3, Leclerc đem quân vô Hà Nội, cùng với Sainteny lại thăm ngay ông Hồ Chí Minh. Hai bên rất vui vẻ.
 
D’ARGENLIEU PHÁ HIỆP ƯỚC 6-3-46 – NAM KÌ QUỐC – HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT
 
Nhưng trong khi đó thì D’Argenlieu, cao ủy ở Sài Gòn hủy ngầm hiệp ước đó. D’Argenlieu rất trung thành với De Gaulle, mà De Gaulle muốn nắm chặt các thuộc địa cũ để cho Pháp còn có vẻ một cường quốc. Lại thêm bọn thực dân Pháp ở Nam bộ tham lam không muốn nhả quyền lợi ra, xúi D’Argenlieu phá đám.
 
Ngày 17-4-46 hai bên Pháp Việt mở một hội nghị ở Đà Lạt chuẩn bị cho hội nghị quan trọng hơn ở Paris. Ngay từ buổi họp đầu tiên, đại biểu Việt Nam đòi bàn về vấn đề Nam Bộ. Đại biểu Pháp đáp rằng không có chỉ thị của cấp trên nên không bàn tới. Sự thực là D’Argenlieu đã có chủ trương tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam rồi.
 
Ngày 1-6-1946, khi chiếc phi cơ đưa Hồ Chí Minh sang Pháp, bay ngang qua không phận Damas, thì ông Hồ Chí Minh bắt được tin nước Cộng hòa Nam Kì tự trị đã được thành lập ở Sài Gòn, bác sĩ Thinh làm thủ tướng, các bộ trưởng hầu hết có quốc tịch Pháp.
 
Vậy là trước khi họp hội nghị Fontainebleau, D’Argenlieu đã vi phạm một điều khoản trong hiệp ước ngày 6 tháng 3.
 
Bọn Thinh dùng tay sai gây phong trào đả đảo Bắc Kì; nhiều người Bắc ở Sài Gòn bị hành hung, dân chúng cả Bắc lẫn Nam phẫn uất; tướng Nguyễn Bình phản ứng mạnh, khủng bố dữ bọn Việt gian, không khí Sài Gòn nghẹt thở.
 
Ông Hồ Chí Minh bực mình về hành động của D’Argenlieu, nhưng hi vọng rằng ở Paris, sẽ được đảng Cộng sản, đảng Xã hội, nhiều chính khách trong các đảng khác nữa giúp đỡ. Không ngờ tới Pháp thì nội các Pháp đương bị một cuộc khủng hoảng. Ông cùng phái đoàn phải ghé Biarritz, đợi xong cuộc khủng hoảng rồi mới lên Paris.
 
Rủi cho Việt Nam, nội các mới (thành lập ngày 24-6) gồm 3 thành phần: Cộng sản, Xã hội và Phong trào Cộng hòa nhân dân (M.R.P). Một lãnh tụ của phong trào Cộng hòa nhân dân, Georges Bidault, làm thủ tướng, mà Bidault rất có ác cảm với ông Hồ Chí Minh, suốt trong chiến tranh Việt Pháp, lúc làm thủ tướng, lúc làm bộ trưởng ngoại vụ, nhất định không chịu thương thuyết với ông Hồ Chí Minh, và những người Pháp hiểu dân tộc Việt Nam như Jean Lacouture, P. Mus, Philippe Devillers cho rằng Bidault với D’Argenlieu là những người chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc làm hỏng cuộc hòa giải Việt Pháp, kéo dài cuộc chiến tai hại cho cả hai dân tộc, để rốt cuộc đưa tới sự thất bại tủi nhục của Pháp ở Điện Biên Phủ sau này.
 
HỘI NGHỊ FONTAINEBLEAU THẤT BẠI
 
Hội nghị Fontainebleau họp ngày 6-7. Phía Pháp không có một đại biểu nào vào hàng bộ trưởng. Phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng cầm đầu. Ngay từ buổi đầu, ai cũng thấy ngay rằng chính quyền Pháp chỉ coi Việt Nam như một nước lệ thuộc ở trong Liên hiệp Đông Dương, thuộc quyền cao ủy Pháp ở Sài Gòn. Pháp không muốn bàn thêm gì cả mà chỉ muốn rút lại những nhượng bộ trong Hiệp ước 6-3.
 
Lại thêm trong khi ở Paris có hội nghị thì ở Việt Nam D’Argenlieu đem quân chiếm các tỉnh Pleiku, Kontum; rồi lại họp một hội nghị Đà Lạt nữa, mời đại biểu của tất cả các chính quyền Đông Dương, trừ chính quyền Việt Minh.
 
Dĩ nhiên hội nghị Fontainebleau thất bại. Sau cùng, để khỏi về tay không, gần nửa đêm 14-9, ông Hồ Chí Minh lại tư dinh bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet, trong đảng Xã hội Pháp mà ông quen biết từ ba chục năm trước, để kí với Moutet một thỏa hiệp ước (modus vivendi) “định cách thức giao trả một số công sở cho chính phủ Hồ Chí Minh, chính phủ này chịu nhận ở lại trong Liên hiệp Pháp (lời Marius Moutet); “các cuộc thương thuyết sẽ tiếp tục càng sớm càng tốt, trễ nhất vào tháng giêng năm 1947”; trong khi đó “cả hai chính phủ quyết định chấm dứt những hành động thù nghịch, cùng các bạo động ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ”.
 
HỒ CHÍ MINH VỀ NƯỚC – VỤ HẢI PHÒNG
 
Ông Hồ Chí Minh về đường biển, ngày 20 tháng 10 mới tới Hải Phòng. Dân chúng hoan hô nhiệt liệt. Ông vẫn muốn mềm mỏng, kiên nhẫn với D’Argenlieu, hi vọng hòa giải được; nhưng hình như trong nội bộ có một phe “cực tả” tin chắc rằng thế nào cũng phải có cuộc sống mái với Pháp và phải tăng cường ngay võ bị. Việt Nam Quốc Dân đảng trách ông nhu nhược.
 
Quân Pháp đã đổ bộ lên Bắc Việt rồi được tăng viện, lần lần chiếm các công sở, mở rộng khu vực đóng quân… Họ lại lấn quyền kiểm soát quan thuế, tự ý đặt những cơ quan liên bang mà chẳng hỏi ý kiến mình. Tới cuối năm 1946, sức họ mạnh rồi, thế nào họ cũng sẽ dùng võ lực để giải quyết mọi vấn đề. Mà phía mình, tướng Võ Nguyên Giáp cũng thấy nếu để chậm trễ thì sẽ tới một lúc không sao đuổi được quân Pháp đi, đành để chúng cột tay cột chân mình thôi.
 
Ngày 20 tháng 11 xảy ra vụ Hải Phòng. Một chiếc thuyền Trung Hoa chở khí giới, xăng nhớt vô hải cảng, bị một chiếc tàu tuần Pháp bắn; quân đội Việt Nam can thiệp. Hai bên bắn qua bắn lại. Ủy ban hỗn hợp Pháp-Việt bắt ngưng bắn để hai chính phủ thảo luận với nhau về vấn đề quan thuế, ngoại thương. Tướng Valluy ương ngạnh không chịu, đòi quân đội ViệtNam phải rút hết ra khỏi Hải Phòng, mình không chịu. Thế là một chiếc tuần dương hạm Pháp bắn tưới vào một khu người Việt, cháy rụi hết các nhà 1á. “Ít nhất có sáu ngàn người chết” (Paul Mus trong Việt Nam, sociologie d’une guerre).
 
Toàn dân phẫn uất, nhưng Hồ Chí Minh vẫn không tuyệt vọng, ngày 15-12 đánh một điện tín cho Léon Blum, lãnh tụ đảng Xã hội Pháp, lúc đó làm thủ tướng, khẩn khoản yêu cầu làm cách nào cho tình hình bớt căng. Điện tín đó phải do Sài Gòn kiểm duyệt rồi mới chuyển đi. Sài Gòn trì hoãn không chuyển ngay, mãi tới ngày 26-12 mới tới Paris. Mà đêm 19-12 đã xảy ra chiến tranh ở Hà Nội rồi.
 
ĐÊM 19-12-46
 
Vụ tấn công thình lình đêm 19-12, Võ Nguyên Giáp đã chuẩn bị trước, chẳng may một tên Pháp lai, Fernand Petit, làm phản gián cho Pháp, len lỏi vào đoàn Tự vệ của mình, biết trước, 18 giờ lại báo cho Pháp hay nội đêm đó quân mình sẽ ra tay. Nhờ vậy quân Pháp kịp thời đối phó. Đúng 20 giờ điện tắt trong khắp thành phố. Quân tự vệ tiến vào khu Pháp ở, giết khoảng 40 người Pháp và bắt cóc khoảng 200 người khác. Dân Pháp đã được báo trước, nên chống cự lại dữ dội, không vậy thì còn chết nhiều hơn nữa. Tướng Morlière phản ứng lại liền, giải vây được cho nhiều nhà, nhiều khu. Hai bên chiến đấu suốt đêm. Sáng hôm sau, nhiều nơi trong thành phố có vẻ hoang tàn: nhà cháy, thây người, vật chướng ngại, cây đổ…. ngổn ngang khắp nơi. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Mãi chiều, quân Pháp mới tiến tới khu dinh thự của chính quyền mình. Các nhà lãnh đạo của mình đã rút ra khỏi Hà Nội, vô Hà Đông rồi. Tối hôm đó Pháp kiểm soát được gần trọn khu trung ương thành phố.
 
Nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục một hai tháng nữa. Tại khu Việt và Hoa, quân Tự vệ đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để chiến đấu rồi rút lui. Ngõ Phất Lộc của chúng tôi và mấy phố chung quanh: hàng Mắm, hàng Muối, hàng Mã Mây chống cự được khá lâu nhờ có nhiều ngóc ngách. Quân Pháp phải chiếm lại từng nhà một, khi chiếm xong thì thành phố chỉ còn là một cảnh hoang tàn, dân chúng đã di tản gần hết.
 
Ngay đêm 19-12, tướng Giáp đã ban lệnh tổng tấn công khắp mặt trận, chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân chiến đấu bằng bất kì khí giới gì có trong tay. Các đồn Pháp ở Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh, Nam Định, Huế bị tấn công trước hết (2 giờ sáng ngày 20). Ngày 21 thì lệnh được thi hành khắp nước.
 
Như vậy là phe diều hâu của Pháp: Bidault, D’Argenlieu, Pignon… đã thắng phe bồ cầu: Sainteny, Leclerc…; và chiến tranh du kích dai dẳng, tàn khốc lan khắp cõi Việt Nam. Điều đó Leclerc ngại nhất vì nó sẽ làm cho sinh lực Pháp tiêu mòn.
 
Tin Pháp bị Việt tấn công gây xúc động lớn trong dư luận Pháp cũng như trong Quốc hội. Marius Moutet, bộ trưởng Hải ngoại, tuyên bố rằng ông sắp qua Đông Dương để rán lập lại những điều kiện của một chính sách hòa giải mà cả hai bên Pháp, Việt phải thi hành một cách chân thành.
 
Nhưng báo chí tỏ ra quá khích. Philippe Devilers trong sách đã dẫn bảo báo chí không biết rõ sự thực – vì suốt thời gian khủng hoảng không có một phóng viên báo Pháp hay báo ngoại quốc nào ở Bắc cả – và dân Pháp chỉ được biết những tin do bọn thực dân và diều hâu Sài Gòn tung ra thôi. Ngay báo của phe tả cũng không biết gì hơn. Và một số người Pháp hiểu rõ Việt Nam cho rằng báo chí Pháp cũng chịu một phần trách nhiệm trong cuộc chiến tranh đó.
 
Mới tới Sài Gòn, Moutet vẫn còn giữ ý kiến hòa giải. Ngày 1-1-1947, ông Hồ Chí Minh gởi lời chúc mừng năm mới chính phủ Pháp, dân tộc Pháp, và cả Marius Moutet mà ông mong được gặp gỡ ở Hà Nội. Ông lại gởi một thư riêng cho Moutet, đưa đề nghị ngưng chiến. Thư đó không tới tay Moutet. Về sau khi thăm thành phố Hà Nội tan hoang rồi, Moutet đổi ý, không muốn gặp Hồ Chí Minh nữa. Có sách nói ông ta được lệnh ở Paris không thương thuyết.
 
Thế là Hồ Chí Minh hết hi vọng ở đảng Xã hội Pháp và cả ở đảng Cộng sản nữa, vì có tin nói rằng đảng này cũng dè dặt chưa lên tiếng. Và chiến tranh phải tiếp tục non tám năm nữa.
<brclear=all>

[1] Thơ của Đới Thúc Luân đời Đường. Chữ thứ tư trong câu trên, sách in là: tân. (Goldfish).
Hết: Chương XVII, Xem Tiếp: Chương XVIII
Tìm Kiếm