HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXX2)
Nguyễn Hiến Lê
PHẦN VI
Giai đoạn 1975 – 1981
(Phần này viết xong năm 1980, năm 1981 sửa lại nhiều chỗ)
CHƯƠNG XXX
CHẾ ÐỘ TẬP THỂ Ở MIỀN NAM
…..
….
Ngày 30-4-75 – VIỆT NAM THỐNG NHẤT
Nhưng hiệp định Paris vừa mới kí xong – tất nhiên có chữ kí của Nga, Trung hoa và một số nước khác như Pháp, Anh… – hai bên trao đổi tù binh với nhau xong, Mĩ rút hết quân về rồi thì chiến tranh lại tái diễn. Thế là hiệp định chưa ráo nét mực đã bị xé bỏ. Tôi không hiểu có một sự thỏa thuận ngầm nào giữa các cường quốc nắm vận mạng của Việt nam không, có những uẩn khúc, những bí mật nào không. Theo luật quốc tế, phải 50 năm sau, những bí mật đó mới được công bố, lúc đó những kẻ chịu trách nhiệm chết hết rồi.
Một bên (Bắc) mới thắng được Mĩ về ngoại giao, rất phấn khởi, khí thế đương hăng; một bên (Nam) bị Mĩ chẳng nghĩ gì đến liêm sỉ, nhẫn tâm bỏ rơi, vừa uất ức vừa thất vọng, thì phần thắng về ai, điều đó rất dễ hiểu. Quân Bắc tiến tới đâu, dân chúng một phần sợ những vụ chém giết, chôn sống như ở Huế tết Mậu Thân, dắt díu, bồng bế nhau bỏ chạy; một phần ghét Mĩ, ghét chính phủ Thiệu, theo quân đội giải phóng cho nên cuộc tiến quân của Bắc dễ như chẻ tre, chỉ trong ít tháng chiếm trọn miền cao nguyên và miền Trung Việt, gần tới Biên hòa. Tổng thống Dương văn Minh biết chống cũng vô ích, xin hai bên ngừng chiến để đỡ chết dân và chính quyền miền Nam chờ đợi quân đội miền Bắc vào Sài gòn để giao lại quyền hành, nói tóm lại là xin đầu hàng vô điều kiện; và ngay 12 giờ trưa ngày 30-4 tướng Trần văn Trà của Mặt trận ngồi xe thiết giáp tiến vào Dinh Ðộc Lập. Sự thắng lợi đó quả là vẻ vang cho miền Bắc, nhưng xét kĩ thì cũng như sự thắng lợi của quân đội Mao trạch Ðông năm 1949 (cũng chỉ trong có mấy tháng họ tiến từ Nam kinn tới biên giới Bắc Việt); và cũng như sự thắng lợi của Khmer đỏ (ngày 17-4) khiến Lon Nol phải bỏ nước thoát thân như Nguyễn văn Thiệu, Ðại sứ Mĩ phải nhục nhã cuốn cờ bỏ Nam vang mà về nước, và Khmer đỏ vào Nam vang 13 ngày trước cộng sản Bắc Việt vào Sài gòn.
Từ ngày 20-4-75, Sài gòn rất xôn xao. Một ông bạn thân của tôi 56 tuổi, ở gần nhà tôi, đương đau mà gia đình cũng “bốc” lên phi cơ để tị nạn, mới tới Manille thì chết, phải chôn ở đó. Một cô em ruột nhà tôi, cô Trịnh thị Mộng Ðơn cũng dắt con lên phi cơ qua với chồng bên Mĩ.
Rồi chính cô em út tôi, Nguyễn thị Mùi, gần 60 tuổi, cũng theo gia đình bên chồng qua Mĩ; vợ chồng tôi giữ lại ở với chúng tôi, cô không chịu. Trong số ba người em, tôi mến cô nhất, mà cô cũng quí tôi. Cô làm dâu họ Tô ở Hà nội, có ba người con đều vào hạng học giỏi. Con gái lớn, Tô Lệ Hằng đậu tiến sĩ vật lý, tính tình hợp với tôi, hiện ở Pháp, giúp đỡ tôi được nhiều việc, vợ chồng tôi coi ba cháu đó như con. Cô đi rồi, ở Sài gòn tôi không còn ai ruột thịt cả.
Mấy ngày hạ tuần tháng 4 dương lịch đó tôi vẫn nghĩ tình hình không có gì bi đát lắm đến nỗi phải di cư. Quân Bắc có tiến vào Sài gòn thì Nam Bắc cũng thương thuyết với nhau – trước Bắc đòi Mĩ rút đi, Thiệu rút đi, thì bây giờ họ rút cả rồi, còn muốn gì nữa? – mà hiệp định Paris còn đó, Bắc phải thi hành chứ. Tôi ngây thơ quá.
Mười một giờ sáng ngày 30-4, ông láng giềng ở phía trong nhà tôi cùng với con lái một chiếc Vespa hớt hơ hớt hải di cư, để lại nhà cửa cho bà cụ thân sinh 77 tuổi và một chị bếp.
Mười hai giờ tôi bắt đài phát thanh, được tin tướng Trần văn Trà vào dinh Ðộc Lập, Ðại tướng Dương văn Minh với vài nhân viên trong nội các ra tiếp, bảo:
– Chúng tôi chờ các ông tới để bàn giao.
Trần văn Trà đáp:
– Các ông còn gì trong tay nữa mà bàn giao?
Tin đó làm tôi rất buồn: thế là hiệp định Paris đã bị xé bỏ, không còn chuyện ba thành phần trong chính phủ miền Nam nữa, mà chỉ còn có Mặt trận giải phóng, tức cộng sản.
Chiều 30-4 tôi ra đầu ngõ thấy nhiều chiếc Honda cắm cờ đỏ sao vàng vụt qua vụt lại, người ngồi trên xe toàn là thanh niên, hớn hở, mỉm cười với dân chúng hai bên đường. Sau này người ta gọi họ là “chiến sĩ 30”.
Chiều hôm sau, 1-5, tôi mới lại chợ Trương Minh Giảng. Nhà nào cũng phấp phới cờ đỏ sao vàng, người qua lại tấp nập, hơi có vẻ tưng bừng, nhưng cũng có nhiều bộ mặt đăm chiêu. Chi nhánh ngân hàng Việt nam thương tín ở gần chợ đóng cửa im ỉm. Chợ về chiều đã vắng. Tôi lại nhà bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm. Cửa sắt đóng kín. Một chị giúp việc cho hay cả gia đình bạn tôi đã di cư tối hôm 28-4 vào giờ chót; vì quyết định trễ cho nên không kịp báo cho tôi biết trước. Tôi sửng sốt: “Mấy hôm trước, bác sĩ còn quyết tâm ở lại kia mà!” Chị giúp việc bảo: “Ông bà tôi vì tình con gái, chàng rể và mấy cháu ngoại mà phải đi, nhưng định 5-6 tháng sẽ trở về, cho nên đồ đạc trong nhà còn để lại hết”. Nhưng anh bạn tôi không bao giờ trở về nữa, hai năm sau chết ở Paris vì bệnh căng xe máu (leucémie).
Tôi lủi thủi về nhà bảo nhà tôi (bà họ Nguyễn): “Người thân đi hết rồi, không còn ai nữa, buồn quá”.
Khoảng 25-4 phát hành cuốn sách thứ 100 của tôi, nhan đề là Mười Câu Chuyện Văn Chương. Tôi đợi đường hàng không Sài gòn – Paris tái lập để gửi thư và một bản cuốn đó cho vợ con tôi mắc kẹt ở Paris. Tôi không nhớ mấy tháng sau mới nhận được thư của họ, nhận được tôi hồi âm liền; còn cuốn Mười Câu Chuyện Văn Chương thì non hai năm sau chính phủ mới cho phép gởi qua.
Tôi phục quân đội giải phóng rất có kỉ luật: vào Sài gòn mà không gây một vụ đổ máu (trước đó ai cũng ngại có một cuộc “tắm máu” như Huế năm 1968), một vụ cướp bóc nào; còn giúp đỡ dân chúng nữa. Tôi lại tràn trề hi vọng khi chủ tịch Mặt trận giải phóng, luật sư Nguyễn hữu Thọ, tuyên bố miền Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa, sẽ trung lập, giao thiệp với Tây phương, về kinh tế sẽ có 5 thành phần từ quốc doanh đến công tư hợp doanh, tư doanh v.v… Như vậy thì rất hợp với sở nguyện của mọi người, quá sở nguyện của giới trí thức nữa.
Nhưng chỉ được non một năm rồi người ta rục rịch thực hiện sự thống nhất Bắc, Nam và cuối năm 1976 thì không còn miền Nam nữa, từ Lạng sơn đến Cà mau là một nước theo chủ nghĩa xã hội như Nga, tiến bộ hơn cả Trung hoa, Ðông Ðức nữa vì hai nước này vẫn còn là dân chủ cộng hòa.
Từ năm 1975 đến nay, hai vợ chồng tôi ở lại Sài gòn (lâu lâu nhà tôi mới về Long xuyên ít bữa), nương tựa lẫn nhau để làm tròn bổn phận công dân, thích ứng với thời mới, tìm hiểu chế độ mới.
Chú thích
(1) Danh từ này dịch từ danh từ société socialiste của Pháp. Nghe kì cục lắm. Pháp có danh từ société nghĩa là xã hội, đoàn thể; do société mà có danh từ social: thuộc về xã hội, đoàn thể; có tính cách xã hội, đoàn thể; rồi social lại đẻ ra danh từ socialisme để trỏ những chủ nghĩa nhắm thay đổi hoàn toàn một chế độ, nhất là chế độ sở hữu tài sản để cải thiện đời sống lao động, đặc biệt là đời sống thợ thuyền.
Tôi thấy chế độ của nước ta ngày nay, cũng như của Nga, Trung Hoa… có điểm này đặc biệt khác với các nước tư bản là tính cách tập thể: đảng chỉ huy tập thể, dân làm chủ tập thể (theo lí thuyết), sản xuất tập thể: nông trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp quốc doanh, hoặc công tư hợp doanh, tổ hợp sản xuất…, như vậy để cho cá nhân, một số nhỏ tư nhân, không còn nắm được sự sản xuất mà bóc lột vô sản nữa.
Còn về qui tắc: có làm thì có ăn, không làm thì không ăn; làm theo khả năng, hưởng theo sức mình làm được, thì không khác gì xã hội tư bản; ngay đến tư sản cá nhân cũng vẫn được tôn trọng (ít nhất là trên lí thuyết), hơn nữa, còn được truyền cả cho con cháu, chỉ khác chế độ tư bản là nó bị hạn chế để khỏi bị lạm dụng mà bóc lột người nghèo, thế thôi.
Vì vậy tôi nghĩ chẳng cần phải dịch sát mà có thể dùng danh từ xã hội tập thể để thay thế danh từ xã hội xã hội chủ nghĩa. Xã hội tập thể tiến lên xã hội cộng sản, như vậy xuôi hơn là nói xã hội xã hội chủ nghĩa tiến lên xã hội cộng sản.
(2) Công việc này ngày nay còn tiếp tục không hay chỉ rầm rộ được một thời, quốc gia thống nhất rồi thì ngưng y như công việc khảo cổ ở Trung hoa.
Hết: Ngày 30-04-1975, Xem Tiếp: Chế độ mới
.