HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXX3)
Nguyễn Hiến Lê
PHẦN VI
Giai đoạn 1975 – 1981
(Phần này viết xong năm 1980, năm 1981 sửa lại nhiều chỗ)
CHƯƠNG XXX
CHẾ ÐỘ TẬP THỂ Ở MIỀN NAM
…..
CHẾ ÐỘ MỚI
…..
Ai cũng biết chế độ cộng sản là chế độ độc đảng, chuyên chế của giai cấp vô sản, theo nguyên tắc mà thực tế là của một nhóm “đảng viên cầm quyền tự cho mình là đồng nhất với thợ thuyền, tiếng nói của mình là tiếng nói của thợ thuyền, có bổn phận thay thợ thuyền để cai trị” (Garandy trong L’alternative – Robert Laffont – 1972). Họ nắm hết cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nếu trong nước có đảng Dân chủ, đảng Xã hội thì những đảng này cũng phải theo đường lối của đảng cộng sản, không thể độc lập, đối lập được.
Các nhà lãnh đạo cộng sản hầu hết xuất thân từ giai cấp bourgeois, có học thức, có tư tưởng tiến bộ, muốn xóa bỏ những bất công trong xã hội, diệt bọn tư bản bóc lột mà bênh vực giai cấp vô sản. Họ định đường lối, kế hoạch, tổ chức xã hội; lựa trong đảng một số người để cho dân bầu (dân chỉ được bầu những người đó thôi) vào Quốc hội và Quốc hội thảo hiến pháp theo đường lối đảng đã ấn định trước; rồi lựa một số người cũng ở trong đảng giao cho nhiệm vụ hành pháp và tư pháp. Bất kì việc lớn nhỏ gì cũng do đảng quyết định hết, cơ quan nào dù lớn, quan trọng tới mấy cũng chỉ có việc thừa hành.
Ðiều đó ai cũng biết, nhưng muốn thấy chế độ đó ra sao thì phải sống dưới chế độ dăm năm. Ðó là bài học đầu tiên và vô cùng quan trọng mà tôi và có lẽ cả 90% người miền Nam rút được từ 1975 tới nay. Muốn nghe ai phê bình, khen chê gì thì nghe, muốn đọc sách gì thì đọc, dù là người thông minh, chịu suy nghĩ, cũng chỉ biết lờ mờ một chế độ thôi.
Dưới đây tôi ghi vắn tắt những điều tôi thấy về chế độ cộng sản ở miền Nam. Tôi không chép nhật kí, mà kí tính tôi mấy năm nay suy; tôi lại chỉ sống ở Sài gòn, giao du ít, nên nhận xét của tôi chắc chắn là thiếu sót, có thể sai nữa, sai nhiều nhất là năm tháng. Tôi sẽ rán giữ tinh thần khách quan và trung thực.
HÀNH CHÁNH (Chỉ xét ở các cấp từ thành phố (1) và tỉnh trở xuống).
Tổ chức
Một gia đình (cha mẹ, con cái, anh em, bà con…) ăn chung, ở chung với nhau thì thành một hộ; nếu có một người tuy ở chung một nhà mà có phòng riêng, ăn riêng thì cũng thành một hộ riêng; như vậy cùng một nhà có thể có hai ba hộ. Mỗi hộ có một người chủ hộ.
Ba bốn chục nhà (thường gồm bốn năm chục hộ) họp lại thành một tổ, có một tổ trưởng, một tổ phó do chính quyền chỉ định, hoặc do dân đề cử, chính quyền chấp nhận; tổ trưởng có thể đề cử một người giúp việc giấy tờ cho. Tổ trưởng, tổ phó, thư kí thường ở trong giới bình dân, có cảm tình với cách mạng, hoặc ít nhất không có tiếng xấu, tự nguyện giúp việc không công, theo nguyên tắc chẳng được hưởng quyền lợi gì cả.
Mới đầu gọi là tổ đoàn kết, sau đổi là tổ dân phố. Tổ trưởng là gạch nối giữa chính quyền và nhân dân, loan báo chỉ thị của chính quyền xuống nhân dân, đạo đạt nguyện vọng của nhân dân lên chính quyền, lo việc an ninh, vệ sinh trong tổ, góp tiền của dân để mua nhu yếu phẩm (gạo, nước mắm, đường, hộp quẹt, xà bông, dầu lửa, vải…) do chính quyền phân phối, quyên tiền cho các công tác trong phường (đặt các loa phóng thanh, mở lớp mẫu giáo, mở nhà hộ sinh…) Mỗi tuần, có khi vài ba ngày họp tổ một lần, mỗi hộ phải cử một người tới họp tại một nhà hoặc một khu đất trống, một cái kho bỏ trống nào đó vào buổi chiều hay tối.
Tổ trưởng thường ít học nên hay nói, nói dai, đáng lẽ 15 phút xong thì kéo dài cả giờ, giờ rưỡi, mất thì giờ của dân; do đó ít người muốn đi họp, miễn cưỡng tới dự để khỏi bị ghi tên vắng mặt mà công an để ý. Ðại đa số tổ trưởng không làm khó dân, có người còn bênh vực dân nữa vì cũng là “ngụy”, hàng xóm với nhau cả, như vậy dĩ nhiên không được công an phường ưa.
Thỉnh thoảng lại có buổi học tập chính trị do cán bộ, thường là công an tới giảng cho 5-6 tổ gồm trên trăm học viên. Ðề tài là công của cách mạng, tội của Mĩ ngụy và bổn phận của công dân: kê khai lý lịch (2) (rất kĩ, gồm 4 trang lớn), kê khai tài sản (nhà cửa cho thuê, hoặc hàng hóa còn dự trữ, máy móc…), làm công tác lao động như đi đào kinh, làm nghĩa vụ quân sự, đi trại cải tạo, đập tư bản, đốt sách phản động, đồi trụy…
Trình độ văn hóa của cán bộ chỉ vào hạng có tiểu học, bài học rất chán, mà cũng có người vỗ tay khen, có khi chưa hết câu đã vỗ tay, khiến cho các học viên miễn cưỡng vỗ tay theo. Trò đó có vẻ lố bịch, sau dân chúng phá bằng cách đáng lẽ chỉ vỗ tay một thì họ vỗ tay hai, kéo dài ra, bọn nịnh kia thấy ngượng phải bỏ. Mới đầu dân còn đưa thắc mắc hoặc đề nghị xây dựng, thấy không ích lợi gì, người ta chán, có thái độ tiêu cực: đàn ông thì làm thinh, cán bộ hỏi ý kiến, họ một mực không đáp, đàn bà thì lấy len ra đan hoặc cho con bú, thì thầm nói chuyện với nhau, nếu không thì gục xuống ngủ, mặc cho cán bộ nói gì thì nói. Có những bài học kéo dài hai ba buổi học hoặc hai ba ngày.
Tôi còn nhớ một chị cán bộ khoảng ba chục tuổi, người mảnh khảnh, dạy chính trị cho phụ nữ trẻ và trung niên trong khóm tôi. Phòng họp ở một ngôi chùa cách phòng viết của tôi có năm thước, giọng chị ta lại lớn, nên tôi nghe rõ. Lớp học có khoảng bảy tám chục phụ nữ trong 4-5 tổ. Mới sau ngày 30-4-75, nên người ta còn siêng năng đi học.
Chị tới từ 7 giờ sáng và cho tới 11 giờ, suốt bốn giờ liền, tôi nghe tiếng chị giảng thôi, không có một tiếng nào của học viên. Chị thao thao bất tuyệt, không khi nào ngừng quá một phút, không hề hỏi học viên một câu. Tôi lắng tai nghe, không hiểu chị nói gì. Lời cứ ở trong miệng chị tuôn ra, không mạch lạc, không ý nghĩa gì. Ðúng 11 giờ chị ngưng. Lớp học ồn ào ra về.
Một giờ chiều chị lại tới, lại thao thao như sáng, lại độc thoại tới bốn giờ chiều. Tôi không biết trong lớp có người nào ngủ gục không. Mấy ngày liền như vậy rồi không thấy chị trở lại, chắc đã đi dạy lớp khác. Tôi nghĩ bụng: “Chị ta có hiểu chị ta nói gì không; bảo chị tóm tắt lại lời giảng trong một buổi, chị ta làm nổi không?” Y như một cái máy hát và tôi nhớ lời này của một bạn ở Hà nội vào: “Bọn cán bộ đó nói dài, nói dai, nói dở, gọi là cán bộ ba d.”.
Nhưng cái nạn học tập chính trị đó còn kém cái nạn nghe loa phóng thanh suốt ngày ở ngay trước nhà mình mà một số dân phải chịu. Một ông hàng xóm của tôi nhức óc vì loa, muốn hóa điên, và gọi văn minh xã hội chủ nghĩa là văn minh loa.
Nhiều tổ họp thành mộtkhóm (khóm ở thành phố cũng như ấp trong làng) có một trưởng khóm và vài ba người giúp việc về thông tin, văn hóa, giáo dục, kinh tế, tài chánh, giấy tờ. Những nhân viên đó đều do chính quyền tuyển, đều là cán bộ nằm vùng hoặc có cha, anh làm cách mạng. Họ được ăn lương 36 hay 38 đồng ngân hàng một tháng, có nhà ở. Dân muốn xin giấy tờ gì -giấy đi đường, giấy chứng nhận chỗ ở, giấy giới thiệu đi khám bệnh, bản sao khai sanh…- phải có khóm trưởng cho ý kiến rồi tự mình đem lại phường, phường mới kí giấy, đóng dấu cho phép. Khóm lo việc phân phối nhu yếu phẩm. Về sau khóm bị bãi bỏ, dân giao thiệp thẳng với phường (tức như làng xã).
Phường có công sở lớn, nhiều phòng: hành chánh, y tế, giáo dục, kinh tế, công an, có nơi có cả đài phát thanh nữa… Phường trưởng mới đầu do chính quyền chỉ định, sau do dân trong phường bầu đại diện, đại diện lại bầu một hội đồng nhân dân, chủ tịch hội đồng này là phường trưởng. Cách thức bầu cũng như bầu quốc hội. Ðảng lập một danh sách những người đảng cho phép ứng cử, giới thiệu mỗi người vài hàng: tên tuổi, nghề nghiệp, đã có những công tác gì… trên một bích báo. Còn 10 đại biểu nhân dân thì phường giới thiệu 11, 12, có khi đúng 10 người thôi, và dân chỉ được bầu cho những người đó. Chỉ là vấn đề hình thức. Dân đi bầu khắp mặt cho xong việc, không cần biết kết quả ra sao. Ứng cử viên chẳng cần ra mắt quốc dân.
Riêng tôi suốt năm năm không thấy mặt ông chủ tịch ủy ban nhân dân phường một lần nào, hai lần xin gặp mặt thì cô thư kí bảo ông ấy đi vắng cả hai. Sự thật phường trưởng rất ít quyền. Công an trưởng mới có quyền và thường tới nhà dân, biết rõ từng nhà một, có khi từng người một nữa.
Trên phường là quận (như huyện ở các tỉnh). Quận có đủ các cơ quan như một tỉnh: hành chánh, thông tin, giáo dục, công an, cảnh sát, tài chánh, kinh tế, nội thương, y tế, ngoại thương, vận tải, tòa án, thủy lợi, quân sự, cả hồng thập tự nữa. Tôi không sao biết hết được, vì không bao giờ tới quận.
Trên quận là thành phố, cũng như trên huyện là tỉnh. Thành phố Hồ Chí Minh là kinh đô của miền Nam, trực thuộc trung ương, theo nguyên tắc ở trên tất cả các tỉnh nhưng quyền hành không lớn hơn tỉnh bao nhiêu vì chính sách địa phương tự trị.
Có thể nói mỗi tỉnh là một tiểu bang, theo đường lối chung của quốc gia nhưng có đủ các cơ quan của một quốc gia, có tài chánh riêng, ngân hàng riêng, chính sách thuế khóa riêng, chính sách kinh tế riêng, cơ quan xổ số riêng (ở Nam Việt có tới 7 cơ quan xổ số), tự đào tạo lấy nhân viên cho tỉnh… Mới đầu có lẽ tỉnh trưởng cũng do chính quyền đề cử (có thể người nào làm tỉnh ủy miền nào trong thời kháng chiến thì sau ngày 30-4 làm tỉnh ủy tại miền đó); rồi sau cũng do nhân dân trong tỉnh bầu lên theo cách thức đã kể trên.
Sau ngày 30-4-75, hai ba tỉnh họp lại làm một, như tỉnh An giang gồm tỉnh Long xuyên và tỉnh Châu đốc thời trước. Do đó quyền của tỉnh ủy lớn lắm.
Huyện cũng gần như được tự trị ở trong tỉnh; huyện nào (mà quận ở thành phố cũng vậy) cũng tranh nhau lập thật nhiều cơ quan, xây cất nhiều cơ sở, cũng có đủ cơ quan như tỉnh, cả hội chữ thập đỏ (làng cũng vậy), có xưởng chế tạo dược phẩm riêng, cạnh tranh với tỉnh, thành thử sức sản xuất kém, giá bán cao, lợi ít. Như vậy là trở về chế độ tiểu công nghệ, bao giờ mới kĩ nghệ hóa được? Thậm chí một trường học cũng là một cơ quan tự trị, có dư giáo sư thì để họ ngồi không chứ không cho trường khác mượn.
Sở nào cũng rất nhiều nhân viên mà công việc thì ít, vì giám đốc sở nào cũng đưa người thân hay người quen vào làm. Người ta gởi gắm lẫn nhau.
Một cán bộ cao cấp chủ nhiệm hay phó chủ nhiệm một tờ báo nọ có lần bảo tôi, tờ báo của ông ta có non một trăm nhân viên (trước ngày 30-4-75 một tờ báo như vậy chỉ có vài chục nhân viên mà lại nhiều trang, nhiều bài hơn), dư người rồi; vậy mà sáu tháng sau khi ông ta giao lại tòa soạn cho một cán bộ khác, thì số nhân viên đã tăng lên tới 170; có những “kí giả” tới tòa soạn mà chẳng có việc gì làm, nói chuyện láo một lúc, sửa soạn một cột ấn cảo rồi đi dạo phố hoặc về nhà, tự thẹn mang tiếng kí giả mà cả năm không hề viết một chữ cho tờ báo.
Công sở nào cũng có tình trạng như vậy, nhân viên đông gấp 5 số cần thiết và ngân sách chỉ đủ trả lương nhân viên, không còn làm được việc gì khác. Lại có những công sở như Cơ sở tiết kiệm, tiệm sách, khi mới thành lập, có chút công việc để làm, vài năm sau không có việc gì cả (không có người gởi tiền tiết kiệm, không có sách để bán) mà vẫn không đóng cửa, vẫn giữ đủ nhân viên. Nếu tính cả những nhân viên làm không công cho chính phủ như các tổ trưởng, tổ phó thì có lẽ số nhân viên năm 1980 gấp mười lần nhân viên năm 1974. Chúng ta cứ thử tính: từ hai năm nay, mỗi tổ đoàn kết thời 1975 tách ra làm hai tổ, mang tên là tổ dân phó, mỗi tổ gồm hai tổ phó: tổ phó an ninh và tổ phó đời sống, chứ không phải một như trước; như vậy 40-50 hộ trước kia chỉ cần một tổ trưởng, một tổ phó, nay cần hai tổ trưởng, bốn tổ phó, số nhân viên không lương tăng lên gấp ba. Khắp miền Nam, số nhân viên không lương đó được mấy chục vạn, ai mà biết được?
Nhân viên càng nhiều, công việc lại càng bê bối. Vì cái nạn bè phái tranh giành nhau, dẵm chân lên nhau, không ai chịu trách nhiệm cả, ai cũng đùn công việc cho người khác.
Cuối năm 1979, tôi làm đơn xin ủy ban nhân dân phường cho phép tôi chở về nhà tôi ở thị xã Long xuyên một số đồ đạc (ba tủ sách, một tủ lạnh, vài cái ghế…) và một số sách báo Việt, Pháp, Anh, Hoa để tôi về Long xuyên nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Việc tầm thường như vậy, thời trước chẳng phải xin phép xin tắc gì cả, mà cô thư kí phường (quen mặt tôi chứ) không dám quyết định, đẩy qua công an; thầy thư kí công an cũng không dám quyết định, đẩy qua phường; họ thảo luận với nhau ra sao tôi không biết, kiếm lẽ này lẽ khác để không cho phép, bắt tôi đi đi về về tất cả tám lần, sau cùng tôi phản kháng dữ, họ mới chịu kí giấy.
Chú thích
(1) Tức thành phố Hồ Chí Minh. Ở miền Nam có thành phố Hồ chí Minh cũng như ở miền Trung (từ Quảng Trị trở vô) có thành phố Huế. Về phương diện hành chánh, thành phố chỉ ngang với tỉnh, cũng như thị xã Long xuyên chẳng hạn chỉ ngang với các huyện trong tỉnh An Giang, thị xã Cần thơ chỉ ngang với các huyện trong tỉnh Hậu giang. Nhưng vì thành phố Hồ Chí Minh ở trung ương miền Nam, nên quan trọng hơn các tỉnh, có nhiều cơ quan lớn, nhiều cán bộ cao cấp, thường triệu tập các tỉnh để xét đường lối chung, có thể coi như đàn anh của các tỉnh. Tuy nhiên, do chính sách địa phương tự trị, mỗi tỉnh, mỗi huyện là một địa phương tự trị nên thành phố không có quyền hành gì đối với các tỉnh cả. Do đó mới có tình trạng này: tháng 8-1980 tỉnh An giang không theo đề nghị của thành phố Hồ Chí Minh, tự ý tăng giá xe đò từ Long xuyên đi thành phố Hồ Chí Minh, từ 4 đồng lên 20 đồng, trong khi thành phố vẫn giữ giá cũ 4 đồng. Cùng một chiếc xe đò, khi đi lên Sài gòn thu của hành khách 20 đồng, mà lượt về chỉ thu 4 đồng thôi trong mấy tháng đầu. Sau thành phố cũng tăng giá lên 20 đồng.
Ở Trung chính sách chắc cũng vậy. Ở Bắc thì tôi không biết.
(2) Chính quyền rất coi trọng công việc này. Cứ mỗi lần xin một việc quan trọng, đổi trường học, chỗ ở… đều phải khai lí lịch. Ở Bắc có người trong 25 năm khai cả trăm lần (!)
Hết: Chế độ mới, Hành chánh. Tổ chức, Xem Tiếp: Tinh thần nhân viên