HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXX4)

Nguyễn Hiến Lê

PHN VI 
Giai đo
n 1975 – 1981
(Ph
n này viết xong năm 1980, năm 1981 sa li nhiu ch)

CHƯƠNG XXX 

CHẾ ÐỘ TẬP THỂ Ở MIỀN NAM

…..

Tinh thn nhân viên

Mùng ba tết, hết nghỉ, theo lệnh áp dụng trong toàn quốc, các công sở phải làm việc mà ở Long xuyên (năm 1980), mùng 4 tôi lại bưu điện mua cò gửi thư qua Pháp không được; một ông bạn tôi mùng năm rút tiền tiết kiệm cũng không được, khoảng mùng 10 các công sở mới đủ nhân viên.

Ða số công sở rất dơ dáy, lộn xộn, nhân viên nấu ăn ngay trong phòng giấy. Vào nhiều công sở ta có cảm tưởng vào những nhà việc ở thôn quê Nam Việt nửa thế kỉ trước: có 3-4 bàn giấy nhưng chỉ có hai nhân viên ngồi nói chuyện phiếm bên một bình trà, mấy cái chén, chỉ khác là có thêm một bình điếu thuốc lào. Nhân viên tới giờ nào thì tới, có người bận việc ở trong bếp phía sau, có người đi mua nhu yếu phẩm; và nếu đương giờ làm việc mà người nhà tới cho hay ở nhà heo đẻ thì họ vội vàng bỏ hết công việc sở, về nhà đỡ đẻ cho heo. Vì hầu hết họ phải nuôi heo để có thêm tiền tiêu, hoặc mua một chiếc xe đạp, đóng thêm bàn ghế, may sắm cho vợ con…

Một em học lớp 2 một trường cấp 1 nọ ở Sài gòn phàn nàn nền gạch lớp học bê bết cứt gà (vì trường nuôi gà), có em ỉa đùn trong lớp nữa, hôi thối quá.

Hình như người ta không có một kế hoạch, chương trình gì cả, ra lệnh rồi phản lệnh liền liền mà tới giờ chót mới thông báo cho nhân viên hay; máy móc mua về đủ rồi mà vì lẽ này lẽ khác, không dùng tới, để cho nó sét.

Rồi còn cái tệ dưới không tuân lệnh trên, một phần do tinh thần bè phái, một phần do chính sách địa phương tự trị. Công an một ấp hay xã nọ bắt giam một người dân; gia đình người này khiếu nại với ban thanh tra tỉnh. Ban thanh tra ra lệnh thả vì bắt giam trái phép, công an ấp hay xã không thèm nghe, bảo: “Tỉnh mà làm sao biết được việc trong xã, can thiệp như vậy là bậy”.

Năm 1979, trung ương ra lệnh không được cưỡng ép nông dân làm ruộng tập thể, ai đã vào hợp tác xã nông nghiệp rồi, muốn xin ra cũng được. Lệnh đó được phổ biến trên đài truyền thanh, truyền hình; nhưng cán bộ một làng nọ ở Sóc trăng không thi hành, hỏi tại sao, đáp: “Tôi được lệnh của huyện phải đạt chỉ tiêu huyện đã ấn định trong việc bắt nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, nếu tôi nghe theo đài hay báo chí, chỉ tiêu không đạt được thì ai chịu trách nhiệm cho tôi?”

Một nhân viên thách thức: “Trung ương ra lệnh mà địa phương không thi hành thì có sao không?” Có kẻ bảo “Tôi không biết Phạm văn Ðồng là ai”, rồi mỉm cười ngó chung quanh, hỏi các bạn: “Trong xã mình có ai tên Phạm văn Ðồng không?”

Không phải là thời thập nhị sứ quân nữa mà là thời thập nhị thiên sứ quân. Nghị quyết của đảng dù có rành mạch, hợp tình hợp lí, nhưng xuống đến cấp huyện, cấp xã thì thay đổi hẳn, đến nỗi dân chúng chẳng cần biết đường lối của chính phủ, chỉ cần biết lệnh của xã ấp thôi. Ðó là cái nạn cán nặng hơn gáo.

Tỉnh huyện lập ra nhiều cơ quan quá thì phải xây cất thêm nhiều, tịch thu nhà cửa đất đai của dân. Theo hiến pháp, tư sản được tôn trọng. Chỉ bọn tư bản bóc lột, một số ngụy quân ngụy quyền có tội nặng và những người vượt biên “chui” (lén) mới bị tịch thu nhà cửa. Nhưng một số cán bộ nhỏ muốn dâng công hoặc vì tư thù, tư lợi, tịch thu bừa bãi nhà cửa, đồ đạc của dân. Chính nhà tôi ở Long xuyên là một gia đình liệt sĩ mà cũng bị chúng hăm tịch thu một căn 36 thước vuông chúng tôi cất ở giữa khu vườn làm chỗ nghỉ ngơi. Chúng bảo căn đó không ai ở, cơ quan này muốn mượn, cơ quan khác muốn mượn. Cháu tôi, chủ hộ, người coi nhà, đáp rằng: vợ chồng tôi ở Sài gòn, vài ba tháng về Long xuyên một lần, về thì ở căn nhà đó, mà căn nhà đó chứa đầy đồ đạc, tủ sách, bàn viết của tôi rồi, không thể cho cơ quan mượn được. Chúng làm thinh. Sau cùng chúng loan tin chính phủ quản lí các tịnh xá (!) mà căn đó có bàn thờ bàn thờ Phật là một tịnh xá (!). Nhà tôi bất đắc dĩ phải kiếm thủ trưởng của chúng, vạch những hành động đó của chúng, chúng mới thôi.

Còn các gia đình có mặc cảm tội lỗi thì đành chịu ức hiếp: đương đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra đường để chúng chiếm nhà. Tệ đó gây bao phẫn uất trong dân chúng, các ông lớn ở trung ương có biết cho không?

Một thời thị xã Long xuyên xôn xao và tỉnh ủy (hay thị xã ủy) ra lệnh bắt mấy trăm gia đình ở trong những cư xá cất từ thời Ngô Ðình Diệm chung quanh dinh hành chính tỉnh phải dời đi chỗ khác để nhà cửa lại cho cán bộ cách mạng ở; mà không được bồi thường gì cả, mặc dầu họ làm chủ căn nhà của họ từ mấy chục năm rồi (trả hết tiền xây cất rồi). Vài ba người nhát gan hoặc muốn lập công với cách mạng, dời đi liền, tặng căn nhà mình ở cho cách mạng. Còn thì hết thảy đều bất bình, họp nhau làm đơn khiếu nại; chính quyền không chấp thuận đơn khiếu nại chung, bắt mỗi người dân phải làm đơn riêng, rồi lâu lâu thúc, dọa dẫm. Họ cứ ỳ ra, lấy lẽ họ là nhân viên, làm việc trong các cơ quan của tỉnh, thị xã, tại sao không được ở như các nhân viên ở Bắc vào, ở bưng về. Một người rất bướng, kiếm bản hiến pháp mở ra ở trang nói về quyền tư sản, đặt trên bàn, bên cạnh con dao găm. Hễ cán bộ vào đuổi họ đi thì họ chỉ hiến pháp cho coi và bảo sẵn sàng đổ máu nếu bị ức hiếp. Cán bộ ra về, đem dây kẽm gai lại vây nhà, bít lối ra, họ cắt dây kẽm gai chui ra; cán bộ đem xe cam nhông lại bít cửa, họ leo lên xe, vượt ra, cán bộ chịu thua.

Sau có nhiều người lên Sài gòn gởi đơn khiếu nại thẳng ra Hà nội và hai năm sau vụ đó mới êm.

Nếu chính quyền tỉnh thành công trong vụ đó thì sẽ tiến thêm một bước nữa, bứng hết cả dân chúng trên đường Gia long (nay là đường 26 tháng 3) dài năm trăm thước, con đường sạch sẽ nhất, nhà cửa có vườn rộng, khang trang nhất thị xã để làm khu riêng cho cán bộ ở. Như vậy là chính quyền coi dân miền Nam này, coi đồng bào của họ, như bọn da trắng coi dân da đen, không cho ở chung, áp dụng chính sách apartheid (chia cách) của Nam phi. Như vậy mà muốn đoàn kết thì khác gì leo cây bắt cá. Dân chúng chua xót nghĩ lại thời còn kháng chiến, mình chia cơm xẻ áo, không ngại nguy hiểm, hết lòng giúp đỡ, giấu họ mà bây giờ kháng chiến thành công, họ coi mình là kẻ thù.

Tôi không kể những cái bê bối trong công sở: đánh mất hồ sơ, thụt két, ăn cắp của công, kho vật liệu không thủ phạm, v.v…, vì nếu kể thì dài quá.

Thế giới tư bản chê các nước cộng sản quản lí rất kém và bị bệnh thư lại (bureaucratie) rất nặng. Trước năm 1975, một kí giả Pháp -tôi không nhớ trên báo nào- bảo chế độ cộng sản sẽ chết vì bệnh thư lại. Sau ngày 30-4-75, tôi đem những lời đó hỏi bốn nhà trí thức Bắc: một học giả già, một nhà báo già, một kĩ sư và một giáo sư ở Nga về, khoảng 40 tuổi, họ đều nhận những lời chê của phương Tây đó đúng. Một người ngạc nhiên rằng từ 1950 tôi đã viết cuốn T chc công vic theo khoa hc, mà một phần tư thế kỉ sau, Bắc vẫn chưa có cuốn nào như vậy. Một người nữa còn bảo bệnh quan liêu ngoài đó trầm trọng hơn thời Pháp nhiều.

Cán bộ cao cấp và trung cấp còn biết những sở đoản của chế độ, lẽ nào các nhà lãnh đạo và đảng không biết. Tôi cho rằng người ta biết đấy, nhưng đó là bệnh cố hữu (inhérent) của chế độ, không thể chữa được, trừ phi có một cuộc thay đổi lớn lao mà không ai dám nghĩ tới.

Nhưng thế nào cũng tới lúc người ta phải nghĩ tới. Hiện nay tình trạng các công sở đã bi đát quá rồi. Lương công nhân mới vào làm chỉ được 38 đồng một tháng (1980), lương một kĩ sư, một bác sĩ mới ra trường được trên 50 đồng. Nhu yếu phẩm năm 1975 còn được nhiều thứ: gạo, (1), đường, sữa, dầu lửa, xà bông, thuốc đánh răng, hộp quẹt, cá thịt…, nay chỉ còn gần như mỗi một thứ là gạo hay bo bo, những thứ khác đều phải mua chợ đen hết; lương bác sĩ, kĩ sư chỉ đủ để mua củi chụm, như vậy làm sao họ sống được? Khắp đông tây, không đâu có một chế độ lương bổng như vậy. Một cố vấn Ðức hai năm trước đây đã đưa ý kiến phải tăng lương công nhân lên tối thiểu là 250 đồng (gấp 6 lần) thì họ mới đủ sống; ngày nay tăng lên 500 đồng cũng chưa đủ.

Ðói thì không làm việc được, công việc bê trễ, người ta chán nản, xin thôi. Ðơn xin thôi việc nhiều quá, có sở cứ 20 đơn xin thôi thì có 10 đơn xin vào; giám đốc không cho thôi. Xin thôi nhiều nhất là giáo viên; trường nào có giáo viên xin thôi thì hiệu trưởng phải lại tận nhà năn nỉ ba bốn lần rán ở lại đào tạo thế hệ sau cho chủ nghĩa xã hội.

Xin thôi không được thì người ta cứ ngang nhiên bỏ sở; hoặc ở lại thì làm tà tà, lấy lệ: một giáo viên giảng bài lí nhí trong miệng, học sinh xin giảng lớn hơn thì đáp: “Khi nào tăng lương cho tôi, tôi đủ ăn, có sức, mới giảng lớn được”. Có kẻ ỳ ra không làm gì cả: thủ trưởng giao hồ sơ, phái đi công tác năm ba ngày ở một nơi nào đó; người ta ôm hồ sơ đi một tuần sau mới trở về, bảo nhớ cha mẹ quá về thăm cha mẹ, chứ không đi công tác! Rồi cũng thôi. Bỏ đi chơi một tuần còn là ít đấy; nếu vắng mặt 29 ngày thì về lãnh lương đủ, không bị khiển trách, chỉ phải làm một tờ tự kiểm, mà nếu chẳng thèm làm thì cũng chẳng sao.

Một giáo sinh ở Ðại học sư phạm Sài gòn ra, nhận được giấy bổ đi dạy ở Củ chi, gởi trả lại cho trường với mấy hàng chữ cực kì phản động như vầy: “Bay trả lương cho tao có 54 đồng một tháng mà tiền xe tao đi Củ chi mỗi ngày tốn 3 đồng rồi, tao lấy gì để sống?”. (Củ chi tuy thuộc thành phố Hồ Chí Minh, ở ngoại ô, nhưng cách trung tâm thành phố hai ba chục cây số).

Một bức thư gởi máy bay, bảo đảm từ Sài gòn ra Hà nội mà đúng một tháng mới tới; tôi làm đơn khiếu nại sở Bưu điện, sáu tháng sau người ta vẫn chưa trả lời, tôi thúc, họ cứ làm thinh. Hai năm sau họ mới cho hay đơn đó thất lạc đâu mất rồi.

Thỉnh thoảng lại có tin một kho chứa bưu kiện ngoại quốc gởi về, hoặc chứa hàng bị cháy, bị cướp; gần như ngân hàng tỉnh nào cũng bị thụt két. Trừng phạt, họ không sợ, còn bảo: “Vào khám được chính phủ nuôi”.

Tình trạng đó cứ mỗi ngày một bi đát thêm thì một ngày nào đó mọi hoạt động sẽ bị tê liệt hết.

Ðầu năm 1980 tôi nghe một cán bộ cao cấp ở Sài gòn đi dự một hội nghị về bảo người Nga đưa điều kiện phải để cho họ gởi qua nước mình 150.000 cố vấn để kiểm soát hết các cơ quan từ cấp cao nhất ở trung ương tới những cấp thấp nhất ở huyện. Như vậy thì còn gì là chủ quyền, là thể diện nữa? Nhưng nếu không nghe, họ sẽ cúp viện trợ thì làm sao đây? Xăng đã bị hạn chế 50% rồi, giá chợ đen năm 1980 từ 10 đồng lên 18 đồng một lít, năm 1981 lên 40 đồng (tức 20.000 đồng cũ).

(1) Ch thành ph H Chí Minh, dân thường (không phi cán b, công nhân viên) mi được phân phi go, bo bo, khoai mì… cho ti đu năm 1980 thôi, các nơi khác không được phân phi gì hết.

Hết: Tinh thần nhân viên, Xem Tiếp: Tài chánh, Ngân hàng-Hưu bổng-Đổi tiền

Tìm Kiếm