HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXX6)

Nguyễn Hiến Lê

PHN VI 
Giai đo
n 1975 – 1981
(Ph
n này viết xong năm 1980, năm 1981 sa li nhiu ch)

CHƯƠNG XXX 

CHẾ ÐỘ TẬP THỂ Ở MIỀN NAM

KINH TẾ

Sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, bước đầu của chế độ cộng sản là nắm hết sự sản xuất và sự phân phối trong nước. Có nắm được như vậy thì mới mau bình sản được, mới diệt được sự bóc lột của cá nhân, sự bất công mới giảm được sự bất bình đẳng, trong nguyên tắc. Ai cũng hiểu như vậy nhưng chỉ cộng sản mới can đảm, kiên nhẫn, cương quyết thực hành điều đó. Cộng sản “đáng phục” chỉ ở điểm đó, còn tinh thần nhân đạo, thương người nghèo của họ không hơn gì -nếu không nói là kém- Kitô giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo…; mà lí thuyết của họ thì còn có thể đem ra bàn luận hoài được, khen cũng được mà chê cũng được.

A. Sản xuất

a. Nông Nghiệp
Căn bản là sản xuất thức ăn: canh nông, mục súc. Ðó là vấn đề số một, vì ba lẽ: ăn là nhu cầu số một; -hai phần ba nhân loại đang bị nạn thiếu ăn, mà nạn đó mỗi ngày một tăng; – sản phẩm kỹ nghệ nào cũng có thể tăng rất mau được nhờ máy móc, chỉ có thảo mộc, súc vật là không thể bắt chúng tăng năng suất mau và quá một mức nào đó được.

Về nông nghiệp, hai nước cộng sản đàn anh Nga, Trung hoa đều thất bại. Sau sáu chục năm làm cách mạng Nga vẫn thiếu lúa mì, phải mua của Mĩ, mà đất đai Nga xô rất rộng chứ: Trung hoa thì sau ba chục năm, dân vẫn thiếu gạo, thiếu thịt. Năm 1963, sinh viên một đại học Bắc kinh ba tháng liền phải ăn độn, có hồi ba năm không được ăn thịt, đói quá có kẻ phải đi xin ăn các bạn ngoại quốc vì sinh viên ngoại quốc ở Trung hoa được hưởng sự phân phối đặc biệt. (Un Étudiant Africain en Chine – sách đã dẫn).

Năm 1973-1974 một số nhà báo ở Sài gòn tin rằng hễ chiến tranh chấm dứt thì nông nghiệp của mình phát triển mạnh lắm, dư nhiều để xuất cảng, nước sẽ giàu. Các vị đó tin ở “cách mạng xanh” và công việc khai hoang. Tôi đã bác những ý đó trên tờ Bách Khoa và trong cuốn Những Vấn Ðề Của Thời Ðại, đại khái tôi bảo:
Chúng ta đừng nên quá tự tín, tự hào, mà nên so sánh nước mình với các nước láng giềng cũng nông nghiệp như mình, đất rộng cũng như mình, tức Thái lan, Miến điện. Trước thế chiến họ xuất cảng lúa gạo ngang mình hay hơn mình. Ba chục năm nay họ không bị chiến tranh như mình, nên khai phá thêm chứ không phải bỏ hoang đất đai, cũng áp dụng những kĩ thuật mới, cách mạng xanh như mình, mà sự sản xuất lúa gạo của họ so với trước thế chiến không tăng bao nhiêu, có năm Thái lan không dám xuất cảng mà giữ lại để phòng đói. Dân tộc mình có thể siêng năng hơn họ, nhưng chắc chắn là không tài giỏi về nghề nông gấp năm gấp ba họ đâu, và chúng ta cứ nên khiêm tốn nhận rằng hòa bình trở lại, sẽ gặp những nỗi khó khăn cũng như họ, may lắm thì sự tăng gia nông sản chỉ đủ để bù vào sự tăng gia dân số thôi. Ông tổ của cách mạng xanh tôi không nhớ là ai, đã cảnh cáo nhân loại rằng cách mạng đó chỉ cứu được nạn đói trong ba chục năm thôi; sau ba chục năm nhân số trên địa cầu tăng lên gấp đôi thì cũng lại thiếu ăn nữa. Mà cách mạng xanh tới 1980 được ba chục tuổi rồi, cho nên nhiều kinh tế gia phương Tây đã lo trước rằng thập niên 80 nhân loại sẽ đói.

Quá tin ở sự khai phá đất hoang lại càng không nên. Chúng ta nên nhớ: bao nhiêu đất dễ trồng trọt thì đã trồng trọt cả rồi, còn lại toàn là đất cằn cỗi hoặc có phèn, có muối, hoặc xa xôi, thiếu nước, khai phá sẽ tốn công tốn của lắm.

Từ đầu thế kỉ, thực dân Pháp đã nghĩ tới sự khai phá Ðồng tháp, họ nghiên cứu đi nghiên cứu lại, đo đạc, lập dự án này tới dự án khác, tốn khá nhiều tiền mà đến năm 1945 vẫn chưa làm được gì cả ngoài mấy con kinh đào, vì cái nạn lụt và phèn.

Cánh đồng Cà mau còn khó khai phá hơn nữa vì toàn là rừng đước, nước thủy triều ra vô.
Bao nhiêu đất phì nhiêu miền Ðông họ đã trồng cao su cả rồi; đất hoang còn lại trồng lúa, trồng rau không được vì thiếu nước, chỉ để làm rừng lấy củi.

Muốn khai phá ba miền đó thì phải đầu tư nhiều lắm, dân mình nghèo, làm gì có đủ vốn.
Tóm lại tôi nghĩ rằng hòa bình trở lại, lo sản xuất lúa gạo để đủ nuôi dân đã là may, không mong gì làm giàu được. Năm 1975 tôi trình bày lại ý đó với một cán bộ cách mạng, họ cho là tôi bi quan, bảo: “Dân tộc mình thắng được Mĩ, hùng cường thứ nhì Ðông Á, chỉ 5 năm nữa thì kinh tế mình sẽ thịnh, hai chục năm nữa sẽ đuổi kịp Nhật rồi vượt họ.”

Lại một năm sau nữa, một anh bạn học của tôi từ hồi tiểu học, lúc đó giúp việc cho tờ Tổ Quốc, đọc những bài của tôi đăng trên Bách Khoa từ cuối 1974 về nạn nhân mãn và đói trên thế giới, cũng không tin, bảo nhân loại đói là tại sự tổ chức xã hội không được công bằng, chứ thực phẩm sẽ dư để nuôi mười lần nhân số thế giới hiện nay, vì còn biết bao đất để khai phá, lại có thể lấy thực phẩm từ biển (rong), từ lòng đất (dầu lửa sẽ chế biến thành protéin)… Tôi cũng không cãi. Những lí lẽ đó đúng đấy, nhưng khai phá sa mạc Sahara để trồng lúa thì phải nấu nước biển thành nước ngọt rồi đưa vào sa mạc; việc nuôi rong làm thực phẩm còn phải thí nghiệm lâu mà cái nạn đói thì ở trước mắt kia kìa. Có những người dễ tin bánh vẽ quá. Họ thật sung sướng, tối chắc ngủ ngon. Có điều tôi không hiểu là tổ chức xã hội ở Nga tất phải công bằng mà sao Nga vẫn thiếu lúa mì sau tám chục năm cách mạng.

Tôi không biết hai bạn cách mạng của tôi đó, năm ngoái (1979) đã đổi ý chưa, đã thấy dân mình đói, thiếu ăn chưa, và nông nghiệp của mình cũng thất bại nặng, có phần hơn Trung hoa nữa chưa?

● Ông thầy của chúng ta đã thất bại thì ta làm sao không thất bại được? Ai cũng nhận thấy ở Nga sở dĩ còn phải mua lúa, mua bắp của Mĩ vì nông dân Nga không thích làm trong các nông trường quốc doanh (sorkhose), mà những nông trường đó đã phải bãi bỏ, chỉ còn các artel, tức các hợp tác xã giữa thợ thuyền và nông dân. Chính sách tập thể có lợi chăng là lợi cho kẻ làm biếng, an phận, bất tài; còn người siêng năng thì muốn làm riêng, hễ sản xuất nhiều thì được hưởng nhiều. Tâm lí chung của con người là có lợi thì mới gắng sức, không ai muốn thằng ngay làm cho thằng còng ăn.

Hỏi thăm các bạn ở Bắc, ai cũng bảo hợp tác xã nông nghiệp ngoài đó, xét chung, thất bại, chỉ trừ một vài nơi ở Thái bình… Trong nhiều hợp tác xã còn đất bỏ hoang, vì khó khai phá, không có lợi. Người dân chỉ chăm sóc khu vườn vài trăm thước vuông của họ thôi, lơ là với công việc chung vì làm cho hợp tác xã chỉ được trung bình 1 đồng một ngày thôi, không đủ sống. Lại thêm cái nạn nhiều nơi, bọn quản lí hợp tác xã cấu kết với nhau, gian lận, làm giàu, ức hiếp xã viên, họ là một bọn cường hào mới.

Ở trong Nam mấy năm đầu dân phải đóng thuế nặng, lúa bị thu mua nhiều quá với giá rẻ mạt, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng nhớt lại bị cán bộ ăn cắp bán chợ đen v.v…, rốt cuộc làm ruộng thì chỉ giữ được vừa đủ lúa để ăn tới mùa sau, không có dư để chi tiêu vào nhà cửa, quần áo, thuốc men… Do đó đại đa số nông dân chán ngán, không ham sản xuất.
Một nông trường quốc doanh thành lập ở Củ chi “thành đồng của Cách mạng”, ngay mấy năm đầu sau ngày 30-4-75, các thanh niên cách mạng, có học, có nhiệt tâm tới khai phá cho thành một nông trường kiểu mẫu, được chính phủ giúp đỡ nhiều phương tiện, nhiều ông lớn ở Sài gòn tới khuyến khích, vậy mà không hiểu sao chỉ trong một thời gian ngắn, không ai nhắc tới nữa, thất bại hoàn toàn.

Năm 1978 hay 1979 có lệnh thi đua lập hợp tác xã nông nghiệp. Trung ương không bắt nông dân phải gia nhập, nhưng địa phương nào cũng muốn lập công, bắt buộc, dọa dẫm nông dân. Bắt buộc thì họ vô, “vô mà không ra”, nghĩa là vô hợp tác xã nhưng không ra ruộng, hoặc ra trễ, múa một lát, rồi ngồi nghỉ, tán láo, về; lúa bị sâu, mặc, cỏ đầy ruộng, mặc… thu hoạch chẳng được gì cả, có nơi lúa xấu quá, họ không thèm cắt nữa. Làm biếng nhất là cán bộ, các đồng chí đó chuyên chỉ tay năm ngón, có kẻ chẳng buồn ra ruộng kiểm soát nữa. Nghe nói có nơi người ta dành một khu ruộng tốt cho các đồng chí lập một hợp tác xã kiểu mẫu, họ được phân phát cho đủ phân bón, xăng nhớt, thuốc trừ sâu, giống lúa tốt…, vậy mà cũng thất bại nặng. Các ông ấy đâu chịu chân lấm tay bùn (mặc dầu miệng vẫn nói “lao động là vinh quang”), cứ ở nhà, ở sở, bán chợ đen xăng nhớt, thuốc trừ sâu, phân bón của hợp tác xã để chia nhau, còn lợi hơn là làm ruộng mà chẳng phải đổ một giọt mồ hôi nào cả.

Cuối năm 1979 một số hợp tác xã đã giải tán, nông dân được tự do, làm riêng, chính sách thu mua (nghĩa là chính phủ buộc họ phải bán một số lúa cho chính phủ với giá chính phủ ấn định) cũng công bằng hơn, nên họ hơi phấn khởi, sản xuất nhiều hơn. Ðó là chính sách của các nước Ðông Âu như Ba lan, Hung, Tiệp khắc, Nam tư… kết quả tốt đẹp hơn ở Nga, Trung hoa nhiều. Theo cuốn Lô gíc lịch sử của một tác giả Nga tôi quên tên, mới dịch ra tiếng Việt một hai năm nay, thì có nước Ðông Âu, nông dân vô hợp tác xã thì tài sản của mình được coi là cổ phần và được chia lời nữa.

Tôi nói hơi phấn khởi vì họ vẫn chưa tin chính phủ, sợ làm được vài năm, dư được bao nhiêu, chính phủ lại tìm cách lấy lại hết.

● Một thất bại nữa là chính sách đưa dân thành thị đi vùng kinh tế mới để khai phá đất hoang. Chính phủ giúp đỡ việc chuyên chở, cho một khu đất mấy trăm thước vuông ở một nơi còn bỏ hoang, không có nhà thương, trường học, cách xa đường lộ 5-6 cây số; năm đầu cấp cho mỗi người một số gạo đủ ăn.

Sau ngày 30-4-75, nhiều người rất phấn khởi, muốn sống một đời sống mới, xung phong đi kinh tế mới.

Tôi có một người bà con khoảng 50 tuổi, thời trước làm thư kí sở thuế ở Sài gòn, sống nhàn nhã, hơi phong lưu. Năm 1975, vợ chồng nghe tiếng gọi thiêng liêng của đảng, nổi bầu nhiệt huyết, bán hết tài sản (may là còn giữ một căn nhà ở Phú nhuận) rồi vợ chồng và 6 con dắt díu nhau đi vùng kinh tế mới ở Sông Bé, bỏ nghề công chức, làm nhà khai sơn phá thạch để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Miền Sông Bé là một khu rừng cỏ tranh không có kinh rạch gì cả, không làm ruộng được, phải phát cỏ tranh, đào giếng (sâu 6 thước) để lấy nước uống, mà nước thì đục ngầu. Mặc dầu vậy họ cũng rất tin tưởng, hăng hái phát cỏ, cuốc đất, cất nhà, làm vườn. Hái được trái bầu đầu tiên, họ rất vinh hãnh: “Lao động đúng là vinh quang”. Nhưng một năm chỉ trồng trọt được 6 tháng mùa mưa, khoai, đậu, bầu bí… không đủ ăn cho gia đình 8 người; trọn mùa nắng ở không đi vào rừng đốn củi, đốn măng. Họ chịu đựng được non ba năm, khi hết chịu nổi, bán lại khu đất khai phá sơ sơ đó đi, và bán luôn cả nhà ở Sàigòn, về Cai lậy (Mĩ tho) mua một miếng đất, miếng này cũng vì thiếu nước, không làm ruộng được (công việc thủy lợi chỉ ồ ạt ở miền Tây, nhiều sông rạch nhất thôi), chỉ trồng được khoai mì, và mươi gốc xoài, dừa… nhưng trồng mà không được ăn vì chúng ăn trộm hết. Chịu đựng được hai năm (có hồi đói quá, xuýt phải ăn bèo), sau về Long xuyên nhờ chị em giúp cho ba công rưỡi ruộng ở ven thị xã. Ở đây làm ruộng được, nhưng đóng thuế rồi thì chỉ còn đủ lúa để ăn thôi. Tiêu pha thì phải nhờ vào nuôi heo, gà. Nhà họ ở giữa đồng, cách lộ 5-6 trăm thước, đi trên bờ ruộng đất sét mấp mô, trơn như trên sống trâu. Cái chòi một mái chỉ có 6 thước vuông, một cái giường, một cái võng. Mẹ và bốn con ngủ trên giường (vì hai đứa con đã gởi người bà con nuôi giùm), dưới gầm là một con heo lớn, một con heo con, chung quanh là một bầy gà. Chồng ngủ võng. Trời nắng thì ngủ ngoài trời được. Không có bếp, cầu tiêu, nước uống là nước trong một cái hầm đào để đắp nền nhà. Họ bảo tôi: “Tụi tôi không còn mong gì khác là nuôi con cho chóng lớn lên làm công nhân viên được mười mấy kí gạo một tháng thôi”.

Coi họ già và lam lũ như hạng lưu dân trong Ðồng tháp mười hồi 1935. Tôi nghĩ chính hạng người đã hi sinh cả đời cha, đời con, đời cháu nữa để khai phá miền Nam này, sống cực khổ như mọi đó mới là khai quốc công thần, có phần gian lao hơn Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Hữu Cảnh nữa; nhưng khắp thế giới từ cổ đến kim, không ai nhắc tới họ; bây giờ người ta cũng để họ “sống chết mặc bay” mà còn bóc lột họ nữa.

Cảnh một gia đình công chức hồi hưu (tôi chỉ nghe nói chứ chưa được biết) còn bi đát hơn gia đình đó nữa: lỡ bán nhà ở Sài gòn để đi miền Sông Bé, bốn năm sau, hết nhẵn vốn, về Sài gòn thì không có hộ khẩu, không có chỗ trú chân, phải đi xin ăn, ở nhờ bạn, nay nhà người này, mai nhà người khác.

Miền Sông Bé thất bại nặng; người ta bỏ về lần lần hết. Ngay những thanh niên xung phong thấy đồng bào đi hết, cũng phải xin về. Tin lời hứa của cấp trên, hễ xung phong hai năm thì được cấp bằng “anh hùng lao động”, được vô đại học tại chức (1), những cậu có tú tài rồi, xin vô đại học, người ta nuốt lời, bắt thi lại không cho họ nghỉ công tác để học thi, nên thi rớt và bây giờ lêu bêu ở Sài gòn, tìm cơ hội “vượt biên”.

(1) Nghĩa là học mà vẫn được ăn lương công nhân viên. Chương trình có thể rút ngắn.
Cũng có gia đình may mắn, tới một nơi đất tốt ở Long thành, trồng hoa màu, hai năm sau tự túc được, nhưng chính quyền địa phương đòi lại một nửa đất gia đình đó đã khai phá, lại bắt những thanh niên lao động giỏi trong gia đình phải vào sâu trong rừng khai phá một khu khác họ cấp cho. Như vậy là cướp công lao của dân, có khác gì bọn điền chủ thời Pháp thuộc chiếm đất nông dân đã đổ mồ hôi nước mắt để biến đồng hoang thành ruộng tốt. Những thanh niên đó cũng bỏ về Sài gòn nữa.

Và hiện nay nhiều đường ở Sài gòn đầy những người ở kinh tế mới về, vô gia cư, vô nghề nghiệp, ban ngày đi xin ăn, làm cu li hay ăn cắp, đêm ngủ vỉa hè, hoặc dưới mái chợ…
Cảnh sát, công ăn nhắm mắt làm lơ, chứ biết đuổi họ đi đâu bây giờ. Khắp các tỉnh đâu đâu cũng có tình cảnh đó.

Chương trình đẩy một triệu dân Sài gòn đi kinh tế mới để đưa một triệu dân Bắc vào như vậy là thực hiện không được một nửa: đồng bào Bắc đã vào Sài gòn và còn vào nữa, nhưng đồng bào đi kinh tế mới cũng lại trở về Sài gòn và Sài gòn đông nghẹt, bẩn thỉu hơn trước nhiều.

Nghe nói chính quyền đã sửa sai: bỏ chính sách kinh tế mới rồi. Ðâu phải đất hoang nào cũng dễ khai phá!

● Một nguyên nhân thất bại nữa của chính sách nông nghiệp là thiếu kĩ thuật gia giỏi như một tờ báo kinh tế ở Hương cảng đã nhận xét.

Tôi nghe nói ngoài Bắc đào tạo rất nhiều kĩ sư canh nông và kĩ sư thủy lợi (hình như một tỉnh Thái bình nay Hà nam dùng cả ngàn kĩ thuật gia thủy lợi); như vậy rất hợp lí mà cũng đúng chính sách của Lénine. Nhưng tôi không hiểu kiến thức chuyên môn của các kĩ sư đó ra sao và được dùng vào việc gì mà ở trong Nam này, từ ngày 30-4-75, các công tác thủy lợi hầu hết do các cán bộ nông thôn mới học hết cấp I (hết tiểu học) điều khiển. Các đồng chí ấy bất chấp kinh nghiệm của nông dân, đã dốt mà lại độc đoán: có nơi lúa đã sắp trổ đòng đòng mà họ bắt nhổ đi hết, trồng thứ khác; có nơi họ bắt nông dân đào đất trong ruộng, chuyền tay nhau từng cục đất ra tới bờ rạch cách vài trăm thước để đắp một cái đập dài cả trăm (?) thước, đập Cát lái; mưa xuống một trận, nước rạch dâng lên, chảy xiết, đập vỡ, một số thanh niên bị nước cuốn đi mất xác. Vụ đó làm sôi nổi dư luận.
Thủy lợi là một môn rất khó; công việc thủy lợi ở miền Nam khó hơn miền Bắc nhiều vì ở đây sông rạch, kinh mương chằng chịt, lại có hai thứ thủy triều: thủy triều Nam hải (miền Vũng tàu chẳng hạn), nước biển lên rất cao, mực cao nhất cách mực thấp nhất đến 4 thước; mùa khô, thủy triều lên tới tận Nam vang, cách xa 300 cây số; và thủy triều trong vịnh Thái lan rất thấp, chỉ trên một thước thôi. Thêm một lẽ nữa, đất miền Nam nhiều nơi có muối, có phèn, lại thấp hơn mực nước trung bình của thủy triều, cho nên các kĩ sư Pháp thời trước rất thận trọng trong khi quyết định đào một con kinh, phải tính xem khi đào rồi, nước kinh sẽ chảy theo hướng nào lúc nước lớn, lúc nước ròng và ảnh hưởng tới kinh, rạch, ruộng nương chung quanh ra sao.

Cán bộ của mình không được học, không biết tính toán gì cả (2), mạnh làng nào làng ấy đào; chẳng hề xét có hậu quả gì bất lợi cho làng bên hay không; và kết quả nhiều khi trái ngược với ý muốn: muốn rút nước mặn nước phèn mà hóa ra đưa nước mặn nước phèn vào đất của làng mình hoặc làng bên, làm cho ruộng đương tốt hóa xấu, phải bỏ để trồng cỏ lác. Một huyện nọ sống về nghề nuôi vịt phải kiếm nghề khác vì vịt không chịu ở nước phèn.

(2) Một cán bộ tài chánh xã mà không biết chia 72 cho 24. Trong một buổi hội họp của Hội trí thức thành phố Hồ Chí Minh, một kĩ sư già bực mình vì tình trạng cán bộ đa số dốt nát, bảo: “Tôi chấp nhận vô sản chuyên chính, mà không chấp nhận vô học chuyên chính”. Ngay chiều hôm đó ông ta bị bắt giam; sau cũng được thả ra.

Người ta đào kinh rất nhiều, miền nào cũng khoe đào được mấy chục con kinh, mấy trăm cây số kinh trong một mùa nắng. Có tốn kém gì đâu. Chỉ cần bắt thanh niên làm xâu, làm càng nhiều càng được tiếng “vinh quang”. Tới nỗi có miền dân phải ta thán, đặt ra câu ca dao này:
Mồ cha thằng Thiệu rời dinh,
Ðể tao ở lại đào kinh suốt đời.

Ðầu năm 1978 hay 1979 người ta bắt dân ở tỉnh An giang đào một con kinh theo biên giới Miên. Kinh đào khá rộng khá sâu, đất đào lên dùng để đắp con đê theo bờ kinh phía Cao miên. Ðắp đê đâu phải là việc dễ, phải trải từng lớp đất, nện kĩ rồi mới trải lớp sau, đắp xong lại phải cấy cỏ, tưới thường cho nó sống. Ðằng này người ta chỉ có việc khiêng đất tới, chất lên, nện sơ sơ cho xong việc. Như vậy một trận mưa lớn cũng đủ cho đê sụp từng chỗ và tới mùa nước lớn, làm sao đê chống nỗi luồng nước lụt từ Miên đổ xuống, đê sẽ rã, đất sẽ trôi xuống lấp kinh. Tôi không biết hiện nay kinh và đê đó ra sao.

Tập cho thanh niên lao động chân tay, góp sức vào việc kiến thiết quê hương là điều tốt, nhưng người ta phí sức dân quá, coi thường mạng dân quá. Dân do đó thấy tủi cho thân phận mình: trong thời chống Pháp, chống Mĩ, dân hi sinh cho anh em kháng chiến, bây giờ bị coi như nô lệ.

Có ai làm thống kê xem trong bốn năm nay dân miền Nam này bỏ biết bao tài sản, sinh lực, nhân mạng vào những việc thủy lợi, khai hoang đó mà kết quả được bao nhiêu không? Miền Nam dân đông quá, hai mươi lăm triệu là ít, mà cái gì cũng nhiều thì cũng hóa rẻ.

Hết: Kinh tế, Sản xuất, Nông nghiệp, Xem Tiếp:  Công nghiệp

Tìm Kiếm