HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXXII3)

Nguyễn Hiến Lê

PHN VI
Giai đo
n 1975 – 1981
(Ph
n này viết xong năm 1980, năm 1981 sa li nhiu ch)

CHƯƠNG XXXII

TA PHẢI BIẾT SỐNG THEO TA

…..

XU HƯỚNG CỦA THỜI ĐẠI

Dự Đoán Sai Của Marx
Tôi nghe nói bộ Tư bản luận của Karl Marx rất dày, khó đọc mặc dầu văn hay, và ngay ở Âu Mĩ, chỉ có một số lí thuyết gia cộng sản, một số triết gia, sử gia là đọc trọn bộ đó thôi. Vì vậy tôi không bao giờ kiếm đọc nó cả. Nhưng tôi đã tò mò đọc một số tác phẩm của một số học giả, văn nhân Âu theo cộng hay không theo cộng, viết về học thuyết Marx. Ðại khái họ nhận rằng học thuyết đó có hai cống hiến cho nhân loại:
1- Sự biến chuyển của xã hội, sự diễn tiến của lịch sử tùy thuộc một phần quan trọng vào kinh tế.
2- Giai cấp vô sản bị giai cấp tư bản bóc lột, và phải diệt giai cấp tư bản để tạo một xã hội công bằng, không ai bị bóc lột, mọi người đều bình đẳng với nhau; (Muốn vậy phải hạn chế tự do cá nhân. Hễ bình đẳng thì mất tự do; hễ tự do thì không bình đẳng, không thể lưỡng toàn được).

Học thuyết đó xuất hiện giữa thế kỉ trước, tới nay đã trăm rưỡi năm, và người ta thấy Marx có nhiều điều tiên đoán sai, chẳng hạn:
● Cách mạng vô sản sẽ xuất hiện trước hết ở những xứ kĩ nghệ tiến bộ như Ðức, Anh; nhưng sự thực nó xuất hiện ở Nga, một xứ kĩ nghệ kém nhất châu Âu hồi đầu thế kỉ chúng ta; sau đó nó lại xuất hiện ở những nước nông nghiệp rất lạc hậu về kĩ nghệ, như Trung hoa, Việt nam…
● Marx tin rằng giai cấp vô sản ở khắp thế giới đoàn kết với nhau để cùng diệt giai cấp tư bản ở mọi nước, do đó không còn tinh thần quốc gia nữa, thế giới sẽ đại đồng; nhưng bây giờ người ta thấy ngay ở Nga, Trung hoa, Ðông Âu, chế độ cộng sản nào mang nặng tinh thần quốc gia tới mức hai nước anh em với nhau mới thề sống chết có nhau, đoàn kết để diệt tư bản mà ít năm sau đã đâm chém nhau vì vấn đề ranh giới, chủ quyền, cũng xâm lấn nhau, phản nhau y như bọn thực dân tư bản vậy; hiện nay Trung hoa lại liên kết với Mĩ chống Nga nữa, không cho Nga bành trướng ở Afganistan, Ðông Á. Không biết bài ca quốc tế: “Prolétaires de tous les pays, unissez-vous” (Hỡi anh em vô sản tất cả các nước, đoàn kết với nhau lại) nay còn ai hát nữa không; Marx muốn diệt chiến tranh nhưng chiến tranh lại xuất hiện giữa các nước cộng sản với nhau;
● Ông đoán rằng chế độ tư bản sẽ chết, nhưng tới nay nó vẫn mạnh chứ không chết, mà trái lại về sự phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của dân thì các nước cộng sản không sao cạnh tranh nổi với nó (lời Garaudy, một giáo sư Pháp theo cộng), vì nó biết tự thích ứng với hoàn cảnh, tự thay đổi, tìm được cách giải quyết lần lần những cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị (lời một chính trị gia cộng sản ở Ðông Ðức); nó không đi tới chế độ độc quyền (monopole) mà tiến tới chế độ kinh tế tự do trên thị trường (économie du marché) để thị trường được điều hòa. Trái lại, chính những nước cộng sản mới theo chế độ độc quyền, độc quyền quốc gia.
● Marx muốn xóa bỏ hết sự bất bình đẳng, xóa bỏ giai cấp, nhưng ở Nga, Ðông Âu không còn giai cấp tư bản nữa thì lại xuất hiện một giai cấp mới, giai cấp cán bộ, thư lại, từ quyền lợi tới lối sống, đều cách biệt hẳn với giai cấp thợ thuyền, nông dân.
● Marx hi vọng thay đổi được bản tính con người; Nga đã dùng những biện pháp rất mạnh trên 60 năm nay, hai ba thế hệ rồi mà bản tính con người không thay đổi gì cả: vẫn ham có tư sản, hưởng tự do, hưởng lạc như Âu Mĩ (5).

Hiện nay đã có một sự nứt rạn nặng trong khối cộng, nếu họ không khéo giải quyết với nhau thì trước cuối thế kỉ này sẽ có sự tan rã: Nga, Trung hoa thành kẻ thù của nhau, Trung hoa nhảy qua phía Tây phương; Việt, Hoa cũng hằng ngày sỉ vả nhau, gây hấn với nhau; các nước Ðông Âu như Ba lan, Tiệp khắc, Nam tư (có lẽ cả Lỗ ma ni, Bulgarie nữa) đã bỏ chính sách kinh tế của Nga mà khuyến khích nhiều xí nghiệp tư, coi trọng quan niệm lợi (profit), nghĩa là coi nhẹ lí thuyết chính trị mà tìm cái lợi, nhờ vậy mức sống của dân cao hơn ở Nga, Hung gia lợi cho dân chúng tự do hơn, bỏ chế độ độc đảng; hai năm nay Ba lan cũng đòi được vậy; mà đảng cộng sản Pháp cũng muốn vậy; đảng cộng sản Ý, Bồ đào nha đã tỏ ý độc lập, không chịu theo chính sách ngoại giao của Nga trong vài biến cố quốc tế; đảng cộng sản Nhật còn có tinh thần độc lập hơn nữa; hầu hết các nước đó đều thấy chính sách hợp tác xã nông nghiệp (Kolkhoze) của Nga thất bại và không bắt nông dân vào hợp tác xã nữa. Nhất là khắp Âu Mĩ, không nước nào chịu “chế độ xã hội chủ nghĩa Goulag” (socialisme du Goulag) nghĩa là chế độ xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng trại giam, trại cải tạo (Goulag) của Nga trong thời Staline.

Ngay ở Nga, từ 1965, cũng đã sửa đổi đường lối kinh tế, cho một số xí nghiệp được tự do, cải cách lối quản lí và lối sản xuất để có nhiều lợi, và có lợi thì chia cho công nhân viên một phần, một phần giữ lại để khuếch trương xí nghiệp. Kossyguine đã biết nghe lời kinh tế gia Libermann chú trọng tới các luật kinh tế, bỏ quan niệm giáo điều đi. Ðại học cũng bớt bị chính trị hóa rồi. Thanh niên được đọc các sách phương Tây và họ rất thích văn học Pháp. Họ muốn được hưởng tự do tư tưởng. Còn phụ nữ Nga thì đòi được hòa bình và hạnh phúc, mức sống cao hơn, sao cho gần được mức sống của Mĩ, và rất thích đời sống gia đình, ghét đời sống tập thể (theo Jean Marabini trong cuốn L’URSS à la conquête du future – Denoel – 1967).

Ngay nhà văn cộng sản Pháp Aragon, trong cuốn Histoire parallèle de l’URSS (1962) cũng chê chính sách của Nga trong suốt thời Staline cầm quyền. Nga đâu còn là một thần tượng để các nước đàn em thờ nữa.

Nhà bác học Sakharov trong tờ Express tháng 8-1972, nhận rằng Nga có tiến bộ về xã hội, kinh tế, nhưng các nước cũng tiến bộ như vậy, có phần còn hơn Nga, tiến nhờ kĩ thuật chứ không phải nhờ chủ nghĩa. Ông chê nhà cầm quyền Nga giả dối, ích kỉ, tàn nhẫn; giáo dục và y tế Nga rất tồi tệ vì bọn cán bộ cao cấp được biệt đãi mà bọn thường dân bị ngược đãi; chính quyền dùng nhà thương điên để nhốt bọn trí thức chỉ trích đường lối chính quyền; chính quyền dùng tới 40% lợi tức quốc gia vào quân sự, võ bị, nên mức sống của dân tăng lên chậm…

(5) Coi thêm tập Con đường hòa bình – Lá Bối 1970 – trong đó tôi còn kể thêm vài lời tiên đoán sai của Marx nữa.

Hết:Dự Đoán Sai Của K. Marx, Xem Tiếp:Nguyện Vọng Con Người Hôm Nay

Tìm Kiếm