HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXXII6)
Nguyễn Hiến Lê
PHẦN VI
Giai đoạn 1975 – 1981
(Phần này viết xong năm 1980, năm 1981 sửa lại nhiều chỗ)
CHƯƠNG XXXII
TA PHẢI BIẾT SỐNG THEO TA
…..
SỬA SAI
Hôm nay là ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-81), tôi viết thêm mươi trang này để thay ba trang 629-631 trong bản đầu tiên, mà tiêu đề là “Nhân năng hoằng đạo”.
Tôi nhớ đâu như đảng cộng sản Việt nam thành lập năm 1930. Ðến nay đã nửa thế kỉ, đã có mấy triệu người ở trong đảng và ngoài đảng cùng nhau hi sinh để mong xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quốc gia, dân tộc? Xương các vị đó gom lại, chất lên, chắc thành một ngọn núi cao lớn gấp 10 ngọn núi Nùng. Anh hồn các vị đó nếu linh thiêng, nhìn xuống tình cảnh dân tộc mình mà tôi mới phác họa vài nét trong chương XXXI sẽ phẫn uất ra sao, có về dự lễ ngày hôm nay nữa không. Anh hồn của ông Hồ nữa! Tất cả những người có tâm huyết tôi được biết, tuổi từ 50 trở lên đều có lời than thở như vậy. Thật bi thảm! Ai ngờ đâu?
Trong dân gian miền Nam này đã xuất hiện câu:
Quốc gia đã phá tán, cán bộ hóa tư bản, dân chúng đều chán nản, dắt díu nhau di tản.
Không biết câu đó đã ra tới Bắc chưa? Những người nào muốn cố giữ lòng tin chỉ còn tự an ủi rằng: Nga và Trung hoa đã trải qua một thời như vậy; đó là một thứ bệnh “tuổi thơ” của chế độ, cũng như bệnh sốt, đi tước, mọc răng của em bé; rồi đây sẽ qua cơn “phát dục” (crise de croissance), chế độ sẽ tốt đẹp, mạnh mẽ. Nhưng tôi tự hỏi còn nhiều nước khác cũng theo xã hội chủ nghĩa như Nam tư, Ðông Ðức… họ có mắc thứ bệnh đó không? Hay là họ có cách đề phòng, có thuốc chữa? Còn dân tộc Pháp, sau này có thể theo xã hội chủ nghĩa, có sẽ phải trải qua một cơn phát dục như vậy không?
Mới ba bốn năm nay, bệnh hóa trầm trệ, nhưng nó đã bắt đầu phát từ lâu rồi, theo lời nhiều bạn trí thức của tôi ở Bắc thì từ mấy năm trước khi Hồ chủ tịch mất; và như tôi đã nói, một tờ niên báo kinh tế bằng tiếng Anh ở Hương cảng cuối năm 1974 đã nhận thấy ba chứng này của Bắc Việt: quản lí dở, thiếu kĩ thuật gia, nhiều tham nhũng, vì vậy mà kinh tế Bắc không tiến được.
Tôi cho rằng truy nguyên lên thì lỗi lầm của mình bắt đầu từ 1950, hay trễ nhất là từ 1954: chính quyền không hiểu hoàn cảnh nước mình mà muốn tiến mau quá. Dục tốc thì bất đạt.
– Trong phần I chương VII và phần II chương XIV tôi đã nói: tới 1945, nước mình vẫn là một nước nông nghiệp rất nghèo, kĩ nghệ chưa phát triển, thợ thuyền rất ít, mà giới sĩ phu xuất thân từ bình dân, đa số có đạo đức, sống giản dị như bình dân, được dân chúng kính trọng, nên không có giai cấp đấu tranh (hiểu theo Karl Marz); thực sự là hạng bóc lột thì chỉ có bọn tư bản Pháp và một số rất ít đại điền chủ ở trong Nam thôi.
Trong cuộc kháng chiến 1945-1954, gần như toàn dân theo hoặc có cảm tình với ông Hồ Chí Minh vì ông là một nhà cách mạng lão thành, kiên cường, có nhiều kinh nghiệm, tiêu biểu cho lòng ái quốc của dân tộc; chúng ta theo ông để đuổi Pháp ra khỏi nước, diệt bọn tư bản ngoại quốc và một số tay sai của chúng, chứ không phải để diệt những đồng bào có dăm ba mẫu ruộng, một xưởng dùng vài ba chục thợ hoặc một cửa hàng dùng dăm bảy người bán hàng. Rất ít người có lòng căm thù giai cấp, muốn tạo một xã hội cộng sản. Hoàn cảnh của ta khác xa Nga và Trung hoa; Nga có những lãnh chúa làm chủ cả mấy ngàn héc-ta, cả chục ngàn nông nô; Trung hoa cũng có lãnh chúa, có bọn quân phiệt như một ông vua trong một hai tỉnh mà mỗi tỉnh rộng bằng cả miền Nam nước mình.
Mấy năm đầu kháng chiến, nhờ tinh thần đoàn kết của nhân dân, quân đội của ta mỗi ngày một mạnh, đương đầu nổi với quân Pháp mặc dầu khí giới rất ít, xấu. Rồi từ 1950, Mao thống nhất Trung quốc rồi, giúp mình khí giới và cán bộ, nhưng buộc ông Hồ phải lập lại đảng cộng sản đã bị giải tán từ 1946 để đoàn kết nhân dân, thu hút hết các đảng phái. Và ông Hồ đã theo ý Mao, lập lại đảng cộng sản, đổi tên là đảng Lao động (có lẽ ông biết dân không ưa danh từ cộng sản). Vậy là ông đã biến cách mạng dân tộc thành cách mạng vô sản, đúng đường lối của Mao. Từ đó giữa các cán bộ đảng viên và các cán bộ có khuynh hướng hoàn toàn quốc gia, xảy ra những chuyện xích mích và một số người kháng chiến bỏ về thành nhiều hơn trước.
Năm 1954, thắng Pháp rồi, Việt nam lại theo Mao Trạch Ðông, tố khổ các điền chủ mặc dầu họ chỉ có vài mẫu ruộng, mặc dầu họ đã kháng chiến, hoặc có con theo kháng chiến, lập được nhiều công. Thế là trên 800.000 người bỏ quê hương mà di cư vô Nam. Hố chia rẽ thêm sâu.
Trong chiến tranh Việt Mĩ, có thể nói không có gia đình nào trong Nam không có ít nhất là một người giúp Mặt trận giải phóng hoặc có cảm tình với Mặt trận. Ðiều đó tôi có nói rõ ở chương XXXI; Vậy mà thắng Mĩ rồi, người nào từ sông Bến Hải trở vào mà không kháng chiến cũng bị coi là ngụy hết, bị đối xử có khi còn tệ hơn thời thực dân Pháp nhiều. Và chỉ hơn một năm sau, những lời hứa hẹn của Mặt trận (tự do dân chủ, trung lập, không trả thù…) bị nuốt hết; miền Nam thống nhất với Bắc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Mặt trận bị giải tán. Người Nam nào cũng thất vọng, bất bình. Không còn gì là đoàn kết nữa. Giữa người Bắc và người Nam, giữa người Nam với nhau nữa, kháng chiến với không kháng chiến, có cái không khí giữa thực dân và dân bị trị. Chính ông Ðào Duy Anh ở Bắc vào cũng thấy vậy nên trong một cuộc hội họp về thống nhất quốc gia, đã bảo là cần nhất là phải thống nhất nhân tâm đã.
– Cũng vì muốn cấp tốc thành xã hội chủ nghĩa, sợ bỏ lỡ “cơ hội ngàn năm một thuở” (lời một cán bộ), người ta đã hấp tấp dựng các cơ sở mới, nhồi chính trị vào đầu óc dân, chú trọng đến chính trị hơn kinh tế, tưởng rằng nếu dân thuộc được mấy khẩu hiệu: tư bản bóc lột, giai cấp đấu tranh, đảng lãnh đạo, vô sản làm chủ, lập hợp tác xã nông nghiệp, làm chủ tập thể, lao động là vinh quang, cùng nhau thi đua…, là Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa, tiến kịp Nga sô, hơn Trung hoa và Ðông Ðức rồi. Người ta không hiểu rằng nếu kinh tế không phát triển, dân nghèo đói thì vô sở bất vi, hóa ra ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, tham nhũng, buôn lậu… không còn nhân cách nữa, mà xã hội sẽ thành một xã hội đồi trụy, chứ đâu phải là xã hội xã hội chủ nghĩa.
Người ta theo sát Mao Trạch Ðông, trọng hồng hơn chuyên. Nhưng chuyên đã không có cái hồng chỉ có bề ngoài thôi, còn bề trong thì trắng, một màu trắng lem luốc. Ðiều này tôi đã nói nhiều rồi, không muốn nhắc lại. Biết mấy ngàn giờ học chính trị chỉ như nước đổ lá khoai, tới nỗi cán bộ đi học cũng phải ngán, bực mình thốt lên: “Càng học càng dốt, vì người dạy dốt quá”.
Dốt mà dạy dân, lại trị dân nữa, chả trách trong một buổi họp của hội Trí thức yêu nước ở thành phố Hồ Chí Minh, một vị đã bực mình phải thốt lên câu này: “Tôi chấp nhận vô sản chuyên chính nhưng không chấp nhận vô học chuyên chính”. Vị đó bị bắt giam ngay ít giờ sau buổi họp.
Muốn phát triển kinh tế thì một nước nghèo, lạc hậu như nước mình cần rất nhiều vốn để đầu tư, nhiều kĩ thuật gia giỏi. Kĩ thuật gia giỏi của mình ở ngoại quốc khá nhiều, nhưng họ không kháng chiến (dĩ nhiên), không được “học chính trị” (cũng dĩ nhiên nữa) nên họ “không thể hồng” được, không thể dùng được, trừ một số rất ít. Còn vốn để đầu tư thì sau mấy chục năm chiến tranh, mình làm gì có? Trông ở nước ngoài không được: các nước tư bản ngán mình quá từ khi mình tuyên bố là nước xã hội chủ nghĩa, có lẽ từ trước nữa, từ năm 1956 kia: các xí nghiệp Pháp ở Bắc đã phải rút vốn về làm ăn nơi khác rồi; còn các nước anh em thì quí mình lắm, nhưng lại ít vốn, còn đương lo kiến thiết cho họ. Ðành phải đầu tư bằng sức lao động của dân, bắt dân làm việc nhiều mà ăn ít; ăn ít thì không đủ sức, làm tà tà, lấy lệ, sản xuất mỗi ngày một kém cả về lượng lẫn phẩm, rốt cuộc kinh tế càng suy hơn và chính cán bộ phải phàn nàn rằng chính phủ bóc lột dân quá mức, thiếu cái tình người.
– Sai lầm thứ ba, tôi cũng đã nói rồi, là sau khi đuổi được Mĩ đi, mình chưa kịp lấy lại sức, đã nuôi cái mộng làm bá chủ bán đảo Ðông dương, thành một cường quốc ở Ðông Nam Á, không tự lượng sức mình, cũng không nhận định được tình hình thế giới, khiến Trung hoa, Miên, Thái, Mĩ, Nhật đâm ghét mình mà mấy năm nay mình bị sa lầy ở Miên, bị quấy rối ở Bắc Việt, phải nhờ cậy vào uy thế của Nga, do đó lại bị sa lầy hơn nữa, và không biết bao giờ mới gỡ khỏi nước bí đó.
Muốn sửa sai, chúng ta phải
– gây lại lòng tin của dân, tình đoàn kết của người Nam, không phân biệt cách mạng hay ngụy nữa, không phân biệt giai cấp (ở một chương trên tôi đã có nói tới 12 giai cấp), rút bớt quyền lợi của đảng viên đi, đảng viên phải sống khổ như dân, làm việc nhiều hơn dân để làm gương cho dân; diệt tệ quan liêu, bè phái, tham nhũng… cho dân tự do phát biểu ý kiến về mọi vấn đề trong các cuộc hội họp, trên báo, trên đài phát thanh…
– trọng kĩ thuật hơn chính trị, chuyên hơn hồng, chuyên dễ biết được, còn hồng nhiều khi chỉ là bề ngoài, chuyên mới đắc lực trong việc kiến thiết; bỏ một số cơ quan, rút thật nhiều nhân viên trong các sở đi mà đồng thời tạo công ăn việc làm cho mọi người; cho dân đủ sống, đừng bóc lột dân quá; bỏ các địa phương đi hoặc rút lại còn hai ba thôi; cho những người đi cải tạo về…
– rút ra khỏi cảnh sa lầy ở Miên, lấy lại tình hòa hảo với các nước ở Ðông Á;
Từ cuối năm 1980, nhất là gần đây, chính phủ đã nghĩ tới việc sửa sai đó, đã:
– thực tâm muốn diệt tham nhũng, cách chức, bỏ tù một số, kết quả chưa thấy gì; bọn đó nhiều quá, nếu diệt cho hết thì không có người làm việc mà sẽ gây nhiều cuộc chống đối vì chúng có gốc rễ lớn; và hình như đương tính sẽ cho các cán bộ hồng nhưng không chuyên về vườn hết;
– nghĩ tới lợi ích cá nhân, cho nó cũng quan trọng như lợi ích đoàn thể, lợi ích quốc gia; dùng chính sách khoán sản phẩm cả trong nông nghiệp lẫn công nghiệp, cứ theo báo chí thì nhiều nơi có kết quả, nhưng ở Trung cũng có nơi dân phàn nàn rằng khoán nặng quá; họ phải làm việc nhiều hơn mà không có lợi gì hơn trước hoặc có chút lợi thì không bõ công, nên họ bỏ vô Nam kiếm cách sinh nhai; tăng gấp đôi lương công nhân và viên chức nhưng đồng thời mọi tăng giá mọi mặt hàng, có thứ gấp bốn gấp mười và ở chợ trời và thị trường tự do, vật giá tăng theo, thành thử đời sống họ không được cải thiện chút nào, rốt cuộc là cho tay này chính phủ lấy lại bằng tay kia; có vậy mới giữ đồng bạc khỏi bị phá giá kinh khủng như Trung hoa thời 1945-1949. Phải trừ tận gốc, vá víu không ích lợi gì.
– muốn cùng với Trung hoa và khối Asian tìm một giải pháp cho Cao miên nhưng đề nghị của mình bị họ bác bỏ mà đề nghị của họ mình cũng bác bỏ ở Liên hiệp quốc, vậy là hai bên chưa nhúc nhích được một bước nào lại gần nhau cả.
Ðiểm cuối này rất khó giải quyết vì ta không chủ động được còn phải tùy thuộc ba nước lớn: Trung hoa, Nga, Mĩ, mà Trung hoa và Mĩ, cả khối Asian nữa cương quyết không chịu cho Nga đặt chân lên miền Ðông Nam Á. Tôi ngại rằng Ðông Nam Á sẽ thành như Tây Á, lộn xộn trên 35 năm rồi mà chưa biết bao giờ mới yên được.
Tóm lại chính phủ có vẻ rụt rè quá. Trong nội các mới thành lập tháng 7-1981, các chức vụ quan trọng nhất vẫn ở trong tay những người cũ, chỉ đổi chỗ của Trường Chinh và Nguyễn Hữu Thọ lẫn cho nhau mà thôi. Trường Chinh lên làm chủ tịch nhà nước, Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch quốc hội, mười điều mới sửa lưng chừng được một, hai.
Chính phủ nào cũng vậy, dù là chính phủ cách mạng đi nữa, khi đã nắm chính quyền được vài ba chục năm thì cũng hóa bảo thủ. Vì muốn làm cải cách lớn lao thì rất ngại gặp nhiều sự chống đối của những kẻ sợ mất quyền lợi, và xã hội sẽ bị xáo động trong một thời gian lâu như Trung hoa hiện nay. Sự sai lầm đã đâm rễ sâu quá thì dễ gì bứng được? Cho nên phải sáng suốt sửa ngay từ khi nó mới phát. Như kinh Dịch nói: “Lí sương, kiên băng chí”: đạp lên sương thì biết băng dày sắp đến, phải sớm biết để đề phòng kịp lúc.
Hết:Sửa Sai, Xem Tiếp: Một Lối Phát Triển Riêng