HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXXII7)

Nguyễn Hiến Lê

PHN VI
Giai đo
n 1975 – 1981
(Ph
n này viết xong năm 1980, năm 1981 sa li nhiu ch)

CHƯƠNG XXXII

TA PHẢI BIẾT SỐNG THEO TA

…..

MỘT LỐI PHÁT TRIỂN RIÊNG, MỘT LỐI SỐNG RIÊNG

Nếu may mắn ta giải được tất cả những khó khăn hiện tại ta phải đặt lại vấn đề chính trị và phát triển kinh tế để đạt được những mục tiêu này:
– thành một nước thực sự độc lập, tự do,

– không cần mạnh, giàu, chỉ cần tạo được hạnh phúc cho dân.

Tôi đã nghĩ đến vấn đề đó từ lâu, đã phát biểu vài ý kiến rải rác trong cuốn Một niềm tin (1965), rồi trong bài tựa cuốnBài học Israel (1968), trên tạp chí Bách Khoa (số 424 ngày 1-3-75). Dưới đây tôi gom những ý đó lại, bổ túc, sửa đổi ít điểm cho có hệ thống.

– Khi đã rút ra khỏi đầm lầy Cao miên, chúng ta nên tuyên bố với thế giới rằng chúng ta theo chính sách trung lập, hoàn toàn trọng hòa bình, không gây chiến, không tham chiến, giảm binh số, vũ khí tới mức tối thiểu, chỉ còn là một lực lượng cảnh sát trong nước thôi.
Dĩ nhiên ta sẽ không đứng vào một liên minh quân sự nào hết, yêu cầu các nước lớn cho ta đứng ngoài các cuộc tranh chấp của họ, tự đặt ra ngoài các khu vực ảnh hưởng của họ, không mua khí giới, nhận khí giới của nước nào cả, không dự cả những cuộc vận động phi liên kết nữa vì tôi nghĩ rằng những vận động đó càng có nhiều nước dự lại càng dễ biến chất đi, không nhiều thì ít bị ảnh hưởng của khối này khối khác, hoặc có cảm tình với khối này, khối khác mà hễ được cảm tình của khối này thì mất cảm tình của khối khác, gây thêm sự xung đột nữa. Vả lại nhiều nước dự thế nào cũng có lúc ý kiến sẽ khác nhau rồi lần lần chia rẽ, tan rã, lúc đó sẽ bị các nước lớn lung lạc, lôi kéo.

Chính sách tôi đề nghị đó mới thực sự là phi liên kết, âm thầm, không khen chê ai hết, không để cho ai lấy cớ mà lợi dụng mình được.

Không, chúng ta cứ tuyên bố thẳng rằng chúng ta không muốn nghe nói tới chuyện tranh chấp của các khối, xin các khối quên chúng ta đi, như không có chúng ta trên bản đồ thế giới của họ, đừng nhắc một lời nào đến chúng ta.

Khối nào hay nước nào muốn ức hiếp ta, trừng trị ta về kinh tế, chúng ta còn vui nữa (coi đoạn dưới); nếu trừng trị ta bằng võ bị thì chúng ta không chống lại; có giết dân, chiếm đất, cướp mùa màng, tài sản của chúng ta, chúng ta cũng không kháng cự, chúng ta chịu chết để xem khắp thế giới có thái độ ra sao. Nếu có được nước nào tự nguyện đem khí giới, quân đội giúp chúng ta chống lại xâm lăng, chúng ta sẽ khẩn khoản xin họ “đừng, đừng”. Nếu họ cứ vô để đánh nước xâm lăng chúng ta thì chúng ta sẽ dắt díu nhau đi chỗ khác để hai bên giết nhau. Chúng ta sẽ chết nhiều đấy, trước khi thế giới động lòng mà có thái độ cương quyết với kẻ xâm lăng; nhưng chúng ta sẵn sàng chịu sự hi sinh đó, coi đó là một điều kiện không thể thiếu được để giữ sự tự do, độc lập hoàn toàn của mình. Chết như vậy tôi cho là sẽ ít hơn và có ý nghĩa hơn chết vì mượn sức nước khác để chống kẻ xâm lăng, rồi lại làm tôi tớ cho nước khác đó. Dân tộc mình không thể bị diệt được, và qua cơn thử thách đó rồi, chúng ta sẽ được yên ổn sống, vĩnh viễn sống trong hạnh phúc.

– Như vậy chỉ cần hi sinh nhiều lắm là một thế hệ thôi mà tạo hạnh phúc cho các thế hệ sau.

– Ðó là về võ bị, ngoại giao. Về kinh tế, chúng ta tìm một đường lối phát triển riêng.

Từ thế kỷ XVIII, nhờ những tiến bộ khoa học, những phát minh cơ giới như máy hơi nước, xe lửa, máy điện, máy nổ… Tây phương mỗi ngày mỗi phát triển về kinh tế; họ cải thiện phương pháp tổ chức, sản xuất mỗi ngày một mạnh, bóc lột công nhân để đầu tư, hóa giàu, mạnh, đi chinh phục thế giới, gây nạn thực dân, gây thế chiến; bây giờ đây, sản xuất quá thừa thãi, họ cái mắc bệnh tiêu thụ phí phạm, tiêu thụ để sản xuất, sản xuất để tiêu thụ, mà đời sống của họ mỗi ngày một bận rộn, quay cuồng, không còn thì giờ để hưởng sinh thú nữa (Coi cuốn Travailler deux heures par jour – Ed. Du Seuil – 1979).
Phương pháp phát triển của họ rất có hiệu quả, các nước cộng sản Nga và Trung hoa muốn vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa phát triển cho thật mau để đuổi kịp họ, mạnh như họ, nhưng không kiếm được đường lối nào riêng đã theo đường lối của họ, dùng phương tiện của họ; tập trung tài nguyên và quyền hành, bóc lột giai cấp lao động; như vậy là lấy phương tiện làm cứu cánh, rút cuộc là “không có được một cứu cánh nhân bản (finalité humaine), thành một chế độ tư bản về bản chất mà mang những xấu xa, hủ hóa của chế độ xã hội” (capitalisme dans son enence et socialisme dans ses perversions), như Garaudy đã nhận định trong cuốn L’anternative (Robert Laffont – Paris 1972) (1). Và ông bảo Pháp phải kiếm một đường lối phát triển riêng, nhưng ông chưa đưa ra một đường lối nào cả.

Chúng ta nghèo lại càng phải kiếm một đường lối hợp với hoàn cảnh, tài nguyên thiên nhiên, mức tiến hóa còn rất thấp của mình. Chúng ta phải sống theo lối nghèo, đừng đua đòi Âu Mĩ. Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta chỉ nên nhắm mục tiêu này: làm sao cho dân chúng đừng đói rét, đau có thuốc uống, và đồng thời giảm lần lần được sự bất quân trong xã hội, mà vẫn giữ được cái tình người. Tôi cho rằng hạnh phúc của dân ở đó chứ không phải ở chỗ được làm dân một cường quốc trên thế giới đi chinh phục nước người để bỏ thây ở rừng rậm, sản xuất thừa thãi để sống quay cuồng bừa bãi.

Chúng ta chỉ lựa những kĩ thuật nào thật cần thiết cho quốc gia trong đường lối phát triển chúng ta đã tự vạch, chẳng hạn kĩ thuật canh nông, chế tạo máy cày, phân bón, dược phẩm, đồ điện, máy bơm nước, máy dệt, máy giấy…; còn kĩ thuật của các nước tiên tiến, không hợp với nhu cầu của mình mà quá tốn tiền, chỉ lợi cho một phần nhỏ nhân dân, lại phải tùy thuộc vào sự viện trợ của nước ngoài về nguyên liệu, kĩ thuật gia, về đồ phụ tùng thì nhất định phải gạt ra ngoài, đừng cho thanh niên học về những ngành đó.

Nếu có thể được, ta hợp tác với vài nước cũng kém phát triển như mình, nhu cầu như nhau nhưng tài nguyên khác nhau, để thành một khối bổ túc nhau về kinh tế.

Ðiều quan trọng nhất là ta phải tự lực cánh sinh, đừng nhận một sự viện trợ có điều kiện chính trị nào của các cường quốc; nếu nhận thì là tự đút đầu vào cái tròng của họ mà mất tự do, độc lập. Ta phải rán “trồng lấy lúa mà ăn, dệt vải lấy mà bận, can đảm sống lối sống riêng của mình, hòa thuận nhau, bao dung nhau, không ai giàu quá, không ai nghèo quá, chẳng cần ti vi, máy lạnh, những phim cao bồi, những nhạc bi bóp…” (tựa Bài học Israel – 1968).

– Về chính trị ta càng cần có một chế độ riêng. Như ở điểm 5, tiết “Nguyện vọng của con người thời nay” tôi đã nói, khắp thế giới, nước nào cũng tự xưng là dân chủ, tự do mà không ở nước nào, người dân được làm chủ, được dự vào việc nước cả. Tại các nước dân chủ đại nghị thì dân chỉ được mấy năm đi bầu đại diện một lần, rồi đại diện của họ sẽ suy nghĩ, quyết định thay họ. Tại các nước xã hội chủ nghĩa như nước mình thì dân chỉ được bầu những người của đảng đưa ra, những người mà dân có khi không biết mặt mũi ra sao, chưa được nghe tên tuổi một lần nào nữa. Garaudy trong sách đã dẫn bảo ngay trong các nước cộng sản châu Âu, giai cấp thợ thuyền mang danh làm chủ quốc gia mà sự thực không có chút quyền hành gì cả, vẫn bị ức hiếp; còn bọn cầm quyền tự cho mình là đồng nhất với thợ thuyền, tiếng nói của mình là tiếng nói của thợ thuyền, do đó có bổn phận thay thế thợ thuyền để cai trị, rồi dùng danh nghĩa đó để thi hành dưới thời Staline, một chế độ độc tài ghê gớm nhất từ xưa tới nay. Vậy thì ta có nên theo gót tư bản hay cộng sản không? hay phải tìm cách nào, giáo dục dân cách nào cho dân được thực sự dự vào việc nước?

– Về nhân sinh quan. Cuối chương XXIV tôi đã nói thời này cứ khoảng 25 năm thì tri thức của loài người tăng lên gấp 4, không ai có thể học hết được, dù chỉ những đại cương; nhưng kĩ thuật điện tử sẽ giúp ta ghi những tri thức đó rồi khi nào ta muốn dùng thì máy sẽ tìm cho ta trong vài giây, như vậy ta không cần nhớ nhiều nữa, chỉ cần luyện óc tưởng tượng, tập có sáng kiến, khéo dùng những điều máy điện tử lựa ra cho ta. Ở nước ta, không biết tới đời nào, học giả, học sinh mới có những máy đó để dùng, nhưng từ bây giờ, trong việc giáo dục, chúng ta cũng nên chỉ cho thanh niên biết dùng kiến thức của họ hơn là nhớ nhiều. Dĩ nhiên, chương trình phải hợp với nhu cầu và mục tiêu chúng ta đã vạch. Mục tiêu đó là dựng một xã hội mới theo một lối sống mới, một nhân sinh quan mới.

Chúng ta nên cho thanh niên hiểu rằng đừng nên mơ mộng hão huyền, mong một ngày kia đuổi kịp Âu, Mĩ về phát triển, kinh tế, cơ giới, kĩ nghệ được. Mình có thể có một số anh tài, bác học gia, phát minh gia, nhưng số đó rất nhỏ so với các nước giàu có, tiên tiến; còn về sự phát triển tính theo lợi tức trung bình của mỗi năm của mỗi đầu người thì cái hố cách biệt giữa mình và Âu Mĩ, sẽ mỗi ngày sẽ sâu thêm: hiện nay mình chỉ bằng 1/100 của Mĩ, vài chục năm nữa có thể chỉ bằng 1/200: nước mình nghèo, tài nguyên ít, vốn thiếu, có gắng sức lắm thì họ tiến được 10, mình tiến được 1, 2; càng ngày họ càng để mình lùi lại xa ở sau.

Mà ví dụ có một phép mầu nào, chẳng hạn tìm được mỏ dầu lửa, phong phú như ở Koweit, hay mỏ vàng, mỏ kim cương như ở Nam Phi…, lại có đủ kĩ thuật gia để khai thác, có thể phát triển mau được mà trong ít chục năm theo gần kịp một nước như Gia nã đại, Tây Ðức, Nhật bản, bước vào giai đoạn hậu kĩ nghệ, vào “kỉ nguyên thừa thãi” (ère d’abondance), sản xuất quá nhiều, tiêu thụ không hết, ví dụ may mắn mà được như vậy thì ta thử hỏi lối sống của Âu, Mĩ mà Nga, Trung hoa mong đạt được đó, nó có tốt đẹp không?

Chương XXIV tôi đã vạch ra sự phi lí của cái vòng luẩn quẩn tiêu thụ để sản xuất, rồi sản xuất để tiêu thụ; nó phi lí mà lại gây ra nạn chiến tranh giữa các cường quốc đi chiếm đất, chiếm tài nguyên của các nước lạc hậu như mình; nó lại khiến cho tài nguyên thế giới mau cạn, không khí, sông biển, đất đai bị nhiễm độc; nó tạo nên một lối sống quay cuồng, chật vật, hết sinh thú, một đời sống bất an của bọn “nouveaux nomades”, dời chỗ hoài, có nhà cửa mà không có tổ ấm, gần như không có gia đình nữa; nguy nhất là nó sẽ làm cho cá nhân lúc nào cũng bị kiểm soát chặt chẽ, mất hết tự do; đầu thế kỉ sau nó sẽ đưa nhân loại tới đâu nữa, tôi không biết, nhưng chắc chắn là cái tình người càng ngày càng mất.

Văn minh hậu kĩ nghệ (post industriel) của phương Tây như vậy đó. Ngay ở phương Tây cũng đã có nhiều người chán nó. Chúng ta cần thay đổi nhân sinh quan, xét lại quan niệm về hạnh phúc, kiếm một lối sống khác.

Chúng ta đừng đo hạnh phúc bằng lợi tức hằng năm, bằng đô la nữa. Lợi tức của các nước kĩ nghệ tiên tiến gấp trăm ta nhưng họ đâu có sướng gấp trăm ta. Không phải cái gì cũng đánh giá bằng tiền được. Ðời sống vật chất tới một mức nào đó thì nên cho là đủ, không nên đeo đuổi hoài sự tấn bộ vật chất mà bỏ đời sống tinh thần, tình cảm đi. Sự phát triển về kinh tế tới một mức nào đó cũng phải ngừng, không thể tiến hoài được, tiến hoài thì sẽ đi tới đâu? Bộ Trang Tử kể chuyện một ông lão làm vườn chịu khó nhọc gánh từng thùng nước từ giếng lên để tưới rau, chứ không chịu dùng một cái “máy” đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ cho đỡ phí sức, chỉ vì ông ta nghĩ hễ dùng cơ giới thì tất có cơ sự, rồi có cơ tâm. Ông ta có lí một phần, nhưng người sáng suốt thì biết dùng cơ giới mà vẫn không có cơ tâm, nghĩa là không làm nô lệ cơ giới. Sở đoản của phương Tây là làm nô lệ cho cơ giới. Chúng ta có lúc dùng xe hơi, máy bay, nhưng cũng có lúc chỉ dùng xe đạp và nếu trời mát, có nhiều thì giờ thì ta đi bộ.

Sống giản dị, ăn uống thanh đạm, vui vẻ với nhau, có tình cảm, biết hưởng cái vui tinh thần trong cảnh thiên nhiên, tôi cho như vậy là hạnh phúc, mà hạnh phúc đó đâu có cần lợi tức nhiều.

Một số nhà khoa học phương Tây, như Lynton K. Caldwell trong cuốn In defense of Earth (1972), Victor C.Ferkiss trong cuốn Technological man (1969), đã khuyên chúng ta trở về đời sống thiên nhiên, vì con người là một phần của thiên nhiên, hễ làm trái thiên nhiên thì gặp họa. Thuyết của họ giống thuyết Lão, Trang. Một số thanh niên Âu Mĩ bây giờ thích đọc Ðạo đức kinh của Lão, chán văn minh kĩ nghệ của họ rồi.

Trong hai tạp chí Pháp cách đây 7-8 năm, tôi thấy đăng tin ở Mĩ, không nhớ tiểu bang nào, một số người Mĩ lập một làng, sống chất phác, sung sướng, gần với thiên nhiên, chỉ dùng rất ít cơ giới, tựa như đời sống thời đại nông nghiệp; nhiều người ở các nơi khác xin gia nhập, làng phát triển, du khách tò mò tới coi khá đông. Ở Pháp, cũng có một làng như vậy ở miền Normandie hay Bretagne, đã trên nửa thế kỉ nay giữ nếp sống nông nghiệp thời thế chiến thứ nhất, không dùng xe hơi mà dùng xe ngựa, cày ruộng, trồng trọt, câu cá toàn bằng những dụng cụ thời trước, không có ti vi, chỉ có vài máy thâu thanh cho cả làng để chỉ bắt những tin cần biết, tục cổ giữ được hết; có một số thanh niên bỏ làng ra tỉnh hoặc đi nơi khác nhưng số đông ở lại và những người lớn tuổi thì thỏa mãn về đời sống đó lắm. Ðọc hai thiên du kí đó tôi mong được tới nơi sống một thời gian xem đời sống và tình người ra sao. Có vẻ như Ðào hoa nguyên kí của Ðào Tiềm.

Ở những nước văn minh, tự do cá nhân được tôn trọng thì có thể có nhiều làng kiểu đó. Nhưng cả một nước năm sáu chục triệu dân mà muốn sống biệt lập ra ngoài lề thế giới thì tôi biết rằng khó quá. Các nước đàn anh rất văn minh nỡ lòng nào để cho mình một đời dã man như vậy! Chê nhạc giật gân, vũ lõa thể, báo khiêu dâm của họ thì được, hoặc chê cả phi cơ phản lực, vệ tinh nhân tạo của họ thì cũng được đi; đến như tẩy chay những vũ khí tối tân, cứ 5 năm lại cải tiến một lần, những khí giới hóa học, vi trùng, những bom hạch tâm của họ thì là phản động rồi, họ đâu chịu tha thứ, nhất định phải lôi mình về thế giới văn minh của họ chứ. Tôi biết vậy. Hình ảnh một nước Việt Nam tôi đã phác họa ở trên chỉ là một không tưởng, nhưng tôi vẫn giữ nó; có lúc lại còn mơ tưởng một ngày kia, Việt Nam thành một cái “havre”, một cái bến yên lặng cho nhân loại nữa. Và du khách thế giới kéo nhau tới thăm… Biết đâu chừng! (2)
.
(Hôm nay, 2-8-81, đọc lại tiết này, tôi thấy chính sách của tôi chỉ là chính sách bất bạo động, bất hợp tác của Gandhi áp dụng vào một nước nhược tiểu đối với các cường quốc trên thế giới.)

(1) Garaudy là một lí thuyết gia quan trọng của đảng cộng sản Pháp, làm giáo sư, soạn được non 30 cuốn, hầu hết về chính trị, nhất là về chế độ cộng sản. Có tư tưởng độc lập, không chịu theo đường lối của đảng nên bị trục xuất khỏi đảng năm 1970, nhưng ông vẫn giữ chủ nghĩa cộng sản.
(2) Hai tiết “Sửa sai” và “Một lối phát triển riêng, một lối sống riêng” này tôi mới viết thêm ngày 31-7-81 để thay tiết “Nhân năng hoằng đạo” trong bản viết tay đầu tiên.

[Trở Về]

Tìm Kiếm