PHẦN VI
Giai đoạn 1975 – 1981
(Phần này viết xong năm 1980, năm 1981 sửa lại nhiều chỗ)
CHƯƠNG XXXIII
LẠI TIẾP TỤC VIẾT
SÁCH BÁO MIỀN BẮC
Tôi để nhiều thì giờ nhất vào việc đọc sách báo miền Bắc: báo Nhân dân, Hà nội mới, Dân chủ, Tổ quốc, một số tạp chí chính trị, triết học, khoa học, nhất là tạp chí Văn học, sách của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, nhà xuất bản Văn Học, sách cho trẻ em và dăm tiểu thuyết sáng tác hoặc dịch…
Tôi thấy ngành xuất bản ngoài đó không phát triển mạnh, sách báo in chỉ bằng một phần năm trong Nam; đa số, có thể nói là gần hết nhà văn, nhà biên khảo làm việc ít, chậm, không hăng say, không “đua nở”. Trong hai chục năm sau ngày tiếp thu Hà nội, không có nhà văn nào cho ra được chín, mười tác phẩm, trung bình chỉ được một, hai.
Không có gì kích thích họ sáng tác mạnh. Họ đều là công chức, dù không viết gì cũng được lãnh khoảng 60 đồng một tháng trước thời 1975, tạm đủ sống một mình; nếu viết lách thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, bè phái thì mới hi vọng được in; vì vậy ta thấy nhiều cuốn có lời đề tựa của một “anh lớn”, thứ trưởng, viện trưởng… nào đó, điều đó tối kị ở trong Nam.
Bản thảo gởi tới một nhà xuất bản, phải bị kiểm duyệt vài ba lần, một lần về tư tưởng, một lần về hình thức, gì gì đó; thoát được mấy cửa ải đó lại phải qua vài lần duyệt nữa xem có hợp thời không, có đáng in ngay không và có ngân sách, có giấy để in không. Phải có ông lớn nào đặc biệt ủng hộ mới mau được in, nếu không thì bị dìm cả chục năm như bộ Tự điển truyện Kiều của Ðào Duy Anh; hễ năm sáu năm sau được in thì cũng là may rồi. Nhà xuất bản nào cũng có cả mấy chục tác phẩm chưa in được, nhà văn có tên tuổi nào cũng có vài ba tác phẩm nằm ở nhà xuất bản. Có nhà khảo cứu bỏ ra mấy năm soạn một bộ công phu mà không in được, chính phủ an ủi bằng cách trả cho họ một số tiền nhỏ vài ba trăm đồng rồi giữ bản thảo làm tài liệu cho một cơ quan. Như vậy ông giám đốc một nhà xuất bản lớn thành như một lãnh chúa về văn hóa.
Về loại sáng tác tôi thấy thơ và tiểu thuyết kém thời tiền chiến, các nhà nổi danh thời đó như Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển… viết ít hơn trước mà nghệ thuật cũng thụt lùi. Tô Hoài đã có một địa vị khá quan trọng trong chính quyền, Nguyễn Tuân vẫn được trọng với Nguyễn Ðình Thi (một tiểu thuyết gia hậu chiến). Tố Hữu có địa vị cao nhất, làm viện trưởng (?) viện Tuyên huấn lèo lái tất cả; thỉnh thoảng có được ít câu có hồn thơ, nhưng có những câu rất kì cục như trong bài Ðời đời nhớ ông (Staline), ông ta viết:
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười.
Ðó là hai câu tôi thấy in trong một cuốn sau ngày 30-4-75, chứ trước 75, tôi được nghe “truyền tụng” từ Bắc vô hai câu này:
Ông Staline, ông Staline ơi,
Thương cha thương một, thương Ông thương mười.
Không biết thoại nào đúng, tôi cứ ghi lại cả hai.
Trong một bài kỉ niệm Nguyễn Du, ông gọi Nguyễn Du là “anh”, bài đó không đáng gọi là thơ.
Tôi được đọc ba bốn bài thơ của Xuân Diệu, mà bài được thanh niên ngoài Bắc thuộc lòng là một bài thơ tả tình yêu của ông ta, trong đó ông ví người yêu như bãi cát nằm ở bờ biển, còn ông thì là những đợt sóng ngày đêm không ngừng hôn vào bãi cát (Coi Phụ lục 4). Giọng cực lãng mạn, chắc thi sĩ không dám đưa báo đăng.
Một thiếu niên (tên là… (?).. Khoa có cảm hứng dồi dào, giọng thơ hồn nhiên, ai cũng tưởng là có tương lai, nhưng lớn lên không còn bài nào hay cả. Có thể là hết hồn nhiên rồi.
Về tiểu thuyết thì có dăm tác phẩm nổi tiếng đều viết về chiến tranh, đề cao tinh thần kháng chiến thực dân như cuốn Con trâu, Rừng U Minh của Nguyễn Văn Bổng, cuốn Hòn Ðất của Anh Ðức (được giải thưởng của Nga?); một cuốn tôi quên nhan đề của Nguyễn Ðình Thi, nghệ thuật già giặn hơn. Xét chung, tưởng tượng không dồi dào, tâm lí không sâu sắc, bút pháp không có gì mới mẻ. Truyện ngắn được vài cây viết như Lê Vĩnh Hòa (em ruột Võ Phiến, chết trước 1975)…, cũng toàn viết về chiến tranh, đọc vài tập rồi không muốn đọc thêm nữa.
Thơ và tiểu thuyết ngoài đó không đa diện, nhà văn ít có hình ảnh mới, dùng chữ không táo bạo. Nhưng phải nhận rằng Bắc không có những tác phẩm quá tệ như trong Nam, tác phẩm nào cũng lành mạnh, sàn sàn, trung trung, ít có tác phẩm nổi bật, thật sâu sắc, như vậy là do chính sách văn hóa một chiều, không hợp với những cá tính đặc biệt. Chỉ có Nguyễn Tuân là còn giữ được ít nhiều bút pháp đặc biệt của ông trong một cuốn viết về Sông Ðà.
Trước ngày 30-4-75, tôi thấy công trình khảo cứu ngoài Bắc có tính cách tập thể, xét chung thì thận trọng hơn, công phu hơn, ít lỗi hơn trong Nam. Nhưng lối làm việc tập thể có nhiều nhược điểm: rất chậm, thiếu phối hợp chặt chẽ nên không nhất trí, chẳng hạn bộ Chiến tranh và Hòa bìnhcủa Léon Tolstoi do bốn người dịch chung, không đều tay và một số danh từ đầu sách dịch khác, cuối sách dịch khác.
Cái tệ lớn nhất là thiếu tinh thần trách nhiệm chung. Mới mở đầu tập A-C bộ Tự điển tiếng Việt phổ thông của Ủy ban khoa học xã hội (Hà nội – 1975), tôi thấy ban biên tập gồm 12 nhà với sự cộng tác của trên một trăm học giả, văn nhân, thi sĩ, từ Ðào Duy Anh, Hoa Bằng tới Nguyễn Công Hoan, Ngụy như Kontum, Nguyễn Xiển, Thanh Tịnh, Tô Hoài, Trần Văn Giáp v.v… rồi lại được một hội đồng xét duyện gồm chín nhà: Nguyễn Khánh Toàn, Cù Huy Cận, Bùi Huy Ðáp, Ðào Văn Tiến, Hoàng Phê (ông này vừa là chủ biên, vừa là hội viên trong hội đồng xét duyệt nữa!), Phạm Thiều, Tạ Quang Bửu, Trần Quỳnh, Tú Mỡ. Thấy họ làm việc đông đủ, kĩ lưỡng như vậy trước sau 11 năm (1964-1975), tưởng công trình phải đồ sộ, gần đạt được mực hoàn hảo, nhưng khi lật tra một số từ thì tôi thất vọng.
Có những điều vô lí, bất tiện như từ a-pa-tít ghi là xem apatit, tôi phải lật trên 10 trang sau mới tìm được apatit: “Khoáng vật chủ yếu canxi photphat…” Tôi không hiểu tại sao ban biên tập dùng tới hai cách viết, một cách rời, một cách liền; sao không viết liền như từ canxi, photphat. Sao lại bất nhất trên nguyên tắc như vậy?
Có những lỗi rất nặng như từ cọng, biến thể ngữ âm của cộng, mà ban biên tập gọi là “tiếng địa phương” thì sai quá. Cọng chỉ là một cách phát âm sai của miền Nam như cây cau họ phát âm là cây cao, như con tôi, họ phát âm là coong tui v.v… không thể là tiếng địa phương. Nếu gọi là tiếng địa phương thì trong bộ tự điển sẽ phải ghi cả chục ngàn tiếng địa phương ở Bắc nữa như diệu, giầu cau, xang chọng… cách phát âm sai của rượu, trầu, sang trọng.
Có những tiếng định nghĩa chưa sát hoặc mù mờ, như:
Biến tốc, không thấy ghi là danh từ hay động từ. Theo định nghĩa: “Làm thay đổi tốc độ”, tôi đoán là động từ. Nhưng hộp biến tốc thì là danh từ?
Khi ông Hoàng Phê, chủ ban biên tập, lại chơi tôi, tôi đưa mấy nhận xét đó và dăm sáu nhận xét khác nữa, ông làm thinh, ông bảo ông Hoàng Văn Hành (cũng trong ban biên tập) ghi chép, và lúc ra về, ông Hành bảo tôi rằng nhiều nhận xét của tôi có lí.
Các sách biên khảo tập thể khác cũng vậy, tuy công phu mà vẫn có những lỗi nặng, thật khó hiểu; tôi có cảm tưởng rằng họ làm việc tập thể đấy, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm cả, họ trút cả trách nhiệm lên người chủ biên và người này lẩn sau trên một trăm học giả như để thanh minh rằng: các vị đó chịu trách nhiệm chung với tôi. Ngay cả hội đồng xét duyệt cũng chưa chắc đã đọc lại tác phẩm có đọc thì chỉ lật lật, lướt qua vài chỗ thôi.
Trái lại, một số công trình của cá nhân rất có giá trị như bộ sử Cuộc kháng chiến chống Nguyên Môngcủa Hà Văn Tấn, rồi tới bộ Lam Sơn khởi nghĩa của Phan Huy Lê…
Phải nhận công việc khảo cứu về sử (Sử dân tộc cũng như sử văn học) và công việc khảo cổ, khai quật để tìm các di tích miền núi Hùng… ở Bắc hơn hẳn trong Nam.
Về Việt ngữ, ngoài đó cũng tốn công nghiên cứu nhưng không được bao (trừ ngành chữ Nôm), không bằng kết quả của vài cá nhân trong Nam như Lê Ngọc Trụ, Trương Văn Chình… Họ hiệu đính được vài ba truyện bằng thơ của ta, nhưng lại không in chữ Nôm, kém hẳn cuốn Lục Vân Tiên của nhóm Lê Thọ Xuân trong này.
Hết: Sách báo miền Bắc, Xem Tiếp: Tôi góp ý