HỒI KÍ (Phần VI, Chương XXXIII3)
…..
PHẦN VI
Giai đoạn 1975 – 1981
(Phần này viết xong năm 1980, năm 1981 sửa lại nhiều chỗ)
CHƯƠNG XXXIII
LẠI TIẾP TỤC VIẾT
TÔI GÓP Ý
Khi Việt Nam đã thống nhất, tôi viết một bài góp ý về việc Thống nhất tiếng Việt đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật ngày 12-9-76. Ðại ý tôi bảo tiếng Việt từ hồi nào tới giờ vẫn thống nhất, nay chỉ cần “nhất trí” hay “qui định” một số tiếng thôi, công việc đó mới xét tưởng là dễ dàng, nhưng thực ra cũng có khá nhiều vấn đề nan giải và tôi nêu ra một số vấn đề về thống nhất:
1- cách phát âm; 2- chính tả; 3- từ ngữ; 4- ngữ pháp.
Bài đó không dài nhưng được nhiều độc giả Nam và Bắc khen, chẳng hạn Vũ Tuân Sáu bảo “bài viết sâu sắc chứng tỏ một kiến thức có tầm khái quát lớn, thật ‘bách khoa’,” được đăng lại trên báo Ðoàn Kết của Việt kiều ở Pháp; và trên một tờ báo của đồng bào di cư qua Mĩ, với một trang giới thiệu tôi do thi sĩ Nguyên Sa viết.
Một bạn học cũ của tôi di cư qua Gia nã đại đọc bài đó, bảo tôi là một trong số ít nhà được cảm tình cả Nam lẫn Bắc.
Vấn đề thống nhất tiếng Việt nêu lên rầm rộ ở khắp nước năm 1976 rồi lặng xuống. Năm 1978, tháng 10, có một hội nghị thống nhất chính tả ở Sài gòn, trưởng ban tổ chức là Hoàng Tuệ ở Hà nội vô (ông Tuệ năm 1981 đã được đưa lên làm viện trưởng viện ngôn ngữ học). Tôi không dự mà chỉ viết thư góp ý kiến, đại ý bảo “gần hoàn toàn đồng ý với ban tổ chức về nguyên tắc tiêu chuẩn hóa chính tả, chỉ xin nhắc lại chủ trương của tôi đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật ngày 12-9-76 là giữ đúng cách viết tên người tên đất của nước ngoài như Napoléon, Marseille, Shakespeare, London…; chỉ một số thuật ngữ khoa học là cần phiên âm; mạnh bạo “cải tiến và bổ sung” chữ quốc ngữ, chẳng hạn:
– tạo một số phụ âm mới: bl, cl, fl, gl, pl, vl, sl…; br, cr, fr…
– tạo một số vần mới: ab, eb, ib, ob, ub…; ad, ar, er… để gần giữ được đúng dạng chữ của phương Tây mà khi đọc sách ngoại ngữ dễ nhận ra, đỡ bối rối. Ví dụ Nil, Broglie, chrome… sẽ phiên âm là Nil, Brogli, crom… chứ không phiên âm là Nin, Bờ-rô-gli, cờ-rôm… như ngày nay.
Cuối tháng 10 năm 1979, ban Tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc ở Hà nội mời tôi ra dự về vấn đề Giữ gìn sự trong sách của tiếng Việt, tôi đã định đi, rồi vì sức khỏe kém, đi không được. Sau đọc các báo cáo đăng trên báo, tôi thấy Hội nghị gần như nhất trí về nguyên tắc để nguyên các tên người, tên đất ngoại quốc mà không cần phiên âm. Như vậy là sau ba năm (1975-1979) mới tiến được một bước nhỏ. Và tới nay (1981), hai năm rồi vẫn chưa quyết định áp dụng. Tôi thấy các hội nghị như vậy ở Bắc chẳng đưa tới một kết quả cụ thể nào cả. Có thể tới cuối thế kỉ, vấn đề thống nhất chính tả vẫn chưa giải quyết xong.
Năm 1977, tôi viết một nhan đề là Ðoàn kết gởi báo Ðại Ðoàn Kết, đại ý buồn rằng tinh thần phục vụ của anh em kháng chiến xuống nhiều rồi, gây nhiều bất mãn trong dân chúng (tôi dẫn chứng vài trường hợp có thực), muốn đoàn kết thì chính cán bộ phải khiêm tốn và làm gương cho dân, việc khó nhọc thì làm trước dân, hưởng thụ thì sau dân, nhưng báo không đăng, sợ gây sự bất bình của tất cả cán bộ trong nước chăng? Thang thuốc đó đắng quá, nuốt không trôi. Bây giờ tình trạng bi đát hơn nhiều, người dân trong Nam coi các cán bộ Bắc vô như thực dân, tôi không hiểu làm sao còn có thể đoàn kết được nữa?
Ngoài ra, do lời yêu cầu của ông Lê Huy Vân, bạn học cũ của tôi ở trường tiểu học Yên Phụ, thư kí tòa soạn ở nguyệt san Tổ Quốc của đảng Xã hội (được coi là tờ báo của giới trí thức), tôi viết hai bài cho báo đó.
● Một truyện ngắn làm tôi xúc động, đăng trên số 12-1977. Tôi phê bình các truyện ngắn của Nam Cao viết trước cách mạng tháng 8-1945, đặc biệt khen truyện Một đám cưới, nhưng tòa soạn cắt bỏ đi khoảng một phần ba, chỉ giữ phần phê bình riêng truyện Một đám cưới thôi.
● Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kỳ thị chủng tộc (ở Nam Phi) đăng trên số 11-1978. Bài này cũng bị cắt bỏ đi nhiều.
Từ đó có vài tờ báo xin bài, tôi đều từ chối hết.
Năm 1978 thứ trưởng Giáo dục (?) Hà Xuân Trường mà tôi đã gặp ở Sài gòn trong một cuộc tọa đàm năm 1975, vào Sài gòn, phái một nhân viên rất lanh lợi, tên là Hải, lại mời tôi dự một cuộc hội họp để lập một ủy ban Trung hoa học (sinologie) nghiên cứu về Trung hoa. Tôi không dự, cho rằng chương trình đó lớn quá, thực hiện không nổi.
Sau tôi mới biết lúc đó Trung hoa bắt đầu gây hấn với mình, dăm ba ông lớn ở Hà nội muốn hiểu thêm về Trung hoa mà không có thì giờ hoặc không đọc được sách chữ Hán, Anh, Pháp, mới lập ra ủy ban đó để tập hợp những người biết ít nhiều về Trung hoa, nhờ tóm tắt sách ngoại quốc để các ông ấy đọc. Họ tập họp đâu được 4-5 người trong Nam, chia cho mỗi người một công việc; hai ba tháng sau gom được vài ba bài, mỗi bài chừng 30-50 trang, trả trước cho mỗi bài một số tiền, bảo để khi in (ronéo) xong sẽ trả hết. Nhưng rồi chẳng bài nào được in cả (chỉ có dăm ông lớn thì đánh máy vài bản, chuyền tay nhau đọc cũng được, cần gì phải quay ronéo), như vậy công viết khỏi phải trả thêm.
Ðó đại khái người ta đối xử với văn nhân, học giả trong Nam như vậy.
Thi sĩ Bàng Bá Lân cũng bị gạt: ban Ngôn ngữ Sài gòn yêu cầu ông viết một tập khoảng 100 trang về Cái hay cái đẹp của tiếng Việt qua tục ngữ ca dao, đưa trước ông vài trăm đồng, hứa sẽ đăng báo và xuất bản, lúc đó sẽ đưa thêm mà đợi hai năm không thấy gì, ông chép tay gởi từng chương bằng bưu điện cho nhà xuất bản Quê Hương của một nhóm Việt kiều ở Gia nã đại, chín tháng sau nhà đó in xong, trả tiền tác giả đàng hoàng cho ông.
Ông Hải nghe ai nói mà biết ông Giản Chi và tôi có viết chung cuốn Hàn Phi, yêu cầu tôi đưa ông coi bản thảo, ông sẽ trình lên Hà Xuân Trường, nếu ông Trường bằng lòng thì sẽ xuất bản ngay cho được.
Tôi bảo:
– Tư tưởng của chúng tôi chưa chắc đã hợp với đường lối của chính phủ đâu.
– Không sao, các ông ấy muốn các bác nghĩ sao cứ viết vậy; nếu có thể phổ biến được thì giao cho một nhà xuất bản và nhà này sẽ đề nghị với các bác nên sửa đổi ra sao; nếu không thể phổ biến được thì các ông ấy giữ lại làm tài liệu và sẽ đưa các bác một số tiền thù lao.
Tôi đáp:
– Chúng tôi viết sách cốt để độc giả trong nước đọc, chứ không phải để cho vài ông lớn đọc.
Từ đó ông Hải không trở lại nhà tôi nữa và ít tháng sau ủy ban Trung hoa học không được ai nhắc tới nữa.
Cũng trong năm 1978 thì phải, một cán bộ trong Hội văn nghệ Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh lại bảo tôi hội muốn đề nghị lên chính quyền trợ cấp 30 đồng mỗi tháng cho 5-6 nhà văn ở Sài gòn, trong số đó có cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, ông Giản Chi, ông Thuần Phong… và tôi. Tôi đáp, tôi còn tự túc được, không dám phiền chính quyền trợ cấp, nhưng cụ Trần Tuấn Khải chắc cần lắm, mà 30 đồng một tháng không nhằm gì đâu, phần của tôi nên để tặng cụ. Sau, vụ đó cũng chìm luôn, và năm ngoái tôi hay rằng riêng cụ Trần được trợ cấp 150 đồng mỗi tháng. Vậy người ta đã theo đề nghị của tôi.
Một bạn học cũ của tôi ở trường Bưởi, anh Phó Ðức Vinh, có tú tài bản xứ, hợp với tờ Thanh Nghị (bút hiệu là Hướng Minh), trước 1945 đã có đăng vài truyện ngắn. Sau khi tiếp thu Hà nội, ông thỉnh thoảng viết ít bài trên vài tờ báo ngoài đó, bây giờ hợp tác với nhà xuất bản Văn học; năm kia (1979) đề nghị với tôi dịch cho nhà đó một danh tác của Anh hay Pháp tự tôi lựa, tôi từ chối vì không có thì giờ, còn bận làm xong vài công việc đã dự định.
Mới đây ông lại bảo tôi không có thì giờ dịch thì xem trong số các tác phẩm văn học tôi đã dịch và in trước ngày 30-4-75 như Cầu sông Drina, Mưa, Kiếp người, Cổ văn Trung quốc…, có cuốn nào nên in lại thì sửa chữa, rời gởi cho ông, cùng với nguyên tác để ông đề nghị với nhà Văn Học tái bản. Lòng ông tất tốt, nhưng ông không hiểu tôi. Ngày 30-6-80 tôi viết thư tạ tấm lòng ông, kể qua chí hướng của tôi, tự nhận định giá trị mấy cuốn ông nêu ra và bảo chỉ có cuốn Cổ văn Trung quốc là tôi ưa hơn cả, nhưng lúc này tôi đã về dưỡng lão ở Long xuyên, không thể trở lên Sài gòn mà sửa ấn cảo (có chữ Hán) được, ông tính sao thì tính. (Bức thư đó tôi còn giữ phó bản).
Tưởng như vậy ông hiểu ý tôi mà cho tôi được yên thân, không ngờ giữa năm nay (1981) ông lại viết thư cho tôi hay nhà Văn Học đã lựa cuốn Kiếp người, yêu cầu tôi sửa sơm sớm cho để nhà xuất bản sắp chữ liền. Tôi lại đáp hiện còn bận việc lắm, sức khỏe lại kém, chưa thể sửa được.
Nửa tháng sau, tôi được thư ông Vũ Tuân Sáu ở ban Hán Nôm, cho hay nhà Văn Học nhờ ông đọc cuốn Cổ văn Trung quốc của tôi; ông đọc xong rồi đưa hai người nữa đọc, tất cả đều “đánh giá rất cao” cuốn đó, và ông sẽ viết “đề cương” (tôi đoán là compte rendu) cho nhà Văn Học. Vậy thì rất có thể họ lại xin phép tôi tái bản cuốn đó nữa.
(Sau mục Tôi góp ý từ trang 593 của bản thảo cho đến trang 617 đã in trong Ðời viết văn của tôi, nhà Văn Nghệ xuất bản năm 1986).
Hết : Tôi góp ý, Xem Tiếp: Bạn bè