…..

PHN VI
Giai đoạn 1975 – 1981
(Phn này viết xong năm 1980, năm 1981 sa li nhiu ch)

CHƯƠNG XXXIII 

LẠI TIẾP TỤC VIẾT

…..

BẠN BÈ

…..
Trong ba năm viết lách tích cực đó, nửa tháng tôi mới ra khỏi nhà một lần, nhưng nhận được nhiều thư từ bốn phương, và được nhiều bạn tới thăm.

Ngoài thư của người thân, họ hàng ở Pháp, Mĩ, thư các bạn cũ ở miền Nam, còn thêm thư của bà con, bạn cũ và mới ở Bắc, và của nhiều thanh niên nhờ tôi khuyên bảo, hoặc chỉ xin được gặp mặt tôi “để vững tin những giá trị cũ” trong buổi giao thời này. Tháng nào cũng được từ 20 đến 30 bức, nhiều hơn thời trước nữa.
Bốn năm bạn văn (Ðông Xuyên, Quách Tấn, Vương Hồng Sển, Bàng Bá Lân, Toan Ánh, Nguyễn Mộng Giác…) buồn, không biết làm gì, cũng viết lách cho qua ngày. Viết rồi để đó như tôi, mà viết nhiều hơn hồi trước 30-4-75. Tôi có cảm tưởng rằng ở Bắc không có nhà nào siêng năng như họ. Viết đối với họ là một lẽ sống, một điều kiện để giữ gìn sức khỏe. Có bạn viết rồi gởi tôi đọc, bảo là để góp ý kiến, sự thực là để có người đọc. Khi không xuất bản được thì người ta càng cần có bạn thân để đọc.

Thường lại thăm tôi, ngoài các bạn Giản Chi, Trần Thúc Linh (hiện qua Pháp điều trị bệnh tê liệt nhẹ nửa bên trái), Lê Ngộ Châu mà trong tập này tôi đã nhắc tới nhiều lần, còn có các bạn dưới đây:
● Học Năng Nguyễn văn Phất, hơn tôi hai tuổi, quê ở Thanh trì (Hà nội), có bằng thành chung, làm hiệu trưởng nhiều trường tiểu học, di cư vào Sài gòn sau Hiệp định Genève, thông chữ Hán, giỏi về môn bói và số, có tinh thần quốc gia, tính tình thẳng thắn, khoáng đạt, vui vẻ, thỉnh thoảng làm một bài thơ trào phúng. Sống theo nếp nhà Nho. Ðã xuất bản một tập thơ và bộ Bát tự Hà Lạc. Sáng sủa, mạch lạc, đôi chỗ dí dỏm, có văn.
● Dã Lan Nguyễn Ðức Dụ quê ở Hải dương, kém tôi khoảng mười tuổi, quản thủ thư viện cho trường Ðại học Kiến trúc Sài gòn, để hết thì giờ vào việc nghiên cứu ngành gia phả, chịu sống nghèo, hễ lập được phổ trạng cho một gia đình nào thì mừng lắm, cho rằng như vậy ông gián tiếp khuyên thanh niên nhớ công tổ tiên, giữ gìn truyền thống dân tộc.
● Ðoàn Thêm. Vì cảnh nhà buồn nên cũng thường lại thăm tôi. Ông là một công chức siêng năng, liêm khiết mà thích làm văn hóa, có một hai tập thơ, bốn năm tập khảo về hội họa, mĩ học, văn học, ba bốn tập sử biên niên từ 1964 đến 1970, tránh những vấn đề chính trị.
Ông quê ở Hữu thanh oai (Hà nội), con cụ Ðoàn Triển, có vẻ khắc khổ, tính tình nghiêm khắc, giữ được truyền thống nhà Nho, tự trọng, trung hậu, từ sau ngày 30-4-75, tính tình mềm mỏng hơn.
● Lại chơi tôi thường nhất là Vương Hồng Sển (Sển là giọng Triều châu của chữ Thịnh). Tổ tiên ở Phúc kiến, ông sinh trưởng ở Sóc trăng, nên biết tiếng Trung hoa, tiếng Miên. Giỏi tiếng Pháp.

Ông chuyên khảo về lịch sử miền Nam, về hát bội, hát cải lương và về đồ cổ, đã xuất bản được non mười cuốn mà cuốn có giá trị nhất là Sài gòn năm xưa. Có hồi ông dạy sử ở Ðại học Sài gòn, Huế. Văn ông chịu ảnh hưởng nhiều của Trương Vĩnh Kỳ, có giọng bình dân của người Nam, dùng nhiều tiếng cổ địa phương, trái hẳn với Ðông Hồ.

Biệt thự của ông ở Gia định là một nhà bảo cổ của tư nhân, chứa nhiều đồ cổ, sách quí. Cổ cả về kiến trúc, từ cái mái tới các rui mè, kèo cột, núi non bộ…

Tôi làm quen ông từ hồi mới lên Sài gòn, năm 1956; lúc đó ông thôi làm về hành chính mà giữ chức quản thủ thư viện Blancard de la Brosse ở Thảo cầm viên, nhưng mãi đến sau ngày 30-4-75, chúng tôi mới gặp nhau thường. Năm nay (1981) ông đúng tám chục tuổi, tóc bạc phơ nhưng vẫn còn mạnh; từ 1976, tuần nào cũng xách ba toong từ Gia định ra chợ sách cũ ở Sài gòn, đường Bùi Quang Chiêu cũ, để kiếm sách hiếm, và cứ khoảng nửa tháng lại ghé tôi, tự đem sách lại cho tôi mượn đọc, không đợi tôi hỏi, và ngồi nói chuyện với tôi một hai giờ. Ông nhớ rất nhiều phong tục, nhân vật miền Nam, câu chuyện của ông rất vui. Ông đã có cả ngàn trang hồi kí và biên khảo, chưa in, với mấy ngàn tấm thẻ về địa danh Nam việt. Ông có thể viết bằng máy đánh chữ suốt ngày mà không mệt. Tôi mong ông có thì giờ chép lại tất cả các hồi kí của ông về miền Nam để lưu lại cho đời sau.

(Cuốn Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê – Tập III đến đây là hết phần chính. Sách còn sáu bài Phụ Lục ghi lại một ít câu chuyện bên lề có tính cách thời sự cách đây 30 năm, chúng tôi không đăng lại ở đây).

HẾT

[Trở Về]

…..

Tìm Kiếm