2017-08
Tháng 08/2017
KHÓC BẠN
Lê Việt Thường, chúng ta đã quen nhau, sợi tơ trời An Vi kết thành định mệnh. Lưỡi kiếm tuyệt chiêu tài hoa luận thuyết An Vi làm ngưỡng mộ bao người bạn môn sinh của một Thầy. Bạn chân phương, đơn sơ, một chữ Vô cầu. Chúng ta, bên nhau, tình yêu Chân Lý đã vượt qua mọi chông chênh. Bình Yên bên bến đỗ tâm linh : Minh Triết Việt.
Bạn đã giữ một nửa tâm hồn tôi rồi đó.Không biết bao nhiêu là tư tưởng sẻ chia mà chưa vơi, mà có những điều chưa nói mà như là hiểu hết. Chúng ta an vui làm việc bên nhau, quên bao cách trở xa xăm, quên cả tóc đã phai mầu, cứ ngỡ rằng thời gian chờ đợi được…Tình người tri kỷ thì đâu có cánh để mà bay.
Lê Việt Thường ơi! Bạn ra đi không lời từ biệt.
Sợi tơ trời An Vi đang đưa bạn về đâu…
…Giờ mệnh chung của người tri kỷ tôi không có mặt, ngậm ngùi từ nay cho đến bao giờ…
Nếu lời hẹn hò này gửi được vào vũ trụ tâm linh, tôi xin gặp lại người tri kỷ kiếp sau, gặp nhau lại từ đầu, nối lại tơ trời AN VI.
Nguyện cầu linh hồn Người Minh Triết An Vi được yên nghỉ nơi chốn thiêng liêng vô cùng.
Đông Lan
Điếu Văn Đại Diện Nhóm An Vi Minh Triết Việt Đọc Trong Tang Lễ
LÊ VIỆT THƯỜNG
( 28/02/1949 – 01/07/2017)
Kính Thưa Quí Vị, Các Bạn, và Các Anh Chị Em:
Chúng tôi rất hân hạnh được phép lên đây trình bầy về các hoạt động văn hoá của Anh Lê Việt Thường trong thời gian qua trước khi Anh ra đi.
Phần trình bầy của tôi gồm ba phần: Những hoạt động văn hoá của Anh Lê Việt Thường, những thành quả mà Anh đã đạt được, và những kế hoạch trong tương lai.
Trước hết tôi xin trình bầy về những hoạt động văn hoá của Anh Lê Việt Thường.
Nói về những hoạt động văn hoá của Anh Lê Việt Thường thì tôi không thể nào không nói tới người Thầy của Anh, tức Triết Gia Kim Định.
Trước năm 1975, Anh Lê Việt Thường học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và đã tốt nghiệp Cử Nhân Triết. Anh đã học Triết Tây, Triết Đông và Triết Việt.
Triết Gia Kim Định đã là Giáo Sư của Anh về môn Triết Đông và Triết Việt.
Giáo sư Kim Định trong thời gian giảng dậy tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn đã chú tâm truyền đạt hệ tư tưởng Việt cho các môn sinh của Ông. Anh Lê Việt Thường là một trong những người đó. Hệ thống tư tưởng Việt mà Ông đã khám phá ra đã làm say mê Anh Lê Việt Thường khiến Anh đã đem hết cuộc đời còn lại của mình để phục vụ cho lý tưởng truyền bá tư tưởng Việt ấy.
Vậy tư tưởng đó là cái gì và Triết Gia Kim Định đã khám phá ra hệ tư tưởng đó như thế nào ?
Thưa đó chính là Việt Đạo Thái Hoà, còn được gọi là Triết Lý An Vi, Minh Triết Việt.
Và phải nói rõ ra rằng Tư tưởng Việt Nam không được viết bằng sách hay Kinh điển, nhưng được dấu kín trong một lâu đài Văn hoá kỳ vĩ, nếu không biết đường vào cái lâu đài đó, thì chúng ta không tài nào biết được nó.
Xin thưa Triết Gia Kim Định đã đi vào lâu đài Văn hoá kỳ vĩ đó bằng 4 cửa ngõ: đó là Từ, Tượng, Số, Chế.
1-Từ – là gồm một kho tàng ca dao tục ngữ vĩ đại và các truyền thuyết, huyền thoại. Thí dụ các câu ca dao tục ngữ:
- Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn
- Có đi có lại mới toại lòng nhau
- Thương nhau quả ấu cũng tròn ghét nhau bồ hòn cũng méo
- Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì lại chẳng ai bằng mình
Các câu ca dao tục ngữ này đều diễn tả tư tưởng hoà hợp, diễn tả đạo Hòa.
2- Tượng – là biểu tượng, đó là biểu tượng Rồng Tiên. Tại sao chỉ có dân tộc Việt xử dụng hai vật thể để biểu tượng dân tộc mình? Vì phải có hai biểu tượng Âm và Dương thì mới diễn tả được sự hòa hợp. Truyện kể rằng Lạc Long Quân nói với Âu Cơ Lạc Long Quân phải về thuỷ phủ nhưng bất cứ khi nào cần nhau thì hẹn gặp nhau tại cánh đồng Tương. Cánh đồng Tương chính là nơi Rồng Tiên hội ngộ. Đó là một cảnh để diễn tả đạo Hòa, tư tưởng hòa hợp.
3- Số – đạo Hòa còn có thể diễn tả bằng số.
Ca dao tục ngữ có câu:
Mồng 5, 14, 23
Đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn.
Số 5 gồm có hai số, đó là số 2 và số 3, 3 cộng với 2 là 5. Số chẵn và số lẻ hợp với nhau, còn gọi là âm dương Hòa.
4- Chế – Từ, tượng, số dùng để diễn tả tư tưỏng hòa hợp, các tư tưởng đó thể hiện ra vật thể thì gồm các thể chế, luật lệ.
Thể chế làng xã Việt nam là một thể chế dân chủ- Các học giả Tây phương cho rằng thể chế dân chủ tại làng xã Việt nam là một thể chế dân chủ đích thực, còn thể chế dân chủ ở các xã hội tây phương là thể chế dân chủ hình thức mà thôi.
Luật Hồng Đức đời Lê là một bản Tuyên ngôn nhân quyền ra đời 500 năm sớm hơn bản Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Những khám phá kể trên đã được Triết gia Kim Định ghi chép, hệ thống hóa thành 32 tác phẩm.
Điều này đã giải thích tại sao Anh Lê Việt Thường đã say mê hệ tư tưởng Việt Nam.
Triết gia Kim Định đã tin tưởng vào khả năng của anh Lê Việt Thường nên Anh đã là một trong những người được giao phó truyền bá hệ tư tưởng Việt nam. Thế cho nên sau khi Triết gia Kim Định qua đời Anh đã tích cực tham gia vào các hoạt động văn hoá dân tộc như tập san Tư Tưỏng, Website Dũng lạc, Website An Việt toàn cầu, v.v…
Nhưng sau một thời gian cộng tác với các nhóm văn hóa nói trên, Anh Lê Việt Thường nhận thấy rằng Anh cần phải có một Website riêng thì mới thực hiện được lý tưởng truyền bá Việt Đạo Thái Hòa.
Sau một thời gian cố gắng Anh đã thành công trong việc thành lập một Website của riêng mình gọi là Minhtrietviet.net.
Tháng 4 năm 2012, Minhtrietviet.net lần đầu tiên xuất hiện trên internet. Sau đó cứ mỗi tháng một lần, các bài vở được cập nhật hàng tháng. Đến nay đã 5 năm, Website Minhtrietviet.net có một nội dung vô cùng phong phú. Ngoài những bài viết về Văn hoá Việt, còn có những bài viết về kiến thức tổng quát bao gồm nhiều lãnh vực: triết đông, triết tây, lịch sử, văn học, khoa học, tâm lí học, y học, xã hội học v.v…
Website Minh triết Việt đã có khả năng thu hút một số độc giả người Việt càng ngày càng đông…Website Minh triết Việt đã được sự hưởng ứng của người Việt ở khắp nơi trên thế giới và của người Việt ở trong nước nữa.
Số người đọc càng ngày càng đông vì nội dung vô cùng phong phú. Cách đây 2 năm tôi đã được Anh cho biết số người đọc tại Hoa kỳ đã tăng, hơn 300,000 người chỉ trong vòng một tháng Website Minh triết Việt đã trở nên một phương tiện hữu hiệu để truyền bá Văn hóa Việt tộc. Đây là một sự thành công vô cùng lớn lao đối với Anh vì nó đã đáp ứng được mong ước của chính Anh và Thầy của Anh là Triết gia Kim Định.
Tới đây tôi phải nói rằng, một thành công khác mà Anh Lê Việt Thường đã đạt được : Anh Lê Việt Thường đã đại diện Dân Tộc Việt chống lại các cá nhân cố gắng đánh phá, hạ giá trị của Văn hóa Việt Nam, hạ uy tín những người làm Văn hóa, truyền bá Văn hoá Việt tộc. Trong cuộc chiến đấu chống lại những đối tượng thù nghịch của văn hóa Việt Nam, Anh Lê Việt Thường luôn là người thắng cuộc.
Số người Việt yêu mến Văn hoá Việt tộc càng ngày càng tăng, nhưng cũng có những người Việt vì nhũng lý do này hay lý do kia, đã cố gắng đánh phá Văn hóa Dân tộc, hạ giá trị của Văn hóa Việt, hạ uy tín của người truyền bá Văn hoá Việt.
Những người này không phải là những người tầm thường mà là những đại trí thức tây học và là những đại trí thức xã hội chủ nghĩa và cả những Trí thức Tây học nửa vời nữa.
Trong các cuộc giao đấu giữa Anh và các đối thủ của Anh (những người chống phá Văn hoá Dân tộc), Anh Lê Việt Thường luôn luôn là người thắng cuộc. Những khí giới trong các cuộc giao đấu là khả năng lý luận. Địch thủ của Anh luôn luôn phải ôm đầu máu bỏ chạy vì lý do khả năng lý luận của họ quá yếu kém.
Sở dĩ Anh Lê Việt Thường thắng được đối thủ là do kiến thức thâm sâu của Anh về triết Tây, triết Đông và triết Việt. Ngòai việc xử dụng những lý luận thông thường, Anh còn xử dụng luận lý hai chiều của Văn hoá Việt tộc. Sở dĩ Anh có khả năng xử dụng luận lý hai chiều vì Anh có kiến thức về Minh triết Việt. Anh đã hạ đo ván tất cả những địch thủ của Anh, những người đã dám đụng tới Văn hóa Việt.
Những chiến công của Anh đã chứng tỏ khả năng của Anh, nhưng cũng chứng tỏ sự siêu việt của Văn hóa Việt tộc.
Anh Lê Việt Thường đã làm chúng ta hãnh diện về Văn hoá Dân tộc.
Anh Lê Việt Thường xứng đáng để được chúng ta vinh danh.
Anh Lê Việt Thường là một trí thức yêu nước và là một triết gia lớn của Việt Nam, đứng sau Triết gia Kim Định.
Trong phần cuối tôi muốn nói về kế hoạch tương lai của Anh.
Quí vị đã biết chỉ sau hơn nửa thế kỷ, người cộng sản Việt Nam đã thành công tiêu huỷ hoàn tòan cơ chế làng xã ở Việt Nam, cũng như thành công trong việc tiêu trừ những giá trị Văn hoá Việt. Thế nên Anh Lê Việt Thường đã có kế hoạch tạo dựng một lớp trí thức dân tộc trẻ có khả năng phục hoạt lại hệ tư tưỏng Việt tộc để phục hưng lại đất nước.
Đó là kế hoạch dài hạn, còn trong ngắn hạn Anh có ý định công bố những khám phá mới nhất về Khảo cổ học chứng minh văn hoá Việt tộc đã lan truyền thế nào trên lãnh thổ Trung quốc (ngày nay) trong thời xa xưa của lịch sử.
Trước khi dứt lời tôi xin chân thành chia buồn cùng tang quyến Anh Lê Việt Thường và xin cầu nguyện hương linh Anh sớm tiêu diêu miền cực lạc.
THÁI ĐÔNG A
Viết và đọc trong giờ Tang Lễ
11giờ sáng 14-07-2017, Melbourne, Australia.

Mục Lục
- Hằng Tính của Dân Tộc Việt
- Vài Cảm Nghĩ về Buổi Tưởng Niệm Cố Triết Gia Kim Định Tại Văn Miếu Hà Nội
- Những Ngộ Nhận Lâu Đời Về Nho Giáo, Phần I, II.
- Claude Levi-Strauss và Khoa Học Nhân Văn
- Cơ Cấu Luận, Dịch Học và Vấn Đề Cũ Mới
- Cơ Cấu Luận và Các Trào Lưu Văn Hóa Khác
- Kinh Qua Triết Học Tây Phương, Phần I, II
- Kinh Qua Triết Học Ấn Độ
- Huyền Sử Tiên Rồng
- Minh Triết Dẫn Đạo Chính Trị
- Tưởng Nhớ Nhà Hiền Triết, Triết Gia, Vị Thầy Khả Kính
RỒNG TIÊN HỘI NGỘ
Lời Thơ: Lê Việt Thường
Giọng Ngâm: Thu Thuỷ

Cảm Nghĩ vềBài Thuyết Trình của Diễn Giả Hà Văn Thùy
Cảm Nghĩ Về Bài Thuyết Trình của Diễn Giả Trần Ngọc Thêm
Phụ Lục 1- Bài Thuyết Trình Của Diễn Giả H.V.T.
Phụ Lục 2: Bài Thuyết Trình của Diễn Giả T.N.T.

2 – Khi NHà Phê Bình Văn Học Xuyên Tạc Văn Hoá Việt
3 – Về Thực Chất Biểu Tượng, Huyền Thoại, Huyền Sử
4 – Về Thực Chất Và ý nghĩa Vài Huyền Sử, Huyền Thoại Việt
5 – Thái Độ Vọng Ngoại CựcĐoan ( 1)
6 – Thái Độ Vọng Ngoại Cực Đoan (2)
7 – Thái Độ Vọng ngoại Cực Đoan (3)
8 – Thái Độ Vọng ngoại Cực Đoan(4)
9 – Thái Độ Vọng Ngoại Cực Đoan(5)

2- Luật Hồng Đức Và Và Vấn Đề Dân Chủ: Tinh Thần và Thể Chế
4 – Khi Nhà Sử Học Lạc Đường Vào Thế Giới Văn Hóa
5 – Thuyết Tiến Hóa Từ Charles Darwin Cho Đến Hôm Nay
6- Thái Độ Nghiêm Túc Khi Xử Dụng Dữ Kiện Hay Lý Thuyết Khoa Học
7 – Cần Cập Nhật Hóa Phương Pháp và Nội Dung Trong Lãnh Vực Suy Tư
8- Một Chút Bổ Túc Bài Viết Tết Là Gì?
Xin Quý Độc Giả Bấm Vào
DANH MỤC
TÁC PHẨM KIM ĐỊNH
Để Đọc 32 Tác Phẩm Đã Xuất Bản Của Cố Triết Gia