…..

HỮU LOANNHÀ THƠ CỦA NHÂN CÁCH

IMG.486

Không hề cúi đầu

Hữu Loan sinh năm 1916 tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông học thành chung ở Thanh Hóa sau đó đi dạy học tư kiếm sống. Tham gia cách mạng từ năm 1936, hoạt động phong trào Mặt trận Bình dân tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa.

Ông kiên cường chịu đựng nghèo khó mà không hề cúi đầu trước thế lực của những người trước đây là đồng chí nhưng nhìn ông với đôi mắt thù hằn lẫn ngờ vực.

Năm 1943, Hữu Loan về Nga Sơn gây dựng phong trào Việt Minh ở quê ông. Giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, sau đó làm Ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính trong kháng chiến chống Pháp.

Trong khoảng thời gian 1956-1957, Hữu Loan tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Ông sáng tác những tác phẩm lên án thẳng thắn và quyết liệt đến những tiêu cực của các cán bộ nịnh hót, đố kỵ, tham nhũng hay ám hại lẫn nhau để thăng quan tiến chức.

Sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan bị cải tạo vài năm, tiếp đó bị giam lỏng tại địa phương suốt nhiều chục năm không được góp tiếng nói hay tác phẩm với đời. Ông kiên cường chịu đựng nghèo khó mà không hề cúi đầu trước thế lực của những người trước đây là đồng chí nhưng nhìn ông với đôi mắt thù hằn lẫn ngờ vực.Ông mất vào ngày 18 tháng 3 năm 2010 tại nhà riêng thọ 95 tuổi.

Tác phẩm của Hữu Loan không nhiều trong đó gồm Màu tím hoa sim, Đèo Cả, Yên mô, Hoa lúa, Tình Thủ đô… và tập Thơ Hữu Loan.

Người không biết ông thì “Màu Tím Hoa Sim” là cầu nối dẫn họ tới nhà thơ. Với người biết ông thì bài thơ này chưa phải là đáng nói so với nhân cách của ông, một nhân cách trung thực đến cứng cỏi đáng làm tấm gương soi cho trí thức trong nhiều giai đoạn.

Hữu Loan sống và đồng hành với Cách mạng từ lúc thành công cho tới khi cũng chính Cách mạng tiêu diệt niềm tin, tính tự trọng và đau đớn hơn hết là đã làm nhiều người trở thành vô cảm trước các nỗi đau của xã hội.

Người đi bộ ngược chiều

Tuy chỉ là một nhà thơ nhưng Hữu Loan đứng bật dậy không khoan nhượng với chế độ. Nói theo cách nói của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thì Hữu Loan là người đi bộ ngược chiều. Chiều của dòng chảy thuần tính xã hội chủ nghĩa, chiều của a dua hay im lặng. Chiều của muôn vàn cái ác cái xấu nay đã trở thành bình thường và được nhiều người dửng dưng chấp nhận.

Hữu Loan không chấp nhận. Hơn thế ông còn lớn tiếng phê phán, thậm chí mạt sát và sau đó chấp nhận về nhà còng lưng gánh đá nuôi con. Ông chấp nhận oằn lưng dưới đá nhưng không chấp nhận cúi đầu trước những con người mà ông cho là điếm nhục, khi ngày ngày đếm đồng tiền vấy bẩn bằng mồ hôi, nước mắt của nhân dân do vị thế mà họ nắm giữ.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc ngậm ngùi kể lại lần ông gặp Hữu Loan đầu tiên tại Lâm Đồng. Lần gặp đó cũng là lần đầu nhà thơ của chúng ta rời khỏi Nga Sơn Thanh Hóa sau nhiều chục năm câm nín.

“Lần đầu tiên tôi gặp anh Hữu Loan trong một giờ phút rất đặc biệt. Đó là lúc khai mạc đại hội Hội Văn Nghệ Lâm Đồng.Khi tôi đang ngồi trên chủ tịch đoàn thì anh em bên ngoài đưa vào một ông già tóc bạc trắng, gầy gò ốm yếu và giới thiệu là nhà thơ Hữu Loan đến thăm đại hội. Tôi đến chào đón anh bằng cách ôm anh. Sau đó tôi có làm một bài phỏng vấn anh về Nhân Văn Giai Phẩm.”

Hào khí “Đèo Cả”

Bài thơ “Đèo Cả” được Hữu Loan sáng tác vào năm 1946 cho thấy tài năng của ông đã phát lộ rất sớm. Ông nhìn bạn chiến đấu đồng hành cùng với mình bằng một đôi mắt nhân bản nhưng lời thơ hùng tráng như tiếng kèn thúc quân xóa nhòa đi tất cả nỗi thường tình nhi nữ.

Hữu Loan không ca tụng chiến tranh nhưng thơ ông có sức công phá mãnh liệt của lòng yêu nước. Hình ảnh những chàng trai hiên ngang “râu ngược chào nhau bên vách núi” ý thơ cổ điển lồng trong khung cảnh hiện thực đã tăng thêm hào khí cho bài thơ lên nhiều lần.

Đèo Cả!
Đèo Cả!
Núi cao ngất!
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương
Dặm về heo hút
Đá bia mù sương!
Bên quán hồng quân
Người
Ngựa
Mỏi
Nhìn dốc
Ngồi than

Thương
ai
lên đường
Chầy ngày
Lạc giữa núi
Sau chân
Lối vàng xanh tuôn
Dưới cây
Bên suối độc
Cheo leo
Chòi canh
Như biên cương.
Tức
Râu
trùm
vai rộng
Không nhận ra
người làng
Rau khe
Cơm vắt
Áo phai màu chiến trường
Ngày thêm
Vượn hú
Đêm canh
Gặp hùm
Lang thang!
Gian nguy
Lòng không nhạt
Căm thù trăm năm xa
Máu nghiêng sôi dào dạt
Từ nguồn thiêng
Ông cha.
– Cầu xây chiến lũy ngất
Đây hình hài thiên hoa!
– Xâm lăng!
– Xâm lăng!
Súng
Thèm
Gươm
Khát
– Ai ngâm
Lung lay
Đêm quê nhà!
Nhớ về thăm Đèo Cả
Hậu phương từ rất xa
Ăn với nhau
Bữa heo rừng
Công thui
Chấm muối
Ngủ với nhau
Sạp rừng
Nửa tối

IMG.489

…..

…..

…..

…..

…..

Bà Phạm Thị Nhu, vợ cố thi sĩ Hữu Loan, bên bàn thờ chồng.

Biệt nhau
Rừng hoang
Canh gà
Râu ngược
Chào nhau
Bên vách núi
Giặc từ Vũng Rô bắn tới
Giặc từ trong tràn ra
Nhưng Đèo Cả
Vẫn
Giữ
Vững
Chân đèo Nam
Máu giặc
Mấy lần
Nắng khô
Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
Về bên suối
Đánh cờ
Người hái cam rừng
Ăn nheo mắt
Người vá áo
Thiếu kim
Mài sắt
Người đập mảnh chai
Vểnh cằm
Cạo râu…
Suối mang bóng người
Soi
Những
Về
Đâu ?!

“Trời có mắt”

Sau năm 75, mặc dù trôi dạt nhiều nơi, người Việt vẫn không quên Hữu Loan. Không những vì bài thơ “Màu tím hoa sim” bất hủ mà còn vì nhân cách sống đáng ca tụng của ông nữa. Khi quyết định trao giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp do tạp chí Khởi Hành khởi xướng cho nhà thơ Hữu Loan, chủ biên tạp chí này là nhà văn Viên Linh kể lại:

Một trong những điều tôi nhớ nhất trong cuộc nói chuyện với anh là khi nói rằng tạp chí Khởi Hành quyết định trao giải cho anh thì anh nói chỉ ba chữ: Trời có mắt!

Nhà văn Viên Linh

Năm sáu tháng trước và sau khi trao giải thưởng cho nhà thơ Hữu Loan thì chúng tôi có liên lạc trước hết là những thân nhân sau đó là những bạn bè từ Paris về liên lạc với anh Hữu Loan, sau đó là gọi điện thoại. Một trong những điều tôi nhớ nhất trong cuộc nói chuyện với anh là khi nói rằng tạp chí Khởi Hành quyết định trao giải cho anh thì anh nói chỉ ba chữ: Trời có mắt!”

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên kể lại những lần thăm viếng nhà thơ Hữu Loan mới đây và ông cũng không dấu được ngậm ngùi khi nghe tin nhà thơ qua đời.

“Khoảng tháng 10 năm 2008 cho đến cuối năm vừa rồi tôi có nhiều dịp đến thăm nhà thơ. Như một sự ngưỡng mộ, như một sự tìm kiếm. Ấn tượng ban đầu khi gặp nhà thơ thì ông rất cương cường, cả về thể xác lẫn tinh thần. Người ông gầy sắt seo lại nhưng rất cứng cỏi và trí nhớ thì vẫn rất tuyệt vời. Ông sẵn lòng đọc thơ cho những ai đến thăm có yêu cầu…”

Nhà phê bình VH Phạm Xuân Nguyên

Hữu Loan sinh ra và lớn lên tại miền Bắc nhưng tôn vinh và nhận thức cái hay trong thơ ông lại là dân chúng miền Nam. Trước năm 1975, bài thơ “Màu tím hoa sim” hình như không ai ở miền Nam mà không biết tới. Tính chất bi kịch gây xúc động của câu chuyện có thực, lồng trong ngôn ngữ trữ tình lãng mạn của thi ca đã làm biết bao thanh niên miền Nam say đắm.

Giờ đây người dân miền Bắc đã biết đến Hữu Loan qua những nhạc phẩm phổ từ bài thơ của các nhạc sĩ Dzũng Chinh, Phạm Duy hay Anh Bằng. Miền Bắc biết và yêu ông hơn cả người miền Nam khi xưa vì vừa cảm động bởi bài thơ bất hủ vừa chia sẻ sâu sắc nỗi thống khổ của một người bị guồng máy trù dập như thế nào. Rất nhiều người trong họ đã nếm qua những gì mà nhà thơ từng trải nghiệm.

Tuy vẫn quay trong sự im lặng nhưng hình ảnh bất khuất của nhà thơ hình như cũng khiến cho guồng máy chững lại trong giờ phút ông ra đi. Ra đi nhưng để lại trong lòng những người yêu mến ông biết bao thổn thức.

Hữu Loan – Hai mối tình, hai bài thơ

.
Trong một bài báo trước đây, Hữu Loan kể lại chuyện tình này như sau:

“Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.

Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằng sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời.

Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà .Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ‘Em chào thầy ạ’ Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằng sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu ấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một ‘bà cụ non’. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …”

Tháng 2 năm 1948, ông cưới cô Lê Đỗ Thị Ninh khi cô mới 16 tuổi. Cưới nhau xong, ông lại lên đường ra mặt trận. Không nói thì chúng ta cũng biết mối tình thơ mộng này gây nên nỗi nhớ nhung cho cả hai như thế nào. Lòng luyến nhớ ấy ám ảnh nhà thơ biết bao nhiêu khi ngày ông lên đường đôi mắt của người vợ trẻ nhìn ông lay láy với bao thổn thức không nói thành câu. Nàng đã chờ ông hơn tám năm, cưới nhau xong là ông lên đường và họ chỉ có cơ hội gần nhau không quá mười ngày… cuộc tình được bồi đắp với một thứ chất liệu duy nhất mà cả hai không ai muốn đó là sự xa nhau vời vợi, liên tiếp và không hẹn ngày về.

Ông chia sẻ với bạn bè ngày chia tay với người vợ trẻ rằng hôm tiễn ông lên đường, Em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ giờ em không còn cô bé Ninh nữa, mà là người bạn đời yêu quý của ông. Ông bước đi, rồi quay đầu nhìn lại … Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, ông thật sự đau buồn. Đôi chân ông như muốn khuỵu xuống.

Ba tháng sau ngày cưới, trên con đường hành quân phủ đầy hoa tím của những rừng sim bạt ngàn nơi núi rừng biên giới, Hữu Loan nhận được tin người vợ trẻ. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng: tin nàng đã chết…đôi chân ông đã thật sự khuỵu xuống và cũng từ đó màu tím của rừng sim trở thành bất tử trong thơ ông:

IMG.488

…..

…..

…..

…..

…..

…..

Màu Tím Hoa Sim.

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới

Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
Cái chết của người vợ trẻ đã làm cho Hữu Loan như hóa đá. Với lứa tuổi đã trưởng thành, ông nghiền ngẫm nỗi buồn trong tâm trạng chín muồi của ý thức, và có lẽ từ đó những hình ảnh trên đường hành quân mà nhà thơ đi qua đã quyện vào tâm trí khiến ông bật lên những câu thơ xé lòng trong bài Màu Tím Hoa Sim.

IMG.487

…..

…..

…..

…..

…..

…..

…..

Thi sĩ Hữu Loan và vợ, chụp năm 2004.

Thế nhưng nỗi buồn nào rồi cũng phải qua với thời gian …sau khi dong ruỗi qua nhiều khu chiến vùng biên giới, Hữu Loan trở về với những làng quê công tác và chính những lần công tác này ông gặp mối tình thứ hai.
Người tình này có những nét khác với mối tình lãng mạn của mối tình đầu. Cô gái là một nạn nhân của phong trào cải cách ruộng đất, gặp Hữu Loan trong một hoàn cảnh khá giống với người vợ trước đó là bà nhìn ông dạy học rồi mê hẳn nhà thơ. Bà Phạm Thị Nhu người vợ đã tặng ông hết cả cuộc đời và được ông tặng lại bài thơ bất hủ, bài Hoa Lúa:
Em là con gái đồng xanh
Tóc dài vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
Giếng ngọt, cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm
Trong lời em từng lời
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một
Em ca giữa đồng xanh bát ngát
Anh nghe quê ta sống lại hội mùa
Có vật trụi, đánh đu, kéo hẹ, đánh cờ
Có dân ca quan họ
Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ
Cầm tay trao một miếng trầu
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Quê hương ta núi ngất, sông đầy
Bát ngát làng tre, ruộng lúa
Em gái quê hương mang hình ảnh quê hương
Xa em năm nhớ, gần em mười thương
Còn bàn tay em còn quê hương mãi
Em mang nguồn ân ái
Căng ngực trẻ hai mươi và trong mắt biếc nhìn anh
Em gái quê si tình
Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn…

Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt
Quê hương ta ơi từ nay càng đẹp
Tình yêu ta ơi từ nay càng sâu
Ta đi đầu sát bên đầu
Mắt em thăm thẳm đựng màu quê hương.

Dịu dàng nhưng bất khuất

Bà Nhu kể với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên về ngày gặp gỡ đầu tiên với nhà thơ Hữu Loan như sau:

“Cha mẹ tôi có 13 người con, tôi là thứ sáu. Lúc ông ấy về làng, làm thầy giáo dạy văn, tôi nghe lóm ở ngoài cửa lớp học, mê ông ấy giảng Kiều đến nỗi đêm về nằm mơ toàn thấy ông ấy. Rồi không hiểu sao ông ấy biết được, tìm đến hỏi tôi về làm vợ. Lúc đó cha mẹ tôi cũng không còn sống, gia đình ly tán sau cải cách ruộng đất. Tôi lấy ông ấy không chỉ vì mê mà cũng vì tìm một chỗ nương tựa. Có lẽ cũng vì lý do đó mà tôi đã không bao giờ rời xa ông ấy cho dù đói khổ thế nào.

Thương là thương ông ấy. Ăn toàn cháo khoai mà phải đẩy từng xe đá to khắp làng để bán. Mỗi vài chục bước lại hoa mắt, dừng nghỉ một lúc mới đẩy tiếp được.

Đến năm ông ấy bị kỷ luật, cả nhà về lại quê, lúc đó tôi đang có đứa thứ tư. Về làng, ông ấy vào núi đục đá, tôi làm bánh bán. Đủ loại bánh và cả bún mọc. Không có chút vốn liếng gì cả, tất tần tật là mua chịu, không phải người ta thương mà bán chịu, mà nhờ cái thật thà. Bán cả ngày xong là đem tiền về trả ngay. Còn bao nhiêu thì nuôi con, bữa đói bữa no cũng sống được mấy mươi năm.

Thương là thương ông ấy. Ăn toàn cháo khoai mà phải đẩy từng xe đá to khắp làng để bán. Mỗi vài chục bước lại hoa mắt, dừng nghỉ một lúc mới đẩy tiếp được.”

Nhà thơ Hữu Loan đã sống hết mình cho cả hai người vợ. Với người vợ đầu ông tặng bà bài thơ Màu tím hoa sim. và bài thơ này đã làm cho người đời thương cảm mối tình tuyệt đẹp khó quên. Đối với người vợ thứ hai, ông không những tặng bà bài thơ Hoa Lúa, mà còn tặng cả những bất khuất, những hiên ngang của một kẻ sĩ chân chính. Và chính điều này đã làm cho bà hãnh diện hơn biết ngần nào khi người đời mỗi lần nhắc đến tên ông, một thi sĩ dịu dàng biết mấy với vợ con nhưng không biết cúi đầu trước bất cứ sức mạnh nào trong cuộc sống

( Tổng hợp internet)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm