Đông Lan
Việt Lịch 4891
Ngày Tiên, Tháng Rồng
“ Tổ Nước cũng là Tổ Người”
Triết Gia Kim Định.
Từ minh tâm: “ Tổ Nước cũng là Tổ Người” hồn phiêu lãng như chắp cánh chim Hồng, chim Lạc bay thẳng về Tổ Ấm có tiếng ca huyền thoại ngàn năm của nước Việt Linh. Trong gió Mùa Xuân còn vương, ngày Tiên tháng Rồng con xin dâng lên Quốc Tổ đoá hoa An ,đoá Quốc Hoa mà Thầy của con đã gieo hạt, ươm trồng bằng tất cả tâm tư của một đời vượt lên, vượt qua cả chính mình. Cho con biết Yêu và Mến, suối nguồn minh triết quê hương.
HUYỀN SỬ TIÊN RỒNG
MINH TRIẾT UYÊN NGUYÊN của DÂN TỘC
Huyền Thoại là tự truyện của một dân tộc được kể lại trong cái lung linh sử mệnh của dân tộc. Sử mệnh của một dân tộc là con đường tiền nhân mặc khải qua những thăng trầm, của phút nội tỉnh, những phút trổi vượt về miền tâm linh siêu việt, của những ước vọng hừng hực LỬA SINH SINH không mất đi trong hành trình sinh tử.
Do đó, Huyền sử là Tiềm Thức Cộng Thông của Dân Tộc, nơi đó tiền nhân gửi gấm linh hồn vượt không gian và thời gian qua huyền thoại.
Thật thế, Huyền sử là di bảo thiêng liêng, là giá trị tinh thần của dân tộc do bao đời kết tinh, là linh hồn của lịch sử. Huyền sử là ý nghĩa của sử, là đạo lý của sử, là mạch sống đời đời của sử. Nếu sử ký là Sử Hàng Ngang, nhằm ghi lại sự kiện bám sát vào không gian và thời gian, thì Huyền Sử là Sử Hàng Dọc, vượt lên, bao trùm không thời, đi vào cội nguồn của hồn sử. Những biến cố của sử ký có tính cách cá thể, chỉ xẩy ra một lần, trong một không gian và thời gian nhất định. Vì thế, địa danh và niên đại phải được ghi chép rõ rệt và trở thành quan trọng. Nhưng trái lại, ý nghĩa của Huyền sử nhắm tới cái gì phổ quát, vượt lý trí phân minh, đi vào miền thâm sâu của tiềm thức, tiếp cận miền vi tế của tâm linh. Vì thế những địa danh, niên đại, cũng như các nhân vật phải được hiểu một cách co dãn, trừu tượng, vì Huyền sử là đạo lý của dân tộc được gửi gấm qua những mảnh vụn lịch sử. Do đó, nếu sử ký là Sử Vòng Ngoài của những biến cố Ngoại Diện, thì Huyền Sử là Sử Vòng Trong của Tâm Linh Dân Tộc.
Hay nói cách khác, nếu sử ký là câu chuyện của Tử Sinh, thì Huyền sử là cõi Sinh Sinh Bất Tuyệt.
Do đó, muốn tiếp cận Ánh Sáng Tâm Linh của Huyền Sử, con người cần phải thả lỏng các ràng buộc của quy luật sử ký, cần dọn tâm hồn cho trống rỗng, tâm không nghiêng lệch, ô nhiễm từ bất cứ ý niệm nào. Cùng nhau, chúng ta, những người con Việt muôn phương, mở lòng ra, lòng Hư Không, và bắt đầu cung kính mở trang đầu tiên Huyền Sử Việt. Cuộc hội thoại với Tâm Linh Dân Tộc chỉ cần một hành trang duy nhất là không một hành trang gì được mang theo – Đọc Huyền Sử với Tâm Vô Tư, Vô Nhiễm, Vô Cầu.
( Chính Văn) Truyện Hồng Bàng
Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi tuần đến núi Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh, Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quận cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.
Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Long Quân dậy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ; hoặc có lúc đi về thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân: “Bố đi đằng nào, không đến mà cứu chúng ta”, thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.
Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ thấy Long Quân đã về thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê la Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu du khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa, dị thảo, trân cam dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị, không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về.
Nhân sẵn về nên mới đem nhau kêu rằng: “Bố ở phương nào nước nam khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân, nên mau về cứu nhân dân”.
Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá mới hóa ra một chàng trai nhi lang phong tú mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang. Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quân thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng. Đế Lai trở về Bắc lại truyền ngôi cho Đế Du Võng. Du Võng truyền lại cho Xi Vưu cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Truyền và Trác Lộc không hơn nên tử trận. Họ Thần Nông biến mất.Âu Cơ ở với Lạc Long Quân, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, bà đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng uy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.
Long Quân ở lâu dưới Thủy Phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc quốc liền đi lên biên cảnh; Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh ngày đêm trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân “Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ!” Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương Dã. Âu Cơ nói:
-Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò võ.Lạc Long Quân bảo:
-Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc gì thì cùng nghe, không được bỏ nhau.
Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã ra đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam đến nước Hồ Tồn (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nuớc làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Vũ Định, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ là tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng; con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu Ty gọi là Bố Chính, thân bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khởi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.
Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:
– Ở núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.
Bèn khiến lấy mực châm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.
Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy gạo cất làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cầy, lấy nước cấy đất trồng gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm, lấy cây làm nhà để tránh nạn hổ lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện việc vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã cối gạo cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.
Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.
Ý Nghĩa
Qua Huyền Sử Hồng Bàng, dân tộc ta có truyền thuyết về nguồn gốc Người Việt là Con Rồng Cháu Tiên.
Như đã trình bầy ở trên, huyền thoại dân tộc là lời gửi gấm sâu xa về ý nghĩa nhiều hơn sự kiện. Tiên và Rồng là hai biểu tượng chỉ Hai Linh Lực của cuộc sống. Hai sức sống ngược chiều nhau như Tiên và Rồng trong huyền thoại, ví von như Tiên ở trên núi, Rồng gốc dưới nước. Hai sức đối nghịch không giống nhau được, như Hữu -Vô, Tán- Tụ, Tử- Sinh, Tâm-Vật, Lý-Tình v.v…Sự mâu thuẫn phải gây ra ly biệt, cho nên sự chia tay của Lạc Long Quân và Âu Cơ là sự chia tay tất yếu của lý trí khi nhìn ở sự cách ly của vạn hữu. Vì, Lý Trí là Phân Biệt.
Thật thế, nếu ta thử ngắm nhìn ngoại giới với giác quan thông thường ta sẽ thấy vạn vật rõ ràng phân biệt với hai khuynh hướng cực kỳ khác biệt: Thế giới cụ thể này quả thực là có; có xác thân với bao là nhu cầu cần thỏa mãn, có cảm xúc mừng giận buồn vui với tất cả chấn động của thân tâm; có mùa trăng hạ huyền, có hương táo nồng nàn…Nhưng rồi tất cả những đọng ngừng tưởng chừng như có thật ấy rồi cũng trôi qua. Không níu giữ được mãi, nên con người mới vỡ lẽ ra cái hư vô đã ẩn tàng nơi sự vật , nơi kết tụ mong manh đã ngầm chứa sự biệt ly, trong sự sinh tồn đã có lưỡi hái huỷ diệt. Ý thức về hai sức mâu thuẫn trong bản thể vạn vật làm con người – dù mặc nhiên hay minh nhiên – xác nhận bản tính cho nó nơi chọn lựa cách thái sinh hoạt: Nếu nhận rằng bản chất đời sống là những gì hữu hạn, cụ thể, thoả mãn những giá trị mà giác quan có thể kiểm nhận được, người ta đi theo khuynh hướng duy vật hữu vi một cách tích cực. Ngược lại, con người cũng có thể chọn lựa thái độ tích cực với vô vi. Hoặc một chọn lựa dung hợp, như An Vi chẳng hạn. Nghĩa tích cực ở đây có nghĩa là coi trọng, nghiêng về một giá trị này và coi nhẹ giá trị khác, là đặt nổi yếu tố đối kháng và chọn lựa dứt khoát.
Sự việc Lạc Long Quân đề cập với Âu Cơ về các sự khác biệt, nào là: Thủy hỏa tương khắc, phương viên bất đồng chính là ý nghĩa của cái nhìn của Lý trí trên hiện tượng vạn vật. Lý trí là một khả năng hữu hiệu của con người trên bứơc đường phân tán. Nó có tính sắc bén của một con dao nên khi xử dụng lý trí trên bất cứ sự vật, sự việc gì, việc đầu tiên của lý trí là chia cắt, chẻ nhỏ, cô lập sự vật, sự việc ấy lại, nên thấy nước là nước, lửa là lửa, làm sao không bất đồng. Chỉ đặt nổi sự khác biệt, là đặt nặng đối kháng, tất phải chia lìa.
Trong đời sống, chúng ta đã biết bao lần để cho lý trí làm chủ các quyết định, chỉ nhìn thấy sự việc một chiều. Hoặc chọn cái lợi thì phải bỏ nghĩa, hoặc chọn ích kỷ thì phải dứt tình người, hoặc chọn sắc đẹp thì phải quên đi phần đức hạnh, hoặc chọn danh vọng thì phải hy sinh chính nghĩa, hoặc chọn tâm bỏ vật, chọn vô bỏ hữu… Như thế, có nghĩa là ta đã đi vào cái vấn nạn của câu chuyện mở đầu huyền sử: Câu chuyện của Lý Trí, câu chuyện của Phân Biệt, câu chuyện của sự Chia Ly, và dĩ nhiên là câu chuyện của sự Bất An, có nước mắt, hoạn nạn, khổ đau.
Nhưng câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ không dừng lại ở đây.
Quan trọng nhất là đoạn Giải Kết cái mâu thuẫn của đời sống phân chia bởi lý trí. Minh Triết Việt cho sự việc Âu Cơ và Lạc Long Quân cùng đồng ý với nhau, nếu có việc cần vẫn phải gặp nhau trên Cánh Ðồng Tương, và nghe lời nhau, không được bỏ nhau, lại là một Hóa giải mâu thuẫn từ nền tảng của Tâm Vô Phân Biệt. Chữ Tình được kết thúc nơi đây thay cho Lý phải là từ giác ngộ Tâm, vì nơi đáy nội tâm sâu xa thăm thẳm ấy mới dung chứa được mọi sự khác biệt, mới nhìn thấy được cái phân chia của lý trí là giả tạo, hẹp hòi, thiển cận. Trầm tư, tâm tư, thả lỏng ý thức bén nhậy đi, con người mới bắt được cái Hư Không, mới trực nhận được Hư Không ấy mới là Lẽ Thật, mới không chỉ thấy đời chỉ là phân ly, dị biệt của từng vạn vật, mới Hội Tụ về Nhất Thể, mới tìm được suối nguồn Bình An, Hạnh Phúc miên viễn giữa lòng đời.
Trong ý nghĩa đó, Huyền thoại Tiên Rồng đã muốn nói một sự Tương Quan giữa hai đối nghịch đều phải Kết Hợp làm một ở đích điểm của mâu thuẫn.
Tiên Rồng là nguồn gốc của người Việt, hay nói chính xác hơn, Tiên Rồng là Bản Thể của vũ trụ, vạn vật và con người muôn nơi muôn thuở. Thật thế, chúng ta thử quan sát và chiêm nghiệm mọi lẽ vận hành trong tự nhiên hay mỗi sinh hoạt của con người đều phản ánh nguyên lý hòa hợp trong mâu thuẫn, tương quan trong đối lập. Vạn sự vạn vật tự bản thể đều có rồi không, không rồi lại có. Nhưng làm sao ta biết được là Thực Tại là có hay không. Vạn vật nương nhau tồn tại và phân định danh phận cho nhau xuất lộ nơi từng cặp mâu thuẫn tịnh hành: Nam-Nữ, Thiện-Ác, Tiểu-Đại, Động-Tịnh, Ngày-Đêm…Trong sự tương đối ấy, mọi sự mâu thuẫn đều là điều kiện của nhau. Có xác định người nam thì mới có tiêu chuẩn y cứ mà cho rằng người kia là nữ. Vì cho rằng có điều gọi là thiện thì mới gọi điều ngược lại là ác. Có vật cho là nhỏ thì mới có vật lớn. Không có biến động thì làm sao có ý thức về thường tịnh. Không có ánh sáng ban ngày thì làm sao có bóng tối để gọi là đêm…Cho nên, chính trong mâu thuẫn, vạn vật tự xác định cái danh và phận của nhau, tự giúp nhau tồn tại, tự sinh ra nhau, và cũng sẽ tự diệt với nhau. Bản chất ấy gọi là mối tương quan nền tảng. Nếu Chân Lý là Sự Thật, thì Mâu Thuẫn là Chân Lý, Tương Quan Mâu Thuẫn là Chân Lý Tối Cao, Kết Hợp Mâu Thuẫn là Chân Lý Nền Tảng. Khi Kết Giải Mâu Thuẫn cho Tiên và Rồng không được bỏ nhau, vẫn gặp nhau ở Cánh Đồng Tương, có nghĩa là Huyền Sử Việt đã xác tín nhận thức về Chân Lý Toàn Diện ấy. Chân lý là nơi lưu thông những bế tắc. Chân lý là sự tương quan giữa hai chiều đối nghịch. Chân lý là nơi giao hòa của mâu thuẫn. Tiên tổ truyền lại bài học về Bản Tính của vạn vật tiêu biểu trên cánh đồng Tương, nơi gặp gỡ của hai lực đối nghịch Tiên Rồng. Cánh Đồng Tương cũng chính là Cánh Đồng Tâm.
Như thế, ta có thể gọi Rồng Tiên là Âm Dương, Sắc Không cũng cùng một ý nghĩa như vậy. Rồng Tiên, Âm Dương , Sắc Không chính là Bản Thể Mâu Thuẫn bất Khả Phân Ly qua ý nghĩa của Mùa Tiên Rồng Hội Ngộ nơi Tương Dã trong Huyền Sử Việt.
Ngày nay khoa học minh chứng trong điện, cũng có hai dòng điện tiêu, tích. Phân tích một nguyên tử cho biết đó chỉ là sự cấu tạo của âm điện tử và dương điện tử. Với thuyết tương đối của Einstein thì hai thực thể cơ bản làm nên mọi hiện tượng vạn vật là Thời gian và Không gian không phải là hai thực thể độc lập không có chi liên hệ. Mà không gian và thời gian tương quan, liên kết, có thể nói vũ trụ này chỉ là một khối Không-Thời-Liên. Trong lãnh vực y khoa, cơ thể luôn sinh ra chất đề kháng với các chất có hại cho nó (bệnh chỉ là sự bất quân giữa các liều lượng của chất thuận và nghịch). Hệ thống điện toán ngày nay chỉ dựa trên sự áp dụng của hai tình trạng 0 và 1.
Như vậy theo kiểu nói của ngôn ngữ nào, biểu tượng trong huyền sử, mạch lạc trong triết lý, hay cụ thể trong khoa học, cũng đi đến những ý nghĩa như nhau về bản thể của vạn vật, và cũng là bản chất của con người: HÒA điệu giữa hai đối nghịch, Một mà Hai, Hai mà Một, Mâu Thuẫn nhưng không hủy diệt, Tương khắc Tương sinh, Sắc Sắc Không Không.
Trên chiều hướng đó, Huyền Sử Con Rồng Cháu Tiên được hiểu như hai cột trụ chống đỡ khung Tâm Thức con người của Minh Triết Việt. Khi Rồng Tiên còn chia cách, thì Rồng có thể biểu hiệu cho bản chất hướng ngoại, phân chia, suy luận, lý trí, ý thức, hiển nhiên như Tâm còn ở trong chốn đầm lầy tù hãm có tính chất vật thể giới hạn, tức Rồng mới ở giai đoạn khởi đầu của tiến trình Cá thể hóa của cõi Hiện tượng, còn nặng phần tiểu tâm, tiểu trí của cái “ta” nhỏ bé ở đợt hiện hình, ngoại diện. Còn Tiên có thể biểu hiệu cho bản chất hướng nội, tổng quát, trực giác, tâm tư, tiềm thức, nhưng Tâm vẫn còn ở trong trạng thái mông lung, hàm hồ, đồng nhất với cõi Vô thức.
Muốn thoát khỏi “gọng kềm” nhị nguyên đối kháng nêu trên, là tình cảnh phải “chọn một bỏ một”, hoặc một bên Ý Thức phân ly, tính toán sắc cạnh, hoặc bên kia, Tiềm Thức hàm hồ, âm u, tăm tối, như phải chọn hoặc Lý hoặc Tình, một vấn nạn khó khăn, mà muốn giải quyết, Hành giả phải tạo điều kiện cho Rồng Tiên Hội Ngộ. Được như vậy thì Rồng mới vùng vẫy, uốn khúc được để trở thành Rồng Thiêng, vì Rồng không còn biểu hiệu cho lý trí của ý thức cá nhân hữu hạn nữa, mà nhờ tiếp cận với Tiên, tức nội dung của Tiềm Thức thâm sâu nên Rồng đã trở thành Biểu Tượng của Ý Thức Sáng Láng Về Toàn Thể Thực Tại mang tính Vô Biên. Còn Tiên dưới ánh sáng của Ý Thức Toàn Diện của Rồng, đã vượt qua được trạng thái “vô phân biệt” Nguyên thủy của trạm Quỳnh Hư của cõi Tiềm Thức mông lung để bước vào điện GIAO QUANG của miền TÂM LINH SIÊU TUYỆT.
Rồng Phải Hội Ngộ cùng Tiên trong Ý Nghĩa con người với cái “ta” Ngoại Diện thuộc về Lý Trí Hiện Tượng có khuynh hướng liên hợp với cái “TA” uyên áo của Nội Tâm sâu thẳm. Rồng không còn là Rồng nữa với xác thân hữu hạn, mà đã “Siêu Việt” để trở thành Rồng Thiêng khi tiếp cận Giấc Mơ Tiên. Cũng tương tự, Tiên cũng rộn ràng đam mê nhiệt đới, cũng không thể khước từ trái Táo địa đàng. Tâm Thức Rồng Tiên là Tâm Thức Toàn Diện của Cơ Cấu Uyên Nguyên. Cá nhân chỉ Trọn Vẹn Hóa trong Tương Quan, Thống Nhất với Toàn Diện Tính của Bản Thể Rồng Tiên. Trong tất cả những đa đoan của đời sống chẳng qua chỉ là một trường thử nghiệm của khuynh hướng tìm về chính Mình, Bản Tính Liên Hợp, có nước mắt của chia xa và niềm hân hoan hạnh ngộ. Nói một cách khác, Chân Lý Rồng Tiên ẩn tàng nơi Tương Dã chính là Lời Hẹn của Tình Yêu giữa Đạo với Đời. Cho nên Đạo Mới Không Xa Đời.
Huyền Sử Tiên Rồng còn gửi lại ý nghĩa thêm nữa trong việc Mẹ Âu Cơ sinh được 100 trứng trong một bọc, sau này 50 con ở lại với mẹ và 50 con theo cha xuống biển. Bọc đây phải là Bọc Tâm Linh . Bọc Tâm Linh nên ôm ấp chân lý tròn đầy, chân lý kết hợp, hòa tan mọi mâu thuẫn của thế giới hiện tượng phân biệt, Chân lý Hòa Hợp, bất khả phân ly của Đạo Thể Viên Dung. Một trăm ở đây cũng là biểu tượng cho sự toàn vẹn của mỗi khả thể, 100 là cái toàn thể, toàn thiện của chân lý. Chân lý không để phần tử nào phải lẻ loi cô độc. Chân lý là tròn đầy. Chân lý như là tổng số 100.
Đi vào thể dụng của chân lý, Tiên Rồng với bọc trăm trứng giúp cho người Việt cảm thấy gần gũi nhau hơn trong ý nghĩa đều là cùng một bụng mẹ Âu Cơ, cùng phải thân yêu, đùm bọc lẫn nhau, kết quả là ta có chữ đồng bào (cùng một bọc) để gọi nhau. Và, gọi người cai quản sinh hoạt xã hội bằng “bố”, một từ mà sau này người Việt dùng để gọi cha ruột thịt của mình. Một hình ảnh thân yêu và gần gũi giữa người một nước coi nhau là con một bọc của mẹ, dân gọi vua âu yếm và tin tưởng như cha, ta thấy một dân tộc có trình độ văn hóa cao siêu và nhân bản đã biểu hiện qua Huyền sử Tiên Rồng một cách thơ mộng mà thiết thực như thế là cùng! Còn có một nền nhân bản nào cao siêu hơn?
Chúng ta hãy tìm hiểu các nền văn minh trên thế giới. Tây phương khởi nguồn từ văn minh Hy Lạp, mà theo đó, con người là con cháu của các thần thánh hung dữ và độc ác, đầy đủ thói hư tật xấu của trần gian. Con người vì vậy rất sợ hãi sự thịnh nộ và trừng phạt của các thần, nên giới thống trị dựa vào sự tin tưởng ấy để đưa đến một xã hội phi nhân bản, phân chia giai cấp, điển hình là chế độ nô lệ. Tổ sư triết học Tây phương là Socrate, Platon, Aristote đã chấp nhận và bênh vực cho chế độ nô lệ. Rồi sau đó kỹ thuật tiến dần thì chế độ nô lệ bãi bỏ, chứ không do một lý tưởng cao đẹp nhân chủ bình đẳng nào hô hào bãi bỏ. Ấn Độ cũng không hơn gì. Niềm tin vào thần thánh khiến sự phân chia giai cấp vì lý do sanh bởi chân tay của thần thánh thì phải làm nô bộc cho giai cấp sanh từ đầu của thần thánh, rốt cuộc đại đa số dân chúng làm nô bộc cho một thiểu số tư tế và quý tộc. Ta thử xem bảng thống kê về sự bãi bỏ nô lệ, mới chỉ xẩy ra chưa bao lâu: Hoa Kỳ bãi bỏ nô lệ năm 1808, Anh 1833, Pháp 1845, Bồ Đào Nha 1856.
Trở lại Ý Nghĩa Huyền Sử trên, Tiên Rồng còn mãi mãi ly biệt, khi đời còn theo quan niệm chia cắt Thực Tại Toàn Diện bằng cái nhìn của Lý Trí, như những thuyết Duy vật, Duy tâm, Duy Một Chiều Kích. Tiên Rồng chỉ được Hội Ngộ khi con người nhận thức Chân Lý Hai Chiều Toàn Diện của cuộc Nhân Sinh. Hay nói cách khác, Huyền Sử Tiên Rồng đã đưa ra 3 mệnh đề : Chính Đề là Hiện Tượng Mâu Thuẫn, Phản Đề là Lý Trí Phân Ly, Tổng Đề là Tâm Linh Vô Phân Biệt, qua sự việc Tiên Rồng chia tay rồi hội ngộ nơi Cánh Đồng Tương .
Tóm lại, qua Huyền sử Con Rồng Cháu Tiên của Việt Đạo, bài học đơn giản mà ta có thể nhận ra ngay là: “Ngoài thì là Lý, nhưng trong là Tình”. Sâu xa hơn nữa, đây là một Biện Chứng Tâm Linh Tổng Hợp Chân Thực Hiện Tượng và Bản Chất của nền MINH TRIẾT UYÊN NGUYÊN của Dân Tộc.
Đông Lan