…..
HUYẾT HOA
…..
X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A
…..
V- HỠI ƠI !
TÂM LÝ THẦN LINH HỌC
…..
3- HOÀN CẢNH VỚI NGƯỜI TA
…..Từ tối cổ tới giờ có thể chia lịch sử loài người ra làm ba thời kỳ; sự thành lập của mỗi thời kỳ đó đặt để trên những nền tảng xã hội với điều kiện kinh tế, văn hóa quy phạm, với thực học thủy chuẩn nhất định: Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ thần học, thời kỳ thứ hai là thời kỳ triết học, thời kỳ thứ ba là thời thực học. Ðó là theo cách chia của Auguste Comte. Nếu chia theo Weber hay Hobhouse thì loài người từ tối cổ đến bây giờ có thể chia ra làm năm thời kỳ: dã man, nông nghiệp, trung cổ, quá độ thời kỳ và văn minh.
…..Chia thế nào thì chia, tổng chi ta được một kết luận là bất cứ ở thời đại văn hóa hay lịch sử nào, cái tối cao nhiệm vụ của nó là kiến thiết con người, mà con người quy phạm là sản vật hạn định của thời đại, văn hóa và lịch sử. Thời đại, văn hóa với lịch sử đó là cái hoàn cảnh lũy tiến của loài người mà tự nhiên với xã hội là những hoàn cảnh không gian bất di bất dịch.
…..Cho nên biết hoàn cảnh bao vây, quy định, làm sống hay tiêu diệt mỗi người là tùy theo cái bản thân năng lực. Ta thấy hoàn cảnh của mỗi người có thể bao gồm bào thai hoàn cảnh, tự nhiên hoàn cảnh, xã hội hoàn cảnh, giáo dục hoàn cảnh, thời đại hoàn cảnh. Hơn nữa, ta thấy ngoài những hoàn cảnh ngoại tại, còn những hoàn cảnh nội tại bó chặt ta hơn, như thanh, hương, sắc, vị, sức, ý, với lại tai, mắt, mũi, mồm… há chẳng phải là những thứ lục trần, lục thức như nhà Phật đã nói: “đã mê dụ ta, đã khốn quẫn ta, đã tiêu diệt ta nữa“. Bất quá lịch sử là sự biểu hiện toàn bộ cái ý chí sinh tồn và cái ý chí thực hiện của loài người.
…..Ta thấy rằng loài người bằng những công cụ siêu việt là: óc, tiếng nói, tay… vận dụng những công năng siêu việt là lao động, sáng tạo, cải tạo, tự kỷ và hoàn cảnh, nối tiếp vật lộn để đạt tới cái trình độ văn hóa như ngày nay.
…..Thần linh với tâm lý, nếu ở trong một con người không có một sinh mệnh hệ thống vững bền và thống nhất, thì thời đại, văn hóa với lịch sử hết thảy những sản phẩm của nó đều biến thành những sức lực vô chất và những hình ảnh vô căn đến xâm chiếm và nhiễu loạn ta.
…..Mỗi tiếng nói, mùi thơm, màu sắc, vị ăn, ý muốn luôn luôn lẩn quẩn thành những quân thù địch vô hình muốn làm hại mình thôi. Cho nên sống nghĩa là chi phối một phần nào cái hoàn cảnh; luật tắc khoa học đã quy định xã hội đã chi phối từng người, nhưng mà ý chí từng người trái lại có thể chuyển biến được xã hội. Nhân định thắng thiên, sự phát hiện được cái phạm trù Người là một công cuộc tối vĩ đại của triết học đời Phục Hưng (Renaissance) bên Tây và đời Xuân Thu Chiến Quốc bên Ðông. Thanh niên ta ngày nay, châm đối hoàn cảnh khó khăn của dân tộc và cái nhiệm vụ khốn khổ của thời đại, trước hết phải phát hiện được cái phạm trù Người ở nơi thân mình và ở trong cái nội tại của phạm trù đó, phát hiện được cái tối vĩ đại và duy nhất là TA.
…..
X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)
Quay Trở Về