…..

HUYẾT HOA

……….

X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A

…..

I-HUYẾT HOA

…..

2- HUYẾT THAI

…..Cách mạng có văn hóa cách mạng. Cần phải có một tinh thần siêu nhiên và tiềm tàng lãnh đạo loài người cho kết hợp thành một sức lực để đợi thời cơ thực hiện lấy lý tưởng và nguyên tắc của cách mạng. Cuộc cách mạng 1789 há chẳng phải uyên nguyên sâu sắc mãi từ thế kỷ XVI, từ Diderot, Voltaire, Montesquieu, Rousseau mà đi? Thế cho nên cách mạng phải có một tinh thần chuẩn bị sẵn, một nguyên tắc tiềm tàng sẵn, lại một phong khí tẩm nhuần sẵn, nung nấu sẵn từ chủ quan đến phối hợp với thời cơ và kích thích ở bên ngoài và để nổ bùng ra trên một giai đoạn đã thành thục.

…..Xét nét lại sử cách mạng và đặc chất với đặc chứng từng thời kỳ giúp ích cho chúng ta mang khế hợp cái truyền thống của dân tộc cách mạng với nhu yếu của ngày nay cho thành một dân tộc chủ trương thật thích hợp. Xét nét lại hết cả những hoạt động về lý trí, ý chí và tình cảm của cách mạng Việt trong suốt cái quá trình một thế kỷ nay, tức là xét nét văn hóa của cách mạng ta giúp ích cho tự ta kiến thiết lại một văn hóa của cách mạng đi đôi với dân tộc chủ trương.
Cho nên tất cả chủ trương của Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ với dấu tích của biến pháp vận động phải lục lọi ra. Những văn tập tản mác của Sào Nam và Tây Hồ phải sưu tầm lại. Các cuốn “Việt văn minh khởi điểm sử” và “Pháp Việt đề huề” đáng cho chúng ta nghiên cứu, phân tích và bình giải lại. Tất cả những văn hiến cách mạng và kháng chiến, khởi nghĩa, Sát Thát, Bình Ngô, Tây Sơn, Cần Vương vân vân… phải chỉnh lý lại cho nó một ý nghĩa và giá trị thích đáng, thu góp lại thành một hệ thống sử tranh đấu của nước nòi.

…..Còn phải phát quật lên “Anh Khóa” với tất cả cái linh hồn của xã hội cũ và nông thôn, biểu hiệu tự cường vận động trong sâu cõi dân gian, “Chiêu Hồn Nước”, “Dạy Con“, “Gọi Tỉnh Quốc Dân” vân vân… chan chứa những phẫn nộ ái quốc và những cái tiếc dân tộc tự sâu trong đáy lòng của dân chúng. Những ca, vè, dân dao, sấm ký, đào dưỡng cho lòng người một lý tưởng, một cảm giác biết bao sâu xa, ngẫm nghĩ, sáng láng, bởi đấy là những khúc hy vọng, những khúc đau thương đọng ngừng lại của cả một thế hệ của lịch sử tinh thần. Những thi ca diễn giảng trong Ðông Kinh Nghĩa Thục, những chiếu Cần Vương, phát biểu tuyên ngôn, những gắng sức của những nhà văn hóa muốn tái kiến lại cái mô hình của toàn bộ lịch sử hùng tráng và vĩ đại của dân tộc ta trong những cuộc dân tộc tinh thần phục hưng vận động, đó là những tài liệu có giá trị mà làm phong phú cái kho báu của văn hóa chúng ta. Nó đều là Huyết Thai của văn minh Duy Dân, kết tụ sâu sắc trong đáy tầng của đời sống thuần túy quốc dân không đầu hàng và thỏa hiệp. Nó là Huyết Thai của con người Duy Dân mới.

…..

X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A

Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)

Quay Trở  Về

 

Tìm Kiếm