…..

HUYẾT HOA

…..

X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A

…..

II. SỬ HỒN

…..

2- TRƯỜNG HẬN

 …..Ðây là mối dằng dặc trường hận của cả một vũ trụ trường hận, tấm lòng của cả một mênh mang sống vô bờ bến. Còn gì nữa? Ðã nghe kêu: O horror! O horror! O horror! Ôi gớm quá! Vũ trụ chỉ còn sau mỗi đổi đời, thất thanh kêu gào rít lên như vậy trong đáy lòng mỗi con người Phật. Bao nhiêu linh hồn cũng như bao nhiêu thể sống chưa thành tựu đều tìm một an ủi, một ôm ấp trong cái hoài bão lớn lao của rỗng không vô tình đó. Một hữu tình lớn lao? Không phải! không phải chỉ riêng một loài người, một loài người con con, mỗi sát na, mỗi vi trần đều là thể sống, sống thực, cần phải thuyền từ, bác ái và tế độ. Nhưng mà chính thế đó, chúng sinh vô hạn lượng, tự cứu lấy mình không cứu nổi ai. Mỗi phiền não rất lớn ở trong cái vô ý nghĩa rất lớn của vũ trụ, lòng đại độ mấu cứ vào cái ý nghĩa lớn trong cái vô ý nghĩa rất lớn lao đó. 

…..Chỉ có rỗng không là rỗng không. Mỗi tư tưởng bắt rễ bén mầm trong cái sầu thảm của rỗng không đó, sống còn vô bờ bến. Hết cái bờ bến của vô bến đó có một bờ bến viên mãn là sự yên lặng rất sống, rất sáng, rất cơ, rất thực, rất đẹp ngay trong đó là một công cuộc cứu vớt ở vô cùng trong luân hồi vũ trụ đó. Không, quyết không, thật không có cái gì là tài phán cuối cùng của ai hết; không ai làm chúa hết, chỉ có lòng Phật làm chúa mà thôi!

…..Tất cả vũ trụ phải được cứu, sự cứu vớt ấy luôn luôn không dứt. Mỗi vi trần và mỗi sát na hờn oán, đau khổ, tối tăm, mê mẩn, sợ sệt, tức bực là chỉ đều quay về hết lòng từ bi vũ trụ, đã đồng nhất hóa với cái bản thể vũ trụ rất sống, rất sáng, rất cơ, rất thực và rất đẹp. Im lặng và nhắm mắt lại, im lặng cứu lấy vũ trụ hồn nhiên, cứu lấy, sao không cứu được mau! Không cuộc cách mạng nào lớn lao đến để cứu vũ trụ ư? Chịu để cho vô thủy, vô chung giày vò mãi sao? Nhắm mắt lại, hãy im lặng làm hết những cái anh có thể làm được đi. Ðóa hoa xuân đã nở, đợi mùa thu sang rọi ánh trăng tròn. Xuân với Thu luân hồi nhau mãi, mãi mãi vũ trụ còn dằng dặc cái trường hận đời đời! Thích ca đã thất bại một cuộc cách mạng. Jésus, Lão, Marx đều đã thất bại cả, để lại một bài thơ Thu Nguyệt Xuân Hoa! Ôi gớm quá! Ôi gớm quá! Ôi gớm quá! Còn gì nữa? Còn gì nữa?

 …..Những lợi hại thị phi, thiện ác, buồn vui, sống chết của vô thường! Nhưng mà Phật hãy còn, còn luôn luôn, ngày ngày còn, mãi mãi còn, còn luân hồi của cái vũ trụ trường hận ấy. Phật vẫn còn, còn gì nữa? Ðâu là Thích Ca? Chỉ còn có mỗi cái phiền não sầu thảm của trường hận vũ trụ đời đời! Còn cái phiền não đó, còn nhiều Thích Ca và là Thích Ca những ai đã cứu được cái phiền não đó. Tiếng gọi của Sử, như một tiếng động vang trong sương ra tỉnh vào mê, không dứt dào dạt với muôn đời gọi lên một hồn nghĩa vụ. Sự đào thải với tái sinh qua các cuộc mưa nắng Xuân Thu biểu hiện lên một tình cảm, đó là tâm sự của Sử. Tất cả những lời máu và thủ ký của Sử đó còn lại với tiếng gọi và tâm sự của nòi giống ở trong cái di sản toàn bộ của Sử. Thử hỏi di sản của Sử có những gì? Cả một nòi giống trên sự thực sống biết, sống tinh thần và vật chất theo một phương châm dẫn dắt bằng một linh hồn của sống ấy, nghĩa là cả một thiên hạ hiện tại để làm cho ngày mai và cả một thiên hạ ngày mai làm cho ngày kia nữa. Tất cả những chuốt lọc thiên nhiên và nhân vi trong đời người đã để lại của quá khứ những gì làm nền tảng và điều kiện cho ngày nay. Lê Văn Hưu cũng như Trần Hưng Ðạo, Hàn Nguyễn Thuyên cũng có ý nghĩa như Lê Thái Tổ làm nên cả một truyền thống của dòng máu Việt.

…..Những chất liệu linh hồn ấy đã hòa thân vào ý chí sống chung và cả đời đời thành những lượng tử (quantum), năng tử (neutron) hoạt động hơn, nó chuyển động tất cả một kết cấu nguyên hình chất (protoplasma) của nòi giống, một văn minh trọn vẹn và đầy đủ, ví như văn minh đời Hồng Ðức đặt cái cương thường trăm thuở (24 điều giáo hóa) làm đề cương cho pháp luật. Dưới cái cương thường đó tổ chức nên một sinh mệnh chung cả của đạo đức, văn đức, vũ công và kinh tế. Lịch sử còn chuốt lọc và mài giũa nên mỗi chủ lực của đời thuở làm lõi chốt cho quốc dân. Thế hệ ngày Bông Lau còn phục hoạt lại ngày Bình Ngô, mỗi văn minh trên vận hành của Ðại Việt ta không dứt bằng khởi điểm của nó, không giờ phút nào ngơi. Chu Văn An cũng như Nguyễn Du, di thần nhà Lê cũng như di thần nhà Trần đều là những hạt giống khí tiết và những mô phạm của chân tài tử chỉ có những sĩ khí tiết và những chân tài tử, mới sống được ở trong sự sống của hồn Sử và quốc hồn.

…..Lý tưởng của Sử nở lên như một bông hoa Tổ hồn, văn minh là như thế. Hồn của Sử là hồn đáy tầng của nòi giống, đáy lòng mỗi người, đáy sống của Tổ Tiên truyền dõi mãi mãi. Hồn của Sử thiên vạn cổ còn nhắc đi nhắc lại trên truyền thống của loài người một cái ám ảnh sáng ngời trong tâm lý.

……….Tri ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ”

……….”Tội ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ”

…..Ôi! Cảm được thấu cái tâm sự Xuân Thu đó nghĩa là sống bằng Hồn Sử, không ra ngoài hồn của Ðạo, của Sử muôn thuở. Trung với quốc gia, hiếu với nòi giống “tôn quân phụ” trên nền nhất thống, đòi cuộc độc lập, đuổi giặc xâm lăng, trừ giống hủ bại, dẹp quân phản động diệt đàn phá hoại, đòi nhất thống, thảo loạn tặc, giữ nắm cương thường, tôn trọng thể chế, làm chính lòng người, rửa sạch tà thuyết với dị đoan, làm cỏ tà đảng với gian đảng, tôn phù lẽ công, sáng tạo lý cụ (outillage) và khí cụ (matériel), vót nhọn vũ khí ý thức làm nên vô lậu quốc phòng, chấn chỉnh văn minh chính nghĩa, làm nên tĩnh độ hòa bình đấy là sứ mệnh của Xuân Thu. Ôi! Công việc của thánh với vương, nhưng mà trách nhiệm của bố cu mẹ đĩ hết cả với cuộc hưng vong tồn tục của loài người và của nòi giống. Người ta cũng như con vờ, sống ngắn ngủi như thế, nhưng mà sống vô cùng, vì loài người còn sống mãi mãi, mỗi con vờ có ý thức và tư tưởng là một tế bào hoạt động của sinh mệnh Xuân Thu. Người ta cũng như con dã tràng xe cát bể Ðông, nhọc lòng mà không công cán như thế, nhưng mà là có công cán lớn lao vì loài người còn nhớ mãi công cán của mỗi con dã tràng ấy! Người ta cũng như con thiêu thân chui đầu vào lửa mà chết. Nhưng mà mỗi sự hy sinh cho ánh sáng của loài người là mở đầu cho mỗi đun đẩy văn minh đó. Vai Atlas có ai khiến vác quả địa cầu? Chu Văn An thế mà dâng biểu giết nịnh! Những công việc đó đều là công việc của Hồn Sử nghìn Xuân Thu, của tất cả loài người cũng như của mỗi dân tộc.

…..

X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A

…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)

Quay Trở  Về

 

Tìm Kiếm