…..
HUYẾT HOA
…..
X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A
…..
III. XUÂN THU
…..
2- CHIẾN TRANH
…..Triết học duy tâm cắt nghĩa cuộc chiến tranh này là do dân tộc tính ăn cướp của Ðức, Ý, Nhật gây nên, bởi thế bóc lột hết thảy các công cụ và các cơ năng chiến tranh của Trục tâm là cần yếu, đồng thời các triết học loạn đời với tất cả các tinh thần cừu hận cũng phải làm cho mất tích.
…..Các nhân sĩ gọi là khai minh hơn và lối triết học thực dụng duy sinh cho là các nước dân chủ ăn no quá quên cả phòng bị mà gây nên. Riêng phái duy vật cho và dự báo trước bốn nguyên nhân:
…..1) Ðế quốc chủ nghĩa mâu thuẫn với đế quốc chủ nghĩa.
…..2) Ðế quốc chủ nghĩa mâu thuẫn với dân tộc bị bóc lột.
….3) Tư bản chủ nghĩa mâu thuẫn với Tô Nga.
….4) Ðế quốc chủ nghĩa từ trong nội bộ có tư bản giai cấp mâu thuẫn với vô sản giai cấp.
…..Duy Dân chủ nghĩa chính đính và chứng thực rằng cuộc chiến tranh này chỉ là cuộc tranh bá chiến của hai mặt trận đế quốc cực quyền với tư bản dân chủ giả xúc tiến và chứng thực bằng lý luận và thực tiễn của quốc phòng kinh tế trên các nền tảng triết học của tư bản tái sinh sản chính trị hóa (reproduction du capital). Trật tự mới của Âu Châu, trật tự mới của Á Châu cũng như khu vực tổ chức tập đoàn kinh tế trên các hiệu triệu chiến tranh của chính trị địa lý học, đi theo với thuyết sinh tồn không gian (espace vital) hay tiến lên một bước là thế giới liên bang (Fédération internationale) có một tổ chức đằng sau phải là một hậu thuẫn bằng vũ lực, đấy là mục đích tác chiến của cả hai phái trong giai đoạn thế kỷ hai mươi này (sẽ nói rõ trong vấn đề Chiến Hậu). Sự khống chế thế giới phát sinh từ cái nhu yếu của mỗi dân tộc đã đến cực điểm của văn minh tư bản và vật chất. Sáu vấn đề nền tảng của thế giới (xem tuyên ngôn ngày thành lập Tổng Ðảng Bộ) ví như không giải quyết được triệt để thì vô luận một hiệu triệu giả dân chủ hay giả chính nghĩa nào cũng chỉ là ngoài mặt để che lấp cho sự thực của phát triển xấu xa và tội ác tự nhiên tất có của văn minh cũ đã thối nát.
…..Nếu nói cuộc chiến tranh này là thần thánh chiến do cái mâu thuẫn của đế quốc chủ nghĩa mâu thuẫn với dân tộc thuộc địa thì chỉ là nói mơ, hoặc tiến lên một bước là thay đế quốc đánh lừa dân thuộc địa cho tưởng có phần vinh dự của mình vào để mang nhân mệnh và tài sản ra đỡ đạn cho ăn cướp lịch sử.
…..Tội tình! Sự phân tán một đống của có phải là ở kẻ có của yếu ớt gây ra sao? Cuộc chiến tranh lần này dân tộc nhỏ yếu là chủ động gây nên với đế quốc? Cuộc mâu thuẫn giữa dân tộc thống trị với bị thống trị là động cơ của giặc giã? Dân tộc bị thống trị có đủ vũ lực và chủ động ra tuyên chiến với đế quốc? Một dân tộc từ thiện nào để cởi mở cho các thuộc địa bị đè nén mà gây chiến tranh? Muôn lần sai, nghìn lần lầm.
…..Chỉ có một cuộc chiến tranh thuần túy do mặt trận thế giới các dân tộc bị áp bách đánh giết mặt trận ăn cướp thống nhất mới gọi là cuộc thần thánh chiến tranh đó.
…..Có người nói Trung Hoa đánh Nhật Bản, đó là tiền tiến và đặc chứng của trận giặc lần này, có biết đâu Tàu với cuộc cách mạng Tân Hợi chỉ là một nước “Thiên hạ chủ nghĩa” lối cũ, đế quốc chủ nghĩa lối Á Ðông để thích ứng với cách thức và đường lối mới của đế quốc chủ nghĩa mới là xâm lược chủ nghĩa lối Âu Mỹ, trong giấc tự tỉnh của “con sư tử ngủ” tự trở mình dậy để đi kịp trên con đường chinh phục mới mà quán triệt cái truyền thống tanh hôi của mình theo lịch sử, cái đó chứng thực với bức thư kiến nghị của Tưởng Giới Thạch gửi cho Tôn Văn yêu cầu mặc nhận hiện trạng ngũ tộc ở Tàu và bỏ chủng tộc cách mạng đi để quán triệt mục đích Hán bằng chiêu bài, bằng quốc dân cách mạng, lại chứng thực bằng ý chí, thái độ và hành động khi cách mạng của chính phủ Tưởng mà biết chắc.
…..Lại có người nói cuộc cách mạng Ấn Ðộ là đặc điểm cuộc chiến tranh này, có biết đâu là trên sự thực và phản ảnh của sự thực ấy là bao nhiêu lần thanh minh của chính phủ Anh, Ấn Ðộ chỉ là vấn đề nội bộ trong đế quốc Anh. Khoảng 1940 đến 1942, từ lúc Nhật Bản để gót đến Miến Ðiện, trực tiếp uy hiếp cửa ngõ cái kho lúa của Anh, với Ðức đánh sát vào Caucasie, hai bên hò reo xông vào cướp giật hạt ngọc trên đế miện của Anh, lúc bấy giờ vì chính lược và chiến lược thế giới, Ấn Ðộ trong địa vị cố nhiên trọng yếu của mình cho số phận toàn thế giới tư bản mà được Tàu, Mỹ, Nga chú ý mà hô hào thôi, há phải là Ấn Ðộ gây ra cuộc chiến tranh này? Ðức, Nhật cuối năm 1942 hết sức và thất bại trong kế hoạch hội sư ở Ấn Ðộ. Ấn Ðộ vấn đề cảm thấy thế nào? Ấn Ðộ địa vị lại trở lại một nội bộ nhỏ xíu, bị khinh miệt, bị giày vò trong đế quốc Anh vậy. Nhưng đứng về mặt Ấn Ðộ cách mạng mà nói, thực tại Ấn Ðộ chẳng tán thành Anh, cũng chẳng tán thành Ðức với Nhật. Ấn Ðộ chẳng tán thành một cuộc chiến tranh nào duy trì đặc quyền (Nehru). Ấn Ðộ đứng dậy cởi mở cho toàn thế giới bị bóc lột kể cả người da trắng bên trong bằng sự chiến tranh với toàn thế giới (Gandhi). Thái độ với ý chí ấy chính là đại biểu cho con đường đi đúng đắn của dân tộc nhỏ yếu suốt địa cầu, tiếc Ấn Ðộ chẳng phải là sức liên hợp to tát tất cả các dân tộc đó, lúc này chẳng phải là đại bản doanh của mặt trận ấy, cũng chỉ là tiên phong và cục bộ nhỏ của mặt trận ấy chưa hết lộ mặt mà thôi. Còn nếu như nói có dân tộc nhỏ yếu nọ, dân tộc thuộc địa kia tán thành mẫu quốc hay lãnh đạo quốc, hết sức tham gia cuộc chiến tranh này để mong có một thí bỏ về giải phóng hay độc lập, sự tán thành đó bằng vô tri hay ngơ ngác, hoặc là cử động đầu cơ của một lũ hoạt đầu, hoặc bị đè nén cực chẳng đã phải đem con, em, gạo lúa… của mình nộp cho đế quốc, chẳng phải một phần ngàn nào đại biểu được lịch sử và ý chí của toàn thể dân chúng đó.
…..Ðế quốc chủ nghĩa mâu thuẫn với Tô Liên ư? Tô Liên trên cái hiện thực của phương châm dân tộc tư bản tập trung chủ nghĩa chẳng phải là cớ của cuộc chiến tranh này. Tô Liên chỉ là một phần tử lạc loài và phản động không bị tiêu diệt bởi cực quyền thì bị hỗn hóa với tư bản quốc tế. Tô Liên trong cuộc chiến tranh này chỉ là thứ yếu và bị động. Sách lược gia truyền của Lénine là đợi các đế quốc đánh nhọc lả sẽ một tay hoàn thành cả cách mạng vô sản hoàn cầu đã thất bại. Những hành động bất trí trong ngoại giao với Nhật, với Balkans (đứng địa vị khách quan của mặt trận vô sản thế giới mà nói) đủ tỏ rõ cái bàng hoàng của Tô Liên đứng ngã ba. Tô Liên trong cuộc xâm Ba, xâm Phần và càng ngày càng đi sát Anh, Mỹ, Tàu, càng tỏ rõ Tô Liên chẳng phải là thế giới đặc biệt, đi đôi với chính lược lui một bước lên hai bước chỉ có thực tiễn thất bại. Ai bảo Tô Liên là chủ động? Ai bảo Tô Liên là tổ quốc của toàn vô sản thế giới? Lại nói các mâu thuẫn nội bộ của tư bản với vô sản giai cấp trong mỗi đế quốc làm nên trận giặc này? Vô sản Anh vì Anh, vô sản Mỹ vì Mỹ, Ðức vì Ðức, Nga vì Nga, Tàu vì Tàu, Nhật vì Nhật trong cuộc quyết thắng của vận mạng giống nòi với cuộc đánh bạc máu sắt ngày nay. Cộng sản Anh yêu cầu từ 1921 tới nay bao lần vào công đảng đều bị cự tuyệt. Sự im lặng của toàn vô sản thế giới đối với Nga vào trận, sự ám sát Trotsky bởi đồ đệ thân tín càng làm cho cuộc cách mạng thế giới càng chậm lại thế kỷ. Sự đột nhiên giải tán đệ tam quốc tế càng chứng thực. Các Cộng Sản đảng các nước từ bao năm nay mỗi ngày mỗi xu hướng vào cách vận động bằng hình thái dân tộc càng được chứng nhận. Tình thế các giai cấp toàn thế giới càng cho ta một nền tảng phán đoán đúng chắc nữa (Xem nói về Cộng Sản ở dưới). Các cuộc bãi công ở Pháp (Marseille và Paris ) chỉ là phong trào ái quốc. Sự thỏa hiệp của Cộng Sản đảng các nước với chính phủ chiến thời của mỗi nước, sự chia rẽ của Cộng Sản đảng Pháp vừa đi với Vichy lại vừa đi với De Gaulle, đều là những hiện tượng đau thảm của vô sản trên lý tưởng bằng đấu tranh không có phương pháp sáng suốt và ỷ tựa chắc chắn. Các cuộc bãi công ở Mỹ không phải do Cộng Sản gây ra, hoặc phần nhiều là do hành vi của cô lập sai khiến, đồng thời là những hành vi càng khiến cho Mỹ trên chế độ dân tộc tiến vào trạng thái dự trước của Duy Dân chủ nghĩa về chiến hậu.
…..Cuộc chiến tranh đã thế cũng chẳng phải là do tính ăn cướp của một vài dân tộc, hay do sự ăn no ngủ kỹ của một vài nước trọc phú. Nó có một căn nguyên lịch sử của Duy Dân biện chứng pháp.
…..Cuộc chiến tranh này thuần túy là cuộc tranh bá chiến của hai phe đế quốc. Sự thất bại của họ trên hòa bình chính là thời cơ nhằm đúng của hướng tâm cách mạng, một con đường mới cho đời sống thế giới mới trên con đường lịch sử phải đi triệt để của các nước nòi nhỏ yếu hợp với giai cấp bị bóc lột, chỉ có thời cơ đó chân chính là một dịp sống mới của loài người mới thuế biến, đột biến và đặc biến.
…..
X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)
Quay Trở Về