…..

HUYẾT HOA

…..

X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A

…..

IV BÔNG LAU

…..

1. LÝ TƯỞNG

…..Cành lau bắt đầu tham dự vào cuộc sống lịch sử của nước nòi chúng ta từ thế kỷ thứ X, một vận đổi mới trong tang dâu của Ðông Á, nhưng còn là một phục hoạt lớn lao của Hồng Lạc với sự dựng lại chắc chắn cái nền tảng vững bền của độc lập cho quốc gia Việt thống nhất. Trong hoàn cảnh gian nan khốn đốn ấy, với bối cảnh chuyển biến gắt gao của quốc vận Việt ấy, cành lau điểm trên thinh không và thời gian một ý nghĩa và giá trị tuyệt vời, cái ý nghĩa và giá trị sống đó đi đôi với sứ mệnh và lý tưởng của Hồn Sử, Tổ gốc gác và đáy tầng Việt.

…..Cái tên Ðại Cồ Việt xuất hiện ra do cành lau, mà bắt đầu từ xung động của hồn lau phát tiết ra hết thảy cái thực thể lý luận của dân tộc. Cành lau dễ mọc và dễ sống trên đồng lầy, giữa thôn quê, trong bãi vắng, đi đôi với đời thiếu niên thanh khiết của Ðinh Bồ Lĩnh, tỏ lộ hết được đời sống thực tiễn trên xung động thực tiễn của cái lý tính thực tiễn của quốc dân trên lịch sử và thế giới.

 …..Những nhu yếu thực tiễn từ ở những yêu cầu thực tiễn ẩn dấu trong dòng sống tiềm lưu của bình dân, chỉ có đại chúng mới thể nghiệm được chân chính trong đáy hồn chủ nghĩa của dân tộc, dẫn dắt và mở đường cho lịch sử giữa nền tảng của thời đại sứ quân. Cành lau là cờ hiệu chiến đấu của nước nòi mưu cầu lấy thống nhất và độc lập, vững trong và chống ngoài. Và cờ lau đã thắng hết cả. Cờ lau thắng lịch sử đô hộ hơn nghìn năm. Cờ lau thắng đô hộ khủng khiếp, thắng đồng hóa dã man, thắng tự trị ươn hèn, thắng chia rẽ diệt vong, thắng uy hiếp trong ngoài, thắng tư tưởng tối tăm, thắng nhút nhát, thắng phản tỉnh không triệt để, thắng tất cả những thất bại và hết thảy những đau đớn của nòi giống dưới ách nặng nề và ma quỷ của bốn bên, bởi cờ lau là cờ của Vạn Thắng Vương, cờ Vạn Thắng.

 …..Cho nên, cờ lau là cờ của dân tộc Vạn Thắng, bình dân Vạn Thắng, chiến đấu Vạn Thắng, thống nhất Vạn Thắng và độc lập Vạn Thắng.

 …..Cờ lau là cờ của Hồn cũ tỉnh lại, Hồn và sóng đáy cuộn lên, cờ giống nòi của Ðại Cồ Việt sống lại, nối dõi cái thế hệ dân tộc đã dứt hơn ngàn năm, xa hơn vạn năm trên lịch sử.

 …..Cờ lau cắm lên giữa giới vạch của lịch sử, khơi mở đời sống mới về vô cùng tương lai, cho hết thảy đời sống anh hùng về tương lai, đã thắng hết cả và cởi mở cháu con ra bằng vinh quang vô thượng. Cờ lau là cờ của một thế hệ mới sinh ra để làm một văn minh mới Vạn Thắng.

 …..Cho đến ngày nay, trên bãi hoang, nơi thôn dã, những cành lau phe phẩy trước gió gợn đời đời, còn nhắc lại ai oán thuở oai hùng tất cả những sống còn oanh liệt cũ, và sau ngàn năm (thế kỷ X-thế kỷ XX) đến ngày nay, giữa lúc nòi giống muôn vàn nguy cơ, đã vi vu văng vẳng đưa những tiếng gọi xa xăm dần dà gần lại, lanh lảnh vào trong bộ óc và cõi lòng của các thế hệ đời chúng ta, thức tỉnh trong đáy hồn và đáy tầng một cuộc phục hoạt lớn lao và vẻ vang. Nhưng bông lau chỉ mọc ở xứ nóng, chỉ mọc ở bãi hoang, trong biểu tượng của những linh hồn giàu thể nghiệm, nó còn nêu dựng hình ảnh của muôn nghìn hồn tử sĩ trên lịch sử bất tử, vất vơ với làn gió, sóng và nắng yêu của bể Nam lớn, đời đời không dứt gọi, kêu, và sống giám thị cho thời thế tang thương!

…..Cờ lau là Viêm hồn, hồn dân tộc muôn năm của Trăm Việt.

…..Cờ lau là cờ Cách Mạng hồn và quân hồn của Việt.

…..Cờ lau là lý tưởng của Sử vinh quang và sống tái sinh.

…..

X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A

…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)

Quay Trở Về

 

Tìm Kiếm