…..
HUYẾT HOA
…..
X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A
…..
IV BÔNG LAU
…..
3.SINH SỐNG
…..Có một Mạnh Tử nào đó bên Tàu đời xưa nói: “Trời sắp giáng đại mệnh cho ai, tất bắt người đó óc mỏi, gân nhừ, tim héo, phổi mòn, đủ chiều khốn khổ, bách chiết thiên ma, làm cho người đó động lòng đứng dậy mà lớn lao lên“. Người nào đi tìm lẽ sống cho riêng mình, nói rộng ra cho một dân tộc, đều phải nan hành khổ hạnh như thế. Người đó phải là Thắng Nhân đã. Người đó phải tự thắng mình trên từng bộ phận của mình và từng cơ năng của sinh mệnh thắng mình đã, cái thắng lợi xiết bao gian nan, yêu cầu biết bao gắng gỏi đã, rồi mới có thể thắng được mọi ngoại vật. Người hy sinh là đã hy sinh rồi trước khi hy sinh. Chết đi là một việc dễ dàng hơn là đã chết ở nơi tự mình một lần rồi sống lại với thai cốt mới. Bỏ tài sản với thân thế, nghĩa là đã tự bỏ được mình xong lâu rồi việc mới thực hiện ra bên ngoài.
…..Cho nên cách mạng phải đi đôi với một tu dưỡng của cách mạng mới, khác với tu dưỡng cũ. Học hỏi của cách mạng cũng thế, nó phải có một thể hệ đặc biến trong tái sinh của muôn vàn học hỏi.
…..Không thể tự an ủi được: cách mạng là thuần thủ đoạn, cách mạng là thuần phản bạn, phạm pháp. Cũng đừng nói láo: mục đích chứng minh cho thủ đoạn. Thủ đoạn tự chứng minh cho thủ đoạn, mục đích phải ở bên trong thủ đoạn rồi mới đúng. Công việc máu phải làm bằng máu, tự máu phải là một thứ máu có những huyết tính thuần túy, tinh thành và tiền tiến, thì thủ đoạn máu mới tự chứng minh cho mình được. Thủ đoạn đồng thời phải là bản thân của mục đích, thủ đoạn ấy mới là chân chính.
…..Thế thì đời sống đồng chí chứng minh cho thủ đoạn tự thân là mục đích. Nhân tài của cách mạng còn ở trong đời sống đồng chí bồi dưỡng lên, vận dụng sẵn những nhân tài chỉ là thứ yếu. Nhưng mà, đào tạo nhân tài của cách mạng phải trông vào người đào tạo. Người ấy phải chịu khó và chịu biết hết. Phải tham gia vào mọi khó và mọi biết của mỗi đồng chí. Phải coi mỗi đồng chí là một mục đích của lý tưởng nước nòi. Phải bằng hết phương thức, phương pháp và hình thức tùy cá tính, khí chất và đặc trường của mỗi đồng chí mà đào tạo cho một bản lĩnh nền tảng về các mặt lý luận, kỹ thuật và tu dưỡng. Ngoài ra, còn phải đào tạo cho mỗi đồng chí một bản lĩnh phụ đặc biệt khác. Như thế thì công việc cách mạng không sợ thiếu nhân tài. Thế nhưng đố kỵ và lợi dụng thì nhân tài không những thiếu, không có, mà dẫu có rồi cũng hao hụt đi nữa, nói chi đến dân chúng! Cho nên lãnh đạo nếu không có một nghệ thuật hay một kỹ thuật, thứ lãnh đạo đó là giả dối. Lãnh đạo là tâm thuật. Lãnh đạo là mục đích luận hay cứu cánh luận.
…..Ðồng thời sinh sống là sự biểu hiện của tất cả cái huyết tính thuần túy tinh thành và tiền tiến. Sinh sống là mục đích luận hay cứu cánh luận.
…..Chỉ có sự sinh sống thực tiễn trong đời sống thực tiễn của quốc dân với dân tộc với sự sinh sống thực tiễn trong đời sống lịch sử và tương lai của nước nòi mới trỏ rõ cho chúng ta bằng một ánh sáng rất thành thực và soi suốt một con đường đi chính xác trong cách mạng và kiến quốc. Phải nắm giữ lấy sức chủ của cách mạng, điều khiển được sức phụ của cách mạng, kiến thiết và dự liệu một văn minh mới trên cái phương trình thức kỷ hà học của những hình thể tỏ lộ lên từ tâm lý bình diện của quốc dân đến tâm lý lập thể của quốc dân. Những thế hệ mới của thời đại trong con đường tân trần đại tạ của đời sống lịch sử dân tộc phải đúng đắn và vừa thời nắm giữ lấy cương vị chủ đạo của mình và gánh vác lấy sứ mệnh sáng tạo của mình, chỉ huy các thế hệ khác bắt đi theo con đường đi của dân tộc.
…..Cho nên lịch sử là quyển truyền phả và môn học vấn duy nhất cao sâu cho nguyên tắc lãnh đạo. Chính trị là lịch sử ngày nay mà lịch sử là chính trị những ngày qua. Thời đại là cuộc sống bây giờ, mà lịch sử là cuộc sống những buổi qua. Sự vận hành của hai thời gian đó kết hợp nên và quy định ra con đường của ngày mai sau. Ðồng thời, sự tẩm nhuần tự mình bằng nghệ thuật sống, cách thức sống và phong vị sống trong giữa thực tiễn của quốc dân là tu dưỡng nền tảng. Tất cả những lời nói của dân chúng bằng ca dao, tất cả những việc làm của dân chúng bằng sinh sống đủ để trau giồi hết thảy những mục tiêu nền tảng cho những phương lược lâu dài về quốc phòng, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, nhân chủng và sinh hoạt của nước nòi. Những thú vị của quốc dân biểu hiện ra các chuyện cổ, những sắc thái quốc dân biểu hiện ra trên nền tảng của văn hóa đặc điểm đều là những hình bóng với gia vị cho chúng ta không thể không đầy đủ trong đường trường xây đắp một văn minh “nước vối, áo the và rau muống“. Phải chăng đấy là những tiêu biểu của văn minh bình dân hết sức ăn rộng và ăn sâu trong sinh hoạt của dân tộc, đi đôi với những lời nói không lời của mỗi xó góc trên giang và của tất cả những động tác nhỏ nhặt trên dòng sóng đáy đều là những tài liệu và phương pháp nghệ thuật của chính trị. Nó là tất cả những ý thức và tất cả những cái gì đích xác, chúng ta phải thấm nhuần qua để mà có một tâm thuật vững vàng trên đường cách mạng mới. Nó là văn nghệ của quốc dân không lời mà đủ vẻ.
…..Cho nên, “lòng yêu với máu đào” của chúng ta dỏ ra vì lòng yêu từ người thân với những con người mà máu chảy ruột mềm đã bén tới, cái máu đào đó dỏ ra để sống và thờ phụng cuộc sống chung, dỏ ra để đấu tranh với quân thù, cùng tẩm nhuần với quân thù trong đồng ruộng của xứ sở qua các thời gian. “Bàn tay với đất đai“, sức lao động và trí cần cù đem mồ hôi ra trộn với nước mắt của lòng yêu, tất cả để không dứt mở mang đất đai, xây đắp cõi sống, cái đất đai yêu quý đã từng nuôi sống chúng ta, từng để yên nghỉ ông cha và sinh sôi con cháu, cái đất đai mà đầu mày cuối mắt chúng ta đều nhớ, đều quen, đều từng ghi nhớ mỗi cái khổ, cái vui, cái hy vọng, cuộc sống, cuộc chết, cuộc bể dâu của đời đời, nó đã nói ra bao ý nghĩa và gồm bao nhiêu giá trị. “Sức nhớ và lịch sử“, cái sức êm dịu và gắt gao kia, nhờ nó đã làm nối tiếp đời đời, sức nhớ đó để cho ta có thể sống được không đứt đoạn trên đời sống bản thân và đời sống đời đời. Cái lịch sử đã cho chúng ta đầy trí tuệ và kinh nghiệm, lịch sử đã từng đánh thức chúng ta tỉnh lại và nhủ bảo chúng ta tiến lên. “Bộ óc sáng tạo“, tất cả những yếu tố đó gom góp lại thành một thể sống chung, thể Brahma hay thể Thánh Linh, thể Bồ Ðề Ðạt Ma cho toàn thể giống nòi trên một dây tự lực sáng tạo truyền thống của dân tộc. Những yếu tố đó đồng thời là khởi điểm của hết thảy mọi văn minh, thông qua và trau giồi bởi tính, tình và chí của mỗi dân tộc mà hình thành trọn vẹn mỗi dân tộc văn minh.
…..
X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)
Quay Trở Về