…..
HUYẾT HOA
…..
X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A
…..
IV BÔNG LAU
…..
4. THẾ HỆ
…..Thời đại dào dạt chảy đi lôi cuốn tất cả các thế hệ tầng lớp theo nhau lên thành tựu bằng một công cuộc thảm đạm của cái tác dụng thay cũ đổi mới. Chỉ có thế mới làm nên đời sống hoạt động của thế giới loài người được. Những cây cằn cỗi phải trút lá, để nhường chỗ cho mầm mới can đảm chồi lên đầy nhựa mạnh và sống. Những quả chín phải nát đi, để cho những hạt giống nảy nòi lên những nguồn sống mới.
…..Mỗi thời buổi, trong dòng sống của lịch sử hoạt động như thế, phải có một tuổi ra cầm nắm lấy sức chủ và làm cán cốt cho đời sống chung hết thảy. Tất cả trong thời buổi ấy, những cái còn sót lại cũng như những cái đang chồi nảy, phải dưới chỉ huy của cái tuổi làm sức chủ đó thì xã hội mới khai thông được mà nòi giống mới sống còn được. Chuỗi dây lịch sử làm bằng những mắt xích như thế, đời đời ca tụng mỗi thế hệ, dự liệu mỗi thế hệ và hoài điếu mỗi thế hệ. Ngày qua phải phục tùng ngày nay. Ngày nay phải khắc phục ngày mai, nghĩa là phục tùng ngày mai. Cái luân hồi xoáy vòng trôn ốc có nút tết của Phật Tam Thế đó chi phối hết mệnh vận của loài người, như loài người muốn tự mình, vì sống còn của xưa, nay, mai, cả nòi giống thân ái, phải nắm giữ cái luật tắc đó, hợp thời mà phục tòng nó, ở đó sinh ra cái đạo đức với viễn kiến.
…..Mỗi thế hệ cũ phải biết thời cơ lui về một bản vị có ích chung.
…..Mỗi thế hệ mới phải biết nắm thời cơ tiến lên ngôi báu của thời đại mới mà chỉ huy và làm tròn sứ mệnh mới.
…..Mỗi thế hệ dự bị phải thâu tóm hết những trí tuệ và kinh nghiệm cũ; trau giồi cho mình tất cả những điều kiện cần yếu cho nhiệm vụ tương lai của mình, để sắp sẵn ra nối liền dây tiến hóa.
…..Nhưng mà nếu loài người không biết tự động như thế, đào thải tất đau thảm và ác liệt của tiến hóa tất nhiên, sẽ cũng bó buộc làm như thế.
…..Không ai tránh được luật vô thường; luật vô thường có một phương hướng, một quy tắc với một đường lối rõ rệt của lẽ tiến hóa.
…..Lẽ sống là như thế.
…..Lẽ thật thuận theo với sự làm trọn luật vô thường đó một cách mến yêu, nhưng có khi vì lòng yêu mến đó mà không khỏi được bất nhẫn.
…..Trong thế kỷ XX, nước Việt đã trải qua bốn thế hệ người, mỗi thế hệ có mẫu mực đặc sắc, nó đánh dấu cho sự tiến hóa tất nhiên của nòi giống qua từng giai đoạn nào. Lấy năm 1940 đây mà nói, những vị già nua vào hạng cha chú chúng ta từ 50 tuổi trở lên, không còn dư địa làm chủ được thời đại nữa. Nhưng các anh chị chúng ta từ 30 tuổi hơn cũng không thích hợp và có viễn kiến, cái viễn kiến có nền tảng đích thực để mà ra dẫn dắt cho được đời sống mới và khó khăn này trên một văn minh mới và phải sáng tạo cho dân tộc được. Còn những người của ngày nay, nghĩa là 30 tuổi trở lại, 16 tuổi trở ra, đấy chỉ là những nút chuẩn bị và liên lạc cho một thời đại Việt lớn lao lên và sung sướng lên trong máu xương và đau khổ, hạng này là nền tảng của văn minh mới. Nhưng mà chủ nhân chân chính của văn minh Vạn Thắng mới của Việt là những con em chúng ta 16 tuổi trở về. Họ sẽ đứng lên oanh liệt và chỉ huy sáng suốt được lịch sử dân tộc về tương lai.
…..Những con người của 40 đâu! Xúm nhau lại thành một sức lực, góp nhau lại thành một trí tuệ, khơi mở đường đi cho giống nòi. Chung quanh những con người của thế hệ đó, tất cả các tuổi phải cúi đầu phục tòng sự chỉ huy nghiêm khắc, dũng cảm và sáng láng của thời đại. Trái lại, tức là phá hoại sự tiến hóa chân chính của tổ quốc với tự nhiên, sự phá hoại đó sẽ dẫn khởi một đãi lọc đau đớn mà thôi hết. Những người của 40 phải là những Thắng Nhân. Những người của 80 sẽ thong thả hơn, sung sướng hơn, lớn lao trên ánh sáng của 40. Họ thừa hưởng cuộc Phục Hoạt sau 1.000 năm Cờ Lau mà những người của 40 phải gánh vác tất cả những nặng nề và hy sinh.
…..Nhịp kèn của thế hệ 40 thổi. Một thế hệ ngày nay đã chuẩn bị xong xuôi. Một văn minh của Vạn Thắng mới ngày nay đã cấu tưởng, chỉ còn đợi giờ thực hiện lớn lao. Một cuộc đổi đời bằng sắt, máu, lửa để nung nấu tất cả những con người của 40 thành kim cương Thắng Nhân đứng lên cao cả và oai hùng cầm cành lau dẫn thời đại và người đời đi, đi đến một cõi mới. Tất cả các thế hệ sẽ kinh ngạc, sợ hãi, khâm kính và phục tùng đi theo, hết lòng ủng hộ cùng làm việc lớn.
…..Văn minh mới này chỉ là sự Phục Hoạt và tái hiện lớn lao, người ta hình tượng bằng lý tắc của Totem quan để tượng trưng cho lịch sử Việt một ý nghĩa với giá trị để mọi người cùng hiểu được.
…..Văn minh mới này trong thế kỷ nung nấu đã chín, dung đúc đã thành. Một trăm năm nay từ trải qua cố thủ, thỏa hiệp, hấp thụ, dung hòa, bây giờ đã đến kỳ phản tỉnh mà sang sáng tạo. Nhưng mà, cố thủ, thỏa hiệp, hấp thụ với dung hòa, người ta trên một bộ phận trên của kiến trúc thượng tầng chỉ có làm những việc quá tầm thường và nông nổi, trằn trọc giữa văn hóa Ðông với Tây, Hán với Pháp. Những việc mặt tầng đó, những thế hệ cũ cố nhiên chỉ có biết đến đó mà làm, nhưng mà chỉ có thế, chỉ có những cặn bã đó sẽ lọc và mới nổi lên mặt tầng. Công việc lớn lao đáng để ý nhất trong kiến trúc của các thế hệ quả là công việc đáy tầng xây đắp lấy cái công cụ và ý thức (tiếng, chữ nước) nòi giống nung đúc, mài gọt, nay tạm đã có một nền tảng. Cái nền tảng đó phải có chính trị độc lập mới làm cho nó thực vững vàng được, và thật có ích để xây dựng một văn minh Việt thật Việt được. Dung đúc tuyệt không trọn vẹn, dung đúc trừ phi có phản tỉnh mới đi đến sáng tạo chân chính. Phản tỉnh nghĩa là đem hấp thụ với đồng hóa về cơ sở của dân tộc cho thông qua dân tộc hình thái, lấy dân tộc làm lý tưởng, mục đích, phương pháp và thủ đoạn để mà sáng tạo một văn minh. Thế cho nên, cuộc vận động Pétain ở nước nhà có phải là cái để mà Bông Lau ca tụng đâu? Cuộc phản tỉnh này dĩ nhiên có một ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp vào ý thức thành niên mới, dự bị cho cuộc phản tỉnh chân chính chỉ có ngấm ngầm trong đáy tầng chưa bùng nổ, sửa soạn tâm điệu của mọi thế hệ cho có một phương thức ít nhất để tiếp thu lấy văn minh Thắng Nhân là một trẫm triệu nổi bật cho những ai còn mê chưa thức biết, là đêm trừ tịch của cuộc xoay vần lịch sử lớn lao trong dân tộc. Dĩ nhiên như thế, nhưng mà nó chỉ là một thứ tiến bộ lom khom và nhút nhát, còn đội mũ cánh chuồn; nó không đứng dậy thẳng, nó cũng không đi lên mạnh, nó không phản tỉnh cho đến đáy, nó không phản tỉnh bằng chiến đấu, nhưng cũng cứ tính cho là một cuộc phản tỉnh. Nó phải phụ thuộc cho cuộc phản tỉnh vô hình trong đáy tầng, đáy Sử và đáy Hồn, cuộc phản tỉnh chân chính đã thành thục sẽ đi lên, một sáng tạo lớn lao, suốt mặt đến đáy và hướng thượng của Thắng Nghĩa mới.
…..Ðấy, những con người Ðáy của 40. Và là Hồn của 2.000.
…..Có một ngày, những con người ấy sẽ đứng dậy tất cả.
….Nòi giống Việt sẽ lớn lao lên.
…..Ðã sống lại.
…..
X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)
Quay Trở Về