…..
HUYẾT HOA
…..
X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A
…..
V- HỠI ƠI !
TÂM LÝ THẦN LINH HỌC
…..
2-THẦN LINH VÀ TÂM LÝ
…..Ðầy dẫy những hạng trụy lạc trong mê say, lạc ngũ trong tranh đấu, thất vọng trong tình đời, hối hận trong hành động, đắm đuối trong bến mê, những hạng ấy nhiều vô kể, nhất là trong đội ngũ những trẻ trai tự nhận nhầm là có trí thức.
….Những hạng ấy bao vây bởi tối tăm, cùng khổ mà trở về mình, gục đầu trên cái hình hài cũng tối tăm của mình. Hãy tưởng tượng một cái xác chết đầy những ròi nhung nhúc không ghê tởm bằng, không đau thảm bằng trông thấy những linh hồn rữa nát và cáu bẩn bởi những ám ảnh mà quốc gia dân tộc ta dầu cho muôn vàn xâm lược giày xéo cũng không đáng kinh sợ, cũng không đáng thất vọng bằng trông thấy những thanh niên yêu quí của ta bị xâm lược, bị thống trị, bị bóc lột, bị áp bách, bị hình giảo bỡi những bóng địch tối tăm. Họ tự chết dần trước khi chết, nghĩa là quốc gia dân tộc ta cũng đi với họ mà chết dần dần, ngắc ngoải một cách đau đớn, ê chề, trước khi diệt chủng.
….Ðối với thanh niên sẽ phát sinh vấn đề thần linh với tâm lý.
….Ðáng lẽ ra một người dân khỏe trong một nước khỏe, thì trên nền tảng sinh lý là tầng tâm lý vận dụng rất linh hoạt. Nhưng mà trên mặt tầng tâm lý của họ sẽ nẩy nở ra vô số những sức lực gì vô chất và kỳ quái, những hình ảnh gì vô căn và dữ tợn; ở đấy họ thấy cái tâm lý của họ chỉ là một bộ máy lệ thuộc cho một cái gì vô hình mà gọi là thần linh. Bản lai thần linh với tâm lý là một thể sống tối viên mãn, gọi là Như Lai Tạng (Lăng Nghiêm Kinh) tóm góp lại bằng những tất cả nhân tố tối tinh hoa của các plan physique, mental và astral hợp thành một tướng (système) bao gồm vía, phách, lý trí và đạt ma. Tâm lý cơ cấu đã kiện toàn thì nhân cách sẽ thống nhất, cái sinh mệnh hệ thống sẽ không phân chia, mà cho ta một đời sống xán lạn.
….Còn những hiện tượng hồi cố ví như réminiscence, ví như Mạt Na Thức của nhà Phật, nó chỉ là những tăng tục tính tích lũy trong cái quá trình sống còn của cá nhân với xã hội theo cái bước đi lũy tiến của lịch sử và hoàn cảnh. Vậy thì những sức lực và hình ảnh kỳ quái trên kia, đó là tâm lý bệnh. Nguyên lai của bệnh đó chia hai phương diện mà nói:
…..a) Hoàn cảnh suy lạc của quốc gia, xã hội, gia đình và tự kỷ trong cái thời đại thực dân, và kinh tế phá sản này.
….b) Giáo dục và bồi dưỡng thuần túy trong cái khuôn khổ tiểu thuyết khiêu dâm, lãng mạn, bi quan, yếm thế, hành động trụy lạc và đắm đuối, quan niệm sai đường và ái tình vặt.
….Còn những nguyên nhân trực tiếp từ nơi tâm lý hủy hoại:
….a) Phản tưởng (arrière pensée) làm cho người với người ngờ vực nhau, làm cho tâm cơ càng phức tạp và ranh mãnh.
….b) Hắc tưởng (pensée noire) càng làm cho tối đen tinh thần sinh hoạt và càng làm tê liệt cho vật chất sinh hoạt.
….c) Ảo tưởng (chimère) làm cho thanh niên sống say, chết mê, bàng hoàng, như hồn bướm mơ tiên, sống một cuộc đời nửa chừng xuân dằng dặc.
….Những người đó gần như hết là tự hoại, tự diệt, tự nhơ mình mà làm nhơ cả quốc gia. Chỉ có những hạng người ấy, hơn ai hết tự tư, tự lợi, không hy sinh nổi cá tính, không hy sinh nổi cảm tình, vì thân họ là thân nô lệ của những sức lực vô chất, với những hình ảnh vô căn, kỳ kỳ quái quái. Họ không phải là con đẻ của tổ tông ta, họ không phải là chiến sĩ của thời đại, không phải là phần tử của quốc gia, xã hội, dân tộc. Ví như Tôn Văn đã nói: “Người là cái khí cụ của tâm hồn, nước là do người góp chứa nên, quốc gia còn mất, thịnh suy, là trông vào lòng người phấn chấn hay ủy mị“. Những bệnh chứng của họ có thể phân chất ra như thế này:
….a) Ám ảnh cáu bẩn như sức ma vào tinh thần, sức quỷ dẫn dụ đưa dắt, trói buộc và hình giảo, không cho họ sung sướng, mà chẳng cho họ hối hận. Fran篩s II kêu: “Que de sang! Que de sang!” trong một cuộc ngắc ngoải khổ não. Ngô Tôn Sách chết với vô vàn bóng ma Vu Cát.
….b) Thắc loạn: (tức là các thứ manie) có cái manie đi ăn trộm, có cái manie giết người như Ngọa Triều bên ta, có cái manie là cho thơ thơ thẩn thẩn.
….c) Tự sát: đừng cho người tự sát là can đảm hay nhút nhát; nó chỉ là những hy sinh phẩm của tụi quan ôn thần kinh bệnh.
….Làm sao mà họ mắc mà không biết, biết mà không chữa, chữa mà không được. Họ tiêu cực đối chọi với hoàn cảnh, đổi không khí, họ bị dẫn đạo bởi ánh sáng, cái ánh sáng thảm đạm và lạnh lẽo của chúa Diêm Vương vô tình. Ôi nihil! ôi nihil! hư vô là hư vô, hư vô là cái vực âm thầm và không đáy.
….Xét cái tinh thần của người ta, cá nhân và xã hội không ngoài mấy tác dụng này:
….1) Tiềm di mặc hóa: dần dà vì ảnh hưởng xung quanh. Nước suối trên non thì trong, nước suối xuống đồng thì đục, từ cái lành sang cái ác chỉ cách một tóc một tơ.
….2) Tự kỷ ám thị (autosuggestion): một vài ý nghĩ ấy tự trói buộc mình cũng đấy mà tự bồi dưỡng mình cũng đấy.
….3) Tinh thần thôi tróc (somnambulisme): có những thầy phù thủy cao tay đánh đồng thiếp, nhưng mà không cứ, có nhiều phương thức mà nhiều nhà chính trị cũng dùng tới để bóp cổ nhân dân.
….Cho nên ta xét thấy những hạng người kia, muốn tự chữa mình, mà cũng chỉ có thể tự mình chữa lấy được mà thôi, thì hãy cố tâm trầm tiềm duồng dẫy hết thảy những cái bậy bạ của thiên mệnh tiền định luận dung tục (déterminisme). Hãy co kéo nó về. Nó là ai? TA (moi-même).
….Cho nên người ta muốn chữa cái bệnh thần kinh này thì thờ mấy chủ nghĩa:
….a) Tự do ý chí: muốn, làm, biết tự do, đó là chân tự tại, chân giải thoát.
….b) Tự kỷ ám thị: Cái thiên căn của trời đất với cái thiên căn của tự mình, ở nơi một lòng tín ngưỡng chặt chẽ nhất (la foi, credo), tín vi đạo nguyên công đức mẫu (Hoa Nghiêm Kinh). Người đã kiến thiết cái lòng tin này, ta bảo đảm sẽ thành vĩ nhân. Napoléon, Alexandre le grand, Jésus Christ, Mahomet, Phật, Lão, Khổng, Gandhi, Hitler chẳng qua là những người làm bằng cái lòng tin đó.
….c) Ðộc lập độc hành: không phải là cá nhân anh hùng chủ nghĩa, không phải ưu thế thanh đàm chủ nghĩa, chỉ là sự cố gắng lớn lao, của một người trong những người, chỉ là sự cố gắng ở nơi tự mình.
….Thiệu Tử nói: “Thánh cũng chỉ là người, nhưng đấy mới thật là người“. Biết thì ai cũng biết cả, nhưng biết chân thật mới là biết.
….Ta còn dặn thêm mấy nguyên tắc đề phòng bệnh thần kinh:
….a) Cẩn thận khi một mình, một mình đối diện với lòng, đừng để cho ý dục sai khiến.
….b) Cẩn thận khi mới đầu. Tưởng Ủy Viên Trưởng nước Tàu nói: “Cùng lý ư vạn vật, thủy sinh chi xứ, nghiên cơ ư tâm ý sơ động chi thời”.
….c) Cẩn thận từng cái nhỏ, những cái mấp máy của lòng, tâm tâm niệm niệm, xem xem, niệm Ma hay niệm Phật, lỗ kiến vỡ đê, mồi lửa cháy thành. Phàm cái gì lớn lao và những cái tối trường cửu, đều gốc gác ở những cái nhỏ. Thôi đừng tự kỷ tác quái.Câu phương ngôn nói: “dương thịnh âm suy, máu xấu ma làm, nước suy quỷ hiện“, có đúng hay không đúng?
…..
….
X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)
Quay Trở Về