…..

HUYẾT HOA

…..

X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A

…..

V- HỠI ƠI !

TÂM LÝ THẦN LINH HỌC

…..

4-NHÂN SINH VÀ NHÂN TỬ

…..Phải chăng tìm cái chốt của đời sống mỗi người một trăm năm, và đời sống của loài người muôn vạn thế, bao nhà tôn giáo, triết học, khoa học, chẳng qua chỉ là góp những tài liệu chung quanh cái vấn đề trung tâm là nhân sinh quan và nhân tử quan, thống nhất trên một mối sống.

 …..Ôi đạo sống khó thay! Sinh thế dị, trưởng thế nan. Thế thì loài người nghe đạo phải có tinh thần “chiêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” nghĩa là sớm được nghe đạo dù chiều chết cũng vui. Người sống còn ví như người trong nhà bước ra khỏi cửa để đi đến một mục đích địa điểm nhất định, phải đã sẵn có cái mục tiêu nơi lòng, trong cái quá trình đi đường phải biết hấp thụ những tinh hoa và kinh nghiệm chung quanh để đi tới nơi bằng một tinh thần sảng khoái. Cho nên cái ý chí nguyên bản của mình phải nhất định. Những tinh hoa và kinh nghiệm trong cái lịch trình đó chỉ là những cái tài liệu tích lũy vào cái ý chí nguyên bản, càng phong phú dồi dào vào cuộc sống thêm viên mãn, mỹ lệ.

 …..Có thể chia:

…..1) Thiết lập một phương châm sống và lý tưởng làm nguyên bản. Có thể nói: Nhân sinh chi kế tại ư xuân. Lúc thanh niên chính là lúc mình lập chí.

…..Hãy nghe:

………Nếu hoa xuân nở ngọn cây

………đó là để xui giục lòng người đi tìm ánh sáng đạo

………nếu trăng thu chìm đáy nước 

………đó là hình tượng cảm hóa chúng sinh

 ……..và tất cả chúng sinh

 …….đó là tái sinh

……..trên cùng một bông liên hoa.

…..2) Bằng cái lý tưởng phương châm sống, kiến lập một cái sinh mệnh chủ quan tuyệt đối có tính chất tiến hóa và sáng tạo, trong quá trình đời sống, hấp thụ thiên nhiên với xã hội tinh hoa, sung thực và phong phú sinh mệnh tài liệu của mình cho đời càng được triết học hóa, xã hội hóa, và nghệ thuật hóa.

…..3) Dumas nói: Phải trông cái chết thẳng trước mặt. Ôi đạo chết khó thay! Biết bao kẻ sống chết như cây cỏ nát, vô ích cho nhân loại, cho dân tộc. Biết cái chết mới kiến lập được cái quyết tâm. Biết cái sống mới dám đem lòng hy sinh. Biết cái cực chất của sống với chết ở nơi tự mình, mới hiểu rõ được cách đặt để mình vào xã hội. Có ba hạng làm việc: làm thầy đời, làm bạn đời, làm tôi đời (travail de maitre, travail dami, travail de serviteur). Mà làm việc đời cũng có ba hạng người: quyết tâm, thực hành với trí giả (homme de coeur, homme daction, homme desprit). Phải nên hiểu mình thích hợp với cái khí chất gì, nhiên hậu mới quyết định cách làm của mình. Tóm lại một lãnh tụ phải đủ ba đức tính: có thể là nhà lý luận, đồng thời là nhà hành động và nhà tổ chức, không thế thì không được.

…..Trong quá trình sống của mình, hạt bụi, sợi cỏ, từ cái rất nhỏ đến những cái rất to, từ cái vô hình đến cái hữu hình, đều là tài liệu của biết. Biết là trục của sống, mà học là cửa của biết. Ôi đạo học khó thay! Cùng một cửa mà ra thiên tài, mà ra nô tài, mà ra nhân tài.

 …..Cho nên dạy người hay cầu học tóm lại có ba phương châm:

 …..1. Nuôi tâm sinh thiên tài.

…..2. Nuôi óc sinh nhân tài.

…..3. Nuôi thân sinh nô tài.

…..Trong trời đất, nhiệt với thành là hai yếu tố nguyên thủy và hoạt động. Vạn vật ở đó mà ra, tình, ý, chí đều ở đó mà ra. Nhưng tất cánh nhiệt với thành chỉ là những thể chất đồng chất (homogène) thuần túy tự năng và tự động, trải qua một quá trình sung thực tình, ý và chí, đem tình, ý và chí quy lại một lý tưởng tối cao và biểu hiện ra một trung tâm công tác hóa.

 …..Dạy người vời cầu học là một công việc đồng đạo đối lưu. Có ba lối học:

…..1. Ðắc ý vong ngôn như Trang Tử, như Nhan Uyên, Ðào Uyên Minh tự lực, độc thiện kỳ thân như võ siêu trần bạt tục.

…..2. Nhập nhĩ xuất khẩu, vào tai ra mồm, vô ích thực tế.

…..3. Nhập lý xuất sự, học tập với làm việc thống nhất, lý luận với thực hành không chia, nhân cách trung dung, tư tưởng chấp dụng

…..Có bốn cửa học:

 ….. …...Nhập nô xuất chủ

 ……….Nhập chủ xuất nô

 ……….Nhập chủ xuất chủ

 ……….Nhập nô xuất nô.

 …..Dân tộc ta sở dĩ sức thừa độc lập mà suốt trên lịch sử mấy ngàn năm vẫn không triệt để uyên nguyên không phải ở nơi gắng sức dở dang, phấn đấu nửa đường, tài lực thiếu thốn, dân chúng tản mạn, mà thực là ở nơi học không triệt để, nghĩa là không triệt để độc lập trên tinh thần, cũng không triệt để phát huy được cái năng lực sáng tạo và khẳng khái tối cao siêu của giống nòi.

 …..Chính trị ngày nay có thực hiện được tối tân hay không là trông vào tư cách của mỗi người quốc dân có hợp với thủy chuẩn sinh tồn theo tâm thức hay không.

 …..Lịch sử chỉ là cuộc diễn tiến theo cái sinh mệnh hệ thống của một dân tộc trên một quá trình dự định phát triển trên những điều kiện với sự thực khách quan. Cho nên dân tộc ta cần những thanh niên rất thuần túy và sung thực, đem ra làm trọn vẹn hai tầng chức vụ của thời đại là cách mạng và kiến thiết.

 …..Những thanh niên ấy phải biết đạo sống, đạo chết với đạo học, phải biết kiến lập một sinh mệnh hệ thống độc lập và siêu nhiên cho tự mình. Ðời sống của người ta vốn là một cuộc đi có dự định kế hoạch, để đạt tới một dự định mục tiêu, hoàn thành một dự định ý nghĩa và một dự định giá trị cho nhân sinh.

 …..Cho nên cái biết đã là trục của sống thì sự học vấn cũng phải dò cho đến chốn của sự biết. Cần có hai điểm:

…..1. Khuôn khổ phải to tát.

…..2. Sợi đan phải nghiêm mật.

…..Cái tổ chức sơ bộ của học có thể chia:

 …..a) Tổ chức lý trí hệ thống, tức là học về lý tắc (logique). Tư tưởng là một đồ dùng. Dùng nó phải có phương pháp. Phương pháp dẫn dắt tư tưởng của người ta, đồng thời giúp tìm ra những luật tắc của tự nhiên và xã hội tiến hóa. Cho nên tư tưởng của người ta khi đã tổ chức theo lý tắc thì mới khả năng tìm được chân lý, sự thật trong sự thật, mới chỉ huy không nhầm cái tâm lý sinh hoạt của người ta.

 …..b) Tổ chức tình cảm hệ thống, tức là học về thẩm mỹ (esthétique), học về nghệ thuật, tức là học về cách tổ chức và biểu hiện cảm tình, vũ trụ và xã hội sống theo những trật tự và luật tắc của nghệ thuật. Có cảm nghiệm cái tinh thần và phương pháp nghệ thuật thì tình cảm của ta mới được hợp lý và sinh hoạt của ta mới được mãn ý.

 …..c) Tổ chức ý chí hệ thống, tức là học về lịch sử. Lịch sử là sự biểu hiện toàn thể ý chí sinh tồn của loài người và dân tộc. Phải lấy sự thể nghiệm quốc hồn và giác ngộ dân tộc làm tối cao mục tiêu, phải lấy tự kỷ khám phá ra cái lý tưởng muôn đời của dân tộc. Căn cứ vào đó, lấy cái sứ mệnh tối thiêng liêng, nối dõi tổ tông, mở mang con cháu, sáng tạo văn minh cho dân tộc mình trên một nền tảng tối vững vàng làm cái phương châm không di chuyển cho cả một đời mình. Biết lấy ý chí đó làm ý chí mình, há chẳng bền mạnh và hy sinh lắm ru?

….. 

X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A

…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)

Quay Trở Về

 

 

 

 

Tìm Kiếm