…..
HUYẾT HOA
…..
X.Y.Thái Dịch Lý Ðông A
…..
V- HỠI ƠI !
TÂM LÝ THẦN LINH HỌC
…..
6. PHẬT LÀNH VỚI MA ÁC
…..Trong Pháp Du kinh có kể chuyện Thích Ca Mâu Ni thành đạo rồi, Ðế Thích sai sáu tiên nữ xuống ám ảnh quấy rối và dụ hoặc. Jésus Christ đã từng bị dụ hoặc bởi quỉ (tenté par le démon). Khổng Tử đã bị vấp váp bao nhiêu lần trên đời, bị hãm ở nước Tần. Thích Ca tất cánh đánh tan được ám ảnh, Jésus xua đuổi được ma quỉ, Khổng Tử gẩy đàn mà nhịn đói, đó là những cuộc thắng lợi trên tự mình, đó là những cuộc thắng lợi nhất lòng vì đạo và sức bền. Trần Hy Di đáp lại vua Tống: không lao ngọc nữ hạ dương đài. Người ta đam mê trong khổ ải nhưng khổ ải trước hết là ở nơi tự mình, bạt thiệp núi non, chỉ vì tấm lòng trần quấy rối, bắt tấm thân chạy đuổi theo những thanh, hương, sắc, vị, chắc chắn không có chi khác.
…..Lòng người như con vượn, ý người như con ngựa, dục người như con lợn. Vượn bay nhảy leo trèo, ngựa chạy rong nước kiệu, lợn ì ục lười biếng.
…..Sự thực hiện tự mình, trước hết bỏ trừ những thú tính trong mình, kiến thiết tự mình thành một tấm thiêng liêng, kim cương vô ngã rắn rỏi và trong suốt.
…..Cho nên sự tịnh hóa (purification) là công phu đầu tiên để rửa sạch ba cái bánh xe nhân sự, nó là khẩu luân (mồm), thân luân (thân thể), ý luân (dục vọng). Sạch sẽ rồi mới thơm tho, sáng láng, sảng khoái và có chủ ý. Connais-toi, toi-même, đó là chủ chỉ của minh tâm, kiến tính và thành Phật.
…..Nhưng Phật với Ma là thế nào? Ma là vô minh, ngu dốt; Phật là đại giác sáng suốt. Sống tức là cho tự mình, còn là thực hiện tự mình. Sống cho tự mình mới là biết sống. Ma là duyên nghiệp, Phật là tịch tịnh. Sống nghĩa là tự mình tự do giải thoát, nghĩa là tự mình cần phải đại tự tại, đại vô úy, đại vô ngã, tức là chân chính giải thoát. Cho nên người ta tự lúc ra đời, hãy nên nhận thành cái hiện tượng mâu thuẫn ở tự trong cõi mình mà muốn cho đạt tới chân thiện mỹ trước hết tự mình phải có một chủ ngã, cái chủ ngã ấy có một phương châm sống hướng thượng. Trước hết có đại nguyện, thực hành cái đại nguyện đó cần trì chí và lực hành. Có đại nguyện mới có lòng trì chí.
…..Biết triệt để rồi mới có lòng muốn thực hành. Dân tộc, quốc gia ta, kể về tinh thần độc lập thì thật siêu thoát lên trên thế giới. Bây giờ đây, loài người không hết ca ngợi tính độc lập của Mỹ, Ba Lan, những cuộc độc lập phí bao nhiêu vật lộn và phí bao nhiêu xương máu. Nhưng mà tính độc lập của Mỹ chẳng phải là mặt trái của sự chia rẽ nòi giống Anglo-Saxon sao? Tính độc lập của Ba Lan chẳng phải là thiếu cái nội tại tự lực, để mặc cho cái quyền độc lập của mình, xoay vần bởi quốc tế thời thế hay sao? Không gì thuần túy bằng tinh thần độc lập của nòi giống Việt, trải qua từ khi còn là một tốp người nho nhỏ, tiến lên thành một dân tộc, hai triệu rồi ba triệu, bốn năm bảy triệu, ở cõi trung châu chật hẹp, cho nên ngày nay 50 triệu người, từng thống nhất dưới Ðinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Ðạo, từng phân toái hết thảy mọi ngoại lực xâm lược.
…..Không gì vĩ đại bằng tinh thần độc lập của nòi giống Việt, có cái quyền bính độc lập đó, nắm được ở tay mình, mà tự ở đáy tầng dân chúng nắm tự tay dân tộc mình, Lê Lợi cách mạng, đó là cuộc tự lực cánh sinh một trăm phần trăm vậy.
…..Nhưng mà bây giờ đây, người Việt ta phải hiểu thấu cái để uẩn tối thiêng liêng của nòi mình, cái lý niệm tối thực tại của Tiên với Rồng, cái tinh thần tượng trưng đó đã diễn tiến theo biện chứng pháp ra một cái quá trình lịch sử của chúng ta khi hưng khi vong, khi ẩn phục, khi triển khai. Căn cứ vào cái tinh thần lý tắc ấy, và lý tắc lịch sử đó, ta đoán định nhất quyết là thời đại trước mắt ta đây, chính là buổi rạng đông của văn minh cao khiết mới, một sứ mệnh vĩ đại mới, và một sự nghiệp hùng tráng khai quang của dân tộc Việt. Một thế kỷ lâm ly khổ ải đã thẩm thấu vào lòng mọi người Việt, cái bộc phát của tương lai, cái đột biến của sự nghiệp. Cho nên cái quá trình phục hưng của nòi nước ta có thể chia ra làm đại bi, đại giác, đại nguyện, đại hành, đại hùng, đại thế, đại đạo.
…..Tự cảm giác thấy cái đau khổ lớn lao mà thức tỉnh một cách mạnh mẽ, rồi tự tìm lấy một lý tưởng cao cả mà xông vào vật lộn hy sinh đến kỳ cùng. Ðến đây bao nhiêu lực lượng và tinh thần tồn tại khỏe khoắn của suốt một thế hệ tổ tiên sâu dày đã trở lại mình, đứng trên một cương vị có bề thế ưu thắng, có một bộ óc và hai bàn tay vạn năng, hoàn thành cái đạo lớn cho loài người.
…..Nhưng mà cái trình tự kim đan hoán cốt, cải biến đời người, nó cho một khí lực tân sinh cho mỗi cá nhân người Việt cũng phải thế.
…..Người Việt phải truy bản cùng nguyên cái đáy lòng mình và đáy lòng lịch sử của nòi giống, kín gánh ở đấy cái nguồn sinh lực, đạo đức và trí tuệ, nó làm mình đứng dậy lớn lao lên và mạnh mẽ, cầm bó đuốc của đời sau phát nguyện mà làm việc.
Phục hưng dân tộc trước hết phải phục hưng cá nhân. Dân tộc có độc lập được hay không là nhờ ở thanh niên có độc lập năng lực hay không. Muốn biết phải làm. Sinh nhi tri chi, học nhi tri chi, khốn nhi tri chi, cập kỳ tri giả nhất giã.
…..An nhi hành chi, lợi nhi hành chi, miễn cưỡng nhi hành chi, cập kỳ thành công giả nhất giã. Hỡi dân tộc thanh niên, phải chịu khốn khổ mà cầu biết, phải biết miễn cưỡng mà làm đi!
…..
X.Y. Thái Dịch Lý Ðông A
…..
Gió Ðáy thuộc Duy Dân Học Xã
xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn, Việt Nam
ngày 7 tháng 10 năm 1969 (Kỷ Dậu 4848 tuổi Việt)
Quay Trở Về