Người Tìm Hiểu

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH: CHÌA KHÓA CHO TƯƠNG LAI TRÁI ĐẤT

“Ước gì có một giải đáp cho nhiều vấn đề có tính cách Toàn Cầu mà chúng ta hiện đang phải đối phó, từ các vấn đề ‘thay đổi khí hậu’, nghèo đói cho tới nội chiến ? Thưa có giải đáp loại đó, nhưng điều đáng tiếc là trong lãnh vực liên hệ, chúng ta thiếu phương tiện, tài nguyên một cách trầm trọng. Giải đáp đó có tên là ‘Kế Hoạch Hóa Gia Đình’ và trở thành nạn nhân của các cuộc ‘Thánh Chiến’ tại Hoa Kỳ hiện nay . Một phần vì lý do này mà Dân Số trên thế giới mới vượt qua cái ‘lằn mốc’ 7 tỷ người vào tuần này, căn cứ trên các con số của cách tính có thể không được chính xác lắm của các nhà dân số học của cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Con người đã phải cần vài trăm ngàn năm cho đến năm 1804 mới đạt được cái lằn mốc đầu tiên là 1 tỷ người. Cần thêm 123 năm nữa để đạt lằn mốc thứ hai là 2 tỷ người vào năm 1927. Từ đó, chúng ta vượt qua các lằn mốc kế tiếp một cách nhanh chóng. Và cái cái lằn mốc ‘tỷ người’ cuối cùng chỉ cần có 12 năm là đạt đến.

Năm 1999, lời tiên đoán chính xác nhất của cơ quan LHQ là dân số toàn cầu sẽ đạt tới 7 tỷ người vào năm 2013, nhưng trên thực tế đã vượt qua lằn mốc này 2 năm sớm hơn. Một cách tương tự, năm 1999, cơ quan LHQ ước tính dân số thế giới vào năm 2050 sẽ là 8.9 tỷ, nhưng nay được họ sửa lại là 9.3 tỷ.

 Nạn nhân mãn có ảnh hưởng như thế nào ? Ảnh hưởng đầu tiên là tại các nước mà dân số gia tăng nhanh chóng như Afghanistan và Yemen, các thành phần trẻ tuổi dễ bị dẫn dụ vào con đường xung đột và khủng bố. Dân số gia tăng nhanh chóng cũng đóng góp vào sự gia tăng nạn nghèo đói trên toàn thế giới, và khiến không thể tiếp tục nỗ lực bảo vệ các khu rừng hoang chưa ai khai phá hoặc chống đỡ hiện tượng ‘thay đổi khí hậu’. Một vài nghiên cứu gợi ý là cách thức đơn giản để giảm thiểm mức ô nhiểm do số lượng khí ‘carbon dioxide’ thải ra vào năm 2100 là hạn chế mức gia tăng dân số ngay từ bây giờ.

Hơn nữa, phương thức ‘kế hoạch hóa gia đình’ tỏ ra hữu hiệu. Phụ nữ Ấn Độ ngày nay có tỷ lệ sinh sản trung bình là ‘2.6 con’, giảm từ tỷ lệ ‘6 con’ vào thập niên 1950. Phụ nữ Mễ Tây Cơ vào năm 1965 có tỷ lệ sinh sản trung bình là ‘hơn 7 con’ nay xuống còn ‘2.2 con’.

Tuy nhiên, một vài quốc gia không biết đến cuộc ‘Cách Mạng Sinh Sản’ này! Phụ nữ tại các nước Afghanistan, Chad, Congo, , Somalia, East Timor và Uganda đều có tỷ lệ sinh sản trung bình là ‘6 đứa con’ hoặc hơn cho mỗi người, theo lời tuyên bố của cơ quan LHQ

Ở những vùng quê Phi Châu mà tôi có dịp đi ngang qua, có những phụ nữ chưa bao giờ nghe đề cập đến vấn đề ‘Ngừa Thai’. Theo sự ước lượng của Viện Guttmacher, một cơ quan nghiên cứu ‘được nể nang’, có 215 triệu phụ nữ muốn tránh ‘có bầu’, nhưng không có được phương tiện ngừa thai. Điều thiết yếu ở đây không chỉ liên quan đến phương tiện ngừa thai, mà còn là vấn đề Giáo Dục phụ nữ và Nữ Quyền vì hầu hết các phụ nữ được giáo dục đều có ít con hơn.

Theo tập tục chính trị của Hoa Kỳ trước đây, thông thường vấn đề Ngừa Thai được sự hỗ trợ của hai Chính Đảng. Tuy chức sắc của Giáo Hội Công Giáo chống đối, nhưng các vị Tổng Thống của đảng Cộng Hòa như Richard Nixon hay George H.W. Bush hỗ trợ mạnh mẽ cho biện pháp này. Nhưng sau đó, ‘kế hoạch hóa gia đình’ bị mang tiếng xấu vì những biện pháp ngừa thai ‘ép buộc’ và ‘đi quá trớn’ của các chính quyền Trung Hoa và Ấn Độ. Và vấn đề Ngừa Thai nay lại bị vướng mắc vào các ‘cuộc chiến’ ý thức hệ tại Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề Phá Thai.

Nhiều chức sắc Tôn Giáo có khuynh hướng bảo thủ chống lại việc Ngừa Thai hoặc Phá Thai, đồng thời quỹ yểm trợ cho biện pháp này có khuynh hướng ‘tụt hậu’. Mà hậu quả là các trường hợp Phá Thai gia tăng. Khi các phương tiện Ngừa Thai không có sẵn, kết quả không phải là người ta bớt đi chuyện ‘làm Tình’ mà các trường hợp ‘có Bầu’ sẽ gia tăng .

Vậy nên trong khi ‘nghinh tiếp’ sự kiện dân số nhân loại đang vượt qua lằn mốc 7 tỷ người, phải cố gắng làm chậm trễ sự xuất hiện của cái lằn mốc ‘8 tỷ người’. Chúng ta phải có thể đồng ý với nhau trên một loại ‘Kế Hoạch Hóa gia đình’ Tự Nguyện như là một chiến lược hữu hiệu và ít tốn kém nhằm giảm thiểu tình trạng Nghèo Đói, Xung Đột, tổn hại về Môi Sinh trên toàn thế giới”.(1)

Có lẽ một trong những lý do thúc đẩy Nicholas Kristof, viết bài báo vừa được trình bày ở trên là sư kiện vấn đề Dân Số không được đề cập tại Hội Nghị Thượng Đỉnh về Môi Sinh do LHQ tổ chức tại cả Copenhagen (Đan mạch) lẫn Mexico (Mễ Tây Cơ).

Theo dự đoán, nếu dân số toàn cầu tiếp tục tăng trưởng theo mức độ hiện nay, thì vào năm 2050, nhân loại cần tài nguyên của một ‘trái đất thứ hai’ mới nuôi nổi tất cả dân cư trên địa cầu. Như đã nói ở trên, ngày nay, dân số toàn cầu đã vượt lằn mốc 7 tỷ người rồi và theo tiên đoán sẽ đạt đến 9.3 tỷ trong chưa đầy 40 năm nữa. Tuy nhiên, hầu hết các chính trị gia ngày nay rất ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề này. Nhóm chữ ‘Kiểm soát Dân số’ có âm vang như là một ‘điềm gở’ đối với nhiều lãnh tụ chính trị, mặc dầu cả khi nó chỉ có ý nghĩa là một phương sách hợp lý và đúng đắn về ‘kế hoạch hóa gia đình’.

 Theo ước lượng, có gần 40% trường hợp ‘có bầu’ trên thế giới là ‘không cố ý’, do đó nhắm giải quyết vấn đề này có thể mang lại được những kết quả đáng kể.

Nghiên cứu của Cơ Quan ‘Optimum Population Trust’, mà thành viên bao gồm cả những nhà Môi Sinh như David Attenborough, James Lovelock và Jonathon Porritt, ước lượng là cứ 7 đô la chi phí trên các dịch vụ căn bản trong lãnh vực ‘kế hoạch hóa gia đình’ trong gần 40 năm tới sẽ khiến số lượng khí thải ‘carbon dioxyde’ giảm bới hơn 1 tấn, thì sẽ tốn tối thiểu là 32 đô la nếu xử dụng các kỹ thuật khác nhắm vào cùng mục tiêu.

Như thế tại sao người ta lại không chú tâm tới các hậu quả nghiêm trọng của vấn đề Gia tăng Dân số ngày nay ?

Theo nhà Khoa Học và Môi Sinh James Lovelock, “vấn đề gia tăng dân số là loại lãnh vực bị ‘bỏ quên’ là tại người ta muốn quên nó”. Nhưng vấn đề này sẽ không biến mất ‘khơi khơi’ như vậy. Lý do là các sinh vật trên quả địa cầu này ( cả người lẫn súc vật) ‘góp phần’ vào 25% số lượng ‘khí thải’ toàn cầu chỉ bởi sự hiện hữu của chúng trên trái đất này trước khi kể đến xe hơi hay các nguồn gây ra khí thải khác.(2)

Giống như trước đây, vì những lý do khác nhau trong đó có lý do Lợi Nhuận, người ta không chú tâm vào những hậu quả tai hại của vấn đề Khí Thải , thì một cách tương tự ngày nay, cũng vì những lý do khác nhau trong đó có lý do Chính Trị và Tôn Giáo, người ta Cố TRÁNH đề cập đến những Hậu Quả Nghiêm Trọng của vấn đề Gia Tăng Dân Số đối với các Thế Hệ Sắp Tới !!!

Người Tìm Hiểu

CHÚ THÍCH

(1) Nicholas Kristof , ‘Family Planning the Key to Future of Crowded Planet’ ‘The Saturday Age’, 05/11/2011, Melbourne, Úc

(2) Mary Fitzgerald, ‘A World too Full of People‘ by, ‘NewStatesman’, August 30, 2010

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm