.

KHI NÀO NGÀY BẮT ĐẦU

Nguyễn Tầm Thường, S. J.

…..Vị đạo sĩ hỏi người học trò:

… .– Đâu là lằn mức giữa đêm và ngày? Lúc nào ngày bắt đầu? Lúc nào đêm chấm dứt?

…..Người học trò nhíu mày suy nghĩ. Vị đạo sĩ bảo người học trò vẽ lằn mức cho ông ta biết, mặt trời mọc đến đâu là ngày, chia ranh giới lúc nào là hết đêm.

…..Im lặng, nhíu thêm đôi mày. Thời gian trôi qua.

…..Không ngờ câu trả lời khó vậy. Người thanh niên thầm nhủ: “Ta nhìn bình minh biết bao lần, thức dậy biết bao buổi sáng, mấy mươi năm trong đời chưa một lần phân biệt: Lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?”

…..Khi viết dòng này, tôi cũng mới chợt tỉnh câu hỏi của nhà đạo sĩ. Mấy mươi năm làm người, chưa bao giờ nhìn buổi sáng hỏi chân trời lúc nào gọi là ngày, hỏi lòng mình lúc mặt trời mọc đến đâu là hết đêm. Câu hỏi không dễ trả lời.

…..Sau khi giã từ Goa, tôi xuôi nam. Bây giờ tôi đang ở Kanniyakumari, cực nam của miền đất Ấn Độ, cũng gọi là Cape Comorin. Nơi gặp nhau của ba dòng nước lớn, vịnh Bengal, Ấn Độ dương và biển Arabian.

…..Tôi muốn đến đây vì mỏm đá sau cùng của Ấn Độ để nhìn ba dòng biển ấy gặp nhau và nhìn mặt trời. Nhiều du khách tìm đến đây cũng vì lý do đó. Đứng quay lưng lại lục địa, trước mặt là Ấn Độ dương, phía trái là vịnh Bengal, phía phải là biển Arabian. Điều đặc biệt nơi đây, khi trăng lên phía Đông ở vịnh Bangal, mặt trời xuống phía tây bên biển Arabian, cả hai đều tròng trành trên biển đối diện nhau. Đây là nét đẹp của biển, của trăng, của mặt trời trến trái đất mà du khách gặp mặt cùng một lúc. Sóng nước dạt dào vô cùng tận. Bên đông trăng lên. Bên tây mặt trời xuống. Dang hai cánh tay, ta sẽ hứng cả trăng và trời.

…..Lung linh, một quả cầu tròn đỏ ối rực xuống biển cả. Du khách đến đây chiêm ngưỡng mặt trời lặn. Tôi có mặt trong đám người đó chiều ngày mồng 5 tháng 4, năm 2001.

…..Sau thời gian suy nghĩ, người học trò không sao vẽ được lằn mức giữa ngày và đêm. Anh đánh bạo trả lời tôn sư:

…..– Thưa Thầy, lúc mặt trời cho con đủ sáng phân biệt được con chó khác con mèo, đó là ngày.

…..Vị đạo sĩ lắc đầu, hỏi người học trò:

…..– Phân biệt con chó khác con mèo, nhưng đủ ánh sáng để phân biệt cành trúc khác cành tre không?

…..Người học trò im lặng chưa biết nói gì. Tôn sư anh ta lắc đầu nói tiếp:

…..– Đấy không phải tiêu chuẩn phân biệt ngày và đêm con ạ. Đủ ánh sáng phân biệt con chó với con mèo, nhưng bao nhiều ánh sáng mới đủ phân biệt cây trúc với cây tre? Vả lại gần bao nhiêu thì rõ để gọi là chó, xa bao nhiêu là tối để có thể lẫn là mèo.

…..Sau cùng, người học trò tự thú:

…..– Thưa Thầy, từ lúc Thầy đặt câu hỏi con mới để ý khi mặt trời mọc. Con không vẽ ranh giới được lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm kết thúc. Con thức giấc mỗi sáng mà không biết lúc nào gọi là ngày, lúc nào hết đêm.

…..– Con ạ, cuộc đời nhân gian đêm nhiều hơn ánh sáng. Người ta không tỉnh thức nên sống trong đêm tối mà cứ ngỡ ban ngày. Người ta thức dậy mỗi ngày mà không biết ngày bắt đầu lúc nào, làm sao gọi là thức dậy?

…..Người học trò im lặng trong ý nghĩ riêng tư, hỏi nhà đạo sĩ:

…..– Thưa Thầy, người ta không quả quyết được lúc nào đêm chấm dứt. Có phải ý Thầy muốn nói, như thế, thức dậy cũng chưa chắc là hết bóng đêm không?

…..– Đúng thế, con ạ. Thầy muốn dạy con hai điều. Điều thứ nhất, con đã phí phạm biết bao bình minh, mấy mươi năm trong đời nhìn mặt trời mà không biết đâu là ngày, đâu là đêm. Điều thứ hai, ngày tháng còn lại của con, con phải trả lời câu hỏi của Thầy: Lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?

…..Bao nhiêu năm thiền niệm trên ngọn núi này, ngày ngày Thầy nhìn mặt trời mọc trên biển tìm câu trả lời. Thầy thức giấc nửa đêm trăn trở vì câu hỏi ấy. Thầy ra ghềnh đá chờ ánh mặt trời, Thầy lấy hết tâm trí nhìn bóng tối lui dần mà không vẽ nổi lằn ranh biên giới lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt. Cho đến một ngày kia…

…..Nói đến đó nhà đạo sĩ im lặng. Mắt ông ngời sáng, nhìn xa xôi về phía chân trời. Người học trò lắng nghe.

…..Bạn thân mến, có khi nào bạn nhìn mặt trời buổi sáng với câu hỏi của nhà đạo sĩ kia chưa? Mặt trời chưa mọc mà hừng sáng, ta chưa gọi là ngày được, vẫn còn bóng tối, ta bảo đó là hừng đông. Hừng đông là đã có chút ánh sáng nên cũng không thể gọi là đêm được nữa. Từ cái mềm mại như ngọn chuối non đến mầu xanh biếc của tàu chuối già, từ cái xanh nhẹ của ngọn mạ đến màu già dặn của lúa, đâu là lằn mức phân biệt? Mặt trời lên dần, vũ trụ ngái ngủ trở mình. Ta chưa gọi là ngày cho đến khi cái ngái ngủ kia thành thức tỉnh. Ánh sáng làm cho cái mềm ẻo của thời gian mơ hồ thành ngày. Nhưng đâu là biên cương giữa ngày và đêm?

…..Ta thấy trong cuộc đời dường như cũng thế. Đâu là tiếp nối giữa hạnh phúc và đổ vỡ? Bao nhiêu hạnh phúc hôn nhân lúc ban đầu đẹp vậy mà ít năm sau, ta nghe những chuyện buồn, ta ngỡ ngàng thở dài nghe bạn bè cho hay tin, họ ly dị rồi. Đời mỗi người cũng thế. Có khi mình đang đặt sai về những giá trị cuộc sống mà chẳng biết. Đến khi hối tiếc, đã quá muộn màng. Đâu là biên giới của sắp sa ngã và sa ngã?

…..Không phân biệt được lúc nào ngày bắt đầu, khi nào đêm chấm dứt, làm sao phân biệt được lúc nào ngày chấm dứt và đêm sắp bắt đầu? Thứ đêm và ngày trong ý nghĩa thiêng liêng. Làm sao phân biệt được khi nào hạnh phúc đang phai mờ và đổ vỡ đang đến? Làm sao phân biệt được lúc nào giá trị thiêng liêng đang chấm dứt và giá trị trần thế đang lấn chiếm?

…..Có khi ngày đang hết, đêm xuống dần mà không hay. Ta chần chừ, tưởng đời mình còn dài, trước ngưỡng cửa hoàng hôn mà cứ gọi là ngày.

…..Có khi trước bóng đêm mà ta thản nhiên không phải ngày còn dài mà chỉ vì không phân biệt được khi nào đêm bắt đầu.

…..Đường thiêng liêng của linh hồn hay những chuyện tình cũng thế thôi. Họ không biết lúc nào vào bóng đêm, vì không biết tâm tình mình đang đi về đâu. Hoàng hôn mà ta cứ tưởng là ngày.

…..Đợi người học trò thật yên tĩnh, nhà đạo sĩ nói với môn sinh ông ta:

…..– Con ạ, thật sự không thể vẽ lằn mức được lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt.

…..Người học trò như ngạc nhiên, chăm chú lắng nghe. Tôn sư ôn tồn xác định lần nữa câu nói của ông bằng cách cắt nghĩa cho người học trò:

…..– Không thể phân biệt được biên giới giữa đêm và ngày cũng như không phân biệt được bao nhiêu của cải là hạnh phúc, thiếu bao nhiêu là chưa đủ.

…..Ngập ngừng đôi giây, vị đạo sĩ nói như lời tâm sự thân tình với học trò mình:

…..– Thách đố bởi câu hỏi khi nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt. Thầy mải mê đi tìm trong văn chương triết học, trong thần bí niệm tu, cho đến một ngày biết mình không còn sống được bao lâu mà vẫn không tìm được câu trả lời. Lúc đó Thầy buồn khôn tả, biết mình nhỏ bé trước biển cả và mặt trời. Thầy cúi đầu xin Thượng Đế cho Thầy được chết bình an. Thầy xin Thượng Đế cất đi câu hỏi đã dằn vặt Thầy. Thầy không còn cách nào trả lời câu hỏi ấy. Trong văn chương triết học, Thầy đã thất vọng, trong thần bí niệm tu, Thầy đã ráng sức cả đời. Càng suy nghĩ càng thấy mình nhỏ bé, sau cùng, Thầy chỉ còn biết xin Thượng Đế thương xót, đừng hỏi nữa cho tâm hồn Thầy thảnh thơi.

…..Khi nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?

…..Không trả lời được con ạ. Đâu ngờ, chính lúc Thầy xin Thượng Đế cất câu hỏi ấy đi, Ngài lại trả lời cho Thầy. Một ánh sáng êm dịu vô ngần nhẹ nhàng đậu xuống linh hồn Thầy, cho Thầy một trí hiểu đơn sơ, một niềm vui kín đáo, một năng lực sống trọn vẹn vì một khám phá: Đời quá đẹp.

…..Nói tới đó, nhà đạo sĩ như phiêu du vào một vùng trời rất đỗi bình an. Người học trò chăm chú kỹ hơn, lắng nghe.

…..– Con ạ, Thượng Đế nói trong linh hồn Thầy rằng, lúc nào Thầy nhìn con, thấy bóng dáng Thượng Đế trong con, lúc nào Thầy nhìn ai cũng chỉ thấy là bạn hữu, đó là ngày! Lúc nào Thầy nhìn người tức giận, ghét bỏ, tham lam, thù hận đấy là đêm!

…..Ánh sáng phân biệt đêm và ngày là lòng từ ái nhân hậu.

…..Đi giữa ban ngày trong trái tim trĩu nặng, vẫn là đêm con ạ. Ngày và đêm không thể phân biệt bằng ánh sáng vật lý, chỉ có lòng từ ái bao dung.

…..Ông nhìn người học trò rất đỗi nhân ái mến yêu. Từ từ nhắm mắt. Im lặng, linh thiêng và bình an, ông lặng lẽ xuôi hồn về với thế giới bên kia.

…..Ông đã chết.

…..Ông về với ánh sáng, nơi chỉ có ngày, không còn đêm nữa. Ông ra đi, để lại cho người học trò câu trả lời lúc nào là đêm, lúc nào ngày bắt đầu.

…..Người học trò vĩnh biễn xa tôn sư. Vị đạo sĩ chết bình an sau khi để lại cho người học trò ánh sáng mà ông đã kiếm tìm.

…..Ngày đó anh ta vui mừng vì được câu trả lời không phải vất vả tìm kiếm cả một đời như tôn sư anh. Xa Thầy, người học trò cắp sách vào đời. Chả bao lâu sau khi tôn sư chết, một chiều nọ nhìn mặt trời xuống biển, một sáng kia thấy mặt trời mọc trên đầu núi, nhìn lại câu trả lời của Thầy, anh bất giác nhận thấy đấy chỉ là tìm kiếm của riêng Thầy.

…..– Đâu là câu trả lời của riêng ta?

…..Anh tự hỏi vậy. Nếu lòng nhân ái bao dung là ánh sáng phân biệt đêm và ngày, ta có lòng nhân ái không? Câu chuyện hạnh phúc riêng linh hồn ta, ngày đang bắt đầu hay đêm đang bắt đầu?

…..Nhìn ánh bình minh sắp lên, trên triền núi đá sương đêm đang mờ mờ tan. Lúc nào ngày tâm linh bắt đầu, lúc nào đêm thiêng liêng chấm dứt?

…..Nghĩ đến câu trả lời của tôn sư: “Ánh sáng phân biệt đêm và ngày là lòng từ ái nhân hậu hay oán thù nhỏ nhen. Đi giữa ban ngày trong trái tim trĩu nặng, vẫn là đêm, con ạ. Ngày và đêm không thể phân biệt bằng ánh sáng vật lý, chỉ có lòng từ ái bao dung. “ Anh ta phân vân hỏi lòng

….– Đó là câu trả lời của Thầy. Để trả lời câu hỏi ấy, Thầy đã đem một đời tìm kiếm tấm lòng bao dung. Còn trái tim linh hồn ta, ngày đang bắt đầu hay đêm đang bắt đầu?

…..Anh tưởng rằng Thầy đã trả lời giùm. Không thể phân biệt được lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt bằng ánh mặt trời, mà bằng bao dung của con tim. Ngày ấy anh chợt vui vì câu trả lời không cần tìm kiếm. Nhưng nỗi nhẹ nhàng của tấm lòng lịm tắt ngay. Thầy hiểu thế trong trái tim và cuộc sống của Thầy. Còn chính ta, lòng ta có bao dung và ngày có đang bắt đầu không? Câu trả lời của Thầy chì là gợi ý cho trí hiểu, còn chính ta, đời ta là ngày bắt đầu hay ngày đang chấm dứt? Ta phải tìm câu trả lời cho riêng ta.

…..Anh lại trăn trở, câu hỏi ấy không đơn giản, và biết mình sẽ phải đem theo cả đời để trả lời câu hỏi ấy.

…..Vị đạo sĩ đã bỏ những ngày thách đố chính mình ngồi nhìn hoàng hôn, bỏ những ngày dõi theo ánh bình minh. Ông quay về tìm ánh sáng trong cõi lòng. Tìm được rồi, ông bình an bỏ luôn cõi đời bước vào ngày ngàn thu vĩnh cửu. Nơi chỉ còn ánh sáng không còn đêm.

…..Rồi tôi cũng từ giã vùng biển Comorin. Trên chuyến xe đò về hướng Bắc tôi sẽ bỏ lại biển cả và mặt trời. Tôi biết ngày mai, rồi tiếp tục ngày mai nữa, thế kỷ nữa và nhiều thế kỷ nữa du khách sẽ kéo nhau ra mỏm đá này nhìn mặt trời. Trong trái tim mỗi đời người, trong chuyện tình cuộc sống của họ, ngày đang bắt đầu hay đêm đang bắt đầu?

…..Ngày mai tôi lên đường. Đến lúc tôi phải bỏ lại biển cả và mặt trời, bỏ lại ghềnh đá và dòng nước, giữ lại trong tâm tư thôi vì nếu không, làm sao tiếp tục được cuộc hành trình.

…..Lấy ý từ một câu chuyện đọc trong lúc đi đường tôi viết lại làm đề tài suy niệm cho chính mình trong những ngày này

Ấn Độ tháng 4, 2001.

Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
( Nguồn www. Dunglac.org)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm