KHI NGƯỜI CỘNG SẢN “GIẢI PHÓNG”
Thư Hương
a. Phong Trào “Giải Phóng”
Ta thấy Cộng sản xuất hiện như một cám dỗ, một hứa hẹn tràn ngập tương lai huy hoàng.
Trước hết vì không phải hứa suông sẽ san phẳng bất công mọi xã hội, nhưng hơn các chủ trương khác, nói rồi là làm. Ruộng phú nông không những được truất hữu mà đến ngay thân mạng phú nông cũng bị đấu tố. Thế là trừ hậu họa tận căn: bần cố nông khỏi lo sau này còn có ai đòi phần điền nữa.
Ðã vậy Cộng sản còn có phương pháp giải quyết nạn nghèo truyền kiếp của các nước Viễn đông tức là đà kỷ nghệ hóa hết sức mau lẹ như được thực hiện bên các nước Cộng sản Nga Hoa… Một ngày gần đây khi người Việt đuổi kịp đà tiến của Âu Mỹ rồi, thì cũng sẽ phồn thịnh như họ. Ðó thật là một điều không ai không mong mỏi.
Tất cả bấy nhiêu đều có bằng chứng cả. Tuy nhiên với hai điểm trên, ta đưa ra hai nhận xét cũng không kém phần khách quan. Trước hết trong việc kỹ nghệ hóa xứ sở Cộng sản rất hữu hiệu, nhưng không nắm độc quyền, vì có những chế độ không theo Cộng sản cũng tiến mạnh như thế, chẳng hạn Nhật Bản, Ðài Loan, Ấn Ðộ… và rõ hơn hết là hai miền Ðông Ðức và Tây Ðức. Tây Ðức quốc gia đã không thua lại còn vượt xa hẳn Ðông Ðức Cộng sản.
Ðiều nhận xét thứ hai là mực sống của lao động bên các nước Cộng sản không đi lên theo đà phát triển của kỹ nghệ như bên Nhật, Ðài loan, phương chi bên các nước Anh, Mỹ, Pháp, Ðức; trái lại chỉ nhúc nhích chút ít, có thể nói hơn trước 1, 2, 3 chi đó, đang lúc bên Anh, Pháp, Mỹ thí dụ mực sống thợ thuyền ít gì cũng lên 20 lần cao hơn xưa.
Ông André Philippe người Pháp, giáo sư kinh tế học tại học đường Lyon rất giàu tình cảm với chủ nghĩa xã hội, sau chuyến thăm Nga sô trở về buộc lòng phải viết: “Ở trung tâm thành phố là những đại lộ rộng lớn với những khách sạn sang trọng, nhưng chung quanh trung tâm này thì toàn là đường không trải nhựa với những nhà lợp tôn, mỗi đầu phố chỉ có một máy nước và các bà nội trợ phải ra tận đấy lấy nước về nhà. Ngày nay nhiều kinh tế gia tóm tắt tình trạng kinh tế Nga sô vào hai tiếng “đói khổ và vệ tinh”.
Ðiều nhận xét thứ ba về xã hội vô giai cấp được ghi trong dự án thì người ta lại nhận thấy bên Nga một tân đảng cấp còn xa cách giới thợ thuyền hơn bên các nước tư bản nhiều lần, vài thí dụ nhỏ. Năm 1937:
1) Ðầy tớ gái lương tháng là 50-60 rúp
Thợ lương tháng 110-400 rúp
Công chức cấp dưới 110-300 rúp
Công chức hạng trung và kỹ thuật gia 300-1,000 rúp
Nhân viên có nhiều trách nhiệm 1,500-10,000 rúp, có khi từ 20,000-30,000 rúp.
(Theo tài liệu của M. Yvon trong cuốn “L’URSS telle qu’elle est. Trg 215-218”)
2) Lương của “Hồng quân” đối chiếu với lương quân đội Mỹ:
Hồng quân | Quân đội Mỹ | |
Binh nhì | 10 rúp | 50 Mỹ kim |
Thiếu úy | 100 rúp (gấp 1,000 lần) | 150 Mỹ kim (gấp 3 lần) |
Ðại tá | 2,400 rúp (gấp 210 lần) | 330 Mỹ kim (gấp 6 lần) |
3) Sức bành trướng của giai cấp thơ lại (tài liệu sách “The real Soviet Russia”. David J. Dallin 1.944)
1917-1918 : 1,000,000 người
1927 : 4,000,000 người
1932 : 8,000,000 người
4) Cũng nên biết rằng những người giầu được hưởng gia tài, quyền này được bảo đảm trong hiến pháp năm 1936.
5) Thuế lợi tức bên Nga : 13%
Trong khi đó bên Mỹ tới : 90%
Tóm lại đây chỉ nêu ra vài mục tiêu để gợi đề tài câu chuyện chứ không phải là chỗ nói hết được. Chỉ biết rằng có rất ít nhiều căn cớ để làm cho tân giai cấp càng ngày càng đông thêm và càng ngày xa cách giới lao động thường dân. Và như thế tương lai của xã hội vô giai cấp càng ngày càng bị đẩy xa.
Bên Tàu xưa Ðại khanh là số rất ít (tương đương bộ trưởng nay) được lĩnh gấp thường dân 32 lần, Ðại phu 8 lần, Thượng sĩ 4 lần, Trung sĩ 2 lần (Mạnh tử V.b.2). Tuy đấy là còn số lý tưởng, không phải mỗi thời đúng thực tại, nhưng vì các xã hội Nho giáo theo chế độ “bình quân địa quyền” thì đó cũng không phải là chuyện thiếu nền tảng. Và nói chung ra sự chênh lệch ở các xã hội ta xưa không đến nỗi quá xa cách như bên Tây Âu. Nhưng xét cả hội ta xưa cũng như xã hội Tây Âu nay thì ngay về phương diện kinh tế thay vì san bằng thì Cộng sản lại còn đầy sự chênh lệch đi xa hơn rất nhiều.
b. Ðoàn Thể Mà Thiếu Nền Tảng Linh Thiêng Thì Gọi Là Ðoàn Lũ
Chữ Nhân kép bởi chữ Nhị và Nhơn thì nghĩa đầu tiên là nói lên xã hội tính của con người. Con người không là một thực thể lẻ loi cô tịch nhưng là người sống thành đoàn thể. Ðoàn thể mà thiếu nền tảng linh thiêng thì gọi là đoàn lũ (masse) ràng buộc bằng pháp hình luật lệ. Luật lệ cần nhưng chưa đủ, mới được có phần ngoài, nói theo quan niệm Ðông phương mới có tầng cá nhân, thuộc về địa, còn thiếu hai tầng thiên và nhân mới đủ tam tài, nên cần cái gì linh thiêng và nội khởi nữa. Thiếu yếu tố tâm linh đó sẽ có ngày tiêu diệt nhau, hay ít ra bốc lột tàn nhẫn hoặc ở bên nhau nếu không đến nỗi như đống gạch đá, thì cũng như chùm cây hay đoàn vật: con nào biết con nấy. Nói ngay loài vật nhiều giống đã vượt xa đợt đó rồi. Vì thế cần phải tìm ra một yếu tố mới. Chúng ta thấy rằng sự thờ cúng tổ tiên của La Hi xưa vì đã không tìm ra yếu tố mới như kiểu Văn Tổ, nên sự đoàn tụ vẫn y nguyên là một sự cộng lại của nhiều cá nhân. Chúng ta lại biết rằng Viễn đông vì đã vươn lên tới đợt Tâm linh được biểu thị trong bài vị Văn Tổ nên đã thành công biến đoàn lũ trở thành đoàn thể hay nói theo tiếng mới là công thể (communauté). Ðoàn lũ là một sự tổng cộng, lấy bên ngoài làm chính, nên phải gia tăng kiểm soát, giăng bủa nhiều tầng lưới công an, cảnh sát, mật vụ.
Công thể thì nhấn mạnh phần nội khởi: sự kiểm điểm bên ngoài tuy không bỏ nhưng đặt bên dưới hay là ngang với yếu tố nội khởi tình tự là phần không kiểm soát, không kiểm soát vì nó tế vi không có hình tích nên ta quen gọi là tâm linh u ẩn. Tuy con mắt thường nhân không thấy, nhưng hiền nhân quân tử nhận ra sự quan trọng tất mực của nó. Nó rất cần thiết để cho đoàn lũ trở thành đoàn thể, tức là sự hội họp đoàn tụ mang ẩn tích của con người, nghĩa là gắn bó bằng tình yêu thương nhiều hơn bằng luật pháp. Do đó người xưa đặt bộ Thị vào chữ Xã, nên chữ Xã có nghĩa là thần của đất, không phải là đất chung nhưng là đất của làng. Chữ Xã còn chỉ là bàn thờ để thờ Thần hoàng tức Thánh tổ của xã thôn cũng như các tiền nhân trong ấp xóm, chữ nào cũng mang nặng chĩu linh thiêng. Chính chữ Xã đó là chìa khóa mở vào kho di sản thiêng liêng của nước Việt Nam: nó gợi lên một bầu không khí tâm linh, một cảnh giới công thể. Chính chữ Xã đó làm cho cái làng cái xã Việt Nam trở nên một thực thể thiêng liêng đầy uy lực.
Có bí quyết chi chăng? Thưa tất cả nằm trong chữ Thị chỉ cái gì linh thiêng che chở, thâm thiết khiến cho người Việt Nam nào (trước khi bị Pháp phá) cũng cảm thấy yêu thích chìm mình vào đó. Người duy lý thành thị được đào tạo theo văn hóa Tây phương cho như thế là mất nhân vị, mất cá tính… nhưng người trong cuộc lại cảm thấy dễ chịu, như có cái chi đáp ứng nguyện vọng sâu thẳm cõi lòng, mà sau này người Pháp phá vỡ thì họ cảm thấy một sự trống trải cô đơn lạ. Ông Paul Mus nhận xét rất đúng rằng “sự bị đánh bật ra khỏi xã thôn (không có ruộng) đã trở thành một nhân tố phá vỡ mất sự quân bình tâm lý của người Việt Nam kể như họ bị chặt đầu vậy. Việc nhổ người dân ra khỏi công thể (gia đình, làng xóm) được Cộng sản tiếp tục bằng chủ nghĩa tam vô, cốt cho con người trở thành hoàn toàn cá nhân, nghĩa là bị cắt đứt mọi ràng buộc tình ái với gia đình, tổ quốc (mà ở tầm thước thôn dân là ấp thôn) để cho dễ được sát nhập vào đảng. Vì có đoạn tuyệt với gia đình với làng xóm mới dễ hi hiến trọn vẹn thâm tâm cho đảng. Nhưng tinh thần công thể đã ăn sâu trong tâm hồn người Việt, hơn thế nữa đó là chiều kích tạo dựng nên con người Viễn đông nên những chủ thuyết nào đi ngược lại mà được biết rõ như thế sẽ bị từ khước. Ðó là điểm đến phút chót người Cộng sản đã nhận ra kịp thời, và thế là họ đã bãi “Ðông dương Cộng sản đảng” để nhấn mạnh đến yếu tố “xã hội hóa”. Tại sao lại hy sinh như thế? Phải nói là hy sinh khi họ vừa tiếp nhận được chủ quyền từ tay người Nhật trao sang thì lẽ ra đây là lúc rất thuận lợi để đề cao công trạng của đảng, để minh chứng rằng “thiên mệnh” đã định cho Cộng đảng lên nắm guồng máy của nhà nước. Ðó là điểm lạ nhưng ít người đặt thành vấn đề. Thường thì người ta cho là một sách lược của Cộng sản: có thể vì lúc Cộng sản còn yếu so với các đảng phái quốc gia mạnh hơn nhiều. Ðó là một lẽ, nhưng còn có cái chi sâu xa hơn chăng? Ðây là chỗ ông Paul Mus đã đưa ra những nhận xét tế vi như sau (Mus 252-264):
Trước hết vì chữ “Ðông dương” là chữ vô sắc thái: nó chỉ những miền nằm ở phía đông biển cả và được người Pháp gọi là cái “Ban công nhìn ra Thái bình dương” mà Paul Reyneaud đã muốn xây thêm vào cho “cái nhà Pháp quốc” (pays de la Grande Mer Orientale le Balcon sur le Pacifique de Paul Reynaud. Nous le voyons accolé à notre maison (Mus 264).
Vì thế cái tên “Ðông dương Cộng sản đảng” làm người Việt liên tưởng ngay đến cái gì ngoại lai nhập cảng, hơn thế nữa có liên hệ nào đó với thực dân Pháp. Ðến như ba chữ “Cộng sản đảng” cũng nói lên cái gì xa lạ. Chữ Cộng là cộng lại kiểu toán học tự ngoài chứ không gây được âm vang như tinh thần xã thôn có cái gì linh thiêng thân mật. Chữ Sản là sản phẩm, sản xuất, cái gì thuộc kinh tế, của cải, ích dụng mà không gợi lên cái gì là sản nghiệp có tính cách linh thiêng nối kết dòng tộc từ đời này qua đời khác, nhưng chỉ còn là một tác động trứ hình nhằm để chung lại của cải cũng như thân xác ý chí một cách vật chất, lấy của riêng làm ra của đảng chứ không còn là sự hội lại để tế thần. Ðối với Âu châu thì sự để chung lại có lẽ hay cho nhiều người. Ta nhớ lại Âu châu phần lớn xưa kia là nô lệ, tiếp tới nông nô thời trung cổ, rồi khi bước vào đời kỹ nghệ là thợ ăn lương nghĩa là trải qua các giai đoạn lịch sử số đông đều kéo lê một cuộc đời vô sản, thì cộng sản có ý nghĩa. Chứ như bên Việt Nam không có thể chế nô lệ nông nô hay vô sản mà thực ra chỉ là vấn đề nhân khẩu học (problèmes démographiques) mà thôi. Vấn đề đó nếu không bị người Pháp chặn đứng bằng chia nước ta ra ba kỳ, đi lại phải có “tít” rất khó khăn phiền hà thì đã được giải quyết liên tục dưới hình thức Nam tiến rất mạnh mẽ không gì cản nổi. Vậy người Việt Nam nghèo thì có, chứ không có vô sản. Người Pháp đã gây ra một số, nhưng chưa đủ nhiều để trở thành vấn đề có tầm quan trọng quốc gia.
Cuối cùng là chữ “Ðảng”, nó cũng gợi lên cái gì là phe nhóm tư riêng, không có tính chất phổ biến, Người Việt Nam lúc đó thấm nhuần Nho giáo ghét cái gì thuộc phe nhóm: “quân tử hòa nhi bất đảng”. Cái gì cũng mong muốn có tính cách thái công, không chịu những lối phân chia…
Tóm lại cả năm chữ “Ðông dương Cộng sản đảng” đều nói lên một cái gì dựa trên các giá trị ngoại lai có phần chống lại với tinh thần tổ quốc có cơ cấu linh thiêng và bị cộng sản coi như thượng tầng văn hóa duy tâm có tính cách tầm gửi đã lỗi thời. Con người bị rứt ra khỏi công thể là nhà và nước (hiểu là xã thôn) để trở thành một cá nhân to vo mình biết lấy mình, như một con số để dễ thành đảng viên, hay là những thành phần trọn vẹn tuân theo đảng. Vì thế mà cả năm chữ đều tẩy xóa, gột rửa não trạng con người để đưa vào một hệ thống trái hẳn cổ truyền…
Ðó là những điều đại chúng cảm thấy lờ mờ một cách hết sức mặc nhiên không đủ, hiện ra ý tưởng khúc chiết như ta phân tích đây. Tuy vậy cũng đủ để quyết định một thái độ nếu không chống đối thì ít ra là dè dặt đề phòng, và như thế đã là cản trở cho việc bành trướng của đảng rồi. Vì vậy người Cộng sản đã khôn khéo bãi bỏ “Ðông dương Cộng sản đảng” biến ra nhóm nghiên cứu học thuyết Mác-xít, còn trong việc tuyên truyền thì nhấn mạnh đến việc “xã hội hóa”. Chữ “Hóa” chỉ một sự biến cách linh thiêng (transformation surnaturelle) cũng một âm vang với hóa công, tạo hóa. Biến hóa vô cùng, Chữ nào cũng bao hàm yếu tố linh thiêng khác hẳn duy vật sử quan coi mọi việc biến đổi tùy thuộc hoàn toàn vào kinh tế, vào sản xuất lối ích dụng ròng, nghĩa là đã rút khỏi vật chất, do đó rút khỏi xã hội những ý nghĩa siêu linh do sự giao hội của Ðất Trời, thủy tổ của vạn vật. “La sociologie vietnamienne voit dans ce travail l’opération conjointe du Ciel et la Terre, Parents des êtres, tandis que l’interprétation marxiste normative par l’utile et non par le sacré, purge la matière et par cela même la société de ces surimpressions spirituelles”. (Mus 256). Ðến như chữ Hội thì nó nói lên những cuộc lễ lạy đình đám để tế thần làng cũng như để gia tăng cái sinh thú ở đời là điều vốn được Nho giáo không những công nhận mà còn tìm cách thế để điều lý làm phương tiện cải hóa con người cả tâm cũng như thân, lý cũng như tinh (Mus 260). Còn chữ Xã gợi lên sự tổ chức xã thôn đầy tính chất tương trợ liên đới: trước hết là phần đất làng dùng vào việc cứu trợ các người cô, quả, quan, độc… cũng như cấp thêm cho những học sinh tỏ ra có tài năng. Rồi đối với mỗi gia đình nói lên phần công điền công thổ. Ông Coulet nhắc lại lời một nhà cách mạng già rằng theo Kinh Điển của Thánh Hiền thì mỗi nhân xuất phải có được 5 mẫu đất (Mus 260).
Cả ba chữ “Xã Hội Hóa” nói lên một sự kiện coi như nghịch lý mà khi khảo sát khách quan lại đúng sự thực là chương trình xã hội hóa (phân chia lại tài sản) chính là thực hiện trở lại một dĩ vãng đã bị thực dân làm hỏng đi một phần. Thành ra cái mới mẻ nhất lại xuất hiện như một lý tưởng mà nhiều lần Tiền Nhân đã thi hành như ông Gourou minh chứng (Mus 273).
Vì những điều đó người Cộng sản đã hy sinh “bãi” đảng trong chính lúc có cơ lên mạnh.
Ðại khái đó là những nhận xét của ông Paul Mus mà tôi cho là rất trúng. Tuy chưa chắc người Cộng sản đã ý thức được minh nhiên như thế, nhưng vì vốn Hồ Chí Minh là tay có cái mũi tâm lý rất nhậy cảm đã trực thị thấy. Vì thế trong việc bãi đảng Cộng sản không phải chỉ có lý do chánh trị, sách lược, nhưng còn về lẽ tâm lý và ý hệ nữa.
Nhờ việc bãi đảng Cộng sản và đề cao “xã hội hóa” guồng máy cai trị nước Việt Nam đó mà Cộng sản đã lôi kéo được biết bao cán bộ. Những người này hầu hết ban đầu không có ý theo Cộng, nhưng chỉ là những tâm hồn quảng đại hào hùng thương nước thương nòi muốn hy sinh xương máu để cứu quê hương, kiến thiết lại xứ sở. Hầu hết họ là những con người cao thượng mà ta phải cảm mến như những linh hồn của nước. Nhưng rồi lòng yêu thương ấy có hiện thực chăng? hay sẽ trở nên mũi gươm đâm vào em rể như trong câu chuyện “Lạc hồn” mặc dầu khi dấn thân lòng đầy thiện chí yêu thương bác ái?
c. Không an thổ để đôn hồ nhân thì bất khả năng ái
Không an thổ để đôn hồ nhân thì bất khả năng ái. Câu sách đó người Cộng sản đã chứng minh cách đồ sộ bằng cái chết thê thảm của biết bao người trong các trại tập trung, hoặc tiếp tục ngã gục trên các chiến trường, trong những vụ bắt cóc, khủng bố khắp nơi trên đất Việt kể từ ngày chân voi Cộng sản được rước vào nước ta.
Ðó cũng chỉ là sự lập lại kinh nghiệm nước ngoài. Xin đưa ra một nhân chứng nhiều người đã nghe nói tới, đó là Milovan Djilas. Trước kia ông là lý thuyết gia đã được un đúc trong lò tư tưởng Cộng sản, rồi làm tới phó chủ tịch Nam Tư, nhưng năm 1962 vì đã cho xuất bản cuốn “Các cuộc đàm thoại với Staline” nên bị kết án hơn 8 năm tù. Lý do? Chỉ vì đã dám nói lên tiếng lương tâm mà sau đây là một vài câu trích dịch: “Hầu như không một điều nào trong chủ nghĩa Mác-xít nguyên thủy được tồn tại tới nay”. Về nông dân, ông viết: “Giai cấp mới đã thành công trong việc biến các nông dân trở nên tôi mọi và giành lấy phần lớn nhất trong lợi tức của họ”.
Cho nên về tốc độ kỳ lạ trong những tiến bộ kỹ nghệ của Liên Sô thì Djilas có thể nói xưa kia những thuyền buồm của Tây Ban Nha dùng sức những người nô lệ bị xiềng vào mạn thuyền để chèo, cũng có một tốc độ rất nhanh.
Chúng ta có thể kết luận bằng mấy câu của Djilas như sau: “Xưa kia các đồng chí Cộng sản là những con người, mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính, những chiến sĩ nhiệt thành hăng hái, tinh thần quyến luyến nhau không phải vì chí hướng như nhau, đau khổ như nhau, nhưng cũng vì một tình yêu không vụ lợi, một tình đồng chí, đoàn kết… Nhưng rồi khi họ đã nắm được chính quyền thì họ đã trở thành những con người hèn nhát, vụ lợi, ích kỷ, hết lý tưởng và hết đồng chí, sẵn lòng từ bỏ hết cả danh dự, tên tuổi, chân lý, đạo lý, cốt sao giữ mãi được địa vị của họ trong giai cấp thống trị và thượng lưu. Thế giới chẳng mấy khi được thấy những anh hùng sẵn sàng hy sinh và chịu cực nhọc như những người Cộng sản trước và sau những ngày đầu của cuộc cách mạng. Và cũng chẳng mấy khi thế giới đã được thấy những con người mất tinh thần dễ dàng như vậy, ương ngạnh bảo vệ một cách ngu xuẩn những công thức khô khan sau khi họ đã nắm được chính quyền…
“Chủ nghĩa Cộng sản độc tài đưa tới một sự bất mãn toàn diện trong đó mọi ý kiến dị đồng đều bị xóa nhòa, ngoại trừ lòng tuyệt vọng và thù oán” (tất cả đoạn này trưng theo Lâm ngữ Ðường, bản dịch của Từ Chung “Bí danh” trang 156-174). Ðiểm này quá rõ, không mấy ai nghĩ đến truyện phủ nhận cả. Trái lại chính những thực tại phũ phàng đã làm vỡ mộng nhiều nhà trí thức trên thế giới trước kia đầy thiện cảm với Cộng sản và coi đó như một cứu tinh để giải phóng con người trong giai đoạn mới này. Chính sự vỡ mộng kia đã làm cho Cộng sản mất đi bao uy tín, và chỉ còn sót lại được số nhỏ. Tuy nhiên số nhỏ đó vẫn bám chặt với chủ trương rằng: “sở dĩ Cộng sản không đạt thành quả là tại các nước Cộng sản không chịu đi đúng đường lối do Karl Marx vạch ra, nên có những chuyện đáng tiếc như vậy. Vì thế mà ngày nay đang có trào lưu “Xét lại” với hy vọng tạo được kết quả tốt đẹp hơn! Liệu có được chăng?
Ðiều làm cho giới trí thức say mê hơn hết trong triết thuyết Karl Marx là “dự phóng căn bản” nhằm giải phóng con người ra khỏi thảm trạng vong thân ngày nay.
Vong thân là gì? Nói cụ thể là làm con người quên mất bản gốc người của mình. Con người bị bán đoạn mãi cho những tha vật như tôn giáo, tư bản, chính trị… Bản tính con người biến mất để trở thành những sự vật cụ thể như tiền bạc, hàng hóa, nghĩa là những giá trị phổ thông, vô hồn, người ta trao đổi cho nhau những đồ vật. Ðó là vong thân, là thảm kịch làm hạ phẩm giá con người xuống hàng sự vật. Chúng ta cần nói ngay rằng những nhận xét của Karl Marx rất đúng với xã hội Âu Châu thế kỷ 19, và còn đúng với tình trạng xã hội nhiều nơi khác ngày nay.
Các nhận xét trên đã được nhiều triết gia và văn hào nói tới nên không có chi lạ lắm, nhưng dưới ngòi bút của Marx tuyên bố từ khước mọi triết lý suông và thiết lập ra một “hành pháp”, một mặt trận giải phóng và trao sứ mạng đó cho những người đang là vật hy sinh cho các chế độ tư bản bóc lột họ, khiến họ mất quyền làm người, thì tiếng gọi của ông trở nên thiết tha và lôi kéo không những thợ thuyền mà luôn cả một số khá đông trí thức. Chỉ xin kể vài tên tuổi quen: Merleau Ponty khi viết “Humanisme et Terreur” thì ca ngợi chính quyền Sô viết cho rằng chỉ có giới vô sản mới là liên chủ thể chân thực, nghĩa là chỉ có thợ thuyền mới biết yêu thương nhau thực tình. Nhưng 8 năm sau khi viết “Les Aventures de la Dialectique” thì đã đổi giọng và cho cuộc cách mạng bên Nga cũng chỉ là một trong các cuộc cách mạng nào bất cứ.
J.P. Sartre cũng từ sự ủng hộ hết mình với tất cả khả năng của ngòi bút để rồi đi tới câu quả quyết “xã hội chủ nghĩa là một con quái vật tự cắn xé chính mình…” Bertrand Russel trước đây 10 năm có lần đòi Mỹ triệt hạ Nga sô bằng bom khinh khí, đến nay thì quay ra lên án Tổng thống Johnson là tội nhân chiến tranh vì cho phép ném bom Bắc Việt!…
Chỉ kể sơ thế đủ biết tại sao giới triết học gia Âu tây bị mất tín nhiệm cũng có lý do lắm. Cái học hoàn toàn vật bản không giúp mấy cho việc hướng dẫn cuộc sống ở đời! Ðến nay trào lưu “nhập cuộc, lăn lưng” nổi dậy, thì các ông cũng theo thời trang mà hô lăn lưng (engagement). Nhưng nghe các ông thì ta thấy liền, đó là các ông đứng trên tháp ngà mà hô, chứ cái triết học của các ông có giúp các ông nhìn sáng suốt hơn ai đâu!
Các ông cho rằng Cộng sản đã làm sai lạc “dự phóng căn bản” của K. Marx thì thật là lơ mơ. Bảo rằng triết thuyết Marx là một nhân bản thì chỉ là nói kiểu thường nghiệm.
Hễ nói về yêu thương người, nói về giải phóng con ngưòi, giải phóng thợ thuyền mà bảo là nhân bản đã được đâu. Gọi là nhân bản cỡ văn nghệ thì được, còn muốn nói là nhân bản theo bình diện triết lý thì không được dừng lại ở thiện chí với những câu tuyên bố hùng biện, nhưng phải tiến xa hơn nữa. Chúng ta hãy thử theo mấy ông triết đó mà chỉ nói đến mấy tác phẩm của Marx trẻ như quyển Sainte famille, Idéologie allemande hoặc Manuscrits d’Économie politique et philosophique (1843-44). Trong tác phẩm cuối này, Karl Marx định nghĩa con người như là thực thể xã hội: l’homme humain est l’homme social”, câu này giống giống với câu Mặc Ðịch: “quần ngã nhất thể” ngã với xã hội là một thể nghĩa là xã nhân tính đã múc cạn bản tính con người rồi mà thật ra con người còn những yếu tố mênh mông khác mà Nho giáo kêu là Thiên Ðịa chi đức. Vì thế những câu định nghĩa giản lược con người vào một yếu tố duy nhất như trên đều là bán đoạn mại con người cho đoàn lũ, chẳng còn chi để lại cho con người sâu thẳm tư riêng của Văn Tổ, mà đó mới là phần trung thực của người, huống chi đoàn thể đó không có một yếu tố siêu việt nào bên trên, dễ trở thành một thứ Thượng Ðế nuốt trôi luôn bản thể con người mà Karl Marx đang nhằm giải phóng. Chính Marx nhận ra tính cách trừu tượng đó (homme générique et abstrait) nên khi viết “Idéologie allemande” (1845) đã cố đưa con người vào hoàn cảnh tư riêng của lịch sử; nhưng đó là một thứ lịch sử được viết lại theo khía cạnh duy nhất của kinh tế, theo khía cạnh tương quan sản xuất… nên cũng không hơn gì định nghĩa trên kia, vì thế mà càng ngày càng sa đọa. Ðến khi viết bộ “Capital I” (1867), II (1885), III (1898) thì con người của Marx đã trở thành một thực thể kinh tế rỗng: homo economicus, và quan niệm của K. Marx đặt trúng vào chiều hướng vong thân như tất cả các triết lý nhị nguyên rồi. Thay vì “Nhân giả nhơn dã” thì ra “địa giả nhơn dã” hoặc là “đoàn thể giả nhơn dã” nghĩa là đã đánh mất trọn vẹn một chiều kích của con người lưỡng thê (amphibie) và cưỡng buộc phải trở nên con người một chiều “one dimensional man”. Chính vì thế khi đi sâu vào học thuyết Mác-xít người ta dễ nhận ra những mâu thuẫn trầm trọng ở những điểm then chốt. Một chữ “vong thân” (aliénation) mà lệt xệt kéo qua biết mấy ý nghĩa mâu thuẫn. Một chữ “ý hệ” mà Gurvitch tính ra được 13 nghĩa khác nhau, khác nhau đến độ trái ngược hẳn (xem Vocation actuelle de la sociologie p. 236). Sự cổ võ vượt triết lý bằng “phép hành” (praxis) rất lúng túng và không lấy chi là rõ rệt, phong phú, nên nhiều người chỉ coi triết thuyết đó như một nền siêu hình về giá trị cần lao và thặng dư giá trị (plus-value), mà không thèm quan tâm tới nữa. Thực ra thì K. Marx không phải là đại triết gia, Karl Marx có đại, nhưng chỉ là một đại xã hội gia, hoặc xét như nhà cổ võ hô hào đại chúng thì kể là vào hàng đầu. Ðọc những đoạn tràng giang về tiền tài, về bất công xã hội thấy rõ liền. Ðại triết gia đâu có viết về những cái tầm phào trọng thể (platitudes solennelles) kiểu nhà hùng biện như thế. Chính bởi lẽ đó nên sách của K. Marx chứa đầy những mâu thuẫn. Vì thế có một dạo Âu Châu hầu như chôn táng K. Marx vào thư viện. Nhưng tự 1930 trở đi mới có người, nhất là bên Pháp “khám phá” K. Marx trở lại qua những tác phẩm trẻ, mới xuất bản vào lối 1929. Làm thế là vì họ hy vọng tìm ra lối thoát cho xã hội học hiện đại đang bị bế tắc với lối nhìn độc khối, im lìm và quá duy linh của Durkheim.
Ðây lại là một lú lẫn nữa của triết học gia, xã hội học gia… Quí hóa chi lắm những lời “quảng đại” khi còn thành niên. Người ta nói rất trúng khi còn trẻ chỉ cần phác họa chương trình trong một buổi sáng thì già đến bốn cái đời người cũng chưa thực hiện nổi. Vì thanh niên đã hiểu nổi đâu những khó khăn nên rất dễ “quảng đại”, rất dễ nói lên những lời yêu thương chân thành đối với những ai bị bóc lột, bị đàn áp. Nhưng đây chính là chỗ phải nhấn mạnh câu “nói dễ làm khó”. Anh chửi tư bản thối nát bóc lột, – được lắm, không ai phản đối cả. Anh chửi, tôi chửi, chúng ta chửi, hơn thế cả chính chúng nó cũng tự chửi nữa. Nhưng đâu là chương trình và chủ trương của anh, có hữu hiệu chăng, nghĩa là có ăn khớp trên dưới chăng? Có dựa trên những thực tại không những thuộc kinh tế mà cả tâm lý và xã hội nữa? Nếu không thì hứa 1 hay 10, hay cả 100 đi nữa có đáng kể chi đâu. Những người hơi thực tế có ai dựa trên dự phóng để đánh giá một chủ trương đâu! Có sử gia nào sẽ đánh giá một đời tổng thống, một chính phủ chỉ căn cứ vào các bài diễn văn hoa mỹ, các dự án suông thiếu nền tảng thiết thực bao giờ đâu?
Một buổi sáng kia vào quãng năm 1883 dự phóng ra một “mặt trận quốc tế” để xóa bỏ quốc gia thế mà 50 năm sau (1939) sử gia Pokrovsky nổi tiếng đến nỗi một đại học Nga mang tên ông, và được coi như đại sư của các sử gia, vậy mà còn bị Lénine hạ bệ vì cho rằng ông chưa nhận ra yếu tố quốc gia của nước Nga! Vì thế cái mộng xóa bỏ quốc gia theo kiểu “dự phóng căn bản” để đúc các quốc gia thành một đại đồng quốc tế, chỉ còn là khẩu hiệu tuyên truyền cho đế quốc Nga sô, hầu thúc đẩy những người cán bộ hăng say nhưng thiếu kinh nghiệm lao đầu vào làm việc cho hàng tổng Nga sô viết.
Tóm lại ý hướng của K. Marx thì nghe hay lắm, nhưng xét tới căn bản triết lý đã chứa yếu tố vong thân ngay từ thời trẻ rồi, cho nên đừng có hòng khai quật tác phẩm Mác trẻ mà sửa lại được thảm trạng của Cộng sản. Vì thế mà chúng ta thấy càng ngày các xã hội Cộng sản càng đi ngược với tuyên ngôn ban đầu. Tân đảng cấp ngày càng ran ra xa khỏi đại chúng: nói gọn vào thì khi thợ thuyền lãnh một, giới lãnh đạo cấp cao lãnh gấp trăm gấp ngàn.
Còn chuyện giải phóng thì lại càng đi ngược lại hẳn. Thay vì trước kia vong thân một, thì nay vong thân đến hai ba độ sâu hơn, và tệ hơn nữa là không cho phép ra khỏi vong thân khi có cá nhân nào chợt nhận ra được cảnh vong thân. Xét theo ánh sáng lễ gia tiên thì người Cộng sản đã bỏ qua Trung (Văn Tổ) để đi ra Thứ là nhân loại, là quốc tế. Nhưng chính vì bỏ qua Văn Tổ nghĩa là bỏ Trung với nội ngã của mình rồi với gia đình, sau đến quốc gia, đoạn mới tới quốc tế, mà đòi bước bổng: xéo qua những người thân yêu, xéo qua đồng bào để đi phục vụ quốc tế và nhân loại liền, thì chúng ta nhận ra cái quốc tế đó, cái nhân loại đó thiếu nội dung chân thực, mà chỉ còn là một danh từ rỗng che đậy một sự vong thân trầm trọng của chính mình, của gia tộc bị tan hoang, làm nghiêng đổ quốc gia với muôn ngàn đồng bào bị xô vào hố điêu linh tang tóc.
Thiếu Trung với Tâm thì không còn chi móc nối với nguồn sinh lực đầy yêu thương chân thực. Cho nên những chữ: giải phóng, nhân loại, tương lai huy hoàng trở thành mớ danh từ rỗng khổ. Cộng sản chỉ còn là một biến trạng của sự bế tắc tự hai ngàn năm nay do sự thiếu nền móng Văn Tổ mà ra, không phải là một sách lược chân thực. Cho nên dùng để giải phóng người thì người trụt sâu thêm xuống vực vong thân, dùng để giải phóng nước thì nước sẽ biến ra một chư hầu, một phù dung của đế quốc. Và như vậy là kiện chứng cho câu nói ví Ðông dương Cộng sản đảng như một trái bom nổ chậm của thực dân Pháp: có nhiệm vụ tiếp tục cùng một việc như thực dân để đẩy xa hơn ba cái tệ đoan là: bất bình sản, cá nhân cực đoan, và ý hệ độc hữu. Nói khác đi, Cộng sản Việt nam là người thừa tự của thực dân Pháp.
Ðứng về mặt chính trị thì người Cộng sản Việt nam đuổi Pháp, hay trúng hơn là lợi dụng sự đánh đuổi Pháp của toàn dân Việt Nam, nhưng xét về ý thức hệ thì là kế nghiệp nên nhiều lần đã bắt tay với Pháp, cũng như Pháp đã bắt tay với Việt minh để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Việc đó ai cũng biết nhưng có một điều không được lưu ý vì nó thuộc phạm vi triết lý và nó là như thế này: Trên bình diện ý hệ thì người Pháp chủ trương Hữu, người cộng sản chủ trương Vô. thế mà Hữu với Vô tuy là đối cực như sáng với tối, nhưng lại đứng trên cùng một bình diện. Ðó là sự thật sâu xa, thường nhân ít nhận ra, nhưng lại là một công lệ trong triết lý. Một bên nói có, bên kia nói không, thì cả hai cùng thuộc bình diện nhị nguyên, nghĩa là có hoặc không mà có giải pháp thứ ba, nên gọi là triệt tam, tiers-exclu”.
Do lẽ tế vi đó mà bảo Thực dân với Cộng sản có họ máu hàng ngang. Hàng ngang nên đánh nhau, nhưng cùng một họ. Từ mười năm nay ta thấy De Gaule o bế Cộng sản Việt nam thì không phải là chuyện tình cờ hoặc là chính trị suông mà thôi, nó có bao hàm mối liên hệ từ trong bản chất. Ông Paul Mus đưa ra nhận xét sâu sắc sau: Trong khi khôi phục lại Việt Nam, các đảng phái quốc gia không những thoát ra khỏi nền tư tưởng của chúng ta, nhưng còn xóa bỏ đi nữa. Ngược lại, người Cộng sản không những giữ lại mà còn nối tiếp và đưa đi xa hơn. Thực dân Pháp đã tách rời cá nhân ra khỏi thôn xã, đã bóc lột họ, trừ một lớp lợi dụng. Người Cộng sản Việt nam tuy có khởi đầu bằng việc phân phối lại tài nguyên cho các cá nhân, nhưng không phải để cho cá nhân được độc lập tự do, trái lại sự phản đối đó sẽ dẫn cá nhân đến hố vong thân, vì xã hội họ thiết lập chỉ là tổng cộng các cá nhân lại từ bên ngoài, chứ không có sự tham dự của một yếu tố siêu nhiên nào tự nội. Như thế là họ đang đẻ ra một xã hội kiểu Tây âu mà trước kia thực dân chỉ mới cưu mang trong tiềm lực. (Mus 248).
Ông Paul Mus đã ghi nhận sự bỡ ngỡ của nhiều người Pháp khi mới tới Việt Nam về điểm then chốt này là họ nhận thấy mình gần với Cộng sản Việt nam, và trong chiến tuyến vũ trụ họ thấy mình đứng cùng một phe thuộc chung một ngôn ngữ, tức là ý hệ nhị nguyên: chỉ khác có ngữ âm: người Cộng sản Việt nam dùng ngữ âm Mác-xít, người Pháp dùng ngữ âm Descartes. Xem qua thì đối chọi như có với không, nhưng tựu kỳ trung lại thuộc cùng một dòng máu, có họ thâm sâu (parenté profonde) nói theo ngôn ngữ huyền sử Viễn đông thì đó là họ Cộng Công. Vì không tìm ra Văn Tổ ở trung cung, nên húc đầu vào núi “bất chu” nghĩa là không tròn. Tròn là Trời (thiên viên) không tròn là không có trời. Không có trời để che thì đất cũng không thể chở. Muốn “đất chở” thực sự nghĩa là mảnh đất trở thành tư hữu của người dân phụng sự thực sự cho người dân tùy theo sự sử dụng của họ thì phải có nền đạo lý tâm linh mà tôi gọi là trời che. Nhưng trời đã bị miêu duệ Cộng Công làm nghiêng đổ. Vậy phải làm thể nào để con dân nước Việt lại có cái che? Phải bắt chước Bà Nữ Oa nấu đá ngũ hành để vá lại trời. Ngũ hành là hành ngũ tức là Thổ trung cung, nơi thờ tự Văn Tổ, cũng gọi là Văn Miếu. người quốc gia chân chính phải khởi công một lần nghiêm túc trở lại canh tân Văn Miếu. Muốn canh tân cần nhiều nhiên liệu mới. Vậy trước khi khởi công canh tân chúng ta đánh một vòng chân trời để tìm tân nhiên liệu.
Kim Định
(Trích Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên)