Robert Manne

KHOA HỌC VỀ MÔI SINH ĐANG BỊ XUYÊN TẠC

 

Trong lãnh vực Môi Sinh, sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất là có được một cái nhìn Đồng Thuận trong giới Khoa Học gia có thẩm quyền về nguyên nhân gây ra hiện tượng ‘Thay Đổi Khí Hậu’ (climate change) là đối tượng của bốn bản Phúc Trình của Ủy Ban Liên Quốc Gia của Tổ Chức LHQ về vấn đề nêu trên. Bản Phúc Trình mới nhất tóm lược công trình nghiên cứu của khoảng 1500 nhà Khoa Học về Môi Sinh đứng hàng đầu trên thế giới.

Về mặt lý thuyết Cơ Bản, hiện tượng “Hâm Nóng toàn cầu” (global warming) đang xảy ra, mà nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng này là do sự thải các khí độc khiến có “hiệu ứng nhà kính” (greenhouse effect), mà quan trọng nhất trong các khí độc là chất ‘carbon dioxide’`. Và chắc chắn điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai của Nhân Loại. Những kết luận của Khoa Học về phương diện này coi như đã ngã ngũ.

Tuy nhiên, về nhiều câu hỏi khác liên quan đến tác động chính xác của hiện tượng này trên nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển, trên sự ‘axit hóa’ đại dương, trên tốc độ tan chảy của các phiến băng hay sông băng, trên tốc độ tuyệt chủng của các sinh và thực vật, trên mức thường xuyên và cường độ mà bão tố, nạn cháy rừng, hạn hán, bệnh tật sẽ xảy đến, lẽ dĩ nhiên các kết luận nghiên cứu Khoa Học loại này chưa ngã ngũ.

Hoặc do thiếu khả năng suy tư một cách sáng sủa hoặc do việc cố ý xuyên tạc của các nhóm liên hệ, tình trạng nguy hại và hỗn loạn đã xảy ra trong quần chúng phát xuất từ sự lẫn lộn giữa hai lãnh vực vừa đề cập ở trên, lãnh vưc Khoa Học mà các kết luận nghiên cứu đã ngã ngũ  và lãnh vực kia cũng Khoa Học không kém,  nhưng các kết luận chưa ngã ngũ.

Đối với các quốc gia cá biệt và cộng đồng quốc tế, có rất nhiều vấn đề, mà tùy cách thức các nhà khoa học Môi Sinh  trình bày trong bản Phúc Trình, sẽ được quyết định trong chiều hướng nào như chẳng hạn : Làm sao giảm thiểu cách tốt nhất  sự thải khí độc gây ra “hiệu ứng nhà kính”, khí độc sẽ được giảm thiểu với tốc độ nào, theo cơ chế chính trị, kinh tế nào;  các chi phí sẽ được phân phối như thế nào trong nội bộ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau trong lòng cộng đồng quốc tế.

Các nhà khoa học Môi Sinh không thể quyết định về các câu hỏi loại sau này, là những chủ đề thích hơp cho một cuộc tranh luận công khai, mà các quyết định sẽ đươc lấy theo thể thức các cơ chế dân chủ hay trong các cuộc đàm phán quốc tế.

Nên nhớ rằng trong đồng văn các cuộc tranh luận về Môi Sinh, tương lai của Trái Đất và Con Người đang bị đe dọa. Chúng ta sẽ chứng kiến dưới đây một thí dụ về cách tường thuật về các vấn đề nêu trên của tờ nhật báo “The Australian” tại nước Úc dưới sự chăm nom của Chris Mitchell. Tình cảnh của tờ báo  xuất hiện qua hình ảnh của một mớ ‘hỗ lốn’ thật sự kinh hoàng làm bằng những thành kiến ý thức hệ cộng với tình trạng lộn xộn về phương diện  trí thức.

Vào tháng 12 năm ngoái, Graham Lloyd, chủ biên mục Môi Sinh của tờ báo, viết gần 4000 chữ dưới tựa đề: “Báo ‘The Australian’ trả lời những người phê bình cách thức tường trình của bổn báo về hiện tượng ‘thay đổi thời tiêt’ ”. Lloyd viết: “Quan điểm đồng thuận của cộng đồng khoa học cho rằng hiện tượng ‘hâm nóng toàn cầu’ đang xảy ra một cách không tự nhiên, chủ yếu như là kết quả của sự phát triển kỹ nghệ và tình trạng phá rừng, không còn được tranh luận một cách đứng đắn trên toàn thế giới nữa”. Tác giả ngụ ý rằng dưới sự quản lý của Mitchell, tờ báo ‘The Australian’ tiếp tục hỗ trợ cho quan điểm đồng thuận của cộng đồng khoa học quốc tế về ‘khí hậu thay đổi’ trong các bài xã luận của tờ báo. Đó quả là một sự lừa dối công khai.

Ngày 12/01/2006, báo này lập luận rằng “hiện tương ‘khí hậu thay đổi’ có thể là một ảo tưởng”, và phê bình thái độ của phe Môi Sinh là có tính cách ‘giáo điều’ vì cáo buộc giới Tư Bản than đá đã thải khí độc lên không trung từ các nhà máy điện chạy bằng than đá. Báo ‘The Australian’ viết: “Trong khi các người hoạt động trong phong trào Môi Sinh cho rằng các nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân của cơn khủng hoảng ‘hâm nóng toàn cầu’, thì điều này xuất hiện như có thể đúng mà cũng có thể sai”.

Tháng 12/2009, tờ báo chiếm lấy các tin điện về ‘Khí Hậu Thay Đổi’ bị ‘tin tặc’ trước hôm ngày khai mạc cuộc Hội Thảo về hiện tượng này được tổ chức tại Copenhagen và chỉ trích các việc liên quan đến các tin điện đó. Tuy nhiên, không có bài xã luận nào của tờ ‘The Australian’ đề cập đến sư kiện xảy ra sau đó mà qua các cuộc điều tra kế tiếp, đã ‘minh oan’ cho các nhà Khoa Học liên hệ.

Ngoài ra, tờ ‘The Australian’ tỏ ra rất ‘thích thú’ về 2 sai lầm được tìm thấy trong bản Phúc Trình thứ tư dài 1500 trang của Ủy Ban Liên Quốc Gia của LHQ. Thực vậy, tờ báo dành không dưới 4 bài xã luận cho vấn đề này.

Vào thởi kỳ trước khi Mitchell xuất hiện trong vai trò quản lý tờ báo, quan điểm chính thức của ‘The Australian’ là chấp nhận nội dung cốt yếu liên quan đến phần các khám phá của khoa học Môi Sinh đã đạt được sự Đồng Thuận trong giới Khoa Học. Tờ báo này cũng chưa bao giờ chính thức tuyên bố đã thay đổi lập trường. Vậy mà trong vòng 9 năm trời, ‘The Australian’ đồng ý đăng trong phần Xã Luận,  những bài báo chống đối khoa học Môi Sinh viết bởi những người không có một chút thẩm quyền chuyên môn nào trong địa hạt này. Mục tiêu của nhóm chống đối là gieo hoang mang, ngờ vực trong đầu óc của độc giả bằng cách cố ý lẫn lộn địa hạt của khoa Môi Sinh mà các kết luận nghiên cứu cốt yếu đã ngã ngũ với địa hạt mà các kết luận chưa ngã ngũ như đã bàn ở trên.

Trong suốt thời gian tờ báo được đặt dưới sự quản lý của Mitchell, chiến thuật của ‘The Australian’ là duy trì – mà ngay ở điểm này chủ trương của tờ báo cũng không có tính cách kiên định, liên tục – một sự hậu thuẫn trừu tượng đối với những biện pháp nhằm gây ra tác động toàn cầu trên hiện tượng ‘thay đổi khí hậu’ mà phí tốn không đáng kể liên quan đến những dự án đã được chấp nhận bởi tất cả các nước lớn về mặt Kinh Tế .

Nhưng ‘The Australian’ lại chống đối mạnh mẽ các kế hoạch có tính cách thực tiễn về mặt tác động toàn cầu hiện đang được cộng đồng quốc tế hậu thuẫn và có khả năng giảm thiểu thực sự số lượng khí độc thải ra. Vào năm 2005, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn Nghị Định Thư Kyoto về Môi Sinh, ngoại trừ Hoa Kỳ và Úc. Tờ ‘The Australian’ không những chống đối mà còn để lộ ra một thái độ thù nghịch rất dữ tợn đối với Nghị Định Thư. Tờ báo mô tả ‘Kyoto’ là ‘điên cuồng’, là ‘rác rưỡi’ trong số báo ngày 13/12/2005, là ‘có tính cách trừng trị’ trong số báo  ngày 04/06/2006.

Trong thực chất, ‘The Australian’ chống đối Kyoto bởi vì Kyoto không đòi hỏi các nước đang phát triển hưng thịnh như Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tây cắt giảm khí độc mà các nước này thải ra. Nhưng cách chống đối của tờ báo tỏ ra rất thiếu lương thiện. Hầu như một cách kiên định, tờ báo cố tình gợi nơi độc giả cảm tưởng rằng sự không tham gia vào việc cắt giảm khí độc của các nước đang phát triển nêu trên có tính cách vĩnh viễn. Sư thật thì giai đoạn I của Nghị Định Thư Kyoto sẽ chấm dứt vào năm 2012.  Sau đó, các nước đang phát triển sẽ bị lôi kéo vào chương trình cắt giảm khí độc với giai đoạn II.

Suốt trong thời kỳ quản trị của Mitchell, ‘The Australian’ lập luận một cách kiên định rằng nước Úc phải chủ yếu lưu ý đến quyền lợi Kinh Tế của mình trước nhất. Tờ báo bảo vệ một cách không ‘mệt mỏi’ quyền lợi của giới Tư Bản than đá. “Thủ Tướng John Howard” tờ bào lập luận trong số báo ngày 16/06/2004, “đã cho rằng nhiên liệu của tương lai là Than Đá”. ‘The Australian’ cũng chưa bao giờ tỏ thái độ ‘xét lại’ đối với chủ trương này. Tờ báo “xem tương lai không những của nước Úc mà còn của cả thế giới như bị buộc chặt một cách không lay chuyển và đúng đắn, vào sư tiêu thụ gia tăng nhiên liệu Than Đá cho nhiều thế kỷ sắp tới”.

Có một vấn đề mà lập trường của tờ báo tỏ ra rất kiên định: Đó thái độ thù ghét và khinh thường mà các nhà Xã Luận của ‘The Australian’ bày tỏ đối với những ai có ý nghĩ rằng vấn đề ‘thay đổi khí hậu’ cần đến một giải pháp hành động toàn triệt ở tỉ xích Toàn Cầu. Có điều tờ báo không chứng minh các lập luận của những người kêu gọi phải có hành động triệt để đối với vấn đề ‘khí hậu thay đổi’ sai ở điểm nào ?

Sự kiện mức lượng ‘axit carbon’ trong bầu khí quyển cao hơn bất cứ thời điểm nào trong 650.000 năm vừa qua, sự kiện mức độ đó đang  tăng lên một cách gia tốc hoặc các mối bận tâm của các nhà khoa học Môi Sinh về tốc độ tan chảy của các phiến băng, sông băng…..vvv….. không bao giờ đươc bàn cãi trong phần Xã Luận của tờ ‘The Australian’ cả !

Trong khi đó, hầu hết các nhà khoa học về Môi Sinh đều tin chắc rằng sự kiện phải có hành động toàn triệt để kiềm chế mức thải khí độc gây ra “hiệu ứng nhà kiến” có tính cách Sinh Tử đối với tương lai Nhân Loại.

Ngoài ra, thống kê cho thấy là dưới sự quản lý của Chris Mitchell, mục thời sự và ý kiến Mới của tờ báo đã đăng tải những bài viết chống đối các giải pháp hành động nhằm đối phó với hiện tượng ‘khí hậu thay đổi’ chiếm tỷ lệ 4/5 trên toàn thể các bài viết trong các mục này.

Trong khi trên thực tế, số nhà Khoa Học chấp nhận quan điểm Đồng Thuận trong lãnh vực khoa học Môi Sinh mà các kết luận nghiên cứu đã ngã ngũ so với số những đồng nghiệp khác của họ phủ nhận các kết luận loại nảy, chiếm tỷ lệ hơn 99% .

Tóm lại, khi từ chối phân biệt rõ ràng hai loại lãnh vực trong khoa học Môi Sinh vừa đề cập ở trên, tờ báo ‘The Australian’ đã tuyên chiến với chính Khoa Học (1)

Robert Manne

 CHÚ THÍCH

(1) Robert Manne, ‘On a Paper Trail Where Science is Sidelined‘, ‘The  Saturday Age’, 03/09/2011, Melbourne, Úc

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm