…..
THUYẾT TAM TÀI KHÔNG PHẢI BIỆN CHỨNG PHÁP KIỂU HEGEL – MARX
Hay: TÂM ĐẠO VIỆT TRONG TRUYỆN KIỀU
DẪN NHẬP: ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN
Vì phần lớn giới Trí Thức Việt Nam hôm nay vẫn nhìn Văn Hóa VIỆT dưới lăng kính các Phạm Trù của Văn Hóa TÂY PHƯƠNG, do đó giống như phần trình bày trước đây cho thấy là có tác giả chỉ xem Huyền Sử như là Sử Ký hoặc có trường hợp người ta nhìn Nho Giáo dưới hình thái của một Ý Thức Hệ hay như trong bài sau đây, dưới danh xưng là “thuyết Tam Tài” nhưng trong thực tế bài viết có vẻ mang nội dung của loại Biện Chứng Pháp Duy Tâm kiểu HEGEL hay Duy Vật kiểu MARX hoặc “cái gì khác” chứ có vẻ KHÔNG thực sự là Thuyết TAM TÀI Chính Hiệu!
Cũng cần phải trở lại một chút với Quá Khứ để hiểu rõ hơn “Đầu Đuôi Câu Chuyện”. “Chuyện Kể” có lẽ bắt đầu với bài viết “Tinh Hoa Ý Thức Hệ Nho Giáo” khi tác giả một mặt chủ trương rằng Nho Giáo hay VIỆT Nho là một Ý THỨC HỆ vì tác giả viết:
“ Chúng tôi lập luận rằng các nhà Nho Việt Nam đã ra sức tỉnh giảm Nho Giáo thành môt loại hình Ý Thức Hệ đặc thù.” hoặc
“Sự tiếp biến này theo bước mô thức đặc thù của Ý Thức Hệ , hay logic của lòng yêu nước, tức là mô thức tư duy của người Việt trong cuộc đấu tranh để tự sinh tồn.”(1)
Nhưng điều lạ lùng là vào một dịp khác khi được một đài phát thanh phỏng vấn, tác giả lại cho rằng người Việt Nam hành động theo chủ trương DUY LỢI chứ không phải vì Ý Thức Hệ như tác giả đã lập luận trước đây. Tác giả viết:
“Chúng ta thường cho là người VN hay TQ rất chú trọng đến Ý Thức Hệ. Nhưng thực tế không phải vậy……. Khi phân tích các đạo giáo và tư tưởng chính trị Á Châu, tất cả đều dựa trên thực dụng……Sự chống đối của người châu Á phụ thuộc câu hỏi có lợi hay không có lợi. Khác với sự chống đối của người Hồi giáo hay người Âu châu, tức là vì lý tưởng mà chống…..”(2)
Về vấn đề trên, trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã nhận định như sau :
Sự Mâu Thuẫn nêu trên thường được giải thích trong giới Hiểu Biết là do sự THIẾU NHẤT QUÁN của tác giả trong lối Tư Duy, hay sự Thiếu Tính Kiên Định, (Consistency) trong cách Lập Luận hoặc Thiếu sự Mạch Lạc Nội Tại (Cohérence Interne) trong phương pháp Nghiên Cứu.
Mà “NHẤT QUÁN hay tính Kiên Định hoặc Mạch Lạc Nội Tại là Yếu Tố NỀN TẢNG nhất để xem một người có Óc KHOA HỌC, TRIẾT HỌC hay không ?
Sau đó tác giả (nói theo ngôn ngữ của truyện Kiếm Hiệp) đã “tuyệt tích giang hồ” (tức không còn thấy xuất hiện trên các Mạng nữa) trong vài năm. Nay thấy tác giả xuất hiện trở lại với hai bài viết mới. Không biết với thời gian mấy năm qua, tác giả có “tập luyện” được “chiêu thức “ nào mới chăng ?
Thoạt trông, tác giả có vẻ trở lại với hành trang là Thuyết “Tam Tài” của Nho Giáo. Có lẽ nhờ những Đại Trí Thức Tây Phương như Triết Gia M. Heidegger là người đã kêu gọi một cuộc Song Thoại về mặt Văn Hóa giữa Tây Phương và Á Châu cách chung và Viễn Đông cách riêng, hoặc như Lý Thuyết Gia Khoa Học thời danh F. Capra đã trình bày những Tương Đồng giữa Đạo Học Đông Phương và Khoa Học Tân Tiến ngày nay, hoặc như Giáo Sư F. Jullien cho rằng Triết Học (do đó Ý Thức Hệ) là “sản phẩm” của văn hóa Tây Phương, trong khi Minh Triết bắt nguồn từ Đông Phương……mà THỜI TRANG Văn Hóa hôm nay là TRIẾT ĐÔNG, chứ không còn là Triết Tây nữa chăng ?
I) THUYẾT TAM TÀI VÀ BIỆN CHỨNG PHÁP
A) HEGEL
Vì như theo lời của chính tác giả, bài viết có mục tiêu “làm sáng tỏ lý thuyết tâm đạo Việt được Nguyễn Du phát triển từ triết lý tam tài”, có lẽ trước tiên, ta thử tìm hiểu Thuyết TAM TÀI mà tác giả đề cập đến, bằng cách so sánh với các lý thuyết có vẻ hơi giống nó. Thuyết đầu tiên chúng tôi muốn bàn đến và cũng rất nổi tiếng là Biện Chứng Pháp (Dialectique) của HEGEL.
Người ta nghi ngờ rằng Biện Chứng Pháp của Hegel bắt nguồn từ Thuyết Tam Tài của Dịch Lý. Số là Triết Gia “LEIBNIZ (1846-1716) đã chú trọng đến Kinh Dịch lâu năm trước nên đến đời Hegel(1770-1831 ) , những yếu tố chính của Dịch Pháp đã trở thành quen thuộc với người Đức, cho nên rất có thể đã nhờ nó mà Hegel sáng tạo ra Biện Chứng Pháp…..Để dễ thấy hơn sự DỊ BIỆT, xin dùng một số thuật ngữ của Hegel để nói về Kinh Dịch, theo đó thì hai Hạn Từ (termes) Chính Đề và Phản Đề trong Kinh Dịch là THIÊN và ĐỊA, còn Tổng Đề là NHÂN. “Nhân” chỉ Tổng Hợp của “Thiên” và “Địa”, vì thế Nho Giáo định nghĩa Nhân là “Thiên Địa chi Đức” và cùng với Thiên Địa được kêu là TAM TÀI.
Tóm lại, Tam Tài có Ba đầu mối là Thiên-Địa-Nhân. Tuy BA nhưng luôn luôn là MỘT là Nhất Thể. Cho nên nếu hiểu một TÀI nào riêng rẽ ra như thực thể cô lập thì là hủy bỏ cả cơ cấu toàn bộ: “dương cô âm tuyệt”…..Hiểu Nhân bên ngoài Thiên Địa là không hiểu được Dịch.”.
Riêng về Tài NHÂN, đừng hiểu Nhân là những con người cá biệt đang “đi đi lại lại”trước mặt ta, nhưng phải hiểu NHÂN là ĐẠI NGÃ TÂM LINH mà Thiên Địa là hai Đối Cực của bất cứ vấn đề nào mà trung tâm giao hỗ là lòng NGƯỜI Đại Ngã Tâm Linh, như giữa tình với lý, ý thức với tiềm thức, tự do với thiết yếu…..vvv…..
Ngoài ra, “tất cả MINH TRIẾT là phải nhận thức được Liều Lượng căn để giữa hai luồng cực đi ngược chiều đó (tức Thiên Địa). Hễ Cân Đối là TRIẾT (là NHÂN), ghé hẳn sang một bên là Ý HỆ Nhị Nguyên. Và đó là tất cả sự KHÁC BIỆT giữa một bên là Dịch Pháp và bên kia là Biện Chứng Pháp Duy Tâm của Hegel hay Duy Vật của Marx.
Thật vậy, cái gọi là “Tinh Thần Tuyệt Đối” của Hegel muốn là Tổng Đề cuối cùng trong cuộc tiến hóa cũng chỉ là một Ý Niệm trừu tượng nên chưa đạt được Minh Triết, chưa đạt được biến dịch chân thực ở tại thâu hóa tất cả. Thí dụ giữa hai hạn từ nhà nước và cá nhân, Hegel đã hy sinh cá nhân, con người thực sự cho nhà nước mà ông bảo là tiêu biểu cho bánh xe tiến hóa…… Vì thế động từ “Aufheben” trong Hegel không có nghĩa “bao hàm, thâu hóa” nữa mà chỉ còn là “hủy diệt” : thay vào “Tổng Đề” là HỦY ĐỀ, tức gảy bỏ hoặc Chính Đề hoặc Phản Đề. Đó là lý do giải thích tại sao Biện Chứng Pháp của Hegel sa đọa thành DUY TÂM.(3)
B) MARX
Riêng Marx chủ trương “bản gốc con người là Kinh Tế hoặc Xã Hội tính” mà hệ quả là con người Kinh Tế, Xã Hội được đề cao đến độ lấn át hẳn con người Riêng Tư”…… Mà “ta biết chính những cái Tư Riêng u ẩn tế vi đó mới là đầu mối giúp con người cảm nghiệm chiều kích TÂM LINH của mình”(4). Và đó là lý do tại sao Biện Chứng Pháp của Marx sa đọa thành DUY VẬT.
Tóm lại, nếu quả thật Hegel được gợi hứng từ thuyết Tam Tài của Dịch Lý để lập ra Biện Chứng Pháp, thì điều đáng tiếc là ông đã HIỂU SAI Dịch Pháp, nên kéo theo sự Sai Lầm của Marx. Không biết tác giả có nhận thức được lỗi lầm nêu trên hay không?
II) ĐƯỜNG LỐI TIẾP CẬN TÁC PHẨM
A) ĐẠI CƯƠNG
Cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi sau khi đọc xong bài viết xuất hiện qua hình ảnh của tác giả như một “Bác Sĩ Giải Phẩu” đang “la ca lĩnh kĩnh, khệ nệ” mang theo bên mình nhiều “dụng cụ” có tính cách rất “kềnh cơi” cho một loại công việc trái lại rất cần nhiều đến sự Liểu Hiểu sâu xa , óc Tế Vi thâm hậu hầu có thể “nắm bắt ” được những điều u uẩn nhất trong lòng người, cùng với khả năng Đồng Cảm cao độ đối với Tha Nhân, Vạn Vật…..và tất cả được nâng lên thành một Nghệ Thuật cao diệu. Các “dụng cụ” mà chúng tôi đề cập ở trên theo nghĩa bóng lẽ dĩ nhiên là “mớ” Kiến Thức “hàn lâm” bao gồm nào là điều tác giả gọi là “thiên mệnh” được giải thích như là “chủ thuyết định mệnh tuyệt đối không thể thay đổi (hard determinism hay absolutism) của Trời, trong khi tin vào nhân mệnh. tức là chủ trương thuyết tất định tương đối (soft determinism), theo đó con người tự mình là một nguyên lực có thể quyết định số phận của mình…..”, nào là chủ trương Duy Nhân (anthropocentrism), Duy Cá Nhân (Individualism), có cả lý thuyết “sự Hợp Nhất các Chân Trời” (the Fusion of Horizons) của H. Gadamer, cùng với một “lô” kiến thức của tác giả về Biện Chứng Pháp của Hegel và Marx, cũng như quan điểm mà tác giả gán cho người Tàu và người Việt về thuyết Tam Tài…..vvv…..(5)
Lẽ dĩ nhiên Kiến Thức luôn là điều cần thiết, nhưng với điều kiện phải được “tiêu hóa”, nhất là ở trường hợp này, hầu trở “thành máu, thành xương”, “thành tim thành óc” của đương sự. Thật vậy, cần phải đi đến tác phẩm, tác giả bằng tất cả TÂM HỒN của mình mới mong lãnh hội một tí gì về Tinh Hoa nằm ẩn trong một Đại Tác Phẩm như Truyện KIỀU của một Đại Thi Hào là NGUYỄN DU : một Áng Văn đã làm rung động biết bao lòng người để hôm nay trở thành một LÂU ĐÀI Văn Hóa của Dân Tộc VIỆT!
B) GADAMER VÀ SỰ “HỢP NHẤT CÁC CHÂN TRỜI”
1) “GIẢM TRỪ” HAY “TƯƠNG ĐỐI” ?
Còn về H. Gadamer, sau khi trình bày đại cương triết thuyết của ông này với chủ đề chính là sự “Hợp Nhất các Chân Trời” (the Fusion of Horizons), tác giả đã đề cập đến những ước muốn của mình như sau:
_ “Vì vậy mà khi thông diễn văn bản, chúng tôi không chỉ giải thích và giải thích văn bản, mà còn phát triển ý nghĩa ẩn náu sâu dưới mặt phẳng của ngôn ngữ “ và
_ “ Độc giả không chỉ dừng lại trên mặt chữ mà còn đi sâu vào trong, đi xa hơn ra ngoài, và phát triển rộng ra nhưng vẫn giữa được bản chất của văn bản”
Điều lạ lùng là tuy đưa ra ý hướng như vậy, nhưng tác giả lại Không đưa ra Cách Thức hầu đạt những mục tiêu trên.
Để giúp hiểu Gadamer, có lẽ nên đặt Tư Tưởng của ông trong đồng văn (context)
hay chân trời (horizon) của nền Văn Hóa Triết Học Tây Phương, mà ở đây trong mọi địa hat, người ta thường gặp hai khuynh hướng trái ngược nhau. Do đó, trong lãnh vực mà chúng ta đang bàn đến , cũng có hai loại chủ trương tạm gọi là Giảm Trừ (reductionism) và Tương Đối (relativism)
Khuynh hướng Giảm Trừ có những nét hơi giống phái Duy Sử (historicism) chủ trương “chân lý” CHỈ giới hạn vào VĂN BẢN (text) do đó mới có vấn đề Nguyên Bản, Chính Bản. Chẳng hạn đối với F. Schleiermacher hay W. Dilthey, thông diễn đúng một Văn Bản có nghĩa là tìm lại được những ý định đầu tiên của tác giả văn bản.
Khuynh hướng ngược lại là chủ trương Tương Đối mà tác giả có đưa ra thí dụ là “Một trăm người đọc Đạo Đức Kinh thì có lẽ cũng có một trăm lối hiểu biết khác biệt, hay ít nhất là không đồng nhất”.
Chắc Quý Độc Giả cũng đoán biết là Sự Thật thường nằm ở “trung đạo” hay điểm “trung dung” giữa hai khuynh hướng trái ngược nêu trên. Để giúp hiểu Gadamer, có lẽ phải nhờ đến Husserl là người cùng với Heidegger, có ảnh hưởng rất lớn trên Tư Tưởng của Gadamer.
2) HUSSERL
Husserl cũng đề cập đến CHÂN TRỜI (Horizon) và theo ông, tất cả các khía cạnh của một đối tượng mà tuy giác quan ta không trực tiếp tiếp cận được, nhưng có thể giúp ta nhận thức được đối tượng như là đối tượng, làm nên “Chân Trời” theo định nghĩa của Husserl.
Ông đưa ra thí dụ về một căn nhà mà từ vị trí, góc độ hiện tại của mình, đương sự chỉ thấy được “ mặt tiền” của căn nhà mà thôi. Nhưng những yếu tố khác giúp người quan sát hình dung được “mặt hậu” cùng những khía cạnh khác của căn nhà là điều mà Husserl gọi là “Chân Trời”.
Husserl còn phân biệt “chân trời NỘI” (the inner horizon) bao gồm những nét đặc trưng của đối tượng làm nên nội dung của niềm trông chờ của chúng ta về những nhận thức tương lai của mình về đối tượng, với “ chân trời NGOẠI” (the outer horizon) bao gồm những nét đặc trưng của môi trường làm nên nội dung của niềm trông chờ của chúng ta về tác động qua lại giữa đối tượng và môi trường.
Husserl còn quan niệm về một “chân trời Thời Tính” (temporal horizon) làm nên điều kiện hiện hữu của mọi loại chân trời khác.
Tóm lại, theo Husserl Chân Trời tạo nên điều kiện đem lại Ý Nghĩa cho đối tượng. Điều kiện nêu trên cần phải được ý thức nhằm giúp đương sự có được một sự hiểu biết đúng đắn về đối tượng.
Tuy nhiên, theo Husserl, không nên hiểu Chân Trời như là một ranh giới bất định cứng ngắt, mà trái lại Chân Trời là cái sẽ thay đổi theo ta, cũng như mời gọi ta tiến xa hơn về phía trước.
Sự KHÁC BIỆT giữa Husserl và Gadamer có lẽ nằm ở chỗ là nơi nào Husserl đề cập đến Chân Trời như đem lại Ý Nghĩa cho NHẬN THỨC (Perception) của chúng ta về những đối tượng, thì Gadamer lại quan niệm Chân Trời như là cái đem lại Ý Nghĩa cho những MỆNH ĐỀ (Proposition). Là vì trọng tâm của Tư Tưỏng Gadamer có tính cách Ngữ Học hơn là Nhận Thức, do đó liên hệ mật thiết với nhu cầu Đối Thoại.
Trong trường hợp Câu Văn (sentence) , Chân Trời là một tập hợp các Niềm Tin giúp ta hiểu câu văn. HIỂU (understanding) theo Gadamer, bao gồm các Thực Hành được chia xẻ (shared practices) vừa có tính chất Lịch Sử lẫn Văn Hóa, nhằm đem lại Ý Nghĩa cho Thế Giới lẫn Ngôn Ngữ. Các niềm tin kể trên không những làm nên chất liệu của đề tài mà còn liên hệ đến đồng văn môi trường nơi đó câu văn được phát biểu.
Tóm lại, với Husserl, CHÂN TRỜI ( horizon) đem lại cho Đối Tượng (object) ý nghĩa về một Viễn Tượng (perspective), tức về vị trí của đối tượng trong một Thế Giới vật chất hữu hình. Còn đối với Gadamer, CHÂN TRỜI là một tập hợp các Niềm Tin (belief) giúp đương sự Hiểu (understand) Câu Văn (sentence) trong Đồng Văn (context) Ngôn Ngữ, Văn Hóa, Lịch Sử liên quan đến chất liệu của đề tài. (6)
3) HEIDEGGER
Ngoài Husserl, Heidegger là “Thầy Học” và có ảnh hưởng rất lớn trên Tư Tưởng của Gadamer. Heidegger cũng sử dụng từ ngữ “Chân Trời” và cho rằng Chân Trời giúp ta “nắm bắt” được tính Thích Đáng (relevance) của một Đối Tượng trong đồng văn của một Thế Giới. Cũng như Husserl và Gadamer, Heidegger không hiểu “Chân Trời” như là “cái gì đó” giới hạn sự Hiểu Biết, mà đối với Heidegger, Chân Trời làm nên môi trường của những Điều Kiện khiến sự Hiểu Biết không dừng lại ở ranh giời hiện tại nhưng trái lại giúp đương sự luôn hướng về những Hiểu Biết MỚI MẺ.
Với Heidegger, CHÂN TRỜI (horizon) khác với QUAN ĐIỂM (standpoint). Nếu Quan Điểm giới hạn thì Chân Trời trái lại giúp ta nới rộng tầm nhìn vượt qua hiện trạng để bao gồm “tất cả những gì có thể thấy” hoặc nhận thức được từ chính vị trí nêu trên. (7)
4) THÔNG DIỄN HỌC NGÔN NGỮ VÀ “CHÂN TRỜI”
Thông Diễn Học (Hermeneutics) của Gadamer VƯỢT QUA chủ trương Tương Đối (relativism) ở chỗ Gadamer quan niệm rằng mỗi khi chúng ta muốn hiểu một Văn Bản , thì hãy thử đặt chính mình không phải vào trong đầu của tác giả cho bằng vào Viễn Tượng (perspective) hay Chân Trời (horizon) mà trong đồng văn của môi trường đó, các ý tưởng và quan điểm của tác giả được hình thành.
Muốn hiểu tính chất “Khách Quan” của các “Chân Trời ý nghĩa” (meaning horizon), hãy trở lại thí dụ của Husserl về “căn nhà” vừa đề cập ở trên. Sự kiện căn nhà nêu trên được nhận thức là có một “mặt hậu” không nằm trong ý định của người quan sát, mà là sự kiện liên quan đến chính bản chất của vật gọi là “Căn Nhà”. Tương tự, sự kiện một “Câu” (sentence) được hiểu không phải là một sự kiện liên hệ đến ý định của người nói hay viết, mà là của chính Bản Chất của NGÔN NGỮ và chất liệu đề tài của Câu trên.
Ngoài ra, trên thực tế, việc quy định Ý Nghĩa của một “Câu” và phương thức áp dụng nhằm xác quyết một “Câu” là ĐÚNG có lẽ không phải là hai thao tác khác nhau. Điều này có thể giúp chúng ta hiểu được rằng cách gọi một trong những chủ đề chính yếu trong Tư Tưởng Gadamer là sự “Hợp Nhất các Chân Trời” diễn tả ĐÚNG nội dung của chủ đề bằng cách nhấn mạnh đến chính khía cạnh HỢP NHẤT (fusion).
Các chân trời được hợp nhất mỗi khi một cá nhân nhận thức được rằng “trọng lực” nằm trong đồng văn của một đề tài có thể được hướng tới một lối thông diễn khác với đường lối thông diễn đầu tiên. Lý do có thể là ta vừa có được những tin tức dữ kiện mới mẻ, hoặc là ta vừa “ngộ” ra được tính chất tương đối trong việc giải nghĩa những dữ kiện hiện có trong tầm tay, hoặc ít nhất là ta nhận thức được tính chất ngẫu hữu của lối thông diễn ban đầu, hoặc cũng có thể chúng ta đã đạt được sự hiểu biết mới mẻ về đề tài và trường hợp lý tưởng nhất xảy đến là khi sự Tán Đồng (Agreement) mới mẻ đạt được do niềm thâm tín đến từ tất cả các phía về đề tài thảo luận. Bằng cách nào đi nữa thì lối hiểu biết đầu tiên cũng đã bị vượt qua và được nhập vào một cái khung hiểu biết rộng lớn hơn mà trong đó đương sự nắm vững tình hình hơn xưa. Thật vậy, các Chân Trời đã được mở rộng giúp chúng ta đạt được một Viễn Tượng mới mẻ đối với những lập trường cũ, và có thể đạt được cả những quan điểm mới mẻ luôn chăng? Và đó có thể là bản tóm tắt ý nghĩa của “sự Hợp Nhất các Chân Trời” , một chủ đề chính yếu trong Tư Tưởng Gadamer.(8)
5) NGÔN NGỮ VÀ VÔ THỨC
Ngoài ra, trong mục tiêu giúp hiểu rõ hơn đoạn văn nêu trên, chúng ta nên nhớ rằng từ khi xuất hiện trường phái Cơ Cấu Luận (Structuralism) thì người ta bắt đầu quan niệm rằng NGUỒN GỐC của NGÔN NGỮ không còn là thế giới Ý Thức (Conscious) “Chủ Quan” của cá nhân nữa , mà là Thế Giới VÔ THỨC (Unconscious)) “Khách Quan”.
Sở dĩ vần đề nêu trên tỏ ra Khó Hiểu cho nhiều người là vì Triết Học Tây Phương trên mấy ngàn năm cho đến gần đây đã bi “mắc kẹt” tức không tìm được câu giải đáp cho vấn đề “ Đâu là Bản Chất của Chân Lý ? KHÁCH QUAN hay CHỦ QUAN?”. Thật vậy, nếu tin rằng bản chất Chân Lý có tính “Khách Quan” thì trong lãnh vực Ngôn Ngữ chẳng hạn, phải theo chủ trương GIẢM TRỪ (reductionism) có nghĩa ở đây là “Giảm Trừ vào Văn Bản” tức đương sự CHỈ cần căn cứ vào VĂN BẢN có tính chất ‘Trứ Hình” với “công ty” của nó là Nguyên Bản, Chính Bản …vì tin rằng có như vậy thì mới “Khách Quan”! Nhưng đó CHỈ là tiêu chuẩn “Khách Quan” của thế giới SỰ VẬT, chứ không phải của Con Người mà hệ quả là biết bao Ý Thức Hệ của văn hóa Tây Phương vì đã nhân danh thế giới “Khách Quan “ loại đó mà tàn sát hằng trăm triệu con người “bằng xương bằng thịt”!
Còn nếu tin rằng bản chất Chân Lý có tính “Chủ Quan” thì phải theo chủ trương TƯƠNG ĐỐI (relativism). Nhưng nếu như tác giả giải thích rằng “Một trăm người đọc Đạo Đức Kinh thì có lẽ cũng có một trăm lối hiểu biết khác biệt, hay ít nhất là không đồng nhất” thì loại “Chủ Quan” nào là Chân Lý đây?
Đó là tóm tắt THẾ KẸT của 25 thế kỷ của Văn Hóa Triết Học Tây Phương! “Thế Kẹt”” được từ từ giảm dần từ khi những người như Freud, Jung….khám phá ra phần Tiềm Thức, Vô Thức, nhất là “Vô Thức Cộng Thông” (Collective Unconscious) của C.Jung ……trong con người và được “phụ họa” bởi những Triết Gia, những nhà Ngữ Học, rồi những nhà Nhân Văn như C. Lévi Strauss….với thuyết Cơ Cấu luận.
Tóm lại, một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lãnh vực Triết Lý Ngôn Ngữ gần đây có lẽ là khám phá sau đây: CƠ CẤU (structure) của NGÔN NGỮ có tính chất VÔ THỨC (unconscious) chứ Không phải Hữu Thức (conscious) như người ta tưởng trước kia.
C) JUNG : SƠ NGUYÊN TƯỢNG VÀ “CHÂN TRỜI VÔ THỨC”
Sự kiện trên xác nhận khám phá trước đây của C. Jung về Vô Thức Cộng Thông (Collective Unconscious). Và khám phá này có khả năng “gỡ” được “thế kẹt” của vấn đề “KHÁCH QUAN- CHỦ QUAN” trong Văn Hóa Tây Phương. Vấn đề có thể được trình bày như sau:
LÝ TRÍ. “tổng hành dinh” của các GIÁC QUAN, ghi nhận những Hình Ảnh khi tiếp cận với thế giới SỰ VẬT bên ngoài hay thế giới Xã Hội (con người) ở phần ngoại tại nhất của đời sống Xã Hội còn tuân theo nhiều những phạm trù của Sự Vật. Tuy nhiên, khi tiếp cận với XÃ HÔI nói riêng và thế giới bên ngoài nói chung, Cá Nhân xử dụng không chỉ LÝ TRÍ mà còn các Cơ Năng khác như TÌNH CẢM, CẢM XÚC, TRỰC GIÁC…..vvv…..
Nói chung, các Kinh Nghiệm của Cá Nhân khi tiếp cận với thế giới bên NGOÀI có thể được xếp vào hai loại: Hữu Thức và Vô Thức. HỮU THỨC khi kinh nghiệm cá nhân còn nằm trong phần Ý Thức , VÔ THỨC khi đương sự đã “quên” đi : điều này có nghĩa là kinh nghiệm nói trên đã “ra khỏi” “màn ảnh” Ý Thức của người đó , để “rơi vào” phần Tiềm Thức cá nhân (subconscious). Tuy nhiên, dẫu là Hữu Thức hay không thì các kinh nghiệm “nội tâm” nêu trên cũng thuộc về phần CHỦ QUAN của đương sự.
C. Jung trong khi điều trị các chứng bệnh “Tâm Thần”, sau khi giúp “bệnh nhân” vượt qua phần Ý Thức (conscious) rồi phần Tiềm Thức cá nhân (subconscious) như đã nói ở trên, là những phần vẫn còn nằm trong kinh nghiệm “Chủ Quan” của cá nhân, thì ông “đến” một “vùng xa lạ” với những BIỂU TƯỢNG (Symbol) KHÔNG còn nằm trong Kinh Nghiệm của Cá Nhân nữa, vì đương sự chưa bao giờ “gặp” loại kinh nghiệm đó trong đời mình. Trái lại, khi áp dụng khoa Văn Hóa Tỷ Giảo, thì Jung nhận thấy rằng các Biểu Tượng đó cũng hiện hữu trong các nền Văn Hóa khác ( như Biểu Tượng về “Mandala” chẳng hạn !). Các Biểu Tượng nêu trên được ông gọi là Sơ Nguyên Tượng (Archetype)
“Vùng lạ” nêu trên sau này được C, Jung đặt tên là Vô Thức Cộng Thông (Collective Unconscious). Đây là miền vừa có tính chất CHỦ QUAN vì nằm trong Nội Tâm của đương sự , vừa có tính chất KHÁCH QUAN vì các Sơ Nguyên Tượng không nằm trong kinh nghiệm của Cá Nhân liên hệ. Nói đúng hơn, Vô Thức Cộng Thông (Collective Unconscious) với các Sơ Nguyên Tượng (Archetype) ) đi kèm giúp VƯỢT QUA vừa thế giới CHỦ QUAN của Ý THỨC Cá Nhân lẫn thế giới KHÁCH QUAN của SỰ VẬT bên ngoài. Lý do là đây cũng là thế giới KHÁCH QUAN vì không còn thuộc kinh nghiệm cá nhân nữa, nhưng vẫn còn bên trong CON NGƯỜI chứ không phải bên ngoài như Sự Vật. Đó có lẽ là một trong những “lối thoát” cho “thế kẹt” của Văn hóa Tây Phương đối với vấn đề “Khách Quan-Chủ Quan” vậy!
Có lẽ Gadamer có một Kinh Nghiệp TÂM LINH tương tự khi ông đặt bút viết những dòng sau đây: “Mối bận tâm thực sự của tôi từ trước đến nay là cái mà ta gọi là TRIẾT LÝ không phải là điều ta đang làm hay phải làm. Mà là cái xảy đến TRÊN đầu của chúng ta , TRÊN những Ước Muốn và những Hành Vi của chúng ta”’(9)
Qua câu văn trên, Gadamer có vẻ đang Thể Nghiệm về một thế giới NỘI TÂM có tính chất VÔ TƯ, “Khách Quan” vượt lên TRÊN thế giới CHỦ QUAN của Ý Thức Cá Nhân chăng ?
Tóm lại, trên đường đi tìm Chân Lý, con người cố gắng VƯỢT thế giới CHỦ QUAN của con người Cá Nhân. Nhưng vì Tư Tưởng Tây Phương trước thời đại Freud, Jung….ít nhất trong lãnh vực Triết Học CHÍNH THỨC không biết hay không đề cập đến phần TIỀM THỨC, VÔ THỨC, do đó người Tây Phương đã đi tìm Mẫu Mực cho đời sống ở thế giới KHÁCH QUAN bên ngoài của SỰ VẬT. Mà “sản phẩm” đạt được là những Ý NIỆM được “khuôn đúc” theo khuôn mẫu của Sự Vật, rồi được hệ thống hoá thành Ý THỨC HỆ đã gieo không biết bao nhiêu tang tóc cho Nhân Loại cho đến tận hôm nay.
Nhờ những phát kiến mới mẻ về Tiềm Thức, Vô Thức, nhất là “Vô Thức Cộng Thông” của C. Jung, người ta mới khám phá ra một Thế Giới VÔ TƯ, “Khách Quan” trong Nội Tâm con người, với những Sơ Nguyên Tượng (Archétype), VƯỢT LÊN thế giới CHỦ QUAN của Ý Thức và của Kinh Nghiệm Cá Nhân. Nền NHÂN BẢN MỚI hiện nay được kiến tạo trên các Sơ Nguyên Tượng của Thế Giới TÂM LINH đó.
Bây giờ, dưới ánh sáng của lý thuyết về sự “Hợp Nhất các Chân Trời”(the Fusion of Horizons) của H. Gadamer cũng như khám phá về “Vô Thức Cộng Thông” (Collective Unconscious) với các Sơ Nguyên Tượng (Archetype) của C. Jung, thử tìm hiểu nội dung bài viết và xem tác giả có đạt được những mục tiêu tự ấn định hay không ?
D) NGUYỄN DU VÀ “CHÂN TRỜI NGÔN NGỮ”
Trước khi bắt đầu việc làm trên, có lẽ chúng ta nên có trước mắt một vài Nguyên Tắc nhằm hướng dẫn công việc . Khi tìm hiểu một Tác Phẩm như “Truyện KIỀU “ của Thi Hào NGUYỄN DU, thông thường có hai loại ĐƯỜNG LỐI Tiếp Cận chính yếu tạm gọi là PHÂN TÍCH và TOÀN THỂ.
1) CÁI NHÌN PHÂN TÍCH
Đường Lối PHÂN TÍCH là Cách Thức mà tác giả đã áp dụng bằng việc kê khai từ đầu một “lô” Kiến Thức như “thiên mệnh” (hard determinism hay absolutism), “nhân mệnh” (soft determinism), Duy Nhân (anthropocentrism), Duy Cá Nhân (Individualism), “Hợp Nhất các Chân Trời” (The Fusion of Horizons), và tuy không nói rõ nhưng phải ngầm hiểu Biện Chứng Pháp (Dialectic) kiểu Hegel hay Marx, và lẽ dĩ nhiên cái gọi là “thuyết Tam Tài” theo lối tác giả “gán” cho người Việt và người Tàu…vvv…
Các Kiến Thức nêu trên “tự thân” không có gì “xấu-tốt” ,”hay- dỡ” cả! Vấn đề nếu có, liên quan đến Phương Pháp PHÂN TÍCH mà tác giả đã áp dụng nhằm đem từng yếu tố nêu trên ra xem xét và so sánh với những gì tác giả tìm thấy trong Tác Phẩm (Truyện KIỀU). Hoặc nhằm kết hợp một số Ý NIỆM thành một loại Ý THỨC HỆ là một lối nhìn Tiên Thiên (a priori) được xử dụng trong mục tiêu thẩm dịnh Giá Trị của Tác Phẩm, Tác Giả và các Nhân Vật.
Hệ quả là công việc nêu trên có nhiều cơ may đưa tới việc tác giả đặt ra những Vấn Đề có tính chất GIẢ TẠO, cùng với hiện tượng đã xảy đến là các nhân vật trong tác phẩm xuất hiện dưới một hình thái rất “kỳ lạ”, giống như những “con người Phỏng” chỉ còn là phương tiện, “dụng cụ” mà tác giả xử dụng nhằm chứng minh cho những Thiên Kiến của mình mà thội!
2) CÁI NHÌN TOÀN THỂ
Đường lối thứ hai chủ trương nhìn Tác Phẩm dưới ánh sáng TOÀN THỂ. Người theo đường lối này có thể có tất cả những kiến thức mà tác giả đã liệt kê ở trên và còn nhiều hơn thế nữa, nhưng tất cả đã được TIÊU HÓA hết rồi! Và người đó đi tới “điểm hẹn” với tất cả TÂM HỒN của một người đọc hầu tiếp cận với chính TÂM HỒN của Tác Giả (ở đây NGUYỄN DU) qua trung gian của Tác Phẩm (ở đây “Truyện KIỀU”). Điều gì sẽ xẩy đến ?
Trước khi đến với Tác Phẩm, người đọc đã có sẵn một Lối Nhìn về Cuộc Đời kèm với nhiều điều khác….Nhưng sau đó, vì Tâm Hồn người đọc đã thay đổi khi tiếp cận với Tác Phẩm, nên Lối Nhìn cũng thay đổi theo. Ngược lại, Tác Phẩm cũng nhận được những “ánh sáng” mới từ người đọc. Đó có lẽ là điều mà Gadamer ám chỉ qua chủ đề “Hợp Nhất các Chân Trời” (the Fusion of Horizons) chăng?
3) NỘI DUNG BÀI VIẾT: KHÔNG PHẢI GADAMER MÀ LÀ HEGEL
Bây giờ, chúng ta thử đi vào Nội Dung bài viết với nhiều Chi Tiết hơn. Tuy nói ngoài miệng là muốn áp dụng Tư Tưởng Gadamer liên quan đến khía cạnh “dung hợp” hay “hợp nhất” , nhưng trên thực tế vì còn giữ lại nhiều “phản xạ” cũ nên tác giả chỉ dừng lại ở đợt Biện Chứng Pháp kiểu Hegel hay Marx, chứ không tiến xa hơn. Chúng tôi thử trích dưới đây một đoạn trong bài viết của tác giả:
” Hòa là mục đích của mỗi giai đoạn, và hòa cũng là mục đích cuối cùng mà ta gọi là thái hòa. Để đạt tới hòa, không có cách thế nào hay hơn là hợp. Hợp các cực……để đi tới cái tổng hợp cuối cùng là thái hòa”
Bây giờ chúng tôi xin thử viết lại đoạn trên của tác giả bằng những thuật ngữ của chính Hegel:
“Tổng Đề là mục đích của mỗi giai đoạn, và Tổng Đề là mục đích cuối cùng mà ta gọi là Tinh Thần tuyệt đối. Để đạt tới Tổng Đề , không có cách nào hay hơn là Hợp (tức hợp Chính Đề và Phản Đề) .Hợp các Cực để đi đến cái Tổng Đề cuối cùng là Tinh Thần tuyệt đối”
Điều trên cho thấy rằng thực chất bài viết của tác giả có nội dung là Biện Chứng Pháp HEGEL được “ngụy trang” bằng các thuật ngữ “Tam Tài” của Nho Giáo. Mà ta biết rằng MARX đã “lật ngược” Biện Chứng Pháp DUY TÂM của Hegel để biến thành DUY VẬT. Do đó, không lạ gì về hiện tượng xảy ra là trong bài viết , tác giả đã dùng rất nhiều thuật ngữ MÁC XÍT để phê bình xã hội PHONG KIẾN và TƯ BẢN. Chẳng hạn:
“Giai đoạn mâu thuẫn được lý giải như là giai đoạn dị hóa (Entaeusserung), hay tha hóa (Entfremdung), vong thân hay vật hóa (Verdinglichung)”.
Hoặc “ Từ đây ta bắt đầu thấy được thảm kịch của dị hóa ( con người xa lạ với chính mình), vong thân ( đánh mất mình) và tha hóa như vật hóa, thương mại hóa (coi con người như đồ vật, sản phẩm, hàng hoá).”
Tác giả còn đi xa hơn nữa bằng mối liên hệ “bất ngờ” giữa Tú Bà và ý niệm “Tư Bản Thặng Dư”.Tác giả viết: ” Tú Bà, và phần đông xã hội coi con người như là sản phẩm, hàng hóa giao dịch. Có thể dùng tiền để mua, và tạo ra tư bản thặng dư”.
Ngoài Hegel và Marx, tác giả còn ÁP ĐẶT các Phạm Trù khác của Văn Hóa Triết Học Tây Phương trên Văn Hóa VIỆT như thuyết Duy Nhân (anthropocentrism) hay Duy Cá Nhân (Individualism) phát triển mạnh ở thời Phục Hưng (Renaissance), khi xã hội Tây Phương vừa thoát ra khỏi ách nặng nề của Tôn Giáo suốt thời Trung Cổ. Tác giả viết: “ Quá ỷ vào tài năng của riêng mình tức là chủ trương duy nhân (anthropocentrism) và duy cá nhân (individualism). Chủ thuyết duy nhân lấy con người làm mục đích tối hậu, và coi con người như là trung tâm, chủ tế, hoàn toàn vượt lên trên mọi nguyên lực khác. Đồng lúc chủ thuyết này coi thiên nhiên, thần linh chỉ là những công cụ phục vụ con người. Con đẻ của chủ thuyết duy nhân là chủ thuyết duy cá nhân cực đoan (individualism). Tín đồ của chủ thuyết duy cá nhân này đi xa và mạnh hơn. Họ coi ngay cả người khác cũng chỉ là công cụ phục vụ họ. Sự phân biệt giai cấp chủ ông và giai cấp nô lệ là hệ từ tất yếu của chủ thuyết này”.
Vấn đề ở đây là đoạn văn trên có thể diễn tả đúng thực tế Văn Hóa, Xã Hội Tây Phương, nhưng KHÔNG THÍCH HỢP lắm khi đem mô tả bầu khí Văn Hóa VIỆT!
Tiếp tục đường lối tiếp cận Tác Phẩm một cách “cưỡng ép “ tương tự ở trên , tác giả đặt ra những vấn đề GIẢ TẠO mà trên thực tế thuộc môi trường Văn Hóa Tây Phương, nhưng một lẫn nữa đã bị tác giả “áp đặt” lên trên nền Văn Hóa VIỆT . Chẳng hạn:
“Thoạt tiên, nếu nhìn từ góc độ tư duy theo quy luật toán học (logic toán học), Nguyễn Du không theo (hay không chấp nhận) nguyên lý căn bản của toán học , đó là nguyên lý đồng nhất (the principle of identity), và nguyên lý bất mâu thuẫn (the principle of non-contradiction)”.
Thật ra, các nguyên lý nêu trên ngay bên Tây Phương đã “hết xài” ở đợt “Hạ Nguyên Tử” (sub-atomic) từ lâu rồi, thì “có ăn nhằm” gì đâu đến Nguyễn Du và “truyện Kiều” mà tác giả phải nhắc đến?! Thật ra, đặt ra cho “ có chuyện” vậy thôi để mà tác giả có thể viết tiếp là theo “logic toán học “ vừa nêu thì “trong Truyện Kiều, nhiều quan niệm được trình bày, thoạt xem có vẻ bất nhất (inconsistent) và đặc biệt, mâu thuẫn (contradictory) và hỗn tạp (confused)”.
Thì đó là chuyện Dĩ Nhiên! Một bên là thế giới “hàn lâm”, bên kia là Cuộc Đời THẬT, thì làm sao mà hiểu nhau được ? Đúng là GIẢ TẠO! Chưa hết! Lại thêm một vấn đề tương tự khác. Tác giả viết : “Mục đích của tư duy là gì? Tư duy để “trí tri cách vật” thỏa mãn sự ham biết (hay tọc mạch), hay để gìải quyết vấn nạn nhân sinh ?”
Câu trên tác giả nên đem đi hỏi Socrates thì đúng hơn là hỏi Khổng Tử vì Socrates chủ trương: “Trí Thức đã là Nhân Đức rồi” (= le Savoir est déjà la Vertu) nên theo Socrates, khỏi cần Thực Hành làm chi ! Trái lại, Khổng Tử không bao giờ chủ trương như vậy cả!. HỌC luôn luôn đi với HÀNH nên mới gọi là “Học Hành”, hay theo Vương Dương Minh phải “Tri Hành Hợp Nhất”!
Tuy nhiên, điều NGUY HẠI nhất nằm trong bài viết của tác giả là việc ÁP ĐẶT cái Khung Ý THỨC HỆ được xây dựng trên Mô Thức Biện Chứng Pháp kiểu HEGEL hay MARX. Tác giả mở đầu bằng việc ĐẶT ĐỊNH ĐỀ như sau:
“Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết là Nguyễn Du hiểu như vậy khi thi hào bắt đầu với sự kiện con người có tài(tài nhân) ỷ lại vào tài năng thiên bẩm của mình, mà quên yếu tố nhân hòa. Chính sự bất hòa giữa ba thế lực Trời Đất và con Người đã tạo nên bi kịch tha hóa của Thúy Kiều, Đạm Tiên và phần nào trong các tài nhân Từ Hải và cả Kim Trọng lẫn Hồ Tôn Hiến…..”
Như đã nói ở trên, tuy sử dụng Ngôn Ngữ của NHO nhưng trên thực tế, tác giả đã tuân thủ theo Mô Thức và Nội Dung của Biện Chứng Pháp HEGEL như thấy sau đây:
_ “Giai đoạn thứ nhất (tức CHÍNH ĐỀ ), phát động năng lực (tài) thiên bẩm phù hợp với chính mình”
Và các Nhân Vật trong Tác Phẩm được tác giả sắp xếp trong cái KHUNG Ý Thức Hệ đã có sẵn. Tác giả viết:
“Họ thường được đồng hóa tài năng với sức lực hay sức mạnh, và cả với quyền lực. Từ Hải là một tài năng võ biền dựa trên sức mạnh bạo lực. Kim Trọng là một văn tài dựa trên những kiến thức, kỹ thuật văn chương. Kiều là một mỹ nhân dựa trên sắc đẹp và nghệ nhân dựa vào những nghệ thuật như cầm kỳ thi họa. Hồ Tôn Hiến là một tài trí với mưu trí hơn người. Tất cả những tài nhân đều nghĩ rằng , với cái tài của mình, họ có thể thay đổi vận mệnh.”
_ “Giai đoạn thứ hai (tức PHẢN ĐỀ) là sự đối nghịch giữa cái tài chỉ dành cho chính mình, và tác động phát huy tài năng phục vụ xã hôi, đất nước. Giai đoạn này nói lên tính chất mâu thuẫn giữa luật vị kỷ, dùng tài năng cho mình, và luật hòa hợp, dùng tài năng để tạo thái hòa. Ta thấy sự đối nghịch giữa tài và mệnh, giữa con người cá nhân và xã hội. Đây là giai đoạn bất hòa…”
Chúng ta thấy “bóng dáng” của HEGEL “lảng vảng” ở phía sau đoạn văn trên của tác giả với chủ đề quen thuộc của Hegel về sự MÂU THUẪN giữa Cá Nhân và Nhà Nước và thế TẤT THẮNG của NHÀ NƯỚC mà Hegel miêu tả như là tiêu biểu cho “Bánh Xe Lịch Sử”!
Tác giả viết tiếp: “Nhưng rồi tất cả đều thất bại, người thì thân bại danh liệt (Kiều, Từ Hải), người thì thiếu thốn tình yêu và đau khổ, chẳng ai làm nên được gì có lợi cho hậu thế, cho con người, cho xã hội cả. Vậy thì, lý do thất bại của tài nhân phải được lý giải như thế nào? Quá ỷ vào tài năng của riêng mình tức là chủ trương duy nhân (anthropocentrism) hay duy cá nhân (individualism)…..”
Tác giả lại dùng các thuật ngữ MÁC XÍT để giải thích tiếp: “Từ đây ta bắt đầu thấy được thảm kịch của dị hóa (con người xa lạ với chính mình), vong thân (đánh mất mình) và tha hóa như vật hóa, thương mại hóa (coi con người như đồ vật, sản phẩm, hàng hóa)”.
_ “Giai đoạn ba (tức TỔNG ĐỀ) nói lên việc tài nhân đã ý thức được sự bất hợp (tức MÂU THUẪN), và tu luyện bằng cách phát huy tài hay năng lực hòa hợp với Trời Đất và con người (tức Giải Quyết MÂU THUẪN). Con người chỉ có thể tìm ra được chính mình (tức hết VONG THÂN) trong sự hòa hợp (tức TỔNG ĐỀ). Và như vậy, cho đến khi nào ở trong tình trạng thái hòa (TỔNG ĐỀ Cuối Cùng tức TINH THẦN Tuyệt Đối), thì lúc đó quá trình biện chứng mới dừng lại”.
Với lăng kính Ý THỨC HỆ hẹp hòi nêu trên mà tác giả muốn áp dụng vào Tác Phẩm, chúng ta thử xem cái gì còn lại dưới ngòi bút của tác giả về Nàng KIỀU của chúng ta, một Phụ Nữ Thông Minh Tằi Sắc , nhưng đầy lòng NHÂN HẬU, TÌNH NGƯỜI, chỉ vì Nghịch Cảnh mà Nàng phải trải qua “biết bao dặm trường”!
Tác giả viết: “Kim Trọng đến với Kiều vì sắc và sau nữa là vì tài, Kiều đến với Kim Trọng cũng là chàng Kim “phong tư tài mạo tốt vời/ vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”
Họ còn trẻ nên điều đó cũng Bình Thường thôi! Nhưng quan trọng hơn nữa là đó CHỈ là điểm Khởi Đầu mà thôi!
Tác giả viết tiếp : “Tương tự, tài nhân Kiều cũng nhìn nam nhi theo bảng giá trị của uy lực (Từ Hải). quyền thế (Hồ Tôn Hiến), hay tiền bạc (Thúc Sinh). Nàng Kiều nghĩ rằng có thể dùng tiền để đo lường cái tài sắc và đạt tới mục đích (chuộc cha).
Quả là OAN cho Nàng KIỀU !!!
Tác giả tiếp tục : “Tài nhân Thúy Kiều, sau khi đã thất bại không thể dùng cái sắc thiên phú của mình để giải quyết cái nạn gia đình, đã phải tự hạ mình xuống thành một món hàng đổi chác, bán mình để chuộc cha. Cô ý thức được mình chỉ là một trò chơi mua vui cho bọn Mã Giám Sinh và làng chơi, vân vân.”(Sic !!!)
Vì chữ HIẾU, KIỀU phải tìm mọi cách để Cứu Cha, chứ NÀNG có nghĩ gì khác nữa đâu ???!!!
Tác giả còn viết: “Sắc đẹp, tài năng của Kiều làm nhà họ Vương sáng mày, khiến Kiều thành “minh tinh” lôi cuốn chú ý của người khác”.
Ở đây, tác giả “phóng ảnh” tâm lý của phụ nữ ngày nay lên KIỀU.
Do đó, một lần nữa lại OAN cho Nàng KIỀU của chúng ta ???!!!
Phần trên đây trình bày đại khái nội dung bài viết được tác giả bổ túc bằng các phương pháp “Tu Thân” của Nho Giáo hay “ Tu Tâm” của Phật giáo. Phần còn lại của bài viết là sự lập đi lập lại nhiều lần chủ đề chính của tác giả mà thôi!
Để tóm tắt phần trình bày ở trên, , thay vì “tiêu hóa” “mớ” kiến thức “kềnh cơi” của mình , rồi đi theo lối TOÀN THỂ Trực Tiếp và bằng cả TÂM HỒN tiếp cận với Tác Giả, Tác Phẩm và các Nhân Vật, tác giả lại đi theo lối PHÂN TÍCH ra từng phần từng mảnh, rồi ÁP ĐẶT cái KHUNG Ý Thức Hệ “tiên thiên” (a priori) là Biện Chứng Pháp kiểu Hegel hay Marx. Hệ quả của công việc trên là thay vì tiếp cận với những con người Sống Động “bằng xương bằng thịt” chỉ có được với lối nhìn TOÀN THỂ, thì với lối nhìn PHÂN TÍCH mà tác giả áp dụng chỉ còn lại từng MẢNH từng PHẦN của cái gọi là “Người” (hay là “Ngợm” ?!) .Lý do, nói theo ngôn ngữ của Tư Duy Thống Hợp (Systems Thinking)” là Tính Chất của TOÀN THỂ luôn luôn KHÁC với sự Cộng Lại của TỪNG PHẦN”!10)
E) CÁC BÀI VIẾT KHÁC VỀ “TRUYỆN KIỀU”
Để “rộng đường dư luận” cũng như giúp chúng ta cơ hội so sánh bài viết của tác giả với bài viết của các tác giả khác về “Truyện KIỀU” để cho việc thẩm định đạt được sự VÔ TƯ Tối Thiểu. Chúng tôi xin trích dẫn sau đây ba bài viết:
_ một của một nhà Nguyên Cứu BÌNH THƯỜNG
_ một của một nhà Nghiên Cứu SÂU SẮC
_ một của một TRIẾT GIA
Ngoài ra, chúng tôi cũng dùng một Tiêu Chuẩn khác để chia các bài viết ra làm hai loại:
_ Cái Nhìn “Hiện Nghĩa”
_ Cái Nhìn “Ẩn Nghĩa”
1) CÁI NHÌN “HIỆN NGHĨA”: MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU BÌNH THƯỜNG
Tác giả viết : “Truyện Kiều không phải là một truyện tình như Hoa Tiên, lại càng không phải là một truyện luân lý như Lục Vân Tiên, chỉ là một truyện tả thân phận con người_ đúng hơn là thân phận của một người đàn bà tài sắc_ trước định mạng. Điều đó ai cũng nhận ra, chính tác giả cũng đã nói rõ cho ta thấy ngay ở đầu truyện và cuối truyện rối nhắc đi nhắc lại không biết mấy lần nữa trong truyện và cuối truyện…….
Một tác phẩm dài, nhưng tình tiết và bất hủ như truyện ấy thì đứng về phương diện nào mà xét cũng có lí ít nhiều…….Đã chẳng có người khen Nguyễn Du khi viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là nắm được một chân lý huyền ảo: cái tâm gồm cả tam tài thiên địa nhân đấy ư?”…….
Ôn lại tất cả những việc thường và biến xảy ra trong đời nàng Kiều, ta thấy như có một bàn tay nào đó sắp đặt trước mọi việc một cách chu đáo và cay nghiệt để bắt nàng chịu một kiếp đoạn trường kéo dài tới mười lăm năm.
Sinh đôi với Thúy Vân mà tính tình nàng khác hẳn. Vân thì vô tình, vô tâm, gần như đần độn ; Kiều thì sắc sảo, thông minh , đa tài, nhất là đa tình, đa cảm tới nỗi đi tảo mộ, gặp một nấm mộ vô chủ cũng sụt sùi……rồi lại coi Đạm Tiên là chị em với mình nữa….
Hồn ma Đạm Tiên trước sau chỉ thoáng hiện ba bốn lần mà đóng một vai trò quan trọng hơn hết những nhân vật khác trong đời nàng Kiều. Nó là “chị em” với Kiều, nó là phần “ u”, còn Kiều là phần “hiển”, nó là tiềm thức của Kiều, nó là tay sai của định mang “đưa lối”, “đưa đàng”, xui nàng “tìm chốn đoạn trường mà đi”…..
Thành thử suốt mười lăm năm, nàng như sống trong một giấc mộng, bị hồn ma Đạm Tiên mê hoặc, bị tiềm thức chi phối, không lúc nào làm chủ được mình, bẩm tính thông minh mà mấy lần quyết định mù quáng, hai lần tự tử chỉ là để lún thêm vào cõi nhục, bốn lần vùng vẫy_ khi trốn theo Sỏ Khanh, khi mưu hạnh phúc với Thúc Sinh, khi trốn nhà Hoạn Thư , khi khuyên Từ Hải ra hàng_ thì mỗi lần như chỉ để tự hủy thêm tấm thân, để cho lưới định mạng thắt chặt lại thêm nữa”……
Bi đát nhất là cái định mạng đó cứ nhè những bậc tài tình mà đầy đọa. Những hạng như Thúy Vân thì được sung sướng, hạng như Thúy Kiều mới bị chìm nổi:
“ Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” (Phạm Quí Thích)
Nhưng chính cái lụy đó, cái nhục đó lại là cái vinh của con người. Đọc truyện Kiều, có ai yêu được Thúy Vân, hay chỉ có những người khóc cho nàng Kiều, làm thơ vịnh nàng Kiều, mơ mộng nàng Kiều, khấn vái nàng Kiều; và đồng thời với Nguyễn Du, biết bao người được trời cho “thanh cao” hơn Tiên Sinh, mà đến nay còn gì, có ai nhắc tới, nhớ tới ? Vậy thì không bị cái “thiên cổ lụy “ kia, tất không có cái “tân thanh” này, cái “tân thanh” đã trên hai trăm năm nay rồi vẫn cứ mỗi ngày một vang thêm”(11)…..
Chúng tôi gọi bài viết nêu trên là có tính chất BÌNH THƯỜNG, “Phải Đạo” nói lên được một khía cạnh của Tác Phẩm, khía cạnh Rõ Nhất về phương diện Ý NGHĨA : Thân Phận Con Người trước Định Mạng.
2) CÁI NHÌN “ẨN NGHĨA”
a) “TÂM ĐẠO TRONG “ KIỀU”: MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU SÂU SẮC
SÂU SẮC hơn bài viết trên là bài viết sau đây về “Truyện KIỀU. Tác giả viết:
» …..chúng ta cũng còn tìm thấy dấu chỉ An Vi và Tả Nhậm của Văn Hóa Việt qua hai câu thơ tiêu biểu, là triết lý Việt mà cũng là kết luận của áng thơ trác tuyệt là TRUYỆN KIỀU của thi hào Nguyễn Du:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài.
Thật thế, cuộc đời của Thúy Kiều trong tác phẩm Nguyễn Du thì trải qua bao là thương khó, khổ nạn dập vùi. Nhưng xét từ đầu, nếu Kiều cũng vô tư vô lự như em là Thúy Vân, thì với tài sắc ấy, cuộc đời Kiều phải được hưởng phú quý hơn cả em nàng. Nhưng mà bởi vì một tấm lòng của người con Chí Hiếu mà đời Thúy Kiều truân chuyên, bạc mệnh.
Nguyễn Du tuy viết với chữ phương Nam ( Nôm) thi ca Truyện Kiều từ tác phẩm văn xuôi“ Kim Vân Kiều truyện” bằng Hán văn của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu, nhưng xét kỹ, tác phẩm của Nguyễn Du đã làm nổi nét đặc trưng của Văn Hóa Việt mà không có trong văn bản của Tàu. Với bản gốc, TTTN không có cái nhìn về Kiều sâu sắc với Tâm Đạo, TTTN chỉ muốn nói đến cái luận thuyết “ hồng nhan đa truân” mà thôi.Và kết thúc bằng cảnh cả nhà xum hơp phú quý vui vầy. Nhưng khi đến tài hoa và tâm tư của thi hào Đất Việt, thì tòan cảnh đọan trường hầu như bị xóa mờ với cái trị giá đích thực nơi Nội Tâm con người. Kết thúc với Tâm Đạo là Cuối Cùng Con Người Đã Thắng. Như Kim Trọng đã ân cần trân quý người xưa trong buổi đòan viên:
Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm.
Thật thế, con người có giá trị nội tâm thanh cao trôi trong mọi ngọai cảnh, như giọt nước lăn tròn trong suốt trên lá sen, nào có ngập ngừng, vẩn đọng.
Với cái nhìn giới hạn, Thanh Tâm Tài Nhân đã chỉ thấy được cái lý thuyết “tương đố” sáo mòn của “Tài và Mệnh”. Có nghiã là người tài thường bị cái mệnh là nghịch cảnh làm hại, phải gian nan, khốn khổ vì cái tài của mình. Như thế, quả con người chỉ là nạn nhân, nô lệ của ngoại cảnh, không có một lối thoát nào hơn là chấp nhận cái vòng oan nghiệt của định mệnh.
Nhưng thừa hưởng tinh hoa Việt Nho trong tiềm thể Tâm Linh, Việt là Vượt Lên, Vượt Qua…Nguyễn Du đã khai phá một chân trời Tự Do của ý thức Nhân Chủ qua các hành sử của Kiều theo Tâm Đạo. Một việc ý nghĩa như Kiều trong truyện Tàu thẳng tay cho đánh Hoạn Thư một trận đòn trả thù lẩn quẩn oan khiên, nhưng Thuý Kiều Việt của Nguyễn Du sau khi nghe lời nói chạy tội nhu thuận của người đàn bà khôn khéo thì lại mở tâm từ:
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.
Đã lòng tri quá thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.
Nhất là trong tiếng đàn Nguyệt của Thuý Kiều mà nghe được cả cái “vô thanh” của nội tâm thì cũng chỉ riêng tài hoa Nguyễn Du mới cực tả được:
Sân sau treo sẵn cầm trăng,
Vội vàng Kim đã tay nâng ngang mày.
Nàng rằng : “ Nghề mọn riêng tay,
Làm chi cho bận lòng này lắm thân”.
So dần dây vũ, dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung, thương.
Khúc đâu Hán, Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau.
Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
Nghe ra như oán, như sầu, phải chăng?
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng Lưu Thuỷ, hai rằng Hành Vân.
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Đàn Kiều thương cảm quá, đến nỗi người tri kỷ của nàng là Kim Trọng phải kêu than:
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Rằng: “ Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!…”
Vậy mà cũng người xưa, cũng tiếng đàn xưa, trong buổi đoàn viên, Đàn Kiều đan thanh:
Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hoà!
Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên?
Trong sao châu rõ dềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
Và chỉ riêng với cảm nhận tuyệt vời trong tương giao hữu hạn với vô biên của âm thanh tiếng đàn Kiều, Nguyễn Du mới gọi tên tác phẩm mình là “Đoạn Trường Tân Thanh”, mới đưa ra được một lời kết thâm trầm, hào sảng và an nhiên tự tại với nguyên lý nền tảng của Triết Việt, “ Thiện Căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”, mà sau này thiên tài Triết học Kim Định gọi là AN VI.
Thật thế, An Vi là Sống với Vô biên trong đời Hữu hạn, cho nên đặt nổi yếu tố Tâm Đạo giữa bao nghịch cảnh trầm luân của cuộc đời biến động ba đào. Với kết thúc Truyện Kiều bằng Tâm Đạo, tài hoa Nguyễn Du đã đưa Thi Ca về với ngọn nguồn Minh Triết Việt.(12)
b) BÓNG NGƯỜI “ĐẠI NGÃ TÂM LIMH” HAY “SƠ NGUYÊN TƯỢNG” TRONG “TRUYỆN KIỀU”
Trên đây là bài viết rất Sâu Sắc của Nữ Sĩ Đông Lan về TÂM ĐẠO trong “Truyện KIỀU” được tiếp nối bởi bài viết sau đây của Cố Triết Gia Kim Định về Từ Hải như là “Bóng Người Đại Ngã Tâm Linh” hay là Sơ Nguyên Tượng của Văn Hóa VIỆT được thể hiện trong “Truyện KIỀU” của Thi Hào Nguyễn Du.
“Đại Ngã Tâm Linh được Việt Nho biểu thị bằng số 5 (giao chỉ của 3 trời 2 đất) được bồng trong tay Nữ Oa Nghi Mẫu hoặc bằng những Sơ Nguyên Tượng khác (archetypal image) như Âu Cơ, Lạc Long, Hùng Vương… Trong Kiều là Từ Hải. Ở Hiện Nghĩa, Từ Hải là vai tuỳ, Kiều là chính, nhưng trên tầng Ẩn Nghĩa, Kiều chỉ là cây cầu bắc sang bờ bên kia để gặp mục tiêu là Từ Hải, nên Từ Hải không những là vai chính mà còn là bóng dáng của con người Đại Ngã Tâm Linh hiện thân của nền Nhân Chủ triết lý của Việt Tộc, dấu hiệu là “họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông”. Khởi từ số 1 (Hải: hành thuỷ số 1) xuyên qua số 2 (gồm 2 văn võ) và số 4 (thay chàng Kim, hành kim số 4) tới số 3 Việt Đông (Đông số 3) để khắc phục số 5 (năm năm hùng cứ một phương hải tần,). Số 5 chỉ Đại Ngã thành bởi số 3 trời 2 đất (nhân giả kỳ thiên địa chi đức) trong truyện đựơc biểu thị bằng vai Từ Hải, nên ta năng gặp số 5 đi kèm.
Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thức cao…
Trước cờ ai dám tranh cường
Năm năm hùng cứ một phương hải tần…
Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.
Đòi cơn gió táp mưa sa
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam…
Rằng Từ là đấng anh hùng,
Dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi…
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên
Làm nên động địa kinh thiên đùng đùng
Bảo cho hội họp chi kỳ
Năm nay là một nữa thì năm năm…
Những chữ dọc ngang, trời rộng, vẫy vùng bể khơi cũng như “làm nên động địa kinh thiên đùng đùng” đều ăn với huyền số 5 nhắc đi nhắc lại. Số 5 đưa Từ Hải lên bậc lớn lao như vũ trụ. Đó là điểm một, chứng tỏ bằng huyền số rằng Từ Hải là vai chính.
Điểm hai là danh tính ta thấy cũng nói lên bản chất của nhân vật: Từ Hải chính là kết tinh của thuyền tình bể ái. Từ Hải có nghĩa là bể từ bi, là:
Tình thâm bể thẳm lạ điều,
Mà hồn tinh vệ biết theo chốn nào?
…..
Tình thâm bể thẳm cùng với bể ái là một: điều chỉ đức đại từ, đại bi, chí nhân, chí dũng. Bao la như trời bể gồm Trí, Nhân, Dũng; mênh mông như vũ trụ để có thể yêu khắp loài người, nên khi bị đàn áp thì chống lại cách kinh thiên động địa. Đó là căn nguyên của đức Tự Cường bất khuất của dân tộc, mà đại biểu là Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Bà Trưng, Bà Triệu… với những trận đánh long trời động đất: đánh Nguyên, chống Tống, đuổi Thanh… Tất cả đều biểu lộ cho đức Nhân mênh mông, cho “tình thâm biển cả”, chỉ vì cái thế bó buộc không thể hiện thực được tấm lòng từ ái nhân hậu cách tích cực đành phải đi lối tiêu cực là đả phá gông cùm: Từ Hải chính là Mẫu Mực Tối Sơ của đức Chí Nhân nọ.
“Phong trần mài một mũi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì.
Nghênh ngang một cõi biên thuỳ…”
…..
Vì nghênh ngang nên bị người đời không nhìn ra chân tướng. Tự Đức đã lên án Nguyễn Du đáng đánh ba mươi trượng vì tội quá đề cao “một tên phản loạn”. Những đầu óc duy lý kiểu Tự Đức đã dám chối bỏ Huyền Sử, cho những truyện trong Kinh Hùng là trâu ma thần quái thấy sao được “tình thương bể thẳm lạ điều”. Cả bao thế hệ học giả cũng không thấy, không hiểu được Thi Bá. Người ta tìm ẩn ý cụ trong việc phục hồi nhà Lê. Nếu đúng cũng chỉ đúng một phần nhỏ. Phần lớn thâm sâu hơn nhiều, nằm trong vai Từ Hải. Không hiểu Từ Hải như linh hồn Việt Lý thì không hiểu được Thi Bá. Hơn thế cả Thi Bá cũng không hiểu hết được mình, vì vai Từ Hải là một Hồn Thiêng thuộc cõi bao la Vô Thức, được dựng nên không do ý thức của cá nhân Nguyễn Du, mà xuyên qua người là Tiềm Thức Cộng Thông dân tộc: phải là tiềm thức cộng thông mới đủ mắt “tinh đời nhận diện được anh hùng trần ai”. Đó là đại chúng, đại chúng nhận diện được vì Tâm không bị vướng mắc vào ý hệ nên đã thấy sự thực; mỗi khi dân chúng bói Kiều bao giờ cũng mở đầu khấn Từ Hải trước hết:
Lạy vua Từ Hải
Lạy vãi Giác Duyên…
Sau mới đến các nhân vật khác.
…vvv…
Đấy là bấy nhiêu hiện thân của tinh thần Hùng Cường Bi Tráng của Việt Tộc phát xuất tự Việt Đông, tức tự địa bàn Tổ nơi đã từng sản sinh ra Mẫu Người oai hùng Siêu Việt. Những Thánh Dóng quan thầy của triết lý An Vi.(11)
…..
KẾT LUẬN
Bây giờ chúng ta có thể so sánh nội dung bài víết của tác giả với bài viết của ba người kia. Nhà nghiên cứu đầu tiên, tuy không thật sâu sắc, nhưng thiết tưởng cũng phần nào đạt được mục tiêu liên quan đến phần bàn về thân phận con người trước định mệnh.
Sâu sắc hơn là bài viết của Nữ Sĩ Đông Lan nhấn mạnh đến khả năng Hóa Giải của Nội Tâm đối với những nghịch cảnh ở đời cũng như sự khác biệt giữa tác phẩm ”Kiều” Tàu của Thanh Tâm Tài Nhân và “Kiều” Việt của Nguyễn Du.:
– Tâm Đạo của Nguyễn Du đối lại với thuyết “Tài Mệnh tương đố” của TTTN
– Tính tình nhỏ nhen của “Kiều” Tàu quyết chí trả thù Hoạn Thư đối với lòng Cao Thượng của “Kiều” Việt ra lệnh tha ngay sau khi nghe lời phân trần của Hoạn Thư.
-“Kiều” Tàu là một cô gái tầm thường trong khi “Kiều” Việt là một Nghệ Sĩ tài ba mà trình độ Nghệ Thuật đạt tới mức “Vô Thanh” hay “Đạo Nghệ”
Kế đến là bài viết của Cố Triết Gia Kim Định vượt qua đợt “Hiện Nghĩa” để đạt tới phần ‘Ẩn Nghĩa” với vai trò của Từ Hải không chỉ như một nhà Anh Hùng mà còn như một Sơ Nguyên Tượng (Archétype), tức mẫu mực Sơ Nguyên của dân tộc như Thánh Dóng chẳng hạn,
Trong khi đó, tác giả vẫn còn mang nặng hình ảnh về Kiều và Từ Hải của tác phẩm TTTN: tức Kiều như một phụ nữ tầm thường và Từ Hải như một tướng cướp. Chính cái Khung Ý Thức Hệ “chật hẹp” khiến tác giả giữ lại hình ảnh SAI LẠC về Kiều, Từ Hải và các nhân vật khác.
…..
Do đó, tác giả không đạt được mục tiêu “đào sâu nới rộng”, vì trong khi Gadamer chủ trương mở rộng ‘Chân Trời” đến một nền Nhân Bản Mới, thì tác giả lại đi thụt lùi trở về các thế kỷ 18, 19 với Hegel và Marx !!!
Lê Việt Thường
CHÚ THÍCH
(1)Trần Văn Đoàn, “Tinh Hoa Ý Thức Hệ của Việt Nho” tp://www.dunglac.org/upload/article/f__1188379442.htm
(2) Trần Văn Đoàn, “Nghĩ về tâm lý thực dụng của người Việt”, Phỏng vấn BBC do Lê Quỳnh thực hiện, 04/04/2007 đăng trên mạng “Cánh Én”
(3) Kim Định, “Dịch Kinh Linh Thể”, An Việt Houston, 1989, tr.47-59
(4) Trần Văn Đoàn, “Tâm Đạo trong Việt Triết: Biện Chứng Tài Nhân- Nhân Tài trong Tư Ttưởng Nguyễn Du”, http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/TRIETHOC/TamDaoNguyenDu.htm
(5) David Vessey, “Gadamer and the Fusion of Horizons” http://www.davevessey.com/Gadamer_Horizons.htm
(6)Idem
(7) Idem
(8) Idem
(9) Nguyễn Hiến Lê, “Mười Câu Chuyện Văn Chương”, Văn Nghệ, Cali. USA, 1986, 55- 62
(10) Đông Lan, “Tâm Đạo trong Truyện KIỀU https://minhtrietviet.net/nhung-dau-chi-cua-thi-ca-triet-viet/
(11) Kim Định, “Pho Tương Đẹp Nhát Việt Tộc”, Kim Định, “Pho Tượng Đẹp Nhất của Việt Tộc”, An Việt, CA, USA,1984