Lê Việt Thường

KINH QUA TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ

 

 I) DẪN NHẬP

Phần trình bày trên đây cho chúng ta thấy là những Đại Trí Thức Âu Tây như Triết Gia Heidegger đã bắt đầu ý thức được về cuộc KHỦNG HOẢNG Nền Móng của Văn Hóa Tây Phương, và phương pháp cứu chữa được ông đề nghị là mở cuộc Song Thoại Đông-Tây. Nói cho được chính xác hơn, thì về vấn đề nêu trên, lúc đầu Heidegger có đề cập đến một cuộc Đối Thoại giữa Văn Hóa Tây Phương với Văn Hóa Á Châu, nhưng vào một dịp khác thì ông lại nói với Văn Hóa Viễn Đông.

 A) ĐÔNG PHƯƠNG CÓ TRIẾT HỌC HAY KHÔNG ?

 Tuy nhiên, quan điểm nêu trên cũng chỉ giới hạn ở tầng lớp Đại Trí Thức như Heidegger, và cũng mới xảy ra ở thế kỷ XX mà thôi! Còn trước kia người ta vẫn cho rằng về mặt Văn Hóa thì phải lấy LA-HY làm Mẫu Mực, hoặc “chỉ Tây Âu mới có Triết Học cũng như chỉ Tây Âu mới có Khoa Học, không ai nghĩ tới việc phủ nhận điều ấy, và đó chỉ là một ý kiến thông thường phổ cập khắp Tây cũng như Đông trong thế kỷ XIX”. Thật vậy, “tất cả các Giáo Sư và giới Triết Học thế kỷ 19 đều đồng thanh cho rằng tiếng “Triết Học” nẩy nở bên Hy Lạp và chỉ ở Hy Lạp mới có Triết Lý, và ngày nay nó là di sản riêng của Âu Châu, không nơi nào khác có cả……Thiên kiến trên đặc biệt được bảo trợ do những triết gia cỡ lớn như Hegel. Bởi thế Triết Đông không được thừa nhận trong giới chính thức một cách dễ dàng…..

Nhưng ngày lại ngày những luồng Tư Tưởng đi sâu vào Đông Phương trở nên đông thêm và người ta dần dần nhận ra thiên kiến trên kia là sai lầm. Nó chỉ phát khởi do sự quan sát vòng ngoại diện, hời hợt và không thể đứng vững nếu người ta chịu đi sâu vào thực tế. Bởi vậy dần dần có những người chủ trương Đông Phương cũng có Triết Lý như Tây Phương…

 Trong những người đầu tiên có phát kiến nêu trên, phải kể đến O. Spengler. Trong quyển “Sự Suy Tàn của Tây Phương” (= Le Déclin de l’Occident), Spengler đã nhấn mạnh rằng Âu Châu đã lầm coi Triết Học của mình là chính Triết Học, và nó buộc các luồng Tư Tưởng nào khác muốn khoác danh hiệu TRIẾT phải được đúc trong cái khuôn Tư Tưởng Hy Lạp. Chưa nhận thức rằng đó chỉ là một loại Triết Học trong đại gia đình Triết Học muôn màu muôn sắc. (= une philosophie et non pas La Philosophie). Đến nay, Tư Tưởng loài ngưới đã biến chuyển và đi đến chỗ truy nhận có nhiều nền Văn Hóa, nhiều nền Văn Minh nên cũng có nhiều nền Triết Học. Đã gọi là nhiều thì tất nhiên có những nét đặc thù phân biệt và bất tất theo phương pháp của Tây mới là TRIẾT. Cũng như người ta không cần mắt phải xanh, mũi phải lõ mới là NGƯỜI được!….

 Có người còn đi xa hơn cho rằng Triết Đông còn cao hơn Triết Tây. Chẳng hạn Renouvier người Pháp có viết đại khái: “ta phải quỳ gối thán phục trước sự cao cả của Triết Lý Đông Phương…….Đề tựa quyển “De la Bête à l’Ange” của J. Demarquette, ông H. De Lacroix có viết: “Bên những lý thuyết chói lọi (của Đông Phương) đem bàn đến trong sách này, những lý thuyết triết học chúng ta (tức Tây Phương) trở nên xám ngoách…..

 Đó chỉ là hai thí dụ nhỏ đại diện cho một Trào Lưu đi ngược lại với ý kiến trước đây chối từ sự hiện hữu của Triết Đông. Nhưng quan điểm chối bỏ có thể phổ thông ở thế kỷ 19 nay đã trở thành cũ kỹ, lỗi thời, trong khi khuynh hướng mới mỗi ngày mỗi bành trướng mạnh mẻ. Và cho tới nay, TRIẾT ĐÔNG đã trở thành một sư HIỂN NHIÊN tại các nước Âu Mỹ. Ở đây không còn ai dám nghĩ tới chuyện chối rằng Đông Phương không có Triết Học nữa. Trái lại nhiều người lo lắng cho số phận Triết Tây thì có!…..Các sách Triết Sử mới xuất bản đều dành cho Triết Đông một chỗ danh dự , như mấy quyển “Những Triết Gia Lớn” của K. Jaspers đã để cho Khổng, Lão, Phật, Long Thọ, Mã Minh…..những chương rất dài.

 Những Thiên Kiến vừa nêu trên có lẽ bắt nguồn từ sự khác biệt trong quan niệm Đông-Tây về Đối Tượng, Phương Pháp và Cùng Đích của Triết Học. Vậy nên, “không còn lạ gì lúc trước Tây Âu từ chối nhìn nhận Triết Đông, vì một khi họ đã coi Triết Tây là chính, là TRIẾT Viết Hoa, thì (lẽ dĩ nhiên đối với họ) Triết Đông Không phải là Triết , chỉ nên gọi là ‘Tư Tưởng’ Đông Phương hay là ‘Đạo Học’ gì đó”! (1)

 B) TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA TRIẾT TÂY VÀ TRIẾT ẤN: NYAYA-VAISHESHIKA

 Một khía cạnh khác của vấn đề có thể giải thích thêm về nguyên nhân của điều Ngộ Nhân nêu trên có lẽ bắt nguồn từ sự nghiên cứu hời hợt bên ngoài. Thật vậy, nếu nghiên cứu một cách thấu đáo hơn, thì ta có thể nhận thấy là các Vấn Đề Nền Tảng cũng như những khuynh hướng, trường phái xuất hiện nhằm giải quyết các vấn đề Triết Học liên hệ có nhiều điểm Giống Nhau trong những nền Văn Hóa Khác Nhau.

 Thử áp dụng vào trường hợp Tây Phương-Ấn Độ. Trong lãnh vực Triết Học, trường phái NYAYA của Ấn sử dụng một phương pháp luận lý có thể gọi là “Ngũ Đoạn luận” tương đương với “Tam Đoạn luận” của Aristotle.(2) Hoặc có nhiều điểm tương đồng giữa thuyết “Nguyên Tử” (Atomism) của trường phái VAISHESHIKA của Ấn và lý thuyết tương tự của trường phái Hy Lạp với Leucippus và Democritus. Cũng như chủ trương của “song phái” Nyaya-Vaisheshika cho rằng “những gì thực sự hiện hữu thì phải nhận thức và “đặt tên được” rất giống với chủ nghĩa Duy Nghiệm của Tây Phương. Hoặc sự kiện hai phái Nyaya-Vaisheshika xem Phẩm Tính của một vật cá thể là có một “thực tại riêng biệt” làm ta liên tưởng đến chủ nghĩa Duy Thực (Realism) bên Tây Phương một thời chống lại chủ nghĩa Duy Danh (Nominalism) là thuyết xem điều trên như chỉ là một “danh xưng”, một “tên gọi” được dùng để chỉ một phẩm tính chung mà thôi, chứ không thực sự hiện hữu bên ngoài! (3)

 Tuy nhiên, cạnh những điểm Tương Đồng nêu trên, lại có những Khác Biệt rất ĐẶC THÙ của Văn Hóa Ấn Độ. Thật vậy, trong khi các thuyết Nguyên Tử và Duy Nghiệm của Tây Phương thường có tính chất Khoa Học “Vô Thần”, thì chủ trương của Nyaya-Vaisheshika trong lãnh vực này lại có tính chất “Hữu Thần” cũng như dựa trên định đề của một Bản Ngã (Atman) thường tồn với vòng Luân Hồi “nhân quả”! Ngoài ra, khác với Tây Phương, các Hiền Giả Ấn Độ khi thu nhận Tri Thức không chỉ vì lòng mưu cầu Tri Thức mà thôi, mà còn nhắm vào mục tiêu chính yếu của họ là giúp họ GIẢI THOÁT ra khỏi vòng Luân Hồi “sinh tử”!

 Trong phần trình bày ở trên, chúng tôi thử đưa ta một thí dụ về sự Tương Đồng và Khác Biệt giữa Triết Tây và Triết Ấn. Sự So Sánh tương tự có thể được áp dụng đối với những vấn đề và những lãnh vực Triết Học khác. Qua thí dụ nêu trên, chúng tôi muốn nêu lên điểm sau đây là nếu nói một cách “chung chung” thì những vấn đề Triết Học được đặt ra, cũng như những lãnh vực Triết Học được nghiên cứu thường có những điểm Tương Đồng giữa những nền Văn Hóa Dị Biệt như Triết Tây và Triết Ấn trong bài viết này . Tuy nhiên, chính sự Nhấn Mạnh của một nền Văn Hóa ĐẶC THÙ (chẳng hạn Triết Ấn trong trường hợp này) trên một Hướng Đi Riêng của mình làm nên những nét CÁ BIỆT của nền Văn Hóa liên hệ trong lối Đặt cũng như Giải Quyết Vấn Đề!

 II) ĐƯỜNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRIẾT ẤN

 A) ĐẠI CƯƠNG

 Thật vậy, như vừa nói ở trên, các yếu tố cấu thành một nền Văn Hóa hay Triết Học thường rất giống nhau giữa các nền Văn Hóa, Triết Học. Chính LIỀU LƯỢNG phối hợp các yếu tố nêu trên làm nên những nét Đặc Thù, Cá Biệt của một nền Văn Hóa hay Triết Học. Nắm được liều lượng cũng như các nét đặc thù, cá biệt giúp ta ĐỊNH HƯỚNG được Bước Tiến của nền Văn Hóa hay Triết Học liên hệ, cũng như khiến công việc nghiên cứu đạt được tính chất Thống Nhất, Quy Củ, Phong Phú đồng thời gây được sự Hào Hứng, Thú Vị trong việc Học Hỏi.

 B) PHẠM TRÙ “NÔNG NGHIỆP-DU MỤC”

 Trong cùng chiều hướng, Cố Triết Gia Kim Định đã đưa ra một lối nhìn Mới Mẻ trong công việc nghiên cứu Văn Hóa ẤN ĐỘ. Cố Triết Gia viết: “ Sự góp phần này vào việc nghiên cứu nền Triết Ấn…..không nhằm chi tiết Văn Học hay Bác Học là điều đã có rất nhiều, nhưng nhằm đóng góp một trong những Đường Hướng tra cứu có tính chất biến động theo diễn trình hình thành, nó ở tại việc nhận thức sâu xa về sự dị biệt giữa hai nền văn hóa bản thổ DRAVIDIEN (Nông Nghiệp) và ngoại xâm ARYEN (Du Mục) và dùng chính ngay sự Dị Biệt đó làm Trục nghiên cứu: nghĩa là nhìn qua sự xâm nhập của văn minh Aryen và suy tàn để mở lối cho sự trở lại của nền văn hóa Dravidien để cùng với Aryen cấu tạo thành Văn Minh Ấn Độ hiện nay”.(4)

 Một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra bên Viễn Đông. Tuy nhiên, có sự KHÁC BIỆT: “Bên Viễn Đông thì Việt Tộc (Nông Nghiệp) vẫn làm Chủ dòng Văn Hóa, bên Ấn Độ thì chủ động lại là Aryen (Du Mục). Đó là một sự kiện lớn lao tuy được học giả nhìn nhận và ghi lại, nhưng không được nhận thức đến độ đủ để dùng nó làm TRỤC trình bày.

 Sự nhận thức khác với sự nhìn nhận ở chỗ sâu xa hơn nhờ đó đưa lại cho sự tìm kiếm một hướng học hỏi làm cho những suy tư trở thành linh động. Đó là điều còn thiếu trong các sách nghiên cứu về Ấn Độ, hầu hết khuôn mình trong bác học, nghiên cứu, lịch sử mà không sao vươn lên được đợt Triết Lý Nhân Sinh, nên vẫn theo vết xe cũ nhìn Ấn Độ như một thực thể Văn Hóa đơn thuần với nền tảng duy nhất của Aryen, mà không hay biết gì đến văn hóa Bản Thổ mới được khám phá về sau. Đó là một nền văn minh có tính cách NÔNG NGHIỆP cao hơn Aryen về Văn Hóa, nhưng kém Aryen về Tổ Chức Binh Bị nên bị tiêu diệt hoặc nô lệ hóa đến độ để cho nền văn minh Aryen nắm trọn quyền điều lý xã hội.

 Đó là một bước thụt lùi bởi vì Văn Hóa Dravidien cao hơn nhờ có nhiều yếu tố Phổ Biến, đang khi Văn Hóa Aryen còn mang đậm màu sắc Tôn Giáo địa phương, vì y cứ trên các Kinh Thánh Veda với rất nhiều THẦN, hầu hết là Thần Nam biểu lộ tính chất văn minh Du Mục, thiên trọng vũ lực nên cũng trọng Nam khinh Nữ…..Đây toàn là các Thần Dương khi mới xâm lăng, đè bẹp các Nữ Thần của dân Bản Thổ, nhưng sau lép vế dần dần với đà đi lên của Văn Hóa Dravidien.

 Nền Văn Hóa Dravidien mang theo những yếu tố TRIẾT LÝ nên sâu sắc hơn văn minh Aryen, vì thế tuy thua về mặt quân sự, nhưng đã ảnh hưởng quyết liệt trên văn hóa Aryen còn quá Bái Vật Dị Đoan, giúp đưa Văn Hóa này đi lên một trình độ cao hơn hẳn ngành Aryen còn ở lại trên đất Âu Châu”. (5)

 1) NHỮNG NÉT CHÍNH CỦA NỀN VĂN HÓA DRAVIDIEN

“Nét căn bản đầu tiên của văn hóa Dravidien phải nói là nền Nhân Bản Tâm Linh có tầm vóc Vũ Trụ: Hồn đó gọi là PURUSHA. Purusha phát xuất từ Thần Prajapati. Prajapati cũng gọi là Brahman hay là Chúa Tể Vũ Trụ, đã tự hóa thân thành Purusha Đại Ngã. Đó chính là Con người Sơ Thủy. Con người Cá Nhân chỉ là cái bóng mờ nhạt nhỏ bé so với Purusha Đại Ngã, nên cứu cánh con người là phải làm thế nào để trở về với Purusha”. (6)

 a) Trường Phái SAMKHYA

Đó cũng là nội dung của trường phái Triết Học SAMKHYA, vào hạng Cổ nhất và là một trong 6 trường phái Chính Thống (astika) dựa trên Kinh Veda và có tên là “Darshana” (cũng có nghĩa là “quan điểm”) và tương truyền do nhà Hiền Triết Kapila sáng lập.

 Trong đồng văn của triết học Samkhya, Purusha cũng còn được xem là Bản Ngã siêu nghiệm, là Ý Thức thuần túy., là nguyên lý Tâm Thần phổ quát truyền sinh khí cũng như khả năng biến hóa của mình vào các tác động của Prakriti.

 “PRAKRITI có thể được xem là Nguyên Nhân đầu tiên của Vũ Trụ, của mọi sự trừ Purusha, của tất cả thế giới Vật Lý bao gồm Vật Chất lẫn các Lực. Prakriti hội tụ 3 đặc tính thiết yếu (trigunas) sau đây:

 _ Sattwa : nhẹ nhàng, vui vẻ, sáng soi

 _ Rajas: loạn động, đau khổ

 _ Tamas: nặng nề, thô lỗ, bế tắc, tối tăm, biếng nhác.

 Luân Hồi (Samsara) hay tình trạng Nô Lệ xảy đến khi Purusha có lẽ còn ở trang thái “tiềm ẩn” nên thiếu khả năng phán đoán, do đó lẫn lộn về “căn cước tính” của mình với thân xác vật chất là “sản phẩm” của Prakriti. Giải thoát được thực hiện khi phân biệt được tình trạng Ý Thức của Purusha với trạng thái Vô Thức của Prakriti”.(7)

 b) Trường Phái YOGA

 Đó cũng là con đường MINH TRIẾT, còn phương pháp để đạt được Minh Triết là YOGA., cùng một đường hướng tự nhiên tự nội như Kinh Dịch là “nguyên thủy phản chung” nên cùng chung một bầu khí Triết Lý(8) Yoga bổ túc cho Samkhya và cống hiến cho hành giả một tập hợp kỹ thuật lẫn kỷ luật tinh thần trong công việc tập luyện, nhằm đạt được mục tiêu là con đường Minh Triết và Giải Thoát của Samkhya. Hành trình Tu Tập của Yoga gồm 8 giai đoạn:

 _ Yama : “ tự chủ”, tự kiểm soát về phương diện đạo đức

 _ Nyama: giữ những giới luật và một số nguyên tắc đạo đức.

 _ Asana: thực hành một số tư thế trong việc luyện tập.

 _ Pranayama: kiểm soát hơi thở

 _ Pratyhara rút khỏi các đối tượng thông thường của cảm tính

 _ Dharana: Quán Tưởng, tức tập trung vào một đối tượng đã chọn

 _ Dhyana: Thiền Định

 _ Samadhi: Nhập Định.

 “Còn về Triết Lý là một quan niệm trọn vẹn về con ngưới, và dùng ngay con người Tiểu Ngã để đạt ĐẠI NGÃ. Khác với quan niệm Tôn Giáo thường nhằm tiêu diệt Tiểu Ngã nên đường lối tu trì của Tôn Giáo nhằm riêng vào Linh Hồn, rất khác với lối Tu Trì theo Triết Lý là nhằm vào Toàn Thể gọi là TU THÂN. Theo đường lối “Tu Thân”, Tu Luyện là nhằm tài bồi vun tưới, tập trung nguồn sinh lực để nó lan tỏa ra mọi tác động, khiến cho mọi tác động đạt độ linh thiêng trọn vẹn. Quan niệm như thế chấp nhận tất cả mọi động tác thuộc Tiểu Ngã cũng như Đại Ngã, và tất cả đặt trên quan niệm TIẾN HÓA.

 Tóm lại, đó là quan niệm Nhân Bản Toàn Diện, vì thế sẽ bị quan niệm Thần Bản của Aryen tiêu diệt. Nhưng chỉ tiêu diệt lúc đầu với sự trợ giúp của võ lực, còn về lâu về dài thì quan niệm NHÂN BẢN của Dravidien vì Phổ Biến hơn nên mạnh hơn và sẽ đi những lối ngầm để Chuyển Hóa dần dần quan niệm Thần Bản của Aryen”(9)

2) QUÁ TRÌNH ARYEN TIÊU DIỆT NỀN VĂN HÓA DRAVIDIEN

 a) Trường Phái PURVA-MIMANSA

 Có lẽ giống như truyền thuyết, để chống lại cả Kapila sáng lập ra trường phái Nyaya lẫn Kanada sáng lập viên của trường phái Vaisheshika bị “cáo buộc” là cố ý “làm lơ” không nhắc gì tới Kinh Veda khi họ lập thuyết, do đó Jaimini khi khai sáng trường phái Purva (Tiền) Mimansa qua tác phẩm “Mimansa Sutra” của ông, đã chủ trương đặt Nền Tảng của lý thuyết trên sự tìm tòi học hỏi về bản chất của DHARMA bằng công việc Thông Diễn (Hermeneutics), tức nghiên cứu và giải thích , theo sát Văn Tự một cách tuyệt đối, các văn bản có tính chất Tôn Giáo của Kinh Veda.

 Mục tiêu Chính Yếu của phái Purva-Mimansa là làm sáng tỏ bản chất của Dharma làm bằng một tập hợp gồm các bổn phận và đặc quyền có tính chất Nghi Lễ , mà theo trường phái này, phải được thực hiện cho đúng khuôn phép lễ nghi. Thật vậy, phái Purva-Mimansa chủ trương rằng nếu chỉ qua việc sử dụng Lý Trí và Quan Sát mà thôi thì hành giả sẽ Không đạt được mục tiêu mong muốn là hiểu biết về Bản Chất của Dharma, mà trái lại phải qua trung gian của Quyền  UYycủa sự Mặc Khải được tìm thấy trong nội dung của Kinh Veda mà những người theo con đường này tin rằng hội đủ những đặc tính như Vĩnh Cửu (Eternal), Vô Danh (Authorless) và Không Sai Lầm (Unfailing).

 Nhà chú giải đầu tiên “Mimansa Sutra” có lẽ là Sabara sống vào khoảng thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 sau Công Nguyên. Trường phái đã đạt được tột đỉnh về phương diện phát triển với hai nhà chú giải khác là Kumarila Bhatta và Prabhakara mà công việc chính yếu là giải rộng thêm các chú giải mà Sabara đã thực hiện đối với “Mimansa Sutra”. Hệ quả là phái Purva-Mimasa đã “ngự trị” Tư Tưởng hàn lâm của An Độ trong khoảng một thời gian vào giai đoạn đầu tiên của thời Trung Cổ.

 Dharma có lẽ được Purva-Mimansa hiểu như là PHÁP hay Lề Luật, Bổn Phận có tính chất Luân Lý, Đạo Đức. Theo quan điểm Purva-Mimasa, sự hiểu biết về Dharma không bắt nguồn từ Kinh Nghiệm qua Tri Giác hay Bẩm Sinh, mà từ sự Hiểu Biết về Ngôn Từ và Ý Nghĩa của chúng Theo trường phái này, quy thuận Dharma cũng có nghĩa là tuân theo những Huấn Lệnh trong Kinh Veda và các lời chú giải liên hệ của giới Tăng Lữ (Brahmin) mà họ cho là gắn liền với việc hành động theo đúng khuôn phép Lễ Nghi của Veda. (10)

  Phần trình bày trên cho thấy là sự ra đời của trường phái Purva-Minansa trên nguyên tắc là Phản Ứng lại với hai phái Nyasa-Vaisheshika, nhưng trong thực chất có lẽ nhắm chính yếu vào việc công kích, bác bỏ con đường Minh Triết của Samkhya-Yoga, bởi vì nó trùng hợp với quá trình dân ARYEN Du Mục tiêu diệt nền Văn Hóa Nông Nghiệp của DRAVIDIEN với những hậu quả kèm theo sau đây:

  b) Hậu Quả của Quá Trình Tiêu Diệt Văn Hóa DRAVIDIEN

 Cố Triết Gia Kim Định viết:

 >“Quan niệm THẦN BẢN kéo theo quan niệm Cứu Độ thu gọn vào Linh Hồn ngược lại với quan niệm TIẾN HÓA Toàn Diện của Dravidien. Tiến Hóa bao hàm hai điểm là Tự Lực Tự Cường, hai là làm phát triển trọn vẹn con người cả Xác Thân lẫn Tinh Thần; còn quan niệm CỨU ĐỘ đặt nặng trên Linh Hồn mà khinh khi Thân Xác , ít chăm lo tới đời sống vật chất, hoặc cải thiện những mối nhân luân. Vì thế mà có những sự bất công khủng khiếp vẫn đi đôi với những Triết Lý cao siêu y như hai đường thẳng chạy hoài hủy không bao giờ gặp nhau: triết lý Siêu Hình không tác động vào đời sống đại chúng. Quan niệm tôn Hồn hạ Xác có rất nhiều lối tu luyện khắc khổ kỳ lạ, nên Ấn Độ có thể coi như quê hương của lối tu khổ hạnh đẩy đến cùng tột. Phần nào giống như những Triết Thuyết nguy nga của Plato, Kant, Hegel bên Tây Phương vươn mình lên trên những bất công xã hội tầy trời”.( như chế độ Nô Lệ xưa kia bên Tây Phương cũng như Ấn Độ). Đó là hai thí dụ điển hình về loại Triết Học Đứng Ngoài Đời Sống!

 > “TƯ TẾ có thể coi như hệ quả của sự coi Khinh Thân Xác, vì toàn khối chú ý được di chuyển sang bên Nghi Lễ. Các sãi Brahmin lập luận rằng khi Prajapati đã trút hết hơi sức vào việc tạo dựng nên Purusha thì trở nên như xác chết, mà Prajapati chết thì vũ trụ sẽ rối loạn rồi tan vỡ. Vậy cần làm cho Prajapati phục sinh, nhưng Prajapati chỉ có thể phục sinh được bằng các cuộc Tế Tự. Vì thế Tế Tự trở thành rất cần thiết cho sự tồn tại của vũ trụ.

 Đã nói đến TẾ TỰ là nói đến Kinh Sách và Lễ Nghi, vì Tế Tự nhằm điều lý vũ trụ bằng Danh và Sắc. DANH sẽ là những lời Thần Chú, những Kinh Kệ, Lời Hát. Còn SẮC là các Nghi Lễ phụng sự. Theo đó, Danh Sắc Không còn là Tiêu Biểu, mà là nhữnh thành tố CẤU TẠO nên Vạn Vật, là cột trụ của vũ trụ, ai mà nắm giữ được bí thuật của Danh và Sắc thì cũng nắm giữ được then chốt của vũ trụ và cả xã hội. Vậy những ngưới nắm được bí thuật đó là các Tăng Lữ của Thần Brahma gọi là Brahmin.

 Xã hội được chia thành bốn giai cấp thì Brahmin đứng hàng đầu vì phát xuất tự lò của Danh (vac) tức là miệng Brahma……Với Brahmin thì Sắc là các Nghi Tiết Tế Tự rất phiền toái phức tạp vượt sức học của thường dân, nên lâu dần không còn là Tế Lễ tư riêng nằm trong tay các Gia Trưởng như trong văn hóa Dravidien trước kia, mà dần dần chuyển sang tay Tăng Lữ. Thế là họ nắm độc quyền Tế Tự cả Danh cả Sắc! Danh thì càng ngày càng nhiều với 4 quyển Veda dày cộm. Còn Sắc thì cả trăm ngàn chi tiết vững mạnh nên không ai lọt vào đó được. Nhờ nắm Độc Quyền nên họ có thể đòi một phí khoản tùy sở thích gọi là “darshina”.

 Đó là quan niệm ngược hẳn với phép Tâm Tư (Yoga) của Dravidien, theo đó mọi người phải tự thực hiện lấy cả tế ông bà lẫn tập luyện Yoga chứ không thuê khoán ai được: đó là việc riêng mỗi người được gọi là Tâm Linh. Vì không có lời hay nghi thức riêng. Đó là chỗ làm cho Văn Hóa Dravidien dần dàn nổi lên được và do đó làm nảy sinh ra một Trận Tuyến giữa Danh Sắc của Tăng Lữ một bên và Tâm Linh của Triết Gia bên kia. Vậy thân phận của con người gắn liền vào sự thăng trầm của trận tuyến này.

 > Một hệ quả khác là nếu là NHÂN BẢN thì con người có túc lý tự nội, khỏi y cứ vào tha vật, và do đó bất cứ ai hễ đã là người thì đều có quyền lợi như nhau, nên Không có Đẳng Cấp mà chỉ có TÔN TI. Tôn Ti chính ra là một thứ phân công có tính cách xã hội bì phù, không liên hệ chi tới tư cách làm ngưới , tuy có nhiều lạm dụng lấn chân bằng chức tước, quyền quí… nhưng đó vẫn là lạm dụng, chứ không như Đẳng Cấp được Pháp Luật thừa nhận và đặt thành định chế.

 Ngược lại với THẦN BẢN thì từ nền móng con ngưới không có túc lý tự nội nên phải qui chiếu vào Thần và tùy nơi phát xuất mà có địa vị cao thấp: nếu phát xuất bởi miệng Brahma là bậc cao nhất là Tăng Lữ; bởi tay là đẳng cấp nhì: Quân Nhân; bởi bụng là đẳng cấp ba: Thương Gia; bởi chân là đẳng cấp bốn: Công Nông. Còn nếu không bởi Thần dù chỉ là chân thì bị kể là Vô Loại, vô giá trị như thí dụ tất cả dân Dravidien, chỉ là Paria không có quyền tham dự đời sống của 4 cấp trên: nếu vi phạm sẽ bị phạt một cách khủng khiếp, thí dụ những ngưới Vô Loại dám nghe thánh kinh Veda thì sẽ bị đổ chì sôi vào tai.

 > Còn về thân phận của người Phụ Nữ, Cố Triết Gia viết: “trong nền văn minh Nông Nghiệp Dravidien, lúc sơ khởi đàn bà đóng một vai trò quan trọng tương tự với đàn bà trong Việt Nho, vì thế số Thần Nữ rất nhiều, nhưng rồi bị Nam Thần của Aryen đè bẹp, nhưng sau số Nữ Thần thêm lên theo đà phục hồi của văn hóa Dravidien. Đây là điểm đi ngược hẳn với văn minh Du Mục chuyên về sức mạnh đề cao đàn ông, hạ đàn bà xuống rất thấp, đến độ biến đàn bà thành sản vật của đàn ông. (Bên Tây Phương thời trước cũng vậy như chủ trương của Thông Luật xem đàn bà là “vật sở hữu” của đàn ông!). Quan niệm này không đâu được biểu lộ một cách thái thậm bằng tục thiêu sống các bà góa (sutee) vì các bà được coi là của chồng , nên khi chồng chết các bà cũng phải lên giàn hỏa để chết theo chồng…Khi tục lệ này được chính phủ Anh bãi bỏ vào năm 1829, thì những người phản đối lệnh đó hơn hết là giai cấp Brahmin.”. Cộng lại với nhiều lý do khác đã đề cập ở trên, thì có lẽ ta có thể kết luận ở đây là tục Thiêu Sống đàn bà góa do văn minh Veda và được giới Tăng Lữ duy trì.

 Trở lên là phần phát họa lại mấy nét chính của hai quan niệm khác nhau về con ngưới của Du Mục Aryen và Nông Nghiệp Dravidien. Cần phân ra để làm “kim chỉ nam” trong công việc đi vào rừng Cổ Học Ấn Độ. Thật vậy, Lịch Sử của Văn Hóa Ấn Độ chính là lịch sử giao tranh giũa hai quan niệm nêu trên (11), xuyên qua trước tiên quá trình tiêu diệt văn hóa Nông Nghiệp Dravidien bởi Aryen Du Mục, tiếp đến là sự Phục Sinh của văn hóa Nông Nghiệp qua quá trình Chuyển Hóa văn minh Aryen bởi Dravidien.

 3) QUÁ TRÌNH DRAVIDIEN CHUYỂN HÓA VĂN MINH ARYEN

 Sự Chuyển Hóa được diễn ra qua 4 giai đoạn :

 a) Giai Đoạn VEDA

 VEDA là giai đoạn đầu tiên mang nặng liên hệ với Hy Lạp đề cao Hình Thái, tức đề cao Con Mắt (Sắc). Veda cũng đề cao con mắt, vì nó cùng nghĩa với Video (La Tinh) có nghĩa là “xem”. Và vì thế, Tế Tự dựa trên SẮC tức các Nghi Lễ hình thức chiếm trọn 3 Kinh đầu tiên:

 _ Rigveda: Kinh Nguyện

 _ Yajurdaveda: Cúng Tế, Thần Chú, Ma Thuật

 _ Samaveda: Thánh Ca

 Các Tụng Ca được sử dụng cho 3 Kinh nêu trên, cũng mang 3 hình thức khác nhau :

_ Ric = bằng các câu Thơ ca tụng có vần điệu và được đọc lớn giọng.

_ Yajus = bằng văn Xuôi và được đọc thì thầm trong các buổi tế tự.

_ Saman = bằng vần điệu và được hát lên tại các buổi tế Thần “Linh Tửu” (Soma).

Mỗi Kinh Veda bao gồm phần Tụng Ca làm bằng vần điệu và phần Chú Giải bằng văn xuôi nhằm đưa ra đường hướng cùng với những luận bàn về chi tiết của các buổi Tế Lễ nơi đây, các Tụng Ca được sử dụng kèm với những lời dẫn giải về các thần thoại liên hệ tới các Tụng ca và Nghi Lễ nêu trên. Các phần vừa đề cập được xem là có nguồn gốc ‘Thần Thánh” (shruti) chứ không phải là “sản phẩm” của loài ngưới!

Kinh Rig-Veda được xem là có nguồn gốc Cổ nhất và là tổng hợp 1028 bài Tụng Ca bằng chữ Phạn và 10600 câu thơ được sắp xếp thành 10 tập. Các kinh sách được soạn thảo bởi các Thi Sĩ thuộc các nhóm Tăng Lữ khác nhau trên khoảng thời gian cỡ 500 năm từ 1400 đến 900 năm trước Công Nguyên, nếu không phải là sớm hơn. Có nhiều điểm rất giống nhau về phương diện văn hóa và ngữ học giữa Kinh Rigveda và Kinh Avesta của Ba Tư ở thời xa xưa.

Kinh Yagurveda bao gồm một phần là Tụng Ca cổ bằng văn xuôi và phần kia là các câu thơ được vay mượn hoặc phỏng theo nội dung của Kinh Rigveda. Yagurveda nhắm vào mục tiêu rất thực tiễn là mỗi tụng ca phải được kèm theo với một hành vi tế lễ.

Kinh Samaveda bao gồm 1549 đoạn thơ (trừ 78 đoạn) đều vay mượn hoặc phỏng theo từ Kinh Rigveda cho việc Ca Hát. Samaveda nhắm vào mục tiêu thực tiễn và nghi tiết là soạn thảo một tập Thánh Ca cho nhóm Tăng Lữ biết ca hát.

Và cuối cùng là Kinh Atharvaveda bao gồm 760 bài Thánh Ca mà 160 bài có nguồn gốc từ Kinh Rigveda. Đại đa số các tiết mục trong Kinh theo văn vần, nhưng có vài đoạn có thể văn xuôi. Khác với 3 Kinh kia, Atharvaveda ít liên quan đến khía cạnh Cúng Tế.

Kinh có 2 phần:

Phần đầu gồm chính yếu các loại Thần Chú, Bùa Phép nhằm chống lại tai ương, ma quỉ cũng như nhằm chữa cho lành bệnh, sống lâu và thực hiện đủ điều ước muốn và các mục tiêu khác ở đời của đương sự.

Phần hai gồm những bài Tụng Ca có tính chất Suy Tư Triết Lý cũng như tầm vóc Vũ Trụ, báo hiệu sự ra đời của giai đoạn Upanishad. (12)

b) Giai Đoạn UPANISHAD

Giai đoạn này kéo dài khá lâu, có lẽ bắt đầu với hai “Áo Nghĩa Thư” Brhadaranyaka và Chandogya ra đời ở cuối giai đoạn Thần Học Veda (Brahmana) khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, và kết thúc khi các “Upanishad” cuối cùng đã được thành hình ở giai đoạn cuối thời Trung Cổ và đầu thời Cận Đại. Upanishad đã có một ảnh hưởng rất lớn trên phần còn lại của nền Triết Học Ấn Độ.

Triết Gia Shankara được xem là đã chú giải 11 “Upanishad” vừa chính yếu vừa cổ nhất . Dara Shikoh, con trai của Hoàng Đế Shah Jahan đã dịch 50 “Upanishad” ra tiếng Ba Tư. Vào năm 1775, một học giả Pháp Anquetil Duperron cũng đã dịch một phần của Upanishad ra tiếng Pháp và La Tinh. Bản La Tinh được xuất bản vào năm 1801.(13)

Giai đoạn thứ hai này chứng kiến một trận tuyến giữa một bên là Upanishad và bên kia là Tăng Lữ Brahmin với khoa Thần Học Brahmana căn cứ trên các Kinh Veda, giải nghĩa các Kinh Sách và bàn về các Nghi Lễ….hoàn toàn có tính cách Tôn Giáo. Nhưng vì là Thần Học có Suy Tư nên cũng là giai đoạn nẩy sinh nền Suy Tư ĐỘC LẬP tức không dựa trên Veda, mà dựa trên Lương Tri và Kinh Nghiệm bản thân. Vậy nên, Suy Tư loại này gọi là Upanishad.

Đó là loại Suy Tư có tính cách Triết Lý nên đi sát lại gần nền Minh Triết truyền thống của Dravidien. Tinh hoa của Upanishad nằm trong câu “Chính Mày là Cái ẤY” (= “Tat Twam Asi”), nghĩa là Mày (Atman) cùng với Đạo Thể (cái Ấy hay Brahman) là MỘT, nên việc Cứu Rỗi nằm trong sự tìm hiểu ra điều đó, chứ Không nằm trong Nghi Lễ Kinh Kệ chi cả!

Rõ ràng đó là con đường chống đối Tăng Lữ Brahmin, nên rất nguy hiểm vì Tăng Lữ nắm trọn quyền hành thế lực. Do dó, sự chống đối phải đi theo lối rỉ tai gọi là TÂM TRUYỀN cũng có thể gọi là Lâm Truyền ( Aranyaka) nghĩa là những sách chỉ truyền cho môn đệ ở trên rừng núi tức nơi vắng vẻ xa xã hội ngoài người . Chữ ‘rừng” không cần hiểu là “rừng”, nhưng là KÍN NHIỆM. Vì thế, Upanishad thường được bao bọc bằng những Nghi Vệ Huyền Ảo , nên Upanishad cũng gọi là ÁO NGHĨA THƯ, mục đích của những bí mật đó là cốt trốn tránh sự đàn áp của Tăng Lữ.

Nhờ chiến lược bảo mật đó mà Upanishad đã làm nở lên một mùa hoa của sự tìm tòi lao lung, mùa hoa tinh thần xuất hiện vào lối thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 4 tức là vào thời Trục. Thời kỳ này kết tinh vào các phái Triết Lý gọi là “Darshana” có nghĩa là “quan điểm”. Có 6 “Darshana” nhìn đời theo 6 quan điểm riêng. Nhưng các “Darshana” hỗ trợ nhau chứ không chống đối nhau như Ý Hệ của các nước Tây Âu.(14)

Do đó, khi Upanishad được truyền bá qua Âu Châu ở đầu thế kỷ 19, Triết Gia Schopenhauer đã khen ngợi “không hết lời” nội dung của “Áo Nghĩa Thư” cũng như tìm thấy một sự Tương Đồng căn bản giữa Upanishad và hệ thống Triết Lý của chính ông chủ trương rằng mỗi Cá Nhân là một sự biểu lộ đặc thù của MỘT Thực Tại nền tảng. Triết Gia Schelling vì thất vọng với đường lối của các Tôn Giáo Tây phương, nên rất bị lôi cuốn bởi “Áo Nghĩa Thư” đặc biệt ở khía cạnh Tinh Thần và Huyền Niệm. Các tác giả Âu Châu khác như Thomas Carlyle, Victor Cousin, Samuel T. Coleridge, Mme de Stael….tuyên bố đã tìm thấy nội dung Minh Triết sâu xa trong Upanishad. Các tác giả Mỹ Châu như Emerson, Thoreau…..vì không hài lòng với nội dung các Huyền Thoại của các Tôn Giáo Tây Phương, nên cũng tán đồng lối giải nghĩa của Schelling về Triết Thuyết Siêu Nghiệm của Kant cũng như lối tán thưởng của Schelling về khía cạnh Huyền Niệm, Lãng Mạn, Lạ Lùng của “Áo Nghĩa Thư”! (15)

c) Giai Đoạn PHẬT GIÁO

Phật Giáo có thể nói là Đỉnh Cao nhất của Upanishad, cả về hai phương diện tiếp tục con đường chống đối Tăng Lữ Brahmin của Upanishad lẫn nỗ lực vượt Upanishad về mặt Minh Triết.

_ Chống Đối Tăng Lữ

Phật Tổ từ chối dựa trên Kinh Veda khi lập thuyết, nên Phật Giáo được xem là Phi Chính Thống (Nastika) trong truyền thống văn hóa, triết học Ấn Độ. Nếu có sử dụng các thuật từ khái niệm của Ấn Giáo, như Ảo Giác (Maya), Nghiệp Báo (Karma)……thì cũng đã được định nghĩa và giải thích lại để mang một ý nghĩa mới mẻ.

Chúng ta biết là AHIMSA có nghĩa tiêu cực là “Đừng Sát Sinh” và nghĩa tích cực là ‘Tôn Trọng Sự Sống “ dưới mọi hình thái, là một khái niệm rất quan trọng trong đồng văn của Ấn Giáo lẫn Phật Giáo. Trước Phật Giáo, Upanishad đã phê bình tập tục Cúng Tế có màu sắc “sát sinh” (sacrificial himsa) của giới Tăng Lữ Veda, và chủ trương của Upanishad là nội tâm hóa ý nghĩa cũng như biểu tượng của tập tục này.

Phật Giáo còn đi xa bằng cách nhấn mạnh nhiều hơn Upanishad đến khái niệm AHIMSA cũng như Phật Tổ đã mỉa mai khi giảng giải về Nghiệp Báo (Karma), về lối lý luận của Kinh Veda cho rằng một cuộc đời Cúng Tế của Tăng Lữ sẽ đem lại nhiều điều ơn ích và tốt lành như sẽ được Trường Thọ cho bản thân và gia đình của họ. Theo Phật Tổ thì trái với các điều tin tưởng nêu trên, tập tục này sẽ mang lại hậu quả tiêu cực là sẽ rút ngắn khoảng đời còn lại của giới Tăng Lữ thời đó. Giống như chủ trương của Upanishad trước đây, Phật Giáo khuyến khích lối sống Tu Trì đạm bạc chống lại lối sống xa hoa của phe Tăng Lữ được che dấu dưới “cái dù” Tôn Giáo!

Phật Tổ còn từ chối lối phân biệt theo Đẳng Cấp của Ấn Giáo và trong thực tế Phật Giáo đã bác bỏ điều nêu trên bằng cách mặc nhiên thâu nhận những người theo Đạo Phật mà không phân biệt nguồn gốc đẳng cấp của họ.(16)

_ Chống lại Quan Niệm về một Thượng Đế Tạo Dựng

Ngoài ra, chúng ta biết rằng Ấn Giáo có vô số các Thần Linh , nhưng có Ba Vị cao nhất giữ ba vai trò khác nhau là:

_ Thần Sáng Tạo: Brahma

_ Thần Gìn Giữ: Visnu

_ Thần Hủy Diệt: Shiva

Tuy nhiên, trên hết là “BRAHMAN, Thực Tại cuối cùng được gọi là “Linh Hồn” hay Tự Tính nội tại của mọi sự vật……..”Brahman vô thủy, siêu việt, nằm ngoài cái hiện hữu và phi hiện hữu…….vô biên, bất sinh, suy luận không tới, không tư duy được…..Brahman là nhà Đại Huyền Thuật, Người tự biến mình thành thế giới, Ngài là người thực hiện hành động đó với “Sức Mạnh Huyền Thoại Sáng Tạo””.(17)

Nhưng Phật Tổ lại chống lại quan niệm về một vị Thượng Đế Tạo Dựng như trên. Thật vậy, Phật cho là điều vô bổ khi đem bàn cãi các vấn đề “Siêu Hình” loại trên. Trái lại, Phật tự giới hạn vào Thực Nghiệm vừa sử dụng TRI GIÁC thường nghiệm lẫn các phương pháp SIÊU GIÁC do công phu Tu tập đem lại.

_ Chống lại Quan Niệm về một Bản Ngã Trường Tồn

Ngoài Brahman, Ấn Giáo cũng có một quan niệm quan trọng khác về Bản Ngã hay ATMAN.. Nếu Ấn Giáo thường xem cuộc đời hay thế gian là “Bào Ảnh” (Maya) kể cả thân xác của chúng ta, thì lại có một cái nhìn khác về Atman. Nhưng làm sao biết là Bản Ngã hiện hữu hay không ? Thì theo “song phái” Nyaya-Vaisheshika, là do chúng ta trực nhận trực tiếp được nó. Ngoài ra, vì tin rằng có Luân Hồi nên phần lớn các trường phái Ấn Giáo cho rằng Atman có tính Bất Tử và sẽ mặc một thân xác khác ở kiếp sau. Và nếu hành giả sống theo đúng Dharma thì sau khi chết Bản Ngã (Atman) của mình sẽ hòa nhập với Đại Ngã (Brahman).

Phật Giáo thì KHÁC, cho rằng Bản Ngã không có thực, chỉ do Ngũ Uẩn (shandkha) kết hợp lại mà thành nên sẽ biến đổi, nhưng lại khiến cho ta có ảo tưởng rằng cái ‘Ta’ cũng như vạn vật là có thực. Nhưng theo lý thuyết nhà Phật, tất cả chỉ là VÔ THƯỜNG Ngẫu Hữu : “Có” đó rồi lại “Không” đó! Vậy nên, Phật Giáo chủ trương VÔ NGÃ!

Alan Wallace cho rằng Bản Ngã siêu nghiệm chỉ là một khái niệm có tính cách “Thần Tượng” (idol) KHÔNG đứng vững trước Thực Ngiệm cũng như sự phân tích của Lý Trí!

Walpola Rahula thì lập luận: “ Có hai ý tưởng đã “đâm rễ” rất sâu vào đời sống Tâm Lý của con người : Tự Bảo Vệ (self-protection) và Tự Duy Trì(self-preservation). Vì để tự bảo vệ, con người đã tạo nên một đấng Thượng Đế nhằm được che chở hầu có được một cuộc sống an toàn và vững lòng tin, giống như trường hợp của một đứa bé cần được sự nương tựa, che chở của cha mẹ nó.

Để “Tự Duy Trì” (self-preservation), con người lại tạo nên một Linh Hồn hay Bản Ngã để được sống đời đời. Trong sự ngu muội, sợ hãi, yếu hèn. ham muốn, con người cần 2 điều trên để tự vỗ về an ủi; nên cố “bám víu” vào đó một cách sâu đậm và cuồng tín…

Phật Giáo cho rằng các khái niệm về Thượng Đế và Linh Hồn nêu trên đều Sai Lầm và Trống Rỗng…….Cũng như, các lời Giảng Dạy của Phật Tổ nhằm chống lại các điều đó đi ngược lại với Thường Tình và lòng ham muốn, vị kỷ của con người”.

Thật ra, theo Peter Harvay, thì Maitri Upanishad được soạn thảo sau khi Phật Giáo ra đời, đã phân biệt Bản Ngã cá nhân (individual self) với Bản Ngã vũ trụ (Universal self), và đã có vài nét đặc trưng tương tự với Niết Bàn của Phật Giáo. Nhưng cũng theo Harvey, Phật Tổ còn muốn đi xa hơn nữa vì theo Phật, chính sự thèm khát có được một Bản Ngã trường tồn là điều khiến đương sự sẽ phải tái sinh không biết bao nhiêu kiếp , do đó sẽ làm cản trở con đường Giải Thoát! (18)

Cố Triết Gia Kim Định có viết về vai trò của Phật Giáo trong đồng văn của nền Văn Hóa, Triết Học Ấn Độ như sau:

“Đó chính là tinh thần Upanishad đã tiến triển nhiều đến độ không còn thèm dấu diếm nữa nên đã dám nói toạc ra tất cả sự thật phủ phàng vào mặt Tăng Lữ Brahmin. Chúng ta biết tiếng “OM” là một từ được coi là Thánh trong việc Tế Tự, các tăng lữ thường vừa đi kiệu vừa hát tiếng “OM”. Thế mà Phật Tổ đã không ngần ngại ví họ với đoàn chó vừa đi vừa sủa ‘om’ ,’om’, ‘om’ để đòi ăn, thì ta thấy sự chống đối đã đi xa biết bao. Chính vì óc can đảm dám nói thẳng sự thật như thế mà sau này Phật Giáo bị đẩy ra khỏi đất Ấn, vì đó là đất đã nằm trọn vẹn dưới phủ việt của Brahmin. (ngày nay bên Ấn chỉ còn vài ba trăm người theo Phật)”(19).

d) Giai Đoạn VEDANTA

Tuy Phật Giáo bị đuổi đi nhưng tinh thần Upanishad vẫn còn lại trên đất Ấn Độ dưới hình thức ôn hòa hơn nhằm THỐNG NHẤT cả Tế Tự lẫn Triết Lý (20) có tên là VEDANTA

Vedanta là một trong 6 triết hệ chính thống (astika) của Ấn Độ. Vedanta còn có tên là Uttara (hậu) Mimansa, nơi đây Hiền Giả Badarayana đưa ra lý thuyết về Brahman. Đó là một tập hợp 555 Kinh (sutra). Những nhận xét và dẫn giải trong Vedanta căn cứ trên hệ phái Samkhya, nhưng Vedanta không chấp nhận quan niệm rằng Purusha hiện hữu dưới nhiều hình thái khác nhau.. TheoVedanta, Thưc Tại chỉ có MỘT là BRAHMAN. Phần còn lại của Vũ Tru, kể cả Tâm Trí và các biến thái của nó chỉ là những lớp thêm vào Thực Tại Duy Nhất đó!

Vậy VEDANTA là gì ? Là Từ kép gồm “Veda” có nghĩa là “hiểu biết”,” minh triết” và “anta” cò nghĩa là “kết thúc, tận cùng” . Do đó, Vedanta vừa có nghĩa là do Veda phát xuất, mà cũng có nghĩa là tận cùng của Kinh Veda vì đồng thời nó chống đối Veda.

Vedanta gồm 3 trường phái chính yếu sau đây:

_ Advaita-vedanta hay Nhất Nguyên tuyệt đối (Absolute Monism)

_Visistadvaita-vedanta hay Nhất Nguyên tương đối, có phẩm tính(Qualified Monism)

_ Dvaita-vedanta hay Nhị Nguyên luận

_ Advaita-vedanta

Triết Gia Shankara ‘chủ trì’ trường phái Advaita-vedanta. Theo Shankara, chỉ có một Thực Tại duy nhất là BRAHMAN mà bản chất là Ý Thức thuần túy. Vì đứng từ quan điểm này để bàn luận về linh hồn cá thể, về thế giới và về vị thượng đế có ngôi vị Ishwara nên ông cho tất cả là “Ảo Ảnh”! Theo Shankara, sự Giải Phóng cuối cùng sẽ đến khi hành giả ý thức được rằng sự Hiệp Nhất giữa linh hồn cá thể và Linh Hồn vĩnh cửu sẽ được thực hiện qua công phu Trầm Tư, Nhập Định thuộc loại hiểu biết Siêu Nghiệm.

Shankara cho rằng một đời sống Đạo Hạnh là điều kiện đầu tiên cần thiết cho sự thể nghiệm Siêu Hình, tuy nhiên cũng chỉ giúp ích một cách gián tiếp mà thôi trong việc tẩy rửa TâmTrí . Giải Thoát chỉ đến sau một quá trình Tu Tập lâu dài và gian khổ mà cuối cùng hành giả đã thực sự thể nghiệm Tự Ngã với Brahman chỉ là MỘT.

Từ ngữ “Advaita” cũng có nghĩa là “phi nhị nguyên” (non-dualism). Advaita-vedanta tiếp tục con đường của “Áo Nghĩa Thư”, cũng như quan niệm Hồn đích thực (Jiva) chính là Brahman và có những đặc điểm sau đây là : không phẩm tính (nirguna), không loạn động (nishkriya), không “phần mớ” (nir-avayava ) tuyệt đối vô điều kiện (nirupadhika) và giản dị thuần nhất (nirvisesha). Tuy thế giới được Advaita quan niệm là Nhất Nguyên (Monism) . nhưng thế giơí thực tế mà quần chúng “tri giác” có tính cách Nhị Nguyên (Dual) do màn Ảo Hóa (Maya), hay do tình trạng thiếu hiểu biết.

_ Visistadvaita-vedanta

Trường phái Vedanta thứ hai là Visistadvaita-vedanta. mà vị sáng lập là Ramanuja. Ông này quan niệm chỉ có Brahman mà thôi nhưng lại xuất hiện dưới nhiều hình thái. Theo Ramanuja, Thượng Đế bao gồm nhiều phần và những linh hồn cá thể cũng như thế giới vật chất làm nên “xác thân” của Ngài. Ramanuja đã kết hợp khái niệm về một vị Thượng Đế có ngôi vị với quan niệm Nhất Nguyên của Shankara về một vị Thượng Đế duy nhất với tính Phổ Biến. Quan niệm “kết hợp” này của Ramanuja rất “ăn khách” đối với đa số quần chúng.

_ Dvaita-vedanta

Vị sáng lập ra trường phái thứ ba Dvaita-vedanta là Madhvcharya. Ông này nhấn mạnh đến sự phân biệt nghiêm chỉnh giữa Thượng Đế (Vishnu) với những con người cá thể (Jivas), Theo Madhvcharya, các linh hồn cá thể lệ thuộc vào Thượng Đế để sống còn. Ông xem Thượng Đế như là nguyên nhân sinh ra Vũ Trụ, ngoại trừ thế giới vật chất. Madhvcharya cho rằng Tăng Lữ Brahmin là một Phẩm Tính (attribute) của Thượng Đế tức là Vishnu. Và ông gán cho Thần Vishnu một địa vị đặc biệt cao hơn các vị Thần khác.(21)

Phần trình bày trên đây lượt sơ qua quá trình hình thành của 3 trường phái chính yếu của Vedanta. Như đã nói ở trên, VEDANTA là khuynh hướnh Giàn Hòa giữa Tế Tự và Triết Lý, được kết tinh ở Kinh Thần Ca Bhavagad-Gita vừa chập nhận Tế Lễ như Veda-Aryen, vừa chấp nhận Yoga như Dravidien.

Cố Triết Gia Kim Định viết : “Và đó là nền tảng của Ấn Độ Giáo, một nền Triết Lý đầy mâu thuẫn trong Triết Lý cũng như ngoài Xã Hội, khiến cho học giả rất ngạc nhiên ở những giai đoạn đầu khi chưa khám phá ra nền văn hóa Dravidien. Và khi khám phá ra Dravidien rồi thì thấy không thể nói là bên nào nữa, mà cả hai đã làm một cuộc giao thoa văn hóa , và nhờ đó Tôn Giáo VEDA đã có thể đóng góp vào việc tạo ra một nền TRIẾT LÝ tương đối Thống Nhất và kiến thiết nên những Đỉnh Siêu Hình vừa Cao vừa được nhiều người tận tâm suy phục, đến độ Không có những cuộc Sụp Đổ như bên Triết Học Tây Phương trong đó các đợt sau xây trên đống vụn của các đợt kiến trúc trước.

Tại sao cũng là tinh thần ARYEN mà phần còn lại bên Âu Châu luôn đổ vỡ còn phần còn lại bên Ấn Độ lại vươn lên được những Đỉnh Cao Siêu Hình thì rõ ràng là nhờ Văn Hóa DRAVIDIEN…

Tuy nhiên, ảnh hưởng Dravidien cũng chỉ đạt đến đó và không bao giờ lấy lại được phong độ xưa, tức là Vượt ý niệm Cứu Độ của Aryen để trở lại ý niệm Tiến Hóa của Dravidien. Vì để đạt được ý niệm TIẾN HÓA thì phải chú trọng đến cả Thế Gian lẫn Siêu Nhiên, nhưng vì sự chống đối Veda của các Upanishad đã không thoát khỏi luật “Mạnh Chống Mạnh Chấp”, tức là đã rơi vào chỗ hy sinh Thế Gian như Veda, nên tuy hạ giá được các Thần Veda, nhưng cũng hạ giá luôn cả Thế Gian, để từ đấy Quy trọn vẹn vào Nội Tâm để Mặc Đời trong tay Thao Túng của Tăng Lữ!

Thế là nền NHÂN BẢN chỉ còn nằm rên xiết dưới xiềng xích bất công tày trời của đẳng cấp, và tục thiêu sống đàn bà góa vẫn còn tiếp tục thi hành trong hai ngàn năm mà đã không có một cuộc giải phóng đích thực nào. Do đó ta thấy rõ sự vô tích sự của nền Triết Lý Ấn Độ thoạt nhìn vào thì thực rực rỡ huy hoàng, nhưng xét về công việc Gỉai Phóng Con Người thì VÔ HIỆU, đến khi xét tận nguồn cội thì mới thấy là nền móng hỏng. Chính sự hỏng đó đã giam cầm Ấn Độ suốt bao ngàn năm….”(22).

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao cùng có chung một nguồn gốc NÔNG NGHIỆP mà bên Viễn Đông, Lạc Việt đã bãi bỏ được sớm sủa chế độ Nô Lệ và đồng thời đặt được nền móng vững chắc cho một nền Nhân Bản Tâm LIinh Đích Thực , trong khi bên Ấn Độ tuy Triết Lý đã đạt được Đỉnh Siêu Hình Cao Ngất, nhưng tình trạng Xã Hội với tệ nạn Đẳng Cấp thì “đâu vẫn hoàn đó” trên mấy ngàn năm ?

Cố Triết Gia trả lời: “Khác nhau như vậy là tại sự thâu hóa văn minh DRAVIDIEN đã không do người Dravidien hiện thực, nhưng là do người ARYEN, vì thế dù chuyển hóa theo Dravidien nhưng trong dòng máu các hiền triết Aryen vẫn còn mang nặng tính chất Trưởng Gỉa Quý Tộc , không biết lo cho toàn dân cũng như Không chú ý đến việc Đem Triết Lý thâm nhập Vào Đời Sống: do đó, Triết có vươn cao mấy đi nữa thì cũng bỏ thây kệ xã hội với những bất công trầm trọng ngay từ trong bản chất”

Khác với Viễn Đông, tuy chính quyền cai trị có nằm phần lớn trong tay HOA TỘC, nhưng VIỆT TỘC vẫn tham dự vào đời sống văn hóa và nắm phần then chốt, do đó mà đã thực hiện được chữ GIAO CHỈ tức là Nét Trời (chỉ Thiên hay là Tự Do) thâm nhập vào đời sống Xã Hội (chỉ Địa hay là Bình Sản)…..chí như những nền Siêu Hình cao ngất như Ấn Độ xét về mặt Nhân Sinh vẫn còn đầy đủ những mơ mộng đâu đâu, Chưa phải là “Tìm Phi Thường Trong Những Cái Thường Thường” nên cũng KHÔNG là MINH TRIẾT “!(23)

KẾT LUẬN

Cũng như với Văn Hóa, Triết Học Tây Phương, ta cũng có nhiều điều cần phải học hỏi với Văn Hóa, Triết Học Ấn Độ hầu bổ túc cho nền Văn Hóa, Triết Học nước nhà. Tuy nhiên, sau khi đánh một vòng chân trời xuyên qua Tây Phương rồi Ấn Độ, cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi là những gì chúng ta có thể học được từ hai nền Văn Hóa, Triết Học nêu trên có vẻ chỉ dừng lại ở những Giá Trị có tính cách ‘Phần Mớ’. Còn phần Nền Tảng, Cốt Cán nhất là CƠ CẤU Toàn Diện của một nền Nhân Bản Tâm Linh Đích Thực thì cả hai Tây Phương lẫn Ấn Độ hình như vẫn còn thiếu! Vì như Sử Gia Will Durant đã có lần tuyên bố: “Nếu Tây Phương là thế giới của SỰ VẬT, Ấn Độ là thế giới của THẦN LINH, thì Viễn Đông mới thực sự là Quê Hương của NHÂN BẢN”. Ngoài ra, vì chúng ta đang đi tìm một Khuôn Mẫu Sống cho CON NGƯỜI thực sự “bằng xương bằng thịt” “ở đây và bây giờ” nên có lẽ cần phải đánh thêm một vòng nữa qua Viễn Đông trước khi trở về với Quê Hương Việt Nam.

Trước khi chấm dứt phần hai của bài viết này, luôn tiện chúng tôi xin được đề cập đến môt đề tài bổ túc là “Đường Hướng Hội Nhập Văn Hóa” vì có liên hệ một phần với Văn Hóa Ấn Độ. Hình như đã có một số đề nghị cho mục tiêu nêu trên. Theo thiển ý thì nếu lúc ban đầu sợ chưa nắm vững Nội Dung cũng như Cơ Cấu của Văn Hóa Việt, thì tạm thời theo khuôn mẫu “Tam Giáo Đồng Nguyên” đã một thời được Tiền Nhân ta áp dụng. Tuy nhiên với Nho giáo thì đừng dừng lại ở Hán Nho mà cố gắng vươn tới Nho Nguyên Thủy hay VIỆT NHO. Với Lão Phật, cũng phải cố gắng vượt đợt Tôn Giáo để lên tới MINH TRIẾT.

Còn về một khuôn mẫu được đề nghị nhằm phối hợp một Tôn Giáo Tây Phương với nền Văn Hóa Ấn Độ thì chúng tôi hơi dè dặt về việc này. Lý do là Tôn Giáo Tây Phương thường dựa trên Lễ Nghi hình thức cho đại chúng, mà phối hợp với Văn Hóa Ấn Độ theo con đường Bhakti thì cũng lại cho đại chúng, thì dễ sinh ra “Mê Tín Dị Đoan”. Với Ấn Độ thì còn con đường Huyền Niệm, nhưng phải bổ túc Bhakti với Jnana tức con đường Trí Huệ mới mong tránh bớt phần nào nguy cơ vừa đề cập ở trên. Không nên làm ngược lại vì lấy cớ là sợ giáo lý trừu tượng quá đối với đại chúng! Vì đã có Bhakti rồi, chỉ thêm Jnana để bổ túc mà thôi.

Tuy nhiên đây không phải là khuôn mẫu lý tưởng vì cả hai đều mới hội nhập từ ngoài. Theo thiển ý khuôn mẫu “Tam Giáo Đồng Nguyên” còn thích hợp hơn vì đã có lâu đời và đã được thử thách.

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH

(1) Kim Định,“Những Dị Biệt giữa hai Nền Triết Lý Đông Tây”, Ra Khơi, SG, 1969

(2)http://74.125.153.132/search?q=cache:04pADQ9rteYJ:en.wikipedia.org/wiki/Nyaya+

Nyaya&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=au

(3)http://74.125.153.132/search?q=cache:v46QXHToE-gJ:en.wikipedia.org/wiki/Vaisheshika+

Vaisheshika&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=au

(4) Kim Định, “Nhân Chủ”, Thanh Niên Quốc Gia, CA, USA, tr. 103-104

(5) Idem, tr.104-105

(6) Idem, tr.106

(7)http://74.125.153.132/search?q=cache:PhYOgew8jXEJ:en.wikipedia.org/wiki/Samkhya+Samkhya&cd=1

&hl=en&ct=clnk&gl=au

(8) Kim Định, Idem, tr.106

(9) Idem, tr.106-107

(10) http://www.indianetzone.com/9/purva_mimamsa_philosophy.htm

(11) Kim Định, Idem, tr.107-112

(12)http://74.125.153.132/search?q=cache:4o1yR7AiMI8J:en.wikipedia.org/wiki/Vedas+

veda&cd=8&hl=en&ct=clnk&gl=au

(13)http://74.125.153.132/search?q=cache:0OlEIjPHPcEJ:en.wikipedia.org/wiki/Upanishads+

upanishad&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=au

(14) Kim Định, Idem, tr.113-115

(15)http://74.125.153.132/search?q=cache:0OlEIjPHPcEJ:en.wikipedia.org/wiki/Upanishads

+upanishad&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=au

(16)http://74.125.153.132/search?q=cache:PySNeraEmc4J:en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_and

_Hinduism+Hinduism+and+Buddhism&cd=2&hl=en&ct=clnk&gl=au

(17) Fritjof Capra, “The Tao of Physics”, Flamingo, 1983, tr.99, “Đạo của Vật Lý”, Nguyễn Tường Bách dịch, nxb Trẻ, 2001,SG, VN, tr.108

(18)http://74.125.153.132/search?q=cache:PySNeraEmc4J:en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_and

_Hinduism+Hinduism+and+Buddhism&cd=2&hl=en&ct=clnk&gl=au

(19) Kim Định, Idem, tr.115

(20) Idem, tr. 115

(21) http://www.indianetzone.com/2/vedanta_philosophy.htm

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm