Lê Việt Thường

KINH QUA TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG

PHẦN HAI

 V) LẬT NGƯỢC BẢNG GIÁ TRỊ : NIETZSCHE

Không giống các Triết Gia Tây Phương khác như Descartes, Kant, Hegel,,,,Nietzsche có một phong cách độc đáo , một lối hành văn sống động, sôi nổi , “thách thức” đối với các thế lực đương thời, cũng như một nội dung có tính chất Cách Mạng đối với những định kiến, định chế, thói quen…..của những người cùng thời với ông. Điểm đặc sắc nhất của Nietzsche có lẽ là khi ông thực hiện việc LẬT NGƯỢC mọi Bảng Giá Trị trong các lãnh vực Triết Học, Luân Lý, Xã Hội, Tôn Giáo….

Chẳng hạn, trong Triết Học, trong khi Socrates là người sáng lập ra Triết Cổ Điển, Plato được xem là Triết Gia Thượng Thặng (le Philosophe par Excellence) của 25 thế kỷ Lịch Sử Triết Học Tây Phương, thì Nietzsche lại gọi “Socrates là người đầu tiên đã sa đọa và Plato là người chống lại người xưa (tức chống Truyền Thống trước Socrates), hoặc xem “Socrates như là một Biện Sĩ (Sophist) tiên phong, một biện sĩ “đầu sỏ” bao gồm mọi khuynh hướng ngụy thuyết về sau…” hay phê bình “Plato đã đem các tập thơ mà ông ta đã sáng tác lúc còn trẻ đốt đi để trở nên môn đệ của Socrates”.(19)

Trong lãnh vực Luân Lý, Nietzsche chỉ trích người đương thời là đã thừa hưởng một nền Luân Lý của giới Nô Lệ xưa khi chỉ biết cúi đầu “vâng, dạ”, mà nội dung đi ngược lại với Sự Sống! Do đó, ông kêu gọi những người cùng thời với ông là hãy phá bỏ “xiềng xích” của nền luân lý cũ đó đi hầu có một cuộc sống lành mạnh, đầy hoạt lực hơn.

Về mặt Tôn Giáo, chúng ta thường nghe câu tuyên bố thời danh của Nietzsche trong nhiều tác phẩm của ông là “Thượng Đế đã chết”: dó đó nhiều người thường xem ông là thuộc phe Vô Thần. Trái lại có người như Kaufmann cho rằng câu trên của Nietzsche chỉ phản ảnh một lối hiểu biết tinh tế hơn về Thần Linh. Còn Nietzsche thì cho rằng các phát triển gần đây trong Khoa Học tân tiến kèm với sự kiện là xã hội Âu Châu càng ngày càng “Tục hóa” đã thực sự “giết chết” vị Thượng Đế cũ của họ đã từng đem lại Ý Nghĩa và Giá Trị cho con người Tây Phương trên hơn một ngàn năm nay!

Cũng theo Nietzsche, hiện tượng “Thượng Đế đã chết” làm Đánh Mất nơi con người hôm nay mọi viễn tượng PHỔ QUÁT trên Sự Vật, cũng như mọi ý nghĩa mạch lạc về Sự Thật KHÁCH QUAN. Thay vào đó, chúng ta chỉ giữ cho mình những viễn tượng có tính chất phong phú, đa dạng và uyển chuyển hơn.

Tuy nhiên, ngoài cái nhìn có tính chất “Viễn Tượng” (Perspectivism) vừa nêu trên, hiện tượng “Thượng Đế đã chết” cũng có thể kéo theo sau chủ nghĩa HƯ VÔ (Nihilism), tức niềm tin là không có gì quan trọng trên cõi đời này và cuộc sống đánh mất ý nghĩa, đường hướng và mục tiêu.

Khai triển thêm con đường Suy Tư của mình, Nietzsche viết tác phẩm “Zarathrustra đã nói thế” nhằm giới thiệu quan niệm về SIÊU NHÂN (Ubermensche) có vai trò TẠO DỰNG Giá Trị. Theo Lampert, hiện tượng “Thượng Đế đã chết” đã tạo nên “bức tranh vân cẩu” giữa Sùng Mộ và Hư Vô. “Món quà” Siêu Nhân được Zarathustra đem cho Nhân Loại dẫu con người không ý thức được Vấn Đề quan trọng này mà Siêu Nhân là Giải Đáp!

Một yếu tố quan trọng khác của Tư Tưởng Nietzsche là Ý CHÍ QUYẾN LỰC (=Will to Power, Volonté de Puissance) đem lại một Nền Tảng nhằm tìm hiểu về động cơ cho thái độ và hành động của con người. Ý niệm này còn được áp dụng một cách rộng rãi hơn vì trong một số trường hợp, Nietzsche cho rằng Ý Chí Quyền Lực còn quan trọng hơn cả nhu cầu Thích Nghi để Sống Còn của con người.

“Ý Chí Quyền Lực” của Nietzsche còn được xem như là một câu trả lời cho“Ý Chí Sống Còn “ (Will to Live) của Schopenhauer vì ông này quan niệm rằng toàn thể vũ trụ và mọi vật trong đó đều bị điều động bởi một Ý Chí nền tảng để sống còn mà hê quả là mọi tạo vật đều có nhu cầu Sinh Sản và tránh cái Chết!

Nietzsche ngược lại, cho rằng con người cũng như các sinh vật khác thật sự ham muốn QUYỀN LỰC, chứ Sống Còn tự nó, theo Nietzsche, chỉ là một mục tiêu phụ thuộc mà thôi. Ông đưa ra nhiều thí dụ về vấn đề này, như con người và sinh vật có thể liều chết để biểu dương Quyền Lực của mình như trong các cuộc thi đấu “trí mạng” ở thời xưa hoặc tình trạng chiến tranh. (20)

Vậy nên, theo Nietzsche, Ý Chí Quyền Lực điều động, chi phối mọi người, mọi sự, mọi vật trên cõi đời này. Nhưng đối với SIÊU NHÂN thì tình trạng có hơi khác, vì Siêu Nhân cũng có nghĩa là SIÊU SƯ, mà “Siêu Sư” là trở về lấy NỘI TÂM của mình làm “Kim Chỉ Nam” hầu TẠO DỰNG một Bảng Gía Trị Mới Mẻ. Theo nghĩa đó, Siêu Nhân là vượt lên trên NGƯỜI, vượt lên Người là vượt lên trên sự phân chia đối đãi giữa THIỆN và ÁC của con người, là vượt lên trên Hành Động có mục đích của con ngưới, là Siêu Thoát ra khỏi NGÃ và VÔ NGÃ…….” và cũng là sự TRỞ VỀ với VĨNH CỮU (Eternal Return) của Nietzsche! (21)

Cố Triết Gia Kim Định có nhận định về Nietzsche như sau:

“Việc công phá này ông đã khởi đầu với những cái nhìn sâu sắc và tế nhị, nó dành cho ông công đầu trong việc nhận thức và tìm lại nguồn Truyền Thống. Nhưng còn việc xây đắp để nối lại Truyền Thống thì ông mới thành công có ít. Bởi vì một mặt sách vở Tiên Hiền Hy Lạp lưu lại đến đời nay chỉ còn được ít câu tản mản (fragments). Mặt khác vì ông chưa đi sâu đủ vào Hy Lạp cổ truyền mà còn dừng lại nhiều ở đảo Crète, đảo Sparte là những nơi thờ Sức Mạnh, và là xã hội có bầu khí nặng về giai cấp. Thành ra con ngưới lý tưởng ông đề ra nghiêng về Ý Chí mù quáng về Sức Mạnh (Volonté de Puissance) và những phương pháp có tính cách sinh lý dễ hiểu trật ra Bạo Lực hơn là Tinh Thần Tâm Linh. Vì thế tuy ông giúp chúng ta hiểu rất nhiều về Âu Châu từ Socrates, nhưng còn tìm về nguồn Truyền Thống để bắt con gà Triết Lý gáy lên một tiếng mới như ông ao ước (d’arracher à la Philosophie un nouveau chant du coq) thì chưa hoàn thành. Chuồng gà bị ông lay đã sụp đổ vùi luôn cả ông, như đền thần Moloch vùi tướng Samson vậy. Tuy thế công việc của ông có âm vang rất lớn, gây nên nhiều nhóm “Truyền Thống”!(22)

VI) HIỆN TƯỢNG LUẬN SIÊU NGHIỆM : HUSSERL

Nếu một mặt, Nietzsche phê bình cũng như có một đường lối Tư Tưởng khác với Kant, thì mặt khác, Kant cũng đã mở đầu một con đường Suy Tư mới mẻ mà Husserl, rồi sau này Heidegger tiếp tục cũng như sẽ khai triển thêm ra.

Hãy trở lại một chút với Chân Lý TRÙNG HỢP của Siêu Hình học Cổ Điển với câu tuyên bố “Chân Lý là sự Trùng Hợp giữa Sự Vật và Trí Khôn”. Có người cho rằng câu phát biểu trên có tính chất Hàm Hồ, vì người ta vẫn thắc mắc không biết câu trên có nghĩa là “Trí Khôn là mẫu mực cho Sự Vật” hay ngược lại “Sự Vật là mẫu mực cho Trí Khôn”? (23)

Nên nhớ rằng với nhóm Triết Thalès chủ trương rằng bản chất Sự Vật là nước , lửa, khí, đất, rồi chuyển qua Plato đặt chân lý ở Yếu Tính (Essence) và Aristotle ở Bản Chất (Substance) của sự vật. Tất cả đều là triết lý ĐỐI VẬT, trong đó Chủ Từ (Sujet) bị Vật Đích (Objet) lấn áp nên hóa thành Đối Vật (Chosifié).

Hệ quả là từ Thalès qua Plato, Aristotle, và có thể đến cả Descartes, câu phát ngôn nêu trên “Chân lý là sự trùng hợp giữa sự vật và trí khôn” có lẽ nên hiểu theo nghĩa SỰ VẬT LÀ MẪU MỰC CHO TRÍ KHÔN!

Nhưng đến Kant thì tình thế có vẻ hơi KHÁC! Lý do là “Nguyên tắc nền tảng trong triết học của Kant là tri thức con ngưới phải căn cứ trên những điều kiện TIÊN NGHIỆM nghĩa là trước khi gặp gỡ thực tại, trí khôn con người phải suy diễn ra được những điều kiện hợp lý để bắt sự vật ngoại tại tuân theo khi con ngưới ra tay thực nghiệm chúng”(24).Với chủ trương trên, có lẽ Kant ít nhất mong muốn rằng từ đây TRÍ KHÔN LÀ MẪU MỰC CHO SỰ VẬT!

HUSSERL có lẽ đã hé thấy điều đó. Và nhằm khai triển triệt để khuynh hướng TIÊN NGHIỆM của Kant, Husserl cho rằng mọi định nghĩa chân lý cổ điển không thể giải thích sự TRÙNG HỢP một cách hợp lý, nếu không đi kèm với Ý HƯỚNG TÍNH (Intentionality) (25)

Ý Hướng Tính là ý niệm mà Husserl đã “vay mượn” từ Brentano chủ trương rằng Ý THỨC luôn luôn có “ý hướng tính” là nét đặc trưng của các hiện tượng TÂM THẦN (Mental) nhằm phân biệt với các hiện tương VẬT CHẤT (Physical). Vì theo Husserl. Ý Thức luôn mang ý nghĩa là “Ý THỨC VỀ”. Ý thức hướng tới đối tượng của nó bằng cách đem lại cho đối tượng một ý nghĩa. Đối tượng của Ý Thức là sự vật thế giới bên ngoài trong tương quan với Kinh Nghiệm Sống của chúng ta, mà sự Hiển Nhiên biểu lộ tính cách TIÊN THIÊN của nó : đó chính là nơi gặp gỡ giữa khả thể tính Tinh Thần và sự kiện Thực Tại.

Về tương quan giữa Ý Hướng Tính và chủ trương TRỞ VỀ VỚI CHÍNH SỰ VẬT (Return to the thing itself) của Husserl thì câu trên có ý nghĩa là trở về với Ý Thức HIỂN NHIÊN trong Kinh Nghiệm SỐNG theo phương pháp GIẢN TRỪ Hiện Tượng Luận. (Phenomenologigal Reduction). Giản Trừ có nghĩa là tạm “gác lại” (suspension), tạm “đặt vào trong dấu ngoặc” (brackets) các vấn đề hiện hữu trước Ý Thức Ý HƯỚNG TÍNH (Intentionality), để cấu trúc Ý Thức tự bùng phá vén mở, phá đổ bức tường biểu kiến thực tại tự nhiên (natural reality), bị bao phủ bởi những thành kiến của tri thức thường nghiệm..

Nói cách khác, theo Husserl, “quan điểm tự nhiên” (natural standpoint) thông thường dựa trên niềm tin là các sự vật hiện hữu một cách “vật chất” và đang trưng bày những đặc tính mà ta đang thấy như phát xuất từ chúng. Trái lại, “quan điểm Hiện Tượng luận” (Phenomenological standpoint) chủ trương bằng phương pháp Giản Trừ (reduction) “đặt vào trong dấu ngoặc” (brackets) các điều nói trên. Công việc kế tiếp là thử xác định các đặc tính không thay đổi về cách thức mà các sự vật được chúng ta nhận thức (hoặc theo giả định (assumption) nằm ngầm về phương pháp nhận thức vừa nêu trên).

 Tóm lại, phương pháp GIẢN TRỪ qua mọi chiều kích Suy Nghiệm đã đặt Tinh Thần trước Ý Thức thuần úy (pure consciousness), Kinh Nghiệm cụ thể nên Chủ Thể ý thức được Husserl mệnh danh là Chủ Thể Siêu Nghiệm ( transcendental ego) và hiện tượng luận được gọi là Hiện Tượng Luận SIÊU NGHIỆM (Transcendental Phenomenology) với phương pháp Giản Trừ Siêu Nghiệm (transcendental reduction) qua Ý Hướng Tính về sự vật nơi Chân Trời Siêu Nghiệm.

Tuy nhiên, ở đây Husserl CHỈ mới đặt vấn đề với phép phân tích theo tinh thần suy niệm hiện tượng luận qua các tác vận ý hướng tính cụ thể với chủ đích khám phá Ngã Thể Siêu Nghiệm (transcendental ego) phân biệt với Ngã Thể Tâm Lý (psychological ego).

Với Husserl, sự Thể Nghiệm Sống CHỈ đạt tới đỉnh cao của Suy Nghiệm triết học (Apex of philosophical reflection) trong tiến trình lịch sử với một Liên-Ngã-Thể-Siêu –Nghiệm (Transcendental Intersubjectivity) được hun đúc trong ý thức-thời tính-nội tâm triển khai theo “Hiện Tại Sinh Động” thường hằng (constant Living Present) (26)

Tuy nhiên, Heidegger phê bình Husserl rằng” Giản Lược Thể Tính tựu trung là một “aspectus” và “aspectus” chỉ có thể “nhìn” được bằng một thị giác nào đó, rồi chủ thể mang thị giác ấy một cách nào đó cũng phải “hiện hữu ngoài thế giới” (démodanisé). “Giản Lược Hiện Tượng Luận” càng đẩy con người Tại Thế vào môt thế Vô Thời Gian, tức thành Ngã Tiên Nghiệm. Kiện tính thiết thực đã bị tước bỏ hết. Rồi với Giản Lược TIÊN NGHIỆM của Husserl về cuối đời qua chủ hướng Tha Nhân, Thế Giới Sống và Lịch Sử cũng chỉ là những “thể tính phổ biến”. Do đó, Husserl lại còn sa lầy trong DUY NHIÊN trầm trọng hơn nữa.

Tóm lại, từ hiện tượng luận Thể Tính đến hiện tượng luận Siêu Nghiệm, Husserl chỉ muốn xây dựng một hệ thống của Ngã Tiên Nghiệm trên can bản ‘Eidos” xét như “die Sachen selbst”. Nhưng không gì xa “sự sống kiện tính” ở đây hơn quan niệm “Eidos” ấy! (27)

Do đó, nhiều nhà phê bình cho rằng Hiện Tượng Luận của Husserl vẫn còn dừng lại ở NHẬN THỨC Luận hay ít ra chưa khai triển đúng mức bình diện HỮU THỂ Luận, nhất là TÍNH THỂ Luận là điều mà Heidegger sẽ làm sau này. A. de Waelhens đã nhận thức rõ điều này như sau: “Chuyển từ Husserl qua Heidegger là chuyển từ LÝ THUYẾT về Chân Lý sang HỮU THỂ học về Lý Thuyết ấy”.(28)

Cố Triết Gia Kim Định có nhận định về Husserl như sau : “Husserl đã đóng trại trong khoảng LÝ TRÍ đã được rào quanh rất kín. Thay vì đưa ra một NHÂN BẢN đâm rễ vào Sinh Lý, Cơ Thể, Xã Hội….thì ông lại quay ra kiến tạo một KHOA HỌC Luận về BẢN THỂ có chiều ghé qua “Hữu Thể học”!(29)

Và “….Vì thế Husserl đã đưa ra thuyết giao hỗ hiện tượng là không có ý thức suông mà hễ có ý thức thì bao giờ cũng là ý thức về một cái gì. Như vậy, theo Husserl, “vật đích được ý thức” với ý thức không xa cách trên hai bờ nhị nguyên nữa, nhưng chủ tri với sở tri vẫn gắn bó rồi, kiểu “trí tri tại cách vật”. Nhưng làm sao được vì ý thức mới là tầng ngoài, chưa bao gồm được tiềm thức, thành ra hiện tượng lên trên màn ảnh ý thức cũng chỉ là cái vỏ, chứ làm sao có được “cùng lý”, “tận lý” của vật, vì thế làm sao nói được “ngô ý thức tiện thị vũ trụ” như khi nói về TÂM. Chỉ có Tâm mới đạt độ bao la vũ trụ, còn ý thức thì ý thức về cái chi thì biết được cái ấy. Đó có lẽ là điều Heidegger muốn nói khi nhận xét rằng Husserl đã không đặt vấn đề căn nguyên về Hữu Thể, nên chưa đạt đông từ căn cơ có khả năng vô biên nối kết vạn vật. Heidegger đang cố gắng trả lại cho Hữu Thể tính chất uyên nguyên đó để đạt đợt “Sinh Sinh” kiểu Nho Triết”. (30)

VII)TRIẾT LÝ BẰNG ĐỘNG TỪ : HEIDEGGER

A) ĐẠI CƯƠNG

Nếu từ Plato, Aristotle cho đến thời kỳ Kinh Viện, Tây Phương có một nền Triết Học có thể gọi là Khách Thể, ĐỐI VẬT ( la philosophie de l’OBJET). Đến Descartes và nhất là Kant, với sự khám phá ra Chủ Thể, Triết Học đã chuyển hướng với sự “lên ngôi” của CHỦ TRI (la philosophie du SUJET). Với HEIDEGGER, xuất hiện một giai đoạn mới mẻ và Triết Lý bằng ĐỘNG TỪ (la philosophie du VERBE) mới thực sự bắt đầu đối với Tây Phương.

Nếu về phương diện Ngữ Luật, trong một câu văn, Động Từ (verbe) đóng vai trò nối kết giữa Chủ Từ (sujet) và “bổ ngữ” (objet), thì một cách tương tự, triết lý bằng ĐỘNG TỪ phải nhấn mạnh đến khía cạnh TƯƠNG QUAN, Nối Kết, với tính chất Biến Dịch, ĐỘNG ĐÍCH kèm theo.

Chẳng hạn DASEIN (=Tại Thể) là một trong những khái niệm căn bản trong Triết Học Heidegger với “DA = đó, đây” để chỉ khía cạnh “Hiện Tượng” nơi mỗi con người được NỐI KẾT với “ SEIN = hiện hữu” nói lên khía cạnh Siêu Linh thuộc Tính Thể.

Một hệ quả của quan niệm trên là “Dasein” hay “TẠI THỂ đối lập mọi quan niệm Chủ Tri nhất là Ngã Tiên Ngiệm của Kant và Husserl. Vì ở đây, Tại Thể không phải một Ngã biệt lập, không là một vật thể như vật thể, nhưng lại có khả năng KẾT DỆT (Leustung) với mọi vật thể thành Ý Nghĩa Tiên Nghiệm cho mình.(30)

B) TẠI THỂ VÀ TẠI THẾ

Thật vậy, “nếu không có ý thức về mình trong thế TƯƠNG QUAN với vạn sự hữu, với tha nhân theo yếu tính xuất-tính-thể (ek-sistence) của con ngưới Hữu-Tại-Thế (being-in -the-world) thì không có hiện tượng “thông giao” (communication), không có ý nghĩa, không có tư tưởng, không có triết lý”.

Lý do là “Hữu-Tại-Thế sống gắn liền với sinh môi và là một phần tử của đời sống cộng đồng, của xã hội trong lich sử tiến hóa của loài người. Chính mối TƯƠNG QUAN giữa con người và thế giới ấy đã đặt khởi điểm cho ý thức và nhận thức của con người”.(31)

Ngoài ra, chúng ta biết là không phải Lý Trí mà chính TÌNH CẢM khiến cho con ngưới HÀNH ĐỘNG, do đó một nền Triết Lý bằng ĐỘNG TỪ như của Heidegger không thể không chú ý đến TÌNH NGƯỜI qua các cảm trạng như Cô Đơn, Bi Đát, Ưu Tư, Cám Cảnh…… Hơn nữa, theo Heidegger, “khai triển Xao Xuyến và quyết tâm “Hư Vô” còn là yếu tố làm cho thế giới là thế giới BIẾN THÀNH luôn mãi trong những ý nghĩa Tính Thể “.

Tóm lại, với Heidegger, TẠI THẾ (being-in-the-world) chỉ là một cách thái hiện hữu của TẠI THỂ (Dasein). Nói khác, Tại Thế là những cách thái Tại Thể liên lạc với toàn bộ những sự vật, những dụng cụ và những con ngưới chung quanh nó.

Ở đây, Heidegger nhắc lại sự quên lãng “Tại Thế” trong Hữu Thể học Tây Phương, nhất là qua quan niệm “Trương Độ” của Descartes. Trái lại với ông, trong khai triển Tại Thể (Dasein) mật thiết gắn liền với kiện tính thiết thực, thế giới chỉ là ‘Tại Thế”(being-in-the-world) trong liên hệ với cơ cấu tính thể của vật thể, gọi là “thế giới chung quanh”.

Trong thế giới ấy, Tại Thể (Dasein) hiện hữu không như một sự vật có trương độ bên cạnh một sự vật và nhiều sự vật cũng có trương độ, mà đương nhiên hiện hữu trong sự GIAO THOA với những màng lưới chi chit những “dụng cụ” (pragmata). Màng lưới ấy được thiết định trong lối HÀNH XỬ, trong sự THÂN CẬN, trong TƯƠNG QUAN Linh Động nhằm chủ đích nào đó, mỗi lúc mỗi khác (Worumwillen). Thế giới ấy thường được Heidegger gọi là “Thế giới biến thành thế giới”(Well welted = le monde se mondanise). (33)

Như đã nói ở trên, Tại Thế là một cách thức hiện hữu của Tại Thể, mà Tại Thế (being-in-the-world) tự nó gắn liền với Thời Gian và Lịch Sử. Do đó, tiếp đây, chúng tôi xin đề cập đến 2 đề mục:
_ Thời Tính và Thời Gian
_ Sử Tính và Sử Ký

C) THỜI TÍNH VÀ THỜI GIAN

Ở đây, chúng ta thử xét xem các quan niệm về Thời Gian của Triết Tây có gặp Vấn Đề gì không? Và nếu có, thì Heidegger đã đề nghị loại Giải Pháp nào ?

Một mặt, chúng ta nên nhớ Triết Học của Heidegger dựa trên ĐỘNG TỪ Căn Cơ mà hệ quả là đi kèm với các đặc tính: Biến Dịch, Động Đích, Tương Quan…..

Mặt khác, người ta cho rằng về phương diện THỜI GIAN, vấn đề bắt nguồn từ Plato đã hiểu Hữu Thể như là Ý NIỆM (Eidos) với cái HỮU Trường Tồn làm bằng cái CÓ, vậy là đánh mất phần VÔ. Như thế với Plato, Biến Dịch và Vô Thể đã bị loại ra khỏi Tư Tưởng.

Do đó, con ngưới đánh mất ý thức về THỜI TÍNH. Vì Thời Tính là gì nếu không là sự BIẾN DỊCH Căn Để từ VÔ đến HỮU. Cái mà Kinh Dịch kêu là CƠ, tức là cái động vi tế của Thời Tính khai mở quá trình THỜI GIAN HÓA của nó. Cái ĐỘNG vi tế ấy, cái CƠ ấy cũng được gọi là “Sinh Sinh” trong câu nói “Sinh Sinh chi vị Dịch”.

Tuy Nhiên, câu nói trên thuộc bình diện Tiên Thiên. Còn ở phần Hậu Thiên, phải có DIỆT ở giữa “Sinh Sinh”. Vì thế mới có thêm câu “Thần vô phương nhi dịch vô thể”. Thật vậy, có Vô Thể mới có Dịch. Có Dịch mới có THỜI TÍNH. Thiếu Thời Tính thì mất luôn THỜI GIAN, đã mất Thời Gian thì muôn vật trở nên im lìm cô đọng.

Hai mươi lăm thế kỷ văn hóa Tây Âu mà căm thù BIẾN ĐỘNG thì chính là vì đã quên mất Thời Gian, tức cũng là 25 thế kỷ quan niệm HỮU THỂ như một Hiện Diện Thường Hằng, tức thứ hiện diện THIẾU Biến Dịch giữa HIỆN và ẨN. Vậy mà quan niệm đích thực về Hữu Thể lại bao hàm VÔ THỂ, Hiện Diện bao hàm Ẩn Diện. Tức có sự Biến Dịch căn để từ ẨN tới HIỆN, từ VÔ đến HỮU. Chính sự Biến Dịch ấy làm nên Thời Tính. Đó là mối LIÊN HỆ giữa Hữu Thể và Thời Gian, và khi hiểu là HỮU Trường Tồn thì đánh mất Thời Gian. Và vì thế nay muốn có một quan niệm trung thực về HỮU THỂ, Heidegger mới viết quyển “Hữu Thể và Thời Gian”(=Sein and Zeit).

Theo Heidegger, đó mới là quan niệm chính truyền của Hy Lạp. Trước kia. Hữu Thể được quan niệm như là nguồn năng lực luôn luôn nảy sinh trai trẻ nên ví đưọc lửa luôn trào vọt. Đó là một thứ Hữu Thể KHAI MỞ sự vật trong ẨN DẤU gọi là Phusis và được Richardson dịch là “emergent abiding power” phần nào giống như “Giá Sắc” của Việt Thời (= vừa gieo ra mà cũng lại gặt vào) nên bao hàm Thời Tính vì có KHAI LỘ mà cũng có HÀM TÀNG, nên có DỊCH. Hữu Thể Uyên Nguyên như vậy cũng chính là TÍNH, vì Tính cũng bao hàm TIỀM THỂ và HIỆN THỂ, cả THIÊN cả MỆNH, tức chính là THỜI TÍNH Lưu Linh.(33)

Vì Thời Gian cũng gắn liền với Lịch Sử , nên ngoài vấn đề “Thời Tính và Thời Gian”, Heidegger cùng đề cập đến vấn đề “Sử Tính và Sử Ký”.

D) SỬ TÍNH VÀ SỬ KÝ

Đến nay thì Âu Tây đã truy nhận giá trị của Lịch Sử và Sử Học. Sự Mở Rộng không gian và thời gian, cũng như đà Gia Tốc của Lịch Sử là ba yếu tố giúp cho người Âu Tây nhận ra Thời Gian tính. Sử Ký không còn là sách giải trí như xưa nữa, nhưng trở thành cần thiết vì mang theo SỬ TÍNH. Người ta nhận ra rằng vận mạng con người không phải được điều lý theo cái hiện tại đời đời trên cõi Lý Giới bên ngoài xã hội con người, nhưng phải tìm ngay trong Bản Tính nó đã biểu lộ dần xuyên qua nếp sống của con ngưới theo chiều hướng từ Dĩ Vãng tới Tương Lai nên phải tìm hiểu trở lại Dĩ Vãng cách trung thực để có thể quyết định về Tương Lai.

Nhưng dẫu vậy, bế tắc cũng chưa được “đả thông” vì theo Heidegger, lý do là tại cho tới nay, người ta chưa tìm hiểu thấu triệt về con người. Con người vẫn còn được định nghĩa như “con vật biết suy lý”, mà Luận Lý chỉ là một thuộc tính ở vòng ngoài, không đi vào nội tình căn cơ mà Heidegger gọi là TÍNH THỂ. Thế mà cho tới nay con người được học hỏi như là một Vật Thể (Etant) nghĩa là một hiện tượng hoàn toàn hàng ngang. Còn chính Hữu Thể(Être) đã bị quên lãng, đến nỗi cả Thượng Đế, Linh Hồn cũng bị quan niệm như Vật Thể….Mà đã KHÔNG hiểu con ngưới Chân Thực thì làm sao nhìn ra chiều hướng TIẾN của nó. Đã KHÔNG tìm ra chiều hướng TIẾN thì làm sao hoạch định nổi SỬ MỆNH!

Heidegger đem tiếng Sử Mệnh vào SỬ là cốt đặt nổi sự kiện là TÍNH THỂ nơi con người bị quan niệm Thiếu chiều kích Siêu Việt. Sử Ký không phải là Sử Mệnh, vì sử ký chỉ lo ghi chép những biến cố đã qua rời rạc thiếu liên hệ nền móng. Đó là quan niệm Sử đi với thời gian theo lối thường nghiệm (histoire diachronique et évènementielle) từ Socrate tới Bergson…..Nó chỉ biết có Dĩ Vãng mà thội. Các Triết Gia có cố gắng đưa các quan niệm mới vào Sử để bao gồm dĩ vãng, hiện tại, tương lai, nhưng chưa đủ gọi là Sử Mệnh.

Muốn có Sử Mệnh thì phải đạt quan niệm TÍNH THỂ với THỜI GIAN Nối Kết, bao gồm Hiện Tại, Dĩ Vãng, Tương Lai với sự TRỐNG RỖNG Ý Nghĩa, tức không nên dùng Lý Trí để đem ra một ý nghĩa tiền chế, rồi bắt Lịch Sử khuôn theo. Nhưng phải Siêu Vượt hẳn để đạt đến TÍNH THỂ mới là chốn Uyên Nguyên của Sử Mệnh.(34)

E) NỀN TẢNG CỦA TÍNH THỂ

Với quan điểm Triết Lý Nền Tảng (Fundamental Philosophy), Heideigger chủ trương “Thời Gian là Tính Thể tạo nên tiến trình Lịch Sử theo Thời Tính hóa” qua đó, Heidegger đặt Lịch Sử trên cơ sở Tính Thể (Being). Nhưng vấn nạn được đặt ra ở đây là “Nền Tảng của Tính Thể là gì?”. Về điểm này, ta phải hiểu theo hai thời kỳ với sự biến chuyển Tư Duy của chính Heidegger.

1) Thời Heidegger I

Đây là thời gian khởi đầu với tác phẩm nổi danh “Tính Thể và Thời Gian” (Being and Time) chịu ảnh hưởng Tư Tưởng từ thời Hừng Đông Triết Học Hy Lạp với Heraclitus (thiên về VÔ THỂ = Nothing) và Parmenides (thiên về Hữu Thể Nền Tảng > TÍNH THỂ = Being). Với giai đoạn này, theo Heidegger, Tính Thể với tính cách thực thể nền tảng tối thượng luôn luôn Biến Động (Becoming > Vô Thể) (theo Heraclitus). Biết rằng Biến Động là thực thể của Thời Gian, vậy nên Tính Thể là Thời Gian. Cũng như Heidegger quan niệm Thời Gian là Chân Trời của Tính Thể. Trong giai đoạn này, mọi Tư Duy nền tảng Tính Thể đều quy chiếu về TẠI THỂ (Dasein).

2) Thời Heidegger II

Đây là thời gian bắt đầu từ giữa thập niên 30…….khai mở cho “Bước Ngoặt”(Khere) chuyển hướng Tư Duy với quan điểm Tính Thể TỰ THÀNH (Being as Enowning). Tự Thành là Tự xoay vần đún đẩy (sawying), luôn luôn Biến Động, Tự hóa Tự sinh (Autopoesis <=> Phusis) và như vậy, Heidegger đã trở về với quan điểm VÔ THỂ của Heraclitus, nghĩa là trở về thời đại Tiền-Siêu-Hình (pre-metaphysical) với Chân Trời Đáy Thẳm (Abyssal Horizon) của HƯ VÔ vang vọng thông điệp TÍNH THỂ (Biến Động) là VÔ THỂ (Nothing) hay Vô Thể là VẬN MỆNH của Tính Thể.

Heidegger viết : “Vấn đề của tôi về VÔ THỂ là do vấn đề liên quan đến Sự Chân của TÍNH THỂ. Vô Thể KHÔNG phải là điều Phủ Định chẳng phải là Đích Tới; nói cho đúng, Vô Thể chỉ là thăm dò, thẩm vấn về Tính Thể tự thân và như vậy là được đề cao hơn Tính Thể của bất cứ hữu thể nào”.

HƯ VÔ , theo quan điểm của Heidegger, với tính cách là Nền Tảng Đáy Thẳm, được coi là Chân Trời Hào Quang Chiếu Diệu mới cho Tư Duy về Chân Tướng của TÍNH THỂ. Vào cuối giai đoạn hai, Heidegger đã định hướng hẳn cho Tư Duy theo quan điểm TÍNH THỂ trên Nền Tảng HƯ VÔ, Biến Động với Tự Thành (Enowing) và Tính Thể không tách rời Lịch Sử Đời Sống sinh động của Sử Tính.

Tóm lại, quan điểm HƯ VÔ Hiện Đại Hóa với khả thể Động Lực Huyền Nhiệm TỰ HÓA để TỰ THÀNH (Enowing) mà vẫn duy trì được BẢN SẮC (Identity) kiên định uyên nguyên TỰ TẠI cho Bản Hữu Truyền Thống là Tư Tưởng SÁNG TẠO mà Heidegger đã cống hiến cho thời Hiện Đại chúng ta. (35)

F) VÀI NHẬN ĐỊNH CỦA CỐ TRIẾT GIA KIM ĐỊNH

Về Triết Gia Heidegger, Cố Triết Gia Kim Định có vài nhận định như sau:

1) Về thái độ của Heidegger đối với SỬ KÝ

Cố Triết Gia viết :

“Trong số những triết gia coi thường Sử Ký, cũng phải kể cả Heidegger. Ông này thoạt tiên muốn chú trọng rất nhiều đến con ngưới sống trong lịch sử đến độ cho rằng quan niệm Hữu Thể xưa hư hỏng vì đã gảy bỏ thời gian, bời vậy Heidegger cố gắng lập lại vị trí cho thời gian. Thế mà cuối cùng Sử Tính của con ngưới quay lại làm tiêu tán mất Lịch Sử. Do đó, Heidegger đã bị tố cáo về tội hoạn con ngưới như Dufrenne đã nhận xét ở trên. (36)

2) Về nhận xét tổng quát của Cố Triết Gia về Heidegger

“ Có điều cần nói ở đây là với tôi thì Heidegger đáng ghét nhất trong ba người. Đọc Nietzsche tôi nghe tâm hồn phừng phừng sôi nổi; đọc Jaspers như đứng trên đồi sứ mệnh để đặt những cái nhìn cai quát trên rừng nhân sự, đến khi đọc Heidegger, tôi có cảm tưởng như đi vào bụi gai, chui rúc trong những hang hốc âm u. Riêng tôi giận tác giả ở hai điểm:

Điểm nhất là cái lối tán tự của ông thật oái ăm khúc khỉu, nó càng hóc búa hơn nữa khi đi qua những ý niệm khúc mắc kênh kiệu, cho nên có lẽ không tác giả nào khó đọc hơn ông. Đừng nói những người đọc lối tài tử, ngay đến những dân chuyên môn có bằng sắc kề kề mà nhiều người đọc vẫn không thủng. Đấy là điều tiêu biểu cho tính chất “trưởng giả” cao độ nhất, nên với tôi là đáng ghét nhất.

Đọc những triết gia có chất nhân sinh sống động, ta thấy toàn lời nói giản dị thông thường. Có những người viết như nói chuyện kiểu Montaigne. Huống chi những bậc hướng dẫn nhân loại không hề lấy lời mà hại ý, nhưng luôn luôn qua sự “dị giản nhi đắc thiên lý” dễ dàng giản dị mà được thiên lý, mà sáng nóng tuôn trào: người nghe hay đọc khỏi vấp phải những lời kênh kiệu khúc mắc. Schopenhauer nói : “La naiveté est la sublime simplicité qui est un trait essential du vrai génie”. Cái nét đơn sơ có lúc như ngây thơ, kỳ thực là siêu tuyệt. Đó mới là nét đặc trưng của Thiên Tài.

Điểm thứ hai là đối với những thần tượng cổ điển như Plato, Aristotle, Kant…..Nếu triết học cổ điển thiếu nền tảng thì tại họ chứ còn tại ai? Cả một lưu truyền hơn hai chục thế kỷ đều giải nghĩa một lối. Nietzsche với cặp mắt cú vọ cũng không hiểu khác và thẳng thắn hạ bệ một lượt. Vậy là dứt khoát. Đàng này, Heidegger có vẻ ngập ngừng khi bước chân ra, cực trăm ngàn nỗi, xoa ba bảy lần sau khi đã thụi vào lưng thần tượng những cú nên thân. Khiến cho người đọc hoang mang trước những mâu thuẫn đó, và cứ sự nó đã làm nảy ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi kể cả bên ta. Tuy vậy “mâu thuẫn” loại này chúng ta có thể nhắm mắt cho ông, vì ít ra “phép xã giao” bắt phải như thế. Cũng như điểm trên tuy làm ta bực dọc, nhưng đối với cơ cấu não trạng của người Âu có thể gây nhiều thế giá. Và vì thế tôi nói ghét mà không bỏ, bực mà không bội. Vì ông cũng giúp cho mình một lối xem đời kiểu kỳ lạ, nên tôi vẫn dành cho ông một ghế danh dự trong nhóm Truyền Thống.(37)

3) Về điểm Thành Công của Heidegger

Cố Triết Gia viết:

“ Đọc triết Tây, ta thấy các tác giả thành công về mặt đả phá nhiều hơn là xây dựng. Heidegger cũng thế, nhưng có điều đặc biệt là ông cố gắng xây dựng lại trên nền móng Nhất Nguyên tức thoát ra khỏi Đối Kháng của đôi bên : không chọn một bỏ một. Cho tới nay các tác giả chỉ biết đứng trên cùng một bình diện với đối phương, chẳng hạn ông duy tâm thì tôi duy vật, ông nói có, tôi nói không…..như vậy là còn trong đối kháng của nhị nguyên. Heidegger cố tránh điểm đó bằng cách không dừng lại trên đối với kháng. Nhưng cố đi vào bình diện mà ông gọi là Tính Thể. Đó có thể là bước thành công quan trọng để gắn Không-Thời lại một, và do đó giải quyết được cả vấn đề Sử Mệnh. Vì hễ đúc Thời-Không xong mới giải quyết xuôi vấn đề Sử Mệnh cũng như các vấn đề khác.

Lần đầu tiên có truyện như thế trong làng truết Âu-Tây: cho nên Heidegger mang một khuôn mặt đặc biệt phần nào tương đương với Einstein. Và nếu bên Khoa Học, sau Einstein, ngưới ta không thể suy tư như trước Einstein, thì có lẽ trong làng Triết Học, sau Heidegger, người ta cũng không thể suy tư như trước Heidegger vậy! (38)

KẾT LUẬN

Qua bài viết, chúng tôi thử lựớt sơ qua Hành Trình nghiên cứu học hỏi của Cố Triết Gia Kim Định kinh qua nền Văn Hóa và Triết Học Tây Phương. Chúng tôi đã cố gắng trình bày nội dung Tư Tưởng của một số Triết Gia mà chúng tôi nghĩ là Quan Trọng và Tiêu Biểu nhất cho nền Văn Hóa và Triết Học Tây Phương, kèm theo với các nhận định của Cố Triết Gia Kim Định đối với từng người.

Giống như Cố Triết Gia, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ Văn Hóa Tây Phương “có vấn đề “ là do căn bệnh trầm kha của họ là bệnh DUY LÝ với các hậu quả đi kèm. Duy Lý tức gán cho Lý Trí một vai trò quá lớn đến nỗi lấn áp các cơ năng khác trong con ngưới. Một hệ quả của điều trên là các mẫu ngưới mà Văn Hóa Tây Phương đưa ra thường có tính chất “phần mớ”, phiến diện do Lý Trí con người chủ quan “tô tạo” ra, không đáp ứng đúng Mẫu Người TOÀN DIỆN của Sơ Nguyên Tượng (Archétype Primordial). Không vẽ đúng hình ảnh Con Ngưới UYÊN NGUYÊN ít ra trong Lý Thuyết, thì làm sao giải quyết được các vấn đề của con người. Đó là lý do THẤT BẠI của nền Văn Hóa, Triết Học Tây Phương. Đó cũng là lý do khiến triết gia Heidegger đã trở lại TỪ ĐẦU để bàn về vấn đề TÍNH THỂ mà Aristotle đã bỏ dở, nhằm cố gắng hình dung lại Mẫu Người NGUYÊN SƠ.

Có lẽ vì người Đức lập quốc trễ nên không có được mẫu người Nguyên Sơ cho riêng họ. Nietzsche phải đi ngược dòng thời gian đến tận thời Hừng Đông của văn minh Hy Lạp mới khám phá ra các người “Khổng Lồ” trước thời Socrates.

Lạc Việt may mắn hơn có mẫu người Nguyên Sơ là Quốc Tổ HÙNG VƯƠNG, và xa hơn nữa là Ông BÀN CỔ chung cho cả Bách Việt. Đó chính là những Sơ Nguyên Tượng (Archétype) của Tộc Việt.

Một hệ quả khác của tính chất DUY LÝ là bệnh NÓI NHIỀU và BÀN “Lung Tung”! Ở Tây Phương, sách vở, lý luận, dữ kiện, tin tức…..không thiếu thứ gì, không những ở các ngành chuyên môn, mà trong Triết Học cũng vậy! Bàn đủ điều, đủ chuyện, đủ đề tài! Vậy mà Heidegger lại viết: “Điều đáng cho chúng ta suy tư hơn hết là chúng ta chưa có suy tư”. Nếu chúng ta thử “hỏi vặn” ông bằng cách chỉ đống sách vở “kềnh cơi” trước mắt, thì có lẽ Heidegger sẽ trả lời : “Con người nếu có gọi là suy tư, thì cũng suy tư một cách kỳ cục”. Vậy Suy Tư như thế nào là mới đúng, thưa Triết Gia? Heidegger sẽ đưa ra lý do là con người chưa biết “Ở Đời”. Vì “ở đời” là phải ở sao cho hợp với nét Căn Bổn của TIỀM THỂ. (= mais habiter serait le trait fondamental de l’Etre en conformité duquel les mortels sont), Có phải ông muốn nói ở đây là phải đúng với Mẫu Người SƠ NGUYÊN chăng?

Bây giờ nếu chúng ta thử hỏi văn hào Nguyễn Du : “Ở Đời” là gì thưa Thi Sĩ? thì Thi Bá Tiên Điền có lẽ sẽ trả lời: “Đội Trời, Đạp Đất, Ở Đời”. Mà “Ở Đời” là hiện diện khắp Vũ Trụ, chứ không ngưng đọng ở Trời hay Đất, không Duy Linh hay Duy Vật!

“Ở Đời”là “đầu đội Trời, chân đạp Đầt”, là “bác hậu phối địa, cao minh phối thiên”, là trở thành Gạch Nối cho hai yếu tố Không Gian-Thời Gian thành Một, là nói Lời-Ràng-Buộc cho cả ba cơ năng Ý-Tình-Chí, là cảm nghiệm được như Lục Cửu Uyên “Tâm tôi chính là vũ trụ, vũ trụ chính là tâm tôi” , là nói ra được như Nguyễn Công Trứ: “Trong vũ trụ, đâu chẳng là phận sự”, là “Trí tri tại cách vật” khi hiểu “cách vật” theo kiểu VẬT HÓA khiến cho vật khách quan đối tượng như biến đi để cho cái ngã-quan-sát cảm nghiệm trở thành Đại- Ngã “huyền đồng” với vũ trụ như Mạnh tử nói : “Người Quân Tử trên với Trời, dưới với Đất cùng lưu linh trong nguồn sống bát ngát vô biên không phân ranh giới’(= Phù quân tử thượng hạ dữ thiên đồng lưu).

Nếu chúng ta biết là một mặt, có lẽ vì “Ở ĐỜI” (habiter) bao hàm một nội dung quá mơí mẻ đối với nền văn hóa Duy Lý của Tây Âu, thành ra chữ “Ở Đời” bị hiểu sai đi hầu hết, và điều đó ngay ở cả những tay hướng đạo như JP.Sartre, G. Marcel. P. Merleau Ponty, P. Ricoeur. A. Waelhens…..hầu hết còn hiểu theo kiểu không gian: “Ở Đời” là như ở trong hộp, như thuốc ở trong bao…..

Và mặt khác, Triết Gia lớn nhất của Tây Phương Cận đại là M. Heidegger đang cố gắng “xâu” các khám phá khá phong phú nhưng lẻ tẻ (vì thiếu nhất quán) của các triết gia Tây Phương, thành một chuỗi làm bằng “Một Thời-Gian-Ở- Một-Không-Gian-Đời” hầu đáp đúng với tiêu chuẩn “Ở Đời”

Trong khi đó, như chúng ta đã thấy ở trên, là Tiền Nhân chúng ta đã sống với nội dung “Ở Đời” từ rất xa xưa , thì chúng ta mới ý thức được tính chất VƯỢT THỜI KHÔNG của các Gía Trị Văn Hóa của Tổ Tiên Lạc Việt. Do đó, VỀ VỚI DÂN TỘC không phải là về với những cái gì Cổ Hủ, Lỗi Thời, mà trái lại đi Cùng Chiều Hướng với những thành phần ƯU TÚ NHẤT của Nhân Loại!

Lê Việt Thường

CHÚ THÍCH
1) http://www.tinparis.net/vn_index.html
2) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, Ca Dao, SG, VN, 1975
3) Kim Định, “Chữ Thời”, Thanh Bình, SG VN, 1970
4) Kim Định, “Triét Lý Giáo Dục”, Idem
5) Kim Định, “Chữ Thời”, Idem
6) Idem
7) Kim Định, “Dịch Kinh Linh Thể”, An Việt Houston, USA, 1989
8) Thái Đông A, “Luật Quân Bình và Triết Lý Đại Hòa”, ĐHVH 2006, Melbourne,Úc
9)http://74.125.153.132/search?q=cache:hHkLSICTNQJ:en.wikipedia.org/wiki/Boson+
boson&cd=3&hl=en&ct=clnk&gl=au
(10)Kim Định, “Nhân Chủ”, TNQG, Cali, USA tr.57
(11) Lê Tôn Nghiêm, “Heidegger Trước Sự Phá Sản của Tư Tưởng Tây Phương”,
Lá Bối, SG, 1969, tr.41-43
(12) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, Idem
(13) Kim Định, “Chữ Thời”, Idem
(14) Lê Tôn Nghiêm, Idem, tr.126-131
(15) Kim Định, “Chữ Thời”, Idem
(16) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, Idem
(17) Lê Tôn Nghiêm, Idem, tr.47
(18) Kim Định, “Dịch Kinh Linh Thể”, Idem, tr.47-59
(19) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, Idem
(20)http://74.125.153.132/search?q=cache:DcmmBRdYEqsJ:
en.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Nietzsche+
Nietzsche&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=au
(21) Phạm Công thiện, “Ý Thức Mới trong Văn Nghệ và Triết Học”, Đại Nam, Cali USA,1987, tr. 601-602
(22) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, Idem
(23) Lê Tôn Nghiêm, Idem, tr. 122
(24) Idem, tr.127
(25) Idem, tr.132-133
(26) Mạc Ngọc Pha, “Cách Mệnh Tâm Linh Minh Triết”, Sách Đang In
(27) Lê Tôn Nghiêm, Idem, tr.69-70
(28) Idem, tr. 136-137
(29) Kim Định, “Nhân Chủ”, Idem, tr. 66
(30) Lê Tôn Nghiêm, Idem, tr. 72
(31) Mạc Ngọc Pha, Idem
(32) Lê Tôn Nghiêm, Idem tr. 73-75
(33) Kim Định, “Chữ Thời”, Idem
(34) Idem
(35) Mạc Ngọc Pha, Idem
(36) Kim Định, “Cơ Cấu Việt Nho”, Nguồn Sáng, 1973
(37) Kim Định, “Triết Lý Giáo Dục”, Idem
(38) Kim Định, “Chữ Thời”, Idem

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm