KINH THÁNH VÀ KINH KORAN: CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC KINH THÁNH

 Kinh Thánh và Kinh Koran sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới các sự kiện của loài người, cả các sự kiện tốt lẫn các sự kiện xấu. 

Bài viết “The Bible v the Koran. The battle of the books” đăng tải trên tờ “The Economist” ngày 22-12-2007 được dư luận quan tâm một cách đặc biệt   
…..
Tín đồ Kitô giáo và tín đồ Hồi giáo đều có một đặc điểm chung: họ đều là “người của kinh Thánh”. Và họ đều có nghĩa vụ truyền bá Thánh Ngôn – đưa những Thánh Thư này vào bàn tay và trái tim của càng nhiều người càng tốt (người Do Thái, loại người thứ ba của kinh thánh, không cảm thấy họ có nghĩa vụ tương tự).

Truyền giáo là một việc khó khăn. Kinh Thánh dài khoảng 800.000 chữ và đầy rẫy những câu chán ngắt về sự sinh thành. Kinh Koran chỉ bằng 4/5 độ dài của Tân ước, nhưng một số người phương Tây cho nó còn khó đọc hơn. Edward Gibbon phàn nàn về những câu châm ngôn và giáo huấn rời rạc vô tận của nó. Thomas Carlyle nói “tôi chưa từng đọc một cuốn kinh nào khó đọc đến vậy; một mớ lộn xộn tẻ nhạt, rối rắm, thô thiển”.

Nhưng mỗi năm trên 100 triệu bản Kinh Thánh đã được bán hoặc phát đi. Mỗi năm tại Mỹ, lượng Kinh Thánh bán ra trị giá 425 triệu đến 650 triệu đôla. Cứ mỗi giây công ty Quốc tế Gideon lại phát đi một cuốn Kinh Thánh. Kinh Thánh đã được dịch toàn bộ hay một phần ra 2.426 ngôn ngữ, bao gồm 95% dân số thế giới.

Kinh Koran không chỉ là cuốn sách được đọc rộng rãi nhất mà còn được kể lại rộng rãi nhất trong thế giới Hồi giáo (“Koran” có nghĩa là “kể lại”). Không có mục tiêu nào cao hơn trong đời sống người Hồi giáo so với việc trở thành một cái kho chứa Thánh Thư; không có âm thanh nào chung hơn trong thế giới người Hồi giáo so với tiếng tụng kinh Koran.

Tụng kinh Koran là hòn đá tảng trong giáo dục của người Hồi giáo. Một trong những người được tôn kính nhất trong xã hội Hồi giáo là “hafiz” hoặc “người có thể đọc thuộc lòng trôi chảy toàn bộ kinh văn”. Ở Iran, làm được như vậy bạn tự dưng có tấm bằng đại học. Những người tụng kinh lớn thường tổ chức các cuộc thi thu hút hàng trăm nghìn người nghe – các cuộc đua đoạt cúp thế giới trong thế giới Hồi giáo. Và các đĩa CD của người thắng cuộc ngay lập tức trở thành thứ hàng bán chạy nhất.

Kinh Thánh và Kinh Koran đều từng lưu hành khắp toàn cầu. Năm 1900, 80% tín đồ Kitô giáo trên thế giới sống ở châu Âu và Mỹ. Ngày nay, 60% sống trong thế giới đang phát triển. Nhiều tín đồ Giáo hội Trưởng lão tới nhà thờ ở Ghana hơn là ở Scotland. Năm 1900 tín đồ Hồi giáo tập trung vào thế giới Á rập và Đông Nam Á. Ngày nay, nhiều người Anh đã gia nhập hàng ngũ người Hồi giáo. Trong thế kỷ 20, ít nhất sự bành trướng của Hồi giáo phần lớn là do gia tăng dân số và di dân hơn là do cải đạo. Hoạt động “truyền giáo” Hồi giáo phần lớn nhằm làm phấn chấn tín đồ, khích lệ họ hăng hái hơn, hơn là nhằm chiếm lĩnh những linh hồn mới.

Núi Thánh Thư này là một sự phản bác mạnh mẽ luận đề thế tục hoá – quan điểm cho rằng tôn giáo sẽ rút lui khi thế giới hiện đại hoá. “Thánh Thư sống trong lòng các tín đồ của nó”, Constance Padwick, một học giả về Kinh Koran từng viết. “Đối với họ, đó không chỉ là những con chữ hay những lời nói đơn thuần. Chúng là những nhánh của ống phát hoả đang bùng lên, rực sáng cùng với Chúa”. Cũng có thể nói như vậy về Kinh Thánh.

Người ta cũng đặt ra một cặp câu hỏi lý thú. Tại sao các tín đồ Kitô giáo và Hồi giáo ngày nay tỏ ra thành công như vậy trong việc đưa Thánh Ngôn ra ngoài? Và trong cuộc chiến giữa các kinh thánh, ai sẽ là người chiến thắng? Phải chăng hai tôn giáo lớn nhất thế giới này đã chiếm được ưu thế khi chúng đưa thánh thư của chúng vào bàn tay và trái tim của mọi người?

Câu trả lời thẳng thắn cho câu hỏi thứ nhất là, cả những người Kitô giáo lẫn những người Hồi giáo đều tỏ ra rất cừ khôi trong việc lợi dụng những công cụ hiện đại – toàn cầu hoá, công nghệ và nguồn của cải đang gia tăng – để trợ giúp cho việc truyền bá thánh thư của họ. “Cho tôi Scotland, hoặc là tôi sẽ chết”, John Knox đã có lần gào lên. Các tín đồ thành tín ngày nay nhăm nhe cả thế giới.

Sự kết hợp giữa toàn cầu hoá và nguồn của cải đang tăng lên xem ra là một mỏ vàng đối với cả hai tôn giáo. Nước sản xuất nhiều nhất các đoàn truyền giáo Kitô giáo tính theo đầu người hiện nay là Hàn Quốc. Các nhà xuất bản Kinh Thánh lớn nhất là ở Brazil và Hàn Quốc. Một mạng lưới liên kết toàn cầu gồm 140 hội Kinh Thánh quốc gia hay khu vực góp chung các nguồn lực nhằm đạt tới mục tiêu tập thể của nó là đặt một cuốn Kinh Thánh vào tay từng người đàn ông, đàn bà và trẻ em trên hành tinh. Hội Kinh Thánh Mỹ, lớn nhất trong số rất nhiều hội, đã xuất bản trên 50 triệu cuốn Kinh Thánh tại nước Trung Hoa vô thần.

Nguồn của cải dầu lửa của Saudi đã đẩy nhanh tốc độ truyền bá kinh Koran. Vương quốc này đã phát đi khoảng 30 triệu bản kinh Koran mỗi năm, và dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Thế giới Hồi giáo hoặc các nhà tỷ phú cá biệt, nó phân phối chúng thông qua một mạng khổng lồ các nhà thờ Hồi giáo, các hội Hồi giáo và thậm chí các sứ quán. Hãy vào FreeKoran.com và bạn sẽ có trong tay một cuốn kinh miễn phí trong vòng mấy tuần.

Việc phổ biến Koran do Saudi tài trợ cùng với việc xúc tiến sự hiểu biết về Hồi giáo của người Saudi kiên định bằng lời lẽ văn học trong kinh văn có thể không tác động trực tiếp nhiều tới người Kitô giáo hay người đã bị rút phép thông công. Nhưng điều đó đã làm tăng trọng lượng tương đối bên trong Hồi giáo của những lời răn dạy có khuynh hướng làm gay gắt thêm sự chia rẽ giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo. Thí dụ, lời răn Hồi giáo truyền thống nhấn mạnh những đoạn kinh Koran khẳng định sách Phúc âm Kitô giáo và Torah của người Hebrew như là những khải thị có giá trị của Chúa và những con đường đi tới sự cứu rỗi. Nhưng có một quan điểm khắt khe hơn, chịu ảnh hưởng của Saudi, khăng khăng rằng từ khi Muhammad đưa ra khải thị cuối cùng, Kitô giáo và Do Thái giáo đã mất đi sức mạnh cứu rỗi của chúng.

Những người Hồi giáo tha hương và các nhà truyền giáo Hồi giáo đã đem đức tin tới những vùng trước đây nó chưa hề tới. Tablighi Jamaat (Nhóm Truyền bá Đức tin) là một mạng toàn cầu các nhà thuyết giáo kiêm nhiệm, họ ăn mặc như nhà tiên tri, trong áo choàng trắng và săng đan da, và đi thành những nhóm nhỏ để truyền bá Thánh Ngôn. Các cuộc tụ hội hàng năm của họ ở Ấn Độ và Pakistan thu hút hàng trăm nghìn người.

Công nghệ tỏ ra là người bạn của Thánh Thư. Bạn có thể tra chúng trên internet. Bạn có thể đọc chúng trên“Psalm pilot” hoặc điện thoại di động của bạn. Bạn có thể nghe chúng qua các máy nghe MP3 hoặc iPod (“podcasting” được phát triển lên từ “Godcasting”). Bạn muốn “cuộc sống lúc nào cũng tràn đầy phúc âm của Chúa ư”? Đơn giản là hãy mua một chiếc máy nghe Kinh Thánh MP3. Bạn muốn ghi nhớ Kinh Koran? Hãy mua một máy nghe MP3, nó sẽ lặp lại từng câu nói mà bạn muốn nghe. Bạn muốn lên mạng với những người tâm đầu ý hợp? Kinh Thánh điện tử sẽ giúp bạn thảo luận với các bạn ảo của bạn về các đoạn Kinh Thánh.

Nhiều kênh truyền hình và đài phát thanh chẳng làm gì ngoài phát Kinh Koran. Ở đầu kia của phổ công nghệ, Hội Kinh Thánh Mỹ đã sản xuất một máy nghe chạy bằng pin hoặc máy quay tay, không lớn hơn một cặp hộp xìgà, có thể phát Kinh Thánh cho một đám đông trăm người.

Nhưng có được một cuốn Thánh Thư là một chuyện, đọc hiểu được nó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Đây là những vấn đề nghiêm trọng mà cả Kitô giáo và Hồi giáo đều đau đầu. Bình quân mỗi người Mỹ có 4 cuốn Kinh Thánh ở nhà, nhưng mỗi năm người Mỹ vẫn mua trên 20 triệu bản Kinh Thánh mới. Nhưng tri thức của người Mỹ về Kinh Thánh thì không đo được. Một thăm dò của viện Gallup phát hiện, chưa đầy một nửa số người Mỹ có thể đọc tên chương đầu của Kinh Thánh (Kỷ Sáng thế), chỉ một phần ba biết ai đã phán truyền bài thuyết giáo trên núi (câu trả lời phổ biến là Billy Graham) và một phần tư không biết cái gì đã được kỷ niệm tại Lễ Phục sinh (sự phục sinh, sự kiện cơ bản của Kitô giáo). Sáu mươi phần trăm không đọc được tên một nửa trong số 10 điều răn; 12% cho rằng Noah kết hôn với Joan of Arc. George Gallup, người thuộc phái Phúc âm và là người đứng đầu cuộc thăm dò này đã miêu tả Mỹ như “một dân tộc của những người mù Kinh Thánh).

Người Hồi giáo rất thích đọc Kinh Koran bằng tiếng Á rập gốc. Nhưng ngôn ngữ cổ xưa và những câu thơ bay nhảy tuy đầy cảm hứng nhưng có thể cũng khó hiểu thậm chí cả với những diễn giả Á rập được học hành đến nơi đến chốn. Và chỉ có 20% người Hồi giáo nói tiếng Á rập như là ngôn ngữ thứ nhất của họ. Trong thế giới Hồi giáo, tỷ lệ mù chữ rất cao. Nhiều người học Thánh Thư chẳng hiểu được gì nhiều về những thứ mà họ đã học thuộc lòng.

Điều này cần được ghi nhớ khi xem xét ai sẽ thắng trong cuộc chiến giữa các kinh thánh. Đối với một số người, câu hỏi này là một sự ghê tởm. Phải chăng cả hai bên không thể cùng thắng bằng cách cải biến những người ngoại đạo? Và phải chăng Kitô giáo và Hồi giáo không phải là bạn đồng đẳng của các đức tin Abraham –những phiên bản khác nhau của Chân lý? Những người khác lo ngại rằng câu hỏi này là không thể trả lời, bởi vì không có những con số hệ thống về việc phân phối Kinh Koran, và ranh giới của trận chiến cắt xuyên qua một số vùng tăm tối nhất và nguy hiểm nhất trên hành tinh. Những người Hồi giáo sẽ lập luận rằng cuộc đấu tranh của họ là nhằm làm phấn chấn giáo dân của họ hơn là làm thay đổi những người không tin theo đạo. Nhưng sự hướng vào nội tâm tương đối của Hồi giáo không giúp ích cho cùng tồn tại hoà bình. Tại nhiều vùng trên thế giới, uy quyền Hồi giáo đã phản công điên cuồng những cố gắng của người Kitô giáo nhằm dụ dỗ người Hồi giáo “bỏ đạo” hoặc từ bỏ đức tin của họ; trong luật Hồi giáo truyền thống, hình phạt đối với tội bỏ đạo là tử hình; và kích thích tín đồ bỏ đạo cũng bị ử lý như là một tội phạm.

Ở nhiều nơi trên thế giới, cuộc chiến dường như đang diễn tiến. Saudi sẽ không cho phép phân phát Kinh Thánh trên đất họ. Nhiều tín đồ Kitô giáo thuộc phái Phúc âm được gắn vào cái mà họ gọi là cửa sổ 10/40 – giải rộng lớn của thế giới Hồi giáo ở châu Phi và châu Á nằm giữa vĩ tuyến 10 và 40 bắc xích đạo. Viện Thần học Baptist Tây Nam ở Texas thậm chí đặt ra học vị thạc sỹ để đào tạo các nhà truyền giáo về nghệ thuật làm cho tín đồ Hồi giáo cải đạo. Một số tín đồ phái Phúc âm còn tạo ra các Kinh Koran giả được thiết kế nhằm gieo mầm hoài nghi vào tư tưởng người Hồi giáo.

Và trận chiến giữa các kinh thánh đương nhiên nằm ở trung tâm trận chiến giữa 2 tôn giáo. Những người có trong tay Kinh Thánh và Kinh Koran có thể không đọc chúng hay hiểu chúng. Nếu họ không được giới thiệu với kinh thánh, đương nhiên họ vẫn là người ngoại đạo. Ngay cả một báo cáo không hoàn hảo về trạng thái của trận chiến cũng nói với chúng ta nhiều điều về hai tôn giáo lớn này trên thế giới.

Người Kitô giáo bước vào thế kỷ 21 với một khởi đầu to lớn. Họ có 2 tỷ người trên thế giới, trong khi người Hồi giáo chỉ có 1,5 tỷ. Nhưng người Hồi giáo có một thế kỷ 20 tốt hơn người Kitô giáo. Dân số Hồi giáo tăng từ 200 triệu trong năm 1900 lên mức như hiện nay. Kitô giáo đã co lại trong trái tim châu Âu của những người theo Kitô giáo. Hồi giáo lại nổi lên khắp thế giớI Á rập. Nhiều học giả Kitô giáo dự báo rằng Hồi giáo sẽ vượt lên Kitô giáo để trở thành một tôn giáo lớn nhất thế giới vào năm 2050.

Nhưng gần đây, những người Hồi giáo phàn nàn rằng “cuộc chiến chống khủng bố” đã gây rất nhiều khó khăn cho việc truyền bá Kinh Koran. Từ ngày 11 tháng 9 năm 2001, các khoản đóng góp cho các tổ chức cứu tế Hồi giáo đã giảm đi. Nhiều tổ chức cứu tế đã bị vỡ quỹ. Các tổ chức truyền giáo như Tablighi Jamaat đã bị các cơ quan tình báo phương Tây điều tra với cái cớ là chúng có thể là ga xép cho phong trào Jihad. Và những người Hồi giáo còn phải đương đầu với những vấn đề dài hạn lớn hơn nhiều trong cuộc chiến giữa các kinh thánh.

Thứ nhất là các kỹ năng tiếp thị cao hơn của Kitô giáo. Các nhà xuất bản tôn giáo của nó là các doanh nghiệp lớn. Nhà xuất bản Thomas Nelson, mà trước đây do một người bán Kinh Thánh theo kiểu truyền tiêu (door to door) làm chủ, đã được mua với giá 473 triệu đôla năm 2005. Và các nhà xuất bản thế tục cũng xuất bản sách tôn giáo: Vào cuối những năm 1980, nhà xuất bản Harper Collins đã mua Zondervan, một nhà xuất bản sách tôn giáo và hiện nay, phần lớn các nhà xuất bản chủ lưu đang cố gắng sản xuất các sách Thánh Kinh riêng của họ. Kết quả là toàn bộ mánh lới buôn bán của các nhà xuất bản đều được áp dụng cho Kinh Thánh.

Hãy xem sự hưng thịnh của sản phẩm. Nhà xuất bản Thomas Nelson xuất bản 60 bản Kinh Thánh khác nhau mỗi năm. Sách Kinh Thánh (Good Book) giờ đây được xuất bản với đủ màu sắc, kể cả những màu dùng cho trường đại học của bạn. Có Kinh Thánh cho mọi loại người, từ “người đi tìm kiếm chức vụ” cho chí người chăn bò, từ cô dâu cho chí người phục vụ quầy ba. Có một bản Kinh Thánh bọc vải nhựa dùng ngoài trời và một bản Kinh Thánh được nguỵ trang dùng ở những vùng chiến sự. Bản “Kinh Thánh 100 phút” tóm tắt Kinh Thánh dùng cho người thiếu thời gian.

Hãy xem sự thân thiện với người dùng. Có những quyển kinh bằng thổ ngữ hằng ngày hay thậm chí bằng tiếng lóng vỉa hè. Hay hãy xem sự đổi mới. Năm 2003 nhà xuất bản Thomas Nelson nẩy ra ý tưởng về các tạp chí Kinh Thánh – một thứ tạp giao giữa Kinh Thánh và các tạp chí tuổi tin. Người đi tiên phong là Revolve (Quay tròn), tạp chí này xen cảnh Tân ước với tư vấn sắc đẹp (beauty-tips) và tư vấn về quan hệ (“phải chăng bạn hẹn hò với một anh chàng ngoan đạo?”). Việc này nhanh chóng được kế tiếp bởi Refuel (Nạp thêm nhiên liệu), tạp chí cho con trai và Blossom and Explore (Nở hoa và Thăm dò), tạp chí cho lứa tuổi tin.

Có các phiên bản thân thiện với trẻ chập chững biết đi về các câu chuyện nổi tiếng nhất của Kinh Thánh. “Kinh Thánh của trẻ em trai” hứa hẹn “những món Kinh Thánh béo ngậy và đỏ như máu”. “Kinh Thánh tranh” trông giống như là tập tranh vui về các siêu anh hùng. “Kinh Nguyện cầu cho Tiểu công chúa của Chúa” thì màu hồng và lấp lánh.

Có khoảng 900 bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh, từ khoa trương cho đến thông tục. Có các bản dịch thành các ngôn ngữ chỉ có một nhúm người sử dụng, như Inupiat và Gullah. Bob Hudson, hội viên Hội Kinh Thánh Mỹ muốn cho mọi người trên hành tinh đều có thể nhận rằng “Chúa nói ngôn ngữ của tôi”. Một cặp vợ chồng kỳ cục thậm chí còn dịch Kinh Thánh ra Klingon, một ngôn ngữ chỉ có những người vũ trụ xa lạ mắc bệnh tràng nhạc trên“Quãng đường Tinh tú” nói mà thôi.

Các nhà xuất bản đang kịch bản hoá Kinh Thánh một cách kỳ công và công diễn với những diễn viên nổi tiếng và hiệu ứng âm thanh tinh xảo. “Trải nghiệm Kinh Thánh” của Zondervan có đủ các diễn viên da đen của Hollywood đóng, từ Denzel Washington đến Samuel L. Jackson. Các hãng kinh doanh khác đang làm các bộ phim kịch bản hoá các câu chuyện kinh thánh một cách trung thực tối đa có thể.

Rồi còn có những sản phẩm phụ khác. Một con búp bê Jesus kể lại những đoạn văn nổi tiếng của Kinh Thánh. Còn có các sách kiểm tra Kinh Thánh, được nhồi nhét bằng các trò chơi đố ô chữ và các trò chơi bingo Kinh Thánh. Có các sách tô màu Kinh Thánh, các sách giải thích (sticker) Kinh Thánh và các trò chơi khác nữa. Thậm chí còn có cả một cái máy hát tự động dựa trên Kinh Thánh, chơi các đoạn văn kinh thánh mà bạn ưa thích.

Người Hồi giáo cũng kinh doanh Thánh Thư, nhưng không nhiệt tình được như những người Kitô giáo. Đó một phần là vì các nhà xuất bản thương mại của họ nhỏ hơn và kém lão luyện, nhưng còn vì những người Hồi giáo tin rằng Koran là lời nói đích thực của Chúa, được Angel Gabriel đọc cho Muhammad (ông này mù chữ) và sau đóđược các môn đồ của Muhammad ghi chép lại. “Koran không chứng minh cái gì ngoài chính nó”, một học giả nhận xét. “Nó không nói về chân lý, mà nó chính là chân lý”.

Điều đó khiến cho người Hồi giáo không thoải mái với các bản dịch. Thánh Thư nói nghiêm khắc rằng “Chúng tôi không cử sứ giả lưu giữ tiếng nói của nhân dân anh ta”. Ngày nay phần lớn người Hồi giáo chấp nhận các bản dịch– hiện có trên 20 bản dịch tiếng Anh – nhưng họ làm thế một cách miễn cưỡng. Phần lớn các bản dịch đều cố gắng dịch trung thực tối đa có thể. Những người Hồi giáo ngoan đạo mong muốn học ngôn ngữ của Chúa.

Lợi thế thứ hai của người Kitô giáo là nước Mỹ. Đất nước giàu nhất và mạnh nhất thế giới này có khoảng 80 triệu tín đồ phái Phúc âm. Nó ủng hộ nhiều đoàn truyền giáo, nhiều tổ chức quảng bá và nhiều nhà xuất bản toàn cầu hơn bất cứ nước nào khác. Dù một số nước có nguồn của cải dầu lửa, nhưng vùng trung tâm của Koran vẫn khá nghèo. Thế giới Arập là một trong những nơi có tỷ lệ mù chữ cao nhất trên thế giới với 1/5 đàn ông và 2/5 đàn bà không biết đọc. Nó cũng là một trong những nơi có tỷ lệ sử dụng internet thấp nhất.

Lợi thế lớn thứ ba là niềm tin của phương Tây vào tự do tôn giáo, được bảo đảm ở Mỹ bằng hiến pháp và ở châu Âu bằng một sự ác cảm với sự ngược đãi tôn giáo do hàng thế kỷ của nó gây ra. Vùng trung tâm của Hồi giáo, ngược lại, lại theo chính thể thần quyền. Bộ Hồi giáo, Bảo hiểm, Kêu gọi và Chỉ dẫn Saudi có 120.000 nhân viên, trong đó có 72.000 imam.Á râp Seut cấm tôn thờ các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo và coi các cố gắng chuyển những người Hồi giáo sang tín ngưỡng khác là tội phạm. Pakistan đã chứng kiến những cuộc tấn công vào các đoàn truyền giáo Kitô giáo. Sudan trừng phạt các hành vi “xa rời tôn giáo” bằng tù giam.

Những người theo phái Phúc âm trong Kitô giáo phàn nàn rằng điều này tạo ra một sân chơi không bình đẳng: Những người Hồi giáo có thể xây dựng những nhà thờ đồ sộ trên “đất Kitô giáo”, trong khi những người Kitô giáo thì bị cấm truyền bá Kinh Thánh tại Arập Seut và Iran. Nhưng các sân chơi không bình đẳng có khuynh hướng làm yếu những tay chơi sân nhà. Cạnh tranh công khai là một ân huệ cho tôn giáo. Phái Phúc âm Mỹ hưng thịnh chủ yếu là do Mỹ không có giáo hội quan phương. Còn chính trị thần quyền rốt cuộc là nguồn gốc của sự trì trệ và bảo thủ.“Kinh Thánh và Kinh Koran” của Muhammad Shahrur, một bài viết cố giải thích lại Kinh Koran cho các độc giả hiện đại, đã bị cấm rộng rãi trong thế giới Hồi giáo, bất chấp cái dọng ngoan đạo và tính phổ cập rộng rãi của nó.

Bản báo cáo điều tra về “trạng thái của trận chiến” này hàm chứa một dự báo lành mạnh. Dự đoán về số phận của các tôn giáo là không thận trọng, vì chúng có thể bùng cháy hoặc tan chảy theo những cách không thể dự đoán được. Nhưng trong cuộc chiến của các kinh thánh, có hai điều là chắc chắn. Một là, sự thôi thúc truyền bá Thánh Ngôn sẽ kích hoạt một số xung đột dữ dội nhất của thế kỷ 20. Khu vực mà nó diễn ra ác liệt nhất – châu Phi tiểu Sahara – là một cái hộp bùi nhùi của các quốc gia thất bại và các hận thù sắc tộc. Hai là, Kinh Thánh và Kinh Koran sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới các sự kiện của loài người, cả các sự kiện tốt lẫn các sự kiện xấu.

(Theo S.Q / The Economist)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

______________________________

Tìm Kiếm