LÊ HIẾU ĐẰNG VÀ DÂN CHỦ CUỘI
Ngô Quốc Đống
Trong tuần qua, các diễn đàn internet có phổ biến bài viết “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…” của Lê Hiếu Đằng (LHĐ), một đảng viên Cộng Sản có 45 năm tuổi Đảng. Nhân lúc nằm bệnh (tháng 8, 2013), tác giả dành thời gian “nhìn lại 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), và quá trình tranh đấu cho tự do, dân chủ của bản thân; tóm tắt những điều ông ta chứng kiến trong 45 năm làm đảng viên, nêu ra những tiêu cực của chế độ CS; cuối cùng hô hào mọi người phải hành động, phải dấn thân vô cuộc chiến mới để xây dựng một xã hội công dân mạnh, và thực hiện những lý tưởng của các thế hệ cha anh về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tiến bộ, văn minh và giàu đẹp…”
Tôi có một số ý kiến về những gì Lê Hiếu Đằng trình bày trong bài viết trên như sau:
1-Lê Hiếu Đằng là ai?
Lê Hiếu Đằng lớn lên trong xã hội miền Nam Việt Nam, thời trung học tại Huế đã tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Huế, bị bắt giam tại lao Thừa Phủ Huế gần một năm vì các hoạt động phục vụ Cộng sản và chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). LHĐ được kết nạp vào ĐCSVN năm 1966. Được chế độ VNCH giáo dục về Triết và Luật, nhưng sau đó LHĐ đã vào chiến khu của VC. Sau 1975, LHĐ có thời gian làm giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học tại trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (Sài Gòn-Gia Định), và đã từng giữ các chức vụ như : Phó TTK Ủy Ban Trung Ương LM các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó CT Ủy ban MTTQ- VN- TP HCM, Đại biểu HĐND- TP … Nhìn vào quá trình hoạt động của LHĐ, ta thấy hắn là một tên Cộng Sản nằm vùng tại miền Nam, tận sức phục vụ cho CS để giật sập chế độ tự do, dân chủ của VNCH, và dành hầu như suốt cuộc đời phục vụ cho ĐCSVN. Hiển nhiên LHĐ là một tên Cộng Sản có nhiều nợ máu đối với nhân dân miền Nam. Hắn sống nhờ vào quân, dân miền Nam; hưởng nhiều bổng lộc của miền Nam, nhưng lại trở thành một hòn đá lót đường của chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc.
2- Lê Hiếu Đằng giải thích lý do khiến hắn theo ĐCSVN:
LHĐ công nhận chủ nghĩa Mác-Lê đã làm say mê nhiều trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam khi VN còn trong thời kỳ Pháp thuộc. Là một học sinh ban Triết, lại sống trong một đất nước bị thực dân Pháp đô hộ cả trăm năm, và trưởng thành trong xã hội miền Nam vào lúc có sự hiện diện đông đảo của người Mỹ, LHĐ thấy chủ nghĩa Mác-Lê nin mang cho hắn niềm hy vọng về một xã hội bác ái, tự do, bình đẳng. Cuối cùng hắn đã quyết định đi theo con đường ‘‘cách mạng ” do CSVN khởi xướng. LHĐ tự nhận bản thân đã bị thôi thúc bởi những tình cảm như: lòng yêu nước, ý chí chống xâm lược, giành độc lập, tự do, dân chủ cho Tổ quốc để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn các chế độ cũ ở đó công nhân, nông dân, người lao động, những người hy sinh nhiều trong chiến tranh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc… LHĐ có nhắc đến Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Hồ Chí Minh (HCM) đọc tại Ba Đình năm 1945, và lời hứa trịnh trọng của ông ta trước toàn dân. LHĐ nghĩ chính lời hứa này đã khiến nhiều người dân Việt tin theo ĐCSVN nên họ tham gia Cách Mạng Tháng 8, và sau đó theo Việt Minh đi kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua lời kể trên, LHĐ muốn khẳng định một điều: hắn đi theo ĐCSVN là một điều chính đáng, vì hắn tin con đường ĐCSVN dẫn dắt dân tộc VN đi theo là con đường đúng đắn.
3- Lê Hiếu Đằng thấy những gì trong ‘‘cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa’’ tại VN?
Sau 45 năm phục vụ ĐCSVN, LHĐ nhận xét ‘‘ trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh …, một chế độ mà người dân cần phá vỡ nỗi sợ hãi để thực hiện một chủ trương cực kỳ quan trọng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh : khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh ’’ ( !!) LHĐ đã dành trọn tuổi trẻ của mình để phục vụ một tổ chức chính trị (ĐCSVN), hy vọng thực hiện được lý tưởng cao đẹp thời trai trẻ của mình (giành độc lập cho đất nước, đem lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho người dân) mà cuối đời lại kết luận chế độ mình dày công xây dựng chỉ là một chế độ của những người nói láo (những tên lưu manh, lừa đảo) thì làm gì còn chỗ đứng cho những điều tốt đẹp như : độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ…( !)
Về độc lập : LHĐ chua xót nhận xét : ‘‘Sau khi hi sinh biết bao xương máu, nay Đảng và Nhà nước Việt Nam đều phải len lén nhìn ông bạn láng giềng Trung Quốc- những kẻ luôn chực nuốt chửng nước ta, và vào năm 1979 họ đã xua quân tàn sát người dân Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc mà tên Đặng Tiểu Bình xấc xược gọi là dạy cho Việt Nam một bài học… Các vị lãnh đạo ĐCS và Nhà nước Việt Nam thì dường như chưa thấy hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam nên quá hiền lành đối với một nước lớn nhưng rất tiểu nhân, miệng thì xoen xoét nói về bốn tốt, mười sáu chữ vàng trong lúc hành động thực tế là uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong ngư trường truyền thống của mình, hoặc hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta…’’ LHĐ buông lời ta thán ‘‘ Vậy thì độc lập cái gì ?’’
Về dân chủ, tự do, và hạnh phúc : LHĐ tuyên bố : ‘‘Muốn có dân chủ thực sự thì phải thay đổi thể chế từ một nhà nước độc tài toàn trị chuyển thành một nhà nước cộng hòa với tam quyền phân lập: lập pháp, hiến pháp (hành pháp ?), tư pháp riêng biệt và độc lập’’. Đây là cách tổ chức của một chế độ dân chủ, không bao giờ có được trong xã hội chuyên chính vô sản của CS. LHĐ xác nhận ‘‘Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền tự do của con người, nhưng giờ đây, chế độ toàn trị đã phản bội tước đoạt tất cả các quyền cơ bản đó, vất bỏ tuyên ngôn nhân quyền, và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng…’’ LHĐ nhắc lại lời của giáo sư toán Ngô Bảo Châu ‘‘ Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu’’. Đoạn trên cho thấy LHĐ xác nhận con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa tại VN không có tự do, dân chủ, và như vậy tất nhiên là không thể sống hạnh phúc.
4- LHĐ có đạt được lý tưởng thời trai trẻ hay không ?
Qua những nhận xét trên về các ‘‘ thành quả’’ của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do ĐCSVN khởi xướng, đầu tiên là tại miền Bắc (nơi con người phải chịu một thân phận bi thảm, một xã hội không có bóng người -lời LHĐ), và sau đó là trên toàn nước VN sau khi miền Nam rơi vào tay Bắc quân CS năm 1975, ta khẳng định một điều LHĐ không đạt được lý tưởng thời trai trẻ của hắn. Chính vì thế hắn mới ‘‘ngồi tính sổ cuộc đời mình, trang trải những nợ còn lại để gửi các vị lãnh đạo Đảng, để mong các vị mở mắt ra mà có sự lựa chọn con đường sống cho dân tộc’’. Một chuyện rất đơn giản là : chế độ CS được xây dựng trên nền tảng của chủ thuyết Mác-Lê nin là một chế độ không tưởng, Đảng CSVN chỉ là một bộ phận của CS Quốc tế, nên bắt đất nước và con người VN phải hy sinh cho nhu cầu của phong trào CS quốc tế. Chuyện này, người dân bình thường tại miền Bắc cũng nhận thức được nên họ đã bỏ lại tất cả sản nghiệp, người thân để di cư vào Nam tìm tự do năm 1954. Vậy mà LHĐ, một người có học, có bằng cấp, sống trong môi trường tự do của chế độ miền Nam nhiều năm lại không nhìn ra, lại để cho nọc độc của chủ nghĩa CS thấm sâu vào não bộ, tiếp tay đắc lực cho việc nô lệ hóa dân Việt trong gông cùm CS. Phải đợi đến bây giờ, sang thế kỷ 21, vào cuối năm 2013, sau nhiều năm nhận bổng lộc của chế độ CS, hắn mới ‘‘ mở mắt’’ ra được, và tính dạy cho các lãnh đạo CS (chủ của hắn) cũng mở mắt ra cho ‘‘dân tộc sống còn’’ ư (!) Sự thức tỉnh này quá muộn màng. ĐCSVN vẫn luôn mở to mắt, và đã dứt khoát chọn con đường sống duy nhất của chúng: bằng mọi giá phải bảo vệ sự sống còn cho Đảng ; như vậy chúng mới nắm được quyền bính, và giữ được những tài sản vơ vét của đất nước và người dân. Là một đảng viên CS, LHĐ hẳn phải biết đến những văn kiện bán nước do ĐCSVN ký kết với Tàu Cộng : công hàm Phạm văn Đồng ký ngày 14-9-1958 công nhận chủ quyền của Tàu trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các văn kiện nhượng đất, nhượng biển ký các năm 1999 và 2000… LHĐ không biết rằng ĐCS của hắn đâu có màng gì đến con đường sống cho dân tộc. Tại sao bao nhiêu năm qua, hắn vẫn lặng thinh, dù chứng kiến biết bao việc làm phản dân, hại nước của Đảng? Rõ ràng cái Đảng này không thực hiện được lời hứa của nó với nhân dân và đất nước, không giúp cho LHĐ thực hiện lý tưởng cao đẹp thời trai trẻ của hắn. LHĐ đã chứng tỏ mình chỉ là một kẻ mê muội, thiếu trình độ nhận thức đúng, sai. Vì mê muội, hắn đã chọn con đường sai, tiếp tay cho những kẻ phá hoại đất nước, giết hại người dân. Đến cuối đời hắn vẫn còn mê muội, không hề lên tiếng ăn năn hối lỗi về cái sai lầm tai hại chết người của hắn. Hắn vẫn chưa có một lời tạ tội nào với đất nước và người dân Việt, mà chỉ nhặt nhạnh ra các ‘‘tội lỗi’’ của ĐCSVN, làm như hắn là kẻ vô can, không phải chịu trách nhiệm gì đối với bức dư đồ rách nát của dân tộc Việt hiện nay. Cho tới giờ này, LHĐ vẫn còn là thành viên của cái Đảng phản động, bán nước, hại dân này. Tôi còn nhớ cách đây đã lâu, tuần báo Tiếng Dân tại San Jose có đăng tin về việc 2 anh em một nhà (tại Đà Lạt) đều là đảng viên ĐCSVN đã công khai tuyên bố ra khỏi Đảng, đồng thời chân thành tạ lỗi với đất nước và người dân Việt vì đã phục vụ cho một đảng chỉ làm toàn những điều tai hại cho đất nước và người dân. LHĐ có được sự nhận định sáng suốt, và lòng can đảm như 2 người đó hay không ?
Lý do khiến LHĐ phải ngồi lại để tính sổ đời mình là do ‘‘tình hình trong nước thế giới đã thay đổi, và trước đây hắn chưa có đủ điều kiện, dữ kiện để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước’’. Đây chỉ là một ngụy biện. Lịch sử đã cung cấp cho LHĐ rất nhiều điều có thể giúp hắn mở mắt, và phản tỉnh, nhưng tên CS này vẫn không học hỏi được bài học nào.
Vào thập niên 50 của thế kỷ 20, ngay sau khi người CS chiếm được quyền cai trị tại miền Bắc, giới văn nghệ sĩ từng theo Đảng đã lên tiếng phản kháng vì chính sách khắc nghiệt của Đảng cầm quyền đối với sinh hoạt văn học, nghệ thuật. CSVN thẳng tay đàn áp những văn nghệ sĩ dám lên tiếng đòi tự do sáng tác, không chịu trở thành công cụ cho Đảng (vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm). Chiến dịch cải cách ruộng đất đẫm máu tại nông thôn miền Bắc các năm 1953-1956 do ĐCSVN phát động rập khuôn theo cải cách ruộng đất tại Tàu giết hại cả trăm ngàn nông dân vô tội, và đã khiến nhiều thanh niên, trí thức từng theo Đảng làm cách mạng, đi kháng chiến… phải chùn chân, rồi quyết định không thể tiếp tục phục vụ cho cái tổ chức ‘‘ khủng bố, vô lương’’ này nữa, dù cho có phải bị trù dập, đầy ải, sống nghèo đói như các trí thức Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, hay như nhạc sĩ Văn Cao, các nhà thơ Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm …
Chiến dịch Tổng Công Kích Tết Mậu Thân do CSVN phát động năm 1968 tại miền Nam VN gây ra cái chết thảm thương cho bao đồng bào của LHĐ; đặc biệt cho hàng ngàn đồng hương của hắn ở Huế. Là một người sinh trưởng tại Huế, LHĐ không chút xúc động, và không nghĩ lại về cách tiến hành cách mạng giải phóng của CS hay sao ? Quả thật người CS này có trái tim bằng đất sét! Trong lá thư của tác giả Bằng Phong Đặng Văn Âu gửi một người anh em của ông đang phục vụ trong hàng ngũ CS, ông cho biết chỉ một lần ‘‘chứng kiến cảnh tượng mấy thằng du kích cộng sản chém bay đầu ông phu xe kéo tên Chu ở làng Phổ Nam, huyện Phú Vang, Huế, và đập vỡ sọ một thiếu niên vì mặc chiếc áo sơ-mi trắng mà giắt hai cây bút nguyên tử màu xanh, đỏ, ở túi áo nên bị nghi làm mật thám của Pháp…. ’’ là ông đã bắt đầu ghê tởm sự tàn ác của cộng sản.
Sau khi CSVN chiếm cả nước vào năm 1975, các chính sách tàn bạo mà ‘‘bên thắng cuộc’’ áp dụng đối với người dân của ‘‘bên thua cuộc’’ đã dồn quân, dân miền Nam vào tuyệt lộ : hàng trăm ngàn người bị giam tù trong các trại tù khổ sai, hàng trăm ngàn dân bị cướp tài sản và bị đẩy vào các vùng kinh tế mới khô cằn, hàng trăm ngàn người chết trên đường vượt biên, vượt biển để đào thoát khỏi chế độ CS, để khỏi phải sống cùng ‘‘quân giải phóng’’ ! LHĐ phải công nhận ‘‘tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam’’…..
Sau khi chiến tranh kết thúc, trong nhiều thập kỷ, dù VN được thế giới tự do ra tay cứu giúp để hàn gắn các vết thương chiến tranh, cái Đảng CSVN ‘‘quang vinh’’ của LHĐ vẫn chẳng làm được gì để đất nước Việt được vẻ vang, để người dân Việt được no ấm. Người dân vẫn trầm luân khốn khổ vì nạn cưỡng chế đất đai tàn bạo, vì giáo dục, đạo đức suy đồi, vì tham nhũng tràn lan… Thế mà LHĐ vẫn còn đủ lòng tin để tiếp tục phục vụ cho nó đến tận bây giờ. Hắn hô hào ‘‘đảng viên CS nên tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ Xã hội…’’. LHĐ nói ‘‘chủ trương không đa nguyên, đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng (CS) chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này…’’ Vậy điều 4 Hiến Pháp của CSVN xác định cái gì ? Chẳng phải nó công nhận quyền độc tôn về chính trị cho ĐCSVN hay sao? Nguyễn Minh Triết, cựu chủ tịch nước CSVN đã nói thẳng thắn, chẳng úp mở : ‘‘ Bỏ Điều 4 Hiến Pháp là tự sát’’. LHĐ chỉ dám nhận xét yếu xìu : ‘‘Điều 4 Hiến Pháp là vô nghĩa’’.
Trong phần viết về vấn đề dân chủ, tự do, và hạnh phúc, LHĐ lý luận như sau :‘‘Cần có Quốc hội lập hiến để soạn thảo và thông qua Hiến pháp mới ( ?). Sau đó bầu Quốc hội lập pháp để ĐCS sẽ qua bầu cử bình đẳng mà trở thành người lãnh đạo. Tôi nghĩ trong một thời gian dài ĐCS sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được… Dần dần các Đảng đối lập sẽ trở thành một lực lượng làm nhiệm vụ như một kháng thể trong một cơ thể xã hội lành mạnh. Nếu xã hội không có lực lượng đối lập sẽ trở thành một con bệnh SIDA khó trị chỉ có chờ chết mà thôi…’’ LHĐ có nhớ lời tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng kết án những người muốn đa nguyên, đa đảng là có ý tưởng suy thoái về chính trị, và đạo đức hay không (sau kỳ góp ý sửa đổi Hiến Pháp vừa qua). Thật là một lý luận mâu thuẫn : một mặt hắn cho là xã hội VN ngày nay như một con bệnh SIDA chỉ nằm chờ chết (vì thiếu đối lập), một mặt hắn lại cho là ĐCS nếu chấp nhận bầu cử dân chủ sẽ là một lực lượng chính trị không có lực lượng nào có thể tranh chấp được( ?) LHĐ có nhớ cô sinh viên trẻ tuổi Nguyễn Phương Uyên nói gì về cái tổ chức chính trị ‘‘thần tượng’’ của hắn không ? Cô tuyên bố ‘‘Đảng Cộng Sản VN đi chết đi !’’ (cho đất nước và người dân được sống). Nếu LHĐ cùng chung nguyện vọng mở một con đường sống cho đất nước và người dân Việt, hắn cũng phải cất lời dõng dạc như cô sinh viên dũng cảm này, chứ không thể tiếp tục đặt niềm tin vào Đảng CS, tiếp tục công nhận ĐCS là một thành phần của dân tộc, rồi hô hào lập một đảng khác để tranh đấu bất bạo động cho một chế độ đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Hắn quên mất lời của một lãnh đạo CS đã nói như sau : ‘‘CS chỉ có thể bị thay thế, chứ không thể thay đổi’’.
LHĐ xúi người dân ‘‘đi con đường không bao giờ đến’’, nói theo cách nói của nhà văn hồi chánh Xuân Vũ. Xuân Vũ là trường hợp điển hình của một người trí thức CS thực sự phản tỉnh : lúc đầu ông tin tưởng vào ‘‘con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa’’, ông đi tập kết ra Bắc, nhưng sau này ý thức được chủ nghĩa CS sẽ không thể giúp đất nước và con người VN đạt các mục tiêu đẹp đẽ như CS tuyên truyền, ông dứt khoát bỏ hàng ngũ CS, ra hồi chánh và phục vụ trong chế độ VNCH. LHĐ không có trình độ chính trị để nhận thức được đúng, sai ; không có dũng cảm để nhận mình sai lầm khi phục vụ cho một chủ nghĩa phi nhân bản, phản dân tộc, thì làm sao có đủ tư cách hô hào mọi người đứng lên ‘‘dấn thân vô cuộc chiến mới’’ ? Nói về tư cách và lòng dũng cảm, người CS này thua xa những người trẻ tuổi trong nước như Phương Uyên, Nguyên Kha, Điếu Cày, Tạ Phong Tần… Vậy mà LHĐ hô hào tiến hành một cuộc chiến mới để ‘‘đấu tranh cho dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội, và bảo vệ môi trường’’ (toàn là những từ rỗng tuếch phát ra từ miệng của người CS) . LHĐ có biết rằng hắn là một trong những người đã tiếp tay đưa cái ác lên ngôi, đưa ĐCSVN vào vị trí độc tôn hiện nay, khiến cả dân tộc phải mang một khối đá nặng trên vai, đang tìm mọi cách hất nó đi mà chưa được.
LHĐ phẫn nộ về thái độ nhu nhược của ĐCS và Nhà nước VN trước những hành vi ngang ngược của Tàu cộng tại Biển Đông, mà hắn lại cảm thấy hài lòng về lời tuyên bố (suông) của Nguyễn Tấn Dũng : ‘‘ Tôi rất mừng nghe Thủ tướng NTD tuyên bố ở hội nghị Shangri-la chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam…Rõ ràng đây là cú đấm đích đáng bọn bành trướng Bắc Kinh trong một diễn đàn quốc tế…Tôi càng vui hơn khi được biết đây là ý kiến của cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ chính trị cả…Vì thế mà Hạ Đình Nguyên trong một bài viết về vấn đề này đã hoan hô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến 5 lần’’ (hết trích). Chắc là LHĐ quên những hình phạt mà Đảng và Nhà nước VN dành cho những người dân đi biểu tình chống Tàu Cộng chiếm biển, đảo của VN, giết ngư dân VN như: Điếu Cày,Phương Uyên, Nguyên Kha… Nói về tư cách của thủ tướng VC Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta không thể quên được ông này chính là trùm tham nhũng, làm công quỹ thất thoát nhiều tỉ đồng. Cách làm việc của ông TT thì vô cùng tùy tiện. Khi ông Đoàn Văn Vươn bị công an Hải Phòng đến cướp phá tài sản, uy hiếp người, ông Dũng tuyên bố ‘‘công an HP sai’’. Ấy vậy mà ‘‘người đúng’’ là ông Vươn thì bị xử án 4 năm tù vì tội giết người, trong khi ‘‘kẻ sai’’ là giám đốc công an HP Đỗ Hữu Ca lại vừa được thăng chức từ đại tá lên thiếu tướng!
5- Chúng ta đánh giá sự ‘‘phản tỉnh’’của LHĐ như thế nào?
Nhiều người có nhận xét, LHĐ chỉ ‘‘tỉnh’’ có một nửa chứ chưa tỉnh hẳn nên không thể ‘‘phản’’ cho đúng‘‘ địch’’ (lời nhận xét của tác giả Nguyễn Bá Chổi trong Thư gửi Lê Hiếu Đằng). LHĐ tuyên bố ‘‘không nên ngồi tranh luận với nhau về sự đúng, sai khi chọn lựa đứng bên này hay bên kia’’( ?) Thật lạ, cho đến giờ này người CS LHĐ vẫn không ý thức được ai đúng, ai sai trong chiến tranh Quốc-Cộng ? CSVN từng tuyên bố ‘‘đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào để giải phóng miền Nam’’, từng thách thức người dân Việt và cộng đồng thế giới với câu hỏi ‘‘ Ai thắng ai ?’’ để hôm nay LHĐ phải trơ trẽn đồng ý với tên văn nô VC Huy Đức là ‘‘chính miền Nam đã thực sự giải phóng miền Bắc’’ ! Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia non trẻ trong vùng Đông Nam Á, chỉ mới được thành lập sau cuộc di cư lánh nạn CS của gần 1 triệu đồng bào miền Bắc vào miền Nam sau khi Hiệp Định Genève được ký vào năm 1954. Tuy vậy chính phủ VNCH đã xây dựng được một xã hội công dân vững mạnh, một nền cộng hòa với chế độ tam quyền phân lập rõ ràng, một nền kinh tế ổn định bảo đảm cuộc sống no ấm cho mọi người dân (không ai phải đi làm lao nô, hay nô lệ tình dục ở nước ngoài như trong chế độ CS ‘‘ ưu việt’’ hiện nay), một nền giáo dục dân tộc và nhân bản đã đào tạo một thế hệ thanh niên có lòng yêu nước chân chính, biết hy sinh để bảo vệ đất nước và cuộc sống no ấm của người dân, một chế độ bảo đảm mọi quyền tự do căn bản của người dân (tự do bầu cử và ứng cử, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do đi lại…. Chế độ này chính là ân nhân cứu mạng của LHĐ, cho hắn ra khỏi nhà tù Huế để được đi thi Tú Tài (dù hắn có tội tham gia hoạt động cho CS chống chính quyền đương thời), và có cơ hội thăng tiến về sau. Một chế độ tốt đẹp như vậy mà ‘‘người CS’’ LHĐ đã mù quáng không nhận ra chân giá trị của nó, đã ngu xuẩn nhân danh lòng yêu nước mà chấp nhận chủ nghĩa CS, chấp nhận chủ nghĩa Mác-Lê nin đầy ảo tưởng, tôn thờ tên bán nước Hồ Chí Minh làm lãnh đạo, rồi hắn còn dốc lòng, dốc sức giật sập nó. Biểu tượng của chế độ này là lá cờ vàng, ba sọc đỏ vẫn tiếp tục tung bay trên thế giới tự do, tại những quốc gia có cộng đồng những người Việt tỵ nạn CS sinh sống, trong khi lá cờ máu của CSVN chẳng có được chỗ nào dung thân ngoại trừ các tòa đại sứ, các lãnh sự quán VC. CSVN phải ra sức chiêu dụ người Việt hải ngoại đem tài lực, nhân lực về giúp chúng; phải quỵ lụy xin Mỹ, kẻ cựu thù của mình đem vốn sang VN đầu tư, hầu phát triển kinh tế ! Vậy với câu hỏi ‘‘ai đúng, ai sai’’, LHĐ vẫn chưa tìm ra câu trả lời ư? Nếu CSVN đúng thì chúng phải được lòng dân, đâu cần phải dùng nhà tù và công an để liên tục trấn áp, khủng bố họ. Nếu chúng đúng thì người Việt đâu cần bỏ nước ra đi tỵ nạn CS, và CSVN đâu cần phải bỏ ra cả tỷ đô la cho việc thực hiện Nghị Quyết 36 tại hải ngoại.
Trường hợp LHĐ là trường hợp tiêu biểu cho nhân cách của người Cộng Sản : mê muội nhưng lại cao ngạo, mắc sai lầm nhưng không bao giờ nhận lỗi, luôn nhân danh những mỹ từ như lòng yêu nước, tự do, dân chủ, tranh đấu chống cái ác… để phá hoại, tiêu diệt những gì tốt đẹp đang hiện hữu, vô cảm trước sự thống khổ của quần chúng mà vẫn lên mặt đạo đức giả (tranh đấu để cải thiện cuộc sống cho dân), bản chất là lưu manh, lừa bịp, bóc lột người khác mà lại tự hào là chỉ nghĩ đến tha nhân (mình vì mọi người), hy sinh quyền lợi của đất nước để phục vụ cho quyền lợi của CS Quốc tế mà cứ vỗ ngực là yêu nước, là giữ nước (để tiếp nối công cuộc dựng nước của vua Hùng), sỉ nhục đồng bào mình là tay sai của đế quốc Mỹ trong khi chính mình cam tâm làm nô lệ cho Tàu Cộng…
Một người sai lầm mà không thừa nhận cái sai, cái lầm của mình thì không thể có lòng sám hối chân thành, cũng không thể có khả năng phản tỉnh thực sự, và không thể có suy nghĩ và hành động đúng đắn về sau.
LHĐ khuyên chúng ta ‘‘phải nhận thức lại và dấn thân hành động cho cuộc chiến đấu mới…đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc…’’. Lời kêu gọi này của LHĐ thực sự nhắm vào khối người Việt hải ngoại, chứ không phải vào khối người Việt trong nước, vì người dân trong nước đã ở trong cảnh ‘‘cá chậu, chim lồng’’, nằm trong vòng kiềm tỏa của bộ máy công an CS, phải sống với một ngụy quyền ‘‘ hèn với giặc’’, nhưng rất ‘‘ ác với dân’’. Hãy thử xem, lời LHĐ kêu gọi vài trăm đảng viên mà hắn biết không còn tha thiết sinh hoạt Đảng nữa ‘‘bỏ Đảng tập thể, rồi lập ra Đảng mới’’ để tranh đấu với ĐCS sẽ được bao nhiêu người dám đáp ứng ? Phải chăng thái độ ‘‘ phản tỉnh’’ của LHĐ chỉ có giá trị của một thăm dò: đảng viên nào tin thật, nghe theo hắn bỏ Đảng tập thể biết đâu chẳng lâm vào một vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm thứ hai ? Người CS vốn tin tưởng ‘‘cứu cánh biện minh phương tiện’’ thì có cái gì mà chúng chẳng dám làm ? Đối với hải ngoại, chúng ta càng không thể tin được thái độ ‘‘phản tỉnh’’ này. Nó chỉ có giá trị mua thời gian để Đảng CS tiếp tục được ngồi ở vị trí cầm quyền và vơ vét thêm nữa. Nó có thể giúp một số người Việt hải ngoại tạm‘‘ hài lòng’’ vì ‘‘đảng viên CS cũng có người dám nói ra tội ác của Đảng’’, vậy đây có thể là cơ may cho vận nước thay đổi ? Tin như vậy chúng ta có thể giảm mất ý chí chống cộng, làm chệch hướng công cuộc tranh đấu chống cộng của cộng đồng, mất cảnh giác khiến bọn Việt gian, tay sai CS nằm vùng có cơ hội lũng đoạn hàng ngũ của chúng ta, và tuyên truyền cho chủ trương hòa hợp, hòa giải của chúng (theo tinh thần của Nghị Quyết 36 mà CS vẫn đang kiên trì thực hiện).
Để kết luận, bài viết ‘‘Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…’’ của đảng viên CS Lê Hiếu Đằng nhìn một cách tổng quát thì có nhiều điều nghe cũng ‘‘mát tai’’. Nhưng chúng ta chớ quên lời dặn dò của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ‘‘Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì CS làm’’, để lại bị chúng lừa lần nữa. LHĐ chưa từ bỏ Đảng CS, cũng chưa bị CS khai trừ khỏi Đảng thì những gì hắn nói, ta vẫn không thể tin. Người Việt hải ngoại chỉ có một con đường duy nhất là duy trì lằn ranh Quốc-Cộng, giữ vững niềm tin là sẽ giải thể được chế độ CS độc tài, chỉ đoàn kết với những tổ chức đoàn thể, cộng đồng có lập trường quốc gia rõ ràng, đúng đắn. Riêng người cựu sinh viên sĩ quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam không thể quên tôn chỉ của Tổng Hội Võ Bị là ‘‘ không chấp nhận chế độ CS, không hòa hợp, hòa giải dưới mọi hình thức với CS, một lòng nuôi ý chí quang phục quê hương, giành độc lập cho đất nước, và xây dựng một Việt Nam không CS, có tự do, dân chủ, và nhân quyền’’. Chúng ta hãy ghi nhớ lời của Linh Mục Nguyễn Văn Khải, một tu sĩ trẻ của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, một nhân chứng sống về chế độ độc tài CSVN. Ông khẳng định ‘‘giải thể chế độ CSVN là con đường duy nhất đem lại tự do, dân chủ cho VN ; giải thể chế độ CSVN là trách nhiệm của mọi người dân Việt, trong nước cũng như hải ngoại ; mỗi người chúng ta hãy làm tất cả những gì chúng ta có thể làm để góp phần vào công việc chung này của dân tộc ’’. Phải ‘‘đi’’ đúng con đường này, chúng ta mới ‘‘ đến’’ được. Con đường này vẫn còn dài, và lắm chông gai, nhưng chúng ta nhất định sẽ thành công.
Nguyễn Quốc Đống
Cựu SVSQ K. 13, TVBQGVN
16 tháng 8, 2013