LỄ KHÁNH THÀNH TƯỢNG ĐÀI TRẦN HƯNG ĐẠO: “NGÀY HỘI CỦA LÒNG YÊU NƯỚC”
“Ngày Hội của Lòng Yêu Nước”
Từ mấy tuần nay, khi nghe các phương tiện truyền thông loan báo về ngày khánh thành tượng đài Đức Trần Hưng Đạo ở khu phố Bolsa, lòng tôi cũng thấy nao nức mong chờ. Tôi phải đánh dấu lên lịch ( thứ 7 : 13/09/14 ) để đảm bảo khỏi quên. Vì đây là một sự kiện văn hóa lịch sử quan trọng của khu Little Saigon (Nam California), thủ đô tinh thần của người Việt tị nạn cộng sản. Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước ta : bọn China xâm lược đã ngang nhiên xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam, dân chúng phản ứng mãnh liệt, biểu tình phản đối khắp nơi trong khi đó nhà cầm quyền CS Hà nội chỉ phản đối chiếu lệ. Mới đây chúng còn sai “Sứ”Lê Hồng Anh sang xin “cầu hòa” để kết nối lại tình thân “16 chữ vàng”. Bọn chúng chỉ lo bảo vệ đảng, bảo vệ quyền lợi, địa vị cá nhân mà quên đi quyền lợi của đất nước. Thật là hèn nhát và khiếp nhược! Không biết chúng có còn là con người Việt Nam không? Vì nếu là con người lại ở vị trí lãnh đạo thì khi đất nước có ngoại xâm, tâm tình của chúng phải là tâm tình của Trần Hưng Đạo như trong bài “Hịch Tướng Sĩ”:
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.”
Vì Ngài không phải là loại người: “trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn” hoặc “nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước” như bọn cộng sản V.N hiện nay.
Vài hôm trước ngày khánh thành, chị M gọi cho tôi:
– Dự báo thời tiết cho biết thứ 7 sẽ nóng trên 100 độ đó!
– Nóng tới cỡ nào thì hôm đó tụi mình vẫn phải có mặt như thường.
– Đồng ý, nhưng nhớ lo chuẩn bị nón, dù, nước uống cho đầy đủ.
– Đúng rồi, dù có bị phơi nắng vài tiếng thì cũng đâu có ăn thua gì so với những người trong nước đang bị đánh đập dã man rồi bị bắt bớ giam cầm, tù đày vì dám yêu nước chống Tàu cộng.
Dựng tượng Đức Trần Hưng Đạo, ngay giữa khu trung tâm Little Saigon là một việc làm quan trọng và cần thiết, không phải chỉ cho thế hệ chúng ta mà còn cho thế hệ con cháu chúng ta sau này. Đó cũng là cách “Chúng ta đi mang theo Quê hương, mang theo lịch sử hào hùng bất khuất của cha ông”, hầu nhắc nhở thế hệ sau tự hào về truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của tổ tiên Việt Nam mà đại diện tiêu biểu là chính Đức Trần Hưng Đạo. Người đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông khi chúng sang xâm chiếm nước ta vào thế kỷ 13, đời nhà Trần. Sử sách xưa đã ghi nhận: “Mông Cổ là một dân tộc ở phía bắc nước Tàu. Người Mông cổ hung tợn, hiếu chiến, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, và có tài chiến đấu. Từ khi Thành Cát Tư Hãn lên làm Chúa Mông Cổ, vó ngựa của quân Mông Cổ đã dẫm nát nhiều quốc gia từ Á sang Âu. Chúng là đòan quân “bách chiến, bách thắng”, đi tới nước nào, nước ấy cũng cúi đầu thảm bại, nhưng chúng đã phải chùn bước trước tinh thần quật khởi, bất khuất, đoàn kết của người dân Việt Nam đời nhà Trần, mà Đức Thánh Trần Hưng Đạo là người đại diện xứng đáng cho tinh thần đó”. Dù nước ta nhỏ bé hơn nhiều nhưng đã từng đánh thắng quân Tàu xâm lược nhiều phen, nên dân gian xưa thường truyền miệng :
“Nực cười Châu Chấu đá xe,
Tưởng rằng Chấu ngã, nào ngờ xe nghiêng”.
Sáng thứ 6, đang trong tiệm tìm mua nón rộng vành để ngày mai đội che nắng, thì nhận được điện thoại con trai tôi ở Santa Monica gọi :
– Mẹ, sáng mai con đi công việc ở gần đó, con sẽ ghé về thăm mẹ nghen.
Tôi mừng quá, vội gật đầu liền, vì lâu rồi nó bận bịu công việc, rồi ngại kẹt xe, đâu có về chơi:
“Ừ, con về đi, mẹ sẽ làm món ăn con thích để chiêu đãi con”. Bỗng nhìn lại cái nón trên tay, tôi mới chợt nhớ ra:
– Quên rồi, sáng mai mẹ bận chuyện quan trọng, con ghé mẹ sau 12 giờ trưa nghen.
– Chuyện gì quan trọng dữ vậy mẹ?
Tôi lúng túng không biết nói sao, rồi đành nói thiệt:
– Mẹ phải đi tham dự lễ khánh thành tượng đài Đức Trần Hưng Đạo. Con thông cảm cho mẹ nghen.
Im lặng vài giây… “O.K. con sẽ đợi, rồi ghé mẹ sau 12 giờ trưa”. Tôi nghe mà mừng, vì biết không phải ai cũng cùng “tâm cảm” với mình nhất là với thế hệ sau.Tôi nhớ chiều qua khi đi bộ với bà hàng xóm, tôi kể sáng thứ 7 sẽ đi dự lễ khánh thành, bà bảo:
– Trời trưa nắng đổ lửa, đi chi cho khổ rồi sinh bệnh
Tôi giải thích lý do vì sao phải đi thì bà kết luận:
– Ôi, nhìn chung quanh coi được bao nhiêu người đi? Bà đi cũng vậy, mà không đi cũng vậy thôi! Đi chi cho cực thân.
Tôi ấm ức khi nghe bà trả lời, có lẽ số người nghĩ như bà cũng khá đông, rồi lẩn thẩn tự nhủ : không lẽ tôi là người : “thế gian ngủ cả, mình ta thức”? Chẳng lẽ nào! Tôi không tin như vậy.
Sáng thứ 7, tôi lo dậy sớm làm những việc linh tinh mỗi sáng vẫn làm, rồi lo lấy nón và áo T-shirt màu xanh có chữ “Đáp Lời Sông Núi” mà tôi có được từ lần đi biểu tình trước. Tôi phải lục tìm mãi mới ra nó, đem ủi ngay ngắn rồi treo sẵn sàng chuẩn bị để mặc ngày hôm nay. Nói tới vụ đi biểu tình yêu nước tôi lại nhớ tới câu hỏi mới đây của một học viên lớp ESL, nơi tôi dạy volunteer:
– Cô không tính về Việt Nam nữa sao? Mà vụ biểu tình yêu nước nào, em cũng thấy có mặt cô đầy đủ, khi em coi tivi tin tức thời sự
Tôi nghe mà giật mình : “Ủa, thiệt vậy sao? Cô đâu biết có chuyện đó!” Thực ra mỗi lần đi biểu tình, tôi luôn né tránh ống kính máy ảnh và truyền hình, không phải vì sợ mà vì không thích “chường mặt” ra nơi báo chí hoặc tivi. Có những việc mình cần làm thì phải làm, chứ không phải làm để cho mọi người thấy…
Tôi vội vàng ra xe vì nhớ lời chị M dặn: “Bà phải lo khởi hành cho sớm, tới đón tôi rồi còn đi đón bà L nữa. Lòng vòng ra tới Bolsa lo kiếm chỗ đậu xe, rồi còn đi bộ tới nơi hành lễ, chân thì đau không đi nhanh được.” Khi tôi tới nhà, thấy chị M đã đứng sẵn ngoài sân đợi,tay xách giỏ, tay cầm 2 cái nón lá, có gắn lá cờ VNCH và hàng chữ chống China. Lên xe chị bảo :
– Tôi chuẩn bị 2 cái nón lá, 1 cái cho tôi, 1 cái cho bà, bỏ cái nón của bà lại trong xe, đội cái này. Bây giờ đi đón bà L nhanh lên kẻo trễ
Tới nhà chị L, trong khi tôi trở đầu xe, chị M phải vô đón bạn vì chị L bị mổ đầu gối, nên đi rất khó khăn, phải dùng gậy 3 chân để chống, nhưng chị cũng quyết tâm đi hôm nay và năn nỉ xin đi theo. Như vậy mới biết khi lòng con người đã quyết, khó khăn nào người ta cũng sẵn sàng tự nguyện vượt qua.
Tới phố Bolsa, đậu xe xong rồi, chúng tôi lo lấy nón lá, áo khoác, gậy chống rồi cùng đi tới nơi hành lễ. Trên đường đi chúng tôi vui vì thấy bà con đang lũ lượt kéo về, gồm đủ loại người : già trẻ, lớn bé, khỏe mạnh hay ngồi xe lăn. Đến nơi hành lễ thì thấy khá đông người ngồi gần hết trước khán đài chính, nhưng may quá dãy ghế khu bên cạnh còn ghế trống. Có chỗ ngồi là quý rồi lại có nón, có dù, BTC lại chu đáo đã để sẵn 1 chai nước ở mỗi ghế, rồi sau đó còn phát cờ, phát báo Đặc San Đức Thánh Trần, lúc trời nóng quá, còn phát quạt nữa.
Các ông trong quân phục của các binh chủng QLVNCH đã có mặt đầy đủ từ lâu. Ông nào trông cũng oai phong, đẹp trai trong các bộ quân phục ( dù tuổi đời chắc cũng từ 6,7 bó trở lên. Có thể lòng yêu nước, niềm tự hào về dân tộc đã làm cho các ông trẻ ra chăng?). Tôi trông thấy một bé trai cũng mặc quân phục, đứng cạnh bố mẹ cũng mặc quân phục, đặc biệt là toán hầu kỳ với súng vác trên vai trông thật oai phong. Phía dưới khán đài các bà các cô cũng không kém, nhiều bà với những tà áo dài đẹp, lịch sự. Các chị Gia Long đằm thắm trong chiếc áo dài tím truyền thống, có chị còn diện nguyên một bộ từ nón lá tới áo dài mang màu sắc cờ VNCH. Ngoài ra đó đây là những chiếc nón lá, những chiếc dù mang hình cờ VNCH. Ai ai cũng ăn mặc đẹp, lịch sự trong ngày lễ khánh thành hôm nay, đúng là “Ngày Hội Của Lòng Yêu Nước”. Bây giờ tôi không còn cảm thấy lẻ loi, cô đơn như chiều hôm qua nữa. Chung quanh tôi vẫn có rất nhiều khuôn mặt thân quen, nhìn quanh thỉnh thoảng tình cờ lại thấy bạn bè cũ cùng trường xưa, cùng hội đoàn…chúng tôi không hẹn nhưng gặp lại nhau ở đây, vẫy tay chào nhau, cùng nhau ngồi ké chiếc ghế, che chung chiếc dù, mời nhau ly nước vì chúng tôi cùng gặp nhau ở một điểm chung:
“Tuy xa quê hương, bao năm tháng qua
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa”
Trên khán đài BTC đang giới thiệu các quan khách tham dự, ngoài các quan khách Việt Nam, còn có nhiều vị dân cử ngoại quốc ở địa phương.Các chị trong ban tế lễ thật xinh đẹp trong bộ quốc phục áo dài khăn đóng màu xanh dương đậm, rồi các chị trong các ban hợp ca CLB Tình Nghệ Sĩ, ban Tù Ca Xuân Điềm, ban hợp xướng Ngàn Khơi…ai nấy đếu mặc áo dài đồng phục rất đẹp, “Mỗi nhóm mỗi vẻ 10 phân vẹn 10”. Quả là chúng ta đi mang theo quê hương, mang theo những tà áo dài tiêu biểu cho nét đẹp VănHóa Việt Nam. Tôi nhìn thấy một nữ dân cử ngoại quốc cũng mặc áo dài và đội nón lá Việt Nam. Đúng là ngày hội của lòng yêu nước, nên ai cũng mặc đẹp nhất, trang trọng nhất để biểu tỏ lòng hân hoan và kính trọng trong lễ khánh thành tượng đài một vị anh hùng dân tộc.
Hai bên khán đài chính, một bên là bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo được viết phóng to lên để mọi người có dịp đọc lại những lời hào hùng bất khuất của cha ông chúng ta đối với giặc Tàu ngoại xâm. Một bên là hình ảnh tàu Nhật Lệ H.Q.10 (Hải Quân VNCH) đã anh dũng chiến đấu trong trận hải chiến chống bọn Tàu cộng xâm lặng (1974) để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Mới đây đọc tin trên báo nhân nói tới trào lưu “Selfie” đang phát triển mạnh khắp nơi trên thế giới kể cả VN, đặc biệt là trong giới trẻ, có một tin đáng chú ý: “Gần đây, có cô gái Việt Nam, để ngực trần, xâm trên cánh tay “Sát cộng”, cầm bảng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và “Đả đảo giặc Tàu xâm chiếm Biển Đông”, đứng biểu tình trước Tòa Đại Sứ Bắc kinh ở Hà nội. “Selfie” trong trường họp này mang nội dung vượt hẳn ý nghĩa thời trang.” (NTCM). Quả là một hành động yêu nước can đảm của giới trẻ trong thời đại mới “Selfie” ngày nay. Dân tộc Việt Nam thời kỳ nào, bất kỳ ở đâu, dù lứa tuổi nào cũng đều có những con người nghĩa khí, sẵn sàng thể hiện lòng yêu nước của mình không chút từ nan, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Ba hồi chiêng trống được gióng lên, báo hiệu phần nghi lễ bắt đầu: Quốc ca VNCH được cất lên, nhiều người cùng cất cao giọng hát Quốc ca, cảm động nhất là khi nghe một bà má già tóc bạc phơ, nhưng thuộc và hát Quốc Ca mạnh mẽ bằng cả con tim của mình.Sau phần nghi lễ dâng 4 báu vật của Đức Trần Hưng Đạo, tấm khăn vàng bọc che tượng được mở ra để mọi người có thể chiêm ngắm bức tượng của Ngài bằng đá cẩm thạch trắng với dáng đứng uy nghi lẫm liệt của một vị danh tướng. Ngài đã được công nhận là 1 trong 10 danh tướng của thế giới. Từng tràng pháo tay nổi lên reo mừng. Tiếp theo là phần dâng hoa và tế lễ, rồi tới màn đốt pháo mừng (Theo lời BTC có đến ½ triệu viên pháo). Tiếng pháo nổ rền vang cả khu phố Bolsa như báo tin vui : Từ nay đã có sự hiện diện của Anh Hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo ngự giữa cộng đồng Việt Nam trên xứ Mỹ. Ước gì các vị dân cử Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc và tranh đấu để đường Bolsa sẽ đổi tên thành đường Trần Hưng Đạo (nhiều thành phố ở các tiểu bang khác đã làm được việc này từ lâu) thì việc dựng tượng Ngài hôm nay sẽ thêm nhiều ý nghĩa hơn. Xin Ngài linh thiêng phù hộ cho uớc nguyện này sớm thành đạt.Hòa trong tiếng pháo nổ rộn ràng là sự xuất hiện của một đoàn lân : 6,7 con với màu sắc khác nhau, (từ nhiều đoàn lân khác nhau) cùng nhảy múa biểu diễn một lượt tạo nên không khí tưng bừng của ngày lễ hội. Theo thông lệ thì mỗi con lân biểu diễn một lần ở mỗi nơi khác nhau, nhưng ở đây tất cả đều cùng hòa nhịp múa vui chung biểu tỏ tinh thần đoàn kết dân tộc, như Đức Trần Hưng Đạo từng kêu gọi. Có một điều đáng ghi nhận là sau khi bức tượng được mở ra, nhiều người đã kêu lên thất vọng vì tượng quá nhỏ, đáng lẽ phải làm to như tượng Đức Thánh Trần ở Bến Bạch Đằng Saigon hay bằng người thật. Như vậy mới thể hiện được khí thế của một Dũng tướng, một anh hùng võ nghiệp từng chiến thắng lẫy lừng nhiều phen. Hãy nghe nhà thơ Nguyễn Du miêu tả anh hùng Từ Hải trong truyện Kiều: “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Rồi mai đây người ngoại quốc hay thế hệ con cháu chúng ta đi ngang nhìn vào sẽ tưởng lầm rằng anh hùng V.N ngày xưa đều nhỏ con như vậy, đúng là dân nhược tiểu, mất cả khí thế anh hùng. Do đó xin BTC vui lòng khắc phục khuyết điểm này càng sớm càng tốt vì thể diện của Anh Hùng Dân Tộc Việt Nam. Xin đừng tự ái, cái hay của người ở xứ tự do không giống như bọn CSVN hay cố chấp, là chúng ta khi thấy sai thì sửa chữa. Tôi tin là các mạnh thường quân và các nhà bảo trợ sẽ ủng hộ quý vị trong việc làm cần thiết này.
Trong phần biểu diễn múa trống của đòan Thiên Ân gồm các em học sinh trường trung học Westminter (đa số là gốc Việt) với nữ sinh mặc áo dài trắng, nam sinh áo dài đỏ nâu. Các em đã thu hút cảm tình của người tham dự với những tràng pháo tay không dứt qua những màn múa trống thật dẻo, thật nghệ thuật và công phu. Các em cũng chính là biểu tượng cho sức sống của thế hệ trẻ kế tiếp tham dự sinh hoạt cộng đồng. Sau đó là màn đồng ca của các ban hợp ca trên khán đài và cả người dân tham dự qua hai bản hùng ca nổi tiếng: Hội Nghị Diên Hồng và Bạch Đằng Giang. Tiếng hát vang vang cất lên giữa trời trưa nắng:
“Lòng dân Lạc Hồng nhìn non nước yêu quê hương
Giống anh hùng nâng cao chí lớn…”
Mọi cánh tay cùng giơ cao hạ quyết tâm:
Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
– Quyết Chiến!
Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
– Hy Sinh!
Buổi lễ khánh thành chấm dứt với cuộc tuần hành trên đường Bolsa với cả rừng cờ Việt Mỹ. Trong đó nổi bật hình ảnh bà má già tóc trắng với áo dài trắng, cổ quàng khăn len mang màu cờ VNCH dù trời nắng đổ lửa nói lên tinh thần “Diên Hồng” của bà má. Dòng người diễn hành giữa trưa nắng với hình ảnh bà má đáng phục. Đó chính là hình ảnh Bạch Đằng Giang của thời đại hôm nay giữa lòng phố Little Saigon thân yêu:
“Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung”
Phượng Vũ
Little Saigon
(Nam Sơn chuyển bài)