LÊ QUÝ ĐÔN : NHÀ BÁC HỌC – NHÀ GIÁO DỤC

Phạm Viết Hoàng

…..

IMG.870Ngày nay, chúng ta biết đến Lê Quý Đôn qua hai con người :

Con người huyền thoại

Con người bác học

Về con người huyền thoại: những mẩu chuyện về trí nhớ, trí thông minh tuyệt diệu của ông vẫn còn được kể lại với những cảm hứng say mê. Về con người bác học: Bùi Huy Bích, danh sĩ, học trò của ông, coi thầy mình “là người thông minh nhất đời”, “nước ta, trong mấy trăm năm mới có một người như thầy”, Ngô Thì Sĩ, trí thức nổi tiếng cùng thời, gọi ông là “lãnh tụ của nền đại học”…

Những năm gần đây, giới khoa học cho rằng, nhận định của ông Bùi Huy Bích không còn đúng nữa. Trí tuệ và kho tàng trí thức của Lê Quý Đôn xứng đáng là nhà bác học lớn nhất của Việt Nam, kể từ thế kỷ XVIII trở về trước, tức là hàng nghìn năm, chứ không phải là mấy trăm năm.

Từ trong di sản, người ta tìm thấy ở ông những cống hiến trên nhiều lĩnh vực khoa học : Triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điện học… Người đương thời khuyên nhau : “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” (thiên hạ có điều gì không biết, đến hỏi Lê Quý Đôn).

1- Lĩnh vực khoa học

Lê Quý Đôn quan tâm nghiên cứu đều là những bộ môn khoa học hiện nay được giảng dạy ở nhà trường : Văn học, lịch sử, địa lý, đạo đức, kỹ thuật nông nghiệp… Về điểm này, những nhà giáo dục của chúng ta hiện thời khó lòng theo kịp.

2- Sách của Lê Quý Đôn

Sách của ông đạt đến mức chuẩn xác và tinh lọc của sách giáo khoa. Những kiến thức về lịch sử, địa lý, thiên văn, nông nghiệp và kỹ thuật nông nghiệp của ông không những hơn hẳn thời trước đó và đương thời, mà cho đến nay vẫn còn giá trị. Đó chính là tính chất tiên tiến của sách giáo khoa.

Ví dụ :  Kiến thức về quả đất tròn, kiến thức về các châu trong lục địa… lần đầu tiên được ghi thành văn tự ở nước ta. Có những điều ông viết ra, ngày nay trở thành căn cứ khoa học để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (như ông viết về quần đảo Hoàng Sa).

3- Lê Quý Đôn viết sách

Ông viết sách theo sách biên soạn sách giáo khoa: đầu sách có lời tựa, hướng dẫn phương pháp sử dụng. Cách nghĩ, cách hiểu cho người đọc. Đi vào nội dung, mỗi câu trích dẫn, mỗi cảnh tượng ghi lại trên đường công vụ, mỗi sự tích anh hùng… nói đến cái gì, ông đều có lời bình luận, chú giải, nêu rõ quan điểm và nhận định của mình, giúp cho người đọc và học trò hiểu cặn kẽ. Nhờ học vấn uyên thâm, thế giới quan khoa học nhạy bén, tư duy linh hoạt, Lê Quý Đôn đã tạo được văn phong và ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc. Mỗi quyển sách Lê Quý Đôn đều thấy dáng dấp của một “Sử lý giáo khoa thư”, “Địa lý giáo khoa thư”, “Luân lý giáo khoa thư”

4- Đức tính làm sách giáo khoa của Lê Quý Đôn

Lê Quý Đôn có những đức tính quan trọng của người làm sách giáo khoa: Khiêm tốn, thận trọng, khách quan. Mỗi tri thức ông trình bày đều có nguồn gốc, nghĩa lý rõ ràng. Ông viết : “… biết rằng bình luận chưa được tinh tường, lịch duyệt chưa được rộng rãi, còn mong sau này tiến thêm nữa, may ra được thấy những việc chưa thấy, được nghe những việc chưa nghe, tập sách nào cũng là đầu mối lớn của việc học vấn ngôn hành, xin độc giả đừng coi như tiểu thuyết” (Tự Kiến văn tiểu lục – NXB Khoa học Xã hội 1977).

Một ví dụ về tính khách quan : Lê Quý Đôn làm quan triều vua Lê, chúa Trịnh, dĩ nhiên ông là thù địch của các chúa Nguyễn Đàng trong. Nhưng trong Phủ biên tạp lục, ông viết về những chúa Nguyễn rất công bằng, khen người đáng khen, chê người đáng chê. Ông viết về Nguyễn Hoàng, người sáng lập ra Nhà nước Đàng trong như sau : “Đoan cộng quân (Nguyễn Hoàng) có uy lực xét kỹ nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính trị khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân ; dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Nhân dân hai sứ thêm yêu tín phục, cảm nhân, mến đức, sửa đổi phong tục ; chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, của ngoài không phải đóng; thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”.

Các nhà soạn sách giáo khoa ngày nay, nghiên cứu về ông còn thấy nhiều điều bổ ích về phương pháp biên soạn :

– Hệ thống hóa các tri thức của người xưa và đương thời, có định hướng và ý riêng của mình.

– Có giới thiệu những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề.

– Cố gắng phản ánh những kiến thức mới gọi là “Tây dương”.

– Có phác họa lịch sử khái niệm hay sự vật, sự việc ở nước nhà.

5- Tuy là quan đại thần, ông không mang đặc tính nhà quan mà lại có cốt cách một  nhà giáo : sống giản dị, ăn cơm với cua đồng, uống nước lá lốt thay trà, mặc áo nâu, luôn gần gũi dân chúng, vui khi họ được mùa, lo khi họ thất bát. Nơi ở và làm việc của ông chứa đầy sách “bên trái đồ thư, bên phải điển tịch, thi thư triễu giá, sách vở đầy nhà, trước thuật giàu hơn người xưa, sưu tập rộng hơn sách phủ” (lời học trò của ông).

Trần Danh Lâm, bạn cùng thời, nhận xét rằng Lê Quý Đôn “không sách gì không đọc, không vật gì không xem xét đến cùng. Ngày thường ngẫm nghĩ đến điều gì đều viết thành sách. Sách chứa đầy bàn, đầy tủ, kể ra khôn xiết”. Phan Huy Chú viết : “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết hiền hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách”.

Cách đọc sách của Lê Quý Đôn rất nghiêm túc: “Đọc sách nên đọc văn bản cho kỹ, nhằm từng chữ một mới thấy thú vị, thấy chữ mà không hiểu thấu gì nghĩ cho kỹ, nghĩ không ra mới xem chú giải, như thế mới có ý vị”, “… khi gặp điều gì cảm xúc trong lòng, thường bỏ sách ra để nghĩ ngợi, đặt lòng mình về thời đại xưa, luôn luôn băn khoăn, cảm khái” (Vân đài loại ngữ).

Lê Quý Đôn là người quan tâm đến giáo dục toàn diện. Ông là người Việt Nam đầu tiên nêu rõ quan điểm và ý kiến của mình về nhiều mặt giáo dục: giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa khoa học, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục kỹ thuật, giáo dục gia đình và hôn nhân, giáo dục xã hội, giáo dục pháp chế, học đi đôi với hành… Trong bất cứ giáo dục nào, ông đều có ý kiến xác đáng và độc đáo.

Về giáo dục đạo đức, ông đề cập ở nhiều tác phẩm, như: Am chất văn chú, Dịch kinh phu thuyết, Kiến văn tiểu lục (phần Châm cảnh), Lê Quý Đôn gia lễ, Thánh mô hiền phạm, Thư kinh diễn nghĩa, (Vân đài loại ngữ (phần sĩ quy)…)

Về văn hóa khoa học, ông là người Việt Nam đầu tiên (?) viết sách kỹ thuật và đặt vấn đề giáo dục văn hóa khoa học: lịch sử, địa lý, kỹ thuật nông nghiệp, khí tượng, ngôn ngữ… một cách nghiêm túc và có hệ thống. Những điều ông viết ra là những điều ông đã nghiên cứu, khám phá và người đọc, người học luôn luôn phải cùng suy nghĩ với tác giả. Ông nêu ý kiến rất tiến bộ về giáo dục trí tuệ : “Học giả có ba sự nhiều – nghị luận nhiều – trước tác nhiều” (Thư mục Lê Quý Đôn – tr. 40 – Thư viện KHYH Thái Bình 1976).

Về giáo dục thể chất, ông là người có quan điểm giáo dục thể chất tiến bộ hơn hẳn người đương thời. Ông không chỉ chú ý “luyện võ” mà còn chú ý “bảo vệ đời sống cho lành mạnh, tinh thần trong sạch, cao cả, khoan khoái”, ngày nay ta gọi là vệ sinh thần kinh. Trong Thánh mô hiện phạm, ông dành hẳn một quyển bàn về vấn đề này.

Về giáo dục thẩm mỹ, Lê Quý Đôn quan tâm đến văn nghệ nói chung và âm nhạc nói riêng. Ông hiểu biết tất cả những tri thức âm nhạc từ thế kỷ XVIII trở về trước và tìm ra vẻ đẹp riêng của âm nhạc, một vẻ đẹp hài hòa, giản dị, không bắt chước: thế giới âm thanh phản ánh tâm hồn con người “thanh thấp do nhân tâm tĩnh mà không ganh đua, thanh cao do nhân tâm cấp bách mà thích ganh đua”, (Vân đại loại ngữ – tr.7 – NXB Văn hóa 1962).

Về giáo dục xã hội, ông chú ý mối quan hệ giữa người và người, những chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ đó, cách ứng đối, tiếp xúc, giao dịch với mọi người. Mỗi người cần có tình nghĩa bạn bè và tình nghĩa dân tộc (Thánh mô hiền phạm).

Về giáo dục gia đình, ông chú ý đến mối quan hệ trong gia đình, tình cảm và nghĩa vụ đối với nhau: con cái phải giữ đạo hiếu, phụng thờ cha mẹ; cha mẹ phải chú ý dạy dỗ con cái anh chị em, vợ chồng phải khuyên bảo nhau, phải sống có tôn ti trật tự (Thánh mô hiền phạm). Có thể nói, nội dung giáo dục gia đình ông đề ra rất tiến bộ : “Dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp” “biết sợ hãi mới thành người, biết hổ thẹn mới thành người, biết khó nhọc mới thành người” (Kiến văn tiểu lục). Rõ ràng ông chú ý đến giáo dục đạo đức và giáo dục lao động trong gia đình.

Ông quan tâm đến yêu cầu “học đi đôi với hành” và yêu cầu “tự giáo dục”. Ông viết : “Đọc sách một thước không bằng làm được một tấc”, “đọc sách không cần đọc nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng một chữ, thế là được”. Viết sách, đọc sách đối với ông “… trước hết là để tự răn mình, xét mình, tu dưỡng tính tình, cố gắng sao cho đến được chỗ ít lỗi lầm” (Âm chất văn chú). “Tôi ngu hè học kém, kính đọc lời dạy của thánh nhân, nghiên cứu truyện nghĩa của họ Trình, họ Chu, xét thêm những lời chú thích của tiên nho, có khi xúc động mà phát minh ra, nói thêm mấy lời, tất cả 5 quyển, chỉ cốt để sửa lấy tấm thân cho được ít lỗi lầm…” quả là không quá lời khi học trò viết về ông : “Thầy ta là… tinh túy của suốt nguồn học vấn, nhìn suốt nghìn xưa, lúc rảnh việc thêu trời dệt đất thì đem học vấn bồi dưỡng cho môn sinh…” (Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII – Ty văn hóa thông tin Thái Bình 1979).

Phạm Viết Hoàng

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm