Lễ Tưởng Niệm Anh Hùng Trần Văn Bá lần thứ 32

Văn Lan

IMG.100

Bàn thờ di ảnh anh hùng Trần Văn Bá. (Hình: Văn Lan)

WESTMINSTER, California  – Lễ tưởng niệm 32 năm anh hùng Trần Văn Bá hy sinh được tổ chức trong thể vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 8 Tháng Giêng, tại hội trường Warner Middle School, Westminster.

Truớc giờ khai mạc, từng nhóm các vị dân cử và đồng hương tiến lên trước bàn thờ người anh hùng vị quốc vong thân, thắp nén hương kính viếng.

Ban tổ chức gồm các ông Huỳnh Phổ, Nguyễn Hồng Liệt, Võ Văn Thiệu là những người bạn sinh hoạt cùng thời khi ông Trần Văn Bá ở Pháp.

Thay mặt ban tổ chức, ông Huỳnh Phổ giới thiệu ông Trần Ngọc Giáp, đến từ Pháp, đại diện Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Tại Paris và Phong Trào Tinh Thần Trần Văn Bá để nói sơ lược về anh hùng Trần Văn Bá.

Ông Giáp là người bạn đồng hành, luôn sát cánh cùng ông Bá từ khi còn du học tại Pháp và trước khi ông lên đường trở về Việt Nam kháng chiến cứu nước.

Ông Bá sinh năm 1945, tại Sa Đéc. Sau khi thân phụ ông, là ông Trần Văn Văn, bị Cộng Sản ám hại ngày 7 Tháng Mười Hai, 1966, ông được đưa sang Pháp tiếp tục con đường học vấn, tốt nghiệp cao học chính trị kinh doanh, làm trợ giảng tại đại học Nantes. Trong thời gian ở Paris, ông từng là chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris từ 1972 đến 1979.

Sau biến cố 1975, ông tiếp tục con đường đấu tranh chống Cộng Sản, dẫn dắt Tổng Hội Sinh Viên qua bao nhiêu nguy biến và thực hiện ý chí cương quyết của sinh viên qua chủ đề của đêm Hội Tết Bính Thìn 1976 “Ta Còn Sống Đây.”

Trong đêm này, lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới tung bay tại hội trường Maubert Mutualité và bài quốc ca VNCH hát trước hơn 2,000 đồng bào tại Paris.

Từ đó, ông bôn ba khắp Châu Âu, kêu gọi sinh viên Việt Nam cùng nhau tiếp tục công cuộc chiến đấu của chiến sĩ VNCH.

Đại Hội Sinh Viên Việt Nam Âu Châu ra đời, nối kết các sinh viên cùng chung chiến tuyến ở Châu Âu.

Trong bài diễn văn đêm Hội Tết, ông nói: “Vấn đề Việt Nam phải được giải quyết tại Việt Nam do chính người Việt Nam. Không cần ngoại bang, ông bà chúng ta vẫn tự chiến đấu giành lại được độc lập tự do, lịch sử đã chứng minh rất nhiều lần.”

Và ông đã thực hiện ý định khi âm thầm trở về nước năm 1982, sát cánh cùng những chiến sĩ chiến đấu trực diện với Cộng Sản để giành lại tự do độc lập cho Việt Nam.

Năm 1982, từ Sài Gòn, ông viết thư cho các thành viên Tổng Hội Sinh Viên: “Phần tôi cũng bình thản thôi, cực thì có nhưng tôi vẫn trọn vẹn với con người tôi, với quê hương nghèo đói. Con đường tôi chọn rất chông gai nhưng vẫn không chùn bước, dù sao tôi vẫn phải đi tới cùng.”

IMG.101

Chào cờ khai mạc. (Hình: Văn Lan)

Ông Bá đã nhiều lần xâm nhập quốc nội kháng chiến trong suốt bốn năm trời, ăn ở trong chiến khu. Trong một lần sa cơ, ông cùng đồng đội bị bắt tại tỉnh Minh Hải, vào Tháng Chín, 1984. Trong phiên tòa, Cộng Sản Việt Nam kết án tử hình ba người là Hồ Thái Bạch, Lê Quốc Quân, và Trần Văn Bá.

Ông Bá hiên ngang nhận lãnh bản án, không xin ân xá, không chối bỏ lý tưởng của mình. Ngày 8 Tháng Giêng, 1985, ông đền nợ nước ở tuổi 40.

Hiện nay ở Liège (Bỉ) có một bia tưởng niệm Trần Văn Bá với hàng chữ: “Anh hùng kháng chiến Việt Nam. Cộng Sản Hà Nội đã tử hình ngày 8 Tháng Giêng, 1985.”

Tại khu trung tâm sinh hoạt người Việt ở Falls Church, Virginia, có một con đường vinh dự mang tên ông và những vị anh hùng Việt Nam cận đại khác như Nguyễn Khoa Nam, Ngụy Văn Thà, Lê Nguyên Vỹ…

Ông được truy tặng Huy Chương Tự Do Truman-Reagan vào năm 2007.

Ông Trần Văn Bá nằm xuống đã 32 năm qua, hiến dâng đời mình cho lý tưởng tự do, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong ngày này, ở các nước Pháp, Bỉ, Úc, Hoa Kỳ, và khắp nơi là ngày giỗ ông. Các chiến hữu, các sinh viên ở Việt Nam đã âm thầm tưởng niệm ông, và tinh thần Trần Văn Bá mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho thanh niên thế hệ mai sau.

Phần văn nghệ của chương trình do cô Lữ Anh Thư, ái nữ cựu Trung Tướng Lữ Lan, điều khiển. Cô từng sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Paris do ông Bá lãnh đạo.

Năm 1980, khi ông Bá âm thầm trở về quê hương chiến đấu, có một chiến sĩ VNCH, bị đi tù cải tạo ngoài Bắc, đã trốn tù từ Bắc vào Nam, vượt biển ra hải ngoại, định cư tại miền Nam California vào năm 1985. Khi nghe tin ông Bá bị tử hình, người này đã viết lên một ca khúc để tưởng niệm ông.

Bây giờ, sau 32 năm chờ đợi, ông mới cơ hội trình diễn bài hát đó.

IMG.102

Quang cảnh buổi lễ. (Hình: Văn Lan)

Đó là ông Huỳnh Công Ánh, đến từ New Orlean, hát cùng tiếng đàn của nhạc sĩ Ngô Tín.

Tiếp theo là các em học sinh của trường Việt Ngữ, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, trình bày hoạt cảnh “Cô Gái Việt,” và em Christina hát bài “Hình Bóng Quê Nhà” với màn múa minh họa.

Tiếp nối chương trình, ông Võ Văn Thiệu giới thiệu bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, và hôm nay người đã hát bản quốc ca khi còn ở giai đoạn phôi thai, từ bài “Tiếng Gọi Sinh Viên” do sinh viên Lưu Hữu Phước đặt lời năm xưa, mà các sinh viên yêu nước đại học Hà Nội đã hát vang, được sinh viên y khoa Nguyễn Tôn Hoàng, trưởng ban văn nghệ, giao cho hai nữ sinh viên Phan Thị Bình và Nguyễn Thị Thiều đồng ca tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào ngày Chủ Nhật, 15 Tháng Ba, 1942.

Bài ca này cho thấy lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam trước cử tọa và thính giả người Pháp lúc bấy giờ.

Cụ bà Nguyễn Thị Thiều, nay đã 94 tuổi, lần này cũng có mặt tham dự lễ tưởng niệm anh hùng Trần Văn Bá.

Tiếp theo, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, diễn giả chính của buổi lễ, phát biểu.

Bà nói nhiều về những ưu tư làm thế nào để mở ra con đường sống cho Việt Nam ngày nay trước hiểm họa mất nước vào tay kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc. Những phương thức nào được vận dụng để mở ra con đường sống mới cho Việt Nam, cùng một thái độ khôn ngoan, áp dụng bí quyết mà tổ tiên để lại, đó là nung đúc tinh thần dân tộc Việt cho thế hệ trẻ trong nước và hải ngoại.

Bà cũng cho thấy ngay lúc này, tinh thần dân tộc, yêu nước đã dấy lên mạnh mẽ qua bao nhiêu phong trào trong nước, và người dân đang theo đuổi tinh thần Trần Văn Bá.

Bà cho rằng cần phải nêu cao tinh thần Trần Văn Bá qua khẩu hiệu mà ông đã đề ra “Ta Còn Sống Đây.”

Ban tổ chức cũng thay mặt Giám Sát Viên Andrew Đỗ trao tặng bà Ánh một bằng tưởng lục của Văn Phòng Giám Sát Viên.

Thu Vân chuyển bài

[Lãnh Vực]

Tìm Kiếm