Ross Gittins

MÔ HÌNH KINH TẾ THỨ BA

Nhiều người không hiểu rõ rằng loại Kinh Tế học  mà chúng ta nghe ‘rỉ rả’ từ các chính trị gia, thương gia, kinh tế gia và các nhà truyền thông sáng, trưa chiều tối mỗi ngày CHỈ là MỘT lối phân tích cách thức một nền Kinh Tế hoạt động mà thôi.

Hầu hết tất cả những gì chúng ta nghe nói đến, cái này sinh ra cái nọ  đều được gợi hứng từ mô hình Kinh Tế  có tên là ‘Tân Cổ Điển’ (neoclassical). Từ lâu, nó là mô hình đã ngự trị trong Kinh Tế học nhằm  giải thích tại sao các việc đã xảy ra như vậy  cũng như tiên đoán điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Nhưng nó không phải là cách giải thích duy nhất. Và ‘còn lâu’ nó mới dám tự nhận là không sai lầm!

Môn Kinh Tế quy ước này giảm trừ mọi sinh hoạt kinh tế vào những gì xảy ra trong giới hạn của Thị Trường. Nó còn thu hẹp thêm nữa các giao dịch của thị trường vào việc ấn định giá cả, với giả thiết rằng những biến động của giá cả tương đối là nguyên nhân chính yếu đầu tiên ảnh hưởng đến thái độ của giới sản xuất và tiêu thụ. Bằng cách này, nó trừu tượng hóa vai trò của các thể chế – có thể đó là các tổ chức, luật pháp hay quy ước- trong việc ảnh hưởng đến tập tính (behaviour) của thị trường, dẫn đến hậu quả là các Kinh Tế gia thường  sai lầm trong những Chính Sách được họ đề nghị.

Chẳng hạn, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản, nhiều Kinh Tế gia thúc dục các nền kinh tế Chỉ Huy trước đây chuyển ngay lập tức sang kinh tế Thị Trường. Vì ở các xứ này  hiếm người  biết đến tập tính (behaviour) của một nền kinh tế thị trường, nên hậu quả dẫn đến là cả một Thảm Họa.

Chỉ sau khi các hoạt động kinh tế co rút lại một cách ‘dữ dội’ thì các nhà Kinh Tế mới hiểu được rằng quả là điều ngây thơ  khi cho rằng Thị Trường có thể được tạo ra từ con số không.

Sau đây là một thí dụ về cách thức mà các mô hình kinh tế khác nhau rút tỉa ra những kết luận khác nhau từ cùng một vấn đề, qua một chủ đề rất được giới Kinh Tế gia ưa thích tạm dịch là “Bi Kịch của việc Quản Trị Đất Công” (= The Tragedy of the Commons).

Đó là những tình cảnh xảy ra  khi mà một mảnh đất được nhiều nông dân xử dụng để nuôi súc vật. Mà hậu quả có lẽ là mảnh đất sẽ bị lạm dụng nên đưa đến tình trạng thoái hóa của nó về phương diện mầu mở

Nếu nhìn từ lề lối suy  tư của các Kinh Tế gia, thì  đó là một vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Bởi vì không một ai sở hữu mảnh đất chung này, do đó không có ai có động lực kinh tế để chăm sóc nó. Thực vậy, động lực của mỗi cá nhân trong trường hợp này là mong tới phiên mình và sẽ xử dụng nó tối đa trong mức có thể trước khi tới phiên người khác.

Vì nó là sở hữu của mọi người nên trong thực tế không có ai sở hữu nó cả- và đó là vấn đề. Do đó đa số Kinh Tế gia cho là điều hiển nhiên ở đây là phải cấp quyền sở hữu tài sản cho Tư Nhân.

Còn cái gì được cấp  và được cấp như thế nào không quan trọng. Điều quan trọng là một khi ai đó sở hữu tài sản, thì người đó sẽ có động lực kinh tế trông coi nó và ngăn chận tình trạng thoái hóa xảy đến. Và hầu như chắc chắn, người này vẫn tiếp tục để các người khác xử dụng tài sản này. Nhưng lẽ dĩ nhiên với một cái giá phải trả. Điều này ngăn chận sự lạm dụng cũng như cung cấp cho người sở hữu phương tiện cũng như động lực trong việc gìn giữ tài sản trong tình trạng tốt đẹp.

Thưa rõ ràng quá mà phải không ?! Lẽ dĩ nhiên, cũng có một vài người quan niệm rằng giải pháp là để chính quyền tiếp quản tài sản chung, bảo trì nó và cấp phát sự xử dụng nó trên nền tảng công bằng. Tuy nhiên, có một phụ nữ không được huấn luyện thành Kinh Tế gia tỏ ra bướng bỉnh và không bị thuyết phục bởi lối phân tích rành mạch vấn đề của giới Kinh Tế gia. Bà này nghĩ rằng có một giải pháp tốt đẹp hơn thế – nếu quả thật có vấn đề ở đây.

Đó là bà Elinor Ostrom, Giáo Sư Chính Trị Học tại Đại Học Indiana đã dành phần lớn quảng đời hoạt động nghề nghiệp của Bà để ‘lùng kiếm’ khắp thế giới những thí dụ về các trường hợp mà người dân tìm cách khuếch trương các phương cách điều hòa  cách xử dụng  các tài nguyên chung, mà không cần dùng đến cả lý thuyết về các quyền xử dụng tài sản tư nhân lẫn thuyết lý về sự can thiệp của chính quyền.

Theo tài liệu và sự ghi nhận của tờ báo ‘Economist’, Bà Elinor Ostrom đã tìm thấy những thí dụ liên quan đến các khu rừng ở Nepal, hệ thống tưới nước ruộng đất ở Tây Ban Nha, các làng mạc tại Thụy Sĩ và Nhật, công nghiệp nuôi cá, đánh cá tại Maine và Indonesia.

Trong tất cả các trường hợp nêu trên, người dân đã thảo ra những quy tắc có tính cách hợp tình hợp lý hầu tham gia vào các tài nguyên chung cũng như phối hợp với nhau nhằm thực hiện công việc tu sửa một cách đều đặn. Người nào vi phạm quy tắc chung  sẽ bị phạt hoặc loại trừ ra khỏi nhóm.

“Các Sơ Đồ có tính cách Tương Liên (mutual) và thuộc loại giao liên với tính cách ‘đảo đi đảo lại’ (reciprocal). Và trong nhiều trường hợp đã đạt được những thành quả tốt đẹp trên nhiều thế kỷ” Tờ ‘Economist’ viết

Cho công lao khó nhọc của Bà, Elinor Oshrom vừa mới qua đời tháng rồi, đã được tưởng thưởng giải Nobel 2009 về môn Kinh Tế học và là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng loại này trong bộ môn Kinh Tế. Ít nhà Kinh Tế biết đến tiếng  tăm cũng như mô hỉnh kinh tế  của Bà.

Tại sao giải đáp loại trên  cho vấn đề liên hệ chưa bao giờ được giới Kinh Tế gia xét tới ? Là vì do giả thiết mặc nhiên mà họ dựa lên trong việc lập thuyết là chúng ta chỉ luôn luôn  hành động trong tư cách một Cá Nhân, chứ không bao giờ trong tư cách một Công Thể cả. Chúng ta chỉ  cạnh tranh , chứ chưa bao giờ biết cộng tác  với nhau để giải quyết các vấn đề trên căn bản Hỗ Tương (mutual).

Và vì dựa trên giả thiết rằng mọi lợi ích đến từ  Thị Trường đều qua ngả Cạnh Tranh , do đó sự Cộng Tác nếu có giữa giới sản xuất với nhau theo họ, rất có thể  là một thủ đoạn nhằm lũng đoạn thị trường nên bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Cộng đồng đang trả một giá rất đắt khi chỉ cho phép một mô hình Kinh Tế duy nhất thống trị trong cách thức chúng ta suy nghĩ và nhận lời khuyên bảo trong lãnh vực này      


Ross Gittins

CHÚ THÍCH

(1) Ross Gittins, “Economic Models can Be Too Neat For Reality“”, The Saturday Age, 09/07/2012, Melbourne, Úc

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm